Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

âm nhạc buồn/ hồi ký văn chương: trần quý phiệt -- gio-o.com/


Qui-Phiet Tran  [ 1937-     ]    -- Wikivietlit
Qui-Phiet Tran, June 2009, courtesy of the author

QUI-PHIET TRAN , literary critic and translator, is Professor Emeritus of English
at Schreiner University. ... He has published essays and books reviews on American culture and literature, Vietnamese literature and Asian- American literature in Literature
Esat & West, Journal of the American Association of Texas, New  Orleans Review, American- American Writers Studies in Short Fictions, Michigan Quarterly Review, 
and elsewhere  ...     ( VNLP  VIETNAM LITERATURE PROJECT)

ÂM NHC BUN
trần qúy phiệt

hồi ký văn chương

Sau khi rời thư viện tôi tản bộ dọc theo vĩa hè khu phố Đại học Texas. Chiều thứ bảy nơi này trông giống như ngày lễ hội  những sinh viên như tôi không muốn bỏ qua. Họ đến đây để thư giản và vui chơi sau một tuần học hành mệt nhọc. Những người bán hàng, đa số là những sinh viên có gia đình, cố tăng thêm ngân sách gia đình bằng cách bày bán những tranh vẽ, đồ thủ công, vật dụng linh tinh, v.v. Các quán bán thức ăn Mỹ và nước ngoài chỉ cách một con đường với giá hạ sinh viên không tìm thấy ở đâu khác. Tăng thêm sự phong phú văn hóa ở Đại học Texas là những màn vũ do một số người thuộc giáo phái Hare Krishna. Màn trình diễn mới lạ và màu sắc sặc sỡ nhưng không gây được nhiều chú ý có lẽ vì các người thuộc giáo phái này có lối ăn mặc và truyền đạo kỳ lạ. Đứng trước nhà sách (Co-Op Store) gần đó là một gã râu tóc bù xù đang chơi một bản concerto của Beethoven. Rõ ràng là người nghệ sĩ đó biễu diễn để kiếm sống (dưới chân anh ta rãi rác năm mười đô la có lẽ là tiền thưởng của người xem), nhưng tuyệt không có dấu hiệu gì chứng tỏ anh ta xem nghệ thuật của mình là việc tầm thường. Anh hoàn toàn đắm mình vào tiếng nhạc của anh tựa như một nghệ sĩ độc tấu trong một buổi hòa nhạc chính thức. Chính vào lúc tôi cảm thấy sung sướng và biết ơn được sống ở Mỹ, hoàn toàn quên hẵn tôi là ai và những gì đã xảy ra đến tôi gần đây, bất ngờ một cơn đau nỗi lên, lan khắp thân thể, khiến tim tôi co thắt. Những tưởng cơn đau này đã qua vì từ lâu tôi không cảm thấy nữa, nay bỗng tái hiện tấn công tôi dữ dội. Đó là cơn đau cũ nhưng nay trở nên phức tạp hơn. Nó liên hệ đến cảm giác hổ thẹn khi nhận ra rằng tôi chỉ là kẻ lưu vong miễn cưỡng, không phải là một người được tham dự vào dòng chính của nước Mỹ. Cơn đau đến từ cảm giác tội lỗi vì đã quên gia đình tôi, nhất là mấy đứa con nhỏ của tôi đang đói khổ ở quê nhà trong lúc cha chúng là giảng viên  Đại học và đang hưởng một cuộc sống thoải mái.

Ngay khi cơn sốc đã qua, tôi nhận thấy cơn đau xảy đến khi tôi nghe người nghệ sĩ độc tấu bản nhạc Beethoven. Tôi biết cơn đau dù sớm hay muộn thế nào cũng xảy ra vì nỗi buồn của tôi dầu tiềm ẩn nhưng luôn nhức nhối và chất chứa lâu ngày sẽ bộc phát dữ dội một khi bị kích thích. Tiếng nhạc hôm nay làm cơn đau  đến nhanh hơn.

Giống như những người sinh trong thời tiền chiến thanh bình, tôi đắm mình trong âm nhạc từ lúc bé thơ. Trước hết, trong vô thức của mọi trẻ thơ từ thuở nằm nôi đều có in vết ấn sâu đậm của âm nhạc, và tôi cũng không phải ngoại lệ. Khi nghe mẹ tôi ru em gái tôi ngủ bằng những bài ru em phát xuất từ Bình Định, tôi bỗng nhiên cảm thấy chúng rất quen thuộc và có thể hát thuộc lòng vài đoạn theo mẹ tôi. Mẹ tôi bảo tôi bà thường ru tôi ngủ bằng những điệu hát ấy. Như vậy có phái là tôi đã từng nghe khi nằm nôi và ghi nhớ lời ru của mẹ trong vô thức? Giọng mẹ tôi uốn láy, nặng và chậm, nhưng linh hoạt và nhịp nhàng (đặc biệt của giọng phụ nữ Bình Định) có thể làm cho đứa bé đi vào giấc ngủ nhanh, trong khi giọng ngâm Đường thi của cha tôi kéo dài và buồn thường đưa tôi ra khỏi thế giới hiện thực—tức cuộc đời của ông, đánh dấu bằng đau buồn và nhiều nỗi u hoài—đến thế giới mộng mơ chỉ có trong thơ. Vì phần lớn thời thơ ấu tôi sống với Cha và vì mỗi tối Cha thường ngâm thơ ru tôi ngủ, âm nhạc này đã nuôi sống tôi. Tôi lớn lên với tiếng ru và tình thương của Cha. Quan trọng hơn nữa, đắm mình một thời gian dài vào loại âm nhạc đó làm nẫy sinh trong tôi lòng yêu thích văn chương, nhất là thơ, sự quyến luyến sâu đậm đối với Việt Nam, đặc biệt là làng quê của cha tôi, và sự mê đắm không thể cưỡng lại được đối với thế giới huyền bí. Ngày nay những yếu tố ấy vẫn còn tồn tại trong tôi. 

Lòng yêu nhạc và thơ của tôi ngủ yên sau khi tôi lập gia đình. Tuy tiếp tục sống với chúng tôi, cha tôi không còn ngâm thơ nữa. Mãi lo xây dựng tương lai, tôi đánh mất thiên đường mà không biết. Ba năm vùi đầu vào việc theo học chương trình Fulbright và hai năm sống trong cơn ác mộng sau năm 1975 chắc chắn không phải là thời gian tốt cho việc giải trí và thưởng thức âm nhạc.

Lòng yêu âm nhạc của tôi sống lại hôm nay do cuộc tiếp xúc ngắn ngũi với điệu nhạc của Beethoven trên khu phố đại học. Tôi không hiểu sao bản concerto có thể hớp hồn tôi lâu đến thế mặc dù tôi không am hiểu Beethoven và âm nhạc cổ điển. Trên đường đi về phòng trọ điệu nhạc ấy theo tôi. Một lúc sau không còn nghe nữa, nhưng tôi vẫn nghe và cảm thấy âm thanh vang dội của nó. Một làn sóng buồn rầu vô hạn dâng lên trong lòng tôi. Sự hấp dẫn kỳ lạ của bản concerto của người nghệ sĩ vô danh biễu diễn trên hè phố khiến tôi kinh ngạc sửng sốt. Nhìn nét say sưa trên khuôn mặt người xem tôi thấy bản độc tấu tạo ra những phản ứng khác nhau tùy theo trạng thái tình cảm của họ khi nghe tiếng nhạc. Không ai mô tả sức mạnh của âm nhạc cổ điễn—khả năng tháo phóng những tình cảm chất chứa lâu ngày trong tâm hồn con người—bằng nhà văn Marcel Proust. Trong tiểu thuyết Swann in Love (Swann khi yêu) Proust mô tả hai phản ứng khác nhau của nhân vật chính Swann đối với câu nhạc ngắn (la petite phrase) trong bản sonata  của Vinteuil. Trước hết, Swann coi đó là một tấu khúc ca ngợi tình yêu khi Swann mới gặp nàng Odette, nhưng sau đó tấu khúc trở thành một sự dày vò đau đớn khi Swann khám phá Odette đã phản bội mình. Nhạc Beethoven làm sống dậy sự đau buồn tôi cố đè nén nhưng thất bại khi tôi sống buông thả hay cố tìm lãng quên thực tại đớn đau trong giấc ngủ. Nhưng nỗi buồn lúc này không giống nỗi đau buồn dày vò tôi cách đây hai năm. Mặc dù khúc nhạc Beethoven không dìu tôi vào giấc ngủ tuổi thơ như giọng ngâm thơ của cha tôi, nhưng cũng giúp tôi thăng hoa nỗi đau buồn, giảm bớt những hệ quả tai hại của nó, khiến cho nỗi buồn không những có thể chịu đựng được mà còn dễ chịu. Đó chính là cái thú đau thương mà Lamartine và các nhà thơ lãng mạn Pháp thường nói tới. Bản thân tôi cũng đã tìm cách lãng quên đau buồn trong chốc lát bằng cách vùi đầu trong công việc và trong văn chương trong suốt hai năm nay. Nhưng hôm nay lần đầu tiên âm nhạc tạo ra trong tôi một cảm giác lý thú—buồn và êm đềm—giống như một em bé thổn thức khóc được mẹ dỗ dành. Khi xoa dịu một linh hồn đau khổ, âm nhạc có hiệu quả lớn hơn nghệ thuật hay văn chương bởi vì những âm thanh chửa lành của nó có thể nhanh chóng thấm vào những chỗ sâu kín của tâm hồn. Điều tôi khám phá hôm nay sau khi nghe người nghệ sĩ biễu diễn bản concerto của Beethoven là trong giai đoạn này của đời tôi, tôi không thể sống thiếu âm nhạc, nhất là âm nhạc buồn. Âm nhạc buồn khơi dậy những tình cảm, hoài niệm đã bị chôn vùi lâu năm trong lòng, kích động những giọt nước mắt hối hận của con người. Âm nhạc này làm tôi buồn nhưng cũng đem đến tôi một niềm vui—niềm vui được biết rằng tôi không lãnh đạm với hoài niệm quá khứ và với những người tôi yêu thương. Âm nhạc buồn là âm nhạc ngọt ngào nhất trên đời.   []
                                      
trần quý phiệt
 chuyển ngữ từ Pangs of Memory and Love, cùng một tác giả).
-------------------
 - giáo sư Trần quý Phiệt nguyên là giáo sư [thỉnh giảng] văn chương tại đại học Schreiner University , Texas . Ông là anh ruột của nhà văn Trần Hoài Thư. Pangs of Memory and Love là hồi ký văn chương viết bằng Anh ngữ. Bản Việt ngữ trên là một trong vài trích đoạn được chính tác giả chuyển dịch và đặc biệt gửi tặng độc giả Gió Otheo lời yêu cầu của chủ biên Lê thị Huê. 
Gió O rất hân hạnh đón nhận những trích đoạn từ tập hồi ký văn chương đặc biệt này của giáo sư Trần quý Phiệt .
-----------------------
© gio-o.com 2017

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ