Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

đọc thơ MỴ/ bài viết: hà bỉnh trung-- source: cỏ thơm magazine

đọc thơ cao mỵ nhân
hà bỉnh trung


Được biết tác giả Thơ Mỵ [Thơ MỴ II , xuất bản ở Hoa Kỳ] là một hội viên trong thi-đoàn Quỳnh Dao, một hội thơ phụ nữ danh tiếng trong hậu bán thế kỷ XX, với các nữ sĩ Cao Ngọc Anh, Đào Vân Khanh, Mộng Tuyết, Vân Nương, Tôn Nữ Hỷ Khương, Quỳ Hương, Uyển Hương, Tuệ Mai, Tuệ Nga v.v. -- tôi đặc biệt chú ý đến những bài thơ Đường luật của Cao Mỵ Nhân; vì thể thơ này đòi hỏi người viết phải có một kỹ thuật cao, thông suốt đường luật cận thể, như bố cục bài thơ với các bộ phận: Đề, Thực, Luận, Kết mà ngày nay ít người còn thích và còn biết làm. Cao Mỵ Nhân đã làm hơn 10 bài Đường luật, hầu hết đều nghiêm chỉnh và hay.

 Tôi xin trích dẫn một bài sau đây:

Trên đường tị nạn

Bến cũ bờ xưa khách đợi thuyền
Người đi năm tháng đã an nhiên
Quê hương vẫn muộn sầu bao nỗi
Đất nước còn sông núi mấy triền 
Tị nạn nhớ hoài tên Lạc Việt
Di dân quên bẵng chuyện Rồng Tiên
Tha phương càng thẹn đời chinh chiến
Bạn có cùng ta gánh tủi phiền

Về thể thơ lục bát, Cao Mỵ Nhân viết nhiều bài hay, gieo vần chỉnh, tiết điệu nhịp nhàng làm tăng nhạc tính, dễ gây cảm xúc. Nhà thơ cũng biết sở trường của mình, nên đã viết đến 36 bài lục bát, tức là hơn một phần ba tổng số bài thơ lục bát để chứng minh nhận xét đó; trích trong bài Dấu chân cát lở (trang 118):

Bến chiều bát ngát trời không 
Hoang liêu quá chợt mênh mông nỗi niềm
Sông im lặng, thoáng ưu phiền
Bờ xa cát lở chân mềm phiêu-du
Độc hành viễn phố đêm thu 
Cành cao quạ đậu mờ lu trăng tà
Giữa đường vẫn chỉ riêng ta
Bâng khuâng mây nổi nẻo xa mịt mù.

Tôi vừa nói đến phần kỹ thuật, tức là cái tài làm thơ của Cao Mỵ Nhân. Nhưng nói về tài làm thơ thôi, thì thực không đủ. Bởi vì, tôi nhớ có một nhà văn Pháp đã nói: 'Nghệ-thuật chỉ làm được thơ mà thôi. Riêng tâmhồn mới là thi sĩ'. (L’art ne fait que de la poésie. L’âme seule est poète.)
Nói như thế, tức là muốn hỏi Cao Mỵ Nhân đã biết làm thơ rồi, nhưng thơ của họ Cao có hay không chứ?

Ông George Pompidou, một giáo sư tiến sĩ, sau trở thành tổng thống [Pháp quốc] có nói:
 'Khi một bài thơ, hoặc chỉ một câu thơ mà gây được cho người đọc một cái gì xúc động, kéo họ ra khỏi con người họ, đưa họ vào cõi mộng, hay làm cho họ tự hạ thấp tới mức phải so sánh mình với con người và định mệnh, được như thế thì thơ mới thành công'. (Lorsqu’un poeme, ou simplement un vers provoque chez le lecteur une sorte de choc, le tire hors de lui-même, le jetant dans le rêve, ou au contraire le contrait à descendre en lui plus profondément jusqu’à le confronter avec l’être et le destin, à ces signes se reconnait la réussite poétique.)

Qua những ý kiến nêu trên, mà tôi hoàn toàn tán đồng, tôi nghĩ khi một người làm thơ mà có cảm xúc thực sự ở trong lòng, thì viết nên được những bài thơ, hay những lời thơ làm người đọc cũng xúc động. Nghĩa là có được những bài thơ có hồn.

Đọc thơ Cao Mỵ Nhân, tôi nhận thấy có hai trạng thái tâm hồn trong người họ Cao. Khi thì là một nữ nhi mềm yếu, một người tình yêu nồng nàn say đắm, trìu mến, dịu dàng, lãng mạn. Khi trở thành một con người cương nghị, một chiến sĩ hào hùng, theo một lý tưởng cao đẹp mà nhà thơ thường ấp ủ, đối với quê hương đất nước. Trong bài Bịn rịn, Cao Mỵ Nhân viết:

Anh về có gặp mưa không
Hồn thơ ướt át phải hong mấy ngày
Tại sao chẳng ở lại đây
Để em khép chặt vòng tay nuông chiều 
Hay là anh sợ em yêu
Si mê, say đắm những điều gần xa
Bởi vì chỉ có đôi ta
Giữa trời mưa gió ngợi ca tình buồn.
Trong bài Phận Mình (trang 78), nhà thơ than thở: 
Ta nằm đo cánh thời gian
Thấy như ngày tháng miên man, bồng bềnh.
Ta tìm riêng một cõi mình
Thấy bao nhiêu nỗi u tình, ngẩn ngơ
Người ta đang phá bỏ lầu thơ
Ta che ngọn gió thổi lùa tứ bay
Tưởng rằng đã lỏng vòng tay
Hóa ra vẫn xiết chặt cây vào lòng.

Trong thơ Cao Mỵ Nhân, có những phút vui tình tự rất thơ mộng:

Chiều tắt nắng cỏ cây chìm cõi mộng
Chúng ta về tổ ấm đợi trăng lên 
Giờ tự tình sao cứ hẹn khi đêm
Như muốn đấu người yêu vào bóng tối.

Bước xuân đi lang thang trong cỏ nội
Khép mi chờ, nghe ngóng tiếng chân xa
Bỗng tim mình chung nhịp đập hoan ca
Anh nói nhỏ: “Đúng rồi tình yêu đấy!”

Hai người tình gặp nhau, cùng vui hưởng hạnh phúc bên nhau, nhưng vẫn nghĩ đến giờ chia tay vì phận sự, vì công việc, vì nhiệm vụ, nên dù vui mà vẫn nhỏ lệ:

Im lặng nhé, bởi vì anh vừa thấy
Lời thơ em đọng lại giữa môi anh
Và thời gian dừng lại rất mong manh
Nên gìn giữ nâng niu từng chốc lát

Anh biết chắc, mai đây em sẽ khóc
Dù chúng mình hạnh phúc vẫn trong tay
Tháng năm dài hò hẹn chẳng đơn sai
Mà vẫn khiến lệ vui tràn khóe mắt
(Giờ Tự tình – trang 71)

Thơ tình của Cao Mỵ Nhân, khi vui, khi buồn, khi say đắm thật, nhưng tương đối ít gây cảm xúc lâu dài. Nó chỉ thoáng qua như một cơn mưa trong một ngày buồn. Nó bị lấn át ngay vì những bài thơ khác đầy hồ nghi, chán chường. Từ những câu như:

Bên nhau đã biết bao lần
Mà không tránh được một lần chia xa.
Đến những câu hồ nghi:
Lạ chưa mình vẫn là mình
Sao thiên hạ bảo là tình đơn sai?

Và tiếc nuối:
Chị ơi tóc bạc màu thêm
Mà tình yêu cứ nõn mềm như tơ
Vòng tay ấp ủ mộng mơ
Từ hoa niên đến bây giờ cho ai
Vẫn trong tha thiết u hoài
Vẫn yêu thương đến tuyệt vời phải không.
Và đi đến chán chường:
Nửa đường rong ruổi lênh đênh
Rừng xa biển rộng nỗi mình đã quen.
..............................
Ô hay, đã gọi ước ao
Thì xuân cùng với chiêm bao khác gì
Nước non ai hẹn trở về
Để ta trông đợi, ai thề với ai.

Thế rồi, con người chiến sĩ, cương nghị, tự tín, tự thắng, đôi khi trở lại, chế ngự con tim nhi nữ, với những lời thơ hào sảng:

Chiến mã một lần qua 'Dịch Thủy'
Bâng khuâng thương nhớ bạn đồng song
Hình xưa, kiếm khách vờn tâm trí
Vô nghĩa muôn năm bóng ngựa hồng.
Phế cuộc, hay là non ý thép
Lửa tàn, ma lực giục hồi quân
Bỗng tan cờ xí trên đường chiến
Xa, mã cuồng quay... hận kỷ nhân.
(Dõi cuối trời xa – trang 109)

Nhà thơ đã bỏ qua một dĩ vãng xa xưa và cố quên thiên tình sử cũ:

Thuở làm thơ đã xa xưa
Bây giờ bàng bạc như chưa biết vần
Rời trường trong nỗi phân vân
Một tay cầm súng, tay cầm bút hoa
Đốt thiên tình sử vừa qua
Hôm nay em viết bài ca anh hùng.
Chợt nhìn ra chốn mênh mông
Thấy hiu quạnh cả non sông, tâm hồn.
(Vời vợi – trang 65)

Bây giờ hình như nhà thơ chỉ yêu về quê hương đất nước, Cao Mỵ Nhân viết:

Hỏi em: ngày tháng thong dong
Có buồn khi vắng anh không đến tìm 

Và trả lời:
Em cười: Tổ quốc trong tim
Buồn không chia sẻ nỗi niềm với ai

Và tiếp:
Người đi đánh thức bình minh
Ta đang ôm khối u tình nước non
Gọi ta nhốt nắng trên cồn
Cho ta sưởi ấm mảnh hồn thương đau.

Tất cả tâm tư, buồn tuổi, chán ngán tình đời, và thời thế hình như đã được Cao Mỵ Nhân biểu lộ trong bài Chính Khách Thi sĩ và Tượng đá.
(Tượng người chiến sĩ ở Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa).

Hình như chính khách làm thi sĩ 
Cũng dễ như đang ở chính trường
Thi sĩ một thời mê chiến sử
Đã từng lập quốc dựng ngôi vương.

Thuở nay ai giúp người thiên hạ
Xây mộng công hầu giữa nhiễu nhương
Chính khách trầm ngâm xem tượng đá
Ra đi hay đứng lại bên đường.

Tượng đá suy tư, buồn nhỏ lệ
Giọt sầu tan nát cả hoa thơ
Người ơi, thà chẳng là chi cả
Đỡ phải băn khoăn với đợi chờ.

Qua những bài thơ trích dẫn trên, người đọc cũng thấy bùi ngùi, xúc động, muốn chia sẻ những nỗi buồn đau, chán chường với tác giả. Thơ mà gây được xúc cảm là thơ có hồn, vì tác giả thành thực với lòng mình và có cảm xúc lúc làm thơ. Dĩ nhiên, không phải bài thơ nào của Cao Mỵ Nhân cũng đều đạt cả. Nhưng tôi nghĩ một thi tập 100 bài thơ mà có được vài chục bài được độc giả yêu thích, thì cũng có thể nói là tác giả đã thành công.

Tôi kết luận là tác giả Cao Mỵ Nhân có tâm hồn thơ. Và, thơ của chị có hồn, có gây cảm xúc cho người đọc.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quí vị nhà thơ Cao Mỵ Nhân và tác phẩm THƠ MỴ.
[ thơ MỴ II/ Duy Lam xuất bản ở Hoa Kỳ].


hà bỉnh trung
(từng là chủ bút nguyệt san Quê hương
 (chủ nhiệm: Bùi đức Thịnh) ở Hà nội , thập niên 50s.)

source: cỏ thơm magazine

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ