Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

hôm nay tao đi học + .../ bùi bảo trúc (thư gửi bạn ta) / gio-o.com

HÔM NAY TAO ĐI HỌC
                       Bùi Bảo Trúc

Hôm nay là hết những ngày lang thang bẻ me trèo sấu của bọn chúng tao, thế là lại phải quần áo để trở lại trường. Tao ghét nhất là cái khăn đỏ lúc nào cũng phải đeo trên cổ đã suốt mấy năm nay mà không đeo thì không được. Không đeo là bị kiểm điểm ngay. Mà tao biết ngay cả cái đứa đem tao ra kiểm điểm chính nó cũng chẳng ưa gì cái trò tròng cái khăn ấy vào cổ. Tao biết điều đó vì chính thằng con của nó nói với bọn tao chứ đâu. Nó là con mụ chủ nhiệm một lớp trong cái trường này. Thôi thì quàng vào cổ cho đủ lệ bộ. Nhưng lần trở lại trường năm nay tao cũng vui hơn một chút : tao có đồ chơi mới trong túi. Không phải là mấy món đồ chơi Trung quốc rẻ tiền đâu nhá, như những lần trước, mấy cái ghêm vớ vẩn chơi dăm ba ngày là hỏng mẹ nó đâu. Trong túi tao có con dế rất sịn. Mẹ tao gửi tiền từ Đài Loan về cho tao mua nó. Tao chắc mẹ tao muốn tao im mồm về chuyện mẹ tao gì gì với thằng đàn ông mẹ tao ấm ớ với nó ở Cao Hùng từ mấy năm nay. Ối giời ơi, làm gì thì làm chứ dính dáng gì với tao nữa. Tao lo được thân tao. Ông bà nội ngoại tao tháng tháng có ít tiền gửi về là vui rồi, con chị tao hát karaoke trong cái quán khu Cửa Nam son phấn kiểu sao Hàn quốc thì kệ nó. Hai năm nay nó không còn làm phiền tao nữa. Con dế mới của tao là con Samsung 7.

Tao cũng chẳng cần dấu giếm gì bố tao như trước nữa. Hồi đó, có cái gì cũng phải nói dối cái này ai cho, lấy ở đâu về... bây giờ thì khỏi. Ông ấy ngày nào cũng mang về một đống đồ mà tao thừa biết là ông ấy lấy từ Nội Bài, nơi ông ấy làm việc bốc rỡ hành lý ở phi trường. Bố tao kiếm được khá lắm : bao nhiêu là quần áo, đồ điện tử, máy móc sịn cho con nhân tình của ông ấy bán ra ngoài chợ nên tiền bạc lúc nào cũng đầy túi có tiền đi ăn uống bia rượu, gái gú ngày nào cũng như ngày nào nên mẹ tao muốn làm gì với thằng ở Cao Hùng, Đài Loan cũng được. Tao chẳng cần phải dấu giếm gì cho mẹ tao nữa. Ông bà tao nói nhiều lần với bố tao là đừng ăn cắp nữa nhưng có ăn thua gì đâu. Thế là gia đình chúng tao sống toàn bằng nghề ăn cắp hết. Mẹ tao thì ngoại tình ở Đài Loan, bố tao thì ăn cắp ở sân bay Nội Bài. Tao đâu có thua đứa nào trong trường.
Bây giờ có dế Samsung Galaxy vào phây búc vui hơn nhiều. Hồi trước tao chỉ đi coi mấy con lớn trong trường đánh nhau, xé áo của nhau nhưng nay có dế Samsung tao có thể làm cờ líp rồi úp lên phây búc cho mọi người xem, chúng nó sẽ nể tao hơn. Mấy con như con Thảo, con Hương... sẽ hết làm bộ với tao như năm ngoái, phải chiều tao ngay. Tao sẽ rủ chúng nó đi Quảng Ninh chơi rồi tìm mối bán sang Tầu là có tiền tiêu như mấy thằng trong trường đã làm từ mấy năm nay, lại có tiền đầy túi đi ăn chơi ngay.

Năm nay tao không phải lưu ban, được lên lớp mới. Ở nhà, ông bà tao cùng với bố tao, mẹ tao cũng chẳng biết gì mà cũng... éo cần gì về chuyện ấy, mà tao thì lại hoàn toàn cóc cần về chuyện lên lớp hay ở lại hay lưu ban nữa. Tao năm nay 15 tuổi rồi. Xong năm nay tao tìm mối đi lao động xuất khẩu : Hàn quốc, Nhật, Thái, Singapore... đi đâu cũng được, cứ ra khỏi cái nước này, kiếm ít tiền ăn chơi vài năm cho đỡ đỡ sầu đời là đủ rồi. Bởi thế đừng có hỏi tao về chuyện học hành trong cái năm học này.

Tao đang đứng trước cổng trường. Năm nay chúng nó treo thêm hai tấn bảng có hàng chữ "học tốt, dậy tốt" mà tao nghĩ là chẳng đứa chó nào tin vào những lời kêu gọi đó, hệt như lời kêu gọi học tốt, dậy tốt theo gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh treo trên các lớp học trong trường. Còn nhớ trong cái cờ líp có cảnh một thằng thầy bị một thằng học sinh đánh tơi tả, lên gối ngay trong lớp dưới cái biểu ngữ thê thảm tao coi mà cười gần chết. Đạo đức bác dậy mà thế thì học theo bác làm con mẹ gì. Tao thấy bây giờ chỉ cần tiền như bố tao nói. Có tiền là muốn cái éo gì cũng có. Muốn có tiến sĩ, thạc sĩ cũng có ngay. Việc éo gì phải học. Có thằng chẳng bao giờ ra khỏi nước, màvẵn có bằng ở Mỹ, có đứa trong rừng ra vẫn xưng có bằng cử nhân luật thì tại sao tao phải mài nát cái đũng quần ở cái trường khốn nạn này.


Nhưng hôm nay tao vẫn đi học.

August 31, 2016

August 26, 2019

 CÁO PHÓ

Tôi không nhớ đã đọc cái cáo phó đầu tiên hồi nào nhưng chắc không phải ở Hà Nội. Hồi ấy (trước năm 1954) ở Hà Nội chỉ có hai tờ nhật báo là tờ Tia Sáng và tờ Giang Sơn mà tôi (mới biết "đọc báo" ) cầm chúng lên, ở tuổi lên 8 hay lên 9, tôi chỉ thích xem những bức hí họa của hai họa sĩ Mạnh Quỳnh và Dzuy Nhất cùng với những truyện bằng tranh mà phòng thông tin Hoa Kỳ cung cấp cho các báo này, trong đó có một truyện tuyên truyền chống Cộng rất hấp dẫn của George Orwell, Trại Thú Vật (Animal Farm). Thỉnh thoảng tôi cũng tò mò đọc những bản tin về chiến sự và nhờ đó, biết lơ mơ về những trận đánh ở Na Sản, Cánh Đồng Chum, Điện Biên Phủ, rồi hội chợ ở Bờ Hồ, đức Quốc Trưởng Bảo Đại đi đâu, làm gì... Nhưng những mẩu cáo phó thì không và cũng vì hình như chúng rất ít thì phải. Ngay hồi chú tôi tử trận ở Đại Đồng, Bùi Chu năm 1954 gia đình tôi cũng không đăng cáo phó trên hai tờ Tia Sáng và Giang Sơn ở Hà Nội. Có lẽ phải tới khi vào Sài Gòn khoảng cuối những năm 50 tôi mới đọc những thứ tin này.

Tôi không biết những tờ báo tiên phong của nền báo chí Việt Nam có đăng những cáo phó không, nhưng khi tôi biết đọc "nhựt trình" thì chúng đã có rồi, khoảng những năm cuối của thập niên 50 ở Sài Gòn. Rất tiếc cụ Vương Hồng Sển không còn nữa để hỏi cụ.

Phải tới khoảng giữa những năm 50 tôi mới tìm đọc chúng. Cáo phó là thông báo về sự qua đời của một người mà gia đình của người đó muốn gửi tới bạn bè và quyến thuộc. Nhưng chúng được viết theo một lối văn đặc biệt không biết ai là người đầu tiên viết xuống để sau đó được những người khác viết theo. Có thể trong lúc tang gia bối rối, gia đình không có thì giờ cho câu cú văn chương để viết mẩu tin thông báo chuyện buồn của gia đình. Thế là cứ theo những cáo phó đã đọc thấy trước và viết lại. Chính vì thế mà tôi tìm đọc chúng trên những tờ báo hồi ấy. Và cũng đó mà lần đầu tiên tôi biết những từ ngữ như vãng sinh miền cực lạc, qui tiên, phiêu diêu nơi tiên cảnh, hưởng nhan Thánh Chúa...
Bẵng đi mấy năm không ở trong nước, không đọc báo Việt ngữ, đến khi đọc lại báo chí trong nước, thì bỗng một hôm đọc thấy tên một người bạn cũ thời trung học. Người bạn này nhập ngũ sau khi hỏng kỳ thi tú tài. Sau đó thỉnh thoảng chàng trở lại trường thăm bạn bè. Có người đùa chúc chàng sớm vinh thăng lon mới. Và ít lâu sau, chàng được vinh thăng thật. Rồi xuất hiện trong những cáo phó những từ ngữ mới như truy thăng, anh dũng hy sinh, truy tặng bảo quốc huân chương với nhành dương liễu...

Thế là những mẩu cáo phó lại nghe khác hẳn những cáo phó vẫn đọc được trước đó. Và cũng từ đó, tôi chú ý đọc chúng thường hơn. Đó là trong những buổi chiều tan sở ngồi ở một quán cà phê đọc mấy tờ báo vừa phát hành. Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt thì những trang cáo phó càng nhiều tên tuổi hơn. Và tuổi tác của người chết cũng gần với tôi nhiều hơn. Có những người hơn hai hay ba tuổi, có những người bằng tuổi và có những người thua vài tuổi. Có những người chưa vợ con và có những người để lại mấy đứa con còn rất nhỏ. Đó là những mẩu cáo phó của thời chiến. Cuộc chiến càng dữ dội cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 thi những cáo phó như thế càng đọc thấy nhiều hơn. Tuổi của những người ra đi cũng xấp xỉ tuổi của tôi hồi ấy.

Rồi bẵng đi một vài năm sống ở Mỹ, tôi bỗng thấy trong những tin cáo phó đọc thấy trên mấy tờ báo Việt ngữ, tuổi tác của những người ra đi rất gần với tuổi của mình trong hoàn cảnh không còn chiến tranh tang tóc nữa. Lác đác không còn nhiều những trướng hợp hưởng dương dưới 50 tuổi nữa mà đã được coi là hưởng thọ nghĩa là đã sống được trên tuổi 50. Rồi thoắt một cái, những cái tuổi trên 60 cũng ập tới, và nay, những tuổi trên 70 cũng trở thành rất thường. Thỉnh thoảng lại thấy tên một người bạn vừa gặp vài tháng trước.

Nhưng vẫn có một cách viết cáo phó tôi thấy rất kỳ lạ. Đó là những câu như "... đau đớn báo tin XYZ đã được Chúa gọi về..."Tôi nghĩ là được Chúa gọi về phải là một hạnh phúc, môt ân sủng thì tại sao gia đình phải đau đớn ? Tôi có đem hỏi một linh mục thì được ngài cho biết nói như vậy là không đúng. Chúa không bao giờ muốn con của người phải chịu những khổ đau. Nhưng một bữa tôi đã bị một người đàn ông phản bác kịch liệt nói rằng bài báo tôi viết đề cập tới chuyện đó là xúc phạm tới tôn giáo của ông và tôi hoàn toàn sai lầm mặc dù tôi có dẫn lờì của linh mục T.Q.T. nay đã khuất.

Mấy chục năm đọc những cáo phó từ khi những người ra đi hơn tuổi, rồi bằng tuổi và nay là những người ít tuổi hơn có khi cả chục tuổi. Một ông bạn tôi tuần trước viết cho cái e-mail và kết bằng câu "Chẳng cũng khoái ư!"
Nghe cứ như Nguyễn Hiến Lê dịch Lâm Ngữ Đường vậy. 

August 20, 2016

August 20, 2016

NHỮNG MẨU NHẮN TIN

Chúng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên những trang báo Việt ngữ, có khi chúng bị đẩy vào những chỗ khuất lấp, nép cạnh những quảng cáo không liên quan gì tới những nội dung của chúng. Những quảng cáo rao bán mắm muối, thịt cá, địa ốc, tiệm ăn, nhà hàng... thì dính gì tới những mẩu nhắn tin tìm người quen ấy, như một ông thiếu uý ở một tiểu khu nào đó thuộc quân đoàn I, một người hàng xóm cũ, một người di tản từ năm 1975 tìm hai ba người thất lạc trong chuyến vượt biên bằng thuyền hồi những năm 80, muốn tìm lại một người gặp lần cuối tại đảo Galang, một người bạn tù nằm chung một góc phòng giam... Ngoài việc chúng xuất hiện trên những trang báo, chúng còn được nghe thấy trong mục nhắn tin hàng tuần của một chương trình phát thanh nọ. Mỗi lần thấy chúng, tôi cũng tò mò đọc xem có còn ai kiếm mình không. Một người bạn cũ ở Sài Gòn, thời học trung học, một quen biết thời tuổi trẻ, trong một tiệm nước bên một ly cà phê... những gặp gỡ vài ba chục năm, có khi hơn nửa đời người...

Những đoạn nhắn tin, tìm người ấy vẫn còn, tuy theo tôi nghĩ, có phần tuyệt vọng. Không biết có bao nhiêu người còn để mắt đọc những dòng nhắn tin trên những trang báo, hay đón nghe chương trình nhắn tin với thời lượng không bao nhiêu trên làn sóng phát thanh. Những lời nhắn ấy bay trong không gian không bao giờ nghe lại được nữa.

Nhưng chúng vẫn được đọc thấy, nghe thấy. Những người nhắn vẫn nuôi những hy vọng sẽ tìm được những người cũ, không biết đã trôi giạt về những chân trời góc biển nào, trong khi Kiều thì cũng chỉ luân lạc có 15 năm. Những thất lạc của chúng ta thì dài hơn nhiều. Mười năm, hai chục, ba chục năm, hơn nữa cũng có. Những chi tiết có khi rất rõ như địa chỉ của căn nhà cuối cùng, người ấy có mấy anh em, con cái tên là gì, cha mẹ làm gì, cả những cái tên gọi thân mật ở nhà, xuống thuyền vượt biên tháng mấy, năm nào hay di tản ngay trong những chuyến đầu của cuối tháng 4. Cũng có khi nghe được tin tần chót từ Mỹ ở tiểu bang thành phố nào rồi dọn đi một địa chỉ khác và bặt tin luôn...

Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Những địa chỉ đầu tiên hay cuối cùng ấy không mấy người con nhớ. Cuộc sống hối hả và thay đổi, di chuyển quá nhiều làm sao còn lúc nào ngồi xuống moi móc trí nhớ ra những tháng ngày cũ. Nhưng ngần ấy thứ thỉnh thoảng vẫn trở lại. Người em bặt tin trong một trận đánh hồi tháng 3, gia đình vẫn hy vọng chỉ mất tích, đứa con vượt biển đã thoát, người đàn ông đi tù về cũng vượt biển từ năm 85 rồi sau một hai lá thư là bặt tin từ đó...

Nhưng cũng từ đó đã bao nhiêu chuyện xẩy ra, bao nhiêu đổi thay cho cả hai phía, người nhắn cũng như người được nhắn. Người được nhắn có khi chỉ để lại tấm thẻ bài trong một góc rừng nào đó, hay một ngôi mộ không tên ở một hòn đảo xa vắng của Indonesia, Malaysia, Thái không chừng. Đứa con có thể đang sống đâu đó ở nước Mỹ và đã lâu không còn nhớ về gia đình cũ của nó, mà đời sống của nó củng chẳng có bao nhiêu chuyện đáng để kể cho cha mẹ, anh em ở nhà. Người đàn ông vượt biển có thể đã có những liên hệ mới, ràng buộc mới nên không thể liên lạc lại với người vợ và những người con của đời sống cũ. Cũng có thể có những lúc quả tim lỡ một nhip đập, và ý tưởng nhắn một mẩu tin tìm người nhen nhúm nhưng rồi lại thôi. Cũng có những mẩu nhắn tin chỉ nghe qua cũng hiểu được nửa chuyện. Như lời nhắn tìm cô em của một người bạn hồi ấy hay đi qua nhà nay "duyên ghé về đâu" (như lời bài hát của Lê Trọng Nguyễn). Những năm tháng xa cách nay đã dài hơn cả thời gian hai người tình già của Phan Khôi là 24 năm rất nhiều. Hai bên chắc nay đều đã lục tuần cả. Tìm được thì làm gì đây ?

...Khi tôi ngồi xuống ở bên em
Mở tập thư xưa đọc trước đèn
Vẫn ngọn đèn mờ trang giấy lạnh
Tiếng mùa thu lạnh tiếng mưa đêm...
(
 Đinh Hùng)

Hay là như Lý Thương Ẩn trong Dạ Vũ Ký Bắc, đêm mưa gửi về bắc:

Quân vấn qui kỳ vị hữu kỳ
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì
Hà dương cộng tiễn tây song chúc
Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì

Tạm dịch:

Người hỏi ngày về, chưa thể nói
Ba Sơn mưa tối ngập ao thu

Bao giờ khêu lại tim nến cũ
Kể chuyện bên song vợi nỗi sầu


Nhưng những mẩu nhắn tin vẫn thỉnh thoảng còn để nuôi tiếp những hy vọng đã từ gần nửa thế kỷ.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ