Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

về nữ nhà văn nguyễn quỳnh trang ... (GIAO Blog)





HomeNắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách26/02/201Văn nghệ thứ Bảy : Tâm sự nhà văn đương đại (Nguyễn Quỳnh Trangtâm sự 1. năm 2016
1. năm 2016 

  tâm sự nhà văn đương đại nguyễn quỳnh trang




Nhà báo Lưu Quang Phổ  (Thanh Niên) chụp cho tôi tấm hình này vào tháng 4 năm 2011.
Khi ấy tôi đang mang thai Sura được gần 3 tháng, tôi phải nghỉ việc ở toà soạn để chữa bệnh, tiền trong tài khoản cá nhân chỉ còn vài triệu do chồng cũ của tôi đã dùng thẻ phụ chuyển đi số lớn, tôi bị chồng đuổi ra khỏi nhà do đã ko chịu phá thai theo ý muốn của anh ta.

Trong thời gian ấy, người tình của chồng tôi, cô hoa hậu Thu Thuỷ, không chỉ ngang nhiên ăn nằm với chồng tôi, rồi sau đó post facebook khoe kín đáo, còn nhắn tin doạ dẫm hành hạ tôi, viết email nhục mạ tôi, cũng không quên nói sẽ cưới và đẻ con cho chồng tôi...
Mọi người nghĩ sao khi tôi vẫn mỉm cười, qua tấm hình này, trong hoàn cảnh như thế?
Cho đến tháng 2 năm 2014, tôi mới hoàn thành xong thủ tục li hôn. 
Như vậy tôi đã ở trong thảm cảnh đó 3 năm.

Trong thời gian đó tôi vẫn tiếp tục bị người thứ ba hành hạ tinh thần, cô ta làm vụ "ghen ngược", dựng chuyện bôi nhọ danh dự cá nhân tôi trên facebook, đồng thời gây áp lực để chồng trực tiếp hành tinh thần tôi hàng ngày...
3 năm, trong hoàn cảnh như thế, tôi đã làm gì?
Tôi đọc sách, những cuốn dạy tư duy tích cực.
Tôi bảo vệ tinh thần cho tôi, bảo vệ con tôi...
Tôi tập chú ý vào hơi thở, để hiểu đó là những tác động ngoại cảnh, ko ảnh hưởng đến tâm hồn tôi, nếu tôi không muốn.
Tôi nhận mọi chương trình truyền hình, mọi công việc, từ truyền thông đến MC đến khách mời talkshow, tổ chức báo chí,... để có tiền lo cho gia đình.
Tôi viết văn, để mỗi năm phát hành một cuốn sách.

Ngày hôm nay, khi tôi đứng giữa Saigon, bên những người anh em, bạn bè, trước những biến chuyển tích cực về công việc, tôi nghĩ gì?
Tôi cảm ơn sự phản bội của chồng tôi để tôi có sự lựa chọn mới với người đàn ông tốt hơn.
Tôi cảm ơn cô Thu Thuỷ, nhờ những chiêu trò độc ác của cô, mà tinh thần tôi được rèn luyện vững chắc hơn.

...Và tôi mong, tất cả những người vợ, người mẹ đã đang trong hoàn cảnh như tôi hãy ngừng sự yếu đuối tổn thương, để rèn cho mình sự tích cực lạc quan.
Khi bạn mạnh mẽ thì không đau buồn nào chạm vào tim bạn được.
Khi bạn vui dù trong bão tố, bạn có đủ trí thông minh để xử lý vấn đề của mình.
Sen vẫn thơm dù trong bùn, sẽ luôn là đoá sen quý! Chính chúng ta và các con sẽ hưởng hương thơm của những đoá sen phúc đức này!

   NGUYỄN QUỲNH TRANG



https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10154088172094683&set=a.10151344176654683.502377.666584682&type=3&theater



2. năm 2013

Nguyễn Thị Thu
Huệ cảm phục nghị lực của Nguyễn Quỳnh Trang

thứ ba - 13/08/2013 18:22

VNQĐ Online - Tại lễ ra mắt tập chân dung nghệ sĩ “Đi về không điểm đến” – của nhà văn, nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã phát biểu nói lên những cảm nhận của mình về Nguyễn Quỳnh Trang và bày tỏ sự cảm phục với nữ tác giả thế hệ sau.

39 nhà văn, nhà thơ và các tác giả cầm bút đã được Nguyễn Quỳnh Trang vẽ chân dung và tập hợp trong cuốn sách của chị trong đó có những tác giả lớn tuổi như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Tường... đến những tác giả ít tuổi hơn như Võ Thị Hảo, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Phấn hay trẻ hơn nữa như Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà... và lớp tác giả của ngày hôm nay như Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hoàng Anh Tú...

Trang không vẽ theo kiểu truyền thần mà là vẽ qua tác phẩm, vẽ bằng bản năng phụ nữ. Tại lễ ra mắt sách, chị chia sẻ rằng, chị viết chân dung một tác giả thông qua chính tác phẩm của họ, qua tác phẩm để soi chiếu, định vị tác giả, bóc tách tác giả dưới những lớp ngôn ngữ để phơi bày những cái bên trong, đọc tư tưởng của tác giả thông qua sách của họ. Bằng cách hành nghề như vậy, Trang có thể viết về một người mà không cần thiết phải gặp gỡ, tiếp xúc với người ấy, không cần biết anh là ai, chỉ cần biết anh qua sách của anh.
Ngày ra mắt sách cũng là sinh nhật của Nguyễn Quỳnh Trang. Công ty Văn hóa và truyền thông Phương Đông, đơn vị phát hành tập sách đã tặng hoa và bánh sinh nhật cho tác giả.  (ảnhTHIỆN NGUYỄN)

Phần lớn cuốn sách là chân dung những người trẻ, những đồng nghiệp đồng thế hệ với tác giả. Theo nhận xét của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng là “Trang thích đọc những người đồng thế hệ với mình, gần với mình”. Trong số những tác giả trẻ, Trang cho biết, người “khó vẽ” nhất là Hoàng Anh Tú – anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò - bởi anh quá hot.

 Chân dung mà Quỳnh Trang cho là thú vị nhất là về một người cao tuổi nhưng cũng còn... rất trẻ, đó là dịch giả Dương Tường. Bài viết về ông ra đời sau một chuyến hội Nhà văn Hànội tổ chức đi đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) và Quỳnh Trang đã được chứng kiến lão dịch giả với chiếc quần đùi sặc sỡ buộc mình vào dù bay để lướt trên mặt biển với độ cao cỡ năm chục mét. Bài viết có tên “Trẻ như Dương Tường” được Quỳnh Trang hoàn thành trong trạng thái “vừa viết vừa cười”. Bỏ qua cách xưng hô theo giao tiếp thông thường về những ngôi thứ theo quy ước về độ tuổi, Trang kéo nhân vật lại gần mình hơn bằng những từ như “gã”, “hắn”, “bạn” để gọi họ trong bài viết, cũng có khi chỉ gọi tên của nhân vật. Tên tập sách, “Đi về không điểm đến” được đặt từ gợi ý ở bài viết: “Nhà thơ Hoàng Việt Hằng: Đi về, có hoặc không điểm đến...”.
                     bìa  sách ' Đi về không điểm đến' /  Nguyễn  Quỳnh Trang
.
Rất nhiều các vị khách mời, trong đó chủ yếu là những đồng nghiệp văn chương, báo chí của Nguyễn Quỳnh Trang đã đến chúc mừng cuốn sách mới của chị. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, người viết lời giới thiệu cho tập sách cũng đã có mặt, một lần nữa ông đã nói lên những cảm nhận của mình, ông cho rằng những bức chân dung của Trang nhẹ nhàng mà thú vị, và “rất may, đó không phải là những bài viết phê bình văn học”. Có lẽ càng gian khó Nguyễn Quỳnh Trang viết càng đáng để đọc hơn” -- Phan Cẩm Thượng nói.

 Còn dịch giả Dương Tường, khi được nhà văn Di Li (MC buổi ra mắt sách) hỏi, “ ... nếu chỉ dùng 3 từ để nói về Nguyễn Quỳnh Trang thì ông sẽ nói gì?”, Dương Tường đã trả lời rằng 3 từ quá ít để nói về Nguyễn Quỳnh Trang, ông nói rằng hiểu biết về văn chương của Nguyễn Quỳnh Trang rất “phì nhiêu”; dịch giả cao tuổi cũng hài hước nói về chủ nhân buổi ra mắt sách rằng: “khuyết điểm lớn nhất của Nguyễn Quỳnh Trang là... không có khuyết điểm gì”.

         nữ nhà văn nguyễn thị Thu Huệ phát biểu buổi ra mắt sách Nguyễn Quỳnh Trang
                                                        (ảnh: Thiện Nguyễn)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, chị đã phải bỏ một cuộc họp quan trọng để đến chia vui cùng nữ tác giả. Đúng hôm ra mắt sách, ngày 12/8 cũng là sinh nhật của Nguyễn Quỳnh Trang, đồng thời cũng là sinh nhật của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Trao đổi với VNQĐ Online, Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, chị nhìn thấy hình bóng mình trong Nguyễn Quỳnh Trang. Chị cũng nhìn thấy ở Trang ngoài nghị lực vươn lên trong cuộc sống còn là sự hồn nhiên, vẻ vô lo, luôn vui vẻ bên ngoài và khả năng lao động miệt mài. Vượt lên những lận đận trong đời tư và bươn trải trong cuộc sống, Trang vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương. Ấn tượng của vị nữ ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam về Nguyễn Quỳnh Trang là sự chăm đọc, ham đọc, chuyển nhà lần nào cũng là một đống sách mang theo. Một cái tên mà phần nhiều những người tham dự lễ ra mắt sách của Trang có lẽ đều nghĩ đến nhưng không ai nhắc đến thì Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhắc đến: Cao Việt Dũng. Anh cũng xuất hiện trong tập sách với vai trò là nhân vật của Nguyễn Quỳnh Trang, bài viết được Trang thực hiện vào năm 2007 với tên gọi: “Nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng: Thất bại là một mặt của thành công”.

                                                  nhận hoa chúc mừng từ bạn bè, đồng nghiệp. --   (ảnh: Thiện Nguyễn)
Tất cả những chân dung trong tập sách đã xuất hiện trên báo Thể thao& Văn hóa trong chuyên mục “Sách và Người”, tuy nhiên, như Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Nguyễn Quỳnh Trang không đọc hộ sách cho bạn đọc, cô chỉ trình bày cách đọc của mình và nhân đó viết rộng hơn cảm nhận về nhà văn trước tiên như một con người”.
Nguyễn Quỳnh Trang hiện là biên tập viên báo “Thể thao& Văn hóa”. Đã ra các tập sách: “1981” (tiểu thuyết), “Nhiều cách sống(tiểu thuyết), “Mất ký ức” (tiểu thuyết), “Cho một hành trình(tập truyện ngắn); “24 giờ” (tập truyện ngắn). Cùng với sự ra mắt “Đi về không điểm đến", Công ty Văn hóa& Truyền thông Phương Đông cũng phát hành ebook [cùng lúc]

    DƯƠNG TỬ THÀNH


3. năm 2007

Cao Việt Dũng: Thất bại, là một mặt của thành công



Không dễ dàng để xếp Cao Việt Dũng vừa khít vào một cái nghề nào: dịch thuật, nghiên cứu, phê bình hay xuất bản. Và cũng không dễ dàng để "lôi" được Dũng từ "bóng tối" được lựa chọn như một cách sống để đưa lên mặt báo.

Cao Việt Dũng được biết đến nhiều nhất với tư cách một dịch giả - hiện nay anh đang hoàn thành bản dịch cuốn tiểu thuyết lớn Les bienveillantes/ Jonathan Littell, tác phẩm dịch thứ 10, sau khoảng mười năm làm công việc này.

Sinh năm 1980, dáng người cao mảnh dẻ, trông Dũng trẻ hơn nhiều so với tuổi, có lẽ bởi khuôn mặt thư sinh, nụ cười hiền lẫn ngô ngố, đôi mắt thông minh lém lỉnh của anh. Rong ruổi trên chiếc Future đỏ chót, vận áo phông đỏ, dép tông đỏ (may mà quần ngố không màu đỏ luôn), lưng gù đi bởi chiếc ba-lô to đùng với nào laptop, sách, vở, thậm chí cả quần áo; Dũng đi từ quán này đến quán nọ, chỗ làm việc này sang nơi làm việc khác. 14 giờ một ngày cho công việc, sáu giờ một ngày cho ngủ, bốn giờ còn lại là các công việc cá nhân, cuộc sống của anh là một chuỗi những chuyển dịch, biến động không ngừng.

tấm bằng đại học đầu tiên: coi như bỏ

Năm 2002, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, cầm tấm bằng được coi là vô cùng thuận lợi để tìm việc trong giai đoạn đó, Cao Việt Dũng vẫn chưa biết thật sự mình muốn làm gì. Chỉ biết chắc là tất cả những gì liên quan đến kinh doanh đều nằm ngoài khả năng và sở thích.

Coi như mất trắng năm năm học Đại học Ngoại thương, Dũng bước vào con đường trở thành một anh phóng viên tập sự tại báo Đại Đoàn Kết. Tưởng đâu đã dần dần chấp nhận cuộc sống "ngày viết bài điều tra, tối nằm đọc tiểu thuyết", thì Dũng hay tin Trường Sư phạm phố Ulm (École Normale Supérieure - ENS) thông báo lần đầu tiên tuyển học sinh nước ngoài vào trường. Quá mê ngôi trường độc nhất vô nhị này, anh làm hồ sơ rồi gửi đi đúng vào hạn cuối cùng.

Sau đó mọi việc tiến triển với tốc độ khó tưởng tượng: nhận giấy mời sang Paris tham gia kỳ khảo hạch trực tiếp cùng với các sinh viên từ khắp thế giới, trải qua bốn bài thi dài và khó để rồi đầu tháng 9-2002 đã chính thức nhập Trường ENS và đăng ký học tại Đại học Sorbonne.

Từ đây những khó khăn lớn nhất mới thật sự bắt đầu với Dũng.  "Học muốn phát điên, với cường độ làm kiệt sức. Nhưng thật kỳ diệu vì cuối cùng tôi cũng chật vật qua được tất cả, và hai bằng master đều có điểm số thuộc hạng cao của khoa. Người ta mất năm năm để học hành xong xuôi, tôi thì mất đến chín năm trường kỳ” - Dũng nói.

những ngày học việc: đã trả nợ xong


Năm 2003, các tác phẩm dịch của Cao Việt Dũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, trước tiên là qua Trung tâm Đông Tây. Lần ấy "lấy hết can đảm của một cậu bé 20 tuổi" mang bản dịch tiểu thuyết Cuộc sống không ở đây của Milan Kundera đến gặp dịch giả Đoàn Tử Huyến là khởi đầu cho cái duyên dịch thuật đeo đẳng cho đến giờ. Sau đó là Khúc quanh của dòng sông của V. S. Naipaul và Điệu valse giã từ của Kundera . (tác phẩm nhận giải thưởng dịch thuật năm 2005 của Hội Nhà văn Hà Nội).

Tuy nhiên, với Cao Việt Dũng thì "kể từ Tường lửa của Henning Mankell in cuối năm 2006 tôi mới bắt đầu hài lòng với chất lượng của các cuốn sách được in ra của mình, và bắt đầu được chăm lo cho chúng đến khâu cuối cùng. Tất cả, từ Hạt cơ bản trở về trước, tôi đều đang chỉnh sửa và tìm cách tái bản, coi như một cách trả nợ quá trình học việc của mình".

dấu ấn người thầy: những bài học lớn

Trong suốt thời gian học ở Việt Nam, hai người để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở Cao Việt Dũng là thầy giáo dạy văn ở Trường Hà Nội - Amsterdam Vũ Xuân Túc và giáo sư Phan Ngọc, người mà anh kính trọng ngay từ khi được gặp lần đầu tiên cách đây mười năm. Còn hai năm cuối ở Paris, "thành phố giống như một thư viện khổng lồ có sông Seine chảy ngang", anh gặp được người thầy mà anh thật sự ngưỡng mộ: Antoine Compagnon - giáo sư văn chương lớn của Đại học Sorbonne và Đại học Columbia ở New York, người hướng dẫn cả hai bằng master văn chương của anh.

"Nhờ Antoine Compagnon, tôi học được kiến thức, nhưng nhất là học được sự nghiêm túc, tính nghiêm khắc và tinh thần cầu thị”. Anh đã tham gia cùng nhóm làm việc của giáo sư Compagnon để biên soạn lại các tác phẩm của nhà phê bình nổi tiếng Albert Thibaudet - NXB Gallimard vừa ấn hành.

Dũng tâm sự:

"Tôi thất bại cũng nhiều, phạm cũng không ít sai lầm và cũng trả giá nhiều, cả trong công việc lẫn cuộc sống riêng tư. Chỉ có điều là tôi luôn nghĩ nếu có thất bại thì phải sửa bằng được, vì thất bại chính là một mặt của thành công. Và thật sự là không thể dừng lại khi chưa làm được thật tốt một việc gì đó. Tôi làm công việc của tôi, luôn ý thức rõ ràng là mình đang làm gì và hết sức coi trọng những người làm việc nghiêm túc, hiểu được sâu sắc công việc của mình, bất kể là việc gì”.

 NGUYỄN QUỲNH TRANG
 (báo Tuổi trẻ)

http://www.hieuhoc.com/guongsang/chitiet/cao-viet-dung-that-bai-la-mot-mat-cua-thanh-cong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ