Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

từ nếp sống văn hóa Thái đến một cuộc đời / thế phong (tản mạn văn chương)

từ nếp sống văn hóa Thái ... 
(tản mạn văn chương/ thế phong)


                            tnếp sng văn hóa Thái
              đến mt cuc đi ...
                                                        thế phong



                                                                                                 thị xã Nghĩa lộ hôm nay
                                                                                                         (ảnh: Internet)

Tôi có thể nói rằng trọn thuở thơ ấu của tôi ghi nét sâu đậm trên đất Thái. Xứ Thái điển hình có thể ở trong những thị trấn heo hút, như Yên bái, Lào Cai, Sơn la, Lai châu..., nơi tôi đã đi qua, có nơi tôi sống lâu nhất, nhớ nhiều nhất vẫn là Làng Bữu + Nghĩa lộ, một thị trấn xa tỉnh lỵ Yên bái chừng 8 chục cây số,

Ba tôi, một trong những thầy giáo phải đổi về Nghĩa lộ, vào thập niên 3, 4 mươi.  Mỗi lần tôi theo ba tôi ở nông trại về miền kinh kỳ; dọc đường tôi hỏi lý do sao người lại thích nơi tịch mịch, dìm thân vào rừng núi để tiêu dao ngày tháng ồn ào.  Tội chỉ còn nhớ mang máng; người trả lời một cách đơn sơ, hợp với sự hiểu biết của tôi khi ấy -- người thường khinh miệt các thanh tra Tây, huấn đạo, kiểm học An nam thời nô lệ -- mãi cho tới khi ba tôi bị VM bắt đi đâu đó vào năm 1947 ở Làng Bữu. (nông trại gia đình tôi/ Làng bữu, tên chữ trong  địa bạ triều đình là xã Thượng bằng la, huyện Văn chấn, tỉnh Yên bái); tôi mới biết lý do nao có liên quan đến ngày13 đảng viên Việt nam quốc dân đảng (VNQDĐ 0bị hành hình ở Yên bái.

Đi theo ba tôi qua những miền hẻo lánh, từ Thượng bằng la đến xã Đại lịch, rồi Nghĩa lộ.

Và, Nghĩa lộ là nơi tôi có nhiều kỷ niệm sâu xa nhất.  Đôi khi đã được nghe  những câu chuyện của đồng nghiệp ba tôi; như ông giáo Thành, chẳng hạn.  Ông này trạc tuổi trên dưới 30, chưa lập gia đình; lại bị thuyên chuyển đến nơi đất trích. (cảm tưởng lúc đầu).  Thực ra; đây là nơi của nhịp võng đào, tình yêu hồn nhiên, đẹp và thơ mộng của đất Thái, vào mùa xuân.

  Thầy giáo Thành yêu một cô gái Thái, da trắng bong, búi tóc mện lẩn tròn sau gáy thuôn mát dịu, đÔi mắt đen, trong -- như đã một lần tôi cầm bút tả dáng người, mức so sánh: núi non  về chiều còn vương ánh nắng to quầng một khoảng đậm xanh; tâm hồn thì thánh thoát như suối nước giội từ trên ghềnh, vào lúc tranh tối tranh sáng.


cô gái Thái tắm suối ( ảnh minh họa)
(courtesy photo: khoa linh) 

 Hồi ấy ở trường trên  miền thượng du, ba tôi chi đọc tờ Học báo vào giờ nhàn rỗi; đôi khi có thêm vài  tờ nhật báo từ kinh kỳ gửi tới; dầu ngày tháng ghi trên tờ báo đã lâu; tin tức thời sự đã mất giá trị từ hàng tháng trời -- với ba tôi vẫn là điều quý báu không thể tưởng được.

Người bèn giở tờ Học báo ra; tôi thấy tên ông Lâm đình Thành, giáo viên phụ trợ hạng 4, bị thuyên chuyển lên trường của xã Thượng bằng la:

                                              Yên bái xa lắm em ơi
                                              Một cấy một núi một giời rừng xanh
                                               Phong trần đày đọa thân anh
                                               cái mồi phú quý rủ anh lên rừng

tôi cho rằng đó là mối tình của một cô gái Thái đã yêu người trai kinh kỳ, ông Thành.


  Nàng đã thương yêu người trai mái tóc còn xanh; phải giam tuổi trẻ vào một khoảng đất hoang vu giữa rừng xanh, nước độc, 4 bề là núi, suối, rừng già, ruộng nương.  Căn nhà trống lạnh 3 gian dành cho nơi ăn, chốn ở một nhà giáo trẻ.  Phía bên kia, một dãy nhà gỗ ấm áp, nhiều phòng rộng rãi, bàn ghế xếp ngăn nắp trong im lìm.  Chiếc sân cỏ xanh ngăn giữa lối đi nho nhỏ từ nhà thầy giáo đến trường. Những hàng ráo bằng nứa  cả cây xếp rất đều như triển lãm bức tường mỹ thuật.  Lòng trống trải thầy giáo càng lớn, khi trưa già giội  đổ; hoặc, buổi chiều âm u sắp phủ lên mái trường; khi mà học sinh miền thượng du nghỉ học.  Thầy giáo chỉ cỏn cách nằm dài đọc sách, báo; nhìn lên tấm bản đồ; tự nhẩm thuộc lòng các tỉnh lỵ xứ Bắc kỳ.  Tầm mắt bị giam hãm, nhìn ra phía trước; con suối vẫn âm thầm chảy xuôi , tiếng thác vẫn đều đều đầu ôn  ã như bao giờ.  Có những buổi sáng tinh sương; tiếng chim chóc ca hót; tiếng vượn rú não nề từ lúc trời cỏn mờ sương vọng lại -- âm thanh rùng rợn ấy không thể ru ấm lòng người khách kinh kỳ.  Và, thầy giáo chỉ còn cách đóng cổng trường lại, thả gót lang thang vào  bản làng.

Ở làng Bữu này, nơi ông Thành đang dạy học cách xa Nghĩa lộ chừng dăm chục cây số.  Ở thị xã ấy vui hơn, có những cô gái Thái đen thường ở nhà săn sóc việc nhà, nấu ăn, dệt cửi,  đàn ông  đi  làm. Thầy giáo bèn đến gõ cửa một gia đình, nhà một cô sơn nữ; giữa lúc nàng đang sửa soạn nhóm lửa xôi cơm.  Phần nhiều người bản này, con em đều đến trường học thầy; họ đều biết mặt thấy giáo; thuộc cả tính tình, giọng nói quen thuộc.  Bữa cơm người Thái sơ sài, tinh khiết; nhất là vào đầu xuân, cơm xôi + măng đắng chấm muối ớt:

                                             Cơm xôi măng đắng em ơi !
                                             Thương em anh phải vào nơi rừng này

chắc chắn  ngày nghỉ học; thầy thường cặp kè với một cô gái Thái rong ruổi  nẻo rừng suối hẻo lánh, cùng lội dưới dòng suối trong veo.  Nàng xúc cá, hớt rêu; chàng theo sau ôm giỏ. Để rồi:

                                             Rủ nhau xuống suối mò cua
                                             Đem về nấu quả dọc chua trên rừng
                                             Em ơi, chua ngọt anh từng
                                             Non xanh, nước biếc; ta đừng quên nhau !

Tôi tin rằng nàng hát bài ca yêu đằm thắm nhất,rót vào tai thầy giáo trẻ người Kinh.  Có thể là một bài, không mấy ai đang ở tuổi thanh xuân là không biết. Với người con gái, thì :

" Sài Péng ơi! khuân trai kin khảu bấu mí xăng cắp; nón lắp bấu mí sao cót.  Sài Péng mứa hướn noọng, noọng mí pia hảu Sài Péng kin cắp khảu, noọng mí sao hảu sài péng cót ..." (*)
---
*  Anh ơi !  người của bản  làng ơi, ăn cơm chẳng có gì ăn sao; ngủ không có con gái nằm cạnh, sao ?  Anh về nhà em, em có cô gái để cùng ôm ấp. "  ( Tp chú thích)



                                                                        ***

Mùa xuân năm ấy, thầy Thành không về xuôi, bản làng đồn đại rằng thấy đã yêu Sao Nón mất rồi. Bạn đồng nghiệp cho rằng thầy Thành đã bị cô gái Thái bỏ bùa yêu.  Thầy chỉ cười, giải thích với bạn bè; chẳng cần bỏ bùa thì thầy đã yệu cô ấy; sao phải dệt thêm lời ra, tiếng vào khiến chuyện tình mất đẹp đi; làm giảm nồng độ yêu  Sao Nón đối với thầy giáoThành, kia chứ ?

Đôi  tình nhân yêu nhau say đắm trọn mùa xuân . Mùa thu, họ dắt tay nhau dạo trên cánh đồng lúa chín thơm ngào ngạt; mùa đông ngồi trong bếp sưởi, nhìn ánh lửa đỏ lách tách bay.  va; ngoài kia là sương mùa đông vùng trời Việt bắc.

Hàng ngày thầy Thành vẫn dạy học;  chẳng họ hàng, thân thích; bây giờ thầy đã nói được tiếng Thái trôi chảy, thầy đang học viết được chữ Thái; với những chữ cái: tu ló, mạy co ...-- thầy chỉ cười để đáp lời người nào nhiếc mó thầy không chỉ mê sơn nữ, còn học chữ Thái nữa.

Chỉ có một người được nghe chuyện dĩ vãng của thầy, người ấy là ba tôi.

 Thầy thường dẫn Sao Nón đến thăm gia đình tôi ở nông trại, vào những ngày nghỉ từ 3, 4 hôm trở lên.

  Sao Nón quả là đẹp; hồi ấy, mặc dầu tôi còn nhỏ; tôi đã biết quý chuộng bàn tay trắng muốt  ngón thon thon búp măng + đôi mắt đen láy; kể cả bàn chân trắng tuyệt đẹp  trong đôi dép da.  Hình như Sao Nón cũng mến tôi;  thường dẫn tôi lội qua các vườn chè, đồi cà phê mọc quanh nông trại -- trong khi ấy, thầy Thành chuyện trò với ba tôi .  Sao Nón khen tôi hát bài ca Thái hay + cách cứ xử giống hệt con trai người Thái rồi.  Tôi nhớ mãi lời khen ấy; Sao Nón hỏi tôi, sau này lớn lên, có lấy vợ người Thái như thầy Thành không ?  Sao Nón sẽ làm mối cho ngay từ bây giờ, để ở rể sớm thì càng tốt.  Sao Nón cười và tôi cũng cười theo.

Nửa đêm giao thừa năm ấy; chúng tôi đang vui vẻ với ngày tết mới; tiếng pháo nổ gợi cho chúng tôi niềm vui rạo rực -- thì cũng là phút mà tôi nhớ nhất. Ây là , có tốp lính từ trên đồn xuống bắt thầy Thành.  Tôi không bao giờ quên lúc ấy, nét mặt  không biến sắc, không lo âu; khi 2 cánh tay thầy bị trói gập ra sau lưng.  Thầy ra lời rất bình tĩnh dặn dò vợ hãy bình tĩnh nay mai sinh nở, cố nuôi con nhé.

 Nhưng Sao Nón còn thiết gì nghe nữa, nàng lăn sả ra khóc, níu vạt áo của chồng, không cho lính dẫn đi.

Ngay đêm hôm ấy ,. thầy Thành bị giải đồn Nghĩa lộ, nghe đâu sau đưa đi Sơn la.  Sao Nón ở lại với gia đình tôi ít bữa; rồi  choàng khăn gói lên đường, đi tìm chồng thì phải? Ít lâu sau,  được nghe ba tôi kể lại, ".. thầy Thành chết rồi, còn  một thầy giáo khác cùng dạy ờ trường Hạnh sơn bị di chuyển về xuôi, theo lệnh của ông Kiểm học. "

Tôi nhớ mãi nét mặt bình tĩnh không biến sắc của thầy Thàn;h đêm hôm bị bắt.

Và; tôi cũng không còn được nghe ba tôi lể chuyện Sao Nón ra sao?  Một điều ân hận, tại sao tôi không hỏi mẹ tôi về  Sao Nón, đứa con sinh ra ; trai hay gái, sống ở đâu, ra sao ?

  Cho tới nay; mỗi lần nghĩ đến chuyện này, tôi vẫn ân hận!



                                                                        ***


Năm 1950, tôi lại rời  Nghĩa lộ về Hà nội;  thế là đành phải xa người mẹ duy nhất + người chi nuôi, tên Bích, vẫn còn ở nông trại làng Bữu , xã Thượng bằng la.  Nhớ lần ba tôi bị VM bắt đi vào 1947, hình như đưa đi an trí ở một nơixa xôi lắm.  Họ kết tội ba tôi có chân trong một đảng phái quốc gia, nói huỵch toẹt ra, đá là Việt nam quốc dân đản.

Bị cột bằng dây thừng, hai khuỷu tay, bắt chéo sau lưng, hút mất bóng ở đầu đường đồi cà phê, chỗ xưa kia tôi nghịch ngợm;đào hầm hố, dưới chôn những chông nhọn vót bằng cật nứa đã ngâm bằng nước điếu ống thuốc lào.

 Chuyện kể, chông ngâm bằng nước ống thuốc lào rất độc, ai dẵm phải thì sẽ trở thành kẻ bị sâu quảng, rất khó chữa khỏi.   Ấy là một cô gái Thái đã mách nước vậy.   Tôi chôn  chông xong, ngồi trong bụi gần đó , để chờ kẻ bị sập bẫy.   Tội rất hồi hộp khi thấy một con mồi đang đi tới, sắp bị sa vào hộp chông; nhưng; bỗng hốt hỏng, kêu thật lớn... vì con mồi ấy là cô gái Thái đẹp, duyên dáng mà tôi thương yêu thầm.  Tất nhiên không muốn cô bị sa bẫy chông, bàn chân đẹp kia sẽ bị sâu quảng; cô sẽ bị hủy hoại một bàn chân thon đẹp.

 Kỷ niệm ấy bây giờ lại thêm hình bóng  cha tôi mất hút vào khúc quanh ấy. Cha thì mất tích rồi còn, mẹ tôi qua đời vào cuối năm 1952, sau khi VM tổng tấn công chiến dịch thu đông, chiếm được Nghĩa lộ.



                                                                       ***

Nhớ đến người cha; tôi nhớ tôi một  kỷ niệm rất khó quên nữa. Ngày ấy, ba tôi kèm tôi học rất sít sao; kể cả lúc ông  đi vắng.  Khen con thông minh, nhưng ham chơi,  cứng đầu, không mấy nghe lời. Buổi tới ấy, ông đi ăn tiệc đâu đó, ông sai thằng Út (người phụ việc nhà) đem 3 tấm ván lên gác ở trên sà nhà. Sai lấy gai cây găng đặt  phiá dưới.  Tôi nghe được ba tôi gọi thằng Út:

 " ... Nó lên trên ấy rồi, mày cất thang đi, nghe chưa? Nếu nó ngủ gà ngủ gật mà lăn xuống, không chết thì gai găng đâm cũng chết."

Có lẽ ông nghĩ rằng phải làm vậy mới có thể kiểm soát được việc học hành của tôi, trong lúc ông vắng nhà.  Cho đến khi ông về, hẳn là  đã phải học thuộc bài; thuộc bài rồi; mới được phép đi ngủ.

Ông cụ đi rồi;  lòng căm thù ở tôi sôi sục, nhất định phải tỉm cách phá. Tuy gật đầu vâng lời ba;leo lên gác học, bắt thằng Út thắp nến, chứ không dùng đèn dầu Hoa Kỳ.  Thuộc bài rồi, tôi cảm thấy buồn ngủ, ngáp lên, ngáp xuống.  Nhưng không dám ngủ, sợ ngã, lăn xuống, bị gai găng chọc thủng thịt. Nghĩ thầm thôi, lần này về nông trại, tôi sẽ mách me chuyện này, ba ác đến độ không thể nào tưởng tượng được. Ông bố này nhất định là không thương con trai mình rồi.  Đợi lâu lắm chưa thấy ông về, mà tôi chưa tìm được cách nào trả thù; bỗng rú lên cười ;khi nghĩ ra phương sách mới. Bèn lên tiếng gọi thằng Út,

"... mày cho tao xuống đi ngoài, mót qúa rồi, Út ơi!"

Út chiều theo lời con của thầy giáo.  Xuống thang, tôi chùm chiếc chăn vào mình kín mít. Ngoải kia,  sắc xuân vẫn cỏn, thời tiết lạnh cóng.  Ngay bên cạnh trường, những ngọn cồn nơi xã Đại lịch  náy, dườngnhư lùa tất cả gió rét vào da thịt cậu học trò bé nhỏ . Út bảo:

 "... nhanh lên, anh ơi, nếu không thầy về bắt gặp thì khốn cả lũ ."

trả lời thằng Út:

"  ... mày cứ để cái đèn ở ngoài hiên cho tao. Mày cũng phải học bài đi chứ."

Út tuy là người phụ việc, nhưng là con nuôi ba tôi, trước kia là  học trò cũ của ổng.  Thi đã mấy lần bị ' ăn vỏ chuối';  theo thấy từ nông trại làng Bữu ra Đại lịch;để  cố giật lấy mảnh bằng Sơ học yếu lược.  Có  thế, cuộc sống dân quê mới nở mày nở mặt, đủ tiệu chuẩn làm hương sư trường làng.

Thấy Út làm theo lời dặn; tôi vui thầm trong bụng.  Đi tiểu xong, ôm theo một gốc chuối đẵn sẵn, giấu vào người, bên ngoài chùm chăn kín mít,tôi leo lên gác.  Lại tiếp tục học bài thành tiếng như rất siêng năng.  Út thấy tôi lên gác rồi, ê -a học bài; nó đem cất cây thang; vào nhà học bài tiếp. Vẫn chưa thấy ông cụ về, lát sau mới có tiếng người gọi mở cổng. Tôi bắt đầu học bài, tiếng to hơn . Nghe rõ tiếng ba tôi hỏi thằng Út:

".. tao định tâm làm thế, không phải lá tao ác độc gì; nhưng mục đích để kiểm soát, khi tao vắng nhà. Đêm nay, tao bắt nó học tới 3 giờ sáng, mai nó phải thi. Bây giờ đã gần 12 giờ đêm rồi, phải không Út?"

 Tôi vẫn không chịu tin là ba không độc ác; càng thù ổng nhiều hơn-- ổng không thể vin vào cớ gì để nói  'yêu cho vọt, ghét cho chơi' được.

Ộng cụ bước vào nhà, không nhìn lên phía tôi;  đi thẳng vào phòng trong.  Thay xong quần áo; ổng lên giường ngủ.  Đèn đã tắt, Chỉ còn lại mình tôi với cây nến tỏa áng sáng mù mờ.  Dự tính; khi nào nghe thấy tiếng ngáy o o của ổng; thì hành động cấp kỳ.  Cơ hộ đã đến; tôi thổi phụt, nến tắt. Không thấy phản ứng, tôi  lăn từ từ khúc chuối, cho rơi xuống đất.

" bộp "
" cái gi đó, Út ?"
" thưa thầy, có lẽ anh con ngã "
" đèn đâu, diêm đâu?"

ổng luống cuống trong thái độ, hành động khuất lấp trong bóng tối; mà, tôi nhận được qua thính giác. Ổng kêu hốt hoảng:

" bỏ mẹ, nó ngã chết rồi, Út đâu ?"

Ở trên gác, tôi bụm miệng cười.

Đèn sáng.

Thế ra chỉ là một khúc chuối.

trông nét mặt ổng lúc ấy, tôi liệu thân mình liệu có chịu nổi trận đòn của cơn lôi đình giận.  Vẻ tức tới, vì bị đứa con ngỗ nghịch lừa; ổng là thầy, là ba nó ... biết hết mánh khóe lừa lọc của đời -- thế mà bây giờ bị nó ...

tiếng ổng gọi tôi vang lên cụt ngủn:

" xuống ngay, tao  bảo xu...ống nga...ay ".

tôi run cầm cập mỗi lần bước xuống một bực thang.


                                                                 ***

Nhiều khi  muốn quên hẳn dĩ vãng; ôn lại, chỉ làm người ta buồn, có khi lại còn cản ngăn ý chí tiến thủ là khác.  Chợt lóe lên hình ảnh tác giả A. Malraux; ông nhà văn này không muốn nhắc dĩ vãng-- dù muốn hay không -- La Condition humaine, thân phận con người Tchen vẫn không thể không nhớ dĩ vãng. (1)  

khác hơn Malraux, Jean-Paul Sartre lại chỉ nhận gái trị, nếu có thì là dĩ vãng. ," tôi chỉ nhận dĩ vãng, và chỉ có dĩ vãng là tôi chấp nhân ." (2)

Riêng tôi, chẳng quá nặng nề với dĩ vãng, nhưng cũng khó  cắ hếtđược dĩ vãng.  Đôi lần, thường'lọc' dĩ vãng, bằng cách lấy vé tàu đi ra biển; để tự xoa dịu nỗi đơn côi bản thân, khi nhìn sóng biển cuồn cuộn ào ào  đánh sóng lớn  vào bờ.

tôi lại bừng cơn mê dĩ vãng, nhớ tới 'Ngọn núi kỳ ảo, tác giả  Thomas Mann nhắc,

" chỉ có 2 con đường dẫn lộ trong đời sống: một là con đường ngay ngắn, thẳng thớm; hai là: con đường nhỏ hiểm nguy, thì dẫn tới sự chết ;là 'con đường của thiên tài'. "

còn tôi, nếu tiện dịp được trở về quê hương, đôi chân tôi đạp xào xạc trên đống lá khô, thoai thoải theo sườn đồi; tôi nguyện cầu, tôi bước xuống-- để tìm vài hình bóng thân thuộc nhớ đời, nay đã không cỏn

 THẾ PHONG
 THÁNG GIÊNG 1959

---
    (1) trang 221  La condition humaine/ André Malraux.
   (2) Satre par lui même/ Francis Jeanson/  Ed. du  Seuil, 1956.
   (3)  La Montagne magique.

 - bài  tu chỉnh -- trước đó được đăng trên tạp chí Văn hóa Á châu (số tháng 2/ 1959 ).
 (chủ nhiệm: Nguyễn đăng Thục)


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ