phần đời còn lại : tạp văn hoàng vũ đông sơn (di cảo )
di cảo của hoàng vũ đông sơn
phần đời còn lại
hoàng vũ đông sơn
(thủ bút+ chữ ký hoàng vũ đông sơn [1939-2014)
- ...' em cũng có một ông đàn anh, nhà văn 'thứ thiệt'; ông ưa chọc quê thiên hạ, ưa quậy tưng lên cho đỡ buồn. Ông nói, 'văn, thơ cũng phải chiếu theo'hệ thống quân giai'. để lượng giá 'hay' hoặc 'dờ'. Đành là huynh đệ chi binh; nhưng phải nhớ : 'thơ của binh nhì' phải kém cạnh'thơ của binh nhất, hạ sĩ'. Còn văn của thượng sĩ phải thua văn thiếu úy . Văn, thơ của đại tướng, tất phải trùm cả chư quân ...'
- ... 'thế thì' ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới/ đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên'
Người khách đập cửa kình kình; rồi vào nhà lúc quá trưa, cứ như công an xét hộ khẩu, hay 'Tây nhà đèn' nội hoá đi kiểm tra đồng hồ điện đột xuất, ở cái thời mới giải phóng từ mấy mươi chục năm qua. Đã quen sống với cái cảnh thường xuyên bị xúc phạm; bị lăng nhục, không còn thắc mắc,'sao vậy cà?' -- tựa hồ cái không khí truyện The Gulag Archipe-
lago' của A.I. Solzhenitsyn -- một tác giả mà Ngọc Thứ Lang đã chuyển ngữ sang việt ngữ. Thế mà tôi vẫn thót tim, vẫn 'teo teo' làm sao ấy. Cảm giác thật khó tả.
Tiếng thằng con tôi, " Thưa bác, bác lá bác ... con nhớ ra rồi! Bác mới về ạ". Khiến tôi yên chí rằng ; cái ông viễn phương, lại là người quen; và, biết đích thị ông là ai?
Chỉ có âm lượng bây giờ rổn rang cao, tự toát ra vẻ sung mãn. Ông ta hỏi con tôi một tràng dài,
" Mi là thằng Cún phải không / Lâu quá rồi hỉ. Học cái gì, xong chưa, cao nhỉ,thước bẩy mấy, đi làm chưa , đã có' mèo' chưa? Thằng cha mi đâu, còn ngủ hả. Cái thằng Tây nó đô hộ mình có gần một thế kỷ thôi; mà tác hại nhiều quá. Vui cũng ngũ, buồn cũng ngủ; chẳng ra cái 'thống chế' gì cả ."
Tôi vội quơ quần áo mặc rồi; bước ra phòng ngoài gặp ông, vừa đi vừa nói,
"Sao lại không ra cái' thống chế' gì?! Ngủ để mơ ' làm người Quang Trung'. Ngủ còn để mộng kiến cố nhân; may ra có cụ ngứa miệng, ban cho lời dạy dỗ để sống hết phần đời còn lại, cũng hay lắm chứ !"
Sau khi chủ khách đã phân ngôi; con tôi đem nước sôi; và, ấm chén cho tôi tự làm 'trà nô' tiếp khách. Ông nhìn cái hộp Longjing Tea ; rồi vồ lấy, lắc lắc, ngắm ngía; phán,
" Mừng chú qua cảnh 'ấm trà góp lá bàng, lá vối'; pha mùi chát chát, chua chua. Không còn cảnh' đồ chuyên trà ấm đất 'sứt vòi' nữa."
" Cám ơn anh đã mừng cho em; trà' Long Tĩnh', thật ra chỉ còn cái hộp không thôi. Còn ruột nó hết từ khuya rồi; ấy là nhờ một đàn anh Việt kiều Mỹ gửi biếu. Ông ấy 'nhị không'; nên gửi về cho em, đó là thứ trà Tàu thứ thiệt, ngon lắm anh ạ."
" 'Nhị không' là cái gì chứ?
" Thưa anh, anh có nghe bài thơ cổ, có những câu :
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chưa rượu với chừa trà
" Ừ nhỉ. Tôi nhớ ra rồi, thơ cụ Tú Xương mà."
" Chưa chắc đâu anh. Xưa kia ông thầy dạy em, khi giảng bài thơ này, cụ bào, " Thơ của vị cao tằng, đức cao vọng trọng ở vùng non Côi, sông Vị Trần kế Xương tự trào." Người rất sòng phẳng với cuộc đời:
Cao lâu thường ăn quịt
Thổ đĩ lại chơi lường
Trần thi sĩ tiền nhân chả thèm băn khăn, thắc mắc 'vớ vỉn' như rứa đâu!"
" Còn bộ đồ trà này?"
" Bộ đồ trà này cũng của Tàu, Tàu mới, Tàu Hoa lục bây giờ. Đây là bộ quần ẩm, có tới 6 cái chén quần, một chén tống ; và, ấm để trên một cái lớn, như cái âu, cái chậu. Nhìn 'quê quê' thấy mẹ; nên em tách ra, chỉ dùng chén tống, chén quần đối ẩm thôi. Xa xa. có vẻ Thế Đức gan gà, phải không anh ?"
" Cái đó tôi không rành. Mua; hay là ai cho?"
" Giá 50.000 đồng tiền Ngân hàng nhà nước Việt nam. Cọ giáo 'vợ' mua tặng sinh nhật lần thứ 60 của 'đệ' đấy."
" Trà gì? Uống cũng được lắm chứ ."
" Trà Thái nguyên hay Bắc Thái gi đó. Người ta thường gọi là trà Bắc cho gọn ấy mà."
***
Ông đàn anh khách quí tới thăm; vào cái giờ oái oăm. Vợ tôi ra chào ông; và, lấy bánh ra mời. Nể lời; ông cầm một cái lên, nhìn nhìn, rồi bẻ một mảnh nhỏ đưa vào miệng, biều lộ vẻ 'vạn bất đắc dĩ'.
Ông khen,
" Khá nhỉ, sao cao sẵn cả bánh thế này?" Vợ tôi thành thực khai báo, " Thưa bác, bánh hộp nguyên bằng sắt, vừa mới mở. Đến hết tháng 12/ 2005 này mới hết 'đát'. Đây là lộc của cô giáo già; học trò cũ biếu tết đấy ạ. Cháu nó đã lớn; chúng em già rồi, ít ăn vặt. Chỉ đợi mấy thằng cu cái tí con nào đến thăm thì làm quà cho chúng nó mừng."
Kể như uống trà mất cả buổi chiều; chuyện đông, chuyện tây, chuyện mới, chuyện cũ; nổ như pháo rang. Cứ gọi 'tiệc tẩy trần' đi, cho nó sang, Bác đi máy bay từ Mỹ về; 'sức mấy' mà co bụi bám vào được, mà 'tẩy' phải không ạ. Ở 'bển' chắc vui, bác nhỉ?"
" Tôi có ăn uống gì được đâu. Cà-phê, thuốc lá, rượu,. mỡ màng; đều bị bác sĩ cấm hết. Ở bên đó buồn quá; nên mới mò về đây. Cả chục năm không về. Năm nay về ăn tết; xuống máy bay là tôi phải đi cấp cứu liền; rồi, ở miết trong nhà thương, mới ra được mấy bữa nay. Hôm nay thấy khoe khỏe, qua thăm cô chú đầu tiên đấy."
" Cám ơn bác; thế mà, có đứa nào bên nhà báo cho chúng em một tiếng đâu. Thế bác sĩ nói bác bị bệnh gì; và đã chữa trị hết chưa? "
" ...hết hẳn thì chưa. Nằm qua 3 nhà thương; mỗi nơi 'phán' một bệnh chính + nhiều bệnh phụ. Chả biết ra làm sao nữa. Bác sĩ bên Mỹ nói là bệnh già; tim, gan, phổi 'tầm bậy' cả rồi. Nhưng chắc chắn là chưa tới số. Thôi; cô chú và thằng cháu thay đồ; rồi ta ra thịt vịt Thanh đa lai rai cho vui. Cơm nấu rồi để mai ăn cũng được mà."
" Ấy thưa bác không được. Bác phải ăn kiêng; cả nước này đang bị cái nạn H5N1 làm hại. Gia đình em cả 2 năm nay; đến hột gà, hột vịt, 'hột' chim cút, cũng sợ phạm húy; không dám đụng tới. Bác cũng đừng có mà dùng; mà chuốc lấy tại họa."
" Sao tôi đi qua vẫn thấy người ta tấp nập vô."
" Đấy là những người tự cho là được miễn nhiễm; hoặc, can đảm lắm mới dám vô tư nhập khẩu đấy ạ. Chúng em thì dứt khoát ;không".
" Thế thì đi chỗ khác, ăn món khác. Ở đảoThanh đa thiếu gì quán có bò, heo, cua, cá."
" Cám ơn bác; chúng em đã nấu xong cơm chiều. Chỉ chờ bác và nhà em uống nước xong; cơm bưng lên ngay. Cơm rau mắm; chứ không thịt thà, cá mú đâu mà bác sợ. Mỗi tháng chúng rm có một tuần 'ăn mặn', còn 3 tuần 'ăn chay'. Rất may cho bác đến thăm; lại gặp tuần chay, hợp với người ăn kiêng.
Bố con tôi lặng ngắt; nhất định trung lập. phi liên kết. Phe nào thắng là theo. Nếu ông đàn anh khách quí thằng; thì bố con tôi thich lắm. Chuyện còn đang dùng dằng chưa ngã ngũ; thi chuông điện thoại reo.
Cháu ngoại ông báo, 'nhà có khách, khách bà con từ ngoài Bắc, ngoài Trung vào thăm ông ngoại'. Điện thoại 'réo' đến lần thứ 3; ông mới chịu ra về. Trước khi về; ông hẹn tôi, sáng mai qua sớm, 'có nhiều chuyện muốn nói'. "
***
Cả buổi sáng ngồi ờ sông Thanh đa; nhìn mây nước lên xuống, từng dề lục bình cũng ngược xuôi, như mấy đoàn ghe thuyền -- phần lớn mang số L.A. ( số đường sông tỉnh Long an) đều chở khẳm những đất, đá, sỏi, trái cây, lá dừa nước, cấy giống ... chui qua cầu Kinh, cầu Bình triệu 1, Bình triệu 2.
Lượt về; ghe cũng chở khẳm, chả biết họ chuyên chở hàng hóa gì, mà che phủ kín mít. Ghe xuôi tới đâu và ngược tới đâu? Ghe là cái nhà của dân sống lưu động trên sông, nước. Chữ nghĩa của người Nam Kỳ lục tỉnh; xưa gọi là 'dân thương hồ'; còn văn liệu thì có khắc ghi trong điệu lý, câu hò; ở từng khúc sông vào mỗi bình minh, hoàng hôn -- và nhất là, mỗi đêm trăng thanh, gió mát đầy bầu trời.
Nam nữ 'nghệ sĩ' hạnh ngộ bất chợt một thoáng trên sông; khi ghe vừa chạm mũi, hay 'đẹp nhất' là cùng xuôi một dòng 2 bên bờ sông Tiền, sông Hậu, Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây, Đồng nai, Bến nghé ... đều được nghe câu hò đối đáp. Họ có nên duyên Tấn Tần hay không nhỉ? Chắc là có nhiều thật nhiều mới hợp lý.
Bây giờ; ghe thuyền xuôi ngược, không ai còn nghe được tiếng hò thanh thoát, trữ tình, bằng các điệu lý mang hồn dân tộc nữa. Ghe thuyền nào cũng 'chạy' bằng thủy động cơ, cũng có radio, TV, hát băng, dĩa phát ra tiếng véo von. Những bài hát tiếng Anh, Pháp, Nhật, Tàu ..., đủ các giai điệu, chẳng hợp với tâm cảm người sống trên sông nước, mà vẫn mờ mờ, ảo ảo.
Tôi rất mừng là : khoa học, kỹ thuật đã giúp cho việc chuyển vận ở nước tôi máu chóng, trọng tải được nhiều; đỡ phải dùng cơ bắp, hò khoan theo nhịp; đỡ phải phụ thuộc vào con nước, gió xuôi, gió ngược của thuyền buồm. Nhưng; lại buồn buồn, nhớ nhung những điệu lý, câu hò nam nữ thương hồ; hay, chỉ ít cũng dùng một vài 'Con Bảy đò đưa' -- như nhà văn Sơn Nam tả: cô Bảy véo von đối đáp trong một chiều tím trên sông Cửu.
Nhìn những dề lục bình trôi; tôi nói với ông đàn anh Việt kiều :
" ... ba mươi năm một kiếp người; tất cả đã thay đổi rồi, anh ạ. Thay đổi từ trong ra ngoài; chỉ còn những bình hoa tim tím kia thì vẫn như thế, vẫn dập dềnh theo con nước lên xuống. Ở quê em; xứ Đông triều-Hải dương, gọi nó là 'bèo Tây' có nơi lại gọi là 'bèo Nhật bản'. ' Di-cư dô Nam ; em mới biết nó còn có tên nữa 'lục bình'. Lại có một thành ngữ; nghe một lần, nhớ liền 'ăn như xáng xúc, làm như 'lục bình trôi'. "
" ... tại sao lại gọi là bèo Tây, bèo Nhật bản? ; cái gì to lớn, đẹp đẽ; đều là của Tây, của Tàu; rồi của Nhật nữa ? Đất Bắc vẫn hãnh diện là cái nôi văn hoá dân tộc việt, chả lã lại như thế sao; vậy thì cần phải xét lại mới được. "
" ... xin lỗi anh! bộ đất Nam nhà anh bị kém cạnh, hay sao? Nào là 'xà-bông', 'mã tà', 'đá bánh',n 'hủ tíu' ...; còn như có tên như thế là có ly do. Thế rồi, vào năm 1945, ông Nhật lùn đá đít , véo tai ông Tây mũi lõ; thì có thứ gọi là 'bèo Tây' ấy trôi từ Thái bình dương vào sông ngòi Bắc việt. Chả hiểu; vì cơn cớ làm sao, nó lại xuất hiện ở ao bèo Ta, thứ bèo nấu chung với cám cho lợn ăn; bỗng lợn lớn như thổi. Còn bèo Tây hay bèo Nhật bản thì lợn lại chê. Chỉ có lợn chê; vì, phải ăn để sống, nên được liệt vào loại 'tốt mẽ rẻ cùi'. Nhìn thì mát mắt lắm; giống bèo to lớn xâm lăng, lấn lướt vóc dáng, có vẻ 'đại Phú- lang- sa' đến khai hoá văn minh; hay 'đại Nhật bản Đông Á' ấy ; đã làm cớm nắng trên mặt ao, dưới nước thì rễ cũng to, khỏe, dài thườn thượt, hút hết tính chất 'bùn -béo- Việt- nam' rồi. Bèo ta vì thế teo tóp; lợn heo bị đói kêu la rên xiết. Muốn bèo Ta sống; chỉ còn cách phải tận diệt ' quí Anh, Chị bèo Tây, Nhật' ấy ngay. Cứ 3 ngày; bèo che kín nửa ao; một tuần che kín mít ao. Khi 'nước cạn, bèo đến đất'; thì bèo Ta yêu nên 'tịch' trước; bèo Tây, bèo Nhật còn lại phát triển cho tới khi nước cạn khô queo, ao nứt nẻ mới chịu 'tịch' , thế đấy anh ạ."
" Người ở ngoài quê chú xưa kia có ý gì không; mà,lại kêu lục bình là bèo Tây, bèo Nhật bổn? Kêu như rứa là để nịnh bợ hay lên án cái tàn ác, bất nhân của họ?"
" Thưa anh; thế sao lại gọi là ' lục bình' ? Em đã phải 'phịa' ra; để cắt nghĩa cho thằng cu con em, lúc nó cỏn bé :' Lục là xanh, màu xanh - Bình là cái 'thân cây' hình thuẫn, giống cái bình hoa, phía trên cắm hoa tím.' Nó tin như sấm. Em nói cho xong chuyện mà thôi. Thế mà; em được cháu nó khen' Bố giỏi quá, cái gì bố cũng biết.' Bảo rằng gọi tên; hay, đặt tên bèo Tây, bèo Nhật; để nịnh bợ, để hù dọa quốc dân, đồng bào; thì phải là quí quan phán, thầy thông ngôn sở Thuộc địa; hoặc, quí vị người mình cộng tác với Nhật; cũng được gọi quan, làm ở sở Hiến binh Nhật. Còn quan Mật thám thì' lận' súng sáu; quan Hiến binh Nhật đeo kiếm dài. Họ đều có quyền bắn bỏ, đâm chém đồng bào ta; để tỏ dạ trung thành với đại Pháp, đại Nhật bổn. Nếu bảo là lên án; thì tác giả ấy phải là các cụ đồ, các bậc nho gia; hay là các vị trong hội Kín từng chống Tây, chống Nhật bổn. Còn loại 'dân ngu khu đen' chẳng khác gì bầy cừu; thấy con đầu đàn đâm đầu xuống vực, cả đàn nhảy theo; thấy con đầu đàn 'be be' là 'be' theo thôi. Vả lại; năm 1945, em mới lên 6; biết gì những chuyện cũ rích xưa như trái đất ấy mà nói. Chẳng qua; em biết một tí ti, do người lớn nói; và, qua vài tí sách báo cũ viết ra như thế.
"Thế thì chuyện nay, chuyện bây giờ, chuyện mấy năm; tôi không có hoàn cảnh về; thì chúng sống ra sao ? Kể cả buồn vui trong cuộc sống 'cơm nhà quà vợ' nữa. Chú cỏn kém tôi cả chục tuổi; mà tóc đã bạc phơ hơn cả tôi. Ngày xưa; chú ngang ngược, nên bị chúng hét. Một thiểu số yêu thương chú; vì, cái tật 'ngang cành bứa', lại ưa chọc quê những thằng cà- chớn chống xâm lăng nữa. Phản ứng của chú là đúng thôi. Người thích chú; chỉ có hệ số rất ư nhẹ ký; ngoài chuyện ăn nhậu ra, thì chẳng giúp gì được chú. Những yêu ghét bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Phải biết trang trọng ; để biến nó thành kinh nghiệm để răn con, dạy cháu. Buồn thì vẫn phải sống và đời đâu có vui hết thảy. Chẳng thế, Nguyễn công Trứ từng biểu:
Mới sinh ra miệng đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì
ở trên nhà chú hôm qua; nghe chú nói tới cái khoản 'phần đời còn lại', khiến tôi suy nghĩ cả đêm. Phần đời còn lại của anh em mình; hay ở dạng anh em mình, sao nhiều cay đắng, lắm nhiêu khê thế, không biết nữa. Ở bên đây buồn; thì bên đó đâu có vui. Sống mà chẳng làm được gì cho đời; người xưa gọi là 'dư sinh', nôm na là 'sống thừa' trong quan hệ xã hội. Làm thế nào để không bị liệt vào hạng 'sống thừa' ? Khó quá . Những anh chị già, có bằng cấp lớn, có chí khí cao, đã phát minh , phát kiến ra kế sách 'hộ quốc bảo dân', hay đáo để Tiếc rằng đàn gảy mỏi tay ; mà tụi ... ba bứa ' thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào'. Thì chẳng ra làm sao nữa. Tôi tự biết 'bất tài vô tướng', nên đứng ngoài vòng luân hồi. Nhiều bạn ta có kiến thức, có văn tài -- nhưng từ khi đến Mỹ đã viết văn, làm thơ để ký thác tâm sự, trở thành nhà văn, nhà thơ có thế giá đấy, chú ạ. "
" Dạ, thưa anh, em biết điều đó. Người việt mình chưa có nghề văn sĩ, thi sĩ. Văn thì không có cấp bậc như nhà binh; cũng chẳng có ngạch trật như công chức, đễ lĩnh lương, ăn tiền. Chỉ có nghề làm báo và viết báo. Em còn nhớ; có một ông lớn, thật lớn; buồn tình, ông ta làm thơ, tự khẳng định mình. Bài thơ có câu; ' Ngồi buồn gãi háng giái lăn tăn'. Ký giả 'thiệt' Minh Vồ- Nguyễn văn Minh, chủ nhiệm báo Con Ong, liền đặt ra mục 'Thơ Gãi háng'; câu thơ trên có ghi tên tác giả nó là 'Thi sĩ ...' .
Em cũng lại có một ông đàn anh, nhà văn 'thứ thiệt', ông ưa chọc quê thiên hạ, ưa quậy tưng lên cho đỡ buồn. Ông nói, ' văn, thơ cũng phải chiếu theo 'hệ thống quân giai' để lượng giá 'hay' hoặc 'dở'. Đành là 'huynh đệ chi binh' đấy; nhưng, phải nhớ là 'thơ của binh nhì' phải kém cạnh 'thơ của binh nhất, của hạ sĩ' ; văn của 'thượng sĩ phải thua văn của thiếu úy'; còn văn thơ đại tướng tất phải trùm cả chư quân. Cứ thế mà tính; từ trên xuống cũng được, từ dưới lên đều được cả. Cứ thế mà suy ra; mà tôn cao theo hệ thống quân giai...' Anh cũng viết văn, làm thơ đi; nhất định phải từ 'trung úy trở xuống đấy'. "
" Theo chú nói, tức là:
Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới
Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên "
" Dạ, đúng thế đấy ạ. Thế mới biết ' biết thế nào là lễ độ' . Vì 'Thơ Gãi háng' mà vẫn có cả những ông tai to, mặt lớn khắp thiên hạ 'kính phụng họa' ở trên báo chương-- và, viết bài ca tụng, ca ngợi thi tứ hàm súc, ý thơ mênh mông tới cả mấy từng trời."
" Chú chơi tôi đấy à. Văn, thi tài thì tôi vốn không có. Nếu có; thì đã 'mần ối' ra rồi. Vì thế, nỗi buồn cứ nhân lên mãi. Chú nói quanh co; rồi dẫn dụ người ta ra ngoài, cứ như đang họp báo không bằng."
" Thưa anh, anh hỏi em toàn chuyện em mù tịt. Thứ 'cơm nhà, quà vợ' như em, có khi cả tháng mới ra khỏi nhà; thì biết gì nhiều chuyện thời nay, mà bép xép. Anh lại còn cao giọng bảo là' "chú chơi tội đấy à." ... Anh ơi, đến như Nguyễn Du chưa thể tự khẳng định bản thân, nên thổ lộ:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
mà thật ra, năm nay anh bao nhiêu rồi nhỉ?"
" 78, hơn chú cả một giáp đấy. ... Tôi sống thì Mỹ nuôi, chết Hoa Kỳ chôn; ốm đau thì chú Sam thang thuốc, chăm sóc... vậy đó chú ơi !"
(...) tạm lược khoảng trên 2 trang A4- Bt)
***
Ngoài trời nắng như dổ lửa. Chẳng có tí gió máy nào từ sông thổi lên; vậy thì con rất lâu mới có mưa cho đồng ruộng . Thành phố này; thỉnh thoảng; bầu trời mới nhỏ giọt xuống vài giọt gọi là lác đác mưa rơi, gọi là 'Mưa không ướt đất' [ một nhân vật truyện của Trùng Dương 'làm tình cùng một chàng họa sĩ, vì yếu' sinh lý' , xuất tinh nhỏ giọt ] ...
Chia tay trong oi nồng của mùa mưa lại không có mưa.
Tôi viết những dòng này đúng vào ngày hòa thượng Thích quảng Đức 'tự thiêu vì đạo pháp' đã qua 42 năm.
[]
hvđs
SAIGON, 19/ 4/ẤT DẬU
(26/5/ 2005)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ