' nhà văn]Nguyễn Đình Toàn [ bút danh đầu: Tô Hà Vân 1936- / Mỹ ] -- trích : nguoi-viet.com - August 24, 2022.
Wednesday, August 24, 2022
Nguyễn Đình Toàn, tài hoa từ giọng nói
Đặng Phú Phong
WESTMINSTER, California (NV) – Nguyễn Đình Toàn là một cái tên rất quen thuộc với giới văn nghệ sĩ, độc giả và thính giả yêu nhạc suốt khoảng thời gian 20 năm từ 1954 đến 1975 của người miền Nam Việt Nam.
Ông là một người đa tài, làm thơ, viết văn, soạn nhạc và viết cả kịch nữa, điểm đặc biệt nhất của ông là cái chất giọng ấm, ngọt ngào và quyến rũ vang lên mỗi tối Thứ Năm hằng tuần trên đài Phát Thanh Sài Gòn trong chương trình “Nhạc Chủ Đề.”
Bài viết và giọng đọc truyền cảm của ông đã làm say mê biết bao thính giả, dĩ nhiên cũng làm cho bao nhiêu trái tim thiếu nữ thổn thức, ông là “một người đào hoa nhưng rất chung thủy với vợ” (theo lời người con gái). Những bài nhạc ông chọn để phát thanh đều nằm theo chủ đề của chương trình mà ông dẫn dắt người nghe đi vào những khám phá qua văn chương thi vị, qua đời sống tác giả và từng giai điệu của bài hát. Câu giới thiệu về những bản tình ca của Trịnh Công Sơn là “những bản tình ca không có hạnh phúc” như một dấu ấn của nhạc sĩ này, đã làm biết bao thính giả thật thú vị và ghi nhớ mãi.
Ông giới thiệu những nhạc sĩ tài danh từ thời âm nhạc Việt Nam mới phôi thai đến các tác giả đương thời với những tác phẩm điển hình của họ. Những nhận xét tinh tế, sửa những chữ trong bài hát đã bị phổ biến sai giúp thính giả của ông, ngoài phần thưởng thức văn nghệ còn được tăng phêm phần kiến thức về âm nhạc.
Những giọng ca thường được ông ưu ái nhất để đưa các bài nhạc hay đi vào lòng thính giả như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú, Duy Trác. Trong một lần trò chuyện với tôi, Nguyễn Đình Toàn nói về các giọng ca nữ hàng đầu của Việt Nam thời VNCH như sau: “Giọng ca của Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền… hiếm nhưng không quý, duy chỉ có giọng ca của Thái Thanh mới có đủ hai chất quý và hiếm.”
Riêng với Khánh Ly, ông từng dạy hát và nhạc lý cho cô nên rất thân và hiểu về giọng hát này.
Nguyễn Đình Toàn không học nhạc ở trường lớp nào, chỉ ra công nghiên cứu các sách nhạc của Pháp (Việt Nam thời bấy giờ rất ít sách nhạc). Ông sáng tác khoảng 200 bài và phổ biến mới chừng một nửa qua bốn tập nhạc như “Hiên Cúc Vàng,” “Mưa Trên Cây Hoàng Lan”… đa phần được in ở hải ngoại. Được hỏi nhận xét về nhạc của hai nhạc sĩ vang dội trong làng âm nhạc Việt Nam là Phạm Duy và Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nói rất tóm tắt: “Nếu dùng hai từ cao và rộng để bàn thì nhạc Phạm Duy rộng hơn, nhạc Văn Cao thì cao hơn.”
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại Hà Nội, di cư vào Nam 1954, định cư tại Hoa Kỳ năm 1999, Nguyễn Đình Toàn là bút danh chính thức còn một bút danh khác là Tô Hà Vân và Hồng Ngọc khi viết nhạc.
Về văn nghiệp, Nguyễn Đình Toàn đã xuất bản được 17 tác phẩm về truyện dài, tập truyện, bút ký, thơ và truyện kịch. Truyện dài đầu tay mang tên “Chị Em Hải,” xuất bản năm 1962; đến năm 1970 in truyện dài “Áo Mơ Phai” và ông đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc nhờ tác phẩm này.
Rất nhiều nhà văn thơ tên tuổi viết về ông, gần như tất cả đều khen tặng, xưng tụng ông hết mình, như Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Huỳnh Phan Anh… Du Tử Lê trong một bài viết đã gọi ông là “Người tình không chân dung của khán giả Việt Nam.” Quả là Du Tử Lê đã trao cho Nguyễn Đình Toàn ngôi vị của một hoàng tử trong ước mơ của muôn nàng thiếu nữ.
Gần đây nhà văn trẻ tên Lưu Na viết một cuốn sách dày gần 200 trang để nói về ông, với tựa đề là “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người.” Cuốn sách là những nhận định về Nguyễn Đình Toàn rất thú vị, sắc bén và mới lạ, khác với các bậc đi trước: “Người cùng thời của ông viết ra những suy tư và tâm tình mang dấu ấn của thời họ sống, những vấn đề lớn lao nhưng của cả một thế hệ. Còn cái ông viết là cái của muôn thuở: tình yêu và sự sống, được viết bằng cái cách của người 300 năm trước nói chuyện 400 năm sau.”
Hay: “Võ Phiến quan sát mọi sự quanh mình, còn Nguyễn Đình Toàn thì thật ra chỉ ngó một thứ, tỉ mỉ một điều: lòng của ông… Đọc Võ Phiến thì mình theo người viết ngó ra chung quanh và đọc Nguyễn Đình Toàn thì mình ngó vào lòng người viết” (sách đã dẫn, Lưu Na).
Sắp đến ông sẽ cho ra mắt một tập thơ mang tên Thơ và Ca Từ, gồm 104 bài thơ trong đó có một số được làm ca từ của những bài hát của ông, nói một cách khác là những bài thơ của ông do chính ông phổ nhạc. Trong số này có ba bài nhạc ông viết cho ba loài chim mà ông đặc biệt yêu mến: Họa Mi, Hoàng Oanh và Đắng Đót.
Họa Mi là loại chim có giọng hót trong trẻo và hay nhất trong các loại chim rừng. Một người quen với người viết, rất sành điệu trong việc nuôi chim nói rằng, Họa Mi có đặc tính càng bay cao thì càng hót hay. Ông ta nhốt chim Họa Mi trong một lồng tre cao đến 2 mét, ở giữa là một cây trụ cao chừng 2/3 lồng, đầu trụ gắn một ổ Pi thật nhạy, hàn với một vòng tròn sắt nhỏ. Khi con chim đáp lên cái vòng, cái vòng sẽ chạy quanh, chim mất thăng bằng thì phải đập cánh, càng đập cánh nhanh thì ổ Pi có gắn vòng sắt tròn ấy càng xoay nhanh hơn; con chim Họa Mi sẽ tưởng mình đang bay cao, đem hết khả năng của mình mà hót lên những âm thanh bay bổng nhất, tuyệt diệu nhất. Nguyễn Đình Toàn yêu tiếng hót của Họa Mi và rất thích đường viền tuyệt đẹp chung quanh mắt của nó. Cứ như do một bàn tay khéo léo vẽ lên rất đều rất sắc bén và mềm mại. Nghe chim Họa Mi hót giọng ngọt ngào, trong veo như giọt sương trên cành, lòng người cảm thấy an yên hạnh phúc hơn là khổ đau, buồn bã.
“Này hỡi họa mi trên cành liễu xanh
Dạy cho ta biết cách yêu không buồn
Yêu nhau nhưng không đau lòng
Như suốt đời chim cắp cánh chung” (Họa Mi. Thơ và Ca Từ)
Riêng về con chim có tên thật lạ là Đắng Đót, Nguyễn Đình Toàn kể rằng, khoảng cuối thập niên 50 ông có dịp đến tỉnh Phú Yên, được dân địa phương vùng núi ở đây giới thiệu loài chim lạ tên Đắng Đót. Cứ hằng tối chúng đi vòng theo núi một con kêu “Đắng” một con kêu “ Đót.” Cứ thế, chúng nghe tiếng kêu nhau, tìm nhau cho đến sáng hôm sau chúng mới gặp nhau và cùng dẫn nhau đi mất. Dân gian kể Đắng, Đót là hai anh em, sinh thời rất tương yêu quấn quýt nhau nhưng vì do hiểu lầm đã giết nhau, nên khi chết hóa thân làm chim Đắng Đót luôn miệng kêu đắng đót mà tìm nhau nối lại tình anh em.
Chuyện dân gian là thế, cách của chúng tìm nhau trong suốt đêm trường đã làm cho chúng ta không khỏi bâng khuâng, cảm kích về tình người keo sơn gắn bó. Bài thơ có những câu thật xót lòng:
“Nước mắt tôi khóc chàng
Không dập tắt được lửa tình trong tôi
Ôi có ai kia
Đêm nao nức nghe đêm
Mới biết đêm sâu
Mới biết tim ta
Là bể đau khi yêu” (Đắng Đót. Thơ và Ca Từ)
Thơ Nguyễn Đình Toàn đã có sẵn nhạc tính riêng nên chỉ cần nghe lại lời thơ của mình là ông có thể ghi thành một bản nhạc với những âm giai mượt mà, bay lượn.
Năm 1962, có một hiện tượng nổi bật về bộ môn thơ; đó là sự trình diễn của nghệ sĩ Nguyên Thanh, một nghệ sĩ ngâm thơ rất nổi tiếng, diễn ngâm bài Khúc Ca Phạm Thái của Nguyễn Đình Toàn. Nghệ sĩ Nguyên Thanh tập dượt bài thơ trong sáu tháng và trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo trên đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, dưới sự dàn dựng của nhạc sĩ tên tuổi Đỗ Đức Thu cùng phần nhạc đệm của ba nhạc sĩ tài danh bấy giờ là Nghiêm Phú Phi với piano, Dương Thiệu Tước đàn tranh và tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa. Bài thơ và phần diễn ngâm của Nguyên Khanh gây được tiếng vang lớn, sau đó được đưa đi theo đoàn văn nghệ trung ương diễn ở các nước Đông Nam Á. Bài thơ này sau đó cũng được nghệ sĩ Hà Linh Bảo diễn ngâm các nơi được nhiều khán thính giả hâm mộ. Thế mới biết thời đó người Việt Nam rất yêu thích thơ văn, điều mà bây giờ đã không còn bóng.
Bài thơ “Khúc Ca Phạm Thái” gồm 73 câu, mỗi câu chín chữ, thảng hoặc bảy, tám chữ, có khi nhiều hơn 10 chữ, Nguyễn Đình Toàn dùng nhiều từ ngữ xưa như: hề, chừ, ta, nàng… nên không khí của bài thơ rất cổ phù hợp câu chuyện ông kể. Ông thi hóa Phạm Thái, một tráng sĩ văn hay võ giỏi, sống thời Nguyễn Gia Long, hừng hực lòng yêu nước, nhưng chí không thành đành lánh đến cửa thiền. Duyên trần chưa dứt, Phạm Thái gặp, và yêu say đắm Trương Quỳnh Như. Cánh chim không thể dừng, chàng phải ra đi để làm nghĩa vụ, 10 năm trở lại với lời hẹn xưa. Nhưng, Quỳnh Như đã trở thành thiên cổ. Phạm Thái còn chỉ biết ôm mộ nàng mà khóc.
“Ta tráng sĩ hề lòng không mềm bằng kiếm
Ta anh hùng hề sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như
…
Chợt năm canh gà chừ tóc hồ điểm bạc
Thù nhà chưa trả chừ nợ nước vai mang
Thẹn mặt làm ngơ chừ tủi thân hồ hải
Gục đầu lên gươm chừ máu đổ chứa chan
…
Mộ nàng bao cỏ úa lòng ta bấy xót xa
Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự
Ta thương nàng hay ta thương ta”
Bài thơ bi thương nhưng lại tràn đầy hào khí và ca tụng một tình yêu đẹp, bị dang dở nên tạo ra sức hút với dân chúng, xứng đáng nằm trong danh sách những bài thơ hay của Việt Nam.
ĐĂNG PHÚ PHONG
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ