Tròn 60 năm bên nhau – phu nhân nhà thơ Cung Trầm Tưởng vừa ra đi

 

Ông bà Cung Trầm Tưởng ở Paris, không rõ năm, nhưng theo trí nhớ của ông thì khoảng 10 năm về trước (nguồn ảnh: gia đình cung cấp)

 

 

 

Tính từ ngày tình yêu chớm nở nên đôi lứa năm 1957 ở Saigon cho đến ngày bà rời dương thế, đã 60 năm thi sĩ Cung Trầm Tưởng sánh bước cùng người phụ nữ mà ông khen là “có từ tâm, không ghen, quên mình đi, chỉ cần thấy chồng con được sung sướng… và có trí nhớ thủy chung”. Đó là những mỹ từ nhà thơ đã dùng để mô tả người bạn đời tròn 6 thập niên của mình khi tâm tình với Thế Giới Nghệ Sĩ buổi chiều cuối tháng 7.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, phu nhân nhà thơ Cung Trầm Tưởng, vừa ra đi hồi cuối tuần qua lúc 6 giờ 15 chiều Thứ Sáu 28/7/2017 tại Eagan, Minnesota, hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ được tổ chức từ ngày 2 đến 4/8/2017 tại Klecatsky Sons Funeral Homes ở cùng thành phố ông bà cư ngụ, sau đó hỏa táng.


Nhà thơ Cung Trầm Tưởng nói với Thế Giới Nghệ Sĩ, vợ ông bị ung thư phổi, khi phát giác thì đã di căn, nhưng bà không muốn chữa trị làm đau đớn cơ thể. Từ 5 năm trở lại đây, bà càng lúc càng yếu dần, cũng không muốn xuất hiện trước công chúng cùng ông. Khoảng một tháng trước, bác sĩ cho biết bà không còn bao lâu nữa. Rạng sáng 28 tháng 7, bà than khó thở, có lúc phải dùng gấp bốn lần liều thuốc giảm đau nên ngủ ngất đi. Chiều hôm đó, ông kể rằng đã đem những hình ảnh cũ đến bên giường bà, gọi bà dậy xem hình đẹp của bà ở Paris, và bà nấc lên, ra dấu cho ông là đã nhận biết. Đến 6 giờ 15 thì bà nhẹ nhàng vào giấc ngủ ngàn thu.

 

 

Tại một nhà hàng ở Houston, không rõ năm, bà cười vui khi ông đùa: “Mời bà lên xe để tôi làm phu xích lô đưa bà đi chơi nhá” (nguồn ảnh: gia đình cung cấp)

 

 

Hình bóng của người vợ hiền ẩn hiện trong thơ Cung Trầm Tưởng không ít, như nhà thơ Bùi Ngọc Tuấn, cũng ở Minnesota, nhận xét trong một bài viết năm 2014:
Người thi sĩ kỳ tài của chúng ta, người phù thủy của ngôn từ: Cung Trầm Tưởng, với con đường thi ca dài hơn 60 năm, với những bài thơ làm rung động rất nhiều thế hệ người Việt, mà ta có nói là làm rung động hàng triệu người Việt, cũng không chắc đã sai. Thơ Cung Trầm Tưởng của “trước tình” hay “sau tình” cũng đã hay, mà thơ Cung Trầm Tưởng của “trong tình” lại càng hay. Không phải cái hay của tâm không thôi, mà còn là cái hay của trí. Không phải cái hay riêng của chủ thể, mà còn là cái hay chung của nhân gian. Đọc những bài thơ “trong tình” của Cung Trầm Tưởng thời trẻ tuổi, để thấy cái nồng nàn, tha thiết của những người trẻ tuổi yêu nhau trong hướng vọng đắm say, đọc những bài thơ “trong tình” của Cung Trầm Tưởng viết trong những thập niên 1980, 1990, cho đến bây giờ, để cả tâm thể chúng ta cùng thảng thốt trong những cơn chấn động kinh hoàng, và rồi cùng nhìn người mình yêu thương, nhìn người bạn đời của mình, nhìn mọi người trên đời mà nhủ thầm tạ ơn chúng ta cùng có nhau.

… chỉ có tình sâu nghĩa nặng tới cỡ Cung Trầm Tưởng, mới viết được cho vợ mình những câu như sau:
Mai sau ngủ gốc cây sồi
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em

Ở một đoạn khác, nhà thơ Bùi Ngọc Tuấn ghi nhận:
Hãy nghe Cung Trầm Tưởng nói về người vợ, trong một đời sống còn khủng khiếp hơn cả địa ngục chín tầng, đời sống của những người tù cải tạo dưới chế độ cộng sản:
Mắt em hôm ấy lệ ngần
Tóc pha sương hẳn gian truân mút mùa
Ngó than gầy thấy nghèo xo,
Cơm quên đòi bữa, lòng lùa lắm cay
Chợt nhìn vết nhẫn đeo tay
Đã quy thành cỗ ma chay mẹ chồng

… Tình yêu của người vợ không bao giờ nhạt phai, càng đắng cay, càng sâu đậm, những ác độc, hung hiểm trên đời không thể mảy may xúc phạm:
Lệ em thuần phác đưa chàng
Sống thân cách trở, chết ràng hồn nhau
Bồng bềnh bồng bến bồng nao…
Chờ em đi thả neo sao biển trời
Mẹ ru con ngủ à ơi!
Nghìn câu vãn tống góp lời nuôi con
Nếu mai sau Đất Mẹ còn
Nhìn mây khuyên vấn tang Hòn Vọng Phu

Ông bà Cung Trầm Tưởng có 7 người con, 4 trai 3 gái, và 4 người cháu. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng (tên thật Cung Thức Cần) cho biết, gia đình bà theo đạo Công giáo, khi lập gia đình với ông thì thờ cúng tổ tiên, rồi thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Mặc dù đã rất yếu, 10 ngày trước khi qua đời, bà bảo con chở lại ngôi nhà cũ nơi thờ tự bố mẹ chồng và em chồng để cúng giỗ hương linh người em chồng quá vãng, nhà thơ Cung Trầm Tưởng ngậm ngùi kể lại. Và giờ đây, có lẽ bà cũng đã thong dong nơi tiên cảnh sau một đời phụng sự cho chồng, cho con.

 

 

 

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng và phu nhân (áo dài xanh, tay cầm bó hoa) trong một buổi vinh danh nhà thơ Cung Trầm Tưởng và các tác phẩm của ông, không rõ năm. Lúc này bà còn khỏe và thường xuất hiện cạnh ông (nguồn ảnh: gia đình cung cấp)

 

(trích đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 130 phát hành ngày 28 tháng 7 năm 2017)


---------------------------------