Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

VÕ ĐÁC DANH [ 1960 - ] và CHUYỆN ĐỜI CHUYỆN NGHỀ / Phạm Hiền Mây / Sài Gòn -- trích: T. Vấn & Bạn Hữu / Hoa Kỳ/.

 

          T.VẤN

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

                  Phạm Hiền Mây:

 VÕ ĐẮC DANH VÀ CHUYỆN ĐỜI CHUYỆN NGHỀ

 
 
 
 


I/


Trong một buổi gặp mặt bạn bè, anh nói, sẽ tặng tôi cuốn sách cuối cùng của đời anh. Vì sau cuốn này, anh không viết nữa.

Tôi cười cười chớ không mấy tin. Không tin là do mấy nguyên cớ sau. Một là, tuổi đời anh coi vậy mà còn trẻ lắm. Trong cuốn sách Chuyện Đời Chuyện Nghề mà tôi đang cầm trên tay, ở truyện thứ nhứt, Trên Đồng Chó Ngáp, anh kể, má tôi nói tôi tuổi con heo, sinh năm một ngàn chín trăm năm mươi chín, đại khái là vào mùa cấy, không nhớ ngày tháng.

Còn ở bìa sau của cuốn Chuyện Đời Chuyện Nghề, thấy giới thiệu: Võ Đắc Danh là nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch và đạo diễn phim tài liệu. Ông sinh năm một ngàn chín trăm sáu mươi, tại Cà Mau, hiện đang sống tại Sài Gòn.

Nghĩa là, dù sinh năm mươi chín hay sáu mươi, thì Võ Đắc Danh, năm nay, cũng chỉ mới sáu mươi bốn, sáu mươi lăm tuổi thôi. Trẻ chán. Cuối gì mà cuối.

Hai là, thường mấy người nói trước, là bước sẽ không qua. Với những người đã từng cầm bút, khó lòng mà bẻ bút, làm thinh trước chuyện đời, chuyện người lắm. Không chỉ vậy, nhìn vào bảng phong thần của ổng, thất kinh luôn, về những tác phẩm đã xuất bản, về những bộ phim đã dựng và hoàn thành. Nhiêu đó, đủ thấy, khó lòng cuốn sách này là cuốn sách cuối lắm.

Cũng ở bìa sau của Chuyện Đời Chuyện Nghề, tôi thấy ghi: Lĩnh vực Võ Đắc Danh tạo nên tên tuổi, là các thể loại bút ký về cuộc sống của người dân miền Nam. Ông được đặt biệt danh là người nông dân cầm bút, vì các đề tài của ông, là viết về cuộc sống của người nông dân hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tác phẩm đã xuất bản: Nỗi Niềm U Minh Hạ, Đồng Cỏ Chát, Thế Giới Người Điên, Canh Bạc, Đời Chợ – Chợ Đời, Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ.

Cùng với hơn hai mươi bộ phim tài liệu với vai trò biên kịch và đạo diễn, như: Đất Lành, Dòng Sông Ra Biển, Sông Trẹm Giữa U Minh, Nhức Nhối Một Vùng Quê, Con Trâu, Nỗi Niềm U Minh Hạ, Một Vùng Sông Nước, Dưới Chân Đài Tưởng Niệm, Sông Nước Cà Mau, Quê Tôi Cà Mau.



II/


Ở bìa trước, chỗ gấp vào sách, tôi thấy nhà thơ Đỗ Trung Quân giới thiệu: Bút ký là thể loại không nhiều nhà văn Việt Nam chọn lựa. Thành danh trong loại này ở Việt Nam, có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong ít ỏi ngón tay ấy, có Võ Đắc Danh.

Bút ký của Võ Đắc Danh còn có thêm một chọn lựa ngoài văn chương, đấy là lòng can đảm, những đề tài anh chọn lựa, đối tượng anh chọn lựa, bối cảnh xã hội anh chọn lựa, sự thật người cầm bút muốn tìm nếu thiếu đi lòng can đảm thì không thể. Không thể viết ra. Không thể đi tìm. Thiếu đi lòng can đảm thì đi tìm không ra hay đúng hơn, chỉ là một nửa sự thật.

Nhân vật của Võ Đắc Danh thường là nông dân, thị dân đô thị loại ba. Số phận của họ là đất đai, ruộng vườn hay một nơi cư trú cho cuộc đời vất vả của gia đình, con cái mình. Nó là số phần cũng là mưu sinh cuộc sống. Nó không an cư thì không lạc nghiệp.

Ghi chép về số phận là thái độ sẽ phải chọn lựa của người cầm bút, bao nhiêu phần trăm là sự thật? Sự thật là phải chạm mặt cường quyền. Can đảm hay không, chính là sự chọn lựa của người cầm bút. Võ Đắc Danh đã định danh mình sau bốn mươi năm cầm bút: Can Đảm!

******

Còn Võ Đắc Danh thì tự giới thiệu về mình như sau: Chúng ta – những người cầm bút, bị vướng phải thói quen sợ hãi, nên luôn có sẵn cây kéo trong đầu khi ngồi trước trang viết của mình. Chúng ta luôn tự đặt mình trong trạng thái sợ hãi để tự cắt, tự gò mình từng câu từng chữ, luôn thấy một thế lực vô hình nào đó ám ảnh trong đầu.

Tôi từng bị ai đó nghi ngờ, thậm chí bị quy chụp là một tên phản động, nhưng tôi không buồn, không trách. Tôi chỉ ngẫm cười cảm thông với họ, cảm thông với một cách nhìn, cách nghĩ của một kiểu tư duy. Một xã hội luôn thiếu sự phản biện nên người ta dễ nhầm lẫn giữa phản biện và phản động, giữa phản đối và chống đối. Tôi nghĩ, người cầm bút khác với con vẹt là ở chỗ biết phản đối, biết nói thay tiếng nói của người dân về những điều nghịch lý, hoặc những quyết sách đi ngược lại với quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của họ, xâm phạm, tổn thương đến đời sống của họ.

******

III/


Tôi mở trang cuối cùng, trang Mục Lục, và thấy, sách dày năm trăm bảy mươi hai trang, viết hoàn tất vào tháng tám năm hai ngàn không trăm hai mươi hai, được chia làm hai phần như sau: Phần I có mười ba bài viết. Phần II có chín bài viết.

Phần I, vào năm hai ngàn không trăm mười chín, nhà văn Võ Đắc Danh đã xuất bản với hơn bốn mươi ngàn cuốn in ra. Cuốn Chuyện Đời Chuyện Nghề lần này, có thêm phần II cùng với phần I đã được bổ sung.

Ở trang đầu, phần Đôi Điều Cùng Bạn Đọc, có một đoạn mà Võ Đắc Danh trích từ truyện xưa, rất thú vị, tôi viết ra đây để các bạn cùng thưởng lãm: Trong cuốn sách Trang Tử Nam Hoa Kinh do học giả Nguyễn Viết Lê biên dịch, có một câu chuyện như sau.

Có một thợ mộc, được thuê đẽo cho cung đình một cái giá chuông. Cái giá chuông đẹp đến nỗi nhà vua phải bàng hoàng. Vua mời thợ mộc vào cung để hỏi: Bí quyết nào để nhà ngươi làm nên một cái giá chuông đẹp đến mê hồn như thế?

Thợ mộc trả lời: Tâu bệ hạ, thần chỉ là một thợ mộc bình thường, không có bí quyết nào cả. Chỉ có điều, trước khi đẽo, thần trai giới ba ngày, thấy mình không mưu cầu danh lợi gì ở cái giá chuông. Thần trai giới thêm ba ngày nữa, bỗng thấy mình không còn tay chân. Thế là thần tiếp tục trai giới thêm bảy ngày nữa, lúc ấy, nhìn lên ngai vàng, không còn thấy bệ hạ, thần mới bắt đầu đẽo. Chỉ có vậy thôi.

Đưa câu chuyện cổ trên vào sách, nhà văn Võ Đắc Danh nhằm ý, khi viết sách, ông cũng giống người thợ mộc, đẽo giá chuông.

Nghĩa là, thứ nhứt, không mưu cầu lợi ích riêng gì cho mình. Thứ nhì, nếu có gặp hiểm nguy, thì, tự làm tự chịu, không ân hận, không hối tiếc. Thứ ba, viết là viết thôi, không để sự sợ hãi nằm trên đầu ngòi bút, kể cả đó là ông vua.

******

IV/


Hơn năm trăm trang sách với ngồn ngộn những Chuyện Đời Chuyện Nghề, thú thật, tôi không thể xem hết chỉ trong một ngày. Mà giả như có xem hết đi nữa, thì tôi cũng không thể nào kể hết ra đây, trích hết ra đây nhưng câu chuyện rất hay, những câu chuyện rất xúc động, những câu chuyện rất buồn, những câu chuyện rất tiếu lâm hay những câu chuyện quá ư bất ngờ về diễn tiến của nó.

Tôi lật lật trang, thấy dòng chữ nào khiến tôi khựng lại, thì tôi sẽ gõ ra đây, một ít thôi, để các bạn đọc cùng. Hy vọng qua những lướt lướt ấy của tôi, các bạn sẽ hiểu thêm về nhà văn Nguyễn Đắc Danh, nhà biên kịch, đạo diễn, làm phim Võ Đắc Danh và một người phố thị với gốc gác nông dân xứ Cà Mau, Võ Đắc Danh.

******

trang 49:


Bỗng dưng đầu óc tôi căng thẳng, vì không lý giải được một điều. Hai cô bạn gái cùng hồn nhiên, cùng một lớp dưới một mái trường, một cô bị mất nhà và một cô bỗng dưng có được ngôi nhà sang trọng được cho không từ tài sản của người bị mất?

Từ đó, trong đầu tôi mất đi sự kiêu hãnh với cái vị trí của một người đứng về phe thắng cuộc, đôi lúc phải cúi đầu nhìn xuống, khi bất ngờ có ai đó gọi mình là thằng “Việt cộng con”. […]

Bỗng một ngày, tôi phát hiện mấy đứa bạn học cùng trường, cùng lớp với tôi, mặt mày biến sắc. có đứa khóc ròng vì một sự cố xảy ra: đánh tư sản.

Đang giàu có bỗng trở thành kẻ trắng tay. Đang nhà cao cửa rộng bỗng trở thành kẻ vô gia cư. Đứa thì theo cha mẹ vô sân chùa căng lều che mưa che nắng, đứa về quê tá túc với họ hàng, đứa vượt biên, đứa bỏ thây ngoài biển.

Tôi rùng mình nhớ lại trò chơi tuổi thơ, giả làm lãnh đạo, phát biểu hùng hồn với mấy chiếc gối quanh giường (Một trò chơi mà tôi bắt chước mấy ông lãnh đạo xã, từng đã có lần tổ chức cuộc họp chi bộ tại nhà tôi, lúc ba tôi còn sống), thưa các đồng chí, vùng nông thôn giải phóng của chúng ta, tuy còn nhiều khó khăn, gian khổ, tuy còn phải chịu mất mát đau thương bởi bom đạn của quân thù, nhưng chúng ta không khổ bằng hàng triệu đồng bào ta ở các đô thị miền Nam đang chịu đựng sự kìm kẹp của đế quốc Mỹ, từng ngày, từng giờ, họ đang chờ đợi chúng ta về giải phóng.

******

Ở câu chuyện thứ ba của phần II, tôi thấy có rất nhiều tên của người nổi tiếng, như: Nguyễn Công Khế, Hoàng Hải Vân, Hữu Ước, Nguyễn Hồng Lam, Nguyễn Kim Hạnh.

trang 407:


Vài tháng trước, lúc tôi đang làm bên báo Pháp Luật thì Đặng Tâm Chánh, phó tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị gọi tôi đến căn tin của tòa soạn uống cà phê và có nhã ý mời tôi về, nhưng tôi nói thẳng với Tâm Chánh rằng, Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo của mấy bà nội trợ, đất đâu cho tao dụng võ. Chánh nói, việc phân trang là của mình, ông đừng lo chuyện đó, tôi đang chuyển hướng thành tờ báo thời sự xã hội, mỗi tuần ba số, sẽ có sân chơi phù hợp với cái gu của ông.

Chánh nhỏ hơn tôi năm tuổi, là dân Bến Tre, chơi với nhau đã lâu, nên tôi quen gọi mày tao theo cách gọi thân thiện của dân miền Tây. Cũng như anh Nam Đồng, Tâm Chánh vừa sắc sảo trong nghề nghiệp, vừa là một người tử tế.

Học xong đại học Sư Phạm, Chánh vào làm phóng viên báo Tuổi Trẻ, là một cây viết phóng sự khá nổi tiếng.

******

trang 408:


Tôi về Sài Gòn Tiếp Thị trong bối cảnh đó. Tâm Chánh nói, các ông đã tới tuổi nghiền ngẫm sự đời và viết bằng cảm xúc, chớ không còn xông xáo như đám phóng viên trẻ, vì vậy mà tôi sẽ lập cái nhóm, gọi là nhóm “lang thang cơ nhỡ” và trả cho các ông mức lương gọi là đủ sống, các ông thích cái gì viết cái đó, thậm chí sáu tháng không viết cũng chẳng sao, vẫn được trả lương đầy đủ.

Thế là nhóm “lang thang cơ nhỡ” ra đời gồm: tôi, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, nhà thơ Đỗ Trung Quân, anh Huy Đức, anh Đoàn Đạt, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Trần Việt Đức, Doãn Khởi, Lam Phong, vài tháng sau có thêm nhà văn Nguyễn Quang Lập từ Hà Nội mới vào. Tôi ngưỡng mộ Nguyễn Quang Lập gần hai mươi năm trước, qua truyện ngắn Ngày Xửa Ngày Xưa, cho đến sau này, đọc những tản văn của anh trên blog yahoo 360, không ngờ bây giờ, anh vào Sài Gòn. Được làm việc chung với anh trong nhóm “lang thang cơ nhỡ”, cũng là cái duyên trời.

******

Đoạn trích này hơi dài (Cà Mau 17/11/2002). Dài, nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Nhà văn Võ Đắc Danh đã in trọn vẹn bài này trên báo Văn Nghệ Trẻ số 47 ra ngày 20.11.2002.

Ghi như vậy để bạn đọc hiểu, bài này đã được đăng báo cách đây hai mươi hai năm trước và bây giờ đã được in thành sách. Công khai, chớ không phải kiểu thâm cung bí sử gì ráo.

V/


KÍNH THƯA NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO



Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông, chửi bới ỏm tỏi về cái chuyện cải cách sách giáo khoa, và gần đây nhất là bài COI TRỜI BẰNG VUNG đăng trên Văn Nghệ Trẻ số 43 (17/11).

Lạ thật, ông là một nhà thơ thì cứ lo làm thơ, cứ hướng tâm hồn mình vào trời trăng mây nước và các em, cho nó thanh thản. Ai lại mang nỗi ức chế về ba cái chuyện sách giáo khoa của mấy ông bộ Giáo Dục làm gì, không khéo lại mất ăn mất ngủ. Mà cũng may cho ông, là băng nhóm Năm Cam, họ đang ở trong tù, nếu không, coi chừng ông toi mạng. 

Thật ra, cái mà ông bức xúc cũng chẳng có gì mới mẻ và cũng chẳng phải của riêng ông. Đó là nỗi bức xúc của cả một nền giáo dục nước nhà, của toàn dân, của tất cả những ai quan tâm đến tương lai của đất nước. Vậy thì hà tất gì, ông phải hằn học nặng lời với ngài bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo kính mến của chúng ta như thế?!

Chúng ta có cái bức xúc của chúng ta, còn họ có cái bức xúc của họ. Người ta bảo ông là người thực dụng, hay nói đến chuyện tiền nong. Hàng tỷ đồng được ông nhắc đi nhắc lại. Nhưng ông phải biết thông cảm, đó chính là những vấn đề mà người ta bức xúc. Làm bộ trưởng, thứ trưởng, mà không biết lập ra dự án này dự án nọ để đầu tư, thì lấy gì để nuôi cả một bộ máy, lấy gì để lo cho tương lai con cháu lúc về hưu? Đó là nỗi bức xúc chung của nhiều bộ trưởng, chớ không riêng gì ngài bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo kính mến của chúng ta. 

Tôi xin lấy vài ví dụ nhỏ, để ông nhà thơ thông cảm, mà bớt đi cái sự nổi nóng của mình, mà đừng lớn tiếng sỉ vả ngài bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo trong lúc Quốc Hội đang họp để bàn bạc nhiều chuyện quốc gia đại sự, trong đó hẳn có nhiều vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến nền giáo dục ưu việt của nước nhà. 

Cái dự án cải cách Sách Giáo Khoa mà ông chửi bới thậm tệ ấy, thật ra cũng chỉ vài chục tỷ đồng là cùng, chưa bằng năm mươi phần trăm, cái cảng cá mà bộ Thủy Sản vừa xây xong, cách nay hai năm ở Cà Mau. Một công trình hiện đang góp phần tích cực, cho chiến lược an toàn giao thông vì có nơi cho trẻ con đá banh, giải quyết được tình trạng hỗn loạn giao thông, do trẻ con có thói quen đá banh ngoài đường.

Tôi chưa có điều kiện để tìm ra số liệu trên cả nước, nhưng riêng đồng bằng sông Cửu Long thì đã có ít nhất, năm cái bãi tha ma như thế, được gọi là cảng cá. Ước tính tiêu tốn khoảng vài trăm tỷ đồng, mà thực trạng xây dựng cơ bản của nước ta hiện nay thì ông quá hiểu, nó không đơn giản như cái chuyện in sách giáo khoa, để ông có thể đếm được từng trang mà tính toán. 

Ông nhà thơ thân mến ! 

Tôi không hiểu dựa trên cơ sở khoa học nào, để người ta lập ra cái gọi là Dự Án Ngọt Hóa Bán Đảo Cà Mau, có nghĩa là, để dẫn nước ngọt từ sông Hậu, về bốn tỉnh vùng nước mặn như, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang với tổng số vốn là một ngàn bốn trăm tỷ đồng, để rồi cuối cùng trở thành chuyện ném tiền qua cửa sổ, bởi vì kết quả của dự án, chỉ làm đảo lộn môi trường sinh thái.

Nhưng thật ra, một ngàn bốn trăm tỷ đồng lãng phí, cho Dự Án Ngọt Hóa Bán Đảo Cà Mau, cũng chỉ là số tiền lẻ, so với chương trình Một Triệu Tấn Đường, với hai mươi sáu ngàn tỷ đồng, cho bốn mươi mốt nhà máy đường trên cả nước, mà hiện nay đang đứng trên bờ vực của sự phá sản. Đó là những con số cụ thể, những công trình làm nghèo đất nước, đang thách thức dư luận. Chưa kể đến những công trình thoát lũ, ngăn lũ, vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, đã ngốn hàng chục ngàn tỷ đồng, mà lũ thì mỗi năm lại nghiệt ngã hơn, tai họa càng thảm khốc hơn, nghèo đói càng chất chồng hơn. Trong khi người dân vùng lũ, chỉ cần một bộ cột đúc để cất nhà cao, một chiếc xuồng, một tay lưới và một bè nuôi cá năm mười triệu đồng, thì họ có thể làm giàu ngay trong mùa lũ. Nhưng đầu tư cho dân, thì coi như chủ đầu tư mất trắng.

Ông bà ta có câu: hễ bánh ít đi thì bánh quy lại. Nhà đầu tư phải biết lập dự án nào, để đồng tiền trở thành bánh ít. Đó là kinh nghiệm xương máu của các vị bộ trưởng nhà ta. 

Tôi nói như thế không phải để phê phán các ngài bộ trưởng của mình, mà để ông Trần Mạnh Hảo thấy rằng, ông đừng xót xa với vài chục tỷ đồng lãng phí, cho cải cách sách giáo khoa. Tôi xin hỏi ông Hảo, nếu nói theo ông, sách giáo khoa phải dùng được nhiều lần, anh học rồi tới em, con tôi học xong cho con hàng xóm học, tiếp nối cả hàng chục lứa chuyền tay nhau, thì xin mời những người có cái tâm nhà thơ như ông, lên mà làm bộ trưởng. Chứ làm bộ trưởng mà không biết đẻ ra các dự án, từ tỷ này sang tỷ nọ, thì nhậm chức để làm gì? Loại trừ những bộ, không thể xoay ra dự án, thì người ta mới đầu tư quyền lực cho thế giới ngầm, như ông Phạm Sĩ Chiến hay ông Bùi Quốc Huy. 


Kính thưa ông Trần Mạnh Hảo. 

Đọc những bài tranh cãi của ông, tôi rất chia sẻ sự ngây thơ của một nhà thơ, bởi ông quá nhẹ dạ cả tin rằng, củ cải cũng biết nghe, cho nên ông mới lớn tiếng cãi với ngài bộ trưởng. Vì vậy, tôi xin góp ý với ông, mấy vấn đề thuộc về nhiệm vụ chính trị của các ngài bộ trưởng, để hy vọng rằng, ông không nên cãi nữa.

Đến đây, bỗng dưng tôi chợt nhớ đến Bùi Chí Vinh, thỉnh thoảng lên Sài Gòn, tôi hay nhậu với hắn. Ngồi nghe hắn đọc thơ, hắn đọc rất nhiều nhưng tôi nhớ chỉ mấy câu:

Ta sinh ra gặp buổi nhiễu nhương 

Bất lương bàn luận chuyện hiền lương 

Nho sĩ cúi đầu làm binh sĩ 

Thơ quốc doanh cười cợt thơ Đường.

******

VI/

Chuyện Đời Chuyện Nghề, một bút ký hấp dẫn và sinh động của nhà văn Võ Đắc Danh. Trong bút ký của mình, ông kể lại những câu chuyện nghèo khổ nhưng thiệt vui của tuổi ấu thơ, có đủ đầy ba má, rồi trải qua tuổi niên thiếu, tuổi thanh niên, cho đến khi lập gia đình, lấy vợ và sanh con.

Chuyện Đời Chuyện Nghề là những câu chuyện đau thương, mất mát trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh; những câu chuyện về tình yêu thời vụng dại, những câu chuyện về cuộc mưu sinh với hai bàn tay trắng và nợ nần chồng chất; những câu chuyện về lòng tốt của bạn bè trong giai đoạn của khó, người khôn.

Không chỉ thế, Chuyện Đời Chuyện Nghề còn là những câu chuyện buồn vui, được mất, của những năm tháng mà Võ Đắc Danh, trong những vai trò và trách nhiệm khác nhau, luôn dứt khoát đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cái bất công trong xã hội, vốn quá chừng, vốn không ngừng, ngổn ngang và phức tạp.

Chuyện Đời Chuyện Nghề hấp dẫn người đọc bởi tính tôn trọng sự thực của người viết. Trang nào cũng đáng xem. Trang nào cũng có thể là trang gối đầu giường với những tình tiết sinh động, người thật, việc thật, không mảy may phóng đại, nói quá, càng không viết sai, dẫu chỉ một li, sự thực.

Chuyện Đời Chuyện Nghề là những thăng trầm, được mất, là những phận đời oan khuất, đắng cay, từ thôn quê ra thành thị. Qua đó, thấy được nét ngang tàng, khí phách, ăn ở có trước có sau, cả tánh cách, chơi xả láng, sáng dzìa sớm, của người dân miền Tây nữa.

Đặc biệt, quê hương, xứ sở Cà Mau, vùng đất cuối cùng của Tổ Quốc, luôn in dấu đậm sâu trong suốt nửa nghìn trang bút ký của ông.

Chuyện Đời Chuyện Nghề của Võ Đắc Danh được viết bằng một bút pháp nhẹ nhàng, nghĩ tới đâu, viết tới đó, nhơn ái, đầy cảm thông, đơn giản, dân dã, giản dị, hào sảng.

Chuyện Đời Chuyện Nghề của Võ Đắc Danh là một bút ký chân thực nên cảm động. Nó không chỉ là một bút ký sinh động, ngồn ngộn những con người thực và sự việc thực, nó còn rất gần với một tác phẩm văn học với nhiều trang tả phong cảnh, tả lối sống của người miền Tây nước Việt.

Một bút ký đáng để ra tiệm sách, rinh về, và đọc!

Sài Gòn 06.05.2024
Phạm Hiền Mây

Bài Mới Nhất
Search

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ