Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

đọc thêm 1 : Đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan ... / Trần Phong Vũ -- trích: Trần Phong Vũ Blog ( hải ngoại). -- Thursday, July 30, 2000.

 


THURSDAY, JULY 30, 2009

Đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan (phần 1/2)


ĐỌC NHẬT KÝ  NGUYỄN NGỌC LAN   (phần 1/2)

  Trần Phong Vũ

 Thời Điểm Công Giáo
tháng 10-11 và tháng 12 năm 1993 - Hoa Kỳ)

Viết lại những nhận xét, những cảm thức của mình về một tác phẩm, một tác giả cho người khác đọc, để mong nhận được sự thông chia, vốn không phải là chuyện  dễ. Riêng đối với tôi, công việc này càng trở nên khó khăn hơn khi tác phẩm là một  tổng hợp những sự kiện, kèm theo những suy tư  bất chợt trước những  điều tai nghe mắt thấy hàng ngày giữa một cảnh  sống xô bồ, chụp giật, được ghi lại dưới dạng nhất ký bởi một nhân vật nổi tiếng một thời, và từng là đối tượng cho không ít những lời khen  lao cũng như chỉ trích.

Tôi muốn nói tới Nguyễn Ngọc Lan  và hai tập nhật ký 89-90, 90-91 của ông do nhà xuất bản Tin ấn hành bên Pháp thời gian gần đây.

Cái khó thứ nhất là làm thế nào để gói ghém trong vài chục trang giấy cả ngàn sự kiện  sống động được gạn lọc qua một nhãn quan tinh tế, một khối óc thông minh, một trái tim nhậy bén, và được ghi lại dưới  ngòi bút của một con người  lừng lẫy về nhiều phương diện như cựu Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan? Vì là nhật ký nên tác phẩm đã không có  một bố cục rõ ràng, một sự phân chia chương tiết mạch lạc như tiểu  thuyết, biên khảo hoặc các thể  loại khác. Cùng với tháng ngày đưa đẩy, người đọc bị  cuốn vào những mảnh vụn đời sống, với những cạm bẫy, những mưu toan  rình rập diễn  ra từng phút, từng giây nơi các xó xỉnh thành Hồ, nơi các thị trấn, các thôn xóm xa xôi của một Việt Nam thời Cộng Sản.

Nó không phải là sáng tác, là những sản phẩm tưởng tượng -hoặc bị coi là tưởng tượng- của các nhà viết tiểu  thuyết hoặc các kịch tác gia. Trái lại, nó là những chứng tích, những sự kiện  có thật đã được chụp bắt từ  cửa miệng của  những "đỉnh  cao  trí tuệ" ở Bắc Bộ Phủ, những bài thuyết trình của các viên chức nhà nước, những mẩu tin, những đoạn ký sự, phiếm luận nóng  hổi đăng trên mặt báo cộng sản với xuất xứ,  với ngày tháng hiển nhiên. Nó  cũng là những lá thư trao đổi giữa một người bị quản thúc là tác giả và một kẻ lưu đầy là Linh Mục Chân Tín.

Dù sao, cái khó nêu trên vẫn chỉ là cái khó kỹ thuật mà điều tệ hại nhất có thể xẩy ra là  bài viết sẽ không đạt, hoặc đạt rất ít ý nguyện thiết tha của  người hình thành nó,  là muốn chia sẻ với người đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan, với một cái nhìn nhất trí và quán triệt về nội dung tác phẩm để từ đấy nhận ra phần nào con người thực tác giả.

Với tôi, cái khó căn bản của người đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan là mối băn khoăn, e ngại rằng mình chưa vượt thoát ra khỏi được lối suy nghĩ chủ quan, đầy mặc cảm và thành kiến khi nhìn ngắm Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan và những gì liên hệ tới ông. Chính mối băn khoăn, e ngại ấy đã khiến  tôi phân vân, lần  lữa hoài trước khi đặt bút viết những dòng này để  chia sẻ với bạn đọc. Tôi cũng xin ghi ở đây lời chân thành tạ lỗi cùng tác giả và những thân hữu của ông trong nhóm Tin Nhà ở Pháp, nếu những gì tôi viết ra ít nhiều  có làm phiền lòng quý vị.

             http://www.lambich.net/forum/userpix/3_Nguyen_Ngoc_Lan_1.jpg                         
 
Khép lại trang cuối cùng  Nhật Ký 1989-1990, 1990-1991 của Nguyễn Ngọc Lan, tôi  nhắm mắt, thinh lặng, lắng nghe cái cảm giác rưng rưng dấy động trong hồn. Những giòng chữ in cỡ nhỏ đuổi bắt nhau trên ngót 650 trang giấy. Ở đấy là những tang chứng,  những dấu tích, những vết hằn trên khuôn diện Giáo Hội và Quê Hương được đóng  khung lại trong thời khoảng ngót 1.000 ngày (từ 1 tháng 1 năm 1989 đến 30 tháng 6 năm 1991).

Có những mảng bóng tối đong đầy. Có những ánh bình minh ló dạng. Có cái lạnh tanh của đường gươm đao phủ... vang vang âm hưởng khi trầm ấm khi vút cao của những tiếng hát Thiên Thần. Trong khoảnh khắc, từ chốn thẳm  sâu của tiềm thức, tôi phát hiện một Nguyễn  Ngọc Lan với diện  mạo, nhân cách hoàn  toàn khác hẳn với một Nguyễn Ngọc Lan được tạo hình bởi những thành kiến, những mặc cảm,  những đố kỵ  xuất phát từ  cái não trạng khép kín, bít bùng, không có một lối mở nào về hướng  nhìn trước mặt. Người ta mệnh danh  đấy là dư luận. Mà dư luận thì thường lạnh lùng, độc ác, không muốn và cũng không có cơ hội, điều kiện để nhìn sâu vào bên trong và đàng sau sự việc.

Và như  thế, dư luận  một thời đã  nhìn Nguyễn Ngọc Lan qua lăng kính chính trị, qua cách nhìn của quyền lực, của những Pharisiêu thời đại, của những ông tòa, để chỉ nhìn thấy ở ông bóng dáng của những tội phạm, những kẻ thù, những con rối trên sân khấu chính trị miền Nam trước tháng 4 năm 1975.

Ngót một năm sau ngày Cộng Sản tiến chiếm Saigon, Nguyễn Ngọc Lan cởi áo  dòng hồi tục, dư  luận lại có thêm một lý do khác  để xì xào, lên án.  Nắm bắt được chiều hướng quen thuộc của dư luận là thế, trong phần thay lời giới thiệu Nhật Ký 1989-1990, nhà xuất bản Tin đã nhắc lại nội dung hai bức thư Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan gửi Đức Thánh Cha Phaolô VI (25  tháng 1 năm 1976) và anh em Dòng Chúa Cứu Thế (6 tháng 3 năm 1976)  để xin thôi tư cách và chức vụ Linh Mục cũng như xin chuẩn các lời Khấn Dòng... với nhận định... "Trang Nhật Ký này  đúng là món quà anh gửi tới  độc giả" và "đây hẳn là chìa khóa để hiểu tác giả".

Nguyên văn hai lá thư  trên được Nguyễn Ngọc Lan ghi lại trong nhật ký ngày 27 tháng 2 năm 1990[1][1]. Trong thư gửi anh em Dòng Chúa Thế, ông viết: "Tôi muốn quyết định ấy chỉ dựa vào những lý do cá nhân và hoàn toàn không có một ý nghĩa khước từ  nào đối với Giáo Hội trong cố gắng phục vụ con người và dân tộc.

"Không ân hận vì đã sống phần đã qua của cuộc đời mình như đã sống và tạ ơn Chúa Kitô vì tất cả  phúc lộc Ngài đã dành cho tôi trong những năm qua..."

Trong lá thư viết bằng Pháp Ngữ  gửi Đức Thánh Cha Phaolô VI, với cùng một ý tưởng, ông viết:"...Ma requête d'aujourdui se veut répondre à des raisons strictement  personnelles et marquer seulement  un nouveau tournant de  ma vie. Je ne regrette pas d'avoir vécu les années de prêtrise comme je les ai vécues, gardant malgré tout un sentiment de profonde  reconnaissance à l'égard de l'Église pour toutes les  grâces dont le Christ a bien voulu me combler jusqu'ici à travers Elle. Et dans les nouvelles  conditions  de  vie  de  chrétien,  je  compte  rester  solidaire  de  l'Église  dans le  service  des  hommes selon mes possibilités..."

Điều cần lưu ý là cả hai lá thư trên đã được viết và gửi đi từ năm 1976. Trước khi đưa vào nhật ký, ông viết: "Mười bốn năm sau, vẫn  không một chữ nào đáng rút  lại hay sửa lại."[2][2]

Và độc giả Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan đọc thấy những gì bên trong và đàng sau những lá thư trên đây?

Khi trao cho LM Chân Tín  đọc trước khi ghi vào nhật ký, Nguyễn Ngọc Lan chỉ có dụng ý làm sáng  tỏ chuyện ông dạy và ngưng dạy tại Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế sau ngày hồi tục, nhưng tự nó đã có tác dụng như ngọn đuốc soi rọi vào những ngõ ngách phức tạp, tiềm ẩn trong chính con người và cuộc đời ông.

Đấy là trái tim, là tấm lòng trước sau như một của người tín hữu Chúa Kitô mang danh tính Nguyễn Ngọc Lan. Trước khi trở  thành linh mục, Nguyễn Ngọc Lan đã là kẻ tin, là Kitô hữu. Và ông đã đi vào bậc sống tu  trì từ cái tư cách tín hữu  ấy. Nó vĩnh viễn gắn liền với cuộc đời ông, ngày nào mà với sự tự do tuyệt đối của con cái Chúa, ông vẫn tuyên tín Ngài là Đường, là Sự Thật và nguồn mạch phát sinh Sự  Sống, cho dù có những đổi thay về vai trò, về chức vụ.

Có hai điểm nổi bật trong món quà Nguyễn Ngọc Lan  gửi tới bạn đọc. Trước hết là thái độ sòng phẳng và sự lương thiện nơi ông. Nó vượt xa và lên trên thái độ sòng phẳng và lương thiện bình thường của người trí thức. Vì ngoài tư cách  trí thức ông còn là một tín hữu, một người con Chúa. Do đó, thái độ sòng phẳng, minh bạch, dứt khoát và sự lương thiện trí thức ở đây là một đòi buộc tất hữu, không có không  được. Nó là dấu chứng, là thước do để định giá con người Kitô hữu nơi ông.

Từ nhận  định trên, người đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan sẽ không ngạc nhiên trước thái độ thẳng thắn không hề vương mắc mặc cảm nơi ông khi lên tiếng nói về "gương xấu"  của một nhân vật "Hồng Y" trong phim ảnh cũng  như của một LM trong cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước VN từng được một nhóm anh em trí thức Công Giáo công khai đặt ra trong thư gửi Đức TGM Nguyễn Văn Bình trước đây.

Trang nhật ký ngày 26 tháng 7 năm 1989 của Nguyễn Ngọc Lan đã ghi lại sự  kiện truyền hình  CSVN trình chiếu cuốn phim "Những con chim ẩn  mình chờ chết" (Les oiseaux se cachant pour mourir) mà ấn bản tiếng Anh có tên là The Thorn Birds. Sau khi  nhắc lại mối bất bình trong dư luận người Công Giáo trước thái độ cố tình bôi bác tôn giáo qua việc trình chiếu cuốn phim có hình ảnh cha cố kiểu Ralph, ông khẳng quyết là nội dung "cuốn  phim không đáng quan tâm" vì  lẽ "mẫu người LM  được đưa ra chẳng tiêu biểu gì hết... Chỉ là con người tất bật leo thang danh vọng..." Nói cách khác, đấy là một mẫu người tầm thường, vô sỉ, thiếu hẳn cái lương thiện tối thiểu của người trí thức. Rải rác trong cả hai tập nhật ký, Nguyễn Ngọc Lan đã nhiều lần đề cập trường hợp Phan Khắc Từ với những hành vi mờ ám của ông "Linh Mục" này. Trang nhật ký ngày 24 tháng 8 năm1989, tác giả đã ghi lại nội dung bức thư của 20 anh em giáo dân gửi Đức Cha Bình để trình bày 3 vấn đề:

"1. Trường hợp một số LM vi phạm trầm trọng luật sống độc thân và đạo lý con người (cụ thể là Phan Khắc Từ).

2. Những quan hệ gặp gỡ giữa Tòa TGM và Nhà Nước (nên trực tiếp mà không cần phải qua nhóm trung gian nịnh thần đầu cơ tôn giáo).

3. Trường hợp Đức TGM Nguyễn Văn Thuận (Đức TGM Nguyễn Văn Bình cần tỏ thái  độ rõ rệt và ngưng "lancer" Huỳnh Công Minh.)

 Mặt khác, thái độ thẳng thắn xác quyết rằng: "Quyết định xin thôi tư cách  và chức vụ Linh  Mục chỉ vì lý do cá nhân và  hoàn toàn không có một ý nghĩa khước từ nào đối với Giáo Hội" của Nguyễn Ngọc Lan cũng soi sáng cho người đọc thấy rõ tính cách liên tục và thuần  nhất của những  điều ông nói, ông viết, ông làm trước tháng 4 năm 1975 cũng như suốt gần hai thập niên sau đó. Nó không vượt ra ngoài những gì ông đã cam kết là "sẵn sàng đóng góp và chia vui sẻ buồn với Giáo Hội  trong cố gắng phục vụ con người và dân tộc".
http://www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/lm_nguyenngoclan.jpg

Dấu chứng con cái Chúa nơi người tín hữu Nguyễn Ngọc Lan đã trải dài trong quá nửa đời ông, từ thời thơ ấu, trong những năm tu trì, qua bậc sống Linh Mục cũng như qua bậc sống của người gia trưởng với tất cả những chông gai, thử thách hiện nay. Không phải chỉ những LM, những bằng hữu thân thiết, những đồng môn, đồng đạo với ông mà ngay cả những người ngoài Công Giáo cũng dễ dàng nhận ra dấu chứng ấy nơi Nguyễn Ngọc Lan.

Đầu  năm 1990, sự kiện Trần Xuân Bách bị loại  ra khỏi Chính Trị Bộ vì có hành vi chống Đảng đã tạo nên một nguồn dư luận sôi nổi bên trong cũng như bên ngoài guồng máy Nhà Nước CS. Thôi thì kẻ khen người chê đủ kiểu. Và bên cạnh những  lời khen cũng có những dư luận tỏ dấu hoài nghi này nọ. Giữa một dư luận như thế,  trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, nhà văn Sơn Nam, một cây viết tên tuổi trước 1975, đã  kè nhè đối thoại với Nguyễn Ngọc Lan như sau.

- "Trần Xuân Bách thì cũng như ông thôi.

- Anh bảo như ai?

- Như anh chứ ai, Nguyễn Ngọc Lan nè.

- Thế nào là như?

- Anh hết  làm linh mục nhưng ai  đụng đến Chúa thì Anh lại......

- Trước tiên  là Chúa chẳng cần ai chống đỡ. Sau nữa Chúa không làm phiền cho cơm áo, quyền  lợi của nhân dân. Tôi có bênh Chúa thì cũng chẳng làm phiền gì tới anh cả.

Sơn Nam cười..."[3][3]

Xuyên qua mẩu đối thoại trên đây ta thấy, dưới mắt Sơn Nam, dù Trần Xuân Bách có những  hành vi nổi loạn đến độ bị loại khỏi Trung Ương Chính Trị Bộ nhưng trước sau y vẫn là một đảng viên trung kiên của Mác-xít, Lê-nin-nít ...  và Nguyễn Ngọc Lan  dù có thôi tư  cách Linh Mục nhưng mãi mãi ông vẫn là nhân chứng sống động của Chúa Kitô.

Nguyễn Ngọc Lan là một con người tranh đấu. Điều đó không sai. Vấn đề quan trọng cần được minh định là ông đã tranh đấu cho ai, cho lý tưởng nào, và đâu là động lực thúc đẩy ông xả thân tranh đấu? Thiết tưởng nhận định của nhà văn  Sơn Nam đã  trả lời một phần những câu hỏi trên đây. Để có một câu trả lời rõ nét hơn, chúng ta hãy đọc lại những dòng Nguyễn Ngọc Lan viết cho con gái ông  -Lan Chi- nơi  trang 3,4 nhật ký 1990-1991 ngày 19 tháng 5  năm 1990 tức là chẵn 3 ngày sau khi ông  bị chính quyền CSVN quản thúc, đồng thời cũng là thời gian Linh Mục Chân Tín bị bạo quyền Cộng Sản đầy ra Cần Thạch.

"Lan Chi ơi, Mấy hôm nay trong thánh lễ, Giáo Hội đọc diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu trong  Tin Mừng theo Thánh Gioan. Đặc  biệt hôm nay là câu 18 của chương 15.

"Nếu thế gian ghét các ngươi thì  hãy biết rằng: nó ghét Ta trước các ngươi. Nếu các  ngươi thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu dấu các ngươi như của riêng nó. Nhưng vì  các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian, bởi vậy mà thế gian ghét các ngươi. Hãy nhớ lời Ta nói với các ngươi: "Tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ bắt bớ Ta, thì họ cũng sẽ bắt bớ các ngươi; Nếu họ đã giữ lời Ta, họ cũng sẽ giữ lời các ngươi."

Lan Chi con,
Từ 30 năm nay, Ba  vẫn luôn nhớ tới những lời  tâm huyết đó của Chúa... Mười năm từ khi Ba về nước cho tới tháng  4, 1975, bao nhiêu truân chuyên chỉ vì "không thuộc về  thế gian"...Còn từ 1975, Đứng Dậy, tờ báo được mời (phải, được "mời" chứ Ba không "xin") tiếp tục ra với quyết định số 1, cũng là tờ báo phải tự liệu mà đình bản chỉ ba năm rưỡi sau. Ba đã  hiểu: "Chỉ vì nó không thuộc về thế gian." Nhưng, những khi  cần làm chứng cho Tin Mừng của Chúa cho lẽ phải của lương tri con cái Chúa, Ba  cũng như ông nội Chân Tín của con vẫn:
"Ung dung ta nói điều ta nghĩ,
Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo" (Nguyễn Trãi)

Và chấp nhận mọi giá phải trả. Đặc biệt là từ hai năm trước, khi ông nội với ba lên tiếng vì danh dự các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vì danh dự của con cháu các Thánh Tử  Đạo đang sống chết trên đất nước này, vì danh dự của con. Để con lớn lên vẫn mãi  được hãnh diện là con cái Chúa, cháu chắt của 117  Thánh Tử Đạo, và con của ba nữa, Nguyễn Ngọc Lan Chi.

 Cho nên chuyện đã  xảy ra cho ông nội và ba  hôm 16 tháng 5 không có gì đáng  ngạc nhiên  hết. "Hãy  nhớ lời Ta đã  nói với các ngươi"..."
http://dcctvn.net/images/picd/d997213.jpg

Không phải chỉ trong đoạn nhật ký trên, "ông nội" Chân Tín mới được nói tới. Có thể  nói rằng trong suốt hai tập Nhật Ký của Nguyễn Ngọc Lan, hình bóng Cha Chân Tín đã xuất hiện gần như trên từng trang giấy. Bởi lẽ giản dị là hai khuôn mặt này đã có những liên hệ gắn bó với nhau như bóng với hình. Liên hệ thày trò. Liên hệ anh em cùng  một Tu Hội. Liên hệ giữa những  người cầm bút. Và nhất là liên hệ giữa những người đồng lao cộng khổ trên con đường đấu tranh cho tự do, công bằng và nhân ái. Ngày Linh Mục Chân Tín bị hàng chục công an viên cộng sản tới thằng thúc cưỡng bách đầy đi Cần Thạnh cũng là ngày Nguyễn Ngọc Lan bị nhân viên công lực tới khám xét nhà riêng với án lệnh quản thúc trong 3 năm. Và thời gian 3 năm cũng là thời gian đầy ải mà Cộng Sản Việt Nam đã chụp lên bảy mươi tuổi đời của Linh Mục Chân Tín.

Cùng chia sẻ tâm tình và cảnh ngộ với Nguyễn Ngọc Lan, trong thư gửi ngày 19 tháng 6 năm 1990, Cha Chân Tín viết:

"... Anh em ta  đã chấp nhận mọi khó khăn khi lên tiếng bênh vực con người, bênh vực Giáo Hội. Đối với anh em ta đó là một niềm vui, như anh nói, đó là một thứ "consécration" cho  tình anh em ta ngót 40  năm qua, và cho sự  chia vui, sẻ buồn đồng  lao, cộng khổ, đặc biệt giữa chúng ta  với nhau từ hơn  20 năm nay... Viết cho anh ngày mừng "hai năm phong  thánh" 117 vị tử đạo, trong lúc suy niệm Lời  Chúa nói về sự bắt  bớ người ta dành cho Ngài, tôi dâng lời tạ ơn  Thiên Chúa vì người đã ban cho Giáo Hội Việt Nam hôm nay nối tiếp con đường đó."[4][4]

Và cộng sản đã không lầm khi kết tội Nguyễn  Ngọc Lan là "người cộng tác  đắc lực" của nguyên chủ nhiệm tạp chí Đối Diện. Nó chứng xác mối liên hệ sâu xa, bền chặt và lâu dài giữa tác giả hai tập Nhật Ký và "ông nội" của Lan Chi. Nó hé mở cho người ta hiểu rằng bên trong và đàng sau những tiếng nói kiên cường, bất khuất của  Linh Mục Chân Tín chống lại chủ trương  bóp nghẹt tôn giáo, chà đạp quyền sống  con người của nhà cầm quyền  Cộng Sản Việt Nam mà điển hình là ba bài giảng về Sám Hối nhân Mùa Chay 1990, đã hàm súc một phần những đóng góp tâm huyết và khát vọng của Nguyễn Ngọc Lan.

Tuy nhiên, đấy chỉ là một lối nói có tính toán của nhà nước cộng sản để tránh né khỏi phải đụng chạm tới điều nhức nhối cơ bản mà tự thân những hành vi và thái độ  của NNL đã tạo ra cho Đảng và Nhà Nước. Nói rõ hơn, cái tội danh "người  cộng tác đắc lực" chỉ là một thứ lý do biểu kiến thầm che đậy cái lý do quan trọng và sâu xa  hơn khiến CSVN phải huy động một lực lượng công an hùng hậu tới lục soát tư  gia và ra lệnh quản thúc Nguyễn Ngọc Lan.

Lý do quan trọng và sâu xa ấy tiềm ẩn trong đường hướng bất di dịch của tạp chí Đứng Dậy. Nó hàm súc trong những bài tham luận nảy lửa ký tên NNL nhằm bẻ gẫy  luận cứ hàm hồ của những lý  thuyết gia cộng sản có tầm vóc cỡ Nguyễn Khắc Viện chung quanh biến cố 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam được Vatican tôn phong Hiển Thánh. Nó tản mạn trong lối sống thẳng và những lời nói chân chật của Nguyễn Ngọc Lan. Và vượt lên trên  tất cả, nó gói ghém những  chứng từ sống động, cụ thể tô vẽ nên cái  khuôn mặt nhầy nhụa, nhơ nhớp của chế độ qua cả ngàn trang nhật ký mà khi mở cuộc lục soát tư gia Nguyễn Ngọc Lan, họ tưởng đã nắm trọn được bản thảo trong tay, không ngờ rằng tác giả đã có thừa kinh nghiệm xương máu để lén chuyển được phó bản ra nước ngoài trước đó. Nhờ thế, ngày nay người Việt khắp nơi trên thế giới mới được đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan.

 Đọc để thấy những gì trong đó?

Đọc để thấy trên từng dòng chữ trải dài suốt gần 650 trang giấy những dấu tích của một Giáo Hội bị bủa vây và một quê hương tan nát. Đó đây chất chồng những lọc lừa, gian trá. Đàng trước mặt, đằng sau lưng, bên phải, bên trái là những mảnh đời khốn khó bị bỏ quên. Người ta buôn bạc giả giữa ban ngày. Kinh tế tuột dốc! Chỉ có những đầu óc ngu xuẩn, đặc sệt như những "ông Bình Vôi" trong Nhân Văn  Giai Phẩm cùng những  hiện tượng tham ô,  lãng phí, cửa quyền, làm kinh  tế kiểu "xắn tay áo sô,  đốt nhà táng giấy", coi công ốc, công  nho, vật tư nhà nước như  của riêng... là tiếp tục đi lên. Nói theo ngôn ngữ Nguyễn Ngọc Lan, tất cả như "chuyện  đùa".

Và những chuyện "như đùa" ấy người đọc có thể tìm thấy trên bất cứ trang nhật ký nào của Nguyễn Ngọc Lan. Không phải  chỉ riêng chúng ta,  mà ngay những bà  con trong nước cũng đã biết rằng  Việt Nam dưới chế độ XHCN hiện bị liệt vào số mấy nước nghèo nàn bậc nhất thế giới. Có điều khác người là trong khi nghèo mạt rệp nhưng từ trên xuống dưới vẫn đua nhau lãng phí.
 
"Nước ta từ dưới tính lên
Thứ ba, thứ bốn ở trên hoàn cầu
Thế nhưng chẳng kém ai đâu
Hàng hóa bốn biển năm châu ngập tràn
Ô tô "đờ luých" từng đàn
Cúp kiếc đủ kiểu dọc ngang phố phường!
....Đã nghèo lại thích chơi sang..."[5][5]
 
Nghèo như thế nào? Nghèo đến nỗi bước vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 mà những người làm kinh  tế Nhà Nước Cộng Sản vẫn còn bám lấy cái gọi là mô hình phát triển kinh tế VAC (Vườn-Ao-Chuồng: Đào ao lấy nước tưới vườn,  làm vườn lấy thức ăn nuôi gà, heo trong chuồng, nuôi cá dưới ao, dùng phân  chuồng để tưới bón ...) Tác giả viết:
 "Năm mươi năm trước cái "mô hình" sản xuất...vòng vo đó đã một thời được quảng cáo rầm rộ. Còn bây giờ, ít nữa cũng phải biết mở mắt ra như ông Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch mà thấy rằng cái "mô hình" VAC đó  chỉ tiêu biểu cho "nền kinh tế tự nhiên, tự túc, tự cấp... đã kéo dài cuộc sống man  rợ của loài người trong  hai triệu năm...  tiền sử![6][6]Câu phát biểu này của Nguyễn Cơ Thạch đã được tác giả ghi lại trước đó ở trang 194, ngày 10 tháng 2 năm 1990.

Trong khi đất nước lâm cảnh bần hàn, cùng cực như thế thì những giới chức nhà nước từ trung ương tới địa phương vẫn tiếp tục lối sống phè phỡn bằng chính đồng tiền  mồ hôi nước mắt của người dân tập trung trong tay Đảng và Nhà Nước. Chỉ nội tháng 5 năm 1989, số tiền được ghi là "tiếp khách" của ông Giám Đốc một xí nghiệp nọ đã  lên tới 5 triệu 804 ngàn 590 đồng, trong  khi tổng số  tiền chi phí  văn phòng, trả lương cho trên 50 cán bộ,  nhân viên của xí nghiệp chỉ có 5 triệu 697 ngàn 225  đồng,  tức là  ít hơn ngân khoản "tiếp khách".[7][7]

Bài thơ chua dưới đây đăng trên tờ Saigon Giải Phóng ngày 22 tháng 12 năm 1989 được tác giả trích vào Nhật Ký 1989-1990 của ông nơi trang 165 đã cho ta hình dung thấy cung cách "ném" tiền của nhân dân qua cửa sổ của các ông Nhà Nước.
"Khách một chủ những mười,
Đặc sản mặc sức... xơi!
Ngọc dương và cá hấp,
Bia lon, ly đầy vơi.
 
 Tiền đâu của riêng ai?
C
ha chung việc gì khóc?
Quỹ đỏ và quỹ đen,
Thương công nhân khó nhọc.
 
 Bia rượu cứ việc... nốc,
Quen bóc ngắn cắn dài.
Làm chơi mà ăn... thật!
Nước nghèo còn kêu ai?"

Cùng một cung cách như thế, đám đảng viên, cán bộ được nhà nước cho hưởng đặc  ân thuê  nhà với giá tượng trưng 1%, 2%, 3% theo lương chính (lối vài ngàn đồng)  nhưng đã cho mướn  lại một phần mặt tiền  để bỏ túi  mỗi tháng từ 1 đến 3 chỉ vàng, trị  giá từ 300.000 đến 900.000 đồng."Cũng có chuyện ngược đời như căn nhà số 53 Lê Lợi là nhà của Nhà Nước cấp cho cán bộ, nay gia đình cán bộ  lại cho Nhà Nước thuê để  mở tiệm  bán sơn  mài[8][8]."

Để tận lực khai thác tài sản của nhân dân, các cán bộ Ngân Hàng Nhà Nước  dùng tiền Ngân Hàng  để cho vay, chơi hụi lấy lời 25%, 30% mỗi tháng... Họ còn cho nhau mượn tiền Ngân Hàng Nhà Nước với lãi xuất thấp rồi dùng tiền đó gửi tiết kiệm trở lại vào Ngân Hàng với lãi xuất cao để hưởng lợi nhuận sai biệt hàng triệu bạc.[9][9]
 
Trong lá thư Việt Nam đăng trên tờ The New Yorker số phát hành ngày 24 tháng  5 năm 1993, Neil Sheehan đã  nói tới tệ trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Theo ông thì ngay cả hệ thống công an, cảnh sát cũng  bị hủ hóa. Thay vì đứng về phía nhân dân  và luật pháp để chống lại tội ác thì giới công an, cảnh sát ở thành Hồ và hầu hết các tỉnh thị lớn lại công khai bao che cho tội ác hoành hành. Chính họ đã là căn nguyên giúp cho tệ nạn  mãi dâm bành trướng mau lẹ vì họ đã trở thành khiên mộc, che chở cho giới "chị em ta" mặc sức hành nghề, và chính từ giới chị em này bệnh AIDS đang là một mối đe dọa lớn ở Việt Nam, trong khi các bệnh viện tại đây hoàn toàn thiếu phương  tiện phòng ngừa chứng bệnh nguy hiểm này.

Lớn tham nhũng theo cách thế lớn. Nhỏ tham nhũng theo cách thế nhỏ. Nguyễn Ngọc Lan đã thuật lại một kinh nghiệm do chính người thân của ông khi làm thủ tục lên phi cơ ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình: "Gia đình Tường Anh đi cân đồ sáng hôm qua: 300.000 đút để được đưa đi một  số đồ sứ...400.000 đồng đút lót cho 50 ký thặng dư, 100.000 đồng đóng thuế cho Nhà Nước. Một phần vào công quỹ, 7 phần vào túi riêng"[10][10]

Dưới đây là mẩu chuyện đăng trên tờ Tuổi Trẻ ngày 5 tháng 3 năm 1991 được tác giả ghi vào Nhật Ký 1990-1991, trang 163: "Gặp anh bạn buôn bán máy móc từ Bắc vào Nam, tôi hỏi.

- Buôn bán có lời không?

- Gọi là buôn bán nhưng thật ra  mình chỉ  là người "chia của" thôi.

Thấy tôi ngạc nhiên không hiểu, anh giải thích.

- Ví dụ: Cái máy nổ trị giá đúng 4 triệu đồng, xí nghiệp ghi phiếu  bán 3  triệu thì mình phải chia cho họ 500.000. Chở vào Saigon cái máy đáng giá 5 triệu, nhưng xí nghiệp quốc doanh ghi giá mua 8 triệu, mình lại phải chia cho họ 2 triệu. Trừ các khoản chi phí vận chuyển, lưu kho, bốc dỡ... mỗi máy mình lời từ 5 đến 700.000 đồng. Mỗi chuyến mang chục máy là có 5, 7 triệu. Thế có phải là mình được cái xí nghiệp quốc doanh trao cho mình tiền Nhà Nước để ăn chia với họ hay sao?"

Trong khi những tay "áp phe cá nhân" nhờ  được chia của Nhà Nước với các viên  chức cầm đầu các xí nghiệp Quốc Doanh như vậy, thì giữa các cơ quan Nhà Nước với sự  góp mặt của các ông chủ "Tư doanh" lại có trò buôn bán ngoại tệ quái đản sau đây:

"Xí nghiệp Dịch Vụ Thu Mua Chế Biến (XNDVTMCB) tỉnh Đồng Nai được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh cho phép vay 1 triệu rúp của xưởng Ba-Son trong thời gian hai tháng, chịu  lời hai triệu bạc  Việt Nam một ngày với  danh nghĩa kinh doanh xăng dầu để tạo  vốn cho đơn vị. Nhận 1 triệu rúp xong, XNDVTMCB ký  hợp  đồng số 9/9 bán lại 1 triệu rúp này cho công ty tư  doanh Bình Minh (Thành Phố HCM) lấy 1 tỷ 320 triệu đồng. Công ty tư doanh Bình  Minh lại ký hợp đồng bán 1 triệu  rúp cho xí nghiệp Quốc Doanh 54 quận 10 để kiếm lời...80 triệu  đồng. Sau khi mua xong, xí nghiệp Quốc Doanh 54 lại ký  tiếp hợp đồng bán  lại cho xí nghiệp  dịch vụ nông nghiệp Vũng Tàu."[11][11]

Sau khi ghi  vào nhật ký, Nguyễn Ngọc Lan  bàn thêm: Thế là trong 24 ngày,  1 triệu rúp  đã vòng vèo qua tay 5 ông chủ khác nhau thuộc 3  tỉnh khác nhau:  4 ông chủ  "Nhà Nước" và 1 ông chủ "Tư Doanh". Ở các nước gọi là tư bản có lẽ người ta cũng  không múa rối với đồng-tiền-phi-sản-xuất đến mức độ như vậy!

Sau đó tác giả trích thêm mấy câu vè nơi trang 4 báo Saigòn Giải Phóng cùng ngày:
 
"Bạc kho "bí mật quay vòng",
Nhân viên, thủ trưởng một lòng trước sau.
Gửi tiền rút lãi cho nhau,
Của kho Nhà Nước làm giàu cá nhân.
Kinh doanh lời lỗ cóc cần!..."[12][12]

Với những đồng tiền phi nghĩa, người ta dễ dàng đi vào con đường ăn chơi trác táng. Vì thế dư luận đã không lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng một số rất đông cán bộ  cao cấp nhà nước đã trở thành khách hàng quen thuộc của Đường Sơn Quán (một  động ăn chơi khét tiếng ở thành Hồ) và là thứ  khách hàng đặc biệt... cỡ Năm Hoành, tức Ba Tung, tức Trung Tá Phan Thanh, trưởng phòng Cảnh Sát Hình Sự của Công An thành  phố... Đến khi vì không thể  che đậy được nữa, vụ Đường Sơn Quán bị đem ra  tòa... thì họ Phan chỉ bị xử 18 tháng tù treo cùng với một đồng sự khác 12 tháng tù...cũng là tù treo[13][13].

Suy nghĩ về hình ảnh đầu voi đuôi chuột của vụ án bằng nụ cười nửa miệng, tác giả Nhật  Ký ghi  thêm: "Họ  kháo với  nhau: tội nghiệp cho hai đồng chí quá, bị... treo lên 18 tháng hay 12 tháng làm sao mà còn sống nổi!"

Vẫn chưa hết. Đảng và Nhà Nước sợ người "Anh Hùng Quân Đội" của mình không sống nổi...vì bị "treo", nên sau khi xử lại thì 18 tháng tù  treo dành cho  Ba Tung trở  thành... miễn tố![14][14]  Trong khi động ăn chơi Đường Sơn Quán là tụ điểm gặp gỡ hàng đêm của các cán bộ Nhà Nước cỡ bự thì công ty nước hoa Thanh Hương, một công ty tư doanh có số vốn cả trăm tỷ đồng (vốn do tư nhân và cả các cơ sở nhà nước gửi để lấy tiền lời 14, 15% mỗi tháng) lại là nơi để các ông, các bà lớn mượn tiền không  lời (ngày 4 tháng 11 năm  1989 Trần Hoàng Thanh, vợ Phan Công Trinh  giám đốc sở Tư Pháp Thành Phố HCM mượn danh nghĩa sở này vay của Thanh Hương 120 triệu đồng không phải trả lời), nhận quà biếu, hoặc được tặng số tiết kiệm có lời hàng tháng mà không phải ký thác một khoản tiền nào!
Sở dĩ Thanh Hương có thể huy  động vốn được là nhờ "bùa phép" của những  đại diện  pháp luật  Nhà Nước. Ngoài việc  ký công văn số 84/VNPQ nhằm bảo vệ việc làm ăn  phi pháp của TH, Phan Công Trinh còn để cho Phan  Công Danh, phó phòng Pháp Quy sở  Tư Pháp làm cố vấn pháp luật  cho TH với lương bổng hàng  tháng từ 500.000 đến 1 triệu đồng và còn được dành cho  một sổ khống (không cần gửi tiền mà vẫn có lời)[15][15]

Trong cuộc thẩm vấn Nguyễn Văn Mười Hai (Giám Đốc TH) về tội hối lộ ngày 17 tháng 10 năm 1990, y đã ngang nhiên trả lời rằng: "Tôi đưa hối  lộ nhiều quá  nên bây giờ  không thể nhớ  hết!"[16][16] Cũng với hiện tượng ô dù, tức là được sự bao che của các cơ quan Nhà Nước, tệ nạn buôn lậu đã diễn ra một cách công nhiên và trắng trợn khiến  tác giả Nhật  Ký phải ghi  nhận: "Y như chuyện hoang đường". Điển  hình là báo SGGP số phát hành ngày 1 tháng 10 năm 1990 đã ghi nhận "một vụ buôn  lậu từ thành phố HCM ra Hànội bằng đường bưu điện 180.000 gói thuốc lá ngoại". Và cũng chính báo này đã mô tả trong số phát hành ngày 27 tháng 9 năm 1990 một vụ buôn lậu với  sự tham dự  của trên  dưới  200 chiếc Honda (mỗi xe một người lái, một  người ôm đồ lậu...) được di chuyển theo đội hình chữ A choán hết đường lộ: Một  xe Honda dẫn đầu mở đường, đoàn xe vận tải, du lịch  ở giữa và phía sau là cả trăm xe Honda vừa chở hàng vừa làm hộ tống.[17][17]

(xem tiếp phần 2/2)
 

[1][1] Nhật Ký 1989-1990 trang 207

[2][2] Nhật Ký 1989-1990, tr. 207, ngày 27 tháng 2 năm 1990

[3][3] Nhật Ký 1989-1990, tr.226, ngày 31.3.1990

 

[4][4]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 27

 

[5][5] Nhật Ký 1989-1990, tr. 144, ngày 9 tháng 11 năm 1989

 

[6][6] Nhật Ký 1989-1990, tr. 212, ngày 4 tháng 3 năm 1990

[7][7] Nhật Ký 1989-1990, tr. 202, ngày 22 tháng 2 năm 1990

[8][8] Nhật  Ký 1989-1990, tr. 35, ngày 14 tháng 3 năm 1989

[9][9] Nhật Ký 1989-1990, tr. 144, ngày 7 tháng 11 năm 1989

[10][10]  Nhật Ký 1990-1991, tr.  138, ngày 6 tháng 10 năm 1990

[11][11]  Saigòn Giải Phóng 9 tháng 4 năm 1990

[12][12]  Nhật Ký 1989-1990, tr. 233, ngày 10 tháng 4 năm 1990

[13][13]  Nhật Ký 1989-1990, tr. 198,202,210, 236,237

[14][14]  Nhật Ký 1990-1991 tr 99 ngày 7 tháng 9 năm 1990

[15][15]  Nhật Ký 89-90, tr. 217,232,233, ngày  14/3 và 10/4/90

[16][16]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 137, ngày 18 tháng 10 năm 1990

[17][17]  (Nhật Ký 90-91, tr. 124, ngày 1 tháng 10 năm 1990)

http://farm4.static.flickr.com/3192/2434324738_3f042aee86.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét