Đọc nhật ký Nguyễn Ngọc Lan
Đọc nhật ký
Nguyễn Ngọc Lan
Đặng Tiến
Nguyễn Ngọc Lan là một cựu linh mục. Tại các đô thị miền Nam, ông được nhiều người biết tiếng vào những thập niên 1960, 1970 qua các phong trào tranh đấu đòi dân chủ, hoà bình. Qua những bài báo sắc cạnh, ông đặc biệt lưu tâm đến vai trò của giáo hội Công giáo trong công cuộc bảo vệ và phát triển dân tộc; cụ thể hơn nữa là tương quan giữa giáo hội và chính quyền: làm sao gìn giữ và phát huy tự do tín ngưỡng trong tự do nói chung của một xã hội thường xuyên bị thử thách. Trọng tâm trong tư tưởng của Nguyễn Ngọc Lan là: sống sâu sắc tinh thần Phúc Âm, trong lòng dân tộc, và trong tương quan với một thế giới đang thay đổi rất nhanh.
Có ý định hoàn tục từ 1973, thời Hiệp định Paris, ông xin từ chức linh mục vào năm 1976, lập gia đình và tiếp tục làm báo, tiếp tục gióng lên tiếng nói tự do, cho đến khi bị chính quyền bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16.5.1991, cùng một lúc với linh mục Chân Tín, người bạn đường cùng tranh đấu, cùng lý tưởng với ông, từ ba mươi năm nay. Chân Tín bị trục xuất khỏi thành phố, biệt xứ tại Cần Thạnh, một họ đạo lẻ huyện Duyên Hải; còn Nguyễn Ngọc Lan bị quản thúc tại gia vì “vi phạm luật pháp, xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” (tr. 246). Dĩ nhiên là chính quyền bắt bớ tự do, không cần xét xử gì cả.
Là một công dân có trách nhiệm về ý thức của mình – và có ý thức về trách nhiệm – Nguyễn Ngọc Lan biết rõ: đã “làm người” thì không thể “ làm thinh”, và một ngày nào đó, trong một xã hội chuyên chế, ông phải trả giá cho sự chọn lựa “sống thẳng nói thật” của mình; cho nên từ 1980 đến 1990, ông đã cẩn thận gửi sang Pháp 1522 trang đánh máy và nhiều thư từ, sáng tác, tài liệu bổ sung, làm nền cho tác phẩm Nhật ký 1989-1990 do nhà xuất bản Tin (Paris) vừa ấn hành và giới thiệu qua một buổi họp mặt ra mắt ngày 25.1.1992 1.
Nhật ký kể chuyện thường ngày, từ thứ hai 6.1.1989 đến thứ sáu 20.4.1990. Ngoài những chuyện về gia đình, bè bạn, đồng đạo còn nhiều chuyện xã hội dựa theo những bài báo, chủ yếu là báo Sàigòn Giải Phóng. Đây là những tư liệu quý giá để người đọc nước ngoài, và hậu thế, thấy phần nào đời sống của người dân thành phố, về mặt kinh tế, văn hoá, tôn giáo qua cách nhìn, cách suy nghĩ của một trí thức công giáo. Sách hấp dẫn, nhờ lối viết khi dí dỏm khi độc ác nhưng lúc nào cũng tinh tế, sắc sảo. Nhật ký dĩ nhiên, là những trang viết rời, độc giả có thể đọc rải rác dăm ba đoạn lẻ, đã thấy thích; hoặc đọc để thưởng thức lối nói cạnh nói khoé, nói thắt họng, “nói chặn họng” của tác giả. Rồi đem ra truyền tụng. Nhưng không nên vì vậy mà quên rằng Nguyễn Ngọc Lan là người thâm trầm: những chuyện hằng ngày, bề ngoài rời rạc, bên trong vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau thành một bức tranh xã hội nhất quán. Mỗi chi tiết, dù bề ngoài phù phiếm, đều có giá trị biểu tượng. Ví dụ: bé Lan Chi, con gái tác giả, từ ba lên bốn tuổi, xuất hiện thường xuyên trong Nhật ký không phải là tác giả khoe con, nhưng ông muốn nói lên tiềm năng của dân tộc; tiềm năng ấy có thể phát triển, hay bị thui chột, mỗi chúng ta, cha mẹ hay chú bác, đều ít nhiều có trách nhiệm. Lúc nói đến bạn bè trong nhóm Khilikhitô – khi nâng ly khi nâng tô, ít nhiều trong ân phúc Chúa Kitô – không phải tác giả chè chén lè phè, nhưng ông lưu ý đến hình thức đối kháng, tuy tiêu cực nhưng dài hơi, của quần chúng miền Nam, trước mọi áp chế của giáo điều. Tư cách Khilikhitô sẽ là một viên gạch làm móng cho nền dân chủ mai sau. Khi ông tố giác căn bệnh trubacanis 2, dĩ nhiên là một lối chơi chữ độc ác đối với một cá nhân đồng đạo nhưng cốt ý nhắm vào căn bệnh xu thời vị lợi, xã hội nào cũng có, nhưng đặc biệt nảy nở trong một xã hội chuyên chế thối nát. Trong Nhật ký có nhiều đoạn chơi chữ như vậy; Nguyễn Ngọc Lan có khuynh hướng lạm dụng sở trường của mình, đó là chỗ yếu mà cũng là chỗ mạnh, hấp dẫn người đọc. Thuý Kiều chỉ có thể nói “ có tài mà cậy chi tài” khi đã gột rửa hết trần duyên ở sông Tiền Đường. Nguyễn Ngọc Lan còn hụp lặn giữa trần luỵ thì phải chiến đấu bằng những vũ khí của mình. Biết vậy mà chúng ta vẫn tiếc cho tác giả còn nặng nghiệp sân si, và chưa xứng đáng với câu kết lời tựa của nhà xuất bản: “ Có lẽ nên đọc Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan như đọc chứng từ của một sĩ phu Việt Nam ấp ủ một linh hồn linh mục”. Có lẽ, trong câu này, chỉ có hai chữ đầu câu là chân xác.
Tuy nhiên, bài tựa viết rất hay. Tiếc rằng những đoạn hay nhất thì không mấy liên quan đến tác phẩm, ví dụ về tình yêu: “nhà hiền triết định nghĩa ái tình: em là lý do tại ngoại của niềm hoan hỉ của hồn tôi” (tr. 9). Quê. Từ ái tình, chuyển sang mục vụ: “Đời tu cũng như đời tình (...) Tu cũng như tình, đâu có dừng lại ở tư cách hay chức vụ. Đó là một cuộc hoá thân”. Để mà biện minh “ Nguyễn Ngọc Lan xin thôi tư cách và chức vụ linh mục. Anh không từ bỏ tâm hồn linh mục” (tr. 9). Xin mách quý vị “chân tu” lời của Marguerite Duras, nghiện rượu và đã cai. Cô thôn nữ miệt Sa Đéc, tác giả truyện L'Amant, tuyên bố với báo Le Nouvel Observateur (ngày 24.5.1990): “Những kẻ nghiện rượu, khi bị cấm rượu, vẫn là những người nghiện thôi uống rượu”. (“Tous les alcooliques empêchés de boire restent des alcooliques qui ne boivent plus”). Cùng một ý ấy, nhưng nghe... Khilikhitô hơn. Nhẹ nhàng hơn.
21.2.1992
1 Giá bán 85 FF. Có thể mua tại các nhà sách Sudestasie, Nhà Việt nam (Paris 5), Khai Trí, Nam Á (Paris 13). Qua bưu điện: thêm 15 FF cước phí, ngân phiếu đề tên Đỗ Mạnh Tri, về địa chỉ : DO, 6 rue Chère Année, 94370 SUCY en BRIE.
2 Ám chỉ linh mục Trương Bá Cần, tổng biên tập tuần báo Công giáo và Dân tộc. Đây chỉ là một trong nhiều ngôn từ độc ác mà tác giả dành cho nhiều đồng đạo: LM. Nguyễn Huy Lịch, Phan Khắc Từ... thậm chí Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Đây là chuyện “anh em thù địch” hay là hiện tượng lanal? ( chú thích của toà soạn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét