PHẢN TỈNH – PHẢN KHÁNG (Minh Võ): Dương Thu Hương
PHẢN TỈNH – PHẢN KHÁNG (Minh Võ): Nguyễn Ngọc Lan
Chương 9
Nhật Ký
của Nguyễn Ngọc Lan (1)
Nhật ký ít khi được xuất bản lúc tác giả còn sống. Nhưng khi thấy mình bị nhà cầm quyền Cộng Sản “quản chế “ và tịch thu hàng ngàn trang tài liệu (2), nhà báo Nguyễn Ngọc Lan đã đồng ý cho nhóm Tin Nhà ở Paris in nhật ký của ông. Có lẽ ông nghĩ đã đến lúc nên cho người ngoài thấy phần nào lý do mà nhà nước Cộng Sản đã vin vào đó để có biện pháp mạnh đối với ông.
Thực ra từ nhiều năm trước ông đã lén lút gửi sang Pháp, qua tiến sĩ Đỗ Mạnh Tri, một trong những trụ cột của nhóm Tin Nhà, cũng là bạn học của ông tại đây từ những năm đầu thập kỷ 60, hàng ngàn trang nhật ký và tài liệu, sáng tác của ông, vì ông đã tiên đoán được số phận mà Cộng Sản sẽ dành cho ông, khi họ thấy không lợi dụng, mua chuộc hay uốn nắn được một con người “bướng bỉnh”, thường lấy tinh thần Nguyễn Trãi làm phương châm cuộc sống: “Ung dung ta nói điều ta nghĩ, Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo”.
Nhật ký được viết một cách đơn sơ giản dị, trung thực, thấy gì ghi nấy, nghĩ gì viết nấy, vì thường là chỉ để cho mình đọc hoặc một số rất ít người thân đọc mà thôi. Nhưng, cũng như hồi ký, nếu tác giả là người có tư tưởng, có sự nghiệp hay vị thế lớn trong xã hội, lại có óc nhận xét tinh tế, thì tác phẩm của họ sẽ có thể phản ảnh tư duy của một thời đại, lối sống của một xã hội. Khác với hồi ký, nhật ký đi vào những chi tiết riêng tư hơn, sâu kín hơn của riêng tác giả hay gia đình tác giả. Vì vậy đọc nhật ký người đọc có thể sẽ thấy có chỗ hơi tẻ nhạt vì không dính dáng gì đến người đọc, hay kéo được chú ý của người đọc. Cuốn nhật ký đáng đọc và hấp dẫn là cuốn nói ít đến cái tư hơn cái chung, và/hoặc biết nói đến cái tư một cách độc đáo. Trong nhật ký của Nguyễn Ngọc Lan có những cái tư không tẻ nhạt mà lại duyên dáng. Chẳng hạn những khi ông nói đến cô gái cưng Lan Chi 3 tuổi của ông.
Sở dĩ chúng tôi chọn nhật ký của Nguyên Ngọc Lan để dựng một chương cho tập sách này là vì đã tìm thấy trong đó khá nhiều tư liệu về xã hội “xã hội chủ nghĩa”, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam. Hơn nữa, tuy ông cũng thuộc nhóm những người trí thức phản tỉnh, nhưng Nguyễn Ngọc Lan, cùng với Chân Tín (sẽ có một chương vắn về ông này), vẫn có một thứ gì đó riêng biệt, mà những tác giả khác trong toàn bộ tập sách này không có. Đó là tinh thần “Tin Mừng” của Ki-Tô Giáo. Cả hai người này đều cho rằng hiện nay mình chống cộng, hay trước kia chống chính quyền quốc gia ở một lãnh vực nào đó, cũng chỉ là để nói lên và thể hiện cái tinh thần đó. Họ có lý không, và có lý đến chừng mực nào, độc giả tùy nghi xét định và chúng tôi cũng sẽ xin có lời bàn sau.
Vài nét về con người Nguyễn Ngọc Lan:
Nguyễn Ngọc Lan là cháu họ (bà con xa, 4 đời họ ngoại) của Nguyễn Trọng Trí tức nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ông sinh nhằm ngày quốc khánh của Pháp, 14 tháng 7 năm 1930. Ông là Linh Mục thuộc dòng Chúa cứu thế, (thụ phong năm 1957). Năm 1959 được cử đi du học ở Pháp. Theo ông, thì tòa đại sứ Việt Nam tại Paris, vì không lợi dụng được ông nên đã cúp phép chuyển ngân vào giữa năm 1963. Năm 1966, về nước với bằng tiến sĩ triết học, ông đã cùng với Linh Mục Chân Tín làm báo “Đối Diện” có lập trường “phản chiến”, nên cũng gặp nhiều khó khăn rắc rối với chính quyền, nhiều lần bị cảnh sát quốc gia thẩm vấn. Ông cũng qua mặt được mật vụ để theo Tạ Bá Tòng vào “bưng” (ở Bến Lức) thăm căn cứ Cộng Sản. Lúc ấy, trừ Linh Mục Chân Tín, không ai biết chuyện này.
Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, ông lại cùng với Linh Mục Chân Tín ra báo “Đứng Dậy” cũng với mục đích đấu tranh cho công bình xã hội theo tinh thần Phúc Âm Ki-Tô Giáo. Đầu năm 1976 ông nộp đơn xin tToà Thánh đặc cách cho ông hoàn tục, cởi bỏ áo dòng để chính thức thành hôn với nhà báo Hùynh Thanh Vân, tốt nghiệp cử nhân báo chí trường đại học Vạn Hạnh. Nhưng ông hứa sẽ vẫn tiếp tục phục vụ giáo hội. Ông cho rằng chính vì ông phục vụ giáo hội đắc lực cho nên tờ Đứng Dậy đã bị đóng cửa sau ba năm, và cá nhân ông bị theo dõi.
Năm 1988 nhân có vụ Toà Thánh Vatican quyết định phong 117 vị chân phước tử đạo thuộc giáo hội Việt Nam lên hàng hiển thánh, Nguyễn Ngọc Lan đã tích cực ủng hộ quyết định này, viết nhiều bài đả phá những luận điệu chống phong thánh của đảng Cộng Sản do một số cán bộ, trí thức Cộng Sản như các ông Nguyễn Khắc Viện, Trần Bạch Đằng, và cả một số Linh Mục “quốc doanh” hay thân Cộng như Trương Bá Cần, Thiện Cẩm…tung ra. Cuối cùng Lễ phong thánh đã diễn ra đúng như chương trình ấn định và Nhà Nước bắt buộc phải đón nhận và còn khuyến khích giáo dân mừng lễ “trong tinh thần đoàn kết, kỷ luật.” Công việc của ông trong vụ này khiến giáo sĩ và giáo dân mến phục và ông cho đó là phần thưởng quý báu dành cho thiện chí của ông. Nhà Xuất Bản Tin ở Paris, khi giới thiệu nhật ký của ông trong năm 1988 đã viết:
“Sự đụng độ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và giáo hội Công Giáo trong vụ Phong Thánh là sự đụng độ cơ bản trong chiều sâu của lòng người. Sự thất bại của chính quyền trong vụ này có một ý nghĩa vượt hẳn tính thời cuộc. Năm 1988 thật đáng coi như một cái mốc. Nhật Ký 1988 vừa đánh dấu vừa làm nên cái mốc đó.”
Đối với tín đồ Công Giáo, thật không lời ca tụng nào quý giá hơn.
Vì thấy ông và Linh Mục Chân Tín là hai người khó lung lạc lại quyết tâm bênh vực Giáo Hội, nên nhà cầm quyền đã rình mọi cơ hội để hãm hại hai ông. Nhưng hai ông lại có tín nhiệm phần nào trong giới đảng viên miền Nam vì những hoạt động trước 1975, nhiều cán bộ có thân nhân đã từng được hai ông giúp đỡ, che chở trong khi bị chính quyền Quốc Gia giam giữ; họ thường không ngần ngại bày tỏ cảm tình ủng hộ. Cộng Sản vẫn nghĩ Linh Mục Chân Tín là người có uy tín trong giáo hội Công Giáo Việt Nam, lại có tài hùng biện, những bài giảng “Sám Hối” tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế vào mùa chay năm 1990 đã gây hào hứng, chấn động trong cộng đồng giáo dân Saigon, người ta rủ nhau đến nghe càng ngày càng đông. Nhiều cá nhân và tập thể đã ghi băng đem phổ biến. Cộng Sản còn nghĩ những tư tưởng được nói lên trong các bài giảng, bài văn của Chân Tín đều là của NNL. Một người có tài hùng biện được trợ giúp đắc lực bởi một nhà tư tưởng lý luận sắc bén thì rất nguy hiểm đối với đảng cầm quyền. Vì vậy họ đã tìm cách tách rời hai người ra hai nơi.
Ngày 16 tháng 5 năm 1990 Linh Mục Chân Tín bị cấm hành đạo và đưa đi phát vãng tại xã Cần Thạnh thuộc huyện Duyên Hải, cách Saigon 70 cây số. Còn NNL thì bị quản chế cấm ra khỏi phường (phường 6, quận 10, Saigon). Thời hạn quản chế là ba năm. Khi công an đến đọc lệnh quản chế, họ đã lục soát phòng (LM Chân Tín) và nhà riêng (NNL) hai ông lấy đi hàng ngàn trang tài liệu và băng nhạc, trong số đó đáng kể nhất là những trang nhật ký của NNL. Cũng may là ông đã gửi trước sang Paris được một số.
Từ ngày bị quản chế ông thường im lặng. Có ai hỏi hồi này anh làm gì, NNL đáp: “làm thinh”. Nhưng đầu năm 1996 thính giả đài Pháp Quốc Tế (RFI) cũng nghe ông trả lời một cuộc phỏng vấn qua điện thoại viễn liên. Trong vòng 20 phút ông đã phân tích và điểm lại tình hình chính trị trong nước trong năm Ất Hợi và dự kiến một số sự việc có thể xảy ra sau đại hội đảng sắp diễn ra.
Đầu tháng 5 năm 1998 NNL chở Linh Mục Chân Tín trên xe gắn máy tới viếng Nguyễn Văn Trấn tức Bảy Trấn vừa qua đời, thì bị xe tông bị thương nặng, suýt chết. Theo lời tường thuật của ông sau đó ít lâu thì rõ ràng người ta đã âm mưu ám hại ông.
Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan đã nói gì về chế độ “xã hội chủ nghĩa” và những người Cộng Sản?
Đọc toàn bộ 3 cuốn nhật ký mà Tin Nhà xuất bản gồm những năm 1988-1991, người đọc thấy rõ tác giả không ưa “xã hội chủ nghĩa” mà có chỗ ông viết tắt xhcn, rồi lại chuyển ngữ thành: “xạo hoài cha nội” (11-11-1988), hoặc “xả hết cả nước” (16-11-1990). Nhưng ông không dám ngang nhiên gọi như thế, mà đúng ra chỉ dám để đọc giả đọc giữa những hàng chữ của ông. Ví dụ như trường hợp vừa kể, ông chỉ dám nói về Vũ Ngọc Nhạ, nhiều lần tới thăm ông và Linh Mục Chân Tín, bảo anh này xạo. Nhưng vì ông viết tắt xhcn rồi giải thích là xạo hoài cha nội, làm cho người ta liên tưởng đến ngôn ngữ dân gian lúc ấy thường hay dịch xhcn (xã hội chủ nghĩa) là: xạo hết chỗ nói, xếp hàng cả ngày, xả hết cả nước, xuống hàng chó ngựa… Cũng như khi ông nói xả hết cả nước là nói vào lúc có vấn đề nước uống chứ không phải vấn đề đất nước cụ thể nào.
Chính vì không tiện (hay không dám) nói trắng ra điều mình nghĩ về chế độ, mà Nhật Ký NNL đượm màu sắc châm biếm tế nhị, hóm hỉnh. Ông hay dùng lối nói bóng nói gió, chơi chữ, nói lái vân vân để thêm hương sắc cho câu văn thường vắn gọn của ông. Chẳng hạn ông gọi Ủy Ban Đoàn Kết là “Đàn Két”, Đài BBC là “Bà Bán Chè”, chính sách đổi mới ông gọi là “đồi mồi” (12-11-1990). Đông Âu thì ông nói lái thành “Đâu Ông” để đặt ra cho đảng một loạt câu hỏi buốt óc. (27-7-1990) Nhắc đến nạn thiếu nước trong nhà mà ngoài đường ngập lụt ông viết: “Ban ngày cả nước lo việc nhà, đêm đến cả nhà lo việc nước.” Khi nói về liên hệ giữa tay trùm văn nghệ của Đảng Nguyễn Đình Thi với các nhà văn nữ Ý Nhi và Lê Minh ông viết “quan hệ có thể là thi vị mà không văn chương” (10-12-1989) Có lúc ông trích dẫn nhật ký của một cán bộ, chánh văn phòng huyện ủy nọ để nêu lên những thành ngữ quen thuộc nhưng rất chua xót như: “Ấm ức như Kiểm Tra. Ba hoa như Tuyên Giáo. Láo nháo như Văn Phòng. Lòng thòng như Tổ Chức.” (28-8-88) Chỗ khác, để nói lên nhận xét của mình về cuộc sống người dân đang đi xuống, đi giật lùi, ông đã ghi lại lời một người bạn nói về tình hình xã hội miền cao nguyên như sau: “Người Thượng trên đó bây giờ bảo nhau: Người Kinh bây giờ giống như người Thượng mình rồi, sáng sớm cũng kéo nhau đi làm rẫy. Còn người Thượng mình vẫn giống như… khỉ.” (29-8-88)
Ngày 30-6-1991 nhân đọc một bài báo trên SGGP bàn về tình trạng “loạn sách, loạn xuất bản”: Những sách kém cỏi, đồi trụy… dễ dàng xuất hiện trong khi các sách về tôn giáo bị cấm đoán, ngay bản tin phụng vụ hàng tuần cũng gặp khó khăn, NNL đã phê bình người bình luận đặt sai vấn đề: “…Cho nên vấn đề không hẳn là “tăng cường hiệu lực quản lý”. Vấn đề là cứ quản lý như thế mà có hiệu lực được không? Khi mà trong thực tế, chủ nghĩa xã hội, như Lê-nin không còn sống để nói, là chế độ bàn giấy cộng với giấy gì cũng…bán được.” (30-6-91) Ý của ông là nếu như Lê-nin còn sống đến ngày nay, nhìn được thực trạng xã hội này, thì ắt sẽ định nghĩa xã hội chủ nghĩa như vậy. Nhưng cái lối viết: “như Lê- nin không còn sống để nói” quả là độc đáo. Mỉa mai, châm biếm nhẹ nhàng mà dư vị thì cay đắng.
Ông quen nhiều người, biết nhiều chuyện, lại chịu đọc, Việt ngữ cũng như ngoại ngữ. Nên bất cứ một lời nói hay việc làm của một ngưòi nào đó cũng có thể gợi ông nghĩ tới tình hình trong xã hội và liền đưa ra những nhận xét sắc nét, nhưng kín đáo, bằng một bút pháp riêng. Chính vì vậy người đọc thấy thích thú. Nhưng không phải ai đọc cũng hiểu hết ý của tác giả, vì cái biết của ông bao gồm nhiều lãnh vực tư tưởng phức tạp và nhắc đến nhiều tác phẩm xa lạ, nhiều khi trưng dẫn bằng ngoại ngữ, hoặc chính ông cũng bình luận bằng tiếng Pháp, tiếng La Tinh….
Thời gian 1988-1991 là thời Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư đảng, tương đối cởi mở với lời tuyên bố ban đầu:“Văn Nghệ Sĩ hãy tự cởi trói”, tuy rằng chẳng bao lâu sau đó đã lúng túng sợ sệt, lại đích thân ra tay “trói lại”… Do đó có một vài tờ báo như Tuổi Trẻ, Saigon Giải Phóng, hay ngay cả tờ Văn Nghệ lúc còn Nguyên Ngọc làm tổng biên tập, có đôi lúc cao hứng dám đăng những bài khéo léo chỉ trích chế độ. Nguyễn Ngọc Lan, hơn tất cả các nhà trí thức phản tỉnh khác đả nắm lấy cơ hội, xử dụng những tài liệu này trong nhật ký của ông để nói lên sự đồng tình của mình. Những kẻ ghét ông không thể kết tội ông, vì ông chỉ trưng dẫn báo của đảng. Báo chí lúc ấy báo nào lại chẳng phải là báo đảng.
Dưới đây chúng tôi sẽ chọn đăng lại một vài đoạn trong số hàng trăm đoạn trích dẫn của tác giả từ mấy tờ báo nói trên để xuyên qua đó thấy được phần nào tình trạng bi đát trong xã hội xhcn luôn tự xưng là chủ nghĩa xã hội khoa học. Xin nhắc lại là NNL muốn mượn những tờ báo đảng để nói lên nhận xét của chính ông về hiện trạng xã hội đương thời. Người đọc có thể coi những tài liệu đó phản ánh phần nào thái độ của ông đối với chế độ.
1. “Quà biếu trên mức tình cảm” Báo Saigon Giải Phóng, mục những điều trông thấy. Nhân báo tuổi trẻ gần đây có nói về vị nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Trang Bị Kỹ Thuật nhận hối lộ, nhưng đoàn thanh tra của bộ lại gọi đó là “quà biếu trên mức tình cảm”, Cung Văn viết: “Năm 1987 ngôn ngữ của chúng ta đẻ ra một cụm từ hơi rối rắm: “Trên mức tình cảm”. Trên, tất phải có dưới, có giữa, hoặc chính giữa, hoặc bằng mức tình cảm. Thế đó là cái gì?….Tại sao người ta phải né tránh, không dám gọi đích danh sự việc, chẳng hạn: kẻ nhận và đưa hối lộ. Phải chăng có sự bao che trong chính từ ngữ hầu làm giảm nhẹ tội phạm?” (12-1-88)
2. Cán bộ Cộng Sản tổ chức đám tang chó linh đình, trong khi dân đói khổ: Ngày 9-4-91 NNL chép nguyên văn một đoạn của báo Tuổi Trẻ, Saigon cùng ngày, loan lại tin từ báo Nhân Dân ngày 4-4-91 như sau:
“Giữa năm 1990 nhân dân phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà-nội đã chứng kiến một sự kiện hy hữu. Một cán bộ đã tổ chức đám ma cho con chó của mình một cách linh đình. Chiếc ôtô con đi đầu chở quan tài con chó. Chiếc xe tang thứ hai chở vợ chồng ông chủ và cuối cùng là xe ca chật ních bạn bè, nhân viên của ông. Hôm ấy “ông chủ” đã cho toàn bộ cán bộ công nhân viên đơn vị ông nghỉ để đưa đám ma con chó. Tiệc ma chay có trên mười mâm cỗ linh đình…” Ông chủ nói trên là Nguyễn Lại Minh, 39 tuổi, trưởng phòng kế toán vật tư, kiêm cửa hàng trưởng cửa hàng điện tử công nghiệp thuộc công ty Vesco (Bộ Công nghiệp nặng). Brigitte Bardot phải chào thua rồi.”
“Cũng trên tờ Tuổi Trẻ 4 ngày sau, Bút Bi, sau khi nhắc lại vụ đám tang chó còn nói tới một vụ “nhức nhối” khác: Bà Ơn ở Hải Hưng đã đánh chết mẹ ruột của mình. Khi hỏi lý do bà trả lời tỉnh bơ: “Già và bẩn thỉu, không giúp ích gì được cho con cái thì cần phải đánh chết”. Khi phóng viên đưa máy ảnh lên chụp, còn biết sửa cổ áo, cười tươi. Và Bút Bi nhận xét: “Đất nước nghèo đói rồi sẽ có ngày khá hơn; pháp luật lỏng lẻo rồi ra sẽ chỉnh đốn quy củ, nhưng luân lý đạo đức là cái giềng mối của dân tộc mà hư hỏng thì phải nhiều thế hệ mới khôi phục ….và trong lịch sử loài ngưòi đã từng có những dân tộc bị xóa sổ vì đạo lý suy đồi.”
Liền sau nhận xét của Bút Bi, NNL đã nêu lên một sự kiện khác mà ông cho là nguồn gốc của mọi sự tồi tệ ở VN: …một giáo sư trường đại học tổng hợp đi công tác mang về 10 xe honda, gần 100 chiếc xe đạp …làm quà biếu. Hồ Ánh Tuyết, công nhân lao động hợp tác ở Đức gửi về 50 TV màu và 24 chiếc tủ lạnh. Nếu đạo đức có suy đồi, thì chuyện đám tang con chó hay chuyện giết mẹ chỉ là hậu quả, triệu chứng, còn những chuyện “buôn lậu …đàng hoàng” như thế này mới thuộc loại căn nguyên nhức nhối hơn.”
3. Công Giáo, Phật Giáo trong cùng một gia đình cán bộ Cộng Sản: Ăn sáng và uống cà phê với Hoàng Ngọc Biên, Cao Xuân Hạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cao Xuân Hạo:” Cha tôi trong những ngày gần chết chỉ đọc Imitation de Jésus-Christ và cầu nguyện tuy suốt đời cụ theo Lão Trang, chê Mác, còn tôi thì mác –xít (không như người ngoài nghĩ là ngược lại, ông cụ tôi mới mác- xít hơn tôi). Có lúc tôi đã đâm hoảng: Ông cụ mà xin mời Cha Cố đến rửa tội cho thì mình cũng phải chiều ý chứ biết làm sao, nhưng thiên hạ sẽ hiểu thế nào. Chưa hết, ông cụ tôi qua đời, bà cô tôi, sư bà Diệu Không, vào đây hạ lệnh không ai dám cãi là phải chôn cất ông cụ theo nghi thức Phật Giáo.” (1-2-1988)
4. Nhà văn Cộng Sản có tầm vóc, vai vế trong hội nhà văn viết về tôn giáo: Tuần báo Văn Nghệ, số 11 (12-3-1988) tr. 3 đăng “Mấy lời nói lại và nói thêm” của Nguyễn Khải xung quanh vấn đề tôn giáo… quả là can đảm:
“…Tôi nghĩ, con người sở dĩ khác với con vật vì nó không chỉ sống cho cái bây giờ, cái tức thì, cái trước mắt, mà còn dám sống cho một niềm tin cao đẹp, thiêng liêng hơn là chính bản thân nó. Hoặc là niềm tin vào một lý tưởng xã hội. Hoặc là niềm tin vào một lý tưởng tôn giáo. Viết về những con người sống cho một lý tưởng xã hội là công việc quen thuộc của chúng ta, khỏi bàn cãi. Nhưng quan tâm một cách thông cảm và trân trọng những người sống cho một niềm tin tôn giáo trong sáng có phải bị chê trách là sai lệch không? Là có khuynh hướng duy tâm không? Cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp, vì sự vận động của nó luôn luôn nhắm tới cái thật cao và cái thật xa. Càng có tuổi thì cái nhu cầu hướng tới cái tận thiện tận mỹ thậm chí tới cái vô cùng nữa càng mãnh liệt. Gần như là day dứt, một khắc khoải. Những day dứt và khắc khoải ấy có nhiễm chút nào cái hương vị của tôn giáo? Hoặc chỉ là một nhu cầu rất tự nhiên của con người vốn không cam chịu dừng lại trước bất kỳ một giới hạn nào? Tôi ao ước được tiếp tục phiêu lưu vào cái cõi mênh mang và đầy bí mật này, dầu biết là hết sức nguy hiểm, rất dễ trượt ngã, nhưng không sao dửng dưng nổi, vì lời mời gọi của nó lại quá quyến dũ.” (12-3-88)
5. So sánh gián tiếp sự đào tạo nhân tài của chế độ cũ: Báo SGGP hôm qua đăng danh sách các bác sĩ, chuyên viên trong kíp thực hiện ca mổ Việt-Đức (song sinh dính liền, chú thích của MV). Trừ một ông đóng vai phụ xuất thân từ Hà-Nội, còn toàn là những người đã học y khoa Saigon, hay thành phố Hồ Chí Minh. Những vai chính lại có lý lịch phải kể là rất xấu, bác sĩ Trần Đông A, trửơng kíp mổ vốn là quân y Saigon cũ, bác sĩ trung tá, thiếu tá gì đó của…Nhảy Dù…đã từng tu nghiệp bên Mỹ và còn là người …Công Giáo. Bác sĩ Trần Thành Trai, cũng học Saigon, cũng quân y, biệt động quân cũ v.v… Âu cũng là một chuyện “Tạo Hóa nghiệt ngã” chăng?
6. So sánh Tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa: Báo Tuổi Trẻ chủ nhật số 42 ra hôm nay (22-10-88) đăng nhiều chuyện lạ. Sau “3 tuần ở Mỹ tháng 9 – 1988” (tựa đề), kỹ sư Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật thành phố, không tiếc lời ca ngợi nền đại học Hoa Kỳ, cách quản lý xã hội Mỹ. “Góc Người bình luận” đề nghị “Nhận thức lại chủ nghĩa Tư Bản để tự giác xây dựng chủ nghĩa xã hội”, nghĩa là thấy như thiên hạ đã thấy từ lâu: chủ nghĩa Tư bản không còn y như trong cuốn Tư Bản của Karl Marx…” Nhưng đáng chú ý nhất là những dòng ngắn gọn sau đây của một độc giả: “Thế vận Seoul 1988 (từ 17/9 đến 2/10) đã diễn ra sôi nổi hào hứng, làm say sưa hàng tỷ con người trên hành tinh. Tìm hiểu về đất nước và con ngưòi Nam Triều Tiên, tôi đọc được những tư liệu như thế này:
“(…) Ngày nay do chính sách bần cùng hóa nông thôn và lệ thuộc vào Hoa Kỳ của chính quyền Nam Triều Tiên, sản xuất nông nghiệp bị đình đốn nghiêm trọng, luôn luôn mất mùa, nhân dân thiếu ăn….”,“Công nghiệp chế biến phát triển yếu….”“Ngoại thương phản ánh tình trạng kinh tế lạc hậu và phiến diện của xứ này…”
– Tài liệu nào vậy? Và được viết vào những thập niên 50, 60 chăng? – Xin thưa đó là sách …Địa lý lớp 11 phổ thông (tập 2) do nhà xuất bản giáo dục in năm 1984, nơi trang 93, 94.
Tôi sững sờ vì ngạc nhiên. Chúng ta dậy cho con em chúng ta những điều dối trá như vậy sao? “ (23-10-1988)
7. So sánh Nhà Nước với Nhà Thờ: Trần Bạch Đằng viết trong bài “Tạo môi trường thuận lợi cho sinh hoạt báo chí” đăng trên tuần báo Thanh Niên đề ngày 5-12-88: “…Ta hãy dùng một so sánh nhỏ: Nhà Thờ cố gắng biến các giáo điều của Chúa thành sản phẩm sinh động, còn chúng ta cố gắng biến chủ nghĩa Mác Lê-nin sinh động thành giáo điều.” Nhìn nhận được như thế thật là quý hóa. Nhưng có lẽ phải nhìn sâu hơn nữa…Lời Chúa vốn là “Lời Hằng Sống”, chứ không phải là giáo điều. (4-12-1988)
Hơn hai năm sau, một nhân vật quan trọng hơn, tướng Võ Nguyên Giáp cũng lại so sánh tương tự và đã được Nguyễn Ngọc Lan nói đến trong một bức thư gửi Linh Mục Chân Tín: “Một anh bạn vừa kể với con: trong một buổi nói chuyện gần đây tại thành phố Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp có khuyên các đồng chí của ông đừng tiếp tục thói nói năng dài dòng nữa. Ông nhận xét: Ông Yêsu đâu có nói gì dài dòng. Những lời lẽ ngắn gọn. Thế mà hai ngàn năm sau thiên hạ vẫn cứ phải nhắc lại đấy.’ Cha thấy có ngộ không. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà có thể cho phép mình đẩy đến cùng nhận xét trên thì hẳn còn phải thêm: cuốn Tư Bản của Karl Marx có lẽ vì dài dòng gấp trăm lần cuốn Tin Mừng theo Marcô mà xem ra đã hết thọ nổi rồi. (12-2-1991)
8. Đảng viên bị mắng: Đừng làm người…làm con lợn. “Bây giờ mình mới để ý tới bút ký của Hoàng Hữu Cát “Ông Già Cỡi Trên Lưng Hổ” đăng trên Văn Nghệ số 36-37 ngày 3 tháng 9 năm 1988.”…Nguyễn Ngọc Lan trích gần hai trang câu chuyện của ông Phú đã từng làm giầu nhờ tài làm nước mắm Phú Hương đặc biệt thơm ngon, rồi bị sạt nghiệp vì thuế của nhà nước XHCN. Ông có 5 người con đều là đảng viên. Khi về già, thấy chính phủ cởi mở về kinh tế, ông tính trở lại nghề cũ, thì bị các con khuyên can, bảo ông nên dưỡng già đừng làm gì cho mệt. Sau một hồi tranh luận, ông mắng các con (đảng viên): “Hóa ra các anh các chị chỉ lo miếng ăn cho mình! Nếu chỉ muốn ăn cho đầy bụng thì đừng làm người – làm con lợn! “ (7-12-1988)
9. Nguyễn Duy nói về cởi mở báo chí của Đảng: Nhà thơ Nguyễn Duy, chủ nhiệm văn phòng thường trực các tỉnh phía Nam của tuần báo Văn Nghệ, trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật về việc Nguyên Ngọc bị cách chức: “…Với tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Duy kết luận: “…Việc đó xác nhận một sự việc đáng buồn là: Cánh cửa đổi mới báo chí vừa hé mở đã đột ngột đóng sập lại, làm cho có người bị kẹt tay và nhiều người thất vọng.” (18-12-1988)
10. Giáo sư sinh viên phát biểu về môn học Mác Lê-nin: Báo SGGP (Saigon Giải Phóng, bài 5 cột, trang nhất, ngày thứ sáu 23-12-1988): Trước khi có những đòi hỏi cụ thể, hiện giờ học môn Mac Lê-nin có thể phác họa bằng hình ảnh “thầy đi vô, trò đi ra” đôi lúc chen chúc nhau nơi khung cửa hẹp giảng đường…” Sinh viên Phạm Văn Toàn, bí thư đoàn khoa Công Nghiệp, trường đại học Kinh Tế, xem như nổi bật nhất trong cuộc thảo luận…Anh yêu cầu “dừng việc học các môn Mác Lê-nin lại vì với nội dung của giáo trình hiện tại sẽ không giúp ích gì được cho sinh viên mà thậm chí sẽ đào tạo nên một thế hệ xa rời cuộc sống”….
Ông Nguyễn Ngọc Ái, chủ nhiệm bộ môn Mác Lê-nin, đại học Sư Phạm: “Ở trường tôi có sinh viên xếp môn này ngang với môn thể dục thể thao.”
Sinh viên Đặng Tâm Chánh, đại học Sư Phạm: Chúng ta đã truyền đạt tư tưởng Mác Lê-nin theo nghĩa hết sức tôn giáo, phán ra một chiều và buộc mọi người phải tin, ai không tin là mất lập trường quan điểm.”
11. Đạo đức xuống dốc: Báo SGGP, trong một bài từ Hà-nội điện vào nhan đề: “Một kỳ họp Quốc Hội đáng ghi nhớ”: “Một đoạn trong báo cáo của ngành an ninh trật tự xã hội:Tội phạm hình sự tăng 27%, trọng án tăng 28%, bốn thành phố lớn chiếm tỷ lệ 40% trong tổng số vụ án hình sự cả nước. Hành động phạm pháp nghiêm trọng tăng 3 lần (300%) so với năm 1987…. Đáng chú ý là từ đầu năm 1988 đến nay có 81 vụ người thân trong gia đình giết nhau rất tàn nhẫn biểu hiện một tình trạng suy thoái đạo đức rất không bình thường. Tình hình này không chỉ là hậu quả của những khó khăn về mặt kinh tế xã hội, mà còn là hậu quả của sai lầm trong giáo dục tư tưởng và đạo đức.”
12. Nhân vụ cầu Xóm Chỉ sập làm 9 người chết ngày 5-5-91:
Chiếc cầu này đã dư trăm tuổi. Trong số 225 cầu của Saigon, có tới 60% cầu trong tình trạng sắp sập.”Với tình trạng 60% cầu muốn sập như thế kia thì đâu phải là vấn đề cá nhân ông này ông nọ nữa. Mà tập thể lãnh đạo tiền định không thể thay thế được thì chỉ còn có mỗi một việc là các cây cầu cứ tiếp tục sụp đi thôi.( 9-5-91)
Cũng vì tình trạng cầu có nguy cơ sập và tình trạng cống thoát nước hư tạo nên cảnh ngập lụt trong mùa mưa, mà đã nảy sinh một số vè, thơ cười ra nước mắt.
“Đã hẹn nhưng anh đừng đến nhé
Bởi nhà em tít mé sông kia
Đường đi…ổ, hố cắt chia
Qua cầu sợ gẫy chia lìa tình ta”
Hoặc:
Nhà anh gần Bà Chiểu
Nhà em bên Dakao
Cách nhau cây cầu sắt
Đành xa hơn thuở nào
Tình vẫn đầy như nước
Nhưng cầu quá già nua
Vô phước hay hữu phước
Đều dễ tỏm không chừa!
Đến thăm em anh phải
Quanh xuống hướng cầu Bông
Cứ … vòng vo tam quốc
Tình ta bung mênh mông
Thương em còn thương lắm
Nhưng anh ớn qua cầu
Tạm ngưng chờ cầu sửa
Vài năm có chi lâu? (17-5-1991)
Về cầu (Đặng Nguyên Cẩn, quận 6):
…Qua cầu em chớ vội vàng
Xuống xe dẫn bộ nhẹ nhàng đỡ lo. (25-5-91)
Báo SGGP 14-6-1991: Cái Phao của Thanh Trầm:
“Đã lâu lắm rồi mới thấy bạn tôi đến chơi. Tôi rất mừng nhưng cũng rất ngạc nhiên, vì thấy ngoài chiếc xe đạp cổ lỗ thường ngày, anh còn quàng thêm trên người chiếc phao xanh xanh đỏ đỏ căng phồng còn mới cáu cạnh.
– Định đi Vũng Tầu chơi hay sao mà mua phao bơi vậy?
– Đâu có, bùa hộ mạng đấy chớ!
– Nghĩa là sao, mình chẳng hiểu?
– Có gì mà không hiểu. Này nhé, đeo cái phao này đi lại trong thành phố có nhiều cái lợi. Chẳng hạn khi trời mưa lớn làm thành phố bị ngập lụt. Có nó mình yên tâm đi qua các cây cầu đang chờ ngày sụm bà chè như cầu Chà Và, cầu Chữ Y, cầu Mống, cầu Quay, cầu Sắt, cầu Tân Thuận, cầu Nhị Thiên Đường mà không sợ bị rớt xuống sông” (14-6-1991)
13. Báo chí là công cụ của đảng: Ngày 14 tháng 2 năm 1988, Nguyễn Ngọc Lan đã để nhiều thì giờ ghi lại rất nhiều sự việc trong gia đình, trong giáo hội, và nhất là bài phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh về sự lãnh đạo của đảng đối với truyền thông. Ở đây chỉ trích một câu vắn để xem NNL bình luận ra sao: “Báo chí phải phản ánh ý kiến của dân, nhưng báo chí là công cụ của đảng để nói tiếng nói của đảng lãnh đạo nhân dân, đưa lẽ phải của đảng, Nhà nước vào nhân dân.” Về câu nói trên của tổng bí thư Linh, NNL viết: “Báo chí là công cụ của Đảng”. Thật minh bạch. Tờ Công Giáo và Dân Tộc nếu danh chính ngôn thuận phải ghi rõ trên manchette: “Công Cụ Của Đảng”, thay vì lộng ngôn như hiện nay: “Cơ quan của Uûy Ban Đoàn Kết CGYNVN tp HCM”. NNL để cho người đọc nói tiếp về các tờ báo và cơ quan ngôn luận khác.
14. Chuyện tham quyền cố vị qua mấy câu vè dân gian: SGGP 2-3 và 9-3-89 ghi:
Quan Bờm
Quan Bờm có chiếc ghế ngồi
Nhân dân kêu đổi cho ngôi nhà lầu
Quan rằng quan chẳng thích lầu
Nhân dân kêu đổi trăm bầu rượu sâm
Quan rằng quan chẳng cần sâm
Nhân dân kêu đổi một mâm bạc tiền
Quan rằng quan chẳng ham tiền
Nhân dân xin đổi chức quyền nhỏ nhoi
Quan rằng: không chịu nhỏ nhoi
Nhân dân nói để ngồi dai…quan cười
Lời cảnh cáo
Nhìn quanh: tiêu cực vẫn chưa… tiêu
Chước quỷ, mưu ma vẫn trổ nhiều
Móc ngoặc, tham ô còn chưa hết
Cửa quyền cấu kết với quan liêu
Gốc dân chuột khoét đau nhiều nỗi
Thành nước trùn xoi khổ lắm điều…
Vạch mặt chỉ tên phường nội tặc
Hại dân đừng trách lửa dân thiêu (3)
15. Khả năng của đảng: (SGGP 11-10-1989)
“Quyền đá vạ rơm”: điện, nước, xăng
Thấu chăng nỗi khổ của người dân
Điện hư nước cúp: ngày đôi bận
Xăng hết, giá tăng: tháng mấy lần
Trách nhiệm “vì dân” dân hết biết
Tư duy “đổi mới” mới đâu cần
Khả năng nếu chỉ: cúp, hư, hết
Bám ghế làm chi nhọc xác thân
16. Tệ nạn luồn cúi trong xã hội xhcn: Trên SGGP 8-9-1989,
Vịnh cái lưng tôm:
Ông chỉ hơn đời cái …lưng tôm
Khi luồn, khi cúi, lúc lom khom
Quyền cao, lộc trọng tài lau lách
Vinh thân phì gia giỏi cúi luồn
Đầu xơ, óc cứng, tư duy đá
Ông chỉ hơn đời cái lưng tôm
Lưng làm hàm nhai, ô hay nhỉ
Bao quản lấm đầu bởi …thân lươn
17. Cả vú lấp miệng em (bài của một ông đồ giả ở Dalat)
Có những u già sữa đã khô
Sữa khô nhưng vú hãy còn to
Bịt mồm em bé không cho khóc
Cũng chẳng cần hay em đói no
Khát sữa nhưng em chẳng khóc nào
Bưng mồm bịt miệng khóc làm sao
Ví bằng khóc được u liền mắng
Vú ngậm ngày đêm khóc chỗ nào.”
Ngày 17-12-1989 NNL đã đăng lại nguyên văn một bức thư tình kiểu xhcn, trích từ báo Saigon Giải Phóng. Thiết tưởng những người còn biết rung động theo nhịp điệu bình thường của con tim có thể tìm thấy nơi đây những phát kiến tân kỳ về tình yêu xhcn. Chúng tôi xin ghi lại đây toàn văn bức thư tình nói trên:
“Em thân yêu,
“Trên cơ sở trò truyện hôm nọ với em, anh nghĩ rằng anh đã rút ra được những kết luận nhất định về tình cảm của đôi ta. Theo đánh giá sơ bộ của anh thì chúng ta đã đạt được một sự nhất trí cao về một số mặt, đó là những thành công bước đầu trên quá trình tiến tới hôn nhân. Tình cảm gắn bó và sự hiểu biết lẫn nhau của chúng ta hoàn toàn có thể giúp anh và em xích lại gần nhau theo kế hoạch dự định, và anh yêu cầu mỗi người trong chúng ta phải nỗ lực củng cố những gì đã đạt được và thúc đẩy nó lên một bước phát triển mới. Em đừng sợ em không thích hợp với chức năng và nghĩa vụ của một người vợ. Con người ai chẳng mắc khuyết điểm.
“Những mặt yếu của em trong phạm trù nấu nướng có thể khắc phục một cách hiệu quả, nếu em biết khắc phục từng bước trong khi tiến tới khắc phục toàn phần. Và một khi em đã tự giác đứng ra nhận khuyết điểm như vậy, hẳn em đã chuẩn bị biện pháp sửa chữa, trước mắt em là những thắng lợi mới.
“Buổi đi chơi tới anh sẽ thông báo thời gian và địa điểm với em sau. Có thể chúng ta sẽ tham quan một quán ăn nào đó và chúng ta sẽ bàn bạc về những bước đi thích hợp cho giai đoạn phát triển tình cảm mới. Gửi em một nụ hôn đoàn kết.
Người gửi thư (ký tên)”
o O o
Đọc nhật ký của Nguyễn Ngọc Lan người ta thấy ông có liên lạc với một số người Cộng Sản, phản tỉnh cũng có mà chưa phản tỉnh cũng có. Trong số này phải kể đến Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Ngọc Lương, Hùynh Tấn Mẫm, Dương Quỳnh Hoa, Chính Văn, Lữ Phương, Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Nguyễn Văn Trấn, Hà Sĩ Phu…Với Vũ Ngọc Nhạ, như đã nói ở trên, ông bảo xhcn, xạo hoài cha nội. Về Nguyễn Ngọc Lương ông viết: “Trong đám bạn bè làm báo và viết văn trước 1975, Nguyễn Ngọc Lương có lẽ là người có “chất đảng“ hơn cả, nếu không phải đã sẵn thẻ đỏ. Thực sự thế nào thì chẳng ai biết, vì chính anh chẳng bao giờ nói với bạn bè về quan hệ của anh với Đảng ra sao. Có thể là vì ở vào thời buổi…” Trên xe trở về thành phố mình bảo Nguyễn Ngọc Lương: “Ông nói chung là dễ ghét. Nhưng thỉnh thoảng cũng có cái thật dễ thương. Như vừa rồi ông lên tiếng trên báo tuổi trẻ bênh vục Thế Vũ và Lữ Phương. Và như qua bài điếu văn hôm nay.” (4) (18-8-1989)
Còn Trần Mạnh Hảo thì ông cho biết là người Bùi Chu, gốc Công Giáo. NNL có vẻ thích “Ly Thân”. Nhưng cho rằng “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo hay “Cái Đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, còn thua thiên bút ký “Ông Già cỡi lưng cọp” của Hoàng Hữu Cát, đã nói ở trên.
Riêng đối với Dương Thu Hương ông có biệt nhãn. Hai người đã từng ngồi ăn với nhau hơn một lần, có một lần tại nhà ông. Có người khuyên ông nên thận trọng đối với nhà văn nữ bạo miệng này. Và lời khuyên này có lý, theo một nghĩa khác, vì sau này ông đã bị công an tra hỏi nhiều lần về việc “ông có mời DTH đến nhà không”. Ông bảo: “Thận trọng thì vẫn thận trọng… Nhưng khi một nhà văn trẻ không sẵn thành tích hay vết tích chính trị “ngồi bệt xuống cỏ” mà nói chuyện đất nước, chẳng lẽ cũng phải nghi kỵ, đến mức không dám nói tới hay nói chuyện với hay sao?” NNL cũng cho rằng “DTH chỉ diễn tả sắc nét và đến nơi đến chốn điều bàn dân thiên hạ vẫn nghĩ thôi.” Về tác phẩm Những Thiên Đường Mù của cô mới xuất bản lúc ấy, ông viết: “Tất cả cuốn tiểu thuyết mới của DTH Những Thiên Đường Mù (nxb Phụ Nữ, 1988) như chỉ để “lộng kiếng “ (5) bức tranh xã hội thê thảm trên.” Ông có ý nói đến tình trạng cán bộ đảng viên chỉ lo làm tiền, giống như ông cậu Chính của Hằng, nhân vật chính trong truyện. (3-4-1989)
Hôm Dương Thu Hương nói chuyện với cán bộ ban tổ chức trung ương ngày 1 tháng 3 năm 1990, NNL không có mặt nhưng ông có theo dõi trên báo, rồi nhận xét: “…một Dương Thu Hương thật sắc nét, có hiểu biết, suy nghĩ và ý thức chính trị đáng kể. Ngôn ngữ thì vẫn “nói thẳng, nói thật” và gẫy gọn nhưng đồng thời vẫn giữ những nét “nữ tính” đặc biệt. Như khi chị nói: “Tôi là nhà văn của dân chúng, tôi ngồi bệt xuống cỏ’. Không một ông nhà văn nào, cho dẫu có muốn là của dân đến đâu chăng nữa, lại có thể có ý nghĩ “ngồi bệt xuống cỏ” ngộ nghĩnh như vậy được. Hay như khi chị tỏ nỗi lo ngại, hoặc những gì có thể xảy đến mà là “một nỗi lo ngại lẽ ra một người đàn bà không đáng phải chịu đựng”, người ta thấy chị vẫn hãnh diện trong dáng dấp một người mẹ rất bình thường.” (3-4-1990) Sau khi nghe Phạm Quốc Tuyên kể lại buổi nói chuyện của DTH, NNL đã bảo ông ta: “Tôi mà có mặt hôm đó e rằng khó tránh được lên tiếng hỏi DTH: “Những kẻ mù lôi thiên hạ về hướng thiên đường mù đã đành rồi, nhưng chị nghĩ sao về những gã chưa đến nỗi mù mà vẫn nhắm mắt đi theo đỡ gậy cho những kẻ mù?” (11-4-1990)
Thật là chí lý. Độc giả của NNL không biết có muốn cũng hỏi chính tác giả Nhật Ký: Khi viết tờ Đối Diện trước 75, và khi lén lút ra bưng (ở Bến Lức), ông đãù nghĩ đến câu hỏi đó để tự hỏi chưa? Có lẽ NNL ngày nay sẽ biện bạch rằng ông hiểu mấy từ “đỡ gậy cho những kẻ mù” theo nghĩa khác chăng. Hoặc giả ông trả lời rằng lúc ấy hoàn cảnh chính trị tối mù, có ráng mở mắt cũng khó có thể thấy đâu là đâu? Nhưng ngày nay mọi sự đã rõ như ban ngày. Ông có “sám hối” không? Nếu có thì thái độ của kẻ sỹ là nói lên lời sám hối. Đọc Nhật Ký ông từ 1988 đến 1991, không thấy ông minh thị sám hối. Nhưng đọc qua hàng chữ thì dường như có. Chắc ông sẽ bảo ông chỉ làm theo lương tâm và tinh thần Thánh Kinh Ki-Tô giáo. Hoặc: tình hình miền Nam VN hậu đảo chính (lật ông Diệm, tháng 11 năm 1963) là tình hình của một nước bị Mỹ đô hộ. Vì vậy ông chống Mỹ-Thiệu là vì lòng yêu nước? Nếu có người không hiểu nổi ông thì ông cũng đành chịu?
NNL cũng hay nói đến Lữ Phương, người mà ông khen là “đã dám nói lên một số nhận định sắc nét về “văn hóa trong một xã hội dân chủ” tại một cuộc hội thảo do Mặt Trận Tổ Quốc thành phố tổ chức.” Một hôm Lữ Phương nhắc lại một câu của Nguyên Văn Linh, cũng như thông cáo của Đảng về dân chủ và dân chủ rồi phê rằng vế thứ hai trong câu nói là bước tiến đó.
Câu của NVL như sau: “Dân chủ phải có sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời sự lãnh đạo của Đảng cũng phải dựa trên phương pháp dân chủ.” “Nhưng Lữ Phương mơ mộng hão huyền, NNL viết. Điều quan trọng là nguyên tắc dân chủ, cơ chế dân chủ, chứ không phải là phương pháp dân chủ… Nếu chỉ có phương pháp dân chủ thì chỉ mới là mị dân, chưa có dân chủ.” (3-4-1989)
Bùi Tín có lẽ được NNL nói đến nhiều nhất ( các ngày 8-3, 01,06,15, 16 tháng12-91 …) trong số những người Cộng Sản phản tỉnh, vì ông coi ông này tượng trưng cho sự chống đối đường lối cai trị của Đảng, mặc dù “ai chẳng biết Bùi Tín vẫn cố vớt vát, gỡ gạc cho Đảng đấy”, như ông viết. Sở dĩ ông viết nhiều về Bùi Tín , vì hồi ấy mọi người đều chú ý tới ông này qua đài BBC với những bài giới thiệu và phỏng vấn của Đỗ Văn. Đàng khác, còn vì cái tên Bùi Tín, Thành Tín có liên hệ đến tên ông thày và cũng là bạn của NNL là Linh Mục Chân Tín. Ngày 15-12-1990 ông viết cho Chân Tín một lá thư rất dài rồi dùng lối chơi chữ để kết thúc như sau:
“Nếu cha cho phép con đùa một chút thì con sẽ nói: hết (?) Tín này thì sẽ có Tín khác, không có Bùi Tín này thì rồi cũng có Bùi Tín khác. Bùi Tín này mà giả sử không “thành tín” (Thành Tín là bút hiệu của Bùi Tín), thì lại sẽ có Bùi Tín khác thật thành tín và thật chân tín. Kẻ chỉ biết hoài nghi hay kẻ chỉ tin vào quyền lực xưa nay vẫn không chịu hiểu điều đó (họ cho là chỉ có ngôn sứ giả hay tưởng là cứ giết chết ngôn sứ nọ, ngôn sứ kia là hết chuyện) nhưng lịch sử đã chứng tỏ điều đó.”
Trước đó nửa tháng nhân bài phỏng vấn của Đỗ Văn dành cho Bùi Tín trên đài BBC và có dư luận nghi ngờ về vai trò và chủ trương của Bùi Tín, NNL đã dành hẳn một trang để bình luận về việc này. Ông chơi chữ một cách ý nhị: “Lời lẽ của ông Tín này “Bùi” hơn lời lẽ của Linh Mục Chân Tín rồi! Rồi đây người ta sẽ giải thích thế này thế nọ về “hiện tượng “ Bùi Tín. Nhưng giải thích thế nào đi nữa thì cũng có một quy luật lịch sử là sự thật không chôn giấu mãi được. Vẫn như Chúa Yêsu nói từ 20 thế kỷ trước: “Không gì che giấu mà không bị bại lộ, không gì kín ẩn mà sẽ không bị thấu biết” (Mt 10, 26). Ngày nay lại là thời buổi của mass media!”
Sau khi trích dẫn một số điều được Bùi Tín tiết lộ trong cuộc phỏng vấn, NNL kết thúc: “Không khéo rồi Nhà nước lại sẽ bảo Bùi Tín là cộng sự viên đắc lực của Chân Tín đó. Trong trường hợp này thì không phải Cha mà con sẽ bị việt vị (hors-jeu) rồi.” (1-12-1990)
Phan Đình Diệu là người được NNL nhắc đến (có lẽ) chỉ một lần nhưng đã được ông đánh giá cao hơn cả Bùi Tín và Lữ Phương. Ngày 2-5-1991 ông viết (gửi lm Chân Tín):
“Cuối cùng rồi cũng có bạn bè gửi tới cho con đọc “Kiến nghị về một chương trình cấp bách nhằm khắc phục khủng hoảng và tạo điều kiện lành mạnh cho sự phát triển đất nước”, của giáo sư Phan Đình Diệu. Ở ngay giữa Hà-nội, vào lúc “mọi quyền tự do dân chủ, kể cả các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí bị cấm đoán nghiêm khắc” mà trình vấn đề thẳng thắn và khá triệt để như vậy là…nhất rồi. Có hệ thống và đến nơi đến chốn hơn Bùi Tín (như ở phần II đoạn 3: Một chế độ chính trị dân chủ, đoàn kết và hòa hợp dân tộc: “Không thể có dân chủ thật sự trong một chế độ có quy định trước sự độc quyền lãnh đạo của một đảng”, v.v…Hay như phần IV, trang cuối cùng) Không chỉ dừng lại ở những vấn đề lý luận, nguyên tắc như Lữ Phương (như bài Chủ Nghĩa Xã Hội Việt Nam: Di sản và đổi mới” đăng trên Phát Triển Kinh Tế tháng 3 ,90, trang 12-19) mà có kiến nghị “Những giải pháp cấp bách khá thiết thực.” (2-5-1991)
Về Nguyễn Văn Trấn, NNL đã nói về cuộc gặp gỡ lần đầu như sau: (6) “đang ngồi nói chuyện với Chân Tín, thì có tiếng gõ cửa khá… thô bạo. Một cụ già với râu tóc, dáng dấp khả kính, bước vào và hỏi: “Có phải Linh Mục Chân Tín ở đây không?” Mình bèn rút lui ra bàn làm việc ở phòng ngoài. Nhưng chỉ vài phút sau Cha Chân Tín lại đưa ông cụ ra: “Bác muốn gặp anh đó.” Ông cụ là Nguyễn Văn Trấn, tác giả cuốn “Chợ Đệm Quê Tôi” đã gây dư luận khá sôi nổi vì cả lối nghĩ lẫn lối viết khá… ngang. Bây giờ bác Trấn đang muốn viết về Trương Vĩnh Ký. Cũng như bác đã viết về Phan Thanh Giản, cũng như sẽ viết về Nguyễn An Ninh: “Nguyễn Thị Bình và đám con cháu Nguyễn An Ninh xin tôi viết, nhưng tôi nhất định phải viết xong về Trương Vĩnh Ký đã mới đụng tới Nguyễn An Ninh. Toàn là những nhân sĩ miền Nam mà “người ta” vẫn đánh giá quá thấp và sai bét. Tôi là người Cộng Sản, nhưng những tay bôi bác Phan Thanh Giản hay Trương Vĩnh Ký như thế là “communistes vaniteux” . Tôi đọc bài “Nói chuyện tử đạo với ông Nguyễn Khắc Viện của ông, tôi thấy ông là người có thể giúp tôi viết về Petrus Ký (à này chữ Petrus Ký không có dấu sắc trên chữ e chứ phải không ông?). Thậm chí ông đứng tên chung với tôi đi.”
Mười năm sau, khi Nguyễn Văn Trấn qua đời, NNL đã chở Chân Tín đến viếng xác; trên đường đi bị đụng xe ngã trọng thương, NVT cũng bị trọng thương khi một chiếc xe “nào đó” tông vào, và cũng như Hà Sĩ Phu cũng đã bị xe tông ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm năm 1995.
Hà Sĩ Phu cũng là một người được NNL quý mến. (Xin xem chương 4 về Hà Sĩ Phu)
Đối với Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Cộng Sản khác, NNL không ca tụng hay phê bình trực tiếp. Ông luôn dùng từ ngữ đúng đắn, phải phép, nếu không nói là kính cẩn, một điều cụ, hai điều cụ, hoặc dùng đúng danh xưng chính thức, Cụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đại tướng Võ Nguyên Giáp v.v…., mặc dù trong bụng ông có lẽ đã bắt đầu coi họ là “những kẻ mù lôi thiên hạ về hướng thiên đường mù”.
Ngày 25 tháng 7 năm 1989 ông đã trưng dẫn SGGP để ngụ ý phê bình gián tiếp và kín đáo, có bùa hộ mạng phòng thân như sau:
“Và trên “Diễn Đàn nói thẳng, nói thật”, Nhất Ngôn nhắc lại câu của Hồ chủ tịch: “Có thể đổ cho rằng những khuyết điểm đó vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này lẽ khác. Nhưng không, tôi phải nói thật: Những thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi của chúng tôi.”(xem bài “tự phê bình”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV tt 74-75, nxb ST, Hà-nội 1984) Nhưng chuyện đó đã thành chuyện cổ tích rồi khi mà từ 1975 đã sẵn khẩu hiệu: “Đảng Cộng Sản Việt Nam, người tổ chức mọi thắng lợi muôn năm.”
Phải nghiền ngẫm khẩu hiệu này, rồi nhìn vào tình trạng xã hội trì trệ về kinh tế, băng hoại về đạo đức được NNL nói đến trong toàn bộ Nhật Ký của ông, đồng thời nhớ lại không biết bao lần đảng Cộng Sản phạm lỗi lầm trong quá khư, lúc Hồ Chí Minh còn sinh thời, cứ sau mỗi lỗi lầm (đúng ra là tội lỗi phạm cố tình chứ không phải do lầm lỗi), ông già này lại lên tiếng xin lỗi, nhận lấy trách nhiệm về mình để đỡ đòn cho Đảng, cho “tập thể” dưới quyền ông. Và chỉ nhờ cái tài đóng kịch, tài khóc lóc xin tha mà đảng đã thoát được búa rìu của dư luận nhân dân. Nhưng khi đã đạt được mục đích rồi (chiếm trọn miền Nam), Đảng của ông,Tập Thể do ông hôn phối với chủ nghĩa Mác Lê đẻ ra, đã phũ phàng cướp hết công của nhân dân để trắng trợn tuyên bố mình là “người tổ chức mọi thắng lợi”. Chỉ những người nhìn rõ hiện tại, so sánh với dĩ vãng, và thấu hiểu tính tình ông Hồ, cùng xuất xứ của đảng Cộng Sản mới có thể hiểu NNL muốn nói gì qua những trích dẫn trên.
Ngày 17-4-1991 NNL đã để nhiều thì giờ tường thuật lại một cách tỷ mỷ đầy đủ chi tiết việc công an thẩm vấn cô Tường Vi, cháu Linh Mục Chân Tín, thường liên lạc với NNL trong thời gian hai người bị quản chế. Hai chục trang giấy dành cho bài tường thuật này có thể là một áng văn chương, đồng thời là một tài liệu quý về kỹ thuật hỏi cung của công an Cộng Sản. Tiếc rằng khuôn khổ tập sách không cho phép trích lại ở đây. Phải đọc hết từ đầu tới cuối mới thấy được cái hay của nó.
Một số bạn đọc có thể bất bình, hay ít ra cũng không hài lòng khi không thấy trong những trang nhật ký của NNL một lời minh thị lên án những tội ác của Cộng Sản trong các chiến dịch cải cách ruộng đất, sửa sai và chỉnh đảng…. Phải chăng vì ông cho rằng thời gian xảy ra các vụ việc đó ông đang bị cấm cung trong nhà tập dòng CCT. Không biết gì đến tình hình chính trị? Cho nên thà im lặng hơn là nói lên điều mà mình không đích thân chứng nghiệm?
Ngoài những vấn đề thời sự chính trị và tư tưởng ra, NNL đã để phần lớn nói về chuyện riêng tư, chuyện gia đình vợ con, bè bạn, và vấn đề tôn giáo. Ông chỉ có một cô con gái 3, 4 tuổi, rất được cưng chiều và năng được nói đến trong nhật ký làm cho những trang nhật ký thêm tươi mát, dí dỏm. Ở đây chúng tôi không nói đến những vấn đề riêng tư và gia đình của ông, cũng không đặt nặng vấn đề tôn giáo trong Nhật Ký NNL. Nhưng tưởng cũng nên dành vài hàng cho thái độ của ông về một vài khía cạnh của vấn đề tôn giáo được đề cập trong nhật ký của ông.
Tuy ông đã được TToà Thánh đặc cách cho phép cởi bỏ áo Dòng và chức Linh Mục, nhưng ông vẫn tiếp tục dùng những kiến thức của ông về giáo lý cũng như về lịch sử giáo hội và lịch sử Việt Nam để bênh vực Giáo Hội. Ông chống đối việc nhà nước Cộng Sản dựng nên cái gọi là Uûy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước. Ông đả kích những Linh Mục trong cái Uûy Ban đó, cho rằng họ bợ đỡ nhà cầm quyền, làm hại đến sựï thống nhất của Giáo Hội. Thâm chí ông lấy làm tiếc và cũng thành khẩn phê bình tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là không cứng rắn đủ với nhà cầm quyền. Ông cũng nghiêm khắc phê bình những Linh Mục tìm đường di cư bỏ lại con chiên trong những năm 54 và 75. Linh Mục Hồng Phúc, tuy cũng thuộc dòng Chúa Cứu Thế như ông đã bị ông nêu đích danh phê bình về việc ông này vận động cho các giám mục Hoa Kỳ ủng hộ tiếp tục cấm vận đối với Việt Nam.
Danh tính các Giáo hoàng, giám mục, Linh Mục và những tác phẩm về tôn giáo nhan nhản trong nhật ký NNL. Có thể nói hai lãnh vực gia đình riêng, và tôn giáo chiếm quá nửa số trang trong số gần nghìn trang nhật ký của ông. Khi ở Liên Xô xuất hiện một Gorbachev với Glasnost và Perestroika mở rộng tự do tôn giáo đôi chút, NNL đã thích thú tìm đọc và trích dẫn những tác phẩm tương đối cởi mở với lòng ước mong người ta cũng cho công giáo Việt Nam có chút tự do về báo chí và hành đạo. Và khi nhà lãnh đạo Liên Xô này gặp gỡ “Đức Giáo Chủ”, như ông thường gọi thế, thì xem ra NNL rất lấy làm phấn khởi.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài RFI (7) nhân dịp đầu năm 1996 NNL nhận là trong năm Ất Hợi đã có một vài thành tựu về kinh tế, văn hóa và ngoại giao tại Việt Nam. Cũng đã có tiến bộ về mặt cải tổ bộ máy nhà nước… Ông nói: “Những thành tựu như thế không phải là không thật, nhưng chỉ mới là nửa sự thật, một mặt của sự thật… Cũng còn có mối căng thẳng giữa đảng độc tôn và một nhà nước cần hữu hiệu thục sự….Dầu sao đi nữa thì không một quyền lực chính trị nào có thể đóng hộp, bó rọ thực tế lịch sử mãi được.”
Đôi hàng cảm nghĩ về Nguyễn Ngọc Lan:
Sau khi đọc gần nghìn trang nhật ký của Nguyễn Ngọc Lan, tôi có cảm tưởng ông muốn cho người đọc thấy lập trường của ông là một nhà báo Ki-Tô giáo muốn tranh đấu cho hòa bình và lẽ phải. Trong thâm tâm ông chống sự tàn ác, dã man. Ông chống chiến tranh và những hậu qủa của chiến tranh, chết chóc, giam cầm, bắt bớ. Ông cũng muốn cổ võ cho một đường lối chính sách ôn hòa, công bình, tiến bộ đem lại hạnh phúc cho người dân.
Trong một chế độ tương đối có tự do, ông dùng quyền tự do của công dân, và đệ tứ quyền của báo chí để nói lên lập trường của mình. Khi nhà cầm quyền phủ nhận quyền tự do đó, ông phải im lặng. Nhưng là thứ thinh lặng của sức mạnh, không phải im lặng vì đầu hàng. Ông không được viết công khai, báo của ông bị đóng cửa, không báo nào chịu đăng hay dám đăng bài ông thì ông chuyền tay cho người đọc và cụ thể nhất là viết nhật ký để có chỗ nói lên trong thinh lặng tư tưởng của mình. Vì người ta xâm phạm cả đến quyền riêng tư tối thiểu của con người, tịch thu cả nhật ký của ông để xoi mói, tìm tòi bằng cớ chống đối hầu bỏ tù ông, cho nên ông phải thủ thế, nói bóng nói gió, mượn lời cán bộ, mượn bài của các báo đảng để gián tiếp nói lên suy tư của mình. Cũng để thủ thế, để có thể tồn tại mà chống, dù chỉ là chống đỡ chứ không phải là chống đối, ông đã khép mình trong khuôn khổ một công dân trong một chế độ độc tài, không dám đả kích, phê bình thẳng thắn các người lãnh đạo, thậm chí còn tỏ vẻ kính trọng.
Các nhà lãnh đạo quốc gia, các chiến sĩ quốc gia có thể trách ông đã từng có lúc “đi theo đỡ gậy cho những kẻ mù” (lời ông định hỏi Dương Thu Hương), khi ông chống chính quyền đệ nhị Cộng Hòa trên tờ Đối Diện. Một số người khác có thể chất vấn ông: Là một trí thức công giáo, chẳng lẽ ông không biết Cộng Sản chủ trương vô thần, bài tôn giáo, và do đó tàn ác và là nguồn gốc mọi bất công, bất hạnh, bất nhân trong xã hội hay sao? Đã từng là Linh Mục công giáo ông há không biết Cộng Sản là một chủ nghĩa vô thần, vô tổ quốc ư? Vậy tại sao ông đành lòng làm suy yếu hàng ngũ quốc gia, phụ lòng các chiến sĩ chiến đấu chống cộng?
Ở đây tôi không có ý bào chữa cho cựu Linh Mục NNL. Nhưng hy vọng ở đoạn kết tôi sẽ trở lại vấn đề này để tìm hiểu thái độ và hành động của những trí thức, công giáo cũng như Phật
-------------
Chú thích:
(1) Nhật Ký 1990—1991 Sống Thẳng, Nói Thật, Nguyễn Ngọc Lan, Tin Paris , 1993, trang 378, ngày 30 tháng 6 năm 1991.
(2) Ngày 16 tháng 5 năm 1990, cũng là ngày Linh Mục Chân Tín, vừa là thày vừa là bạn thân, bị cấm hành đạo, bắt buộc phải rời Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, Saigon, đầy tới xã Cần Thạnh, thuộc huyện Duyên Hải cách xa 70 cây số. Thời gian quản chế của cả hai người là 3 năm. Nguyễn Ngọc Lan bị cấm không được ra khỏi phường (phường 6, quận 10), và luôn bị canh chừng theo dõi cách kín đáo.
(3) Ngày 2 và 9-3-1989.
(4) Trong lễ hạ huyệt, sau khi đã dự lễ an táng Thế Nguyên tại nhà thờ Bắc Hà.
(5) Nghĩa là liệng cống, quẳng xuống cống rãnh, một kiểu nói lái rất thịnh hành, nhất là trong câu “lộng kiếng ảnh bác Hồ”.
(6) Ngày 25 tháng 8 năm 1988 NNL đến nhà cựu dân biểu Nguyễn Lý Tưởng dùng cơm cùng với nhạc sĩ Vũ Thành An và hai Linh Mục Phan Phát Huồn, Chân Tín. Khi đã về nhà và đang nói chuyện với Linh Mục Chân Tín thì Nguyễn Văn Trấn đến gõ cửa.
(7) Đài Quốc Tế Pháp (Radio France Internationale).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét