NGUYỄN THỤY LONG VÀ “HỒI KÝ VIẾT TRÊN GÁC BÚT”
Nguyễn & Bạn hữu
Nguyễn Thụy Long sinh ngày 09/08/1938 tại Hà Nội. Mất ngày 03/09/2009, tại Bệnh viện Gia Định. Ông là nhà văn nổi tiếng trước 1975 với trên 30 tác phẩm đã xuất bản, trong đó Loan Mắt Nhung là nổi bật nhất được dựng thành phim.
Nguyễn Thụy Long (1938-2 tháng 9, 2009), chụp tại Sài Gòn, với bà Nguyễn Lan Phương, đại diện báo Khởi Hành ở Paris (Hình do Nguyễn Lan Phương cung cấp)
Có thể nói Nguyễn Thụy Long là người mà việc cầm bút đã trở thành định mệnh và nghiệp dĩ. Ông đã thử làm nhiều nghề linh tinh khác sau năm 1975, nhưng đều vất vả không tới đâu. Ông cũng muốn viết lại một cách chính thức, nhưng các báo nhà nước đều từ chối khi nghe đến tên ông. Không cánh cửa nào mở ra cho một người một thời nổi tiếng trong giới văn học Miền Nam.
Hồi Ký Viết Trên Gác Bút được viết từ năm 1997 từ căn gác của Nguyễn Thụy Long ở Gia Ðịnh và được nhà Văn Nghệ ở Cali xuất bản năm 1999. Giọng văn trong Hồi Ký điềm tĩnh, đúng là của một người đã cao tuổi nhìn lại đời mình, và viết xuống một cách bình thản lạnh lùng nhưng đầy lôi cuốn.
Trong tập hồi ký, bạn đọc sẽ thấy lại hình ảnh của nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam trong thời nhà nước CSVN bủa lưới vây bắt – của Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Hồ Thành Ðức, Hoàng Hải Thủy, Phạm Ðình Chương… hoặc đọa đày khốn khổ như Trần Lê Nguyễn, Lê Xuyên, Bùi Giáng… – nghĩa là cả chuyện tù, chuyện thất nghiệp, chuyện đổ mồ hôi kiếm sống trong một xã hội u uất tối tăm, và cả sau này tới thời nhà nước cởi mở, đón mừng Việt Kiều…
Tập hồi ký gồm những chuyện rất buồn, cũng hệt như chuyện nước mình vậy.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh ghi nhận “Tác giả luôn luôn nghĩ tới bạn bè, những người cùng phải chia sẻ và gánh chịu với nhau những lầm than cơ cực của kiếp nhân sinh. Còn gì đau cho bằng phải giả ngu giả dại để cho qua ngày tháng. Có tai có mắt mà như người điếc người mù. Tâm sự thì ngút ngàn mà bút mực thì đã thành đồ quốc cấm. Tù tội, đày ải cũng vì nghiệp văn chương. Trang giấy trắng mở ra, hàng hàng tâm tư, nhưng bàn tay cầm bút như bị cùm giữ lại. Ðời sống này, phải học chữ nhẫn nhục, nhưng như thế sống để làm gì. Ai đã trải qua những cảnh hỗn mang? Ai đã chua xót đi qua con đường gai nhọn? Có phải là Tú Kếu, Trần Ðức Uyển, là Trần Lê Nguyễn, là Lý Phật Sơn, là Dương Hùng Cường, là Hoàng Vĩnh Lộc, là Minh Ðăng Khánh, là Uyên Thao, là Lê Xuyên,…??? Thời đại này, là thời quỷ dữ ngự trị, là những chuyện vô lý nhất cũng có thể diễn ra. Những cuộc đời ở tận cùng của đêm tối. Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân – tất cả gió bão đều quật vào một người để thảm kịch cứ dài ra đến khi nhắm mắt.”
Trần Yên Hòa tâm tình: “Ðọc lại “Hồi Ký Viết Trên Gác Bút” của Nguyễn Thụy Long, sau ngày ông mất, tôi mới thấy thấm thía và ngẫm nghĩ, một nhà văn lăn lộn suốt cả một đời với nghề cầm bút, với gần 40 tác phẩm cống hiến cho đời, thế mà cuối cùng ông bị nghèo khổ, bần cùng và chết thê thảm vì bị tiểu đường và bị tai biến mạch máu não. Nhìn hình ông ốm o, xương xẩu trong những ngày cuối cùng, tôi thấy thật thương thân phận của nhà văn quá đỗi.”
Sau 75, Nguyễn Thụy Long bị chính người vợ đầu gối tay ấp của mình tố ông ra công an phường và đuổi ông đi. Người vợ này là con một cán bộ cộng sản đã chết, được phong là liệt sĩ, có bà con ngoài bắc rất nhiều. Ông thuật lại hoàn cảnh ông lúc đó:
“Sau ngày giải phóng, dép râu và mũ cối vào đầy nhà, tất cả những người đó đều là bà con cật ruột với vợ tôi. Họ nói sẵn sàng mở rộng vòng tay cứu vớt những người bà con ở miền Nam lầm đường lạc lối, họ xâm nhập vào gia đình, xía vào tất cả mọi chuyện riêng tư, sẵn sàng đấu tranh và căm thù thay cho người khác. Ðó là điều cấm kỵ từ trước đến nay không hề có và không thể có được ở miền Nam. Nhưng bây giờ là sự đương nhiên bị áp đặt gọi là tình nghĩa được khoác cho cái từ là đạo đức cách mạng…
Chiều hôm qua tại căn nhà của tôi, bên họ họp đại gia đình cách mạng để xử tôi về tội ăn cắp tiền bạc. Hai đứa con tôi không biết được mang đi đâu để tránh nhục nhã vì bố.
Ngoài vụ xử tôi về tội trộm cắp tài sản, tiền bạc còn kèm theo lá đơn ly dị, mà tôi phải ký tên chấp thuận để người thân của họ thoát khỏi – nanh vuốt – thằng chồng Ngụy khốn kiếp, phản động.
Những chiếc dép râu đầy nhà, họ ngồi chồm hổm ngay trên ghế salon.
Tôi rất ngạc nhiên vì tôi bị khép tội ăn cắp tài sản của chính tôi tạo ra. Tôi cư ngụ bất hợp pháp trên căn nhà tôi làm chủ. Tại sao tôi phải xa lìa những đứa con tôi, chúng không tội tình gì.”
Bây giờ chúng ta hãy đọc Nguyễn Thụy Long kể lại chuyện Việt cộng đốt sách trong phong trào diệt văn hóa đồi trụy phản động:
“Ngày nhà nước phát động phong trào diệt văn hóa đồi trụy, phản động, tủ sách nhà tôi bị dọn sạch, lớp bị lấy đi. Lớp bị thiêu hủy. Chiến dịch ấy vẫn chưa chấm dứt.
Sau này một số tác phẩm của tôi và bạn bè thấy trưng bày chung với súng đạn, xe tăng, máy chém ở nhà trưng bày Tội Ác Mỹ Ngụy. Cũng thời gian đó, đại tác phẩm “Vạch mặt những tên biệt kích văn nghệ”, luận án dọn thi bằng luận án tiến sĩ của cậu em vợ tôi ra đời. Trong đó có nhiều tác phẩm mang tên tôi và bạn bè làm nghề viết văn ở miền Nam. Tác phẩm bị mổ xẻ, thẩm tra và giống như lời lấy khẩu cung tội phạm.
Ngài tiến sĩ được phong vị giáo sư. Ðơn giản thế thôi, như một quả đạn pháo kích rơi nổ vào giữa đám máu thịt bầy hầy.”
***
Sau đây là những chuyện nhà thơ Trần Yên Hòa thu lượm được từ “Hồi Ký Viết trên Gác Bút” của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống gia đình, tình yêu của một số (ít) văn nghệ sĩ miền Nam sau ngày đổi đời:
“Nguyễn Nghiệp Nhượng, chồng của ca sĩ Hồng Vân phải ký tên vào đơn xin ly dị với vợ, không ký cũng không được. Hồng Vân có một người chồng cán bộ khác, cũng làm văn hóa văn nghệ gì đó, so với Nguyễn Nghiệp Nhượng bây giờ, thằng thợ ngồi sửa xe đạp lề đường thì một trời một vực. Buổi trưa tôi thấy thằng cu Bi, con của Nhượng và Hồng Vân, mang đồ ăn ra cho bố. Mở ngăn gà-men ra tôi thấy mấy củ khoai luộc, loại lương thực bán ở tổ dân phố, củ khoai nào cũng bị sâu ăn đắng nghét đến hai phần ba.
Ngồi ở dốc cầu Bông, tôi nhìn thấy người vợ đầu gối tay ấp của tôi, ngồi sau xe của một thằng Tây lai mặt đầy trứng cá chở đi. Nàng làm thủ tục kết hôn, dĩ nhiên nàng được xuất cảnh ra đi theo chồng diện con lai.
Bên cạnh người ngồi lề đường là một quán cóc bán mấy thứ rượu, đồ mồi lèo tèo và chắc chắn là những thứ hạng bét. Buổi sáng tôi bán được mấy cái bù loong kiếm được mấy hào.
Tôi mua được một xị rượu cùng uống giải sầu. Nhượng góp một con cá khô nướng làm mồi đưa cay.
Tôi nhạy cảm nên muốn uống rượu rồi khóc như diễn viên điện ảnh Huy Cường. Nhưng khi nhìn mặt Nhượng sắt lại. Ðôi mắt dõi dõi nhìn xuống giòng kinh Nhiêu Lộc đục ngầu, bốc mùi hôi thối đến lợm giọng.
Tôi và Nguyễn Nghiệp Nhượng nói với nhau những câu vô nghĩa.
– Tao không bao giờ tắm ở con kinh này.
– Tao gác bút, tạm thời gác bút.
– Ðúng thôi, mày nên làm phụ tá đặc biệt cho tao để kiếm khoai sống qua ngày. Chưa biết sửa xe thì mày giữ nhiệm vụ bơm xe, bỏ tí sức lao động ra, mỗi chiếc bánh xe cũng được một hào đấy, rồi học vá xe, từ vá tay đến vá ép mấy hồi… Máy móc xe đạp cũng đơn giản thôi, khó nhất là rút căm xe đạp.
Tôi rất phục Nguyễn Nghiệp Nhượng vì anh ta có năng khiếu khoa học kỹ thuật về xe đạp. Hồi xưa tôi đã thấy anh ta tháo tung cả chiếc máy chữ lau dầu rồi sửa chữa tốt lại. Thì ngày nay cái xe đạp, xe honda cũ rích có nhằm nhò gì.
– Tao gác bút!
– Ai cho mày viết văn mà chẳng gác. Coi chừng bị đếm lịch. Học lấy một nghề mà kiếm ăn, không phải nuôi vợ con thì nuôi mẹ già mày. Tao có phúc hơn mày vì còn được nuôi mẹ nuôi con. Thôi câm miệng đi rồi uống rượu. Ngồi trên con kinh nước đen này chẳng nên thơ tí nào.
– Ừ thì câm nhưng tao là thằng Trâu nước lội dưới kinh nước đen.
– Tốt, tốt. Nhưng rượu chưa đủ đâu. A, mày nghe gì về Dương Nghiễm Mậu không?
– Nó ở tù, mới ra, bây giờ nó làm nghề sơn mài. Ngồi uống cà phê cứ có ba người là nó đứng dậy biến, nó cảnh giác cao như sống trong thời Thương Ưởng phò Tần Hiến Công thuở Ðông Chu Liệt Quốc.
– Phải thôi, nhưng mình cũng nên câm miệng lại. Trâu nước, tao biết mày có bệnh vạ miệng. Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy…”
Hồi Ký Viết Trên Gác Bút còn phản ảnh nhiều mẩu đời, nhiều hoàn cảnh đen tối, bi thảm, cười ra nước mắt xảy ra dưới thời Cộng Sản toàn trị. Nó đúng là một xã hội không phải của người nữa.
Nguyễn & Bạn hữu
Tổng hợp từ bài biết của Nguyễn Mạnh Trinh trên Tạp Ghi Văn Nghệ và Trần Yên Hòa trên Bạn Văn Nghệ
===============
.
Audio : Nhạc phẩm Loan Mắt Nhung - Huỳnh Anh
Loan Mắt Nhung Elvis Phương
Loan Mắt Nhung Sơn Tuyền
Loan Mắt Nhung Thái Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét