NGỰA PHI ĐƯỜNG XA / Phạm Hiền Mây -- trích : T.Vấn & Bạn Hữu Blog / Hoa Ký..
T.VẤN
& Bạn Hữu
Văn Học và Đời Sống
Phạm Hiền Mây:
NGỰA PHI ĐƯỜNG XA
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
Nhạc sĩ Lê Yên (1917-1998) sáng tác bài Ngựa Phi Đường Xa vào thời kỳ kháng chiến, năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, với tựa đề ban đầu là Kỵ Binh Việt Nam. Ca khúc sau đó bị cấm lưu hành.
Năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, khi di cư vào Nam, Phạm Đình Chương đã sửa lại phần lời, từ một ca khúc kháng chiến trở thành một ca khúc vui tươi, sinh động và đổi tên bài là Ngựa Phi Đường Xa. Bản nhạc được ban hợp ca Thăng Long trình diễn và họ thành công vang dội. Trên sheet nhạc, Phạm Đình Chương ghi rất rõ, Nguyên Tác Kỵ Binh Việt Nam của Lê Yên, Phạm Đình Chương tu soạn.
Tính đến nay đã tròn bảy mươi năm, kể từ ngày Phạm Đình Chương và ban Thăng Long phổ biến, vậy mà ca khúc Ngựa Phi Đường Xa vẫn nhận được rất nhiều sự yêu thích của người Việt Nam, cả trong và ngoài nước.
******
BAN HỢP CA THĂNG LONG
Được thành lập năm một ngàn chín trăm bốn mươi chín tại Hà Nội, ban hợp ca Thăng Long quy tụ các thành viên là các nhạc sĩ, ca sĩ, cùng trong một gia đình: Hoài Trung (anh của Phạm Đình Chương), Thái Hằng (chị của Phạm Đình Chương, vợ của Phạm Duy), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Khánh Ngọc (vợ cũ của Phạm Đình Chương), Thái Thanh và Phạm Duy.
Khi di cư vào Nam, ban hợp ca Thăng Long trở thành ban hợp ca nổi tiếng nhứt của miền Nam. Họ biểu diễn không chỉ trên tivi, đài phát thanh, mà còn phụ diễn tại các rạp hát, tại các đại nhạc hội, là một loại hình văn hóa văn nghệ tưng bừng, náo nhiệt tại miền Nam xưa, cũng như thường trực hát tại phòng trà Đêm Màu Hồng của Phạm Đình Chương.
Sau bảy mươi lăm, tại hải ngoại, ban hợp ca có thêm ca sĩ Mai Hương (cháu gọi Phạm Đình Chương bằng chú), Quỳnh Dao cùng nhạc sĩ Vũ Huyến.
Hoài Trung tuy không nổi tiếng như các em mình: Hoài Bắc, Thái Thanh, nhưng trong Ngựa Phi Đường Xa, ông giả tiếng ngựa hí, quá trời là hay. Nhìn ông thôi là cũng đã thấy vui vui, têu tếu, tức cười. Ông cũng là giọng bè số một của toàn ban.
Quái kiệt Trần Văn Trạch thì từng khen không tiếc lời: ban Thăng Long đã như một cơn lốc làm rung chuyển tận gốc toàn bộ sân khấu miền Nam.
Nhạc sĩ Phạm Duy thì nhận định, Phạm Đình Chương chính là linh hồn của toàn ban Thăng Long.
Riêng Mai Thảo, ông viết về vai trò của Phạm Đình Chương như sau: Bao nhiêu năm, vẫn chỉ một con người, vẫn chỉ một phong cách. Trong hợp ca Thăng Long, lẫy lừng như vì sao ở giữa. Hoặc cây tây ban cầm ôm trước ngực ngoài tiền trường mênh mông lỗi lạc một mình. Phạm Đình Chương với những ca khúc ở mãi cùng lòng người, và Hoài Bắc với tiếng hát nam, tôi cho là hay nhất – vẫn là Hoài Bắc Phạm Đình Chương của một con đường, một cõi nhạc riêng.
Nhà thơ Du Tử Lê thì “cưng” nhạc sĩ, ca sĩ Phạm Đình Chương hơn cả: Tám mươi phần trăm các sáng tác của Phạm Đình Chương đã trở thành bất tử. Đó là những viên kim cương âm nhạc bất hoại đã được thời gian thực chứng. Không chỉ thế, Phạm Đình Chương đã có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật ca diễn của nền tân nhạc Việt, từ sông lạch đơn ca, chảy ra đại dương hợp ca nhiều giọng.
Nay, thì Hoài Bắc (1991), Hoài Trung (2002), Thái Hằng (1999), Phạm Duy (2013), Thái Thanh (2020), Mai Hương (2020), họ đều đã về miền mây trắng.
******
NGỰA PHI ĐƯỜNG XA
Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Tiến lên đường cát trắng trắng xoá
Tiến lên đường nắng chói loá lóa
Cánh đồng lúa, in sắc chân trời mây, mây xanh lam
Ngựa phi ngoài xa thật mau
Lúc nguy nàn ta yêu thương nhau
Giống tiên rồng hết sức phấn đấu
Nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào
Kìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ
Sát bên dòng suối chảy lừ đừ
Cờ tung gió bay đùa bay phất phới
Kìm từ từ rừng trầm gió ngàn vù vù
Vó câu dồn cát bụi mịt mù
Đường xa tấp vui bầy chim đón chờ
Ngựa phi trên lưng ngựa hung hăng
Trên cánh đồng mênh mông
Cất tiếng lên chúng ta cười vang
Ngựa phi trên lưng ngựa phi mau
Trong sương mờ đêm thâu
Lao mình trong nắng mưa dãi dầu
Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Ngựa phi đường xa.
******
Mở đầu phần trình diễn là tiếng ngựa hí, sau đó là tiếng lóc cóc của vó ngựa, tiếng nhạc phụ họa vào ngày một nhanh hơn, tiếng lục lạc, rồi tiếng hí lại một lần nữa cất lên, và cuối cùng là tiếng hát.
Tiếng hát ngay từ đầu đã có một nhịp điệu rất nhanh, vì đang phi ngựa mà, đoàn người phi ngựa trên đường xa. Họ phi như bay trên con đường cát trắng xóa, con đường nắng chói lóa. Phi như bay qua những cánh đồng lúa in sắc trời mây xanh lam.
Ngựa phi thật mau. Phải thật mau, phải thật hết lòng, phải thật cố gắng, thì mới có thể theo kịp được với cuộc sống mới, với chân trời mới đang mở dần ra về phía trước. Phi mau, phóng nước đại hết cỡ, nhưng luôn quan tâm nhau. Em ngã thì chị nâng. Anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần. Nếu đường xa có mệt nhọc, thì chúng ta hãy cùng nhau hát vang lên, tiếng hát nối nhau, vang lừng trong màu nắng đào rực rỡ.
Kìa dốc cao, anh em mình hãy kìm dây cương, cho ngựa trèo từ từ. Kìa dòng suối, chúng ta hãy dừng chân lại, cho cả người và ngựa được tắm mát nguồn mẹ cha. Kìa ngọn cờ, ngọn cờ Tổ Quốc, như hiểu thấu lòng hân hoan ta, tung bay phấp phới.
Kìa rừng trầm, gió ngàn đã vù vù. Ta lại cho ngựa phóng nước đại thôi. Vó câu dồn khiến cát bụi cuộn lên mịt mùng. Đường còn xa tít tắp nhưng lòng đoàn người vững tin, tin rằng nơi ấy có bình minh, có ban mai và bầy chim vui ríu rít đang đón chờ. Không dưng, tôi sực nhớ tới lời ca hào hùng trong trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương ở bài thứ nhất Đoàn Người Ra Đi – qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn.
Đường thì xa nhưng lòng người, nào mỏi mệt. Ngựa cũng như người, càng chạy càng hăng. Những cánh đồng mênh mông phả rười rượi vào hồn ta ngập gió. Nỗi yêu đời khiến chúng ta cất giọng cười vang.
Ngựa càng lúc càng phi nhanh hơn. Sương mờ đêm thâu hay ngày nắng mưa dãi dầu, cũng nào sá chi, cũng nào làm ngần ngại, cũng nào làm chùn bước. Đoàn người lao mình về phía trước với tất cả niềm tin yêu và hy vọng.
Ngựa phi đường xa. Đã ngút mắt rồi. Vẫn dường như còn nghe. Ngựa phi đường xa
PHẠM HIỀN MÂY
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 00:59 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ