Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

bài đáng đọc : NHÌN LẠI ' VÒNGTAY HỌC TRÒ' CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ / Phan Văn Thạnh / Sài Gòn -- trích : Việt Văn Mới , 5/4/ 2024 -- Troyes- France.

 Việt Văn Mới

             



NHÌN LẠI “VÒNG TAY HỌC TRÒ” –
CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ

  


L oáng thoáng gần đây trên diễn đàn văn chương ,“Vòng tay học trò” (VTHT) của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được nhắc đến.Tính đến nay tác phẩm tròn 60 tuổi (1964 - 2024) - Sau 1975 nó chẳng là gì cả trong đống “văn hóa phế thải” ! Nếu ai có nhặt lại chẳng qua cũng chỉ một thoáng hoài niệm xa xôi …

Đặt trong bối cảnh lịch sử Miền Nam giai đoạn 1954-1975 - khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng (8/3/1965)- trực tiếp có mặt ở miền Nam Việt Nam .Cuộc chiến được đốt nóng,leo thang khốc liệt.Thanh niên trai tráng từ thành thị đến nông thôn bị lùa vào “lò thiêu”- (theo Sắc lệnh Tổng động viên toàn phần 1968,69) - họ chưa kịp “sống” đã hóa “vàng” bi đát ! Tâm trạng mỗi người miền Nam lúc bấy giờ là nỗi hoảng sợ,chán chường, hoang mang mất phương hướng .Toàn xã hội thực sự chao đảo,khủng hoảng niềm tin. Và,chính nó là miếng đất mầu mỡ cho dòng tư tưởng “hiện sinh” theo chân các nhà văn phương tây thâm nhập đời sống văn hóa Saigon(miền Nam) - loang thấm vào các thể loại văn học (Kịch,thơ,tiểu thuyết) – Nó hô hào triết lý “làm gan” sống - cổ vũ sống cuồng - sống gấp - hưởng thụ - nổi loạn - bế tắc !

Những hạt gieo “hiện sinh”

-J .Paul Sartre(1905-1980) – với “Buồn nôn” nguyên tác "La Nausée" cho rằng : mọi sự hiện hữu hoàn toàn vô lý.Không thể có gì là chân lý cả !vì mọi sự là vô lý,nên sự hiện hữu của chúng,tất cả ,đều là ghê tởm đáng nôn mửa.Và Sartre cho biết nhân vật của ông phạm tội ác để có thể chứng minh rằng con người hoàn toàn tự do,không hối hận gì,giải phóng mọi thành kiến luân lý.Rằng thì :“Các anh được giải thoát mọi thành kiến của giai cấp,mọi cản trở của khu vực các anh sống,của nền giáo dục.Các anh được giải thoát khỏi tín ngưỡng tôn giáo,khỏi sự quyến rũ của sự hy sinh;các anh được giải thoát khỏi mọi phong thái của gia đình,của luân lý;thoát khỏi sự áp chế của lứa đôi (hôn nhân),của sự cám dỗ làm điều thiện.Các anh được giải thoát cả lòng kính yêu Tổ quốc nữa…Các anh chỉ còn phải bước một bước nữa là tới chỗ giải phóng hoàn toàn: ấy là tội ác”(Homme libre,1943). Tư tưởng của Sartre đã dẫn đến quan niệm cho cuộc đời là phi lý,mỗi người tự chọn đời mình,sống một cách ích kỷ trên hết,và kể cả làm tội ác !

-André Gide (1869-1951) trong cuốn“Les Nourritures Terrestres”,chủ trương sống phung phí buông thả“không chống lại mình nữa,ưng thuận hưởng lạc một cách tự do”.Gide nói : “Nếu ban đầu tôi đừng nhịn uống thì đâu có khát khao nhiều”.Ở cuốn “L’immoraliste”(Kẻ Vô luân),Gide ca ngợi đạo cảm giác và đưa đạo đó lên hàng nhân bản chủ nghĩa;từ chối mọi cái gì là vĩnh cửu,là lý tưởng,là cao xa .Chỉ có một thái độ đáng kể : sống thành thực,thành thực bằng cả thân xác cuồng loạn của con người… Tư tưởng của Gide cực kỳ nguy hiểm,giết chết lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên,tàn phá xã hội loài người ! Không thể đổ lỗi cho Chúa theo cái kiểu “Chúa đã đặt khó khăn vào xác thịt tôi” - “tôi có chọn như vậy đâu”- cái kiểu như Charles Péguy:“Lạy Chúa,là đấng đã nhào nặn nên loài người bằng đất này,xin Người chớ bỡ ngỡ khi thấy họ dính mùi tục lụy” - (Seigneur qui les avez pétris de cette terre - Ne vous étonnez pas qu’ils soient trouvés terreux)

-André Malraux (1901-1976) băn khoăn về“thân phận con người” – tại sao sống?và sống để làm gì? Theo Malraux : con người chỉ có một sự đam mê đáng kể - đó là đam mê khủng bố giết chóc ,vì nó giúp cho ta dùng hết sức lực của mình …Hành động bao giờ cũng chỉ là một lối giải thoát sức lực,trốn tránh ưu tư,mặc dù không bao giờ tránh được. Malraux quan niệm ám sát kẻ thù nhưng không vì lý tưởng nào cả;chỉ vì căm ghét loài người,vì nôn mửa trước những tình cảm tốt đẹp - và cho rằng :“Hành động không vì bất kỳ ai. Có chăng vì một kẻ khác dòm ngó vào hành động của ta”…(1)

Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện năm 1964,nhuốm màu hiện sinh (do ảnh hưởng hay chủ ý tác giả),đã gây sự chú ý trên văn đàn với câu chuyện tình táo bạo giữa độ đôi mươi xuân sắc của cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm quyết định bỏ Sài Gòn hoa lệ phía sau để lên Đà Lạt mù sương tìm sự yên bình với nghề dạy học. Nhưng số phận run rủi cô gặp cậu học trò Nguyễn Duy Minh - Sự “đồng điệu” bất toàn trong vị trí chênh lệch “cô-Trò”- những đợt sóng tình phủ xuống hai trái tim hừng hực sức sống ,đã xô đẩy cuộc đời họ rơi xuống vực thẳm.

Những chuyện ẩn ức tình dục, những chuyện xôn xao của da thịt, trước đó thường bị che đậy, giấu giếm“húy kị”; nay đột nhiên được một “cô giáo” nói toạc ra một cách nhẹ nhàng, không cần mầu mè gì cả - và,chính điều này đã “lôi cuốn” môt bộ phận độc giả tò mò tìm đến cái mới của trào lưu.

Nhân vật Trâm phát biểu: “Tôi sẽ không về phe với đời. Tôi thuộc về phe phản kháng với tất cả”… chỉ vì đời mình là bóng tối .Thái độ nổi loạn,hành vi bất chấp được cổ súy gắn với tình yêu, dù tình yêu đó là phi luân thoát khỏi sự kìm kẹp của ý thức. Chấp nhận sống phi luân, là chấp nhận sống thật với bản thân mình,sống vượt lên trên những đạo đức,luân lý tầm thường - “Chúng mình là những cái bóng thoắt hiện phút giây,diễm ảo và mong manh. Nắng sẽ tắt, ngày rồi tàn vơi. Mỗi con người, tôi và em chỉ được một giây phút hiện tại, sau đó là hoài niệm, là lời van xin tuyệt vọng. Một thái độ bi quan bất lực” (Vòng tay học trò. NXB Hoàng Đông Phương, Sài Gòn - 1968 ,tr 80).

Giờ đây nhìn lại - tác phẩm văn học nào cũng vậy khi còn trong “trí não” thuộc quyền sở hữu độc chiếm của tác giả nhưng khi trình diện trước công chúng xã hội thì nó là “của chung”- dư luận tha hồ phán xét - được chấp nhận hay bị gạch chéo …

Nhớ ngày còn sinh viên non trẻ,tôi có được dịp tham dự buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Saigon ngày 11-5-1971 - do Giáo sư L.Mục Thanh Lãng mời để các sinh viên VK có dịp nghe và trao đổi với một nhà văn về kinh nghiệm viết và hoàn cảnh sáng tác - buổi ấy nhiều ý kiến đặt ra sau phần trình bày của nhà văn - (xin lược trích từ ký ức và theo ghi chép của Nhuệ Hương):

-Hỏi : Thưa nhà văn - Bà nghĩ gì về nhận xét phê bình cho rằng - Khi mở tác phẩm VTHT người ta thấy hiện lên hình ảnh một con quỷ xõa tóc đầu độc giới trẻ ?...

-Đáp : “Tôi(NTH) ngạc nhiên khi có người đọc một bài phê bình nào đó về tôi và hỏi dò ý kiến hay phản ứng. Bởi vì tôi không hề theo dõi, trừ phi có người nhắc nhở hay tìm bài đem cho tôi đọc. Giữa những người phê bình và người viết luôn là một khoảng cách mênh mông. Tôi không thể nào đọc hiểu họ cũng như họ đã không đọc và hiểu tôi vậy” ?

-Hỏi: Thưa bà người xưa có nói: “Làm thầy địa lý lầm giết một họ,làm thầy thuốc lầm giết một người, làm văn hóa lầm thì giết muôn đời” - Thưa bà, có biết bây giờ có bao nhiêu hiện tượng “vòng tay học trò” xảy ra không?

-Đáp: Ông bạn có ý trách tôi và đổ lỗi cho VTHT,gây ảnh hưởng tai hại. Làm sao kiểm chứng được có cô Trâm hay tên Minh một trường hợp tương tự nào đó của VTHT đã chịu ảnh hưởng của VTHT, hay nó xảy ra vì nó xảy ra như thế. Tôi chỉ trách nhiệm và sẽ nhận trách nhiệm khi tác phẩm ở trong dự định của tôi. Còn VTHT, thì như đã nói ở một câu giải đáp trên”…

(Những câu trả lời né đòn rất “thông minh”…)

***

Nhìn chung trào lưu chuyển tải tư tưởng bằng tác phẩm văn học, chủ nghĩa hiện sinh lan nhanh và ảnh hưởng sâu rộng đến giới trẻ phương Tây, mở ra những phong trào ồn ào trong cuộc sống phương Tây thập niên 60 - 70 thế kỷ XX như “Hippy”, “Anti-State”, “Anti-Modern”, “Sexual Liberation”. Các phong trào này ít nhiều đã tạo nên cuộc sống sôi động trong giới trẻ, góp phần khẳng định tiến bộ xã hội trong vấn đề bảo vệ nhân quyền, đề cao các quyền tự do, nhất là tự do ngôn luận.

Ở miền Nam, chủ nghĩa hiện sinh đã trở thành mốt sống của thanh niên đô thị. Tư tưởng hiện sinh phản ánh trong hàng loạt các tác phẩm văn học, điển hình là các tác phẩm của Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Thanh Tâm Tuyền, v.v... đã nói lên tinh thần lo âu, tuyệt vọng, nổi loạn, phản kháng của tầng lớp thanh niên “sống giữa hai làn đạn”.Trên góc cạnh nào đó có thể nói chủ nghĩa hiện sinh miền nam Việt Nam phản ánh sự dấn thân của tuổi trẻ đã góp tiếng nói phản chiến đòi “US Army go out !”

Hơn 60 năm qua - nhắc lại “Vòng Tay Học Trò”- khách quan ta ghi nhận có thực một nhánh văn học Hiện sinh nằm vắt ngang Saigon - thổi luồng gió lạ vào những trang viết kiểu cách,làm dáng bằng thứ ngôn ngữ “cơ thể” (body language) tuyệt xảo khơi gợi cảm xúc - Và,những gì tiết ra từ chất “hiện sinh” - xúi giục cho lối sống nổi loạn,buông thả,phi luân(amoral) suy đồi và tiêu vong - đã làm chạnh lòng những nhà luân lý âu lo cho tương lai dân tộc - họ đã lên tiếng phê phán kịch liệt !

Nhân đây nói thêm một chút vấn đề đánh giá Văn học,theo tôi “ngòi bút phê bình”cơ bản cần có cái nhìn khách quan tổng thể,đặt trong bối cảnh lịch sử tác phẩm ra đời - tránh thái độ cực đoan mạt sát phủ định sạch trơn theo một công thức đã lập trình sẵn . Bạn có giỏi hảy tự túm tóc nhấc mình lên khỏi mặt đất (?)

Văn học Viêt Nam dọc dài thế kỷ XX trườn sang XXI - ở bất kỳ giai đoạn nào – trong hay ngoài nước – đều thể hiện giá trị nhân văn – giá trị hiện thực lịch sử vì lẽ đời sống dân tộc ta nằm gọn lỏn trong đó !

(Saigon,24/3/2024)
(1) Sách tham khảo : “Sứ mệnh văn nghệ” – Nguyễn Nam Châu,NXB Đại Học – 1958




VVM.03.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ