Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

- bài ngợi ca -- nghỉ hưu / từ hoài tấn [ 1950- / Sài Gòn -- trích: tuhoaitanblog

 

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

THƠ GỞI X. Từ bài 21 đến bài 25

 Bài số 21


BÀI NGỢI CA



Em nói em ghét tôi 

Cũng như nói em yêu tôi 

Yêu và ghét

Đúng và sai 

Chỉ là tâm phân biệt 

Sự vật vẫn là thế, vốn là thế 

Em vẫn là em 

Tôi vẫn là tôi 

Tình yêu của chúng ta vẫn hiện hữu 

Chỉ là sự biến thiên theo không gian và thời gian 

Yêu giận buồn nhớ 

Tình yêu vốn là thế 

Sự thật tình yêu đã có, tồn tại trên trái đất này cùng với loài người 

Không thể phủ nhận điều đó 



Khi mùa hè trở lại 

Những cơn giông đẩu mùa ở miền Nam 

Nhưng mùa Xuân lại vừa bắt đầu ở bên ấy 

Em có một mùa hoa anh đào tươi đẹp phương xa

Anh đón những ngày mưa bất chợt tránh trú dọc đường 

Tình yêu của chúng ta vẫn thủy chung như những đám mây trên bầu trời 

Bay mãi qua hai bờ của thế giới 

Vì loài mây, chỉ là loài mây bay, không phân biệt không gian và thời gian nơi chúng ta đang sống 

Như tình yêu của chúng ta không bao giờ bị chia cách 

Bởi không gian và thời gian 





Bài số 22


NGHỈ HƯU 



Đến một lúc nào đó bạn cũng sẽ nghỉ hưu 

Bất cứ việc gì cũng phải nghỉ 

Vì bạn không còn sức làm việc 

(Cũng không ai cho làm việc những người mất sức lao động)

Sự có mặt của bạn làm phiền người khác 

Bạn sẽ phải ở nhà, không làm được việc gì khác ngoài chuyện đi loanh quanh, kiếm tìm niềm vui vu vơ dọc đường vì bạn mới trở về từ thế giới khác 

Bạn không được như người xưa đi phiêu bạt giang hồ vì thời nay phải cần nhiều thủ tục để đi ra khỏi xứ rong chơi 

Và nhất là bạn phải có tiền, tiền nhiều mới đi đây đi đó 

Bạn cũng không phải là nhà thơ nổi tiếng như ngày xưa được mời rượu khi đọc thơ 

Vì thơ bây giờ không ai chuộng, bán không ai mua (làm thơ giống như chuyện mơ mộng không có thực)


Cụ Đỗ Phủ ngày xưa khi về vườn còn không có tiền mua rượu;


Triều hồi nhật nhật điển xuân y

Mỗi nhật giang đầu tận túy quy

Hữu trái tầm thường hành xứ hữu

Nhân sinh thất thập cổ lai hy “

(Bến sông II - Đỗ Phủ)


Dịch nghĩa:


- “Từ lúc rời xa khỏi triều đình ngày ngày phải cầm cố áo 

- không ngày nào bên bến sông không say khướt. 

- Ở đâu không có người nợ tiền mua rượu…

- đến bảy mươi (mà cầm cố áo mua chịu rượu… ) thì xưa nay hiếm…


Tuổi nghỉ hưu của tôi dù chưa tới bảy mươi 

Nhưng buộc phải về 

Nhường chỗ cho người khác 

Tôi không thèm rượu để cầm cố áo 

Nhưng tôi chịu nợ tình yêu Em, người yêu của tôi

Tôi cũng không có chi để cầm cố

Và cũng không ai chịu cầm cố 

Vì vậy tôi không bao giờ trả được mối nợ này 

Dù bây giờ tôi đã vượt qua tuổi bảy mươi 

“Cũng xưa nay hiếm”


Nhưng tình yêu thì không bao giờ có tuổi nghỉ hưu !

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ