Đọc và nhận định

           “Cuộc Xâm Lăng Về Văn Hóa  Và Tư Tưởng

                               của Đế Quốc Mỹ…”

2

Phê phán cuốn Cuộc Xâm Lăng Về Văn Hóa Và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ Tại Miền Nam Việt Nam của Lữ Phương (1)

Sách lược của miền Bắc là muốn tiêu diệt và xóa trắng toàn bộ Văn Học miền Nam vì nó biểu hiện một thứ văn hóa “phản động” so với nền Văn Học XHCN. Cho nên ngay trước khi chiếm được miền Nam thì trên các tạp chí miền Bắc như Học Tập, tạp chí Văn Học, Văn Nghệ, v.v… đã có hơn 200 bài viết theo chính sách này.

Đó là những chuyện trước 1975.

Nhưng đến sau 1975, chiến dịch “truy lùng tàn dư văn hóa Mỹ ngụy” càng trở nên ác liệt như Lê Duẩn trong Đại Hội 5 đã chỉ thị:

“Sau ngày giải phóng, nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hóa ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.”

Ngày 26/06/1976, ban Chấp HànhTrung Ương Đảng ra thêm chỉ thị:

“Việc xây dựng nền Văn Hóa mới được tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ văn hóa nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động.”

Trích Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975, Trần Trọng Đăng Đàn, trang 779, nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 2000.

Họ đã nhìn với định kiến về Văn học miền Nam như thế này: Nô dịch, lai căng, đồi trụy và cực kỳ phản động..

Đội ngũ những người có trách nhiệm xóa bỏ tàn dư văn hóa “ngụy” gồm có: Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Trần Văn Giàu, Trần Trọng Đăng Đàn và đặc biệt có Lữ Phương. Phụ họa thêm vào đây, có những nhà Văn như Bảo Ninh, trong truyện ngắn Rửa Tay Gác Kiếm đã khinh miệt văn học miền Nam bằng thứ ngôn ngữ không phải nhà văn như sau:

“Chỉ có mỗi mình Tú, một tay mọt sách, nguyên sinh viên trường Tổng Hợp là không ngại rúc vào đó, ngụp lặn lục tìm trong bụi, tha về phòng một bao tải nặng chịch những cuốn tiểu thuyết chưa bị mối xông. Nhưng bởi tất cả đều rặt một nòi thối tha mục nát văn chương chống cộng, chữ nghĩa tối tăm mờ ám, nội dung láo toét, ít ai kiên nhẫn đọc nổi quá nửa trang, chất giấy lại không hợp để vấn thuốc và khổ thì quá nhỏ để gói bọc một thứ gì, thành thử đống sách của Tú chẳng mấi ai buồn ngó, dù rằng nó cứ vơi đi.

Người ta thấy các mẩu vụn của những Chu Tử, những Xuân Vũ, những gì gì đó nữa quanh chỗ đựng điếu cày và trong nhà bếp, trong nhà cầu.”

Trích Hà Nội lúc không giờ, Bảo Ninh, trang 83, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002

Cuốn sách của Bảo Ninh in năm 2002, sau gần 30 năm mà còn có thứ ngôn ngữ thiếu Văn hóa như thế của một nhà văn khá nổi tiếng với tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh.

Đọc thấy thật mất dạy quá.

Sự đố kỵ và khinh miệt văn học miền Nam là có thật do thiếu hiểu biết. Nhưng dần dần do có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu, nhiều nhà văn miền Bắc hiểu rằng văn học miền Nam nó có chỗ đứng riêng của nó, có những giá trị không thể phủ nhận. Đó là công việc đáng ghi nhớ của trang Talawas đã giới thiệu và in lại những tác phẩm Văn Học miền Nam trước 1975.

Và cũng kể từ sau 1975, số phận sách vở miền Nam giống như số phận Người miền Nam vậy. Sách vở miền Nam cũng phải trốn nhui, trốn nhủi mà giá trị lúc này chỉ là những cân giấy vụn dùng để gói hàng.

Lời trần tình Của Lữ Phương về Vai trò “đọc và phân loại sách” sau 1975.

Trong bài viết Nói thêm một lần để không nói nữa, Lữ Phương cho biết ông được đảng giao phó cho bộ phận “đọc và phân loại sách” xuất bản ở miền Nam trước ngày 30-4-1975. Lữ Phương viết:

“Công việc tôi đảm nhận chỉ là một phần trong sự khởi đầu của một chính sách cải tạo xã hội theo đường lối cộng sản. Đó là kết quả tất yếu của một quan niệm chiến thắng về một cuộc chiến tranh. (…) Vì lý do đó, tôi thấy chẳng cần gì phải chối bỏ rằng tôi làm công việc “phân loại sách” nói trên là do sự phân công của Đảng Cộng Sản mà lúc bấy giờ tôi vẫn còn tin tưởng. Nhưng một mặt khác, trên phương diện cá nhân, tôi có thể khẳng định công việc mà tôi đảm nhận đó hoàn toàn không phải là một thứ “chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước với trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75” và tôi đã đấu tranh quyết liệt với những đồng chí của tôi vào lúc bấy giờ để đòi thực hiện- là phải phân biệt rạch ròi những kẻ chủ mưu với những nạn nhân.(…) để tránh dựa vào những tiêu chuẩn mơ hồ như khẩu hiệu hành động gọi là (bài trừ văn hóa phản động đồi trụy) có thể dẫn dẫn đến những lạm dụng khi xử lý trong thời ký tiếp quản, lộn xộn, rối ren.”

Tôi còn đấu tranh cho chủ trương này ngay từ khi tôi ra miền Bắc trị bệnh (từ tháng 4/1974) trong một cuộc họp chung do Nguyễn Hữu Thọ chủ trì để góp ý “Chương trình hành động 10 điểm của CPCMLTCHMNVN” lúc tình hình chiến sự đã lan tới Huế, vì đó là Sinh mệnh của cả một nền văn học. Tức khắc đề nghị ấy bị gạt đi, nhường cho sự giơ tay “nhất trí” của hội nghị để sau đó mấy hôm, qua chị Dương Quỳnh Hoa, tôi mới biết được rằng cuộc họp ấy chỉ là hình thức, cái gọi là chương trình 10 điểm đó Bộ chính trị đã duyệt và gửi đến các đài phát thanh để chuẩn bị phát tối hôm đó rồi! Có thể tôi ngây thơ về chính trị nhưng với tư cách là một “thứ trưởng” trong chính phủ Cách Mạng ở miền Nam, tôi vẫn cho rằng việc xử sự của mình đã mang được một ý nghĩa nhân cách, ít nhất không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn với vai trò “chậu kiểng” được giao cho.

Khi về Nam, trong một buổi họp của Thành Ủy TP Hồ Chí Minh bàn về “bài trừ văn hóa phản động đồi trụy,” (do ông Võ Văn Kiệt chủ trì) và trong khi trình bày tôi đã phản đối ý kiến của đại diện Ban Tuyên Huấn Thành Ủy lúc bấy giờ cho rằng không cần phân loại cho rắc rối ..

Tôi đã thuyết trình và chia sách đọc ra làm 5 loại trong đó tập trung chú ý loại A có “nội dung chống Cộng” trực tiếp và loại B “Kích dâm”, còn tất cả những loại khác như C, “tinh thần lãng mạn hoặc ủy mị tiêu cực”, D “phê phán hiện thực có nội dung dân chủ nhân đạo” và E, các loại sách khoa học kỹ Thuật tôn giáo… thì không được đụng tới.

Tất cả những gì tôi góp phần vào cái gọi là chính sách cải tạo văn hóa ở miền Nam sau 30 tháng tư, 75 chỉ có vậy, và chỉ có như vậy mà thôi”

Trích trong Nói thêm một lần để không nói nữa, truy cập 01/2010

Nhận xét về lơi trần tình của Lữ Phương

Nếu người nào chưa có dịp đọc trực tiếp cuốn sách của Lữ Phương thì rất có thể sẽ tin vào những điều trần tình của Lữ Phương và xếp ông vào loại “trí thức cộng sản có nhân cách, ít ra không phải loại văn nô ngoan ngoãn, cũng không phải loại “chậu kiểng.”

Nhưng nếu đã đọc sách của ông rồi thì cảm tưởng trên không còn nữa và dám xếp ông vào loại “biệt kích văn hóa”, có tính cách “khủng bố mang tính chất nhà nước với trí thức, nhà văn (miền Nam ‒ DCVOnline) trước 1975.”

Lữ Phương viết với giọng gay gắt, truy chụp, kết án là có thật. Tính chất khủng bố cũng là có thật. Tôi có cảm tưởng như giọng văn quy chụp các nhà văn trong Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thập niên 1950 vậy.

Cho nên phải đọc chính cuốn sách của ông thay vì những lời trần tình. Rất tiếc ông chưa chịu phổ biến sách của ông cho người đọc coi. Chính bản thân người viết để 3 năm trời, biết bao công khó mới kiếm được cuốn sách. Nhưng bưu điện nhà nước cộng sản thu tiền cước phí xong thì vứt luôn cuốn sách vào tháng 5, 2009. Nhưng may mắn, liên lạc được với người bạn đã chịu khó scan từng trang giấy gởi sang cho người viết bài này. Xin nhận một lời cám ơn anh.

Rất nhiều người viết phê bình ở miền Bắc có thể chưa bao giờ có dịp đọc một tác phẩm văn học nào ở miền Nam, nhưng do hơn 200 bài báo do các tạp chí ở trên cứ ra rả tuôn ra nào là dâm ô đồi trụy, nào nọc độc, nào là âm mưu, nào là cực kỳ phản động… Riết rồi sự tuyên truyền trở thành một “sự thật” không chối cãi được.

Sự phê phán quy chụp Văn học miền Nam của người cộng sản miền Bắc còn có thể hiểu được. Nhưng Lữ Phương, từng lớn lên và trưởng thành ở miền Nam, từng là một nhà giáo dạy Việt Văn ở Long Xuyên, từng tự hào đọc sách vở viết bằng tiếng Tây lúc thiếu thời với những tác giả tên tuổi như Henri Lefèvre, Merleau Ponty, Roger Garaudy và nhất là J.P. Sartre.

Tôi xin mở một dấu ngoặc ở đây là với tuổi đời của một thanh niên chưa qua hết ngường của trung học, không hiểu bằng cách nào Lữ Phương có thể có được cuốn Critique de la raison dialectique, xuất bản năm 1960 mà theo tôi được biết thư viện Văn khoa Sài Gòn có thể không có, hoặc có sau này, chỉ có thư viện Đại Học Đà Lạt có được. Đấy là nói về phần tài liệu không dễ để có được cuốn sách đó. Còn nói về việc đọc, nếu người nào đã học Triết học, theo chương trình Pháp đi nữa, ngay cả các giáo sư đại học Văn khoa, Sài Gòn, có đi du học Pháp, có học vị tiến sĩ, tôi dám chắc có đọc và cũng không dễ gì hiểu nổi cuốn sách đó của J.P. Sartre.

Đấy là nhận xét của người trong nghề.

Không biết bằng cách nào Lữ Phương đã đọc cả Merleau Ponty với đủ các loại triết gia thượng thặng ở trên ở thời diểm 1960?

Trong khi sách tiếng Việt, trừ các sách của Trương Tửu và Nguyễn Bách Khoa in ở ngoài Bắc không dễ có viết về Mác Xít mà chưa có hệ thống thì cuốn sách mỏng, dày 161 trang: Tìm Hiểu Triết Học của Karl Marx của Trần Văn Toàn, do Nam Sơn in, ngày 28 tháng 3 năm 1965. Và tiếp nối ngay theo đó là cuốn Xã Hội Và con người, Trần Văn Toàn in ngày 2 tháng 10 năm 1965.

Cả hai cuốn sách đạt thành công ngoài ý muốn của nhà xuất bản Nam Sơn.

Phong trào tìm hiểu triết học Karl Marx trong giới sinh viên rộ lên sau hai cuốn này.

Ta hãy nghe Lữ Phương viết:

Với tôi đọc, đọc tuyển tập của Marx cùng lượt với với tuyển tập của Mao Trạch Đông (cả hai đều mua được ở nhà sách Việt Bằng cùng với bộ Đất Vỡ Hoang bằng tiếng Pháp của Solokhov ở Liên Xô.) cũng không khác gì đọc Trương Tửu, Nguyễn Bách Khoa một lượt với Trần Văn Toàn!

(Trích Những chuyến ra đi, Lữ Phương, trang 10, trên Viet-studies)

Xin thú thực, tôi cũng có một bô tuyển tập Mao Trạch Đông, bằng Anh Ngữ, gồm 5 tập, dày gần 3000 trang, in năm 1975 kể đã là mới lắm rồi. Sách mua chỉ để ngó chưa đọc.

Vậy mà khoảng 1960 và sau đó, Lữ Phương đã đọc cả ! Xin bái phục một thiên tài triết học của Cộng sản Việt Nam.)

Trở lại phần trần tình ở trên, tôi có cảm tưởng phần lý luận trong đoạn văn trên là một thứ lý luận “cù nhày”, “nói lấy được”, bất chấp tri thức luận. Tại sao coi việc quét sạch văn học miền Nam là một kết quả tất yếu sau cuộc chiến tranh? Tại sao có thể kết luận một cách máy móc như thế?

Đó là thứ ngụy biện cho một tội ác phạm đến lịch sử Văn Học. Điều mà ngay trong 100 năm Việt Nam là thuộc địa, người Pháp cũng không bao giờ làm như vậy.

Mặt khác, ông lại tự mâu thuẫn với chính mình, bày tỏ sự lo âu về sinh mệnh một nền văn học có nguy cơ bị hủy diệt! Nhưng thực tế ông đã làm được gì? Nội cái đề tài cuốn sách của ông cho thấy ý đồ muốn kết án toàn bộ cái nền văn học ấy dựa vào chính sách của Mỹ.

Phải nói thẳng ở đây một lần để không cần nói nữa, chính sách về văn Văn hóa, giáo dục của Mỹ đa phần đem lại cái lợi cho miền Nam hơn là cái hại. Hại thì ít, lợi thì nhiều. Lợi thấy trước mắt, thấy hiển nhiên so với sự nghèo nàn và lạc hậu miền Bắc.

Làm sao thuyết phục dân miền Nam là đế quốc Mỹ đến xâm lược về văn hóa và tư tưởng?

Một người có trình độ học vấn Trung Học ở miền Nam khi đọc nhan đề cuốn sách cũng có thể nhận thấy tính cách tuyên truyền đao to, búa lớn. Người đọc làu làu J.P. Sartre mà không học được một chút lối viết tế vi, cực kỳ nhạy bén, uyển chuyển và tinh xảo của bậc thày đó sao ?

Vì thế thay vì gọi là Cuộc xâm lăng Văn Hóa và Tư Tưởng của đế quốc Mỹ, người ta có thể viết: “Sự du nhập và ảnh hưởng của văn hóa Mỹ ở Việt Nam”. Trần Trong Đăng Đàn đã có nhan đề cuốn sách tương đối nhẹ nhàng: Văn Hóa Văn Nghệ miền Nam 1954-1975.

Viết như vậy vừa đầy đủ và khách quan dễ được chấp nhận.

Đề tài viết nổ ấy do có ý đồ đen tối, não trạng cứng nhắc với những cụm từ chữ nghĩa đặc sệt giọng tuyên truyền rẻ tiền như đã có sẵn trong đầu rồi. Ông viết hung hăng như người lên đồng, đánh phá tứ tung, nhìn đâu cũng thấy âm mưu thâm độc của đế quốc thực dân mới, đế quốc Mỹ.

Nó nhất định không thuộc loại sách nghiên cứu nghiêm chỉnh, nó là sách tuyên truyền rẻ tiền thiếu dẫn chứng, thiếu lập luận nghiêm chỉnh.

Rõ ràng là viết theo lệnh Đảng.

Đó là cái vài cảm tưởng đến với tôi sau khi cố đọc xong cuốn sách với một thất vọng không ít. Người ta có thể can đảm cầm bút viết những điều mà đáng lẽ nên dành cho hạng “văn nô” cầm bút?

Người ta có cảm tưởng đằng sau Lữ Phương là bóng ma Cộng Sản thổi chữ nghĩa vào một động vật bung xung có mục đích tận diệt văn hóa miền Nam.

Nó chẳng khác gì vai trò Hoàng Phủ NgọcTường trong dịp Tết Mậu Thân 68.

Một kẻ được giao phó làm vật bung xung để tận diệt văn học miền Nam và một kẻ được dùng trong kế hoạch “người Huế giết Huế.” Mặc dầu Lữ Phương có thể không đủ can đảm đốt một cuốn sách của miền Nam và Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể chưa bao giờ cầm súng lục giết một người Huế và cũng có thể chưa thực sự ngồi ghế phán quan xử án người dân Huế.

Nhưng cả hai đã đóng trọn vẹn vai trò bung xung, bù nhìn cho chế độ mà chưa hề dược Đảng có một lần đãi ngộ hoặc một lần lên tiếng bênh vực.

Lữ Phương không ngây thơ chính trị như ông viết. Ông nhận thức rõ vai trò “bù nhìn” từ lúc làm bộ trưởng Văn Hóa của ông. Từ năm 1968, vào bưng ông làm gì? Ông chẳng làm gì cả.

Thà cứ nói thẳng như Lê Văn Hảo hay Trương Như Tảng là chúng tôi chỉ là thứ bù nhìn có thể dễ được chấp nhận hơn.

Chẳng làm gì cả mà có danh xưng, có tước vị, lúc nào có dịp thì phô cái chức vị đó ra, trong khi mọi quyệt định từ ngoài kia thì không còn là bù nhìn thì là cái gì? Từ 1968 đến 1974, ông ngồi ngáp ruồi nhận xét một cách chán ngán các nhân vật chính trị chung quanh ông:

“Lưu Hữu Phước hiền lành, chỉ phát biểu những gì đúng phép một cách quá nhạt nhẽo, tầm thường. Ngoan ngoãn một cách nhiệt tình, không khác gì kiểu người của Huỳnh Tấn Phát, nhưng khiêm tốn và ít tham vọng hơn về chính trị.”

Phần ông, “Không có việc gì để làm, cơ quan đề nghị tôi làm việc với bộ phận nghiên cứu tổng hợp, theo dõi tình hình văn nghệ “đô thị” vùng địch do Trương Bình Tòng phụ trách.”

Ông thuyết trình về chủ thuyết Hiện Sinh, từ đó đặt ra công tác tư tưởng là phải làm sao gột rửa cho được những tác hại của chủ nghĩa Hiện sinh mà chế độ “Mỹ ngụy” ở Sài Gòn đã đầu độc thanh niên từ bấy lâu nay.

“Cuộc thảo luận tiếp diễn cứ theo cái đà ấy cho đến khi giải tán làm cho tôi ngán ngẩm tột độ và không muốn nói gì thêm. (…)

Trong chỗ sâu thẳm nhất của bản thân tôi, tôi dần dần hiểu ra thật rõ ràng,“ở nơi đây”, sự hiện diện của tôi có phần không khác gì mấy với sự hiện diện của một người “ khách” trên những đường giây giao liên”

Trích bản thảo Những chuyến ra đi.Viet Nam 2008, Lữ Phương, Viêt-sudies.info

Đọc đoạn văn trên, tôi buồn cười rớt nước mắt, anh nào cũng là bù nhìn mà anh nọ chê anh kia. Tất cả đều là bù nhìn nhận ra bù nhìn mà không anh nào tiện nói thẳng ra.

Mỹ-Ngụy đã dùng triết lý Hiện sinh để đầu độc thanh niên miền Nam! Ô la la!

Đó là một nhận xét hoàn toàn thiển cận nếu không nói là ngu xuẩn.

Nhưng nhờ đọc các phần Hồi Ký và Trần Tình của ông, người đọc cũng hiểu được một phần tâm sự của ông. Một tâm sự khó nói của một kẻ lỡ làng, phóng lao phải theo lao.

Qua đó, người ta hiểu được phần nào con người thật của ông lộ diện ra một chút.

Nhưng khi ông viết cuốn sách Cuộc Xâm lăng Về Văn Hóa Và Tư Tưởng của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, ông là một Lữ Phương khác, Lữ Phương, người của Đảng.

Hình như có hai Lữ Phương. Lữ Phương của một con người và Lữ Phương, một kẻ đã bán mình cho Đảng. Hai con người ấy đôi lúc sâu xé trong ông, mâu thuẫn có, buồn chán có, bất lực có. Nhưng bản tính ương ngạnh, ông không chịu nhìn nhận những sai lầm do công việc ông làm.

Ông lại hiện nguyên hình là một đảng viên cộng sản. Ông dùng tài liệu CIA nhặt đó đây về chính sách của nó trên toàn thế giới để áp dụng vào trường hợp Việt Nam. Đối với ông CIA là xấu nên bất cứ hoạt động CIA nào cũng trở thành âm mưu thâm độc, lũng đoạn và sa đọa hóa miền Nam.

Cuốn sách mất tất cả giá trị khả tín và điểm chính yếu là người đọc không tin vào những điều ông viết.

Và có thể nói một cách cay đắng là trong số tất cả những người cầm bút có nhiệm vụ truy diệt văn học miền Nam, ông cho tôi có cảm tưởng ông là cây viết “hung hãn” nhất mà ngay cả Trần Trọng Đăng Đàn, cán bộ giảng dạy miền Bắc cũng còn thua ông một bậc.

Vai Trò CIA trong cuộc xâm lăng về Văn Hóa và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ tại miền Nam

CIA như là mấu chốt luận điểm, một thứ bực phóng để từ đó Lữ Phương phóng chiếu vào hoàn cảnh văn học miền Nam. Nhưng nên nhớ rằng, trước khi có sự hiện diện của Mỹ và CIA thì miền Nam đã nếm trải đủ kinh nghiệm xương máu về sự hiện diện của người Pháp.

Khi người Pháp chiếm đóng được Nam Kỳ thì họ cũng nghĩ đến một chính sách văn hóa nhằm tiến tới sự đồng hóa hay ít ra có sự thỏa hiệp của người bản xứ.

Đó là một thực tế phải nhìn nhận. Kẻ đi xâm lược đã biết xử dụng chính sách quân sự, dùng võ lực để chiếm đóng một nước. Nhưng khi chiếm đóng được rồi thì phải nghĩ tới những giải pháp xã hội, văn hóa, mở mang dân trí cho người bị trị để mua chuộc, để có tay sai.

Đó là chính sách cây gậy và củ cà rốt, vừa dùng vũ lực và vừa chiêu dụ. Hay nói theo ngôn ngữ bây giờ là ứng dụng sức mạnh cứng điều hợp với sức mạnh mềm sao cho đạt kết quả để tạo được sự ổn định.

Xin trích dẫn một bá cáo của người Pháp lúc bấy giờ để làm bằng:

“Chúng ta tìm thấy được ở Nam Kỳ một vị trí rất khích lệ. Chúng ta đạp chân trên một miền đất trù phú hơn cả. Tóm lại, nếu chúng ta biết lợi dụng và không làm hỏng tương lai, thì chính đây là nơi mà một ngày kia ảnh hưởng Pháp sẽ tỏa lan ở Á Đông”

“Thật là tốt khi chúng ta có trước mặt một xứ mà dân chúng không đồng nhất lắm nên có thể dễ dàng áp đặt một pháp chế mới, cũng không có những truyền thống địa phương nên có thể dễ dàng chấp nhận những thay đổi cần thiết sau khi bị chiếm đóng”

Và vì vậy, người Pháp đã có quyết định bỏ chử Nho và dùng chữ Quốc Ngữ, 22-2-1869, gửi các con cái người Việt sang học ở Algérie. Tổ chức nền Học Chánh mới, xây cất đường xá, cầu cống, trường học, nhà thương vv

Cuối cùng thì họ đã hãnh diện đạt được những điều mà họ mong đợi và nghĩ đến chuyện bỏ chế độ bản xứ.

“Sau 50 năm làm thuộc địa và gần 20 năm qua, không có một cuộc nổi dậy nào dù chỉ là nhỏ bé, không có một cuộc bạo loạn nghiêm trọng nào đe dọa hoặc phá rối trật tự công cộng. Dân chúng bản xứ đã nhìn nhận một cách thẳng thắn những quan điểm mang tính chất hòa hoãn mà mẫu quốc đã đề nghị với họ.”

Trích tóm lược bài viết: Chính sách Văn hóa của người Pháp ở Nam Kỳ thời thế kỷ 19. Nguyễn Văn Trung, Báo Đi Tới, số 29, Bộ Mới tháng 1/2000

Cho nên sau này không lấy gì làm lạ khi người Mỹ có mặt ở nơi nào thì CIA có mặt ở nơi đó để bảo đảm an toàn cho đường lối chính trị cũng như chính sách quốc Phòng của họ.

Nhất là sau khi thế chiến 2 vừa chấm dứt khi mà cộng sản Liên Xô bành trướng thế lực của họ bằng cách xâm chiếm các nước Đông Âu. Liên Xô trở thành một mối đe dọa thực sự và mở đâu cho cuộc chiến tranh lạnh. Vai trò do thám, cài người, gián điệp của không thể thiếu được.

CIA trở thành vũ khí hàng đầu của cuộc chiến tranh lạnh

“Năm 1954, CIA đã dính dáng vào việc đảo chính ở Guatemala. 1958 dính dáng bất ành trong vụ phiến loạn 1958 tại Indonésia. Dính dáng việc bầu cử Tổng thống ở Chí Lợi năm 1970, ì sợ Allende đắc cử tổng thống, những công ty lớn thế lực của Mỹ làm ăn ở Chí Lợi như như hãng điện thoại ITT đã chi tiền để ngăn cản việc bầu cử này. Và mặc dầu không dính dáng trực tíếp can thiệp vào nội bộ Chi Lê, nhưng cuộc đảo chánh chế độ của Allende không thể nào không có sự can thiệp của CIA vì CIA sợ rằng chế độ Mác Xít của Allende sẽ trở thành ảnh hưởng nhiễm độc sang các nước như Argentina, Bolivia và Peru.

Còn đối với Liên Xô, Mỹ đã dùng máy bay U-2 từ trên độ cao có trang bị máy ảnh và máy nghe điện tử để giám sát các hoạt động về quốc phòng của Liên Xô ở dưới đất.”

(Trích tóm lược theo The CIA, and the Cult of Intelligence, Victor Marchetti và

John D. Marks, từ trang 30-57.)

Trình bày như trên để thấy rằng chuyện CIA có mặt ở Việt Nam là truyện có thật. Họ có mặt trong các lực lượng cảnh sát đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm, trong các binh chủng như Lực Lượng Đặc Biệt, trong cách chiến dịch như Phượng Hoàng, trong các chiến dịch gửi người ra Bắc và đương nhiên trong các chương trình xã hội, xây dựng nông thôn, báo chí, văn học, nhất là trong các đài phát thanh và phát tuyến ra miền Bắc, v.v…

Họ có thể khuynh đảo, giật dây đứng đằng sau, tài trợ, mua chuộc, khuyến khích. Họ có thể tung tin giả, tuyên truyền, ngay cả tung tin thật mà không cần phải pha chế thêm để tạo dư luận xấu để hạ bẹp đối thủ.

Hơn nữa họ có thể còn thủ tiêu, ám sát, tra khảo, giam tù, biệt xứ tùy tình huống.

Họ có thể bán vũ khí, cung cấp vũ khí, hối lộ và nói dối.

Nghĩa là, họ có thể làm nhiều thứ hợp pháp là phần lớn, nhưng không phải là không có bất hợp pháp.

Vấn đề của ông Lữ Phương là chỉ căn cứ vào một số tài liệu rất giới hạn do tình hình lúc đó, ông đã thổi phồng biến tướng CIA như một con quái vật với chính sách đường lối, nhất là “âm mưu của đế quốc Mỹ.” Ngày nay như mọi người đều biết, hàng ngàn trang tài liệu CIA được giải mật mà cũng không dễ gì để hiểu đầy đủ các hoạt động của CIA.

Cái điều rất phi lý là ông chỉ lên án phía người Mỹ còn phía cộng sản cũng làm như vậy và còn làm tệ hai gấp 10 lần như vậy thì như thể được phép.

Nhưng ông vẫn không nhìn nhận ra tính chất thổi phồng, tuyên truyền trong những nhận định của ông và vẫn tỏ ra ự hào một cách không đáng tự hà. Một lần nữa lại thấy ông lý luận quanh co, lại tư mâu thuẫn, tự bào chữa những điều không thể bào chữa hay không cần bào chữa.

“Những gì tôi trình bày trong cuốn sách này vẫn là suy nghĩ nhất quán của tôi với cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở VN.”

“Chúng tôi vẫn có đầy đủ lý do từ khước mọi cái gọi là “phản tỉnh” về sự chọn lựa đã hình thành trong những năm tháng đó. Ít nhất đó cũng là sự chọn lựa không đi ngược lại với cái tiếng gọi vọng lên từ sâu thẳm bản thân.

Tôi không chê trách sự “xám hối” của bất cứ người cộng sản nào về những điều đã làm lúc bấy giờ, nhưng với bản thân đó là một sự “chiêu hồi” muộn màng, một sự trở cờ đáng xấu hổ. Nó đi ngược bản chất con người của tôi, đi ngược lại những xác tín của tôi khi trở thành cộng sản: đó la một tiếng “không” mang ý nghĩa quyết liệt tới một đế quốc hùng mạnh đã nhân danh một ý thức lòe loẹt để đem nửa triệu quân viễn chinh cùng với một guồng máy giết người khổng lồ vào tàn phá mảnh đất miền Nam của tôi, hủy diệt đất nước tôi, dân tộc tôi.”

Trích Tưởng nhớ một người anh em, đăng trên Viet-studies.

Tất cả cái gì được gọi là CIA thì đối với ông Lữ Phương đều là xấu, đều có âm mưu của đế quốc. Đó là một thứ nhận thức dễ dãi và hời hợt của đám đông không phải thứ nhận thức có chiều sâu nghiêm chỉnh của một người viết nghiên cứu.

Có những nhân vật, những tổ chức, những sinh hoạt được kể là tốt về mặt xã hội thì dưới con mắt của Lữ Phương cũng chỉ là nằm trong chiến lược của Mỹ cả.

Chẳng hạn, các tổ chức của CIA như, USOM, USAID, USIS, Asia Foundation (Quỹ tài trợ Châu Á) bất kể hoạtđộng ở lãnh vực nào như Chương trình phát triển cộng đồng, “Biên cương mới” đều là công cụ của đế quốc Mỹ, đều nằm trong âm mưu xâm lược về văn hóa và tư tưởng ở miền Nam.

Nội việc xử dụng chữ xâm lược gán cho CIA Mỹ rất là khiên cưỡng. Thực dân Pháp xâm lược thì còn hiểu được, còn CIA mỹ xâm lược thì nghe không ổn tý nào. Không thể giản lược, đồng hóa hai chính sách của Pháp và Mỹ vào làm một vì họ có mục đívà quyền lợi khác nhau hoàn toàn.

Vì thế không lạ gì ông viết rất bôi bác như trong trường hợp Bác sĩ Thomas Dooley trong cuốn Deliver us from Evil, NewYork, 1956, dịch ra tiếng Việt là Thoát ly Hỏa Ngục, Ông viết:

“Thomas Dooley, một bác sĩ Hải quân Mỹ, khi đưa tàu sang dụ dỗ những người miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp định Genève, đã dùng câu nói sau đây làm câu đầu tiên để gửi kèm theo cùng với những viên thuốc cảm, những chiếc mền, những hộp sữa cho những người di cư ấy: “Đây là Mỹ quốc viện trợ.” Hắn viết trong một tập Hồi ký: “Chúng tôi phải chứng tỏ lối sống của chúng tôi có nhiều ưu điểm hơn.” Ưu điểm đó như thế nào trong suốt quá tình đế quốc Mỹ can thiệp vào Việt Nam?”

Trích Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Lữ Phương, trang 140.

Đồ viện trợ để nhãn hiệu viện trợ Mỹ phải chăng là điều không chấp nhận được? Bắc Việt nhận bao nhiêu viện trợ của Nga Tầu thì ông nghĩ sao? Chỉ đọc một đoạn trích dẫn nhỏ trên, người đọc có thể nhận ra tính chất tuyên truyền bôi bác khá rẻ tiền.

Asia Foundation giúp bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc thì xấu xa ở chiỗ nào? Ông lôi tên tuổi nhiều nhà văn hóa đáng kính của miền Nam để bôi nhọ. Chiêu bài “Văn Hóa dân tộc” cũng được Lữ Phương chiếu cố đến các vị Giáo sư như Trần Ngọc Ninh, Trần Văn Minh, Lê Văn Siêu, Nguyễn Đăng Thục, Linh Muc Kim Định, Tầm Nguyên, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Văn Kiểm, v.v…

Kim Định làm sao lại có thể gán ghép là tay sai của CIA? Trần Ngọc Ninh, Lê Văn Siêu, Thái Văn Kiểm cũng vậy.

Lữ Phương cho rằng thực chất cái gọi là Văn Hóa dân tộc chỉ là thuộc giai cấp thống trị mà biểu tượng là địa chủ, thày tu, giai cấp tư sản.

Nói càn, nói vơ đũa cả nắm như thế thì hết ý. Ông viết:

“Sách vở báo chí bàn tranh luận về những chuyện như thế có thể chất được thành từng kho (…) Lập ngôn của hàng loạt những người như Ngô Đình Nhu, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Đăng Thục, Vũ Quốc Thông, Nguyễn Duy Cần, Kim Định, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Trung, Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu, Thích Đức Nhuận, Nguyễn Mạnh Côn, Ly Đại Nguyên, Trần Thanh Hiệp, Lê Văn Siêu, Hoàng Sĩ Quý, Nguyễn Ngọc Huy và biết bao tác giả khác nữa.”

Trích sách như trên, từ trang 107-115

Cũng vậy, những tổ chức của sinh viên học sinh thập niên 60, có chương trình được Mỹ gián tiếp tài trợ tài trợ có chương trình không được tài trợ. Có chương trình như Trung tâm huấn luyện Cán Bộ Quốc Gia Vũng Tàu, Trường Công tác xã hội, Trung Tâm Cộng Đồng, Hội Thanh Niên thiện chí, Trường Thanh niên Phụng sự xã hội, Thanh niên sinh viên công giáo, Chương Trình phát triển sinh hoạt Hè (CPS), Thanh Niên PhụcVụ học đường, Phong trào Xây đựng Đời sống mới quận 8, Phong Trào Du Ca, Nguyễn Đức Quang chủ xướng, có nhiều tên gọi tùy nơi như Hồn Nước, Trầm Ca, Con sáo Huế, v.v… Phong trào Về Nguồn.

Lữ Phương đã kết án là “sặc mùi cải lương, mị dân” như “giáo dục cộng đồng”, “văn hóa dân tộc”, “về nguồn”, “cách mạng xã hội.”

“Thực chất đây là một trong những cách thức mà đế quốc Mỹ đã xử dụng để lôi kéo dần chúng đô thị vào những hoạt động “Bình định” của nó.

Trích như trên từ 129-132

Nhưng ngoài những chương trình có tính cách chính trị quân sự như Trung Tâm huấn luyện Cán bộ Quốc Gia Vũng Tàu, những chương trình còn lại do giới trẻ trực tiếp điều hành đều đem lại một bầu khí mới, phấn khởi, vui tươi và lành mạnh cho giới trẻ.

Ngày nay, họ còn ngồi nhớ lại, vun đắp lại những kỷ niệm đã một thời làm nên tuổi trẻ đời họ.

Những chương trình như thế cũng trở thành mục tiêu quy chụp của Lữ Phươngvà gán cho danh nghĩa để: phục vụ những chương trình bình định nông thôn.”

Riêng trường Thanh Niên Phụng sự xã hội của sư ông Nhất Hạnh bị phê phán như sau:

“TrườngThanh Niên phụng sự xã hội đã tập hợp tổ chức các thanh niên Phật tử lại, huấn luyện họ và giao cho họ một lý tưởng biết vì người khác để để họ đi về các miền quê thực hiện những công tác chống lại các tai họa xã hội như nghèo đói, bệnh tật, ngu dốt, vô tổ chức, v.v…”

Trích như trên, trang 139.

Phần đông dân chúng đều hưởng ứng những phong trào như trên vì dem lại phúc lợi cho họ và người Mỹ tạo được một hình ảnh tốt về nước Mỹ.

Phải nhìn nhận là người Mỹ khi tuyên truyền thì thông minh và khéo léo gấp đôi người cộng sản.

Người dân tin người Mỹ hơn tin người cộng sản.

Đối với phần đông người miền Bắc di cư vào Nam thì hình ảnh bác sĩ Dooley vẫn là một hình ảnh của một con người từ tâm, tận tụy, lý tưởng không dễ quên được. Có một người cộng sản nào làm được như bác sĩ Dooley không? Cho nên việc ông bôi nhọ bác sĩ Dooley trong nhiều đoạn trích, nó biến ông trở thành trò hề cho mọi người.

Cái nhìn trung thực về miền Nam những thập niên 1950-1960

Bỏ ra ngoài những luận điệu bôi bác rẻ tiền của Lữ Phương, người ta không nhận ra được tinh cách xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ mà chỉ thấy được cho đến thập niên 60, miền Nam có cuộc sống an bình, ổn định, cónề nếp hành chánh và pháp luập, có giáo dục căn bảtừ tiểu học đến trung học để có thể sống xứng đáng một con người.

Người ta có thể nói gì với một thực tế là miền Nam là một miền đất hứa túc, tự do, đáng sống so với miền Bắcnghèo đói và lạc hậu?

Chỉ một vài con số sau đây cho thấy đời sống miền Nam và miền Bắc khác nhau thế nào!

Về giáo dục

Tiểu học ‒ Niên học 1954-1955, toàn quốc có 1598 trường với 7.000 lớp và 363.160 học sinh. Đến năm 1959-1960 tăng lên 4.418 trường, với 20.109 lớp và 1.001.575 học sinh.

Trung học ‒ Niên học 1954-1955, toàn miền Nam có 29 trường trung ọc với 20.999 học sinh. Nay đã có trường với 62.130 học sinh. Nhưng nếu kể thêm các trường tư thục thì 1954, chỉ có 89 trường trung học tư thục với 22.001 học sinh. Nay đã có 254 trường với 83.498 học sinh.

Chưa kể sự thành lập các trường kỹ thuật, mỹ thuật, các trường Cao Đẳng công chánh, Cao đẳng đẳng điện học, các trường Quốc gia kỹ sư công nghệ, Việt Nam Hàng hải, Quốc Gia thương mại, Quốc gia âm nhạc, Quốc gia Cao đẳng mỹ thuật, các trường sư phạm, cao đẳng sư phạm và Đại học sư phạm, các trường Nông lâm súc.

Việc thâu hồi chủ quyền Đại Học tư tay người Pháp, việc cải tổ chương trình giáo dục, việc phát triển bình dân giáo dục, việc pha”t triển du học như tu nghiệp và du học ngoại quốc tại các nước Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Tây Đức , Nhật Bản, Đài Loan, nhất là Hoa Kỳ.

Trích tóm lược Sáu năm hoạt động của chánh phủ Việt Nam cộng hòa, Hồ Đắc Hân , từ trang 640-672

Người ta có tể lên án chế độ đệ nhất Cộng Hòa là độc tài, là gia đình trị cũng được. Nhưng người ta sẽ phải im tiếng về những thành tích đạt được trong giáo dục, tư pháp, ngoại giao, hành chánh, tài chánh và tổ chức quân đội của miền Nam trong giai đoạn ấy, v.v…

Chỉ cần so sánh một học sinh đỗ tú tài ở Sài Gòn với một sinh viên đã tốt nhgiệp đại học ở Hà Nội sẽ thấy sự cách biệt về tình độ như thế nào? và cụ thể hơn mang một anh bác sĩ “ngụy” so với một bác sĩ “giải phóng” sẽ thấy cuộc xâm lăng về Văn hóa tư tưởng của đế quốc Mỹ nó tai hại như thế nào?

Phần tôi, tôi luôn luôn hãnh diện đã được lớn lên, trưởng thành và rồi trở thành một người trí thức miền Nam trước 1975 như hàng triệu thanh niên khác. Tôi không có gì phải mặc cảm hoặc hối hận về những năm tháng ấy. Và mặc dầu đứng trong hàng ngũ những kẻ thua trận, tôi vẫn có niềm tự hào và hãnh diện về cái miền Nam như thế.

Và nếu đọc thêm tập Hồi ký 200 trang, “Một ngày ở Hà Nội (18-2-1973)” của Thiếu tá Phạm Huấn, người đã đi theo phái đoàn của Ban Liên hợp quân sự 4 bên đi Hà Nội tiếp đón tù minh Mỹ sẽ hiểu rõ cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ như thế nào:

“Nhưng rất tiếc, tôi không hiểu tại sao thủ đô Hà Nội sau 19 năm dưới chế độ cộng sản, bây giờ tiêu điều và xơ xác quá. Không có qua một kiến trúc nào ở Hà Nội từ sau 1954. Tôi không thể ngờ Hà Nội lại tiêu điều quá sự tưởng tượng của tôi. Nhà cửa rất là cũ kỹ, không được sửa sang quét vôi gì hết. Đi trên đường Gia Long, Tràng Tiền, Tràng Thi của Hà Nội mà thấy dân chúng phơi quần áo, cả quần đen, áo mầu cháo lòng trên của sổ thì còn gì là vẻ thanh lịch xưa của phố xá, nhà cửa Hà Nội “

Hà Nội nghèo, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội nghèo đến như thế.

Hà Nội già, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội già đến như thế

Người ta đã làm gì Hà Nội sau gần 20 năm đóng kín cửa Hà Nội, để khi chúng đẩy được cái cánh cửa quá khứ ra. Hà Nội chỉ còn như một cái xác không hồn như thế?

Tất cả những lời khoa trương, dối trá cho Hà Nội, không còn che dấu được cho Hà Nội nữa. Bởi vì Hà Nội đã được nhìn tận mắt của một người yêu Hà Nội, muốn biết sự thật về Hà Nội “

Trích Một Ngày Tại Hà Nội (18-2-1973) , Phạm Huấn

Ngôn ngữ “đao búa” trong cuốn sách của Lữ Phương

Có thể nói nỗi thất vọng lớn nhất của tôi khi đọc tập sách này của Lữ Phương là sự xử dụng ngôn ngữ của loại văn nô miền Bắc chẳng khác gì trong thời kỳ đánh Nhân Văn giai phẩm.

Trong số những người được ăn học trở thành trí thức miền Nam, cũng có hàng ngàn người đi theo cộng sản. Nhưng có thể chỉ dăm ba người xử dụng ngôn ngữ như phường chợ búa là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thế Nguyên, Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương.

Việc đi theo cộng sản là chọn lựa của họ mà nhiều người khác cũng đã làm như vậy. Nhưng chửi bới như phường chửi thuê phải chăng cũng là việc của họ. Nào ai bắt họ phải làm như vậy?

Tôi thu nhặt rải rác đó đây trong toàn bộ cuốn sách để cho thấy rằng thứ ngôn ngữ ấy không thuyết phục được ai và ngược lại có tác dụng phản ngược lại điều mà họ muốn chửi.

Sau đây xin đưa ra một vài tiêu chuẩn làm mốc.

Tiêu chuẩn 1 ‒ Đó là “những chùm chữ nghĩa” được xử dụng một cách máy móc, nhai đi nhai lại như “chủ nghĩa thực dân mới”, “sen đầm quốc tế”, “ Cực kỳ thô bạo”, “Lính đánh thuê”, v.v…

Tiêu chuẩn 2 – Đó là việc đánh giá các sự kiện chính trị dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức “tội ác hóa vấn đề” để phê phán một vấn đề chính trị một cách gian manh và trá hình.

Tiêu chuẩn 3 ‒ Đó là cách thức suy luận “vơ đũa cả nắm”, giản lược và tổng quát hóa một sư kiện cá nhân thành một sự kiện tập thể.

Tiêu chuẩn 4 ‒ Đó cũng là cách viết nhằm tuyên truyền rỗng tuếch, thiếu bằng chứng, thiếu sự kiện và chứng từ.

Tiêu chuẩn thứ 5 – Sử dụng những từ xách mé, hoặc gọi là “nó” là “thằng” làm người đọc cảm thấy khó chịu, mất cảm tình và nghĩ tới người viết thiếu nhân cách của một người cầm bút.

Tiêu chuẩn 6 ‒ Đó cũng là lối suy luận mà kết luận đặt ra trước tiền đề để trở thành một thứ quy chụp vô bằng, thiếu hẳn tri thức luận. Cối cùng chỉ là một mớ những lời chửi bới, lăng mạ mà khả năng tuyết phục người kháclà zéro.

Và sau đây là những bằng chứng dựa trên những tiêu chuẩn vừa kể trên

‒ Chính sách thực dân mới của Mỹ vì thế vừa xảo quyệt tinh vi, nhưng cũng vừa cực kỳhung hăng, thô bạo. (TC 2)

‒ Toàn bộ chính sách văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ với thế giới thứ ba dựa trên chính sách đồng đô la và quả bom (TC2)

‒ Ngoài những lý lẽ phản động. Những thủ đoạn giật giây dư luận.(TC 4)

‒ Những năm đầu tiên dưới chế độ Ngô Đình Diệm mà có người cho là tương đối “yên ổn”, thật ra cũng là những năm ngập máu. (TC 4)

‒ Cách mạng vẫn không yếu đi, ngụy quân, ngụy quyền vẫn không gượng dạy được. Để gỡ khỏi thế bị Mỹ quyết định lật đổ Ngô Đình Diệm, hi vọng sau đó sẽ ổn định tình hình, củng cố được bọn tay sai. (TC 5)

‒ Học viện Quốc Gia Hành Chánh thành một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy hành chánh tối tân nhất Đông Nam A, nhằm để cung cấp cho ngụy quyền những hạt nhân cai trị có ý thức phản cách mạng sâu sắc (TC 2)

‒ Sách báo thị trường vì thế thường là những ấn phẩm sặc sỡ, lòe loẹt; phim truyện đều khai thác những đề tài gay cấn, dễ dãi. Nội dung trong tác phẩm văn hóa ấy phần lớn đều là những truyện giải trí lấy đề tài trong những cái bất thường của xã hội như những truyện tình lãng mạn, nhăng nhít, những xung đột éo le về gia đình, những cuộc phiêu lưu quái gỡ, những tưởng tượng ma quái thần bí, những cuộc chém giết tàn bạo trong các giới cặn bã (TC 2, TC 3). (Đọc đoạn văn này, tôi không nhịn được về sự xuẩn động của Lữ Phương.)

‒ Văn hóa phản động tự nguyện. Thế Uyên là người tiêu biểu cho loại người cầm bút bị đầu độc nặng nề và bị biến thành những kẻ cống cách mạng một cách tự giác. Không kể đến cái nội dung tư tưởng toát ra từ chính bản thân những sản phẩm ấy như cổ vũ nếp sống hưởng thụ sa đọa, kích thích chủ nghĩa cá nhân cực đoan, kích thích đời sống bản năng, tuyên truyền cho những tư tưởng kỳ thị mầu da – các phim về mọi da đỏ, người ta thấy khá nhiều trong loại phim ảnh, sách báo ấy những tư tưởng phản động trực tiếp của chủ nghĩa đế quốc. Nhiều phim trước đây cũng chứa đựng những nội dung dơ bẩn như thế.(…) triết lý hết sức rẻ tiền. Hệ thống ấy đã tạo nên một cơ cấu áp bức và nô dịch quần chúng. (Tất cả mọi tiêu chuẩn ở trên)

Phải công nhận Lữ Phương là một loại học trò thuộc bài nhanh. Chỉ sau mấy năm, Lữ Phương đã xử dụng những từ ngữ chửi bới rất bài bản, nhuần nhuyễn, trơn tuột, không ngượng mồm, dẻo như kẹo kéo xổ ra ông ổng.

Điểm thư hai là tất cả những gì Lữ Phương lên án, chửi miền Nam là đĩ điếm, đồi trụy dộc tài, tham ô, áp bức, nô dịch thì bây giờ chỉ cần nhân lên 10 lần nó sẽ là hình ảnh Việt Nam bây giờ.

Lữ Phương đã chửi dùm chúng ta, chửi miền Nam trước đây để gián tiếp “chửi cha” cái xã hội bây giờ.
————–

Mục đích tối hậu khi Lữ Phương viết cuốn sách này

Viết cuốn sách này theo lệnh Đảng, Lữ Phương nhằm hô hào tận diệtVăn Học miền Nam đồng thời tố giác đích danh một số văn nghệ sĩ cũng như sách báo miền Nam nằm trong chính sách của Đảng.

Về báo chí ‒ Có ba tờ nằm trong đối tượng bị phê phán nặng nề là các tờ Lập Trường (1964, nhóm trí thức Huế), Hành Trình (1964 Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung) và Thái độ (1966, Thế Uyên)

Nhưng xem ra mục tiêu tấn công là nhằm vào Nguyễn Văn Trung với chủ trương: Một cuộc Cách Mạng Xã Hội không cộng sản. Sở dĩ tôi có thể nói dứt khoát như thế vì tờ Hành Trình ra được vỏn vẹn đúng 10 số báo, chưa đầy một năm, tại sao lại trở thành mục tiêu đánh phá hàng đầu trong chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ kéo dài trong suốt 21 năm? Nó có thể có ảnh hưởng lớn lao đến giới thanh niên sinh viên đến thế chăng? Tờ báo có hai người chủ chốt, tại sao một người bị đánh đấm tơi bời, người kia kể như được miễn trừ? Phần Lý Chánh Trung chỉ bị nhắc sơ qua. Phải chăngvì lúc đó ông đã trở thành đại biểu Quốc Hội?

Chính chữ “không cộng sản” trong chủ trươngcủa nhóm Hành Trình này đã làm khó những người chủ trương tờ Hành Trình.

Rõ hơn nữa, cả Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn đều tập trung vào việc phê phán này với hai bài tham luận: Vài ý kiến về các xu hướng gọi là “Cách Mạng không cộng sản ở Việt Nam.” Phần Nguyễn Trọng Văn thì với bài tham luận Chủ Nghĩa Xã Hội KHÔNG Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam thời Mỹ ngụy: Nội dung và ảnh hưởng, 1978.

Riêng trong cuốn sách của Lữ Phương, ông cũng dành nhiều trang để nói lại về vấn đề này. Xin tóm tắt:

“Chúng tôi muốn nói đến tạp chí Hành Trình (in ronéo) do Nguyễn Văn Trung chủ trương, xuất hiện ở Sài Gòn trong những năm 1964-1965. (…) Các vấn đề tôn giáo, chính trị, xã hội mà Hành Trình đề cập thường có nhiều ý kiến khá mạnh mẽ, táo bạo. Phê bình thái độ bảo thủ, đường lối xa rời dân tộc của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Tờ Hành Trình có nhiều bài viết – chủ yếu là những bài của Nguyễn Văn Trung sau này tập hợp lại trong Nhận Định IV và Lý Chánh Trung phê bình các đảng phái quốc gia, phê bình chính sách của Mỹ tại Việt Nam. Thực chất theo tờ báo là một cuộc“nội chiến” và có tinh chất “ý thức hệ.” Theo tờ báo thì “muốn tiêu diệt cộng sản” thì không thể bắt sâu trên lá mà phải giải quyết từ cái gốc của vấn đề, tức là phải chấm dứt những bất công, nghèo đói, phải làm một công việc cực kỳ khó khăn mà nhiều cây bút trong Hành Trình đã nói đi nói lại không ngớt là “mộtcuộc cách mạng xã hội”, cuộc“cách mạng xã hội không công sản.”

Trích sách Lữ Phương, trang 178-179.

Những lập luận “ám chỉ” trên có khác nào bản án chế độ dành cho những người chủ trương Hành Trình?

Việc Lữ Phương khui ra hồ sơ của Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế kỷ 20 được Mỹ tài trợ là truyện có thật nay thì ai cũng đã rõ không cần nhắc lại ở đây một lần nữa. Thế Nguyên viết:

“Bọn làm Văn Nghệ kiểu Sáng Tạo, Vấn Đề, Thế Kỷ 20 là “bọn đánh bạc bịp”, bọn đội lốt làm Văn Nghệ tự do để phục vụ “hệ thống chiến tranh lạnh” của Đế Quốc.

Trích Thế Nguyên, “Văn Nghệ trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh”, Trình Bày, số 9, 1-12-1970. Sách Lữ Phương, trang 184

Phần Nguyên Sa, Trần Bích Lan ngay từ trước 1975, ông cũng đã nói huỵch tẹt là tờ Hiện Đại được tài trợ và thấy chẳng có gì cần dấu diếm cả.

Vấn đề cuối cùng không nhất thiết là được tài trợ hay không tài trợ, vấn đề vẫn là tư cách những nhà văn, nhà thơ ấy không bao giờ trở thành những kẻ “bồi bút” trong Văn Học.

Thơ họ vẫn hay nhất, Văn họ vẫn được độc giả ái mộvì họ được tự do sáng tác.

Và họ có chỗ ngồi xứng đáng trong văn học miền Nam không ai có thể truất ngôi được. Một trăm Lữ Phương có nhân danh Đảng bôi nhọ họ là những người “lính đánh thuê kiểu mới” cũng không thay đổi được gì về danh tiếng của họ.

Về các nhà văn bị Lữ Phương đưa lên dàn thiêu

Mặc dầu Lữ Phương cũng đã cố gắng xếp loại các ại nhà văn theo tiêu chuẩn viết tự nguyện hay vì viết vì miếng cơm, v.v… Nhưng xét ra sự phân loại ấy là giả tạo, không cần thiết. Vì thực ra cuối cùng tất cả bọn họ được bỏ chung trong một rọ.

“Bọn họ có tên là Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Thế Uyên, Dương Nễm Mậu..Hầu hết là những sĩ quan trẻ, “di cư” vào Nam để  “ìtự do.” Hầu hết những người đó nhiệt tâm xây dựng cái miền Nam của Ngô Đình Diệm thành một cái xứ sở “tự do” thtưởng tượng của chúng. Nhưng cái thực tế miền Nam tự do ấy chỉ là xứ sở của những tên độc tài, những bọn tham nhũng, cái xứ sở ấy đầy rẫy những con ông cháu cha, trốn lính, ăn chơi, chuyển ngân, buôn lâu.. toàn là những cảnh tượng làm tức giận và bất mãn..”

“Chiêu bài “cải cách xã hội cũng có tác động đến suy nghĩ đối vớ những sĩ quan trẻ. Trong văn học các thành thị miền Nam sau 1963, người ta thấy xu hướng đó là biểu hiện trong một số tiểu thuyết của Thế Uyên, Nhã Ca, Nguyễn Thụy Long, Dương Nghiễm Mậu. Trong các tiểu thuyết này, các tác giả đã đã cho các nhân vật của họ thở cái hơi “chống tham nhũng”, “tối nát” và mơ tưởng một cuộc cách mạng xã hội.”

Một nhân vật của Dương nghiễm Mậu đã nói:

“Bọn mình còn mắc kẹt lâu, không phải tại mình yếu hơn thằng cộng sản đâu, nó còn yếu hơn mình nữa, phải, nhưng lãnh đạo của mình hỏng, làm hỏng theo hệ thống cán bộ” (Trái nổ trong miệg, Dương Nghiễm Mậu, Khởi Hành số 123)

“Đó là thứ “cách mạng” kiểu thông cáo của Hội Nghị Honolu giữa Mỹ và bọn Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu năm 1968, “cách mạng” của bọn Bình Định nông thôn kiểu Nguyễn Bé, bọn lưu manh kiểu Chu Tử.”

“Đây không phải là một bọn ác ôn mất nhân tính, có thể ăn gan, uống máu đồng loại như những tên đánh thuê thất học bị guồng náychiến tranh làm cho lưu manh hó.”

“Đó là những con thiêu thân trong thành phố mà cuộc sống không có gì khác hơn là yêu đương, nhậu nhẹt. Nguyễn Thị Hoàng nói đến một thứ “Tội thực khoái lạc”, ước gì mình có thể hư hỏng và vui với hư hỏng.” Nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng cùng cực thối nát, chỉ biết gục đầu xuống vũng bùn trác táng. Thanh Tâm Tuyền (Học Đường) thìcho nhân vật chọn lựa được chết tự do”

“Đó là những truyện của những tác giả Dung Sài Gòn, Võ Hà Anh, Lệ Hằng, Trường Kỳ (Tuổi lang thang), Duyên Anh (Điệu ru nước mắt), Nhã Ca, Mai Thảo (Đêm ngà ngọc), Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn (Trong thành phố, Giờ ra chơi).”

Những nhân vật truyện này đều mang trong cặp hoặc dán trên tường những thần tượng như R. Shneider, Sandre Dee, Alain Delon, John Haliday, Sylvie Vartan.

Trích tóm lược phần Những người lính đánh thuê kiểu mới và những con thiêu thân trong thành phố từ trang 187-198

Kết Luận

Thật ra khi nhìn lại miền Nam từ 1954-1975, tôi nhận thức rõ ràng cái quan điểm cho rằng có một Cuộc xâm lăng về Văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam là một quan điểm hoàn toàn cưỡng chế, áp đặt vô bằng không sát với thực tế miền Nam.

Lữ Phương và Đảng cộng sản Việt Nam đã bắt tất cả con dân miền, đặc biệt các người trí thức, các nhà văn trở thành con tin cho một chính sách chính trị mà họ hoàn toàn không có trách nhiệm gì.

Người viết có thể khẳng định rằng hầu hết các nhà trí thức và nhà văn thế hệ 54 và sau 54 tính đến năm 1970 đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Văn Hóa Pháp chứ không phải Văn Hóa Mỹ. Các tờ báo như Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Thế Kỷ 20, Văn, Đại Học, Quê Hương đều là sản phẩm của trí thức nhà văn xuất thân từ trường Pháp, văn hóa Pháp.

Các nhà văn thế hệ thứ nhất như Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Minh Đức Hoài Trinh,Thanh Nam, Thảo Trường, Tô Thùy Yên, Tạ Tỵ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Võ Phiến, Tam Ích, Nguyên Sa Trần Bích Lan và hấu hết các trí thức giáo sư trong các đại Học Văn Khoa, Luật Khoa, Quốc gia Hành Chánh, Y Khoa đều ảnh hưởng trực tiếp văn hóa Pháp.

Khó kiếm ra một vài ngườicủa bọn họ nằm trong quỹ đạo tay sai trong chính sách xâm lăng về Văn Hóa và tư tưởng của Đế Quốc Mỹ.

Các nhà văn thế hệ thư hai như Nguyễn Thị Hoàng, Duyên Anh, Thế Uyên, Dương Nghiễm Mậu, Chu Tử (Viết văn muộn), Nguyên Vũ, Văn Quang, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Lê Xuyên, Túy Hồngvẫn mỗi người là một thế giới riêng mà không có bất cứ một áp đặt dù gián tiếp hay trực tiếp trên công việc sáng tác của họ.

Họ sáng tác trong tự do, theo ý họ. Đó là điều mà Lữ Phương cố tình bỏ quên.

Lữ Phương còn cố tình không nhắc tới Văn học dịch mà thị phần sách dịch sau 1970 chiếm đến 70% sách in và xuất bản tại miền Nam Việt Nam, trong đó sách dịch tiếng Mỹ chỉ có 273 đầu sách, sách Pháp chiếm ưu thế với 499 đầu sách và sách Hồng Kông 358 đầu sách.

Trích Văn Hóa, Văn NghệNam Việt Nam 1954-1975, Trần Trọng Đăng Đàn, trang 427.

Nếu quả thực có chính sách về sự Xâm lăng văn hóa và tư tưởng của Đế quốc Mỹ thì thị phần sách dịch của Mỹ phải có số lượng cao nhất?

Ấy là chưa nói dịch giả đã phải chọn dịch thứ sách dịch gì phù hợp cho Chính sách xâm lăng Văn Hóa và tư tưởngtrong số 273 đầu sách tiếngMỹ?

Cho đến bây giờ hiện còn nều người thuộc lớp nhà văn thế hệ di cư cũng như lớp nhà văn thế hệ thứ hai hiện sống ở Hải Ngoại có thể xác nhận điều nhận xét của tôi là đúng.

Còn nếu nói đến ảnh hưởng của tư trào văn hóa ngoại lai nếu có đi nữa thì thật sự họ đã đã chịu ảnh hưởng triết lý Hiện sinh của Pháp mà người Mỹ hầu như không biết tới. Những tư tưởng sùng bái chủ nghĩa cá nhân, những tâm trạng cô đơn, chán đời, những ý tưởng hỏi về ý nghĩa đời sống, những lối sống buông thả, những hưởng thụ bất cần, những đòi hỏi tự do tuyệt đối ngay cả chọn tự do cái chết của mình như trường hợp thi sĩ Quách Thoại hay Thanh Tâm Tuyền đều là những sản phẩm rớt lại từ triết lý Hiện Sinh. Về những điều này, người viết đã có những bài như 20 năm triết lý Hiện Sinh ở Miền Nam, 20 năm Văn học dịch miền Nam và nhất là Những đứa con hoang của J.P. Sartre.

Xin khỏi nhắc lại.

Người Mỹ có thể đổ quân ồ ạt vào Việt Nam, người Mỹ có thể áp đặt một đường lối chính trị trên chính quyền miền Nam.

Nhưng tư tưởng học thuật Mỹ chưa có cơ hội bám trụ vào Việt Nam bao giờ cả. Họ không muốn làm hay họ có muốn làm cũng không làm được vì thời gian không đủ để Văn HóaMỹ có đủ ời gian thấm nhẫm vào Việt Nam.

Một vài cuốn truyện dịch, một vài cuốn phim, một vài mốt ăn mặc cùng lắm chỉ nhằm giới thiệu vài khía cạnh đời sống văn hóa Mỹ. Nhưng một chính sách xâm lăng bằng quân sự cũng đã không có, làm sao có thể có ột cuộc xâm lăng bằng văn hóa?

Thời Điểm in cuốn sách: 1981

Chính sách truy lùng và quét sách văn hóa phản động à đồi trụy tiến hành khoảng hai tháng sau khi xâm chiếm miền Nam. Lữ Phương có đủ thời gian là 6 năm trời để thấy được chính sách tàn bạo ấy và ông đã “quyết liệt chống đối chừng nào cho ra lẽ mới thôi, vì đó là sinh mệnh của cả một nền văn hóa.”

Vậy thì vì lẽ gì, 6 năm sau, ông cho xuất bản cuốn sách, 1981

Ông cắt nghĩa ra sao về việc xuất bản này? Phải chăng những điều ông viết trong nhật ký về giai đoạn này là chỉ nhằm mục đích chạy tội, trốn trách nhiệm?

“Tất cả những gì tôi góp phần vào cái gọi là chính sách cải tạo văn hóa ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chỉ có vậy, và chỉ có vậy mà thôi.” (Đọc và phân loại sách, Lữ Phương).

Trích Tưởng nhớ một người anh em, đăng trên Viet-studies.info

Chỉ có vậy mà lòi ra 6 năm sau có cuốn sách như trên? Viết như thế thiì có điều chi che dấu và không thật?

Đọc trang tài liệu tác phẩm của Lữ Phương tìm ra sự che dấu…

Khi tôi đọc trang tài liệu những bài viết của Lữ Phương, khoảng 40 bài viết mà phần lớn là những bài viết thuộc loại “Không đồng ý với Đảng” như phê phán chủ nghĩa Mác và phê phán về lai lịch và nững huyền thoại về Hồ Chí Minh.

Những bài viết có tính “phản biện” này thì ông phô trương ra. Những bài viết ngay sau 1975 thì ông dấu nhẹm? Tại sao thế?

Từ chỗ đó tôi nhận ra có hai ghi chú đáng được nêu ra ở đây:

‒ Thường thường, người ta xếp những bài viết đầu tiên, xuất hiện sớm nhất rồi đến các bài xuất hiện sau. Ngược lại thông lệ đó, phần danh sáu bài viết ghi: Những bài viết trước 1994. Để trống như vậy và ai muốn hiểu thế nào thì hiểu… Trước 1994 có nghĩa gì? Dừng lại ở năm nào? Tại sao dừng lại? Tại sao không bày hàng ra hết? Chúng cũng là tác phẩm của ông nào phải thứ con hoang?

‒ Rồi trên đầu trang giấy, có ghi chú một dòng chữ rất nhỏ: “đượng xây dựng, những bài còn thiếu sẽ được bổ túc dần dần.”

Tôi thấy rõ ràng những bài viết thuộc loại “chính thống, hùa theo đảng” thì đều dấu hết. Như bài: Vài ý kiến về các xu hướng gọi là “Cách Mạng Xã Hội không cộng sản” ở miền Nam trước đây. Và hai cuốn sách Mấy vấn đề Văn Nghệ và nhất là cuốn Cuộc Xâm Lăng về Văn Hóa và Tư Tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam (NXB Văn Hóa, Hà Nội 1981) đã cố tình không được nhắc tới.

Nhưng nếu thực sự ông muốn “khai tử” chúng thì cũng là điều đáng mừng mà người viết mong đợi. Và nếu đúng là như thếthì xin đừng khăng khăng ngoan cố viết như thế này:

“Tuy vậy sau bao nhiêu năm ngẫm nghĩ, cho đến bây giờ, khi đọc lại, tôi vẫn không hề có ý định coi toàn bộ cuốn sáchấy như một dấu tíchcủa quá khứ cần phải phủ định. Đã có đủ lý do để khước từ việc “phản tỉnh”với công việc hành chánh có liên quan đến công tác phân loại sách thì đối với công trình mang tính cách cá nhân này, tôi lại càng không có lý do gì để coi nó là đứa con hoang của mình.”

Trích Tưởng nhớ, như trên, trang 5

Vậy thì chúng ta chỉ còn mong đợi tác giả mang đứa con không phải là con hoang cho mọi người được dịp đọc. Mong vây thay.

Một câu nói chót gửi đến Lữ Phương là Hãy sống thật với những suy nghĩ của mình.

Chính sách tiêu diệt, truy lùng Văn học miền Nam là một lỗi lầm mang tính lịch sử rồi. Nó đã tỏ ra thất nhân tâm và thất bại hoàn toàn.

Thật vậy, sau 5 đợt tàn quét tàn bạo, lục soát và đưa đi cải tạo hơn 200 nhà văn, nhà thơ miền Nam, sách cũ miền Nam vẫn tồn tại. Và không gì hơn xin trích dẫn nhận xét đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn của Đinh Trần Phương Nam như kết luận bài này:

“Các hoạt động của chúng ta vừa qua thật rầm rộ, thật phong phú, thật đa dạng, xong các loại sách báo phản động, đồi trụy đã bị quét hết chưa. Xin thưa ngay là chưa. Bởi vì nó vẫn chuyền tnhau đọc công khai ở các sạp hàng bán chợ trời, ở cáclề đường, trên tay cô bán hàng, nằm ẫn trong sách của các em học sinh, nằm trong mùng mền của nhiều cô bácchưa muốn thực sự đoạn tuyệt với lối sống cũ, ới hệ tư tưởng và tình cảm cũ. Nếu muốn nói thêm gì thì phải nói thế này: Sách báo cũ của miền Nam không nằm trong tay cô bán hàng, không nằm trong mùng mền của bà con cô bác, không nằm lẫn trong sách vở học trò, nhưng nó là món ăn tinh thần, là niềm tin, là niềm an ủi, là linh hồn, là cuộc ống cũ của người dân miền Nam. Họ đã mất tất cả:tiền bạc, nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, tín ngưỡng, tự do, tình nghĩa anh em bà con ruột thịt phân tán, lớp ù đầy, lớp cải tạo, lớp di tản.

Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ người dân phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát như vậy dù dướichế độ phong kiến hay thực dân. Cái mà họ còn, họ muốn giữ là di sản Văn hóa, là món ăn tinh thần mà người cộng sản không bao giờ cướp được của họ.”

Trích báo Đại Đoàn Kết, số ngày 10/11/1982.

Trích lại trong Văn Học Việt Nam dưới chế độ cộng sản của Nguyễn Hưng Quốc.

Trích lại trên chính bài viết của tác giả: Về chính sách của Hà Nội đối với Văn học miền Nam