Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Phan : LÒNG TRẮC ẨN -- trích . https://t-van.net/author/phan/

 logo t-van

Phan: LÒNG TRẮC ẨN

 
 
 
 

Sen – Tranh: MAI TÂM

Đã bao giờ bạn cầu nguyện một điều gì chưa? Hầu như trong chúng ta, ai cũng đã từng chắp tay cầu nguyện một điều gì vì lòng trắc ẩn khi nhìn cảnh hoang tàn đổ nát ở dải Gaza, vạn gia đình bồng bế nhau chạy giặc, những nấm mộ ven đường gợi nhớ quê xưa. Bạn thầm cầu nguyện bình an cho những người khốn khổ được trở về nhà. Tôi nhìn những người lính trẻ dưới giao thông hào tuyết đá lầy lội của trận chiến đang cam go giữa Ukraine và Nga, tôi nhớ chiến tranh ở quê nhà nên thầm cầu nguyện ơn trên che chở cho những người lính vì họ còn quá trẻ. Bạn cầu nguyện cho những người không quen biết đang bị động đất ở đâu đó trên địa cầu được bình an trở về nhà. Tôi cầu nguyện cho cơn sóng thần khủng khiếp tiếp diễn đổ vào hoang đảo, đừng đổ vào những thành phố ven biển đông dân cư, nơi tôi chưa từng nghe hay biết đến địa danh đó trước khi xem tin tức trên tivi… Nhưng đã bao giờ tôi và bạn suy nghĩ về hành vi của mình với những người không quen biết, những nơi chưa từng nghe tên hay đến đó bao giờ.

    Bạn có biết mỗi ngày trên trái đất có bao nhiêu người đã cầu nguyện cho bạn được bình an? Bạn không biết được, bạn cũng không nhớ hết những lần bạn đã cầu nguyện cho người không quen. Nhưng những người được bạn cầu nguyện cho, họ có được gì không? Và bạn, có được gì không trong mỗi ngày không biết bao nhiêu người đã cầu nguyện cho bạn? Vậy bạn và những người không quen đã cầu nguyện cho nhau – vì lẽ gì? Hầu như dân tộc nào cũng có văn hoá tốt đẹp ở điểm không muốn đồng loại bị khổ đau nên nghe tin bên Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất, phản xạ của người Mỹ, người Việt, người mù, kẻ sáng mắt giống nhau là ngước lên trời, Xin Ơn Trên…

   Bạn có thể nghĩ sâu xa theo kiến thức, hiểu biết riêng của bạn về cầu nguyện. Tôi nghĩ đơn giản là lòng trắc ẩn bẩm sinh trong mỗi sinh mệnh đều như nhau, không ai muốn người khác bị khổ đau, bất chấp màu da, tiếng nói. Vậy bẩm sinh là gì? Trong sinh học dễ hiểu như người bị bệnh tim bẩm sinh là chưa chào đời, trái tim thai nhi còn trong bụng mẹ đã có vấn đề. Nhưng bẩm sinh về triết học, thần học là bệnh nhân loại, bệnh thấy người khác khổ đau thì mình cũng cảm thấy khổ đau, không kể màu da, tiếng nói… thấy đứa bé da đen, da trắng không quan trọng, chỉ thấy nó cười như hoa nở khiến ta vui. Ta khổ vì lòng trắc ẩn khi thấy đồng loại hoạn nạn, ta hạnh phúc theo tiếng cười vô ưu của em bé không quen. Hai trạng thái của lòng trắc ẩn đều dẫn đến một hành vi là cầu nguyện. Ta cầu nguyện cho người khổ đau bớt khổ đau, ta cầu nguyện cho nụ cười em bé mãi hạnh phúc trong cuộc đời nó. Thực tế hơn, bạn ăn bữa ăn hè phố rất ngon miệng vì khác không khí trong phòng ăn nhà bạn nên ngon chứ thức ăn chưa chắc ngon bằng bạn tự nấu ở nhà. Bạn ăn bữa ăn hè phố sẽ bớt ngon nếu có quá nhiều trẻ em chờ chực thức ăn thừa từ bạn. Bạn không trở lại quán xá nào đó vì người chủ quán đánh đuổi đám trẻ ăn mày dã man quá… Bạn lại cầu nguyện cho chúng có một nơi nương tựa. Đã bao giờ bạn tự hỏi bạn cầu nguyện cho sự đau lòng đừng tiếp diễn nữa, hay là bạn đối phó với lòng trắc ẩn trong bạn bằng cách cầu nguyện? Bạn có nghĩ, thiện tâm bạn cầu nguyện cho đồng loại được bình an thì đã có nửa phần trong nguyện ước là bình an của bản thân bạn vì lòng trắc ẩn trong bạn sẽ không đánh gục bạn vì ai mà sống nổi với mỗi ngày toàn thấy đau lòng, tang thương. Đi xa hơn chút nữa khỏi lý luận bảo vệ bản thân hay còn gọi là tự vệ, bạn sẽ nhận ra sự phó thác cho ơn trên vì bạn đã lực bất tòng tâm. Điều này khó kiểm chứng vì ai cũng chỉ hiểu được lòng mình thôi nên ai mà biết người kia có đúng là lực bất tòng tâm nên cầu nguyện cho toàn nhân loại.

   Tôi không dám tranh luận với bạn về cầu nguyện và lòng trắc ẩn, nhưng theo tôi những lời cầu nguyện cho người, cho mình, không ngoài giá trị giảm nhẹ, nếu xua tan được lòng trắc ẩn bên trong càng tốt. Nếu mắt không thấy sự đau lòng thì bạn có cầu nguyện không? Chẳng ai chắp tay xin ơn trên cho động đất, sóng thần, đói nghèo, chiến tranh và dịch bệnh. Tất cả lời cầu nguyện đều mong ơn trên đem những tai ương ấy đi xa và mãi mãi đừng trở lại. Nhưng không có ơn trên nào cho bạn thỏa nguyện được nên những điều đau lòng vẫn tiếp diễn, lòng trắc ẩn của bạn vẫn song hành với khổ đau bất tận của con người. Và vì thế chúng ta có một Đức Phật và lộ trình giải thoát khỏi luân hồi.

   Tôi không có ý lật đổ niềm tin hay những lời cầu nguyện vì sự tương tác của cầu nguyện và lòng trắc ẩn song hành. Nếu bạn và tôi không có lòng trắc ẩn thì chúng ta đã dám làm bao nhiêu chuyện động trời vì không có lòng trắc ẩn thì sợ gì lòng trắc ẩn hành hạ đến chết chúng ta. Nhưng nếu không có thiện tâm để cầu nguyện cho muôn loài được bình an thì chúng ta bước ra đường là chém giết hết mọi sinh linh cho đến sinh linh cuối cùng mạnh hơn ta, kết liễu đời ta. Không có lòng trắc ẩn khi chứng kiến cảnh đau lòng thì con người đã không ngại gây ra tội ác. Phải chăng cầu nguyện là thuốc an thần của lòng trắc ẩn? Cầu nguyện cho người là chữa thương lòng trắc ẩn cho mình, và người cũng thế.

   Rất khó khi dặn lòng đừng cầu nguyện nữa khi đời sống rất ít người không cần bất cứ sự giúp đỡ nào về vật chất nhưng họ vẫn cầu nguyện cho họ giàu hơn nữa, họ cầu nguyện sự trường thọ để tận hưởng gia tài kếch xù của họ. Người nghèo khổ đến xin chết cũng không được khi không còn đường sống. Tôi đã xem người mẹ, người bà ở dải Gaza ôm những đứa cháu vào lòng và gào lên trước ống kính truyền hình, “Hãy giết chúng tôi đi. Chúng tôi không còn chịu nổi cảnh sống này…” Tôi không bàn đến nguyên do của chiến tranh nổ ra, chỉ đặt giả thuyết. Nếu khủng bố Hamas không tấn công Israel ngày 07 tháng 10 năm 2023 thì Israel không có lý do gì tấn công vào dải Gaza để tiêu diệt Hamas. Nếu những người mang danh thánh chiến có lý trí thì họ đã tiên liệu được sự trả đũa của Israel chứ! Họ thừa biết sự thống khổ không nhà, không lương thực của người dân trên dải Gaza khi chiến tranh nổ ra. Nhưng họ là Hamas, nhân loại không thể thiếu họ để đồng loại biết đường mà phân biệt đức tin và cuồng tín. Ông Lê Nin nói, “Tôn giáo là thuốc phiện của người dân” để ngụy biện cho chủ nghĩa vô thần mà ông ấy tín thác, nhưng câu này đặc biệt đúng với cuồng tín. Trong khi tôi từng đọc được một triết gia người Pháp thế kỷ 17 lại nói, “người ta chỉ hơn nhau một đức tin…”

   Suy ra con người chỉ khác nhau ở lòng trắc ẩn bao lớn? Nếu không đem hạnh phúc đến được cho người khác thì xin đừng làm khổ họ đã là người có lòng trắc ẩn. Suy ra con người không có ai không cần sự giúp đỡ vì người giàu cũng khóc nói chi người nghèo, người trên vạn người còn khóc thì nói gì vạn người phía dưới. Quyền lực hay giàu có, nghèo hèn với vô danh trước mắt Thượng đế là bằng nhau, hơn nhau ở đức tin hay vô thần mà thôi. Nhưng nói gì thì con người cũng khác hết muôn loài ở đức tin, niềm tin tôn giáo chưa bao giờ phản bội người có đức tin. Cũng chưa hề có môt tôn giáo nào hướng tâm con người đến tội lỗi, hay giết hại đồng loại. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho mọi sinh linh được bình an trong cõi đời ngắn ngủi đã bị trói buộc trong quy luật sinh trụ hoại diệt của vũ trụ, trong kiếp người sinh lão bệnh tử…

   Nhưng chúng ta cũng nên bỏ ra ít thời gian để suy nghĩ về cầu nguyện biến thái đương đại khác với bản chất của cầu nguyện mà chúng ta quen hiểu theo đời trước chứ không phải suy nghĩ cá nhân. Thấy tai nạn xe trên đường không phải hiếm nên tự nhiên ta thốt nên lời, “vái trời cho đừng có ai bị sao hết…” Phản xạ vô điều kiện ấy đã di truyền qua nhiều đời nên ta làm theo cha ông ta từ xa xưa, ta không có suy nghĩ về phản xạ của chính mình. Có những cầu nguyện đơn giản như người mẹ xin ơn trên che chở làn tên mũi đạn cho con trai bà ngoài chiến trận vì việc ấy ngoài sức người mẹ. Cầu nguyện là xin ơn trên ban phát cho điều gì đó ngoài sức người, như cầu nguyện cho chiến tranh Ukraine và Nga chấm dứt vì quá nhiều người vô tội đã chết. Người cầu nguyện không chấm dứt được cuộc chiến, dù cuộc chiến không ảnh hưởng đến cuộc sống của người cầu nguyện nhưng lòng trắc ẩn với đồng loại của người cầu nguyện đã dẫn tới hành động xin ơn trên. Ai cũng sẵn lòng cầu nguyện cho người tàn tật có cái xe lăn để không phải bò lết trên đất lạnh. Cầu nguyện cho người Ấn Độ sớm xoá bỏ giai cấp xã hội để hoà đồng vào thế giới văn minh. Cầu nguyện cho người châu Phi có lương thực, nước sạch để dùng… Cầu nguyện cho người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng sớm được tự do.

   Những lời cầu nguyện mang bản sắc nhân văn, tình đồng loại vô vụ lợi, nhưng có lời cầu nguyện nào thành hiện thực không? Hay những lời cầu nguyện ấy chỉ xoa dịu được phần nào lòng trắc ẩn của người cầu nguyện. Rồi mọi việc vẫn nguyên như cũ khi mắt không nhìn thấy cảnh đau lòng nữa, trí không nhớ những việc không thuộc về mình gần như là mặt trái, sự thật của lòng người… Và điều thật hơn là thần thánh chỉ đưa ra giáo lý, giáo pháp cho chúng sanh giác ngộ, tỉnh thức. Thần thánh không sở hữu quyền năng hay tài sản nào trong vũ trụ thì lấy gì để ban phát cho người cầu nguyện. Tuy chúng ta có rất nhiều giai thoại về Phật Bà hay Đức Mẹ xuất hiện ở đâu đó để phổ độ chúng sanh, cứu khổ cứu nạn… Nhưng giai thoại muôn đời vẫn là giai thoại. Giai thoại về đức tin không hại người lành, ví như trên con thuyền vượt biên, một người thấy Đức Mẹ hiện thân chống đỡ gió bão cho con thuyền như chiếc lá trên biển khơi sóng to gió lớn, hệ quả là mọi người trên thuyền lên tinh thần, vững niềm tin và đoàn kết với nhau hơn. Nhưng một kẻ tham lam mà nghe tin Phật Bà hiển linh ở rừng sâu núi thẳm để giúp con nai con mắc bẫy thì gian khổ mấy người tham cũng mang lễ vật đến nơi để cúng tế Phật Bà. Chắc chắn lời cầu nguyện của người ấy là vốn lẫn lời chứ không có chuyện chỉ tạ ơn Phật Bà đã cứu con nai. Những người thực dụng còn mặc cả luôn với Đức Phật, Đức Chúa. Họ không ngại nói lời tạ lễ hoành tráng sau khi cầu được ước thấy với thần thánh.

   Nhưng ai đủ bình tâm suy nghĩ thử xem, Đức Mẹ đủ sức mạnh chống đỡ gió bão ngoài biển khơi thì sức mạnh đó hẳn là siêu nhiên, và Đức mẹ có sức mạnh siêu nhiên thì hô mưa hoãn gió, đâu cần hiện thân làm gì! Phật Bà nhìn thôi Tôn Ngộ Không đã khiếp vía, trong khi Tôn giả có bảy mươi hai phép thần thông mà sợ Phật Bà đến vậy thì đủ biết sức mạnh siêu nhiên của Phật Bà là vô song. Ngài nhìn thôi thì cái bẫy sắt thép hoá thành nước, con nai con tiếp tục rong chơi… Giai thoại không làm hại ai, có hay không cũng đều hướng người ta tới hy vọng.

   Trở lại với đời thường để thấy ý nghĩa của cầu nguyện. Ai cũng cầu nguyện trở thành giám đốc công ty càng lớn càng tốt nên thiếu quan hoài đến mấy ông tỷ phú bằng da bằng thịt không cho chúng ta gì ngoài sự bóc lột sức lao động của chúng ta. Nhưng chúng ta cầu nguyện để được như họ, trở thành họ là sao? Giàu là bằng chứng của thông minh cộng với may mắn, khi điều kiện ắt có và đủ thì chúng ta giàu. Ở đây nói về lòng trắc ẩn để đâu hay buông bỏ quá dễ cho những giá trị thấy được.

   Đến đây đã rõ thần linh không có gì để cho chúng ta ngoài giáo lý, giáo pháp của các ngài đã chứng thực bằng khổ hạnh mà các ngài từng trải qua. Đức Chúa có thể bỏ trốn trước khi bị đóng đinh trên thập giá, nhưng ngài không làm để dùng đau khổ xác thân ngài mà thức tỉnh chúng ta đừng ngập mặt trong tội lỗi nữa. Đức Phật không nhờ bát sữa tỉnh thức thì chúng ta đã không có Đức Phật. Ngài là người vô sản từ khi thoát ly gia đình đến khi quán triệt được luân hồi. Ngài là người vĩ đại với sự thông minh và ý chí vượt khó. Ngài nói gì với chúng sanh, “ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Thay vì hiểu phật tánh có sẵn trong bẩm sinh mỗi người, hãy cố gắng tu luyện như ngài thì thành Phật. Người ta lại đi thờ ngài để cầu nguyện, van xin chứ không tu thân luyện pháp. Khi còn tại thế ngài đã trắng tay thì khi lên niết bàn ngài còn gì ngoài mây trắng bay mà cho phật tử, ngoại đạo tín thác ngài… Khác nào ngài chỉ cho con đường giải thoát khỏi ngục tù sinh lão bệnh tử của kiếp người. Ngài không bảo ai thờ ngài thì chúng ta đi xây chùa to, đúc tượng lớn rồi xì xụp lạy, cầu nguyện ngài ban cho phú quý, sức khoẻ, trường thọ… toàn những thứ ngài đã vứt bỏ để đi tu vì cuộc sống nhung lụa chốn cung đình là khổ chứ không phải hạnh mà ngài đã quán chiếu được.

   Một chiều xuân ngồi nhìn cây sồi đầy nụ thì hôm sau hoa sồi đã rụng vàng sân. Lá rồi xanh cho chim chóc về có nơi trú nắng, lá sẽ vàng khi trời trở lạnh sang thu, lá sẽ rụng theo những bông tuyết đầu mùa… cành lại trơ trọi lá tới mùa sau theo vòng sinh trụ hoại diệt của vũ trụ. Người ngồi nhìn thân cây già cỗi trong vòng sinh trụ hoại diệt của đời cây sồi cũng giống như vòng sinh lão bệnh tử của người nhìn. Thuyết luân hồi trước mắt, những hạt rơi mùa trước đã mọc cây con, những đứa bé con của người nhìn đã trưởng thành. Vậy là cây và người đều đã không tìm được giải thoát trong kiếp này nghĩa là tiếp tục luân hồi. Nhưng không cầu nguyện Đức Phật, Đức Chúa giải thoát vì sự giải thoát đích thực là tự giải thoát, không ai can thiệp vào sinh mệnh người khác được khi mỗi sinh mệnh là một chủ thể độc lập trong vũ trụ này.

Phan

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ