' Về chốn thư hiên ' xem sách quý / Lam Điền / Tp.HCM -- trích : tuoitreonline / tphcm>
‘Về chốn thư hiên’ xem sách quý
TTO - Giới chơi sách sẽ được chiêm ngưỡng bản đặc biệt Vang bóng một thời in lần đầu năm 1940 trên giấy dó lụa còn nguyên 5 phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, tại Đường sách TP.HCM sáng 8-9.
Đây là một phần nội dung của triển lãm Về chốn thư hiên do Quán sách Mùa Thu phối hợp cùng các "tay chơi" trong giới sưu tập sách đồng tổ chức, diễn ra tại Đường sách TP.HCM từ ngày 8 đến 10-9.
Bản Vang bóng một thời này từng là sách quý hiếm của một nhà sưu tập có hạng, sách do nhà Tân Dân ấn hành, có chữ ký và thủ bút đề tặng của Nguyễn Tuân.
Về chốn thư hiên được xem như dịp hội ngộ của các bản sách đặc biệt, quý hiếm, trong số này nhà văn Nguyễn Tuân ngoài quyển Vang bóng một thời kể trên còn quyển Quê hương ấn bản đặc biệt của nhà Anh Hoa, xuất bản lần đầu năm 1940, cũng có thủ bút và chữ ký của tác giả.
Bên cạnh đó là 13 quyển sách đặc biệt, nhiều quyển được giới sưu tập đánh giá là "lâu nay chỉ nghe chứ chưa thấy", như:
- Lều chõng của Ngô Tất Tố, bản đặc biệt in trên giấy dó, có chữ ký của tác giả.
- Ngồi tù khám lớn của Phan Văn Hùm do nhà Bảo Tồn in lần đầu năm 1929, bản này sau khi in ra bị cấm nên cả giới sưu tập và giới xuất bản muốn in lại cũng ít ai tìm được.
- Nằm vạ của Bùi Hiển bản in lần đầu năm 1942 của nhà Đời Nay trên giấy dó lụa, với lời đề của Bùi Hiển tặng Vũ Ngọc Phan, và tác giả còn tự tay sửa các lỗi trong sách.
- Trọn bộ 18 số Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký, in từ năm 1888 đến 1889.
- Hai quyển của Chu Thiên bản in lần đầu là Nhà nho (Á Châu, năm 1943) và Bút nghiên (Hàn Thuyên, 1942).
- Bộ 3 quyển Kim Vân Kiều tân truyện của dịch giả Abel Des Michels xuất bản năm 1884-1885, gồm hai cuốn ngôn ngữ Việt - Pháp và một cuốn chữ Nôm.
- Tập di cảo Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử bản in lần đầu của nhà Ngày Mới năm 1944.
- Vàng sao (Chế Lan Viên, Tân Việt xuất bản lần thứ nhất năm 1942).
- Trường ca (Xuân Diệu, Thời Đại xuất bản lần đầu năm 1945).
- Khảo luận về Kim Vân Kiều (Đào Duy Anh, Quan Hải Tùng Thư xuất bản lần thứ nhất năm 1943).
- Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh, Quan Hải Tùng Thư xuất bản lần thứ nhất năm 1938).
- Nhơn tình ấm lạnh (Hồ Biểu Chánh, Thạnh Thị Mậu in năm 1928).
Một điểm nhấn của triển lãm lần này là cuộc tọa đàm chủ đề "Ngành xuất bản Việt Nam hiện nay - Thực trạng và triển vọng", lúc 8h30 ngày 10-9, với diễn giả là Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
Ông Vương Trí Nhàn sẽ phân tích về tình hình đời sống thực tế của ngành xuất bản hiện nay trong tương quan so sánh với sự phát triển xuất bản của nhiều quốc gia khác.
Dự kiến ông sẽ cung cấp nhiều thông tin về lịch sử xuất bản ở Việt Nam thời trung đại và thời Pháp thuộc cũng như những ảnh hưởng của một số đời sống xuất bản các nước đến Việt Nam.
Trong khuôn khổ triển lãm, một phiên đấu giá sách hứa hẹn đầy hào hứng sẽ diễn ra vào sáng chủ nhật (10-9) với các bản sách đưa ra đấu gồm 4 quyển:
- Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài (tác giả Lê Nguyễn).
- Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885 (Lê Tiến Công).
- Kẻ trộm sách (Tác giả M. Zusak, Cao Xuân Việt Khương dịch).
- Người xa lạ (Tác giả Albert Camus, Thanh Thư dịch).
Tất cả đều có thủ bút và lời đề tặng của tác giả hoặc dịch giả. Quyển Nằm vạ của Bùi Hiển trưng bày ở trên cũng được đưa ra đấu giá tại phiên này.
Theo thông tin từ Quán Sách Mùa Thu, toàn bộ số tiền thu được từ phiên đấu giá sách sẽ đóng góp cho chương trình thành lập Thư viện Nguyễn An Ninh - một dự án của quỹ Hoa Sen.
Thư viện Nguyễn An Ninh sẽ là nơi tập hợp toàn bộ tác phẩm, di sản của cụ Nguyễn An Ninh, hình ảnh, tài liệu gốc bằng tiếng Pháp được gia đình cụ Nguyễn An Ninh hiến tặng cho thư viện.
Ngoài ra còn có các sách dưới dạng in, điện tử, các nguồn tài liệu có nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, lịch sử do các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hiến tặng nhằm phục vụ cho các đề tài, công trình nghiên cứu, tìm hiểu về bối cảnh xã hội miền Nam, hoạt động báo chí và các phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Thư viện cũng là nơi tổ chức các sinh hoạt học thuật liên quan đến giáo dục và giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
===============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ