Thơ Miền Nam Một Thời Chinh Chiến / Phí Ngọc Hùng / Hoa Kỳ ---- trích : Internet
THƠ MIỀN NAM MỘT THỜI CHINH CHIẾN
Nguyễn Mạnh Trinh
[ 1949 - 20xx ]
Bài viết dựa theo nguyên bản Tạp ghi văn nghệ: Phiêu du từ “Thơ miền Nam trong thời chiến” của Nguyễn Mạnh Trinh. Nhưng được thêm bớt với Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Hà Thúc Sinh, Cao Tần. Để đầy đặn hơn.thì chẳng thể thiếu vắng Pleiku với Đặng Tiến, Nguyễn Bắc Sơn. Hoặc giả như theo chân Trần Hoài Thư đi tìm Vũ Hữu Định ở thư viện Cornell New York. Nói cho ngay người góp nhặt chỉ là người sửa soạn cơm nước với những món ăn đã đã được nấu nướng sẵn để dọn lên bàn và thêm bát thêm đũa vậy thôi. Vì vậy người góp nhặt xin cáo lỗi và cám ơn tác giả Đặng Tiến, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Hoài Thư – Phí Ngọc Hùng *** 2 Nhập: “...Qua một thời nhiễu nhương biết bao nhà thơ bị cuốn hút vào cuộc binh đao. Thực ra nhiều người làm thơ, giản dị là muốn làm thơ, để cho mình hoặc bạn bè mình đọc. Họ viết trong cái tâm tư ấy nên có nhiều tác phẩm không được phổ biến. Gần đây, Thơ miền Nam thời chiến là bộ sưu tập do hai người lính VNCH năm xưa thực hiện: Nhà thơ Trần Hoài Thư và nhà văn Phạm Văn Nhàn. Những công trình gom góp lại từ 263 thi sĩ. Trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên, thơ miền Nam đã bị xóa nhòa trong sử thi. Những người chủ trương Thư Án Quán đã khởi đi trong tro tàn để sưu tập cho được những chân dung đã một thời tạo nên một thời đại tính. Trong tuyển tập này có nhiều tên tuổi lạ nhưng là tác giả của những bài thơ thật hay như Diên Nghị, Võ Ý, Chinh Yên...” Sáng dậy, người viết ngồi bên cạnh cửa sổ, đọc xong phần nhập đề bài Phiêu du từ “Thơ miền Nam trong thời chiến”. Bèn ngó ra ngoài trời. Nắng rõ nắng, nắng ong ong. Ngước mắt lên tủ sách. Không nhìn nhưng cũng thấy những qúy ông Tô Thùy Yên, Hà Thúc Sinh, Cao Tần đang lặng lẽ nép vào nhau, lom khom nhìn xuống như muốn rủ rê người viết về lại một khoảng thời gian, không gian nào đó. Nhòm cái bàn hình vuông, bề bộn đến độ thảm thương. Ống đựng bút hời hợt vô tích sự, có mấy cái bút lười biếng thì không mó tới cả tuần nay. Bao thuốc lá lụi đụi bên cái bật lửa gật gù…Đám mây trắng ngoài kia lững thững mãi chưa đi tới được cái cột đèn…Bỗng cảm thấy thật mệt mỏi để viết văn, làm thơ lúc này, lăn tăn làm gì cho mệt, có gì mà chảnh chọe. Nói cho ngay viết văn làm thơ nào có gì mõ làng ngày xưa. Đầu óc rối bời bời nhìn quyển sách ngả nghiêng trên bàn như cái mộ bia là Vũ Hữu Định. Đối diện với cái nghĩa địa văn học kia là cái bia đá Nguyên Sa. Họ nhìn người viết vừa ngáp, vừa ngái 3 ngủ. Buổi sáng lãng đãng hương đất trời, cùng hương tàn khói lạnh lẩn khuất. Dường như họ cũng đang muốn lôi kéo người viết làm bạn đồng hành với tác giả Nguyễn Mạnh Trinh để rong ruổi tới ngày tàn của cuộc chiến cùng một cõi đi về. Thế nên mới có bài viết này… Vậy đấy, thế đó… *** Thôi thì người viết bắt đầu với Đặng Tiến trước đã: đọc bài giới thiệu của ông, một bài văn viết rất hàm xúc của những người phê bình đầy thâm hậu. Ông có một thời sinh sống khá lâu ở bên Pháp, vậy mà hiểu rõ được những sinh hoạt văn học ở miền Nam là một điều bất ngờ kỳ thú. Ông viết: “Cũng như những người lính có ý nghĩ khác với người không phải là lính. Họ có những suy tư ý nghĩ khác nhau, không phải như kiểu đồng phục một loạt của những nhà văn nhà thơ của Miền Bắc. Họ có những suy tư ý nghĩ khác nhau…thì hãy đảo qua Phạm Thị Hòai phỏng vấn nhà văn Nhật Tuấn (em ruột của Nhật Tiến) cái đã. Ông giải bày: “Gương mặt của chiến tranh? Nói cho đúng ra, viết về chiến tranh, các nhà văn, nhà thơ Miền Nam ít ràng buộc hơn Miền Bắc. Như nhà thơ Lê Huy Quang, Chu Hoạch họ viết theo cái lối vót nhọn con người như vậy khó mà hay được. Đó chính là những cái mỗi người được trải qua và được chính kiến. Tôi nhớ tết năm 74, tại một đỉnh đèo trên Trường Sơn, tôi thấy một anh lính lái xe trong đơn vị, quăng cái bi đông nước rồi nhẩy xuống đường, chử đổng: “Mẹ kiếp, thằng Miền Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng Miền Nam cứ ở trong Nam, đánh nhau làm đếch gì cho bố mày khổ như chó thế này?”. Đó là một sự thật “trong mắt tôi”. Tôi chỉ xin nói về những đồng đội của tôi – họ chẳng hình dung lý tưởng gì hết. Tôi còn nhớ một tối cũng giữa Trường 4 Sơn, chúng tôi ngồi hỏi nhau: “Mai mốt được về nhà, việc đầu tiên chúng mày làm cái gì?”. Thằng thì: “Lôi ngay con vợ vào buồng trong, khỏi rửa ráy”. Còn tôi, “Tao sẽ chạy ra phố Lý Quốc Sư đớp một bát chín dừ”. Bây giờ, những người ngồi bó gối với nhau tối hôm ấy, họ bị bom bi ở cầu Cà Tang (Quảng Bình), người chết ở sông A Vương. Hầu hết họ đã nằm xuống, tôi có nói gì chăng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì với họ, thưa chị”. Đặng Tiến tiếp: “Còn với người lính làm thơ Miền Nam, họ phức tạp hơn, đó cũng là sắc thái đặc biệt vì họ làm thơ không vì một điều gì khác thúc đẩy ngoài việc họ muốn nói lên tâm tư của thế hệ họ”. Ngay như Phùng Quán gặp Vũ Hữu Định ở Sài Gòn sau 75, khi đọc thơ họ Vũ, Phùng Quán nói: "Thơ đúng là thơ". Và dưới đây là một chứng từ : Mai ta đụng trận ta còn sống Về ghé sông Mao phá phách chơi Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm Đốt tiền mua vội một ngày vui Ấy là một đoạn thơ Nguyễn Bắc Sơn đã từng làm xao xuyến dư luận khi xuất hiện trên báo giới Sài Gòn khoảng 1970 trên tuần báo Khởi Hành. Nhiều người đọc, ngạc nhiên và sảng khoái trước những lời thơ ngang tàng, bi tráng, ý thơ u uất, kiêu bạc, bất cần đời. Câu thơ phơi trải tâm trạng một lớp thanh niên Miền Nam, vào thời điểm quyết định của chiến tranh và từ đó làm chứng từ cho một khía cạnh của cuộc chiến kéo dài non hai mươi năm. Tâm trạng kia và chứng từ nọ đã được ghi lại trong tập thơ Chiến tranh Việt Nam và Tôi xuất bản năm 1972 thời đó đã ít người được đọc trực tiếp nguyên tác; bây giờ dĩ nhiên là tuyệt bản. Thì may thay, các bạn ở nước ngoài đã sưu tầm và tái bản tập thơ để tặng biếu bạn bè. Đây là một việc đi từ tình bằng hữu thủy chung đến việc bảo tồn văn học lâu dài. Nhiều người nhớ 5 đoạn thơ nói trên vì tâm tư một thời đại, nhưng nó tồn tại lâu dài trong tâm thức là nhờ giá trị nghệ thuật bên cạnh giá trị lịch sử mà không ai chối cãi. Điển hình cho thi pháp Nguyễn Bắc Sơn là từ vựng diễn tả niềm hoang mang trước cuộc sống mỏng manh, bao quanh một chủ từ “ta” phù du hiu hắt; ”mai” là cuộc sống đếm từng ngày; động từ ”đụng” vừa chủ động: có đi mới đụng, vừa thụ động vì có tính cách tình cờ, tai hại ngoài ý muốn: ”anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay”. Người lính đụng trận như người thường đụng xe, đụng mưa, bình thường, chính xác hơn, người khác sẽ nói: đụng giặc, đụng địch. Nhưng trong thơ Nguyễn Bắc Sơn không thấy có đối phương. Trong câu “Về ghé sông Mao phá phách chơi” thì sông Mao là một thị trấn nổi danh vì chiến tranh: từ 1955 Sư đoàn 5, người Nùng đóng ở đó, với khu gia binh di cư vào, và đời sống mang sắc thái riêng, về sau là các căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Do đó địa danh sông Mao, tự nó đã có âm hưởng chiến tranh, và quả thật nơi đấy “có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính” như lời thơ tác giả. Nói phá phách chơi là phách lối chơi, nói cho hả, nói cho đã, chứ Nguyễn Bắc Sơn là thông dịch viên “hiền khô, lính cậu” thì sức vóc bao nhiêu mà phá phách, nhưng giọng thơ ngang tàng ở đây pha lẫn một ít Lương sơn bạc, Tiếu ngạo giang hồ với tính cách Lê dương mà tác giả, sinh năm 1944, còn ghi trong ký ức. “Đốt tiền” cũng là lối nói ngông, như Nguyễn Bính ”tiêu hoang cho đến hết”, nhưng chữ “đốt” ngông cuồng, nóng nảy hơn, cho ý đồ ”mua vội một ngày vui” với những âm môi m, v mấp máy và luyến láy, như hấp ta hấp tấp. Tâm tình tác giả buồn vui lẫn lộn, mâu thuẫn: “chia sớt nỗi buồn” nghĩa là nỗi buồn tràn bờ, nỗi buồn hiện hữu làm căn bản cho cuộc sống. Sau trận đánh còn sống, tự thân nó, chưa phải là niềm vui, cho nên phải đốt tiền để mua vui. 6 Ở một bài thơ khác, Nguyễn Bắc Sơn nói rõ: Một trẻ con mới sinh Chắc gì là một điều đáng vui Một người chết Chắc gì đã là điều đáng tiếc Một câu thơ khác, hào sảng, bi tráng hơn: Đời mình như ly rượu cạn, Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày Hắt toẹt là một hình ảnh khinh bạc chưa từng thấy trong thơ. Đời đáng sống hay không đáng sống là câu hỏi đã ngàn năm của loài người. Nhưng ở mỗi thời điểm nó dấy lên nét bi đát riêng. Vào khoảng 1970 hơi thơ Nguyễn Bắc Sơn tính phi lý và bi kịch đã được chiến tranh, vào giai đoạn cuối, nâng tầm lên cao điểm. Có nhiều lối nhìn khác nhau về bản chất cuộc chiến, nhất vẫn là lối nhìn từ kẻ chiến thắng. Đây là cách nhìn của tác giả: Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí Lũ chúng ta sống một đời vô vị Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc Đây là trò chơi súng đạn, sống chết và hai đối thủ xem nhau như cừu thù: Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi Đây là kinh nghiệm đánh chác: Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời 7 Hãy tưởng tượng mình đang đi pic nic Lúc này đây ta không thèm đánh giặc Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc Khổ thơ này cũng như đoạn “mai ta đụng trận” trích ở đầu bài nằm trong bài thơ mang tên Mật khu Lê Hồng Phong, một chiến trường ác liệt ở Phan Thiết, Phan Ri năm 1970. Trước trận sông Mao này không lâu, là Thiện Giáo, 1969, cũng là chiến trường ác liệt. Chiều Thiện Giáo hồn mình đầy bóng núi Con đường mìn ươm vết máu đơm khô Nhưng nhà thơ “lao đao” vì bị lắc lư trong trực thăng nhiều hơn vì lo toan về chiến cuộc, nên vẫn thả hồn phiêu lãng: Đêm ngủ đổ ngâm thơ cùng đại bác Hồn lao đao trong chuyến trực thăng bay Đâu có chắc mặt trời mai sẽ mọc Trời rây mưa lành lạnh khiến thèm say Thơ trích từ bài Nhắc đến Ma Lâm, một thị trấn gần Phan Thiết, địa danh nghe ma quái như con sông Ma Hý gần đó: Buổi chiều uống nước đồng Ma Hý Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh Câu thơ nghe rờn rợn: Thằng Xuân, thằng Mang Khinh là ai? Đồng đội hay đối phương? Bắn chết trong hoàn cảnh nào? Ở đây, sao cái chết dễ dàng quá. Bản thân Đặng Tiến, ông có kinh nghiệm đọc thơ, cảm nhận bi kịch trong câu thơ và nhận diện được câu thơ hay, ông thổ lộ: mặc dù không hiểu cặn kẽ ý nghĩa cụ thể của sự kiện. May mắn là được Nguyễn Bắc Sơn kể lại câu chuyện. Trong một cuộc hành quân cấp đại đội, đến một con suối thì dừng quân xuống tắm. Mang Khinh là một đồng đội gốc Chăm 8 đứng chơi trên bờ. Xuân là trung đội trưởng, nghe thấy hay nhìn thấy động tĩnh gì đó, bèn lia một tràng đạn về phía khả nghi. Mang Khinh đứng chơi lớ ngớ bên bờ suối lãnh đủ băng đạn. Nhà thơ bơi nhởi trong lòng suối thì không việc gì, bèn bàn luận về tử sinh: Hỡi ơi sống chết là mưa nắng Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình Bài Thảo khấu này, câu kết thật hay, nhưng cũng vì những cái chết phi lý mà tác giả đã kể ra tưng tửng: Chiến chinh, chinh chiến bao giờ dứt Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà Nhạc sĩ họ Trịnh được đặt tên là phản chiến. Nguyễn Bắc Sơn thẳng thừng tự xưng: Trong thành phố này ta là người phản chiến Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu Lý do phản chiến thì nhiều: có khi vì lý tưởng hòa bình, có khi vì sợ chết, sợ khổ. Nơi Nguyễn Bắc Sơn có thể còn lý do riêng: ông bố đi kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc. Có thể ông bố lại vào Nam chiến đấu, và khách quan, có thể là đối tượng trước mũi súng Nguyễn Bắc Sơn, và khó bề dễ dàng, an nhiên “nhắm thẳng đầu thù mà bắn”. Trong thực tế, ông cụ đã vào Nam chiến đấu “phía bên kia”, cùng trong một địa bàn với con, ở cương vị phó chủ nhiệm cục chính trị quân khu 6. Trung ương tình báo VNCH có lẽ cũng biết được nên đã đưa Nguyễn Bắc Sơn ra đơn vị chiến đấu. Sau ngày kết thúc chiến tranh, người cha đã trở về đoàn tụ với gia đình, trên cấp bực đại tá quân đội nhân dân. Ông có bao che cho con cái và bạn bè của con, trong cùng cảnh ngộ, như Lê Mai Lĩnh bị tù cải tạo đến cuối 1983, gần đây chân thành đã kể lại chuyện 9 ấy. Sau này, ông cụ qua đời trong một tai nạn xe hơi đã gây nhiều nghi vấn. Tác giả có làm bài thơ nhớ bố: Bố tôi qua đời đúng năm năm Tôi viết thơ này Để tâm sự cùng người khuất núi Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng Và thế là ông từ tuổi thanh xuân Cùng bạn bè đi làm cách mạng Ông càng làm cách mạng chừng nào Thì loài người càng thêm…sặc máu Mang Khinh và hoàn cảnh bố con Nguyễn Bắc Sơn nhắc lại một câu chuyện Võ Phiến kể: Cũng trong năm 1972, trong đó anh tóm tắt số phận người dân Việt Nam trong ba mươi năm chiến tranh, qua cái chết của hai anh em nhà kia, trong một câu ngắn gọn đến tàn nhẫn “kể chết do cối, người chết do câu”. Chuyện như sau: người anh đi dân vệ ở trong đồn, chết vì đạn súng cối bên ngoài nã vào, gọi là “mọt thụt”. Đồng thời đứa em nhỏ lui cui trong vườn trúng đạn trọng pháo trong đồn “câu” ra. Rồi Võ Phiến thắc mắc: kẻ chết do cối người chết do câu, đố ai biết được giữa địch ấy và ta ấy, có cái gì khác nhau trong “tư tưởng”. Võ Phiến là nhà văn lập trường kiên định, không giống Nguyễn Bắc Sơn, kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng; nhưng cái nhìn về cuộc chiến, trên căn bản, không khác nhà thơ. Vì vậy, Võ Phiến đã có bài giới thiệu thơ Nguyễn Bắc Sơn trên báo Bách Khoa trong Chúng ta qua cách viết, 1972. Năm 1994, ở Mỹ, anh còn viết bài ca ngợi thơ mới làm sau này của Nguyễn Bắc Sơn mà dường như anh không quen biết. Chiến tranh, sau này mới biết, để lại những vết thương nan y, trên cơ thể và trong tâm hồn. 10 Tác giả đã tiên cảm được điều này: Ta mắc bệnh ung thư thời chiến Thoi thóp còn một trái tim khô Sợ hãi con người hơn thú dữ Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô Mai kia trong những ngày ngưng chiến Ta chắc rằng không thể yêu ai Nhà thương điên nếu còn chỗ trống Xin chiếc giường cho xác tàn phai Nhưng rồi chiến tranh kết thúc, nhà thơ vẫn sống bình thường, bên cạnh vợ con, trong ngôi nhà xưa, thành phố cũ là Phan Thiết: Ta may mắn tay chân lành lặn Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu Tối nằm đánh vật với cơn mơ Thỉnh thoảng trong đêm mù thác loạn, Nguyễn Bắc Sơn có những cơn khủng hoảng, nghe đâu có nhảy lầu tự tử hụt đôi ba phen. Nhưng thơ tác giả, như bài Tâm hồn trẻ thơ kể chuyện đi hớt tóc, làm khoảng 1990, vẫn còn hào khí sung mãn trong thanh thản: Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc Vô tình ngang một quán cà phê Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn Mải mê tán dóc chẳng cho về Thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng như bất cứ dòng thi ca nào đều có cội nguồn. Nhà thơ suốt đời quanh quẩn trong quê nhà Bình Thuận, hành quân, đánh chác loanh quanh những sông Lũy, Ma Lâm. Gần Nguyễn Bắc Sơn hơn, Hoàng Trúc Ly có viết “Ngươi 11 bên chân trời đánh giặc mướn - Ta theo cuộc đời đi viết thuê” thì hành trang trong thơ tác giả, bạn bè là một lớp bụi đời, bên lề đường chinh chiến, “như hạt bụi nằm con gió trớt”. Họ là những mảnh vỡ mà cuộc đời vun lại bên nhau: Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn Để quàng vai ấm áp cuộc rong chơi Thậm chí tình yêu cũng vậy, nó nằm ngoài văn học dù truyền thống hay lãng mạn: Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt Nhưng vì sao ta lại yêu em? Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột Ta quàng xiên nên đã sa chân Chuyện tình yêu như là bẫy chuột trên trích từ bài Trên đường tới nhà Xuân Hồng, tức là tào khang của nhà thơ. Trong dòng thơ ngang tàng trước Nguyễn Bắc Sơn, thì phải nhớ Độc hành ca của Trần Huyền Trân làm năm 1940: Nhớ xưa cùng dỗ bụi giầy Vỗ đùi ha hả thơ mày rượu tao … Vung tay như vạch ngang trời Bảo rằng đâu nữa cái thời ngất ngư Trong trường phái khí phách này Thâm Tâm có bài Tống biệt hành như nhiều người đã biết, ông còn những bài Tráng ca, Vọng nhân hành, Can trường hành, báo hiệu một Nguyễn Bắc Sơn sẽ có mặt sau này: Phiếm du mấy chốc đời như mộng Ném chén cười cho đã mắt ta Thà với mãng phu ngoài bến nước 12 Uống dăm chén rượu, quăng tay thước Cái sống ngang tàng quen bốc men Vào thời điểm 1944, Nguyễn Bính vốn thân thiết với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, đã sáng tác bài Hành phương Nam nổi tiếng, trong cùng một nguồn thi hứng: Ta đi nhưng biết về đâu chứ Đã dấy phong yên khắp bốn trời Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ Uống say mà gọi thế nhân ơi Lần lên xa hơn nữa, theo lịch sử thì thơ cổ Trung Hoa đã có truyền thống trầm hùng, nhiều trước tác về chiến tranh như bài văn điếu Chiến trường cũ của Lý Hoa, đầu đời Đường, có âm hưởng Đại mộng của Trang Tử “Tiêu nhiên chi lai, tiêu nhiên di vãng – Kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà”. Nhưng được truyền tụng nhiều nhất là thi phẩm của phái Biên tái như Sầm Tham, Cao Thích. Gần Nguyễn Bắc Sơn nhất là bài Lương châu từ của Vương Hàn: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi - Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi - Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi “. Cũ và mới, gần hơn chút nữa là di cảo cuối đời của Vũ Hoàng Chương trên bìa báo Nhà Văn, số xuân Ất Mão 1975 qua bài thơ Khúc trầm tấu. Hai câu cuối là “Đồi ngọa dữ sa trường túy ngọa – Cổ lai thùy dã chiếm cao danh”. Vì vậy có thể nói đây là áng thơ thơ say cuối cùng trong thời chinh chiến của Miền Nam. Thơ chinh chiến của cổ nhân là thơ quan quyền: ra quân phải có nhạc tỳ bà trên lưng ngựa; rượu thì phải bồ đào. Thơ Nguyễn Bắc Sơn là thơ lính, ra quân không đua đòi mỹ tửu nhưng phải có “đế Nùng” do người Nùng địa phương sông Mao sản xuất từ các trại gia binh. Mùa này gió núi mưa bưng Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan Mùa này gió bụi mưa ngàn 13 Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà Vào khoảng 1970, khi thơ Nguyễn Bắc Sơn xuất hiện, nhiều người cho rằng có hơi hướm thơ Quang Dũng, ít nhiều qua bài Tây Tiến như “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi – Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” hoặc “Anh bạn dãi dầu không bước nữa – Gục lên mũi súng bỏ quên đời”, hay “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc – Quân xanh mầu lá dữ oai hùm”, hoặc giả như “Áo bào thay chiếu anh về đất – Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tuy nhiên thơ Quang Dũng qua đề tài chiến tranh với lời thơ bi tráng. Nhưng xét kỹ thì không đúng: thơ Quang Dũng lãng mạn và lý tưởng, thơ Nguyễn Bắc Sơn ngược lại, phi lãng mạn và phi lý tưởng. Nếu có chung một âm vọng, thì cả hai thi nhân đều mang vào thơ những chiến tích, những địa danh. Dẫu gì ấy cũng là thể loại thơ của một thời trận mạc. Nếu có khác biệt này kia thì thử hỏi ở ngoài miền Bắc có bao nhiêu Quang Dũng. Còn ở trong Nam đại bác đêm đêm vọng về cỡ Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Hữu Định, Tô Thùy Yên thì chật như nêm cối. Ấy đấy, chuyện là như thế đó. Lại nữa, so với các nhà thơ khác vừa trích dẫn, thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng có nét khu biệt, là chất bụi đời, mà nhà thơ tự cho là “du đãng”. Tống biệt hành là thơ để đời, tác giả là thơ bụi đời. Độc hành ca là loại thơ “miếu đền”, Nguyễn Bắc Sơn là thơ lề đường, quán sá. Hoàn cảnh miền Nam thời đó đã tạo một nguồn cảm hứng như thế và chỗ đứng cho một thể loại bất cần đời như thế. Và dư luận thời đó, của những nhà văn tên tuổi như Võ Phiến trên Bách Khoa, Chu Tử trên báo Sống, Doãn Quốc Sĩ trên báo Văn, đã đồng loạt hoanh nghênh. Vẫn một giọng thơ, một cốt cách, một phong thái. Võ Phiến, hai mươi năm sau cuộc chiến, có một khoảng cách để nhìn lại thơ văn một thời đại và 14 cảm thông hiện tượng Nguyễn Bắc Sơn, trước sau như một: “cũng cái ngông nghênh ấy”, ngay cả sau cuộc chiến: Bày ra một ván cờ thiên cổ Thua trận nhà ngươi cứ trả tiền Mẹ nó, tiền ta đi hớt tóc Gặp ngày xúi quẩy thua như điên! “…Ngày trước trong chiến tranh, ông kể chuyện chơi trò nổ súng cắc cù rất độc đáo; ngày nay hòa bình, thì ông nói chuyện hớt tóc cạo râu, lại càng rất độc đáo. Thành thử giữa ông Nguyễn Bắc Sơn trong chiến tranh và ông Nguyễn Bắc Sơn sau chiến tranh vẫn có một chỗ đồng nhất. Tuy hai mà một. Do hoàn cảnh khác nhau nên đề tài câu chuyện khác nhau; nhưng phong thái vẫn là một thôi. Thực ra thơ ông phát biểu về một thái độ sống. Sống là nhẹ, không phải chỉ riêng: đánh nhau là giỡn, là nhẹ. Đời không có nghĩa phải quấy. Một khi đời đã không có nghĩa, hoặc giả nó có được trao cho ý nghĩa thì ông cũng không lý đến. Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ; bắn nhau cắc cụp lỡ có trúng đạn chết tươi cũng là…chuyện nhỏ thôi…”. Làm sao mà Võ Phiến có thể viết sành sõi ngon lành như thế về Nguyễn Bắc Sơn? Xin thưa: tâm tình ấy được Nguyễn Bắc Sơn diễn đạt bằng một phong cách nghệ thuật tài hoa, vừa hồn nhiên vừa bi tráng. Kinh nghiệm sống chết hằng ngày được thăng hoa qua một thi pháp tươi trẻ mà già dặn. Tác phẩm Nguyễn Bắc Sơn, bên dưới những chứng từ lịch sử, cơn bão lịch sử thổi tạt cái bình thường đến chỗ lạ thường, biến thành biệt lệ văn học là những bài thơ hay, trong lối văn “thốn tâm thiên cổ ” với “tấc lòng lưu vọng ngàn năm...". Về đâu đâu cũng là đâu đó Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ Ba ngàn thế giới cũng chưa to 15 Thế đấy. *** Thế mà buổi sáng rồi cũng qua, rất vội. Mầu nắng trễ tràng vàng quánh ngoài kia như muốn đẩy đưa người viết…Ừ thì với những bước chân di, cứ lần theo Phiêu du từ thơ miền Nam trong thời chiến của Nguyễn Mạnh Trinh thì sẽ gặp Trần Hoài Thư, người thực hiện bộ sưu tập xem có bao nhiêu bài ông viết về khát vọng hòa bình? Hãy đọc thơ Trần Hoài Thư về Qui nhơn, nơi ông đã đổ máu mình trong chiến trận tại đó: Bởi vậy tôi về nằm ngay cửa phố Bên cây xăng ông Tề nhìn ra đầm … Và khi máu mình đổ xuống mặt đường Tôi mang chiến thương tạ tình thành phố Và, thực tế, chiến tranh chấm dứt từ năm 1975 nhưng đất nước trong tay những người chiến thắng...Nguyễn Mạnh Trinh lật từng trang, giở bài thì thấy thơ của Lâm Hảo Dũng, trong bộ sưu tập Thơ miền Nam thời chiến. Bài Ngày về Ben Hét: Ta pháo gầm vang một góc rừng Đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông Những ai trong phút kinh hoàng ấy Tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng Anh ở miền Nam lạc đến đây Còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay Chiến tranh như thể trò tiêu khiển Của lũ con buôn xác chết này Hay, bài thơ Về Ashau của Cao Hoành Nhân nói về các chiến sĩ nhảy dù, lôi hổ: 16 Một thung lũng Ashau Mây trời vang âm hưởng Rừng U Minh, Tam Giác Sắt, Đỗ xá, Vũng Rô... Cây đá hoang mang lau lách dựng mồ Và - lịch sử. Ta làm thơ ca tụng Ta phấn khởi vì chiến công Đứng lên cao vì miền Nam anh dũng Dưới nắng ấm Trường Sơn Và - kiêu hãnh thơ ta huy hoàng chiến tích Nguyễn Mạnh Trinh đọc những bài Thơ miền Nam thời chiến. Ông thú thực như bị dẫn đi trong những cuộc trường hành của những đoạn đường chiến binh, qua những địa danh đất nước. Ở đó, có cảm xúc từ những bài thơ biên tái, của những nỗi niềm rất người đậm chất nhân bản. Không phải tất cả các nhà thơ đều khoác áo lính. Có khi họ là thầy giáo, công chức hay những nghề tự do khác. Nhưng họ đều có chung hơi thở của một thời đại chiến tranh. Họ chia sẻ với nhau những số phận thời chiến từ những bài thơ đọc để nhắc lại trong ký ức. Trước năm 1968, ông còn trẻ lắm và đang học ở đại học. Tuổi ấy, cũng có những băn khoăn về thời cuộc, thời thượng thuở đó. Cho đến khi vào lính, giản dị là theo lệnh tổng động viên thì phải thi hành nhiệm vụ là điều tất nhiên. Bây giờ đọc những bài thơ với nhiều tên tuổi thi sĩ một thời lúc ấy. Ông không thể nào quên những tối mưa mù mịt ở Pleiku, ra phố mua một tờ Văn hay Bách Khoa rồi luồn vào trong áo lạnh nhà binh để cho khỏi ướt. Và, về nằm đọc như thấy lại Sài Gòn, thấy lại một thời ngồi ghế nhà trường. Thi ca với ông lúc ấy như những đóa hoa hàm tiếu qua những ngày biên trấn như nồng ấm thêm của nỗi niềm mênh mang đợi ngỏ. *** 17 Người viết đọc thơ vào buổi sáng, trời nắng. Thì Nguyễn Mạnh Trinh, ông đọc thơ vào buổi chiều tối và có thể là trời đang mưa. Tối về…ông với tay tắt đèn. Đêm dịu hẳn lại. Ông nhìn quanh. Cửa phòng đã khép. Và ông mải mê: Đêm đã thật khuya. Cuốn sách trên tay. Đọc mê mải. Quá khứ như hiện về, những ngày tháng đã qua dường như hồi sinh lại. Đi tìm thời gian đã qua chứ không phải đã mất, những bài thơ vẫn còn trong tiềm thức một lúc nào ào ra, mãnh liệt. Thơ của chiến tranh, ngày nào đã gần bốn chục năm mà tưởng như mới hôm qua. Những câu thơ của một thời. Ông thấy mình thiếp đi trong phiêu bồng. Những giấc mơ lẫn lộn giữa cái mình đã sống và cái mình đã cảm. Đọc một khúc thơ, cảm nghĩ ùa tới. Thấy mình, thấy người, những số phận đã buộc trói vào nhau trong cơn cuồng loạn của chiến tranh. Và ông hồi tưởng lại những ngày tháng qua mau: …Ngày lên Pleiku, có một bài thơ ông đã làm, dường như ông mường tượng được cái không gian của biên tái…Cũng giống như Đặng Tiến ở trên, ông nhìn ra những câu thơ như Lương Châu từ của Vương Hàn thời Thịnh Đường xa xưa. Pleiku có khác nào Lương Châu, cũng là quan ải để trấn giữ biên cương. Ngày xưa thì ngăn giặc Hồ, giặc Mông. Ngày nay, thì canh chừng ba biên giới, với những trận đánh ác liệt mùa khô hàng năm tiếp diễn... Bài thơ ấy, ông làm vào một đêm trước khi sáng mai lên trực thăng vào phố núi : Ừ mai tao lên Pleiku Đêm căm hơi đá ngày mù núi xanh Uống say quên mộng quẩn quanh Về nơi gió cát cũng đành cuộc chơi … Ngẩn ngơ phố núi những ngày đao binh Chắc đâu rượu uống một mình Trong thân phiêu bạc nhục vinh nửa vời Uống đi mai hát quân hành 18 Mai hát quân hành…tưởng rằng như một hiệp sĩ thời xưa đi vào nơi gió cát. Thơ cũng nghênh ngang kiểu “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Tuổi trẻ, những giấc mơ của ngày chân không chấm đất cật chẳng đến giời. Có phải là giấc mơ chung của những người lính trẻ như ông…Và trời làm một trận lăng nhăng, nếu có vất vưởng “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng – Bất kiến nhân gian hứa bạc đầu” thì ai chẳng một lần trong đời. Cứ như theo bài viết của ông thì mấy ngày nay nơi ông ở trời đang mưa. Ông nhớ lại những đêm mưa Pleiku. Gió mưa ào ạt trong cái se lòng của đất trời. Ông thấy mình háo hức của những ngày tháng mặc quần áo trận và cũng già đi trong cái tuổi về chiều. Cảm khái chập chùng, giở từng trang lại từng trang, đời lính của ông chỉ vỏn vẹn từ 1968 đến 1975 sao dài quá, dài như cả một đời người qua một cơn đồng thiếp chữ nghĩa ngày nào. Trong giây phút hiếm có trong đời, ông lan man với Nguyễn Bắc Sơn, một chứng nhân của cuộc chiến. Thơ của tác giả, có chút ngậm ngùi của thời tao loạn nhưng cũng có những xúc động bềnh bồng của tâm tư lãng mạn hay đùa cợt với cuộc đời. Thơ, phảng phất vóc dáng một chàng cuồng sĩ…Đọc bài thơ Hoa quỳ vàng lạnh Pleiku của Nguyễn Bắc Sơn, ông như trở về thời gian ấy, không gian ấy. Cái lạnh, lạnh ở bên ngoài nhưng rần rần nóng hồi ở tim óc bên trong. Sương mù ban đêm trên đỉnh cao nhìn về phố buồn, tâm thức cũng ào ạt như sóng theo tầm nhìn vời vợi… Đứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ Ngày đầu tiên khi ông từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u ám. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo 19 và bầu trời nặng nề u ám mây đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho ông thấy mình quá nhỏ nhoi trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, ông thấy những câu thơ của Tô Thùy Yên, Vũ Hữu Định, cùng nhiều nhà thơ với hoa quì vàng, như Nguyễn Xuân Thiệp, như Kim Tuấn…Ngay như khi đọc bài thơ dài trên của Nguyễn Bắc Sơn, ông chỉ thấy có hai câu nói về mầu hoa quì vàng “Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh - Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao”. Thế mà cái mầu sắc hoa man dã ấy, chỉ một nét thoáng qua nhưng lại gợi nhiều dư âm chói chang của nắng. Có thể vì vậy, ở một khúc nào đó ông loay hoay: Hoa quỳ, lẻ loi một cánh trên tay thú thực cũng chẳng hấp dẫn lắm nhưng nếu bạt ngàn dưới cánh phi cơ, rào rạt trong nắng trong gió sẽ trở thành một ấn tượng khó quên cho cảm xúc. Tuy nhiên mưa, lạnh, hoa và thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm…của riêng ông. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt rát. Những ngọn gió thốc cứ mang hoa quỳ bay vào chân không… Thì ra vậy. Phố núi có một hoa quỳ của một thời tao loạn… *** Người thơ kể chuyện của mình, một câu chuyện có lẽ rất quen tai của những người lính thú. Cũng đi xuống, đi lên, cũng loay hoay bồn chồn như những …chàng gà trống: Đời lang bạt của một người lính thú Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ Đi một mình lên xuống phố mù sương Phố núi kia ơi, phố có con đường Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu Không có bạn tôi làm sao uống rượu Tôi làm sao sống nổi một ngày đây 20 Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy Nhìn gã lính không khác gì gã lính Đọc thơ Lâm Hảo Dũng để nhớ về Bản Hét, gợi lại lúc ghé Dakto, hay nhìn lại buổi chiều Hàm Rồng đầy gợi cảm. Những chuyến không hành từ Sài Gòn trở về Pleiku khi nhìn thấy đỉnh núi gợi cảm ấy là biết rằng đã gần về sân đáp. Với thơ Lâm Hảo Dũng, cảnh với người hình như có gì ràng buộc với nhau dưới rặng núi mù lam vây kín chân trời: Con đường ấy vẫn hoen mầu bụi đỏ Gió lơ thơ nghe nắng mới ngập ngừng Anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ Nghe nỗi buồn đâu đó đến phân vân Lâm Hảo Dũng có hai câu thơ đọc nghe nhức nhối "Chư Pao ai oán hờn trong gió - Mỗi một khăn tang một tấc đường". Câu thơ của những ngày hè đỏ lửa 1972, khi chốt Chư Pao của Bắc quân cắt ngang đường tiếp tế cho Kontum đã biết bao nhiêu người lính hai bên hy sinh, biết bao nhiêu tấn bom đạn đã đổ trên mỏm núi. Nhớ Pleiku, đọc thơ Kim Tuấn. Những Bản Hét, Pleime, Đức Lập, Pleimerong, Đức Cơ, những địa danh của một thời mịt mù lửa đạn. Đọc một đoạn thơ, như thấy lại những đời lính thú. Những câu, những chữ có xót xa, có nhung nhớ nhưng cũng có nét hùng tráng của những người lính trận xa nhà: Bản Hét những chiều không pháo kích Trời im nghe gió thổi qua mau Rừng im nghe tiếng chim xào xạc Đồn im nghe súng bỗng dưng sầu Bản Hét hành quân vùng Tam Biên Bưng biền đêm gối tay lên súng Bỗng thấy thương thân bỗng thở dài 21 Bài thơ thứ hai đọc để nhớ Pleiku là của Nguyễn Xuân Thiệp, bài Pleiku, tháng ba 1974. Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy, nhà thơ kể chuyện một mình. Đâu cần ai hiểu, nỗi niềm loang vào sương đêm thành nỗi nhớ mịt mùng. Cầm bút viết, tháng ba rực cháy Cầm bút viết, đồi hoa quỳ vàng Những hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp dậy từ hoang vu: Tháng ba, chân trời chớp tía Tháng ba, trên đồi vông nở Tôi trở về thị trấn tháng ba Những sợi dây trời cắt đau trí nhớ Thơ về Pleiku thì nhiều, nhiều lắm: Diên Nghị, Võ Ý, Lê Bá Định…đã trải lòng mình lên thành những rung động thật với nơi chốn mà mình đã gắn bó. Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn với hoài vương vấn, với mưa sình nắng bụi cao nguyên… Vậy thôi. *** Thế nhưng với nắng bụi cao nguyên…vậy thôi chưa đủ, hãy đọc thơ Tô Thùy Yên với biển xanh mây đỏ, thơ như người bị bức tử. Dù đã đọc nhiều lần. Thế mà vẫn thấy bừng bừng như có men say một thời nào vừa xa xôi vừa gần gũi lắm: Ai hét trong lòng ta mỗi lúc Như người bị bức tử canh khuya? Xé toang từng mảnh đời tê điếng Mà gửi cùng mây đỏ thảm thê 22 Trong buổi chiều gió giật loạn cuồng của những cơn bão kéo tới, đọc những câu thơ ấy mà nghe dường như có điện giật trong châu thân. Thơ như u uất của đất trời. Thơ như lòng người đang cơn phẫn nộ, như những vết hằn trên đá từ năm tháng. Trường Sa hành, bài thơ viết vào năm 1974 của Tô Thùy Yên sau trận hải chiến Hoàng Sa hơn một tháng. Lúc ấy, ông trong một chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa đã làm những câu thơ như một định mệnh tàn khốc: Sóng thiên cổ khóc biển tang chế Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi? Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời Mùa gió xoay chiều gió khốc liệt Bãi Đông lở mất bãi Tây bồi Đám cây bật gốc chờ tan xác Có hối ra đời chẳng chọn nơi? Thơ như nỗi ngậm ngùi. Thơ như nỗi niềm u uất. Làm một bài thơ có phong vị hành chỉ là một cái cớ, để mượn thiên nhiên độc thoại với mình, để thấy kiếp người với nỗi niềm mãn khai và thời gian sẽ thành ngôi mộ với tấm bia kết từ đời u tịch. Bài thơ có không gian rộng mênh mông như Trường Sa hành. Trích vài câu, diễn giải vài đoạn, sẽ chẳng làm rõ ràng thêm những điều ông muốn gửi gấm trong thơ. Mà, chỉ làm vụn vặt đi cái vời vợi khôn cùng của cảm xúc. Cho nên phải đọc một hơi để những hình ảnh nối tiếp nhau, để thấy tràn ngợp một nỗi cô đơn của con người nhỏ nhoi trước thiên nhiên, và tiềm thức ngôn ngữ của ông không có những từ khó hiểu. Những thơ bảy chữ ấy cũng man mác âm điệu của những bài hành của thời kỳ Hành phương Nam của Nguyễn Bính hay Tống biệt hành của Thâm Tâm. Thế mà, có một điều gì mới mới, cũng không hẳn từ ngôn ngữ mà cũng chẳng phải là hình 23 ảnh, cảm giác ấy có từ những liên tưởng: ý thơ, tứ thơ, âm vận thơ, hình tượng thơ tạo thành. Rõ ràng trong thơ ông hứng cảm trong một lúc với những tích chứa mỗi ngày, mỗi tháng. Lý Chất, một phê bình gia đời Minh trong Tạp Thuyết đã viết về hiện tượng này. Người làm thơ tích lũy vốn liếng sống ỡ mức độ dồi dào thì một sớm “Tức cảnh sinh tình, xúc động thở than, giựt cả chén rượu của người khác, dốc nỗi oán giận ở trong lòng, thở lời bất bình từ trong bụng, từ số phận đau khổ của mình, liên hệ tới biết bao nhiên chuyện xa xưa muôn thuở...Khi đã viết là nhả ngọc phun châu, ánh sáng soi rọi tận vân hán, như nét đẹp giữa trời, thế rồi bèn tự phụ, giữa cõi đất trời hét vang như điên không tự chế được“. Tóm lại, cái hứng cảm được nảy sinh từ cuộc sống hiện thực và trong một phút giây nào đó đã tạo thành xúc động của một người lên cơn đồng thiếp. Trở lại chiến tranh với Tô Thùy Yên, có lúc là những ám ảnh, có khi là niềm phẫn nộ, nhưng cũng là hiện thực của một đời sống binh lửa. Những câu thơ hào sảng, những ý nghĩ bất cần, những ngày sống chỉ biết cho hiện tại: Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ Nhưng mà trông mặt thấy quen quen Hề chi ta uống cho say đã Nào có ra gì một cái tên. Tới đây toàn những tay hào sĩ Sống chết không làm thắt ruột gan Cũng không ai nhắc gì thân thế Có vợ con mà như độc thân Bạn hỏi thăm ta cho có lệ Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung Còn mươi tháng nữa lên trung úy Có thể ngày mai chửa biết chừng... 24 Những câu thơ của Anh hùng tận có cái thô nhám nhưng chân thực của cuộc sống. Thời tên bay đạn lạc, biết đâu ngày mai thành cố trung úy lên bàn thờ ngồi cho nên “Giờ cất quân, đưa tay bắt - Ước cõi âm còn gặp để say”. Ông đã nhìn cuộc chiến với những hình ảnh của gian khổ, của những ngày tháng vô định, những cái chết trẻ đau thương. Dựng súng trường, cởi nón sắt Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều Đây ngã ba sông, làng sát nước Xuồng ba lá đậu kế chân bàn Trời mới tạnh mưa còn thấp ướt Lục bình mây mỏi chuyến lang thang Bài Qua sông có những câu phác họa lại một không gian đầy tử khí: Tiếp tế khó, đôi lần phải lục Trên người bạn gục đạn mươi viên Di tản khó, sâu dòi lúc nhúc Trong vết thương người bạn nín rên Người chết mấy ngày chưa lấy xác Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh Xác nào may mắn lấy được thì: Áo quan phong quốc kỳ anh liệt Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang Một thời làm lính rồi một thời đi tù, chía mẫu số chung của cả một thời đại ấy đã được nhà thơ viết thành nỗi niềm riêng, tuy cũng là chung của nhiều người. Viết về thơ ông, có lẽ còn phải dài hơn. Dài như Chiều trên phá Tam Giang: Chiếc trực thăng bay là mặt nước Như cơn mộng nhanh. 25 Phá Tam Giang, phá Tam Giang, Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát, Cát hôn mê, nước miệt mài trôi. Ngó xuống cảm thương người lỡ bước, Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi. Phá Tam Giang, phá Tam Giang. Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ. … Chiều trên phá Tam Giang Anh sực nhớ em Nhớ bất tận Đọc thơ ông qua Mùa hạn, Hề, Ta trở lại căn nhà cỏ, Thắp tạ...sẽ thấy Tô Thùy Yên, thơ như người bị bức tử. Thế đó. *** Với thơ Chinh Yên, Nguyễn Mạnh Trinh nhớ lại những ngày ứng chiến trong hầm đại liên nhìn ra tuyến, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, đọc sách Phạm Công Thiện để nhìn thấy qua lỗ châu mai thấy những sợi mây bay. Đọc, để cảm khái: Hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ Tôi đọc thơ giữa chốn ba quân Cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ Huống hồ trên dưới mấy trăm năm Hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ … Để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn Tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ Hiền sĩ có cây già tựa gối 26 Tôi có gì đâu ngoài nón trận Tránh đạn bom nhờ chút hên xui Có những bài hành đọc lên hụt hơi ngút ngàn hào khí. Những câu thơ dài theo nhịp trống quân hành, thì hãy đọc Biên Cương hành của Phạm Ngọc Lư: Đây biên cương, ghê thay biên cương Tử khí bốc lên dày như sương Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu Rừng núi ta ơi đến chia buồn Buồn quá giả làm con vượn hú … Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch Kinh Kha đời nay cả vạn muôn Há một mình ta xuôi biên tái "Nhất khứ bất phục phản" là thường *** “Bạn hỏi thăm ta cho có lệ - Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung”…ấy đấy đừng hỏi Tô Thùy Yên. Mà hãy về thành phố hỏi Nguyên Sa. Không phải Nguyên Sa trong sân trường “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc - Áo nàng xanh…” mà là ngoài…sân bắn. Ông làm thơ về những ngày ở lính và chiến tranh ở đây đã được nhìn ngắm với con mắt của một người bị vướng víu, nửa trong nửa ngoài. Một cuộc chơi tàn bạo được bày ra với tất cả những sự phi lý của nó. Những người tham dự, dù tình nguyện hay bắt buộc, cũng bị lôi đi trong con lốc mịt mờ của thời thế. Đọc bài thơ Sân bắn, một cách tình cờ, bài thơ được viết ra trong một khung cảnh yên bình của Sài Gòn buổi chiều nhưng lại là những cảm giác từ quân trường, nơi sân bắn có hình nhân phơ phất, có tiếng kêu: “Bia lên” để làm đích cho những viên đạn vô 27 tình: “.. Tôi không có ý định làm bài lục bát đó, tự nó tới, bật ra. Tôi dừng xe lại ở Bưu Điện Sài Gòn, hí hoáy ghi lại Sân bắn. Con trai tôi từ trong trường đi ra, trèo lên băng sau xe, chờ tôi lái đi. Tôi chép cũng vừa xong: Bia lên ta thấy thân người Thấy ta thấy địch, thấy đời lãng du Thấy tay dư, thấy chân thừa Thấy tai nghễnh ngãng, mắt mù óc không.. Một đời phơ phất hình nhân … Bia lên trông cũng vật vờ cỏ xanh Bia lên tìm chỗ ta nằm Non cao duỗi cẳng em còn thấy đâu Hầm bia buồn đến mộ sâu Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay Và nhà thơ đã viết những suy nghĩ và cảm xúc của mình để bật lên thành thơ: “…Khi Sân bắn, thơ, đến với tôi, bia cũng tới, đầu tiên, không có chân tay, cảm xúc của thơ mang cho Sân bắn thơ thêm hình ảnh của ta, của địch, thân phận con người, sự vong thân của bản ngã. Bầu trời của Sân bắn có bia lên, có thân người, có ta, có địch, có tay chân thừa thãi, có tác dụng của xạ trường đến nơi thính giác và cả trí tuệ. Óc tai, hình nhân, giấy bồi, hầm bia, đạn đầu lửa bay trong những buổi thực tập tác xạ ban đêm. Tôi biết kỹ thuật thi nhân từ trước khi thực hiện Sân bắn, từ lâu. Cũng như nhiều người làm thơ, tôi có một thời kỳ lục bát buổi đầu đời. Thi nhân vừa dẫn bài thơ vô, vừa dẫn từ câu này qua câu kia từ đoạn này sang đoạn khác. Luận lý của suy luận là do đó, là cho nên, là vậy thì. Có thể là tất cả những từ đó và những từ tương 28 tự khác cùng loại: Tất cả mọi người đều phải chết - Socrate là người - Socrate phải chết. Như cái chết trong Đám tang Nguyễn Duy Diễn: Diễn đã chết, Diễn đã chết Chúng tôi nhảy múa hò reo Khỏi phải đi, khỏi phải đứng, khỏi phải ngồi Khỏi bốn mươi giờ dạy học mỗi tuần … Chiếc lưới mở rồi, thế là nó thoát anh em ơi… Chiếc lưới mở ròi, thế là nó thoát Chân lý của kết luận chứa ẩn trong những đại tiền đề. Chân lý của tiền đề, bằng những do đó, là vậy thì, là cho nên, đi tới kết luận. Nói rõ ra cũng tốt, không nói tới cũng tốt. Từ ngữ hiện hay ẩn đưa tới kết luận là đưa tới chân lý tất yếu đã nằm trong những tiền đề. Thi nhân của thơ đưa tới những kết luận khác biệt, không tiên liệu trước được, nhảy qua trùng điệp những đồi núi, những bình nguyên rơi xuống một miền đất của riêng. Bia lên mở ra thân người, mở ra thế giới mà khoảng cách giữa ta và địch bị tiêu hủy bởi cái chết, mở ra sự thừa thãi của tay chân, sự bất lực của giác quan và trí tuệ. Trong Sân bắn, thi nhân hơn một nửa làm nhiệm vụ của liên tự, nó cho phép nói nhiều với ít chữ hơn. Bầu trời của thơ không phải là bầu trời của sân bắn xạ trường. Bầu trời Sân bắn thơ có những đám mây của nó, có vài phần vật liệu từ hơi nước bay lên, nhưng lại có nhiều phần mây có màu sắc bay tới từ thế giới nội tâm, có những đám mây màu sắc tình cảm, đám mây màu sắc suy tư, đám mây màu ngậm ngùi thân phận. Tả chân, khó lòng mang lại bầu trời thơ, vì không gian của nó hạn hẹp, chỉ có mây của nước bốc hơi, không có chỗ nào cho những đám mây tuyệt vời kia…” Nguyễn Mạnh Trinh tiếp nối với ông thày dạy triết của mình: Thơ, với nhà thơ, cùng một lứa bên trời lận đận. Từ tuổi nhỏ đã 29 phải chịu những tháng ngày tù ngục đọa dầy của Cộng sản, rồi thoát được đi du học, rồi lại lưu lạc xứ người trong những tháng năm còn lại. Bao nhiêu là dấu ấn đã in đậm trên những trang thơ. Những dấu ấn của thời thế. Thành ngôn ngữ, thành hình ảnh, thành vần điệu để như cùng âm hưởng giao thoa với tất cả những chất chứa của thời đại, của cả một thế hệ cứ mải miết hoài trong vòng cuồng loạn của dông tố chiến tranh. Với Nguyên Sa, chiến tranh là một thực tế của đất nước qua những bài thơ như Cầu siêu cho Nguyễn Quan Đại chết ở Khe Sanh, Thằng Sỹ chết…Có chút bi phẫn, có chút suy tưởng nhưng hình như là biểu lộ chân thực tình cảm của một người sống trong thời đại đầy nhiễu nhương, nhiều biến cố. Trong Thư cho bạn ở tù, có những câu lục bát chân thành về nỗi đau thời thế: Bây giờ mày ở trong tù Đêm nằm muỗi cắn nhớ nhà không con Chúng nó nói chuyện văn chương Tao nghe nóng mặt cởi quần nhìn sông Tao đi lính được bốn năm Mày nghe chuyện lính tưởng rằng tao gân Tưởng tao trấn thủ lưu đồn Một tay cờ kiếm anh hùng chí cao Bốn năm thi sĩ nằm khoèo Rượu say thơ cũng mệt nhoài tứ chi Thì ra thế. Cùng một lứa… *** Rượu say thơ thì có thêm Hà Thúc Sinh với thơ say rượu như gió mây hội ngộ với sông nước, hánh quân qua bến phà Mỹ Thuận gặp bạn đánh chén say mèm. Thơ ông như tiếng cười ngạo nghễ tràn đầy cảm khái. Cười như cuộc sống là một trò đùa và trò chơi đánh trận như là một cuộc cút bắt với thiên thu : 30 Hãy cạn ly chết bỏ Tôm cua cá lươn sò Lương ta còn nguyên vẹn Còn cả cái Seiko … Chiến tranh hề gặp gỡ Có chắc lần thứ hai Mai mỗi thằng mỗi ngả Thằng Cà Mau, Năm Căn Thằng Bình Dương, Bình Giả Thằng địa ngục thiên đàng Nhưng ta không sợ chết Ta anh hùng tứ xứ Nơi rừng U Minh hạ Cứ cười như họng súng Bắn cuộc đời vỡ toang Ha ha ha ha ha Như họng súng Ha ha ha Đọc thơ Hà Thúc Sinh. Đọc thơ Cao Thoại Châu. Đọc thơ Hạc Thành Hoa. Đọc thơ Hồ Minh Dũng. Đọc thơ Thái Tú Hạp. Đọc thơ...Đọc thơ....Những bài thơ tiếp nối nhau từ nơi chốn này đến địa danh khác. Thơ của nhớ và quên lẫn lộn, thấy mình và người quấn quít hình nhân. Đọc thơ mê mải, như bơi theo dòng, như sống trong nước một thời gian không gian nào của những ngày đôi mươi của xênh xang áo trận… Vậy đấy. *** 31 Khởi đầu bằng vào cuộc chiến với Đặng Tiến qua Nguyễn Bắc Sơn, tiếp đến là Nguyễn Mạnh Trinh với Pleiku, rồi biển cả, tới sông nước. Lại gặp lại phố núi, thôi thì hãy chấm dứt với người thơ Vũ Hữu Định nhưng không biết tìm ông ở đâu. Chỉ biết rằng Vũ Hữu Định đã nằm xuống ở một nơi nào đó ở Đà Nẵng trong hoang lạnh vào khoảng năm 1981. Để rồi muốn đi tìm một thời để nhớ thì hãy đi theo chân Trần Hoài Thư đi tìm Vũ Hữu Ðịnh ở thư viện Đại học Cornell New York. Ở nơi chốn này kệ ngăn san sát, có ai ngờ tạp chí như Tiếng Ðộng, tiếng nói của Ban đại diện Ðại học xá Minh Mạng vào năm 1971, hay tập san Bộ Binh của khóa 23/24 Thủ Ðức vào năm 1966 lại có mặt tại đây. Cũng thật không thể tưởng tượng có những nội san của các trường trung học, đại học miền Nam trước đó được giữ gìn và bảo tồn. Nó không có chuyện kỳ thị, không kẻ thắng người thua. Không trả thù. Không đốt hủy... Nó chẳng cần phân biệt hay ưu đãi ai. Sách nào cũng được bảo bọc bìa cứng, chữ nổi. Không những chỉ có căn phòng rộng mênh mông này để cất giữ di sản văn chương miền Nam, mà còn có cả một tòa nhà khác nằm ngoài khuôn viên đại học chứa các tạp chí và sách báo của Sài Gòn. Như Khởi Hành, nguyệt san Ðời, những bộ nhật báo Chính Luận, Tin Sáng..v..v..Nơi đây không có ngăn riêng dành cho nhà văn, nhà thơ Miền Bắc hay Miền Nam vì bên cạnh Tố Hữu là Nguyễn Mạnh Côn. Sách của kẻ chiến thắng nằm bên sách của phe chiến bại... Sau đấy là những chuyến đi đi về về thư viện Đại học Cornell, Library of Congress dài thăm thẳm, qua đồi, qua đèo trập trùng, cùng tuyết rơi mịt mùng. Nhiều lần, một mình trong đêm, giữa xa lộ đầy ánh đèn xuôi ngược, hay qua dốc đèo hiu quạnh, có khi lạc qua một thị trấn quờ quạng tìm lối ra, không phải đi năm phút đã về chốn cũ mà cả năm cả tháng, Trần Hoài Thư đã đi tìm Vũ Hữu Định ở đây. Từ những chồng tạp chí cũ cao ngất, 32 cứ lật và cứ lật miệt mài. Nơi nào có cõi thơ họ Vũ trú ngụ? Tạp chí nào, số nào, trang giấy nào có tên Vũ Hữu Ðịnh dù chỉ một hai bài? Cuối cùng thì Trần Hoài Thư, ông đã tìm ra Vũ Hữu Ðịnh. Với tổng số 80 bài, trong đó có tập thơ in trong nước có 45 bài. Hiện nay, sau khi tái bản thơ Nguyễn Bắc Sơn, truyện ngắn Y Uyên, nhóm Thư Ấn Quán đã sưu tầm và in lại thơ Vũ Hữu Định để tặng biếu bằng hữu, trong tinh thần lai cảo di sản văn học miền Nam. Ðọc thơ Vũ hữu Ðịnh, thấy nỗi ngậm ngùi, lại càng thấy công việc của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn là một việc khổ công nhọc sức. Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người biết đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên với cái tựa đề Còn một chút gì để nhớ. Lúc ấy, họ mới chia sẻ sâu xa với nhau nỗi niềm, những vần điệu thi ca của một thời kỳ được miên viễn từ cuộc hồi sinh chữ nghĩa với... Phố núi cao phố núi đầy sương Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn Anh khách lạ đi lên đi xuống May mà có em đời còn dễ thương Phố núi cao phố núi trời gần Phố xá không xa nên phố tình thân Đi dăm phút đã về chốn cũ Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng Em Pleiku má đỏ môi hồng Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông Nên mắt em ướt và tóc em ướt Da em mềm như mây chiều trong Xin cảm ơn thành phố có em Xin cảm ơn một mái tóc mềm 33 Mai xa lắc trên đồn biên giới Còn một chút gì để nhớ để quên Ngoài làm thơ, ông còn…đi tù: chuyện “tù tội” theo lời kể của người nhà thi sĩ, là thế này: Cuối năm 1965, xảy ra lộn xộn về tôn giáo, nhóm lính và Vũ Hữu Định được huy động đến ôm súng đứng gác trước cửa chùa Tỉnh Hội. Một hôm, đang đứng gác, người thơ sực nhớ đã tới ngày...cưới vợ, bèn gửi súng lại cho bạn, rồi cứ nhắm hướng quê vợ sắp cưới ở gần núi Tuý Vân, Huế mà...cuốc bộ! Vì tội “bỏ súng cưới vợ”, ông bị giam mấy tháng. Sau khi mãn hạn giam, ông lại bỏ đi biền biệt, chọn một cuộc đời bất định… Ta đang nhớ thuở sông dài núi rộng Đường thênh thang của một gã giang hồ Ta đang thèm đi để học làm thơ Chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng Và nhà thơ đã xem mình như một người lỡ vận: Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận Hát âm u trong đêm tối một mình Có người nói thơ Vũ hữu Ðịnh ít có bóng dáng chiến tranh. Nếu có, chỉ là những nét thoảng mờ không rõ nét. Nhưng bất cứ bài thơ nào của ông cũng đều thấp thoáng hình ảnh của một thời đại chinh chiến. Cái tâm tư bất an, cái nỗi niềm thời bom đạn, những huyễn mộng và đau xót hòa chung, bàng bạc trong ngôn từ, của một thời đại mà bất hạnh thành quen thuộc và hạnh phúc lại hiếm hoi. Trong bài Ngựa hí đầu non, ông cho biết: Sinh nhằm tuổi Ngọ, đêm vừa hết… Mới hai tháng đã biết mùi bom đạn Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ , Trần Hoài Thư, cùng nhiều bạn 34 khác cùng gối đầu trên báng súng, tai nghe trực thăng, đại bác…Cơn binh lửa tạo ra và gần nhau là tình bạn. Cái quý là tình bạn còn lại sau cơn binh tàn, lửa tắt, sau khi chắt lọc tiếng trực thăng đại bác nhiễu nhương, còn lại tiếng đập cùng nhịp của tình bạn là cơ duyên thời đại. Bài Chuyện người tuổi trẻ này, ông làm tặng nhà thơ Trần Dzạ Lữ, mang rõ nét thời thế: Ngày Huế giải phóng Mày lang thang trong Nam … Xa nhau càng nghĩ càng thương Thằng bạn thơ cuộc đời bầm dập Trốn lính, đi lính, rồi thì học tập Thương ơi câu nói “ở răng cho vừa đời“ Vào năm 1972, cuộc chiến đi đến cao điểm của sự khốc liệt. Chiến tranh có thể là “trò chơi”dưới con mắt của nhà thơ nhập cuộc Nguyễn Bắc Sơn trong câu thơ ông viết “Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi”. Trong khi Hà Thúc Sinh đi “Dạo núi mình ta” kiểu thoát tục thì Vũ Hữu Định “nhập thế” theo cách riêng với “Thế sự du du hề một cuộc bể dâu – Nhân kiếp phù sinh hề một thoáng bạch câu”. Ông dấn thân để sống thực với niềm khao khát phải làm một cái gì đó dù nhỏ nhoi được tốt đẹp hơn. Ông không đi trên mây hay ảo tưởng về cuộc chiến. Không bất chấp tất cả, một phần ngang tàng và ngông nghênh. Lớn lên ông ghét chém giết, nhưng vẫn phải tham dự chiến tranh, sao sắt se buồn. Ai hiểu sao thì hiểu: Trên non may có tình bằng hữu Tuổi trẻ đau chung một khúc ca Ôm nhau thức với vầng trăng lạnh Vượt lá tìm sao định hướng nhà Cũng đã xa rồi những Tống biệt hành, Vọng nhân hành của Thâm Tâm. Tao loạn, thì đất nước đã trăm lần tao loạn. Nhưng 35 chiến cuộc 1960-1975 mang một sắc thái đặc biệt, và tình bạn sinh tử thời này ngân vọng một âm hao riêng: Trên non may có tình bằng hữu Tuổi trẻ đau chung một khúc ca Ôm nhau thức với vầng trăng lạnh Vượt lá tìm sao định hướng nhà Có những ngày đi trong núi thẳm Tuổi trẻ nhìn nhau, nhớ xóm thương làng Thở chung một tiếng nghe sầu cháy Tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san Bài thơ này bắt đầu bằng câu ca dao quen thuộc với gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay…Và ông ở lại, bài thơ ông làm khoảng 1980… Một năm sau ông giã từ vũ khí, giấy khô mực cạn… *** Sáu năm sau Vũ Hữu Định đi vào cõi tĩnh mịch, nhà thơ Cao Tần khăn gói qua đây. Là người di tản buồn, ông hồi tưởng lại đời lính: Một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt Mầu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh “Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?” “Khăn vợ tao trao ngày khoác áo nhà binh!” Cao Tần là một nhà thơ xuất hiện một cách bất ngờ trong những năm đầu sau cuộc di tản. Trong hoàn cảnh chân ướt chân ráo của một cuộc sống xa lạ, khởi đi từ những nỗi niềm mang theo, nảy mầm từ những tâm tư thương nhà nhớ quê sau một cuộc đổi đời. Cao Tần là một nhà thơ xuất hiện sớm nhất và cũng 36 là một nhà thơ nổi bật nhất trong thời kỳ ấy. Năm 1977, trên tờ báo Bút Lửa có đăng mấy bài thơ của một thi sĩ danh tánh lạ hoắc ký tên Cao Tần. Những bài thơ gây một hiện tượng xôn xao cho độc giả. Nhiều người liên tưởng tới T.T Kh. đã tạo thành một nghi vấn cho văn chương ở hải ngoại còn mù mờ chưa tỏ đèn. Thế nhưng giống Tô Thùy Yên, là những nhà thơ đồng bằng, ông cũng có những bài thơ đầy hào sảng, chẳng khác gì những nhà thơ phố núi ở trên: Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ Bước giày đinh lạng quạng một đời trai Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai Trong bài đề tựa tập thơ Cao Tần, nhà văn Võ Phiến nói rằng thơ ông kết cấu như truyện viết và là những truyện gợi nhớ, quan hoài cho người đọc thơ như qua bài Ta làm gì cho hết nửa đời sau…sau một thời tao loạn? Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn Nay đất khách kéo đời rất nản Ta tính sẽ về vượt suối trèo non... …. Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi Những hào hùng uất hận gối lên nhau Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới : Ta làm gì cho hết nửa đời sau? 37 Nhà văn Võ Phiến có viết đại ý là Cao Tần làm thơ như người kể chuyện và thơ ông gần gũi với cuộc sống và bạn đọc thơ hơn. Ừ thì cứ như kể chuyện đi, chuyện là…ta làm gì cho hết nửa đời sau? Chẳng còn gì nữa, là người di tản buồn, có mặt nơi đất khách, ông chỉ ra mắt một tập thơ duy nhất. Rồi thôi. *** Nhìn ra cửa sổ, đám mây trắng ngoài kia lững thững mãi mới đi qua được cái cột đèn. Ánh nắng hắt hiu của buổi trưa len lén chui vào nhà. Cái nắng ong ong lom khom leo lên kệ sách có mấy quyển sách đang lặng lẽ nép vào nhau. Cái nắng đơ đơ lụm cụm bò lên bàn len qua cái bia đá u tịch, cái mộ bia nguội lạnh. Và cái ống đựng bút, có mấy cái bút… Ừ thì vậy đấy…thế đó…
PHÍ NGỌC HÙNG (sưu tập)
===============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ