Chiều xuân trên Lầu Ông Hoàng / Huyền Viêm : 1931- / Sài Gòn -- trích: Việt Văn Mới / Troyes- France.
tranh Nguyễn Quý Tâm
CHIỀU XUÂN TRÊN LẦU ÔNG HOÀNG
C hiều mồng một Tết. Thành phố Phan Thiết đang tưng bừng vui xuân. Trên quốc lộ I băng qua giữa lòng thành phố, xe cộ nhộn nhịp như mắc cửi. Sau một năm trời cần cù làm việc, người dân lành của cái thành phố nhỏ bé này hăng hái hòa mình vào cuộc vui để bù lại những ngày vất vả. Từ trong đám đông, một chiếc xe ngựa phăng phăng chạy về hướng Bắc. Trong xe, cô thiếu nữ lên tiếng hỏi :
- Từ đây đến Lầu Ông Hoàng có còn xa không bác?
- Không xa đâu cô, chừng nửa giờ thì tới. Người đánh xe trả lời.
Diễm Ly – tên cô thiếu nữ – quay sang người yêu :
- Tại sao lại gọi là Lầu Ông Hoàng hở anh?
Sinh vui vẻ đáp :
- Theo chỗ anh biết thì người xây cất ngôi lầu ấy vào đầu thế kỷ hai mươi là công tước De Montpensier, người Pháp, thuộc dòng dõi quí tộc Bourbon, vì thế người mình mới gọi ông ta là ông Hoàng. Ngôi lầu ấy là chứng tích của một mối tình đầy nước mắt.
- Thích quá nhỉ ! Anh kể cho em nghe đi !
- Hãy thong thả. Chuyện tình của ông Hoàng phải kể trong khung cảnh Lầu Ông Hoàng mới thú vị chứ ! Lẽ ra phải kể vào một đêm trăng, ngồi trên Lầu Ông Hoàng nhìn ra biển để tưởng nhớ người xưa, chứ còn bây giờ ngồi trong xe xóc sòng sọc như thế này mà nghe kể chuyện tình thì còn gì là thi vị nữa.
Diễm Ly lại hỏi :
- Nghe nói thi sĩ Hàn Mặc Tử thường đưa người yêu là Mộng Cầm lên Lầu Ông Hoàng ngoạn cảnh, có phải không anh ?
- Ờ, các sách viết về Hàn Mặc Tử đều viết như vậy.
Mải vui câu chuyện, đến nơi lúc nào không hay. Hai người xuống xe, đứng ven đường nhìn lên. Đó là một quả đồi cao chừng trăm mét nằm gần biển, quay mặt ra Thái Bình dương. Một con đường trải đá quanh co thoai thoải dẫn lên đồi. Con đường lâu ngày không sửa chữa nên nhiều chỗ đã mất hết đá, trơ cả mặt đất hoặc trũng sâu xuống, chẳng biết có phải dấu vết chiến tranh còn để lại. Hai bên đường, những bụi cây cằn cỗi mọc lan ra cả lòng đường, chạy dài lên tận đỉnh đồi.
Đôi bạn trẻ cầm tay nhau đứng nhìn bao quát một vòng như để ghi nhận cái khung cảnh thiên nhiên chung quanh ngọn đồi. Bầu trời xanh, ánh nắng vàng, mặt biển bao la gợn sóng, không một bóng người, cái khung cảnh tịch mịch của ngọn đồi thật khác xa cảnh xe ngựa ồn ào ở trung tâm thành phố.
- Lên xem đi anh ! Diễm Ly rủ bạn.
Sinh lẳng lặng đi theo. Chẳng mấy chốc hai người đã lên đến đỉnh đồi. Phong cảnh thật ngoạn mục. Ngọn đồi nằm cạnh biển và vươn cao lên như muốn ngự trị cả một vùng Thái Bình dương bao la xanh thẫm trải dài đến tận chân trời. Thấp thoáng ngoài xa hiện lên mấy hòn đảo nhỏ đứng chơ vơ như là chứng nhân của một mối tình tan vỡ. Vài ba cánh buồm trắng ở tít ngoài khơi, nổi bật lên trên màu thiên thanh của nền trời và màu xanh lơ của nước biển. Mấy con hải âu lững lờ bay lượn, đôi cánh dập dờn trên khoảng trời bao la, không lo âu, không hấp tấp, tưởng chừng như hình ảnh quen thuộc từ nghìn xưa còn đọng lại. Gió chiều xuân nhè nhẹ thổi trên mặt biển mang theo những làn sóng nhỏ đập vào bờ như một bản đàn thiên nhiên bất tuyệt. Về phía tây, những ngọn núi cuối cùng của rặng Trường sơn in một vết đậm lên nền trời xanh trôi lang thang dăm làn mây trắng. Diễm Ly âu yếm nhìn người yêu :
- Cảnh đẹp quá anh nhỉ ! Cái ông Hoàng nào đó từ bên Tây sang đây mà khéo chọn cảnh này thì kể cũng là người có tâm hồn đấy chứ !
- Em lại khen “phò mã tốt áo” rồi. Ông ấy là nhà quí tộc giàu sang mà dám bỏ tất cả để cùng người yêu đến sống ở một nơi hẻo lánh như thế này thì đủ biết lãng mạn đến bực nào.
- Như thế thì tất cả những công trình kiến trúc trên đồi này đều do công lao của ông Hoàng cả?
- Phải. Em xem, ngoài tòa lâu đài 13 phòng mà ông ta cho xây cất để làm tổ ấm của tình yêu ngày nay đã đổ nát vì thời gian và bom đạn, ông ta còn cho làm một con đường trải đá từ dưới chân đồi lên đến tận đỉnh đồi để ô-tô lên xuống dễ dàng.
Sinh dắt nàng đến bên cạnh một cái bể xi-măng thật lớn đào sâu trong lòng đất, nhiều chỗ đã nứt nẻ hoặc vỡ nát :
- Còn đây là cái bể chứa nước ngọt. Chắc em cũng biết trên đồi cao như thế này làm gì có nước nên ông Hoàng phải cho xây một cái bể thật lớn để chứa nước dùng đủ cả năm và cạnh đấy là cái tầng hầm để máy phát điện. - Thế thì ông Hoàng này vừa lãng mạn mà cũng vừa thực tế phải không anh?
- Chứ sao ! Ông ta chỉ lãng mạn trong tình yêu mà thôi, còn cuộc sống lứa đôi không thể để cho quá thiếu thốn về vật chất.
Trước mắt hai người, cả một tòa lâu đài nổi tiếng đẹp đẽ ngày xưa nay chỉ còn trơ đống gạch vụn. Các bức tường đã đổ hết, thấp gần ngang với mặt nền. Những viên gạch đỏ tươi ngày nào nay đã nhạt màu cùng năm tháng, gió mưa. Hai người bước từng bước rón rén nhẹ nhàng như sợ âm vang của gót giày làm tổn thương những tâm hồn yêu đương nghìn thu cũ. Vốn là người đa cảm, Diễm Ly nhìn từng bậc thềm, từng viên gạch, từng ngọn cỏ và cảm thấy mỗi vật dường như phảng phất một linh hồn.
Hai người lặng lẽ xuống sân. Đó đây nhiều mảng xi-măng đã vỡ, cây cỏ mọc đầy. Bước mấy bước nữa thì đến chỗ tận cùng của ngọn đồi trông ra biển. Sinh cầm tay Diễm Ly kéo nàng ngồi xuống, thòng chân trên bờ cỏ xanh tươi. Nhìn cánh buồm trắng xa xa, lênh đênh trên một vùng mây nuớc, Diễm Ly khe khẽ thở dài :
- Bây giờ thì anh kể cho em nghe đi !
- Ờ phải. Anh đã nói chuyện tình của ông Hoàng phải kể ở Lầu Ông Hoàng mới thú, chỉ tiếc còn thiếu một ánh trăng…..
Dạo ấy là vào đầu thế kỷ 20, một buổi sáng mùa xuân….
Sau mấy hồi còi giục giã, một chiếc tàu thủy lớn từ từ rời hải cảng Marseille ở miền nam nước Pháp để sang Việt Nam. Chiếc tàu mang theo mấy trăm hành khách và hàng hóa cồng kềnh. Lẫn trong đám hành khách ấy có một đôi thanh niên nam nữ cầm tay nhau đứng trên boong tàu nhìn về hải cảng nhưng tuyệt nhiên không thấy một người thân ra đưa tiễn hay một chiếc mùi-soa vẫy chào như thường lệ. Nhưng cũng chẳng có gì là lạ vì họ ra đi một cách bất ngờ, không báo cho ai biết.
Chàng thanh niên ấy là một người Pháp trạc ba mươi tuổi, mắt sáng, mày rậm, vóc dáng cao lớn, ăn mặc thật sang trọng, có cái cốt cách của một nhà quí phái. Không ai khác, đó chính là công tước De Montpensier. Thiếu nữ cũng là người Pháp, chỉ độ ngoài hai mươi, thân hình mảnh mai yểu điệu, gương mặt trái xoan, nước da trắng hồng, mũi cao mắt biếc, môi hình trái tim, tóc hoe vàng uốn quăn phủ xuống tận vai, trang phục xinh xắn gọn gàng, thật là một giai nhân tuyệt sắc. Đôi bạn cầm tay nhau ngắm nhìn mây nước, thỉnh thoảng cười với nhau rất tươi. Ai cũng nghĩ rằng đó là một đôi tân hôn sau ngày cưới đưa nhau đi hưởng tuần trăng mật ở một nơi xa lạ nào.
Chàng là người thuộc dòng dõi quí tộc Pháp, có nếp sống phù hoa sang trọng. Nàng là người trong giới ca kỹ nhưng tài sắc nổi tiếng một thời. Hai bên gặp nhau trong một buổi dạ vũ, làm quen nhau trên sàn gỗ và cùng ngất ngây vì tiếng sét ái tình. Từ đó họ quấn quít nhau, hằng đêm thường gặp mặt và bao nhiêu danh lam thắng tích trên đất Pháp từng in vết chân của họ.
Nhưng khổ thay, cái nếp sống quí phái, trưởng giả và cái vỏ đạo đức của giới quí tộc Pháp thời bấy giờ không thể nào chấp nhận một mối tình lãng mạn vượt ra ngoài khuôn phép như thế được. Sau khi sống những ngày đầy hoa mộng, chàng trai đã phải đối diện với thực tế phũ phàng, phải nghe những lời đay nghiến của cha mẹ, họ hàng. Cũng đã có lần chàng toan ngoan ngoãn nghe theo lời giáo huấn, nhưng tiếng nói của con tim có một sức mạnh lạ lùng. Thế là chàng lại tiếp tục sống buông thả, bất chấp dư luận. Tình hình mỗi ngày một thêm căng thẳng, chàng thanh niên không thể nào tiếp tục chịu đựng sự dằn vặt của gia đình nên dứt khoát ra đi. Nàng cũng từng đau khổ vì nghịch cảnh nên nghe chàng đề nghị là bằng lòng ngay. Thế là hai người âm thầm xếp đặt, chờ đến một ngày…
Lúc bấy giờ người Pháp mới chiếm Việt Nam được ít lâu. Nghe nói đất Việt người hiền cảnh đẹp, đôi bạn quyết định làm một chuyến viễn du. Ban đầu họ chưa có ý định dừng chân tại đây, chỉ muốn ghé thăm cho biết, nào ngờ….
Sau một hồi còi chót, tàu từ từ rời bến rẽ sóng ra khơi. Vào buổi sáng mùa xuân, mặt biển Địa trung hải còn chìm trong làn sương mù trắng xóa. Hải cảng Marseille trông xa chỉ là một vệt đen mờ in lên nền trời màu hồng nhạt.
Từ đó đôi bạn bắt đầu làm quen với cảnh trời nước bao la. Sáng sớm, hai người ngồi đợi trên boong tàu để ngắm vầng thái dương nhô lên trên mặt nước. Buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, họ cũng có mặt để ngắm ánh tà huy nhảy múa trên sóng biếc và bóng hoàng hôn phủ kín mặt đại dương. Những đêm trăng mùa xuân cảnh trí lại còn tuyệt vời hơn nữa. Ánh trăng lung linh đuổi theo những làn sóng bạc đầu từ một chốn xa khơi nào đó kéo về vỗ nhẹ mạn tàu. Từng đợt sóng vàng nối tiếp nhau tưởng chừng như bất tận.
Lúc bấy giờ Ferdinand de Lesseps đã hoàn thành xong kênh đào Suez (1869) nối liền Địa trung hải với Hồng hải nên hành trình từ Âu sang Á đã rút ngắn được nhiều. Sau hơn ba tuần lênh đênh trên mặt biển, chiếc tàu mang đôi bạn trẻ đã cập bến Sài-Gòn.
Chàng đem theo một món tiền rất lớn nên hai người có thể yên tâm trong những ngày sắp tới ở miền đất xa lạ này. Với một mớ hành trang gọn nhẹ tiện cho cuộc xê dịch dài lâu, đôi bạn ghé thăm vài đô thị lớn của Việt Nam rồi dừng chân ở Phan Thiết. Sau khi hỏi ý kiến những người Pháp đã từng sống lâu năm trên đất Việt Nam, chàng quyết định chọn ngọn đồi nhỏ ở phía bắc thành phố Phan Thiết để xây tổ ấm. Ít lâu sau, công trình kiến trúc hoàn thành. Ngôi lầu thật đẹp, màu sắc rực rỡ, vươn cao lên trên ngọn đồi, quay mặt ra biển, trông xa như một ngọn tháp sừng sững trên nền trời. Dân chúng vùng này đặt tên là “Lầu Ông Hoàng”.
Lầu Ông Hoàng quả là tổ ấm của đôi bạn trẻ. Những buổi sớm tinh mơ, những buổi chiều nhạt nắng hay những đêm trăng thơ mộng, họ thường sánh vai nhau nhìn cảnh biển rộng trời cao. Gió Thái bình dương ngày đêm lồng lộng thổi về, sóng biển rì rào vỗ vào ghềnh đá, cảnh trăng nước trời mây chẳng khác bức tranh thủy mặc điểm tô cho cuộc sống hạnh phúc êm đềm. Hai người rất ít khi rời khỏi ngôi lầu mà cũng chẳng có khách nào lai vãng. Thảng hoặc đôi ba tháng một lần mới có một người Pháp trẻ tuổi đến thăm, nhưng ông bạn này chẳng mấy khi ở lâu, chợt đến rồi chợt đi như một làn gió thoảng.
Bỗng một hôm người bạn ấy đột ngột đến thăm, mang cho chàng bức điện khẩn từ Pháp đánh sang gọi chàng về gấp vì mẹ chàng ốm nặng, sắp tạ thế. Bức điện trao qua tay người yêu, nàng xem xong lặng người đi, không nói nên lời. Cuối cùng, nàng buồn rầu khuyên chàng về nước để trọn hiếu với mẹ, cố thu xếp công việc cho chóng xong để trở lại Việt Nam.
Từ lúc chàng đi rồi, nàng thẫn thờ một mình một bóng. Chiều chiều, nàng thả tầm mắt trên vạn dặm trùng dương để mong tìm thấy bóng một con tàu, nhưng trên mặt biển bao la chỉ có mấy cánh buồm căng gió. Thư từ của chàng đến đều đều mà chàng thì vẫn chưa trở lại. Như thế cũng gần được một năm.
Từ lúc chàng về Pháp, người bạn trai đến thăm nàng đều đặn hơn. Anh thường ở lại lâu để cùng nàng chuyện trò và ngoạn cảnh. Nàng vốn tính lãng mạn, rất sợ cô đơn, gặp chàng thanh niên hào hoa, phong nhã, đa tình lại khéo chiều chuộng nên chẳng bao lâu tình bạn đổi thành tình yêu. Nàng cũng không ngờ mình lại có thể phản bội chàng dễ dàng đến thế, nhưng đã lỡ sa chân khó lòng mà gượng được.
Mùa xuân năm sau, an táng mẹ xong, chàng vội vã đáp tàu trở lại Việt Nam. Lần này, muốn dành cho nàng một sự vui sướng bất ngờ nên chàng không báo trước. Đến Sài Gòn, chàng vội đáp xe đi Phan Thiết. Lúc chàng đến Lầu Ông Hoàng đã hơn mười giờ đêm. Trăng mùa xuân thật đẹp, rực rỡ trên nền trời làm nổi bật lối đi trải đá uốn éo lượn quanh đồi. Chàng rón rén đi thật nhẹ trên bờ cỏ để khỏi gây tiếng động, tim rộn rã trong lồng ngực khi nghĩ đến chốc nữa đây, trước sự xuất hiện đột ngột của chàng, người yêu sẽ reo lên mừng rỡ, sà vào lòng chàng và khóc nức lên vì sung sướng.
Bước vào trong lầu không thấy nàng đâu, đèn nến tối om. Trông ra sân, chợt chàng khựng lại. Trên chiếc băng đá quay ra biển, đôi thanh niên nam nữ đang ôm nhau, trao đổi một nụ hôn nồng cháy. Chàng chợt nhận ra người đàn ông không ai khác hơn là người bạn vẫn thường hay lui tới. Máu nóng bốc lên tận cổ, chàng lập tức rút súng chĩa thẳng vào hai người. Một phút im lặng trôi qua, chẳng biết nghĩ sao, chàng bỗng thở dài lạnh lùng đút súng vào túi rồi quay lại hấp tấp xuống đồi như chạy trốn. Nghe tiếng sỏi động dưới bước chân, hai người vội buông nhau ra. Sau mấy giây trao đổi ý kiến, hai người vội vã đuổi theo, nhưng dưới ánh trăng xanh, con đường đá vẫn vắng ngắt bóng người. Cả hai buồn rầu, thẫn thờ quay lại. Lúc đến cạnh ngôi lầu, nàng chợt thấy vật gì trăng trắng nằm trên đám cỏ xanh. Nàng vội vàng cúi nhặt lên xem và lặng người đi khi nhận ra đó là chiếc mùi-soa thêu tên hai người mà nàng đã tặng chàng khi mới yêu nhau và chàng vẫn luôn mang theo bên mình như một bảo vật. Chiếc mùi-soa đã rơi ra khi chàng rút súng.
Đôi tình nhân bắt đầu cảm thấy bị lương tâm dằn vặt. Sau một hồi im lặng, chàng thanh niên nói mấy lời từ biệt rồi lặng lẽ xuống đồi, còn nàng thì chạy vụt lên lầu vùi đầu vào gối khóc suốt đêm (1).
Từ đó nàng lại sống những ngày cô đơn như lúc chàng mới ra đi. Chiều chiều nàng ra băng đá ngồi lặng một mình thả tầm mắt ra khơi, không phải để mong thấy bóng một con tàu mà để ôn lại những ngày cùng chàng phiêu lưu trên mặt biển. Sau nhiều đêm không ngủ và bị ưu tư dằn vặt, nàng trở nên gầy ốm và nhan sắc tàn phai nhanh chóng. Cuối cùng, nàng viết thư và đánh điện đi khắp nơi nhưng chàng vẫn biệt vô âm tín. Tiền hết, tình mất, bị bệnh hoạn và hối hận dày vò, một buổi sáng nàng buồn rầu thất thểu xuống đồi và ra đi biệt tích (2).Lầu Ông Hoàng thành ra vô chủ và trở nên hoang liêu từ đó…
Kể xong câu chuyện, Sinh thẫn thờ nhìn ra biển, Diễm Ly cũng cảm thấy ngậm ngùi. Chợt chàng cảm hứng, ngâm lên mấy vần thơ của Hàn Mặc Tử :
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang,
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết.
Ôi trời ơi là Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi,
Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi !
Tiếng ngâm đã dứt mà dư âm vẫn còn văng vẳng. Nắng chiều xuân đã nhạt, mặt trời ngả hẳn về tây, tô ánh vàng dịu nhẹ lên mặt biển lăn tăn gợn sóng. Gió chiều xuân nhẹ nhàng mát mẻ. Ngoài khơi, vài ba cánh buồm trắng nhấp nhô.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ