Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Khai bút/ Song Thao / Canada -- rrích : T.Vấn & Bạn Hữu 27/2/ 2024

 

SONG THAO: KHAI BÚT

 
 
 
 

Công chúa và phò mã nhà Nguyễn năm 1907. Ảnh của Đô Thành Hiếu Cổ

Khai bút xưa rồi. Nay là khai bàn phím. Ngày đầu xuân Giáp Thìn, mở cái anh mặt vuông ra sáng nay, gặp một mail của anh bạn học ngày xưa nay ở Ottawa. Anh viết như thế này: “Theo tin tức thống kê thì chúng ta đã vượt qua tuổi 65, nghĩa là trong 100 người thì chỉ còn 8 người 65 trở lên còn sống. Chúng ta cũng đã vượt qua tuổi 75 thì trong 100 người chỉ có 5 người 75 trở lên còn sống. Chúng ta đã vượt tuổi 85 thì trong 100 người chỉ còn 3 người 85 trở lên còn sống thôi. Congratulation! Các bạn đang ở giai đoạn này, hãy vui lên vì còn được nói chuyện với nhau. Nếu ai vượt lên 95 tuổi thì trong 100 người chỉ còn 1 người sống thôi!”.

Chẳng biết anh bạn thân thiết từ hồi Chu Văn An lấy thống kê từ đâu nhưng cứ vui cái đã. Vui vì trong cả trăm người, mình là một trong số 3 người được chọn. Vui thì nói chuyện vui cho ra vẻ tết. Đời có nhiều chuyện vui, chỉ có cái là chúng ta không nhận ra thôi. Năm nay là năm con rồng. Rồng là con vật mà vua chúa khi xưa ôm riết vào người, không cho bàn dân thiên hạ ké phần vào. Đụng vào mặt rồng thì cái chi cũng…long hết. Long nhan, long thể, long bào, long sàng, long xa. Đó là những…long mà bàn dân thiên hạ đều nhìn thấy. Nhưng khi vua làm chuyện bài tiết thì “long” mần ra sao, chuyện gay cấn nghe! Trong bài báo “Thư Giãn Với Chữ Long”, tác giả Liên Hân viết: “Trong lịch sử Trung Quốc còn lại câu chuyện, có một cô cung nữ lo phụ trách cái công việc bị xem là thấp hèn này, tức giữ áo khi vua “khai long bào” và “thoát long khố”, văn học gọi là “canh y” (thay đổi y phục), rồi nhờ trí thông minh và thủ đoạn mà trở thành một hoàng hậu gây chấn động cả lịch sử Trung Quốc, đó là Võ Tắc Thiên. Sau khi vua “thoát long khố”, đến cái sự vụ gay cấn là đi tiểu thì thái giám hô “Đào long cụ!” (掏龍具). Đào () trong tiếng Hán có nghĩa “lấy ra, móc ra”, kiểu như lấy đồ vật trong túi ra; cụ () là “dụng cụ; đồ nghề”. “Long cụ” hiểu nôm na là “đồ nghề của rồng”. Hóa ra ta và Tàu đúng là “tư tưởng lớn gặp nhau”. Đều là “cụ”, là “đồ nghề” cả, chỉ khác nhau ở chữ “long”. Khi vua “trút bầu tâm sự” xong  thì thái giám hô “Trí long cụ!” (  ). Trí có nghĩa là “sắp đặt; sắp xếp” mà ta thường dùng trong “trang trí; bài trí”. Rồi tiếp theo là hô “Phục long khố!” (復龍褲 – mặc lại áo trong), và “Xuyên long bào!” (龍袍 – mặc long bào). Và cuối cùng là câu thường  lệ “Cung tiễn hoàng thượng!”.

Ký giả Liên Hân nói chuyện “long” của Trung Hoa, ta nói chuyện “long” của nước ta, chuyện đôi lứa của…long. Cũng vui đáo để. Như chuyện vua đi tán gái.

Vua thì cứ ngồi trên ngai có khối người mang gái tới tha hồ chọn, muốn chọn bao nhiêu thì chọn, không hạn chế chỉ một như thường dân chúng ta. Vậy thì chuyện chi mà phải đi tán gái. Thế mà có đó. Ông vua chịu chơi này là vua Thành Thái (1879-1954). Vào một ngày tết, nhà vua cải trang thành dân thường lên Kim Long kiếm vợ. Kim Long nổi tiếng là miền có nhiều gái đẹp. Nhà vua hứng chí còn mần thơ ghi lại: “Kim Long có gái mỹ miều / Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Tới nơi, nhà vua xục xạo đi tìm nhưng chẳng chọn được nàng nào vừa ý. Thất vọng, nhà vua thuê một chiếc đò ra về. Cô lái đò ghé vào đón vua. Thấy cô gái khép nép trong chiếc áo vá vai, đôi má ửng hồng rất có duyên, vua bị coup de foudre. Ông nói với cô gái khi đó đang chèo ở đầu mạn thuyền: “Nì, o tê!  O có muốn lấy vua không?”. Cô lái nhìn ông khách lạ, đáp: “Đừng có nói bậy họ lấy đầu chừ!”. Vua Thành Thái giở giọng tán: “Tui nói thiệt đó. O có muốn lấy vua thì tôi làm mối cho!”. Cô lái đò cúi mặt nhìn lơ chỗ khác. Một quan hầu cận lớn tuổi, khăn áo chững chạc, tủm tỉm cười, nói với cô lái đò: “Nì, o tê! O cứ nói “ưng” để coi thử nờ!”. Cô lái đò thẹn thùng nói nhỏ: “Ưng!”. Nhà vua khoái chí đi về phía lái, cầm tay cô lái đò kéo ra đầu mũi thuyền. Mặc bộ điệu thẹn thùng của cô gái dùng dằng không muốn đi, nhà vua vỗ về: “Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo thế cho”. Nói là làm. Nhà vua chèo đò trước sự ngạc nhiên của mọi người. Đến trước kinh thành, nhà vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương, trước Phú Văn Lâu, và bảo mọi người: “Mọi người đứng dậy trả tiền đò cho trẫm và đưa quý phi vào cung”.

Câu chuyện nghe rất thân dân này có thiệt không? Nhiều người cho đây chỉ là giai thoại do dân gian bày đặt ra còn chuyện thật thì khác. Quả là vua Thành Thái có mê một kiều nữ ở Kim Long là con gái của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ. Bà tên là Nguyễn Hữu Thị Nga, được nhà vua đưa vào cung khi mới 15 tuổi, phong làm Huyền Phi, sanh hạ được hai con, một trai một gái. Bà không phải là người chèo đò. Quan Phụ Chánh Nguyễn Hữu Độ có tới ba cô con gái làm dâu hoàng gia. Đó là bà Nguyễn Hữu Thị Nhàn lấy vua Đồng Khánh, bà Huyền Phi Nguyễn Hữu Thị Nga vợ vua Thành Thái và bà Nguyễn Hữu Thị Uyển lấy ông Ưng Quyến, em trai vua Kiến Phúc và Đồng Khánh.

Vua đi tán gái là Thành Thái đã là chuyện vui, vua bị ép vợ là Gia Long lại vui hơn nữa.  Chuyện xảy ra tại cù lao Ông Chưởng, khi vua lúc đó còn là Hoàng tử Nguyễn Ánh, lánh nạn Tây Sơn. Sách “Việt Nam Phong Tình Cổ Lục” chép như sau: “Trong những ngày đi lánh nạn, một lần chúa một mình trốn về cù lao Ông Chưởng. Vì ở nơi khác tới, để tránh tai mắt của triều Tây Sơn nên Nguyễn Phúc Ánh phải náu mình trong một bụi rậm. Bên bờ sông, gần chỗ ông đang ẩn mình, có một cô thôn nữ trông xinh xắn đang lội bắt cá, quần áo lấm lem bùn đất mà không biết có người đang lặng nhìn theo. Thế rồi bỗng nhiên, cô gái hét lên vì bị thụt xuống một hố sâu. Nguyễn Ánh đã quên bản thân đang bị lùng bắt, bất chấp nguy hiểm, vụt lao ra cứu người đẹp. Sau khi được cứu sống, cô gái này vì cảm kích, nắm rịt lấy tay ông kéo về nhà bắt sống chung, vì theo tục lệ ở đây, khi người con gái nào đã bị người con trai ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng. Thế là cuộc tình duyên bất đắc dĩ này lại là sự may mắn, mở ra một đường sống cho chúa Nguyễn, nhờ đó ông được nhà vợ giấu kín; thậm chí còn đi thăm dò, tìm kiếm giúp Nguyễn Ánh các cận thần đang lưu tán để tụ họp lại, bàn mưu tiếp tục sự nghiệp phục quốc”. Chuyện vui này sau đó có hai giai thoại tương phản nhau. Một cho rằng sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã mất hẳn ký ức về người vợ nhặt này. Một cho biết cô gái đó chính là bà Tố Lan. Sau khi lên ngôi vua Gia Long đã cho rước bà về kinh đô phong làm Chánh Hậu.

Làm vua thê thiếp cả đống. Thường là những thiếu nữ mơn mởn đảo tơ. Nhưng có nhiều vị vua vẫn lấy vợ thừa của người khác. Những bà đã qua một lửa này lại còn nhảy phóc lên tới ngôi hoàng hậu đàng hoàng. Như vua Đinh Tiên Hoàng cưới mẹ của Ngô Nhật Khánh, vua Lê Hoàn cưới vợ của vua Đinh Tiên Hoàng là Dương Vân Nga, vua Trần Thái Tông lấy vợ của anh, vua Lê Thần Tông lấy vợ của bác. Thường những cuộc hôn nhân tréo cẳng ngỗng này là do mưu đồ chính trị. Nhưng chuyện vua Gia Long lấy vợ của vua Cảnh Thịnh lại khác. Công chúa Lê Ngọc Bình, con út của vua Lê Hiển Tông lấy vua Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn khi vua mới 10 tuổi và Ngọc Bình mới 12 tuổi. Nhà vua bị quân của vua Gia Long đánh bại. Thấy Hoàng hậu Ngọc Bình còn trẻ đẹp, vua Gia Long nổi máu muốn cưới bà. Triều thần ngăn cản không muốn vua lấy vợ thừa của giặc nhưng vua vẫn cứ đường ta ta cứ đi. Ông hiên ngang phán: “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”. Theo nhiều nhà nghiên cứu, câu ca dao sau vận vào việc này: “Số đâu có số lạ đời / Con vua mà lại hai đời chồng vua”. Không biết ông vua khai mở nhà Nguyễn này mê nhan sắc của bà Ngọc Bình thật hay muốn…trả thù?

Ngày còn cắp sách tới trường, khi nghe chuyện lính Pháp và các lính đánh thuê “tây đen rạch mặt” hãm hiếp các phụ nữ Việt Nam lúc hành quân, chúng tôi đã hăng tiết vịt mong có ngày “trả thù dân tộc”. Sau này, khi đi du học, một số trong chúng tôi đã thi hành được chí lớn ngày cũ. Nhiều chàng trả thù kỹ quá, rước nàng tóc mềm sợi nhỏ về dinh luôn. Lúc đó không ai chú ý tới nhà vua Lê Thần Tông trong những bài sử ký. Ông sanh năm 1607, mất năm 1662, trước thế hệ chúng tôi quá chừng chừng. Vậy mà ngay từ thời đó ông đã “trả thù dân tộc” liên miên. Không biết hồi đó đã có mối thù dân tộc chưa. Vua Lê Thần Tông đã có tới 5 bà vợ ngoại quốc. Đó là các bà người Mường, Thái, Hoa, Lào và Hòa Lan. Sử sách chú ý tới bà người Hòa Lan. Bà tên Onrona, là con gái Phó Toàn Quyền Hòa Lan tại Đài Loan. Năm 1630, trong một chuyến sang chơi Việt Nam, bà đã gặp vua Lê Thần Tông ở Thăng Long. Nghe lời khuyên của cha, bà đã ở lại làm vương phi cho nhà vua. Trong cuốn “Histoire Ancienne et Moderne de l”Annam”, Giáo sĩ Adrien Lurray có viết về bà này như sau: “Vua Lê Thần Tông khi ở ngôi lần thứ nhất đã lấy một người vợ Hòa Lan lai Triều Tiên. Nàng tên là Onrona, được xếp hàng cung tần, đứng thứ hai sau Hoàng hậu”.

Vua Lê Thần Tông ngồi trên ngai vàng được quý phi Onrona tới nộp mạng, vua Hàm Nghi (1874-1944) trả thù dân tộc vất vả hơn. Ông bị Pháp đầy tới Algerie ở Phi Châu vào năm 1888 vì lãnh đạo phong trào Cần Vương, chẳng được mang triều đình theo. Ông qua Pháp vẫn chỉ mặc quốc phục áo dài khăn đống. Chắc chẳng giống ai nhưng lại hấp dẫn được cô đầm tóc vàng sợi nhỏ chứ không phải mắt to tóc xoăn người châu Phi. Đó là kiều nữ Marcelle Laloie. Cô này sanh năm 1884, kém nhà vua tới 10 tuổi và là ái nữ của ông chánh án tòa án Alger. Đám cưới được cử hành rất long trọng vào ngày 4/11/1904. Vui nhất là đây không phải là một cuộc hôn nhân được xếp đặt mà là cuộc hôn nhân vì tình. Cô Marcelle gặp nhà vua nhiều lần và họ yêu nhau. Ông bố chánh án không kỳ thị chi mà hoan hỉ cho con làm vợ vua, tuy là vua mất ngai. Đám cưới được tổ chức rất trọng thể với đầy đủ các tai to mặt lớn của thủ đô Alger. Cô dâu Marcelle mặc một chiếc áo cưới lộng lẫy trong khi nhà vua vẫn chỉ khăn đống áo dài đen. Cô gái Marcelle trở thành “La Princesse d’Annam”. Cô vẫn giữ đạo Công giáo trong khi nhà vua vẫn theo đạo Phật. Họ có ba con: Như Mai (1905-1999), Như Lý (1908-2005) và Minh Đức (1910-1944). Nhà vua qua đời vào ngày 14/1/1944 tại Alger vì ung thư bao tử.

Vua Tự Đức (1829-1883) là vị vua thứ tư triều Nguyễn, nối nghiệp cha là vua Thiệu Trị. Ông này có nhiều cái nhất: ở ngôi tới 36 năm, lâu nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn; hay chữ nhất, làm tới trên bốn ngàn bài thơ; có hiếu nhất với mẹ là bà Từ Dũ và có nhiều vợ nhất, 103 bà. Nhiều vợ như vậy nhưng ông không có con nối dõi. Thành ra ông có một cái hạng bét: không tạo nổi một sinh linh. Ông vốn ốm yếu từ nhỏ. Không biết tại sao ốm yếu mà ngài xài tới 103 vợ. 103 bà không bà nào sanh hoa kết trái, rõ ràng là lỗi của vua. Nhiều ông bạn tôi giễu chắc tại vì ông làm tới trên bốn ngàn bài thơ nên hết xí quách! Chắc không phải. Các ông Luân Hoán, Quan Dương, Hoàng Lộc, Hoàng Xuân Sơn cũng ngàn bài thơ có dư sao vẫn sản xuất ầm ầm. Vì không có con nên khi vua thăng hà, triều đình rối loạn, trong bốn tháng có tới ba vua. Thêm vào là việc thất thủ kinh đô vào năm 1885.

Nói chuyện vui vui về hôn nhân triều đình tới đây thì hết vui. Lơ mấy ông vua này đi. Chúng ta nói chuyện chồng con của các công chúa. Có lẽ vui hơn.

Các nường công chúa trong cung cấm không được tự do yêu như các cô gái thường dân. Hôn nhân của họ được xếp đặt và có bài bản cứng ngắc. Ông tây mật thám Léon Sogny ghi lại chuyện các công chúa lấy chồng trong một bài báo đăng trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) năm 1934. Theo truyền thống của hoàng gia, khi một công chúa tới tuần cập kê, vua sẽ chỉ dụ cho bộ Lại và bộ Binh lập danh sách ghi tên, tuổi (tối thiểu 16) và quê quán của các con, cháu của các quan nhất và nhị phẩm. Mỗi tên tuổi còn phải ghi rõ không có dị tật, thông minh và dễ coi. Tóm lại phải đẹp trai, học giỏi, con quan cỡ nhất và nhị phẩm. Vua sẽ cử ra một hoàng thân làm chủ hôn và một đại thần làm “chiếu liệu” (người ra lệnh). Hai vị này phải là người mẫu mực trong gia đình và phải đông con cháu. Họ sẽ chọn ra một danh sách gồm 5 ứng viên vào chung kết. Danh sách 5 “phò mã chờ” này được đệ trình lên nhà vua. Vua sẽ điểm một dấu son vào tên người được chọn. Vị chủ hôn sẽ thông báo cho nhà trai để sửa soạn hôn lễ. Nhà trai cần sắm: một bộ triều phục cho phò mã, một mũ có 5 con phượng gắn san hô và kim cương, một đai nạm vàng, một đôi hoa tai vàng, một hộp đựng đồ trang điểm bằng vàng, một gương có khung cẩn xà cừ và vàng, một hộp nạm vàng và xà cừ đựng đồ uống trà, một ống nhổ bắng vàng, nhiều tấm gấm thêu và lụa hoa, hài thêu và tất. Các thứ gia dụng như bàn ghế, tủ, bát đĩa và đồ làm bếp. Ngoài ra còn phải đóng một thuyền bồng và các thứ linh tinh khác. Triều đình sẽ cấp cho 30 ngàn quan để chi cho các thứ này. Phò mã cũng được lãnh thêm 3 ngàn quan để mua một căn nhà ở gọi là phủ hay đệ. Một số lính hầu cận gồm 50 người, do một viên đội chỉ huy, được triều đình trả lương cũng được phái tới phủ đệ. Theo quy định, công chúa chỉ được thấy mặt phò mã vào ngày hôn lễ.

Vua Tự Đức không có con nhưng vẫn phải bận tâm vụ cưới gả này. Khi vua cha là Thiệu Trị thăng hà vào năm 1847, triều đình phải để tang 3 năm nên không tổ chức hôn lễ. Hết 3 năm, có tới 30 công chúa con vua Minh Mạng và Thiệu Trị chưa lấy chồng. Các cô này đã có tuổi vì bị khựng lại trong 3 năm tang chế. Số công chúa phòng không chiếc bóng đã đông lại thêm nhiều cô không còn ở tuổi mơn mởn đào tơ, nhan sắc lại thường thường bậc trung nên triều đình phải…hạ giá. Không còn giới hạn vào các cậu ấm con các quan nhất và nhị phẩm nữa, con trai của các quan tam phẩm cũng có quyền ngấm nghé tới chức phò mã. Việc tuyển chọn cũng qua quýt hơn: viết tên các công tử vào giấy rồi các công chúa rút thăm, trúng tên chàng nào lấy chàng đó. Các cậu ấm trúng thăm phải cưới công chúa, không có quyền từ chối. Nhiều chàng toát mồ hôi, không muốn rước về một bà vợ có thể vừa già vừa xấu, chạy trốn ra khỏi kinh thành để khỏi phải làm phò mã.

Nói chuyện cưới xin của các công chúa, tưởng là vui nhưng vẫn không vui. Tìm được niềm vui ngày tết coi bộ khó. Nhưng có chuyện này có thể gọi là vui.

Ông Nguyễn Bá Khánh là một quan ngự y rất tài giỏi của vua Đồng Khánh, trị vì từ năm 1885 tới 1889, được ban danh hiệu “Hàn Lâm Viện Đãi Chiếu”. Vì kỵ húy vua Đồng Khánh nên phải đổi tên là Nguyễn Bá Chước. Vua Đồng Khánh có một bà thứ phi tên Lưu Ngân, được tuyển vào cung năm 14 tuổi. Ba năm sau, khi bà 17 tuổi, vua thăng hà. Vua Đồng Khánh cảm kích công lao chữa bệnh của ngự y Nguyễn Bá Chước nên khi biết mình sắp chết, cho vời ông tới và hỏi: “Ngươi rất có công với triều đình, từng chữa khỏi bệnh thương hàn cho ta. Trước khi mất ta muốn ban thưởng cho ngươi vì những công lao đó. Ngươi muốn chi thì cứ tâu”. Ngự y rụt rè không nói. Vua gặng hỏi thêm, ông mới thưa: “Hạ quan có một mong ước, nhưng nếu Đức Vua tha tội chết thì mới dám nói”. Vua gật đầu. Vị quan ngự tâu: “Hạ quan không xin bất cứ vàng bạc, bổng lộc gì khác, chỉ xin nhà vua ban bà thứ phi Lưu Ngân về làm vợ”. Vua gật đầu. Sau đó bà đã sanh cho quan ngự y 20 người con!

Tôi khoái ông ngự y dám chơi trèo này. Yêu thế mới là yêu, từ vua tới quan trong triều ai sánh nổi. Tôi ngậm niềm vui này trong những ngày tết. Không biết có thể gọi là đồng khí tương cầu được không?

   02/2024

SONG THAO

Website: www.songthao.com

Vua Tự Đức.

Vua Hàm Nghi.

Lễ cưới vua Hàm Nghi.

Tượng Thứ Phi người Hòa Lan Onrona của vua Lê Thần Tông.

Bài Mới Nhất
Search

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ