HÌNH ẢNH PHÁP LUẬT TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN
Ngô Tằng Giao
Nước Việt Nam ta trước khi có văn chương bác học với những bài văn theo khuôn phép nghiêm chỉnh thì người bình dân trong nước đã biết biểu lộ tư tưởng của mình bằng những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, phong dao v.v... được gọi chung là văn chương bình dân hay văn học dân gian. Văn học dân gian do ở sự truyền khẩu từ đời này qua đời khác mà còn lưu lại đến nay. Nó rất phong phú và đa dạng, đề cập đến đủ mọi lãnh vực: từ luân lý đến đạo lý làm người, từ tâm lý người đời, tình ý trong lòng người đến phong tục tập quán v.v… Lại có những câu về thường thức như thời tiết, thiên văn, canh nông, tướng người và các trạng thái xã hội khác nhau kể cả “pháp luật”, từ luật tố tụng đến luật hình sự, từ luật kinh doanh đến luật gia đình v.v... * Dân tộc Việt nam ta vốn là một dân tộc hiếu hòa. Từ ngàn xưa người dân Việt đã biết bảo nhau bỏ qua những thiệt hại nhỏ nhặt, nếu có, để giữ hòa khí giữa bà con làng xóm với nhau: -"Chín bỏ làm mười" Hoặc nhường nhịn nhau để tránh điều dữ, tạo điều lành: -"Một câu nhịn chín câu lành" -"Chín nhịn mười lành" -"Bớt giận làm lành" Lắm người còn tỏ ra khiêm tốn tránh mọi chuyện ganh đua tranh giàn, tạo hòa khí: -"Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai thì hơn nữa tôi thì thứ ba" Người dân còn luôn tâm niệm là đừng nên làm việc ác, sai trái vì "gieo gió sẽ gặt bão": -"Ác giả, ác báo" Bà con không thích đưa nhau ra kiện tụng trước "cửa công". Họ chê cười những kẻ thích kiếm chuyện một cách vô lý, họ gọi những người đó là những kẻ: -"Bán ruộng kiện bờ" -"Bán ruộng nhà, kiện ruộng chùa" Họ chê cười kẻ gặp việc nhỏ bé không đáng gì mà lại cứ thích làm lớn chuyện: -"Việc bé xé ra to" Họ lên án những kẻ ưa xúi bẩy người khác kiện tụng để lợi dụng cơ hội thủ lợi. Họ gọi hạng người đó là: -“Đục nước béo cò", -"Đâm bị thóc, chọc bị gạo" -"Đổ thêm dầu vào lửa” Hành vi xúi bẩy người này, khích động người kia, làm cho hai bên vốn đã mâu thuẫn lại càng mâu thuẫn thêm, lao vào cuộc tranh chấp hơn thua, thường bị chê là: -"Xui nguyên, dục bị" Những vụ tranh chấp kiện tụng vớ vẩn thường bị chế giễu là: -"Con kiến mày kiện củ khoai Mày chê tao khó lấy ai làm giàu? Nhà tao chín đụn mười trâu Lại thêm ao cá có cầu rửa chân" Việc đưa nhau ra cử công để nhờ quan lại phân xử quả là một điều vô phúc: -"Vô phúc đáo tụng đình Tụng đình rình vô phúc" -"Cái đáo tụng đình, nó rình nhà vô phúc -"Vô phúc bước cửa quan" Đáo tụng đình là đến cửa quan kiện tụng. Người ta vác đơn đi kiện khi sự xích mích giữa hai bên nguyên bị không tự giàn xếp nổi. Hay bên này cố tình ức chế bên kia, vì oan ức nên mới đi thưa. Trong thời gian thưa kiện, bên nguyên đơn cũng như bên bị 2 đơn đều phải lên xuống hầu quan nhiều lần. Mỗi lần như vậy lại phải bỏ việc nhà năm ba ngày, có khi hàng tháng, vì đường sá ngày xưa đi lại khó khăn. Đã thế lại tốn hao không biết bao nhiêu là tiền của, nào xe pháo, nào chi tiêu dọc đường, tiền ngủ trọ, và... đút lót cho các sai nha... để cuối cùng dù thắng kiện hay thua kiện bên nào cũng sạch túi cả: -"Được kiện mười bốn quan năm, Thua kiện mười lăm quan chẵn" Sự hận thù nhiều khi kéo dài không dứt từ đời này qua đời khác. Nhiều khi mất thêm thời giờ vì chờ được vạ là chờ được bồi thường khi xét xử thì bản thân đã đau thương. (Vạ từ cổ có nghĩa là phạt như bắt vạ, ngả vạ. "Được vạ" có nghĩa là "được cuộc", "được kiện"): -"Một đời kiện, chín đời thù" -"Chờ đươc vạ, má đã xưng" * Cuộc sống chung nhiều khi không đơn giản. Có những kẻ thấy người khác nhịn nhục lại cứ "được đằng chân, lân đằng đầu", cứ tiếp tục hiếp đáp, lấn át bà con. Trong trường hợp này thì "con giun xéo mãi cũng quằn" và vì "tức nước vỡ bờ" bà con ta đành phải đưa nhau ra tòa án để nhờ phân xử, nhờ ánh sáng công lý phán xét: -"Đèn trời soi xét" Trước tòa mọi người đều bình đẳng, không có cảnh "mạnh được, yếu thua" hay nể nang quen biết: -"Pháp bất vị thân" -"Quan pháp vô thân" Pháp luật phải được áp dụng một cách thẳng thắn, nghiêm chỉnh và vô tư dù ai đó có bị thiệt hại và tổn thương chăng nữa: -"Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ" Pháp luật bình đẳng không nương tay cho ai dù đó là thành phần nào trong xã hội: -"Con chim ăn quả bò nu Ai làm nên nỗi, thày tu đeo xiềng? -“Thày tu ăn nói cà riềng Em thưa quan cả đóng xiềng thày tu" Pháp luật phải luôn luôn được phổ biến cho người dân biết vì dân có biết pháp luật, biết điều bị cấm đoán, mới có thể tôn trọng pháp luật, tránh làm điều sai trái: -"Tri pháp, úy pháp" Tại nước ta dù đi vào bất cứ vùng quê nào, người ta cũng nên quan tâm tới tập tục, phép tắc ở nơi đó. Hiểu biết, tôn trọng luật lệ của từng nơi, từng chốn là một yêu cầu văn hóa trong thế ứng xử của người dân đối với quan hệ xã hội. Bởi thế dân gian thường khuyên bảo nhắc nhở nhau hãy tôn trọng quy tắc của làng xã Việt nam: -"Đất có lề, quê có thói" -"Đất lề, quê thói" Lề luật của làng nhiều khi còn có giá trị vượt trội hơn cả phép tắc của nhà Vua nữa. Người dân sống ngay trong làng xã nên thấy điều thiết thân trước mắt là phải coi phép tắc của làng xã hơn các thứ khác: -"Phép Vua thua lệ làng" -"Thà thiếu thuế Vua hơn thua lệ làng" Nói chung khi phép tắc của Vua mà không trái với lề luật của làng thì người dân vẫn một mực tôn trọng, tuy đôi khi họ phản kháng một cách tế nhị và hài hước như đối với luật “cấm mặc váy” (quần không đáy): -"Tháng tám có chiếu Vua ra Cấm quần không đáy người ta hãi hùng!... Không đi thì chợ không đông Đi thì phải lột quần chồng sao đang!" Trong đời sống hàng ngày người ta thường dùng cân để đo khối lượng các vật cho chính xác. Những người thợ như thợ. mộc, thợ cưa xẻ phải dùng dây thấm mực nảy trên gỗ để đánh dấu làm chuẩn cho đường cưa. Sự ngang bằng của cán cân cũng như đường mực thẳng tắp của dây nảy trên gỗ là biểu tượng của sự ngay thẳng, đứng đắn và công bằng. Dân gian đã gộp hai hành động này lại với nhau thành một thành ngữ để nói đến người nắm trong tay quyền xét xử; họ gọi quan tòa là người: -"Cầm cân, nảy mực" -"Chí công vô tư 3 Rất công bình, không tư vị, đó là tôn chỉ của các quan thanh liêm ngày xưa. Các quan giải quyết việc công bao giờ cũng lấy sự công bình làm mực thước, và dứt khoát không tư vị một ai, dù đó là người thân của chính mình cũng vậy. Không thiếu những vị quan thanh liêm, công minh, theo đúng chuẩn mức đạo lý và giữ đúng kỷ cương xã hội được người dân ca tụng như những bậc "phụ mẫu", "cha mẹ" dân, như những Bao Công đời xưa. Trong thực tế nhiều khi tiền bạc đã lung lạc lương tâm con người khiến một số quan chức làm sai pháp luật, chuyện này không phải hiếm. Dân gian đã mạnh dạn tố cáo những bản án bị mãnh lực kim tiền lung lạc, những luật lệ bị tiền bạc phá bỏ: -"Nén bạc đâm toạc tờ giấy" -"Kim ngân phá luật lệ" Tố cáo những kẻ vì có nhiều tiền lắm bạc mà chiếm ưu thế. Túi tham của quan nhiều khi không đáy khiến người dân phải kêu lên. Mỗi lần có chuyện kiện tụng giữa dân chúng với nhau là quan lại "mở cờ trong bụng" vì sắp được hưởng lợi: -"Tiền bạc đi trước, mực thước đi sau" -"Của vào quan như than vào lò" -"Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ" Khi có tiền hối lộ thì quan xử kiện không còn công minh nữa. Quan bỏ qua tội phạm lớn, chỉ xét đến các tội phạm nhỏ nhặt hơn: -"Mèo tha miếng thịt xôn xao, Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi! Mèo tha miếng thịt thì đòi Kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng" Hoặc quan thay đổi lý luận của mình để mang phần lợi về cho người đút lót: -"Kiện gian, bàn ngay" -"Lý gian, bàn ngay" Người dân gọi chung những kẻ gian manh tham nhũng này là bọn người: - "Đổi trắng, thay đen" -"Cãi chày cãi cối" Cối và chày là những thứ bị ma sát hằng ngày nên... lì mặt! Mà đã lì mặt thì làm sao phân biệt được chuyện phải trái! Cứ cãi bừa, cãi cho bằng được mới nghe. Người có quyền lực như quan thì nói như thế nào, phán như thế nào cũng được, không ai cấm đoán và dám cãi lại. Chẳng thế mà dân gian có câu: -"Muốn nói oan làm quan mà nói" -"Muốn nói gian làm quan mà nói" Dân gian mai mỉa cái khôn ngoan quỷ quyệt của quan. Chê bai cái thiên vị, cái cách hành sử sai quấy của quan: -"Khôn nên quan, gan nên giầu" -"Muốn làm lớn thì làm láo" Dân gian có kinh nghiệm là quyền hành đi đôi với bổng lộc nên thậm chí đến cả những người chưa chính thức làm quan cũng bị dân gian ghét lây: -"Quan cả, vạ to" -"Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng" Người dân xếp loại quan theo ngạch trật, theo quyền hạn, theo chức vị, có thể kiếm chác được nhiều hay ít: -"Nhất thì Bộ Lại, Bộ Binh, Nhì thì Bộ Hộ, Bộ Hình cũng xong, Thứ ba thì đến Bộ Công, Nhược bằng Bộ Lễ, lạy ông xin về" Xếp hạng theo địa thế nơi béo bở gần với người dân thì quan lại dễ kiếm chác: -"Quan thời xa, bản nha thời gần" -"Quan trong hơn quan ngoài" Ngoài việc tham ô, đòi hối lộ, một số quan lại khác còn có máu dâm ô, trắng chợn hà hiếp dân lành: -"Em là con gái đồng trinh, Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè. Ông Nghè sai lính ra ve... -Trăm lạy ông Nghè, tôi đã có con! -Có con thì mặc có con, -Thắt lưng cho giòn, theo võng cho mau!" Dân gian lên án hành vi dâm ô có tính cách liên kết giữa các quan lại, lên án chung 4 hành vi coi thường luật pháp có tính cách bao che lẫn nhau của đám quan lại: -"Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi" Dưới quan là một số các chức quyền khác cũng thừa cơ hội "muợn gió bẻ măng" chia chác ăn theo. Bởi thế dân gian mới khuyên nhau một cách xỏ xiên là: -"Quan hai, lại một” -"Khôn làm lại, dại ở nhà" Dân gian than thở là vừa thoát ách này lại gặp nạn khác, tương tự như cảnh "quỷ tha, ma bắt", vừa thoát cơ quan này lại kẹt với cơ quan khác: -"Quan tha, nha bắt" Quan này đi, quan kia thay thế, cũng "cá mè một lứa" bòn rút nhân dân: -"Ông Huyện chửa đi, ông Tri đã lại" -"Quan Phủ đi, quan Tri nhậm" Bọn lính tráng dưới quyền quan nhiều khi cũng hống hách, sách nhiễu dân: -"Cậu Cai buông áo em ra Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa. Chợ trưa rau nó héo đi, Lấy gì nuôi mẹ, lấy gì nuôi con?" Dân gian "thấp cổ, bé miệng" nhiều khi đành chỉ phản kháng một cách trào lộng như một cô gái “không chồng mà chửa”, đẻ con mà không biết “quan” nào là cha đứa trẻ: -"Đẻ đứa con trai, Chẳng biết nó giống ai, Cái mặt thì giống ông Cai, Cái đầu ông Xã, cái tai ông Trùm" Dân gian cực lực lên án những hạng quan lại tham ô như lời Mẹ dạy con: -"Con ơi mẹ bảo con này, Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!" Người dân ghét lây đến những tay chân dưới quyền quan, làm theo lệnh quan: -"Léo nhéo như mõ réo quan viên" Người nào được cảm tình của quan chắc chắn sẽ được bà con lối xóm nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm: -"Quan yêu, bạn ghét" Người dân một mặt đề cao những nghề tuy lao động chân tay tầm thường nhưng lương thiện, một mặt đánh giá thấp các chức vụ dính dáng tới quan quyền: -"Có phúc thợ mộc, thợ nề Vô phúc thầy Đề, thầy Thông" Người dân vạch ra cái thói quan hay "ăn trên ngồi chốc" và khinh thường người dân: -"Thừa quan rồi mới đến dân, Thừa nha môn tuần đến sãi đò đưa" Vạch ra cái thiếu tình cảm đến lạnh lùng kiểu "mặt sắt đen xì" của quan: -"Quan cứ lệnh, lính cứ truyền" Người dân chỉ tính tùy tiện, đúng sai bất chấp, tiền hậu bất nhất trong lời nói của lớp người quyền cao chức trọng trong xã hội, đó là các quan. Quan là người thay mặt Vua để trị vì thiên hạ. Mỗi lời nói cửa miệng như vàng như ngọc, ấy thế mà bị so sánh với trôn trẻ, tức là cái bộ phận bài tiết rất tùy tiện, vô chừng, chẳng có lề luật gì cả. -"Miệng quan, trôn trẻ" Đôi khi dân gian đem quan ra so sánh với những vật tầm thường. Hoặc so sánh với những hoạt động hàng ngày không được sạch sẽ chi mấy: -"Thứ nhất Quận Công, thứ nhì không khố" -"Thứ nhất Quận Công, thứ nhì ỉa đồng” -"Ỉa đồng một
bãi bằng vạn đại Quận Công" Cái miệng đầy quyền hạn của quan từng "hét ra lửa, mửa ra khói" ấy vậy mà khi làm bậy vẫn bị so sánh với bộ phận thường được coi là tục trên thân thể người dân đen: -"Miệng kẻ sang có gang có thép Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm" 5 Khi gặp quan lại không được công minh người dân nói chung dùng văn chương truyền khẩu để tố cáo và phản kháng, khi thấy khó có kết quả, dân gian thường than: -"Ngắn cổ bé miệng, kêu không thấu trời" Và khuyên nhau có thái độ hòa hoãn để được tạm sống an thân: -"Nợ van, quan khất" * Về phương diện luật pháp có tính cách hình sự thời người dân củng tự nhủ lòng, tự biết rằng “đói thì đầu gối phải bò”, phải cố bươn chải mọi cách để kiếm cho được miếng ăn, chứ không ai dại gì ngồi khoanh tay chờ chết. Nếu hết việc lương thiện, thì tất nhiên phải xoay qua việc bất lương. Trộm cướp, nhiều khi là do cuộc sống nghèo hèn sinh ra: -“Bần cùng sinh đạo tặc” Vì người ăn mày đâu có khác gì ta, họ như trăm vạn người khác trong xã hội. Họ chỉ khác ta ở chỗ họ đang gặp cảnh nghèo túng nên phải đi ăn xin. Như vậy họ là người đáng được thương hại chứ đâu đáng khinh: -“Ăn mày chính thực là ta, Đói cơm, rách áo hóa ra ăn mày” Tuy thế bà con biết tự kiềm chế việc vi phạm pháp luật và khuyên nhau phải nghĩ đến hậu quả vì khi hối hận thời đã trễ: -“Ăn năn thì sự đã rồi” Người nào đã gây điều ác cho ai thì sẽ bị trả thù lại. Nói một cách khác, người làm điều ác tất phải gặp chuyện ác. Người ta tin rằng có thiên nhãn nên trời mới thấy ai làm điều thiện để thưởng, làm điều ác để trừng phạt nên khuyên ta nên ăn ở hiền lành: -“Ác giả ác báo” -“Ai bảo trời không có mắt” Có nhiều kẻ gian khi người ta không ai chất vấn hỏi han gì đến mình, mà mình lại tự hối cải và mau miệng tiết lộ tội lỗi: -“Ai khảo mà xưng” Trước pháp luật muốn buộc tôi ai thì phải trưng ra bằng chứng, tang chứng rõ ràng hoặc dấu vết, vết tích để lại để làm luận cứ, luận chứng cho việc làm phi pháp đó: -“Ăn trộm có tang chơi ngang có tích” Thành ngữ có câu “tam sao thất bổn”. Một câu nói do một người nói ra khi người khác lập lại thường thì có thể sai ý nghĩa ban đầu. Chuyện đầu voi có thể đã hóa ra đuôi chuột! Sự thật muốn được xác minh thời cần có đủ người làm chứng lên tiếng: -“Ba mặt một lời” Mọi người đều phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Tội ai làm thì người đó sẽ gánh hậu quả: -“Ai làm người ấy chịu” Pháp luật bao giờ cũng quy định rạch ròi như vậy để tránh cảnh kẻ này làm nhưng lại đổ tội cho người khác: -“Bụng làm dạ chịu” Chỉ trừ trường hợp con cái còn ở tuổi vị thành niên thì cha mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm, theo kiểu: -“Mũi dại thì lái chịu đòn”. Thói quen do sự lập đi lập lại nhiều lần của một hành động. Lâu dần thói quen đó trở thành quán tính khó lòng sửa đổi. Cũng vì vậy ăn cắp một vài lần thấy êm xuôi, những lần sau quen tay làm hoài đến nỗi thành tật xấu lúc nào mình cũng không biết: -“Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” Những người đã lỡ nhúng tay vào tội ác vì sợ tội nên họ càng liều lĩnh dấn sâu vào con đường tội lỗi hơn. Tìm đủ mọi thủ đoạn, mưu kế. Không đủ can đảm tự tìm cho mình một lối thoát hữu hiệu: -“Chót vì tay đã nhúng chàm” -“Bày mưu tính kế” Người đã gian thường khi bị đổ bể thì cố chạy tội. Có nhiều cách để chối tội, chối phăng tất cả những lời buộc tội của người 6 khác nhắm vào họ với những lời phản bác quyết liệt, mà người nhẹ dạ mới nghe qua phải tin lầm, cho là họ oan ức. -“Bỏ vạ cáo gian” Trước pháp luật cũng như trước tòa án lương tâm, hễ ai gây ra tội thì người ấy phải lãnh lấy tội do mình gây ra. Nhưng ở đời lại có những kẻ gian ngoan, tội mình gây ra lại đi vu cáo cho người khác để lợi mình mà hại người. Trừ khi bị bắt quả tang và không còn chối cãi được: -“Bắt tận tay day tận tóc” Khi phạm tội thì thường bị mất tự do vì tù tội, hay bị phong tỏa do một áp lực nào đó và chịu cảnh: -“Cá chậu chim lồng” Trừ khi chịu bỏ điều ác để quay trở về con đường lương thiện: -“Cải ác hoàn lương” -“Cải ác vi thiện” -“Cải tà quy chánh” * Về phường diện luật gia đình bà con thường nói đến sự ràng buộc của vợ chồng suốt một đời chung sống, vui buồn sướng khổ có nhau: -"Ăn đời ở kiếp" -"Chia ngọt sẻ bùi" Ngày xưa việc dựng vợ gả chồng cho con gái là thuộc quyền của cha mẹ. Con cái thường phải một mực nghe theo, không dám cãi. Tục ngữ có câu: -"Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" -"Áo mặc không qua khỏi đầu" Nhưng cha mẹ đâu biết được rằng đôi khi vì cha mẹ ép duyên nên con cái không gặp hạnh phúc lứa đôi. Vợ chồng phải cố gắng chịu đựng sống với nhau để cha mẹ được vui lòng và cũng để khỏi miệng thế gian cười chê. Nhiều cô gái nói đến chuyện cau cưới để tỏ ý phản đối quyết định gả chồng của cha mẹ. Cau cưới là cau trầu dùng trong lễ hỏi mà nhà gái đem biếu cho bà con thân thuộc để báo tin con gái mình đã lấy chồng: -"Ai ăn cau cưới thì đền, Phận em còn bé chưa nên lấy chồng" Việc dựng vợ gả chồng cho con cái đôi khi lại quá sớm: Gái mới mười ba, trai mới mười sáu. Tuổi còn thơ dại thì biết gì đến tình nghĩa vợ chồng mà chung sống: -"Nữ thập tam, nam thập lục". Khi tổ chức đám cưới thì thường phải theo những tục lệ xưa được quy định sẵn: -"Anh lấy em đồng cheo, đồng cưới, Đủ mặt họ hàng, xóm dưới làng trên" Con trai lấy vợ mà đã nộp cheo cho làng, nộp đồ sính lễ cho họ nhà gái đầy đủ, lại có đông đủ họ hàng hai bên chứng kiến thì như vậy là đã lo đủ lễ bộ cưới xin và có quyền “đưa nàng về dinh”, dẫn vợ mới về nhà: -"Bao giờ tiền cưới trao tay, Tiền cheo làng lấy mới hay vợ chồng" Tiền cưới: tức sính lễ mà nhà trai mang đến nhà gái để làm lễ rước dâu. Còn tiền cheo: ngày xưa làng không có sổ bộ hôn thú, nên khi có đám cưới nhà trai phải nộp tiền cheo cho làng, để làng chứng nhận. Nếu cưới mà không cheo sẽ bị làng phạt vạ. Tiền cheo có hai loại: cheo nội và cheo ngoại. Cheo nội: dành cho trai gái trong làng lấy nhau. Cheo ngoại: dành cho trai làng khác đến làng này lấy vợ. Sau một thời gian chung sống nếu cô vợ phạm nhiều lầm lỗi, “tình yêu vỗ cánh bay xa”, chồng có thể chia tay: -"Bình phong cẩn ốc xà cừ' Vợ hư để vợ, đừng từ mẹ cha" Thời trước còn có tục lệ “đa thê”, chàng trai có nhiều vợ. Cảnh chồng chung là cảnh khổ sở nhất, con gái lớn lên không ai khứng chịu. Chỉ vì hoàn cảnh nghèo nàn bắt buộc hoặc vì một lầm lỗi nào đó người ta mới đành chịu kiếp làm lẽ mà thôi: -"Cả sông đông chợ, lắm vợ nhiều con" -"Chết trẻ còn hơn lấy lẽ" * 7 Về mặt kinh doanh, thương mại người ta phân biệt hai hạng người. Đại thương gia thì làm ăn buôn bán lớn: -"Buôn vạn bán nghìn" Còn tiểu thương gia thì buôn bán nhỏ, bán rong, ít vốn loanh quanh ở trong chơ: -"Buôn thúng bán mẹt" -"Buôn thúng bán bưng" -"Buôn đầu chợ bán cuối chợ" Đi buôn tất nhiên là phải có lời. Người tiêu thụ mặc nhiên phải chấp nhận mức lời mà người bán được hưởng. Ai lại dại gì đi "mua gốc bán ngọn" mà không có đồng lời: -"Buôn chín bán mười" -"Buôn quan tám bán quan tư" Làm nghề buôn cốt sống nhờ tiền lời. Thông thường thì vốn ít thì lời ít, vốn nhiều mới kiếm được lời nhiều: Tuy vậy nhiều khi còn tùy thuộc vào sự may rủi hên xui mà đắt hàng hay không: -"Cả vốn lớn lãi" -"Buôn may bán đắt" Khách hàng phải được xem là ân nhân vì họ mang đến cho ta điều lợi. Nếu muốn đắt hàng và khỏi mất khách thì phải biết chiều ý khách. Đó là nghệ thuật bán buôn. Theo cách buôn bán của ta ngày xưa, thì người bán có quyền nói thách, và người mua có quyền trả giá: -"Cò kè bớt một thêm hai" -"Thuận mua vừa bán" -"Bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ" -"Bán hàng chiều khách" Nhiều khi tuy chào khách nhưng vẫn bị ế hàng nên phải hy sinh bán thật rẻ gần như cho không để bán cho nhanh mau hết hàng: -"Bán rao chào khách" -"Bán tháo bán đổ" Tung vốn làm ăn, nếu không có đồng lời để sống thì cũng cố gắng thu lại đồng vốn, để còn buôn chuyến khác. Cố gắng rút vốn ra, được đồng nào hay đồng ấy. Luôn luôn phải bảo vệ đồng vốn của mình: -"Ăn lời tùy vốn, bán vốn tùy nơi' -"Chẳng được ăn cũng lăn lấy vốn" Nghề buôn bán ngày xưa đôi khi không ai chuộng vì cho là gian xảo, không đạo đức, nên bị liệt vào hàng thứ tư trong tứ dân: Sĩ, Nông, Công, Thương: -"Buôn gian bán lận" Khi đôi bên thỏa thuận kết ước với nhau điều chi thời thông thường đều đòi hỏi phải làm trên giấy tờ để làm bằng cớ chịu trách nhiệm thi hành. Tờ giấy đó là “văn tự”. Kẻ liều lĩnh dám làm những việc tày trời bất chấp cả luật pháp mới không cần “văn tự”: -"Bán trời không văn tự" Thời xưa khi người dân đến cửa quan thì lúc nào cũng phải có khay trầu rượu, và một con gà trống thì may ra mới mong được việc. Điều này đã giúp cho người trong cuộc có một ý nghĩ hài hước cay đắng là hễ ngòi bút của các quan ký xuống đơn từ của dân đen là y như một con gà phải chết. Mực đen viết trên giấy trắng với nét mực rành rành là bằng cớ thì khó mà chối cãi: -“Bút sa gà chết” -“Giấy trắng mực đen” * Như vậy thời trong Văn Học Dân Gian chúng ta thấy đầy dẫy những hình ảnh của Pháp Luật (hình sự, tố tụng, gia đình, thương mại v.v…) trong những câu ca dao, tục ngữ. thànhngữ, phong dao Việt Nam.
Luật sư NGÔ TẰNG GIAO
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét