T.VẤN
& Bạn Hữu
Văn Học và Đời Sống
NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN của ĐỖ DUY NGỌC
GIỚI THIỆU
NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN là những ghi chép từng ngày của tác giả ĐỖ DUY NGỌC về khoảng thời gian hãi hùng nhất của trận dịch Covid-19 ở thành phố Sài Gòn. Theo những trang ghi chép của ông thì ngày đầu tiên của cuộc phong tỏa không tiền khoáng hậu là ngày 9 tháng 7 năm 2021 và ngày cuối cùng chấm dứt những trang nhật ký là ngày 30 tháng 9 năm 2021. 71 trang nhật ký. Nếu chỉ nhìn vào con số 71 trang nhật ký (trong tổng số 120 ngày Sài Gòn Lockdown), thì khoảng thời gian hãi hùng ấy chẳng là gì so với chiều dài hơn 10 ngàn ngày của cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn tuy đã chấm dứt cách đây gần 50 năm trước nhưng những hệ lụy của nó vẫn còn vương vất đây đó trong tâm khảm người Việt Nam hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Nhưng, với những ai đã sống sót qua trận dịch thế kỷ ở thành phố Sài Gòn, nhất là với những người có thân nhân chẳng may qua đời trong khoảng thời gian 120 ngày ấy, những người đã từng bị buộc sống cách ly trong những trại tập trung nhưng may mắn (hay không may mắn) sống sót, thì 120 ngày ấy đã, đang và sẽ là nỗi ám ảnh khó quên cho đến ngày nhắm mắt nằm xuống.
NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN của tác giả Đỗ Duy Ngọc vốn đã được tác giả phổ biến trên trang facebook cá nhân ngay từ ngày đầu của trận dịch. Nay, để ghi nhớ những ngày rất khó quên ấy, tác giả đã gom lại thành một tập sách lấy tên là NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đã mang đi nhờ cậy in ấn ở 7 nhà xuất bản ở Sài Gòn. Tất cả đều từ chối. Theo lời tác giả: “Tôi xin phép 7 nhà xuất bản để in, tất cả đều lắc đầu sau khi đọc bản thảo. Có nơi thắc mắc sao lại gọi tên thành phố này là Sài Gòn . Có chỗ thì bảo thành phố chỉ giãn cách chứ có lockdown đâu. Và đa số đều ngại nội dung dù đó chỉ là sự thật…”
Một sự tình cờ, chúng tôi, qua nhà thơ HH, được biết đến tác phẩm và “số phận của nó”, đã nhờ anh HH làm đầu cầu trung gian. Kết quả, tác giả tập nhật ký đã tin cậy giao cho trang T.Vấn & Bạn Hữu gởi tác phẩm đến với độc giả Việt Nam khắp nơi trên thế giới (và TV&BH sẽ lưu trữ để gởi đến các thế hệ Việt Nam mai sau).
Tập sách NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN do anh Đỗ Duy Ngọc gởi đến không có những hình ảnh rất cụ thể đi kèm với những trang viết từng ngày mà khi trước, cho lên facebook cá nhân anh đã cẩn thận đăng tải làm bằng chứng. Rất may mắn, khi chúng tôi nhờ một cộng tác viên ở Việt Nam là cô NTN phụ trách công việc biên tập tập nhật ký để cho đăng trên TV&BH, mới biết cô đã thu thập toàn bộ tập nhật ký (và hình ảnh kèm theo) trên facebook Đỗ Duy Ngọc, từ ngày đầu đến ngày cuối. Như vậy, bản Nhật Ký giới thiệu trên TV&BH sẽ có kèm theo đầy đủ hình ảnh như đã từng xuất hiện trước đây.
Chúng tôi sẽ giới thiệu từng kỳ 71 trang Nhật Ký (và hình ảnh). Song song, chúng tôi sẽ thực hiện toàn bộ tập Nhật Ký (và hình ảnh) thành sách điện tử (dạng PDF) để quý độc giả quan tâm tiện lưu trữ.
TV&BH xin chân thành cám ơn tác giả Đỗ Duy Ngọc đã tin cậy gởi gắm tác phẩm, cám ơn nhà thơ HH đã luôn hết lòng giúp đỡ, cám ơn cô NTN đã tận tụy thực hiện bản Nhật Ký và cả các hình ảnh đính kèm trong một thời gian kỷ lục để chúng tôi có thể đưa tác phẩm đến độc giả khắp nơi trên thế giới.
Xin trân trọng giới thiệu Tập sách NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN của tác giả Đỗ Duy Ngọc với độc giả của TV&BH.
T.Vấn & Bạn Hữu
ĐỖ DUY NGỌC: SỐ PHẬN CỦA MỘT CUỐN SÁCH
Trong 120 ngày cơn đại dịch hoành hành thành phố này năm 2021. Biết bao cảnh thê lương xảy ra, biết bao những sai lầm không đáng có đã khiến cho mấy chục ngàn người bỏ mạng một cách oan ức. Chắc chắn con số người về với tro bụi vì đại dịch lớn hơn con số nhà nước đã công bố. Tan tác, chia ly, đau đớn, phẫn nộ. Trong những ngày ấy, hàng ngày tôi đều viết nhật ký về cơn đại dịch và tôi đặt tên là Nhật ký Sài gòn lockdown . 600 trang in khổ lớn chất chứa rất nhiều tư liệu và cảm xúc của tôi. Biết bao văn bản của chính quyền thể hiện sự lúng túng. Biết bao tiếc thương về sự ra đi của người quen, bạn bè và người dân. Biết bao nỗi niềm về một thành phố thân yêu trở thành những con phố không người và những khu phố đầy dây kẽm. Biết bao uất ức, bao niềm đau được ghi lại. Biết bao tư liệu về những năm tháng không thể nào quên của người Sài Gòn.
Tôi xin phép 7 nhà xuất bản để in, tất cả đều lắc đầu sau khi đọc bản thảo. Có nơi thắc mắc sao lại gọi tên thành phố này là Sài Gòn. Có chỗ thì bảo thành phố chỉ giãn cách chứ có lockdown đâu. Và đa số đều ngại nội dung dù đó chỉ là sự thật. Cũng có nhà xuất bản bảo có thể cấp giấy phép với điều kiện phải chi 20.000.000 đồng (gồm phí xuất bản 5 triệu+phí biên tập 15 triệu. Giấy phép không thôi đã là 20 triệu thì đành ôm về thôi, sao chịu nổi)
Nghe đâu Cục xuất bản đề nghị không cho phép cấp giấy phép cuốn sách này.
Ở nước ngoài đề nghị in, nhưng vì để bảo đảm an ninh cho bản thân, tôi từ chối. Thế là bản thảo cuốn sách đành nằm mãi trên bàn, đóng bụi. Số phận của nó là không được cất tiếng đành phải lặng im. Nó mãi mãi là tư liệu của riêng cá nhân tôi và mốt mai con cháu của riêng tôi sẽ đọc để biết rõ cha ông chúng đã từng trải qua cơn đại dịch hãi hùng như thế nào và trách nhiệm của người lãnh đạo về hậu quả của cơn đại dịch. Nghĩ cũng tiếc nhưng cũng đành vậy.
25.10.2023
Hai năm sau cơn đại dịch
DODUYNGOC
SÀI GÒN
Gần tám trăm điểm cách ly, phong toả
Sài Gòn lổ chổ vết đạn
Sài Gòn mang lắm vết thương.
Nếu không có những tấm lòng
Sài Gòn sẽ có biết bao gia đình chết đói
Nếu không có những chàng trai cô gái
Những người trẻ dù nhuộm tóc màu và áo quần hàng hiệu
Nói năng đúng điệu
Nhưng đầy ắp tình thương
Hằng đêm đi khắp phố phường
Tặng cho những kẻ lăn lóc vỉa hè gói mì túi bánh Họ chẳng biết sống bằng gì?
Lảo đảo bước chân đi
Những giọt nước mắt của người già cô đơn
Có nụ cười của cô gái đẩy xe rác trong đêm
Lời cám ơn bằng đôi mắt của bà mẹ bế con giữa phố vắng
Đó chính là những viên thuốc chữa lành vết xước
Sài Gòn mệt, Sài Gòn đau
Nhưng Sài Gòn không biết làm màu
Và Sài Gòn không tuyệt vọng
Sài Gòn ghi ơn nhưng không thích kẻ kể ơn
Sài Gòn thương yêu cũng không giữ căm hờn
Dù đã phải trải qua lắm cơn khổ nạn
Ai đến đây cũng đều là bạn
.
Sài Gòn giăng dây
Sài gòn đầy chốt chặn
Nhưng người Sài Gòn vẫn mở những tấm lòng
Cách ly nhưng không cách chia
Trong gian nguy vẫn không bị xa lìa
Sài Gòn có tủ lạnh, có siêu thị không đồng
Có chị, có cô, có chủ nhà trọ không lấy tiền thuê
Có bó rau quả trứng cho người công nhân xa quê
Có hàng xóm chia miếng cơm con cá
Có cô gái tóc nhuộm vàng gọi bà già ngủ bên đường là má
Sài Gòn sẽ hết cơn đau
Sẽ đứng lên thắp tiếp ngọn đèn màu
Và vững tin bước tới
Sài Gòn đang chờ ngày nắng mới
Sau những cơn mưa.
6.7.2021
Nằm yên đi thành phố của tôi ơi
Nằm yên đi thành phố của tôi ơi
Vết thương đau giờ đã trở nặng rồi
Dây giăng mắc và ngõ kê dây kẽm
Xóm buồn hiu những con hẻm mồ côi
Nằm yên đi tất cả sẽ qua thôi
Anh lại chở em về thăm quê mẹ
Em lại dẫn con đi vào nhà trẻ
Và chúng mình ghé quán uống cà phê
Nằm yên đi xem như một cơn mê
Lúc tỉnh giấc phố phường xưa vẫn đẹp
Đưa em ra chợ Bến Thành mua dép
Luôn có đôi đâu lẻ bạn bao giờ
Nằm yên đi thành phố với giấc mơ
Qua cơn bão trời sẽ trong xanh lắm
Dứt cơn mưa phố sẽ đầy nắng ấm
Bạn bè ôm nhau tay nắm bàn tay
Nằm yên đi đừng sợ hãi đắng cay
Nghe còi rú cũng chẳng nên hốt hoảng
Mọi chuyện xảy ra đều là gió thoảng
Người sẽ lại về sau bệnh thôi em
.
Nằm yên đi vết thương rồi sẽ êm
Những tấm lòng ta cùng nhau góp lại
Ta sẽ làm lành hết những cơn đau
Trôi qua hết chỉ trái tim ở lại
Nằm yên đi thành phố của tôi ơi
Buổi sáng hôm nay lòng thấy bồi hồi
Con phố vắng người gió cô đơn lạ
Ngồi ở bậc thềm thấy đắng đầu môi
Nằm yên đi trại đã chật người rồi
Người áo trắng đã không còn sức nữa
Những ngôi nhà nay phải đành đóng cửa
Mắt mẹ già nhìn mãi phía xa xôi
Nằm thật yên đi tất cả rồi thôi
Chấm dứt cơn đau thu đã đến rồi
Cả thành phố này sẽ cùng đứng dậy
Tuôn cả ra đường vẫy khúc hoan ca
Anh lại đưa em hai đứa về nhà
Thắp thêm nén nhang cám ơn mẹ cha
Cám ơn cuộc đời qua rồi bão tố
Thành phố trường tồn giữa những phong ba
Nằm yên đi thành phố của tôi ơi
Qua đêm đen rồi sẽ có mặt trời
Nghe đâu đó một bài ca rất cũ
Đưa ta trở về nhịp sống thảnh thơi
9.7.2021
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét