" Nhà văn VŨ HẠNH buông ' Bút Máu" để gửi lại tâm tư ' Người Việt Cao Quý '"/ Lê Thiếu Nhơn / tphcm -- trích Lê Thiếu Nhơn Blog - `16/8/ 2021
Nhà văn VŨ HẠNH buông Bút Máu để gửi lại tâm tư Người Việt Cao Quý
Nhà văn Vũ Hạnh - tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như “Bút máu”, “Người Việt cao quý”… vừa qua đời sáng 15/8 tại TPHCM, hưởng thọ 96 tuổi. Sống như nhà văn Vũ Hạnh, chắc không được mấy người. Còn viết như nhà văn Vũ Hạnh, thì sao?
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thời thanh niên sôi nổi ở quê nhà và giai đoạn sau tuổi 30 ở Sài Gòn - Gia Định, ông đều hoạt động như một chiến sĩ văn hóa. Dĩ nhiên, vũ khí cách mạng quan trọng của ông chính là ngòi bút.
Nhà văn Vũ Hạnh có sức khỏe đáng kính nể. Khi đã ngoài 90 tuổi, ông vẫn tự chạy xe máy rong chơi khắp nơi, và vẫn có nét cười khá điệu nghệ trước các bóng hồng. Sống như nhà văn Vũ Hạnh, chắc không được mấy người. Còn viết như nhà văn Vũ Hạnh, thì sao?
Nhà văn Vũ Hạnh không có chữ nghĩa hoa mỹ và bay bổng. Ưu điểm lớn nhất của ông là lòng quả cảm và chí tranh đấu. Nhà văn Vũ Hạnh vào nghề cầm bút khá muộn màng so với những đồng nghiệp cùng trang lứa. Và khởi điểm cầm bút của nhà văn Vũ Hạnh cũng chỉ nhằm bày tỏ nhiệt huyết dấn thân, như ông thổ lộ đã viết truyện ngắn đầu tay “Bút máu” vào năm 1958 “như một tuyên ngôn trước hết là với chính mình đồng thời để phản ứng lại đội ngũ bồi bút đông đảo bấy giờ”. Bút danh Vũ Hạnh cũng được xuất hiện cùng “Bút máu”, là do ông mượn tên một bạn tù “có nhân cách tuyệt vời đã chung sống ở nhà lao Hội An, để tăng thêm phần trách nhiệm của mình đối với ngòi bút”.
Cũng có màu sắc tương tự như “Bút máu”, nhà văn Vũ Hạnh có kịch ngắn “Người nữ tỳ” viết năm 1959. Tất nhiên, kịch ngắn “Người nữ tỳ” không phải để diễn trên sân khấu mà chủ yếu để in báo nhằm nhắn nhủ đến người đọc về “một lớp trí thức tôi đòi cho những chế độ bất công, bạo tàn, và vì quyền lợi, ảo vọng - hay vì sợ hãi - họ đã từ chối cái nguồn gốc thực của mình để mà chết sống cho chế độ ấy”.
Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nhà văn Vũ Hạnh mạnh dạn phổ biến tinh thần “Bút máu” tại Sài Gòn, truyền cảm hứng cho những phong trào sôi sục đòi hòa bình và thống nhất đất nước. Những năm tháng ấy được nhà văn Vũ Hạnh thổ lộ ở hồi ký “Một chặng đường bút mực” khá rõ ràng ”tôi bị chế độ cũ giam giữ nhiều lần, nhưng vì tôi đã đấu tranh công khai, hợp pháp, lại là đơn tuyến nên chỉ chịu sự tập trung theo kiểu an trí chứ không hề bị xét xử, và tùy tình hình quần chúng đấu tranh bên ngoài mà được tự do”.
Nhà văn Vũ Hạnh có một vài sáng tác giàu thẩm mỹ nghệ thuật như “Chất ngọc”, “Vược thác”, “Cô gái Xà Niêng”… nhưng không được công chúng nhắc đến nhiều bằng tiểu luận “Người Việt cao quý”. Giá trị của “Người Việt cao quý” không chỉ nằm ở những lý lẽ hay những biện giải, mà còn được cộng hưởng những giai thoại. Theo tâm sự của nhà văn Vũ Hạnh, thì năm 1965, khi Hoa Kỳ chuẩn bị đổ quân ào ạt vào miền Nam, cấp trên nhận định rằng sự kiện này sẽ làm tổn thương đến tinh thần dân tộc chúng ta, do đó khuyên ông nên viết những gì đề cao tinh thần dân tộc để mà gián tiếp đánh Mỹ. Ban đầu, nhà văn Vũ Hạnh viết một bài báo ngắn có nhan đề “Đôi mắt và nụ cười người Việt” in trên báo Đất Tổ, ký tên A. Pazzi. Độc giả hào hứng đón nhận vì ngỡ người nước ngoài ca ngợi người Việt. Được đà, nhà văn Vũ Hạnh hoàn thành “Người Việt cao quý” dày 100 trang, trong vòng một tuần lễ. Và dĩ nhiên, cuốn sách được in lần đầu với tên một người Ý như tiên liệu của nhà văn Vũ Hạnh “dễ kiểm duyệt, và sự ca ngợi chúng ta được dễ nghe hơn”
“Người Việt cao quý” với bản in đầu tiên năm 1965 do Nhà xuất bản Cảo Thơm ấn hành, thì có tên “Per Comporedere Vietnam Il Vietnamila” với phần phụ chú “tác giả A. Pazzi, Hồng Cúc dịch từ tiếng Ý”. Sau năm 1973, cuốn sách được Nhà xuất bản Lạc Việt trả lại tác giả Vũ Hạnh với tên gọi “Người Việt kỳ diệu”. Từ năm 1992, cuốn sách được định vị với tên gọi “Người Việt cao quý”.
Vì sao “Người Việt cao quý” không được nhà văn Vũ Hạnh đánh giá cao, thậm chí ông còn khẳng định “chỉ là một truyền đơn dài” và “không được thực hiện công phu” lại có sức lan tỏa lớn? Có lẽ, nhờ cuốn sách đã nói lên được mơ ước tự tôn của đại bộ phận độc giả, mà về già thì nhà văn Vũ Hạnh nhận ra “Người Việt cao quý” độc đáo vì “hầu hết người cầm bút chúng tôi vẫn còn quá đỗi cách xa với những tâm tư, khát vọng chân thực của số đông đảo quần chúng làm nền cho dân tộc này”.
“Người Việt cao quý” được viết khi nhà văn Vũ Hạnh bước vào tuổi 40. Và khi ông qua đời ở tuổi 96, thì “Người Việt cao quý” vẫn giúp ông gửi lại tâm tư: “Có lẽ một số người Việt khi nhìn thấy Kim Tự Tháp, thấy đền Ang-ko hay là Vạn Lý Trường Thành bỗng sinh tấc lòng phiền muộn hay mối mặc cảm tự ti, vì thấy dân tộc của mình thiếu những công trình xây dựng qui mô. Họ quên hẳn rằng dân tộc của họ có thừa nghị lực, thông minh, cũng như tài năng tuyệt xảo để làm những công trình ấy, nhưng phải dồn hết tâm lực vào đầu mũi dáo, lưỡi cày trong cuộc chiến đấu tự tồn quá sức gian nan. Dân tộc của họ chưa có những phút rỗi rãi dư thừa, chưa có tháng năm yên ổn kéo dài trong cảnh thái bình thịnh trị để mà đúc chữ, gò câu, xây đền, tạc tượng. Đó là dân tộc chỉ biết có đi chứ không đứng lại bao giờ, dân tộc chỉ quen làm lụng chứ không hề thích nghỉ ngơi…”.
LÊ THIẾU NHƠN
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ