Nguyễn Trung – họa sĩ tài hoa

2319

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Trung, sinh năm 1940 tại Sóc Trăng. Anh lên học trường Trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ) rồi lên Sài Gòn vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn 2 năm (1959-1961) – vì bỏ học ngang năm thứ ba. Dù vậy, sau đó Nguyễn Trung vẫn được mời về trường dạy sơn dầu cho sinh viên. Nguyễn Trung vẽ theo khuynh hướng hiện thực (realism) và trừu tượng lãng mạn (lyrical abstraction).

Họa sĩ Nguyễn Trung.

Là họa sĩ nòng cốt trong sự hình thành Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1966) tại Sài Gòn và viết nhiều bài lý luận về nghệ thuật, Nguyễn Trung đã sớm đạt các giải thưởng Mỹ thuật: Huy chương bạc (năm 21 tuổi), Huy chương vàng (năm 23 tuổi). Họa sĩ Nguyễn Trung đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân từ năm 27 tuổi ở trong và ngoài nước, tại: Alliance Française (Pháp văn Đồng minh hội) Sài Gòn; Paris (Maison du Viet Nam-Ngôi Nhà Việt Nam), Pháp; Hà Nội (Tràng An Gallery; Thành phố Hồ Chí Minh (Gallery Quỳnh). Là người đã từng sớm dịch quyển “Trà đạo” của thiền sư Suzuki. Sau ngày giải phóng, họa sĩ từng là Phó Tổng Biên tập tạp chí Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh của Nguyễn Trung được triển lãm và lưu giữ tại Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ý, Pháp, Hoa Kỳ, Bắc Âu và tranh của họa sĩ cũng được các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước trân trọng lưu giữ.

Sinh ra tại Sóc Trăng, một tỉnh trù phú được coi là xứ lúa mênh mông của miền sông nước Tây Nam bộ. Nguyễn Trung lên học trường trung học Phan Thanh Giản (nay là trường PTTH Châu Văn Liêm), Cần Thơ. Tại Tây Đô – đất nước cầm thi – có truyền thống về nghệ thuật văn chương, với Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Phan Văn Trị (1830-1910), Lưu Hữu Phước (1921-1989), Trần Kiết Tường (1924-1999), Tô Dự (sinh 1930)… Nguyễn Trung, một tuổi trẻ yêu hội họa năng động, cá tính và giàu ước mơ sáng tạo trong không gian nghệ thuật của một thành phố văn hiến.

Ngoài những giờ học văn hóa chính thức ở một ngôi trường nổi tiếng được coi là chiếc nôi đào tạo của nhiều văn nghệ sĩ, Nguyễn Trung cùng nhóm bạn học yêu mỹ thuật như Nguyễn Thanh, Nguyễn Đồng, Lê Tấn Lộc… học thêm ngoài giờ môn hội họa với giáo sư Nguyễn Cường – tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Nhưng khi bắt đầu sang Đệ nhị cấp, (nay là PTTH), bất ngờ Nguyễn Trung vắng mặt ở ngôi trường Phan Thanh Giản anh đang học mà ít có ai trong số bạn bè thân của anh hay biết. Trong khi đó, Lê Tấn Lộc (Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã mất) đã âm thầm vào chiến khu Tây Ninh. Còn Nguyễn Thanh sau khi tốt nghiệp Trung học, vừa vào Đại học Văn khoa, vừa học hàm thụ (par correspondance) Mỹ thuật một khóa ở nước ngoài tại Pháp và một khóa ở Sài Gòn, trong lúc Nguyễn Trung vào học Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.

Sau khi ra trường, Nguyễn Thanh đi làm nghề “gõ đầu trẻ” (dạy Văn, Mỹ thuật), nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu thêm mỹ thuật và mở phòng vẽ tại Cần Thơ, Nguyễn Trung (và Nguyễn Đồng) đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp tại Sài Gòn dù có lúc không suôn sẻ. Riêng Nguyễn Trung, sau khi bỏ học ở trường vẽ hai năm, nhờ vẽ giỏi sơn dầu, anh được mời trở về dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Anh thăng tiến mạnh mẽ trên con đường nghệ thuật đã chọn và đã xuất sắc đạt được những thành tựu rực rỡ vào những năm đầu của thập niên 1960: Huy chương Bạc trong Triển lãm mùa Xuân 1961 và Huy chương Vàng Triển lãm mùa Xuân 1963 cùng với sự góp công thành lập Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam – Sài Gòn gồm  các họa sĩ nòng cốt: Nguyễn Cao Uyên (sinh 1933), Nguyễn Trung (1940), Hiếu Đệ (1935-2009), Trịnh Cung (sinh 1939), Nguyên Khai (sinh 1940), Hồ Thành Đức (1940), Nguyễn Phước (1943), Cù Nguyễn, Mai Chửng (1940-2001)…

Hành trình vào thế giới nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Trung, người ta nhớ lại trong thời kỳ đầu mới hoạt dộng mỹ thuật, họa sĩ vẽ theo khuynh hướng hiện thực (realism) chủ yếu về chân dung phụ nữ. Nhưng trong đa phần tác phẩm vẽ phụ nữ nhất là những tranh anh đạt giải đã biểu lộ sắc thái mới lạ theo một phong cách đặc biệt về bố cục, cách phối màu nền tranh và nghệ thuật tạo đường nét. Nhìn lại kỹ chân dung người đẹp trong những bức tranh anh vẽ, khách thưởng ngoạn rất dễ nhận ra bút pháp cách tân đầy tính khai phá của anh khá gần gũi với phong cách vẽ chân dung phụ nữ của họa sĩ Ý Modigliani (1884-1920) mà chẳng phảng phất nét tương đồng với những họa sĩ hàn lâm, nổi tiếng vẽ chân dung phụ nữ vào hàng bậc thầy (Master-Artist) trong lịch sử hội họa thế giới như: Léonard de Vinci (1452-1519), Bottocelli (1445-1510), Rembrandt (1606-1669)), Rubens (1577-1640), Goya (1746-1828), Raphael (1483-1520)… Đặc biệt ở Nguyễn Trung, người phụ nữ được vẽ với dáng dấp mảnh mai, đôi cánh tay thậm thượt, bàn tay với những ngón dài, khuôn mặt thon thả. Nét mặt cô gái ngây thơ, hồn nhiên mà như ẩn chứa một vẻ lãng mạn thầm kín. Tư thế đối tượng trong tranh cũng khá độc đáo: từ dáng ngồi cho tới cách cầm hoa hay cái nghiêng đầu làm dáng rất trữ tình. Phần nền tranh anh vẽ thông thoáng (bức tranh “Thiếu nữ và Hoa”, “Thiếu nữ”, “Sen Hồng”, “Khỏa thân”, “Đêm xanh”, “Hoa vàng”, Thiếu nữ đứng trên đá”…).