bài đáng đọc : " XÍCH LÔ HÀ NỘI " / Vũ Thế Long / Hà Nội -- trích : Việt Văn Mới / Newvietart, 24/6/ 2023-- Paris.
XÍCH LÔ HÀ NỘI
T huở nhỏ, tôi chỉ mong chóng đến tết để được theo mẹ lên chợ Đồng Xuân sắm tết. Một trong những cái thú khi đi chợ ấy là được đi tàu điện và ngồi xích lô. Nhà tôi khi ấy ở đoạn cuối đường Bà Triệu, mẹ dẫn tôi ra bến tàu tránh gần ô Cầu Dền (đoạn cuối Phố Huế đầu Bạch Mai) rồi ngồi tàu lên chợ Đồng Xuân. Khi về, tôi giúp mẹ xách túi xách làn rồi mẹ gọi xích lô đưa về tận nhà. Ngồi xích lô thú lắm. Xe chạy bon bon êm ả, ngồi trên xe tha hồ thả tầm mắt ngắm đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa và mọi xe cô đi lại ngược xuôi. Trời nắng trời mưa ngồi trên xe đều yên ổn cả. Nắng đã có mui xe giương lên che. Mưa có thêm tấm bạt chắn phía trước chẳng lo ướt áo ướt quần. Đệm ngồi trên xe thời ấy sạch sẽ lắm, luôn phủ một tấm vải trắng như tấm vải phủ giường chứ không thô kệch như những cái đệm căng bằng ni lông sau này.
Thời ấy ở Miền Bắc, xích lô chỉ có ở Hà Nội và các thành phố lớn như Hải Phòng, Nam Định. Xích lô Hà Nội được đóng rộng hơn, hai người ngồi thoải mái. Xích Lô Hải phòng thì cao hơn và khung xích lô Nam Định thì dược gióng thành kết cấu như kiểu cột điện sắt. Mỗi nơi một vẻ.
Khi tôi lớn lên bắt đầu đi học thì cũng là lúc xích lô Hà Nội tự nhiên giảm dần. Thời ấy, không hiểu sao người ta có quan niệm rằng đi xích lô là bóc lột người lao động. Các bà các chị đang mặc áo dài đều phải cắt đi thành áo cánh. Chỉ còn những tấm áo dài nâu của các cụ mặc khi lên chùa thôi. Cả xã hôi cố khoe ra cái vẻ nghèo. Càng nghèo thì càng là thành phần cơ bản không phải là kẻ bóc lột. Đàn ông thì đi dép cao su tám quai, đàn bà guốc mộc, quẳng hết giầy cao gót, tuyệt không dùng son phấn nước hoa. Các thứ xa xỉ đều đồng nghĩa với thành phần bóc lột người ta tự loại trừ ra khỏi đời sống. Bởi thế việc đi xích lô cũng là biểu hiện của tầng lớp bóc lột nên cái xe này dần dần chủ yếu chỉ để chở đồ. Người ta dùng xích lô để chở gạo, chở nước đá, chở bàn chở tủ hay chở người ốm, đàn bà đi đẻ…Rồi dân xích lô phải vào hợp tác xã vận chuyển, cha chung không ai khóc nên xe cộ ngày càng xuống cấp đến bệ rạc.
Đến thời giặc Mỹ bắn phá, xích lô lại phát huy công dụng để chở đạn dược, chở người bị thương đi bệnh viện. Xích lô chở người giảm hẳn.
Cách đây mấy năm, có lệnh cấm tuyệt dối xích lô. Xe nào ra đường là bị tịch thu chở về chất đống ở ngoại ô. Người ta cho rằng xích lô đi trong thành phố là làm cho thủ đô nhếch nhác, không thanh lịch. Lúc ấy, Hà nội cũng chưa có cảnh tắc đường như mấy năm nay. Không có xích lô, thế là muốn chở đồ vật lại phải thuê xe tải, thồ bằng xe ôm. Ai có việc đi đâu nếu không có xe riêng thì phải thuê xe ôm. Xe buýt thì nhếch nhác, như một cái thùng sắt rỉ nhả khói đen ngòm chạy chẳng theo một giờ nào mà cũng chỉ đi theo tuyến mà thôi. Mất xích lô là mất cả một phương tiện kiếm sống của biết bao người lao động, cựu chiến binh …
Tôi tự hỏi xích lô có tội tình gì? Sao lại cấm?
Có người bảo bỏ cái xích lô đi cũng chẳng sao. Xích lô là cái sản phẩm của Tây nó mang vào chứ đâu phải là sản phẩm mang đậm đà bản sắc dân tộc? Tôi vặn: “Thế thứ phương tiên đi lai nào mới là phương tiện mang tính dân tộc? Chẳng lẽ lại là cái võng lọng hay cái cáng? Xích lô, xe đạp và ô tô tàu bay tàu thủy đều là của phương Tây cả đấy thôi.
Mò mẫm xem xích lô có từ đâu và vào Việt nam từ bao giờ, tôi vớ được lá thư của một ông bạn Tây gửi cho nhà Sử học Dương Trung Quốc : “ Cyclo xuất hiện vào khoảng năm 1939. Chiếc đầu tiên do một người dân miền Charente tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao phát minh ra. Phải vất vả lắm ông ấy mới vận động Bộ công Chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là Georges Speicher và Le Grèves. Nhưng rút cuộc nó lại không trở thành phương tiện giao thông ở nước Pháp mà thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là ở thuộc địa Pnompenh. Từ Pnompenh, ông Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình tới Sài Gòn. Hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km hết có 17h23 phút. Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì qua năm 1940, con số đã là 200 chiếc. Tháng 2 năm 1941,tay anh chị khét tiếng Bảy Viễn cùng một người Pháp là Maurice lập công ty Mauvien có 30 chiếc độc quyền ở khu vực Chợ Lớn… ” Nhà Báo Nguyễn Lưu thì kể rằng: “Tôi nghe các bậc bô lão kể rằng có 4 đại gia được coi là người tiên phong đưa xích lô ra Hà Nội. Đó là cụ Bùi Quang Ý ở 44 Hàng Bè, Ông em trai là cụ Vọng, rồi cụ Nhân Thanh Nhàn và cụ Đức Ấm ở Tràng Tiền. Ông Khoa con cụ ý kể rằng nhà ông có 100 chiếc được thầu cho thuê. Sáng người thuê đến nhận xe, tối trả xe rồi trả tiền. Nhà chủ xe cũng là trạm bảo dưỡng sửa chữa. Xe xích lô nhanh an toàn và có vẻ lịch sự hơn nên lấn át xe tay. Vả lại xe đạp và cả xe ô tô nữa cũng ngày càng nhiều hơn nên xe tay lép vế, ít dần. Xích lô ngày càng phát triển” (*)
Vậy đúng là Xich lô (Cyclo) có nguồn gốc rõ ràng là từ bên pháp nhưng cái xe này được đem vào sử dụng và ngày càng biến dổi trên đất Đông Dương vì nó phù hợp với địa hình địa vật và hệ đường xá và trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam nên nó mặc nhiên tồn tại và người ta đã cải tiến ra nhiều dạng xích lô đặc hữu cho từng thành phố một. Vậy phải nói rằng xích lô Việt Nam, xích lô Hà Nội nó chính là một sản phẩm văn hóa trong văn hóa giao thông Hà Nội, văn hóa giao thông thị thành của người Việt Nam.
Kể từ cái ngày người ta “triệt để” cấm xích lô ở Hà Nội, trên đường phố Thủ Đô vắng hẳn bóng dáng loại xe quen thuộc. May thay, người ta không triệt tuốt tuồn tuột mà “triệt” nhưng còn “để” lại một chút. Cũng như thỉnh thoảng lại có lệnh triệt để lũ cầy tơ vì sợ chó cắn lây bệnh dại cho người nhưng sau đó, qua cơn khủng hoảng , lũ chó lại đẻ sòn sòn sủa vang khắp làng, Ở Hà Nội, người ta đã cố gắng vận dộng để giữ lại một số xích lô đặc biệt dành cho du lịch và lễ cưới lễ hỏi. Đó là những chiếc xích lô gọi là “xích lô gọng vàng” nhưng thực ra là mạ inox sáng bóng, có rèm đỏ tua rua vàng đi thành từng đoàn quanh bờ hồ dọc các phố cổ. Những chiếc xe này muốn chở khách phải được cấp phép và đăng kí tên chính chủ mới dược lưu hành. Ông đạp xích lô bây giờ ăn mặc không khác gì ông chủ ngày xưa. Cũng com lê cà vạt, giầy tây và bập bẹ được chút tiếng Tây tiếng Tàu xồ với khách. Rất nhiều khách du lịch đến Thủ Đô Hà Nội lựa chọn tua xích lô như là một điểm thú vị nhất trong chương trình du khảo Hà thành. Có người đã dặt xếp hàng tua xích lô trước cả nửa năm.
Vì sao dân du lịch thích đi xích lô đến thế?
Có nhiều giải thích khác nhau. Có thể nêu những nguyên nhân chính như sau:
Hà Nội là thành phố hòa bình, thân thiện nhưng chẳng thân thiện chút nào với người đi bộ mỗi khi qua đường. Có người nói đi bộ ở thủ đô Hà Nội nên xếp vào loại hình “du lịch mạo hiểm” vì có đèn xanh, đèn đỏ đấy nhưng không có luật cho bộ hành. Mỗi lẫn phải qua đường là khách sợ phát khiếp. Ngồi trên xích lô, khách có thể yên tâm chụp ảnh quay phim ngắm nhìn dòng suối người xe đi lại và cảnh vật tứ bề mà không bị hạn chế tầm nhìn như ngồi trên ô tô nhòm qua khung cửa.
Ở các nước công nghiệp, người ta đi chơi, đi làm đều phải xử dụng tàu xe. Cuộc sống luôn luôn tất bật, hối hả. Người ta nói cuộc sống công nghiệp khiến cho con người như một cái máy. Chui từ cái hộp lớn là ngôi nhà, công xưởng, văn phòng…sang cái hộp nhỏ là tàu, xe…Người ta không có thời giờ để thư dãn, để hòa với thiên nhiên, cộng đồng. Để được sống chậm, sống với đất trời. Ngồi trên xích lô là một phương tiện thư dãn là vậy. Bạn có thể ngồi trên xe ngắm cỏ cây, hoa lá, chim bay bướm lượn và những cô gái chàng trai thanh lịch một cách gần gũi và tự nhiên thân thiện.
Xét về mặt khoa học thì chiếc xích lô chính là một ví dụ điển hình của công cụ Ergonomi (Công thái học) tức là cái xe giúp con người sử dụng năng lượng cơ bắp ít nhất nhưng sinh ra công năng tối ưu. Người đạp xích lô cũng như vận dộng thể dục rất có lợi cho sức khỏe và xe không có động cơ nên xích lô là phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Tôi đã có dịp được ngồi trên nhiều kiểu xích lô khác nhau trên đường phố thủ đô Asterdam. Ở đây, người đi xích lô và người đạp xích lô dều được trọng vọng. ngồi xích lô đi chơi trên phố là lối du lịch sang trọng, văn minh. Các loại ô tô đắt tiền thì xứ này có thiếu gì đâu.
Nghe nói người ta lấy cớ xích lô gây cản trở giao thông và đang rục rịch cấm. Tôi lo quá. Đời tôi đã chứng kiến cảnh triệt tiêu xe điện Hà Nội, chẳng lẽ lần này lại phải đưa đám xích lô ư? Lâu nay người ta xử xự một thói quen: cái gì không giải quyết được là cấm mà chẳng phân tích thiệt hơn, tìm ra giải pháp. Tôi xin can !
Xích lô có tội tình gì? Xích lô là một sản phẩm trong tài nguyên du lịch của Hà Nội. Du lịch phát triển đem lại thu nhập cho Hà Nội, đem lại công việc cho người đạp xe nên xích lô đáng dược thưởng công và giữ gìn.
Xích lô không gấy ô nhiễm, không choán mặt đường nhiều như ô tô mà lại có thể tham gia giải quyết dược nhiều nhu cầu vận chuyển khác nhau trong đô thị rất hữu hiệu. Vấn đề là ở chỗ không nên để xích lô đi rồng rắn thành chuỗi dài mà cần phân tán ra xem lẫn với các phương tiện giao thông khác. Cũng nên hạn chế xích lô đi lại trong giờ cao điểm và khuyến khích sử dụng trong giờ vắng xe cộ.
Xin hãy giữ lấy xích lô như giữ lấy một nét văn hóa tiến bộ của Hà Nội./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ