bài đáng đọc : " " Ngôi nha" văn chương của LÝ LAN " / Vân Hạ / Hà Nội -- trích: Hà Nội Mới, 06/ 09/ 2020.
''Ngôi nhà'' văn chương của Lý Lan
(HNMCT) - Gần đây, khi NXB Trẻ ra mắt ấn bản kỷ niệm 20 năm bộ truyện Harry Potter tiếng Việt được xuất bản (2000 - 2020), dịch giả Lý Lan lại được “xướng” tên trên nhiều diễn đàn mạng.
Độc giả đọc bản Harry Potter tiếng Việt ngưỡng mộ đã đành, ngay cả người tiếp cận Harry Potter nguyên bản tiếng Anh cũng không ngớt lời khen ngợi lối dịch độc đáo của Lý Lan. Có được thành công ấy, có lẽ bởi bên cạnh vai trò dịch giả, Lý Lan còn là một nhà văn, nhà giáo.
Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 tại Bình Dương, tốt nghiệp ngành sư phạm và từng làm giáo viên môn văn và tiếng Anh trong nhiều năm. Ngoài nghề dạy học, Lý Lan còn làm thơ, viết văn, viết báo. Tuy nổi tiếng qua bộ sách Harry Potter với vai trò dịch giả, nhưng không vì thế mà độc giả quên một Lý Lan tác giả văn chương.
Nhiều thế hệ học sinh đã được đọc, được học bài tùy bút Cổng trường mở ra của nhà văn Lý Lan có ở những trang đầu cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7. Đó là những dòng nhật ký đầy tâm trạng của một người mẹ trước ngày khai trường đầu tiên của con. Đêm trước ngày khai trường, giấc ngủ đến với con “dễ dàng như uống một ly sữa, ăn một cái kẹo”, còn mẹ thì... không ngủ được. Không ngủ được không hẳn vì người mẹ lo lắng cho con bước vào môi trường mới sẽ bỡ ngỡ, mà còn bởi nỗi nhớ ngày khai trường thời thơ bé của chính mình xưa cũng được mẹ dắt tay đến trường. Nhẹ nhàng và sâu lắng, Cổng trường mở ra của Lý Lan cũng mở ra tấm lòng vô bờ bến của người làm cha làm mẹ luôn lo lắng, chăm sóc và dõi theo con.
Lý Lan là tác giả viết nhiều truyện thiếu nhi. Đó là câu chuyện đồng thoại ngộ nghĩnh và ngọt ngào trong Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen, là những nhân vật sinh động và gần gũi trong Ba người và ba con vật, là câu chuyện xoay quanh ngày rằm tháng Tám trong Hội lồng đèn, những bài học nhỏ trong bộ sách tranh của Tủ sách Chồi non…, và đặc biệt nhất là tập truyện Ngôi nhà trong cỏ đã đoạt giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984) do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Mới đây, Ngôi nhà trong cỏ đã trở lại với một diện mạo mới mẻ qua những bức tranh minh họa ngộ nghĩnh, sinh động của họa sĩ Trần Quốc Anh.
Gồm 33 truyện ngắn, nhân vật của Ngôi nhà trong cỏ chủ yếu thuộc thế giới của các em thiếu nhi. Từ những chú kiến bé nhỏ xếp hàng đến con rùa lật ngửa, từ ong vò vẽ đến bò và nhái, từ “lời chào lá non” đến “một buổi sáng trời mưa” - những điều kỳ diệu của tự nhiên để các em khám phá qua Ngôi nhà trong cỏ. Bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp là những câu chuyện chan chứa tình cảm của Chính là mẹ đấy, Cô giáo em, Quyển sách của đôi bạn, Tay Bi tay ba… Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện của Lý Lan mang đến cho độc giả nhỏ bài học về lòng chân thành, về sự nỗ lực, tình yêu thương, niềm hy vọng và biết ơn trong cuộc sống.
Lý Lan viết nhiều thể loại, nhưng thành công hơn cả là ở mảng truyện ngắn với các tập Cỏ hát, Chút lãng mạn trong mưa, Chiêm bao thấy núi, Đất khách, Quá chén, Hồi xuân, Người đàn bà kể chuyện… và các truyện ngắn đăng báo như Chàng nghệ sĩ, Sau buổi họp, Trích sổ chủ nhiệm, Cái trở mình trong đêm về sáng, Đau tim… Nhà phê bình Bùi Việt Thắng từng nhận xét: “Lý Lan thuộc số không nhiều nhà văn tạo nên được những đối thoại hay trong truyện ngắn”. Còn nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong lời giới thiệu truyện ngắn Núi không của Lý Lan thì viết: “Chị đã làm được cái việc rất khó trong viết lách là “làm mới mình”, làm được một “cuộc cách mạng nho nhỏ với chính mình”.
Lý Lan viết nhanh, viết đều, viết khỏe. Bên cạnh truyện ngắn, Lý Lan còn có các truyện dài như Lệ Mai, Nơi bình yên chim hót, Chân dung người hoa, Tiểu thuyết đàn bà; các tạp văn, tùy bút như Bày tỏ tình yêu, Miên man tùy bút, Trước ngưỡng cửa cuộc đời, Đến từ Dòn Mé Sán; tập thơ Là mình; ký Dặm đường lang thang, Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi, Một góc phố Tàu; chân dung văn học Khi nhà văn khóc, Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh…
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ