Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

bài đáng đọc : " Đinh Hùng, cha tôi "/ Đinh Hoài Ngọc / Sài Gòn -- trích : Từ Hoài Tấn Blog -- Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012.

 


Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Đinh Hùng, cha tôi

Đinh Hoài Ngọc - 24-08-2012 11:13:56 AM

 
VanVN.Net - Bạn thơ và những người đọc yêu mến nhà thơ Đinh Hùng đều có chung nhận xét: Đinh Hùng tạo được cho riêng ông một thi giới rất lạ, tựa như một con suối chảy từ trữ tình đến tượng trưng sang siêu thực, mang theo dòng những hình ảnh giàu có, một ngôn ngữ cá biệt và một tâm hồn lạ lùng của miền núi rừng hoang vu, bí ẩn, nguyên sơ… Kỷ niệm 45 năm ngày mất của ông (24/8/1967 – 24/8/2012), VanVN.Net xin đăng lại bài viết do tác giả Đinh Hoài Ngọc, con trai nhà thơ chấp bút nhân dịp ngày giỗ cha mình.

Chân dung nhà thơ Đinh Hùng

Đã 45 năm nhưng có những kỷ niệm vẫn như in trong đầu, tưởng chừng như vừa mới xảy ra…
Ngày ấy, bố tôi – thi sĩ Đinh Hùng – luôn bận rộn với công việc, ban ngày thì đi thu thanh ở đài, rồi tiếp xúc với các bạn thơ, văn. Bạn của bố tôi ngoài các nhà thơ, văn đã có tiếng, còn có những cây bút trẻ, những “fan”, với tất cả ông đều ân cần, cởi mở, đối xử như nhau và quán bar Thăng Long bên kia đường trước nhà vẫn thường là điểm gặp gỡ, để bàn luận thi ca. Có hôm đến tối khuya mới về đến nhà, ông lại tiếp tục làm việc: soạn bài phát thanh cho chương trình Tao Đàn, làm thơ rồi viết tiểu thuyết dã sử và làm thơ trào phúng. 

Ông thức gần như cả đêm cho đến tảng sáng mới chợp mắt một chút. Rồi lại chuẩn bị cho công việc ban ngày. Mẹ tôi cũng thức theo ông và là một người phục vụ tuyệt vời, pha café sữa, trà thiết quan âm, nướng lại vài mẩu biscot... Bố tôi bị đau bao tử nên không ăn được nhiều vì vậy mẹ tôi cứ phải lỉnh kỉnh cả đêm.

Ngoài ra bà còn là người góp ý cho những tác phẩm của bố tôi. Có đêm chợt thức giấc tôi nghe tiếng đọc thơ của bố xong, ông hỏi mẹ thấy có cần sửa gì không? Mẹ góp ý, rồi bố lại cắm cúi viết...

Việc viết tiểu thuyết dã sử của bố tôi làm cả nhà đều thích thú. Bố thường kể trước cho cả nhà nghe cốt truyện sắp viết; ông kể say sưa từng chi tiết cho đến kết thúc. Hàng ngày bao nhiêu người say mê theo dõi trên báo, nhưng ít ai biết được có nhiều khi, ban đêm không viết kịp nên mãi đến trưa đi làm về, ông mới vội vã viết, lúc đó ông viết say sưa, ngòi bút như lướt trên từng trang giấy không ngừng, hình như lúc đó ông không cân suy nghĩ mà những ý tưởng diễn biến cốt chuyện truyền thẳng từ đầu xuống tay và đưa nhanh nét bút trải đầy trang giấy. Nhiều hôm trong khi ông viết, hai nhân viên tòa báo ngồi trực bên ngoài, cứ xong được trang nào là họ vội vàng mang ngay về tòa soạn để sắp chữ cho kịp in vào số báo phát hành ngay vào buổi chiều hôm đó.

Dù rất bận rộn với công việc, bố tôi vẫn là một người cha luôn quan tâm và chăm sóc con cái rất chu đáo. Mỗi tuần, bố dành buổi tối thứ bảy và trọn ngày chủ nhật cho gia đình và nhất là cho các con. Chiều thứ bảy, ở đài phát thanh về thể nào ông cũng ghé qua Đa Kao, vào nhà sách mua sách báo của Pháp (đủ loại truyện tranh như Spirou, Tintin, L’Intrépide, Mikey....), rồi bánh kẹo và các món ăn được chúng tôi “đặt trước” từ trưa. Đến chập tối, tôi dứng trên balcon chờ chiếc ta-xi dừng trước cửa và ông xuất hiện, tay xách nách mang, thế là tôi chạy nhanh xuống đón.

Cũng có lần bố tôi có khách mời đi vào tối thứ bảy, nhưng ông vẫn không quên những món quà cuối tuần cho các con, tạt ngang về nhà đưa quà xong mới đi. Đến nay tôi cũng cố theo cái nếp đó để thực hiện, tạo cho con tôi niềm vui vào cuối tuần như ngày xưa mình từng được hưởng.
Ngày chủ nhật thì hoàn toàn thuộc về gia đình, mẹ tôi thực hiện những món ăn đặc biệt, do bố tôi chỉ cho mẹ làm. Ngoài tài làm thơ, ông còn có “tài hướng dẫn nấu ăn”. Gọi là đặc biệt vì đây là những món ăn lạ, sau khi thưởng thức bữa tiệc nào đó, bố tôi mô tả lại với đầy đủ chi tiết (các gia vị, các nguyên liệu thực phẩm cần có) để mẹ đi chợ mua về và khi làm món ăn thì bố tôi đứng cạnh để nhận xét và góp ý xem món ăn đã đạt chưa. Tôi cho rằng “hướng dẫn người khác nấu ăn” bằng cách mô tả lại món ăn mà mình đã thưởng thức thì không phải là chuyện dễ!

Sau khi ăn uống xong, cả nhà quây quần lại để nghe bố tôi kể chuyện theo truyện tranh (mua tối thứ bảy). Tôi học chương trình Pháp, nên đọc truyện cũng hiểu nhưng vẫn thích nghe ông kể lại hơn vì bố tôi dựa theo lời truyện kết hợp với tranh vẽ để kể thành một câu chuyện liền mạch với đầy đủ tình tiết, nếu không xem tranh cũng vẫn thích thú không kém.

Đầu thập niên 60, phong trào nhạc bắt đầu rộ lên, đi đâu cũng nghe người ta mở nhạc Silvie Vartan, Adamo, Christophe, The Beatles..., tôi cũng rất mê nhạc và cũng tập tành làm thơ, nhưng ngọn lửa văn nghệ trong tôi vừa mới nhen nhúm đã bị bố tôi dập tắt “không thương tiếc”! Thơ thì sau khi làm được vài đoạn, chưa tự nhận biết hay dở, tôi đưa ông xem có ý nhờ bố sửa, liền bị ông sẵn bút trên tay gạch chéo ngay và vò lại. Còn nhạc thì cũng bi đát không kém. Tôi được ông bác cho một cây đàn mandiline, nhưng bố tôi không những không dạy đàn mà còn cấm không cho đụng đến. 

Ông nói: “... Không muốn các con dính dấp vào văn nghệ, thơ nhạc gì hết, sẽ khổ đời(!) Phải cố gắng có nghề nghiệp vững chắc...” Bố tôi không muốn con mình đi theo con đường của ông. Đi theo con đường trải thảm hoa nhưng bên cạnh là cái nghèo luôn theo đuổi.

Là nhà thơ trọn vẹn sống và chết với thơ, ngay cả vào những lúc vinh quang nhất bố tôi vẫn thật nghèo, nghèo nhưng không bao giờ khổ, vì nguồn vui và niềm hạnh phúc của ông là những nguồn thi ca không bao giờ cạn.

Đã có lần bố tôi bị bệnh nặng, bác sĩ Tụng - là bác sĩ của gia đình - điều trị đến khi hết bệnh, đã khuyên ông nên đổi nghề: làm công chức hay đi dạy học, vì nếu cứ tiếp tục “vắt tim gan ra” thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bố tôi nói nếu để được sống lâu mà phải ngừng không được sáng tác nữa thì có khác gì đã chết! Nếu như vậy thì sống lâu làm gì, sáng tác tức là đã rồi và sự sống đó mới lá bất tử.

Ngay cả vào những quãng thời gian cuối đời vẫn say mê với đứa con tinh thần: Tờ tuần báo Tao Đàn Thi nhân số đầu được ra mắt bằng tất cả sự chau chuốt của ông. Rồi ông phải vào bệnh viện, nhưng vẫn không quên lo cho tờ báo, những chương trình thơ nhạc trên đài phát thanh...

Trên giường bệnh, ông vẫn tiếp tục lo bài vở cho số 2 tờ Tao Đàn Thi Nhân. Một số thân hữu hàng ngày ra vào “tòa soạn” đặt tại...bệnh viện Bình Dân, để phụ ông sắp đặt bài vở. Và trước khi bố tôi ra đi vĩnh viễn, tờ Tao Đàn Thi Nhân đã ra được số 2, ông đã có được tờ báo số 2 bằng tất cả nghị lực trong khi cơn bệnh hoành hành ngày càng dữ dội.

Vài ngày sau, bố tôi ra đi thật thanh thản. Trước lúc mất, ông nằm vắt chân chữ ngũ và ngủ, mẹ và tôi mỗi người một bên, phẩy quạt nhè nhẹ, tôi khẽ nhắc chân ông đặt thẳng xuống cho đỡ mỏi. Bố tôi vẫn nằm ngủ yên thật lâu, hơi thở nhẹ dần. Bỗng dưng cả mẹ và tôi đều hoảng hốt ghé sát vào mặt ông, và ông đã nhắm mắt đi vào cơn trường mộng, lúc đó đúng 5 giờ sáng ngày 24.8.1967, để lại niềm đau xót cho gia đình và nỗi tiếc thương cho nền thi ca...

ĐINH HOÀI NGỌC

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ