' Thiên Cổ Luỵ, Nỗi Oan Khuất Một Đời '/ Trần Thị Bông Giấy 1950- / San Jose -- forwarded to ... May, 28, 2023.
| 08:16 (10 giờ trước) | |||
THIÊN CỔ LỤY, NỖI OAN KHUẤT MỘT ĐỜI
(Tâm Bút Trần Thị Bông Giấy )
[]
San Jose, Chủ nhật May 28, 2023
Mối đau khổ lớn nhất, không gì có thể lấp đầy của một người mẹ là nhìn thấy sự tan vỡ tình cảm giữa các đứa con mang cùng giòng máu mẹ.
I.
Bộ óc một con người không thể chứa cho hết những kỷ niệm lớn-nhỏ đã trải. Trí nhớ tôi cũng bị giới hạn. Nhưng với thói quen hằng ngày ghi nhật ký (ăn sâu vào người khi còn nhỏ), tôi khó lòng quên được mọi thứ đã biết. Đúng là khổ, nhưng không muốn rời cái khổ. Những trang nhật ký luôn là bài học cho tôi nhìn lại mình; là hiệu quả tốt cho giòng văn chương tôi viết; và cũng là điều phản nghịch cho một tâm hồn lúc nào cũng bị đối chọi giữa sự vừa ráng mài bén nội tâm, vừa như sẵn sàng buông hết.
Phải nói rằng thời gian là liều thuốc quý cho những kẻ ưa quên; cho nên, người ta thường mượn hai chữ thời gian làm lãng quên tất cả. Nhưng thời gian cũng là điều rất cần thiết cho những con người ưa nhớ. Bởi, chỉ thời gian mới chứng minh được những gì cần được minh chứng. Chỉ thời gian mới khai mở giùm những nỗi buồn thâm sâu khó giải trong hiện tại; những quặn thắt trái tim không chia xẻ được cùng ai suốt cuộc đời.
Thời gian với các quan tòa là các tập hồ sơ dầy cộm. Thời gian với nhà văn là những tập nhật ký phơi trải sự thật với riêng chỉ nội tâm.
*
* *
II.
Hai hôm trước, tham khảo xong chuyện nhà, từ văn phòng Luật sư trở về, tôi thấy như tìm lại được nghị lực.
Suốt một chiều thứ Sáu kéo dài tới 3:30 sáng thứ Bảy kế tiếp, tôi làm việc không nghỉ. Những đứa con tinh thần đè nặng tâm hồn mấy chục năm, bây giờ được chỉnh đốn thứ tự, sắp hàng đứng đợi để được “mặc quần khoác áo đẹp đẽ”.
Một niềm vui kỳ lạ lan tràn cơ thể. (Tôi vài lần nói: “Văn chương từng cứu sống tôi”. Thì lần này, điều ấy rõ ràng chứng thật. Làm xong bộ này, chắc chắn là tôi sẽ chết nhưng đôi mắt sẽ được nhắm kín.)
Cả một vòm trời đầy các câu chuyện văn chương tao nhã với vô số con người vô danh hoặc hữu danh VN, hôm nay trở về trên bàn viết, vây quanh tôi, sống động. Có thể nói đó là một hạnh phúc hãn hữu trong lúc cùng đường tuyệt vọng. Tôi không ngờ tôi có nhiều bạn như thế! Không ngờ từng được quý thương như thế!
Từ nhỏ, tôi luôn nghĩ người bạn duy nhất tôi có chính là cuốn nhật ký. Hơn cả với mẹ, với em, về sau là hai đứa con, chỉ cuốn nhật ký mới được tôi nói ra mọi nỗi lòng u uẩn. Đi vào đời, trải qua vô số chông gai, khóc lẻ loi, cười một mình, cũng mỗi cuốn nhật ký mới khiến tôi tin tưởng, kể hết ra những buồn sầu trên giấy trắng mực đen.
Theo thời gian, những cuốn nhật ký thời tuổi nhỏ được thay bằng máy laptop. Tư tưởng phóng mau hơn con chữ, nỗi niềm tuôn trào nhanh hơn lệ ứa, cho nên, từ khi biết làm việc trên máy, nét chữ viết tay (từng được anh Thế Phong khen: “Chữ nàng bay bướm quá, số nàng số đào hoa, cứ như lời thầy dạy, nàng sẽ khổ đến già!) đâm xấu hẳn.
Có những mẩu thư không thể nào nhớ nổi nếu không được ghi vào trong máy. Sự “đọc lại để tự lên án hay tha thứ mình” chính nằm ở đó.
Ví dụ, lá thư email của nhà văn Đa Mi ở Sàigòn, và thư hồi âm tôi gửi, xảy ra vào đúng thời điểm 2009 căn nhà ở San Jose sắp bị tịch biên, đầu óc rối beng, không còn tâm trí nào để nghĩ suy gì khác; nếu bây giờ không tìm đọc, có khi tôi sẽ không biết hai lá đã từng có mặt trên cõi đời này!
Chia xẻ với bạn:
*/ Thư Đa Mi:
Sàigòn, thứ Tư, ngày 4/3/2009 (lúc 8:30 sáng).
Chị Thu Vân kính,
Rất lâu, rất lâu, em mới viết cho chị đây!
Em biết, chị buồn. Cái cảm giác ấy có thể đọc được khi lâu, vẫn thấy nick chị log on hoặc off bên góc trái màn hình! Nhưng biết nói chi?
Thôi thì để đây, dồn lại, có một chút chi đầy đặn, dài hơi, nói chị nghe, chị sẽ hiểu mà...
Trước hết, em cầu mong chị và bé Âu Cơ bình an, bình an và bình an!
Em tên thật là Lê Đình Thắng. Như vậy, nhân vật Lê Đình Cai mà chị dành cho ít thiện cảm trong Một Truyện Dài Không Có Tên (tập 2) là anh con bác của em. Nhưng buồn, vì đó cũng không phải là hảo hán chi cho cam! Một người ngộ biến tòng quyền!
Chị ơi, có khi nhìn thế, nghe thế mà lại không phải thế! Cứ sợ, rồi ra, trong chị lại dầy thêm những đổ vỡ nào!
*
* *
-Mùng 8 Tết, em ra Đà Nẵng!
-Ngày 10 Tết...
Quán café Văn đường Lê Lợi thành phố Đà Nẵng. Quán có cây đàn guitar bụi bám, nghe nhạc buồn tênh dù buổi sáng chộn rộn người!
Ngồi với vài người bạn. Một người móc máy gọi một người khác!
Một người khác. Râu. Bụi. Quen thuộc!
“Anh là Trần Nghi Hoàng?”
“Đúng!”
“Tôi có đọc anh! Trước Tết, tôi có gặp chị Thu Vân và bé Âu Cơ...”
“Ồ! Con gái tôi đó. Nó thế nào?”
....
Chị Thu Vân ơi, em chẳng biết mình buồn hay vui? Những hạnh ngộ có khi không có còn tốt hơn!
*
* *
-Ngày... Tháng 2.2009!
“Alo, phải số Đa Mi?”
“Thưa phải!”
“Tôi Trần Nghi Hoàng đây!”
“Dạ! Đa Mi vẫn lưu số anh đây mà!”
“Có thể giúp tôi gõ lại bài văn tế Nguyễn Tất Nhiên trong Một Truyện Dài Không Có Tên?”
“Được ạ...”
“Và mail giúp...”
“Không có vấn đề gì đâu anh!”
“Tháng ba này tôi vào Sàigòn, anh em mình gặp nhau nhé!”
....
Có gì đó ray rứt, ray rứt...
Chụp vài tấm hình với anh Hoàng. Và bây giờ ngồi ngó nó.
Tiếc, bữa tháng 12, 2008 chị em mình gặp ở Sàigòn, sao không chụp vài tấm để bây giờ ngó!
Chị, đừng hiểu sai em nghe!
[]
-TTBG hồi âm:
Cali, Mar 4/2009
Em thân mến,
Định không viết cho em nữa vì... sợ (như từng SỢ bất cứ ai trong văn giới hải ngoại lẫn VN). Nhưng thấy áy náy, nên lại viết thư này cho em.
Bấy lâu, kể từ hôm trước Tết về lại Mỹ, chị bị bận tâm không nhỏ vì chuyện nhà cửa, nên vùi đầu vào bộ sách (tập thứ 14) làm quên, chứ không có gì buồn em hết.
Mà thật ra, chị không còn biết buồn nữa, chỉ dửng dưng với mọi thứ, nên ngay cả anh Phan Diên, người bạn duy nhất ở Mỹ, gọi đến nhiều lần, chị cũng chẳng bắt phone; và hai lần về VN trong năm 2008 cũng chẳng hề cho các anh Thế Phong, Văn Quang biết. Đôi khi nghĩ "Je ne suis jamais seule avec ma solitude" đã quá đủ cho chị rồi. Thù tạc chỉ gây cho mình nhiều phiền não chứ chẳng gì ích lợi.
Nhân vật Lê Đình Cai, chị có gặp tình cờ đôi lần sau khi bài viết đó xong, nhưng rồi mọi thứ chìm vào quá khứ. Tự ý chị quay lưng chứ chẳng phải anh Cai hay ai quay lưng với chị.
Anh TNH cũng là một quá khứ thật lớn, hơn 15 năm rồi kể từ mùa Noel 1995 cũng "chợt nhìn ra" anh ấy là ai!
Thôi, từ nay nếu em có ray rứt gì đó từ những lần gặp gỡ TNH thì cũng không nên cho chị biết, tội nghiệp con bé Âu Cơ, nhé em.
Phần em, nếu không cảm nghe khó chịu thì thỉnh thoảng gửi thư cho chị đọc (như một cậu em gửi thư cho chị mình đọc); còn thì đừng đề cập tên chị với bất cứ ai trong giới văn nghệ VN, hoặc đừng lồng chị vào chung trong giới ấy. Từ lâu lắm rồi, chị chẳng còn là người của "giới văn nghệ" và rất sợ ba chữ ấy em à. Không biết điều cầu xin này có làm em bực không. Nếu được đúng như thế, chị vô cùng cảm ơn em.
Hè 2009 chị và Âu Cơ không về VN được vì Âu Cơ phải ở lại lấy lớp hè cho chóng ra trường, và chị ở lại để nhận thêm nhiều học trò mới. Nhưng Noel 2009 chắc sẽ đưa bà cụ về bốc mộ ông già và có lẽ ở lâu hơn (khi ấy Âu Cơ đã ra trường).
Mong sẽ lại gặp em để... đền cho em bữa ăn trưa hôm nào ở Sàigòn, em cứ dành trả tiền mời mẹ con chị.
Thân mến,
Chị BG.
[]
*
* *
III.
Còn vô số thư khác dễ thương như vậy! Tôi thấy mình thật giàu! Ai bảo nên quên quá khứ khi mà trong quá khứ ấy, mình còn giữ được một cách cụ thể những nét thanh tao, những cảm xúc thi vị xảy ra ngay khi ấy qua những con chữ? Thời gian mang giá trị là thế! Văn Chương có ích lợi là thế! Chỉ Văn Chương cứu tôi trong những lúc sức cùng lực kiệt. Nhưng mà… Văn Chương cũng đánh gục tôi không tệ!
Điển hình rõ rệt:
1/ Lá thư email viết bằng tiếng Anh, Âu Cơ gửi San vào một ngày trong tháng October 2007 (sau khi San đã đi VN- TTBG chuyển tiếng Việt):
Anh Nô thương mến,
Giấy chỉ muốn chúc anh Nô có một chuyến đi tuyệt vời, và Giấy nói thật, Giấy rất ganh tỵ vì anh Nô đã được đi! Nhưng Giấy nghĩ anh Nô xứng đáng với điều đó sau những gì anh Nô đã trải qua trong năm vừa rồi. Chỉ cần đừng vui chơi quá đến điên cuồng, phải không?
Một lý do khác khiến Giấy viết thư này là vì Mẹ. Giấy hy vọng anh Nô biết rằng Mẹ rất buồn khi anh Nô ra đi. Nhất là khi Mẹ tin rằng anh Nô không trở lại. Giấy nghĩ mọi điều đó đều có trong cả Bà và Giấy.
Giấy biết anh em mình không phải lúc nào cũng hợp với nhau. Giấy rất xấu hổ vì cái cách đôi khi đã đối xử với anh Nô và Giấy muốn xin lỗi tất cả những lần Giấy làm tổn thương cảm xúc anh Nô hoặc làm anh Nô buồn.
Có những lúc anh em mình tức giận nên nói ra những điều mình không cố ý muốn làm tổn thương nhau. Gia đình mình dường như bị xảy ra nhiều lần như vậy? Ai cũng có tính nóng. Mọi người. Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn luôn yêu thương nhau, dù thế nào đi nữa.
Giấy cá là mối quan hệ gia đình mình bền chặt hơn gấp mười lần so với những gia đình ăn cơm cùng nhau và ôm hôn nhau mọi lúc. Tại sao? Bởi vì tình cảm chúng ta sâu đậm, không hời hợt và cũng không lợi dụng lẫn nhau.
Nhưng anh Nô biết điều gì Giấy nhận thấy? Đó là: cho dù mình có làm gì, phạm lỗi lầm tệ hại thế nào thì những người trong gia đình vẫn sẽ luôn ở cạnh và tha thứ cho mình.
Giấy trích dẫn với anh Nô một câu từ cuốn sách đã đọc lúc nào cũng ám ảnh Giấy:
“Gia đình của bạn giống như đấng Thượng Đế vì bạn luôn biết họ đang ở ngoài kia và bạn muốn họ chấp nhận cuộc sống của bạn, nhưng bạn chỉ gọi cầu cứu họ khi bạn gặp khủng hoảng và cần cái gì.” (Đó là lời của tác giả viết ra cuốn sách được làm thành film Fight Club).
Mẹ thực sự lo lắng về chuyến đi này của anh Nô. Mẹ không biết anh Nô sẽ làm gì với cuộc sống riêng. Nhưng, có điều kỳ lạ là Giấy không lo lắng như Mẹ. Giấy biết anh Nô sẽ đứng vững trên hai chân mình. Và nếu không được như thế thì Mẹ, Giấy và Bà vẫn ở đây để giúp anh Nô đứng dậy lần nữa. Vì vậy, Giấy chúc anh Nô có một chuyến đi tuyệt vời và hãy gọi về nhà nếu anh Nô thấy mình bị rơi vào hoàn cảnh khủng hoảng không biết xoay sở ra sao.
Thương anh Nô,
Giấy.
[]
Thêm một thư Âu Cơ viết cho mẹ bằng tiếng Việt (be bét dấu hỏi, ngã, được mẹ chỉnh sửa) hai năm sau khi San đã ra đi, cũng vào thời điểm 2009 rối reng nhất của đời tôi.
Sunday, May 10, 2009 (9:58 PM)
Mẹ thương,
Những điều con viết cho Mẹ trong lá thư này, con không đủ can đảm nói thẳng với Mẹ.
Hôm qua con nghe Mẹ với Bà nói chuyện, con rất buồn tại vì con tưởng nếu Bà không hiểu con thì ít nhất cũng có Mẹ. Mẹ đừng tin lời Bà là con không “ưa” Mẹ. Mẹ biết hơn ai hết rằng trên đời này Mẹ là người con thương nhất dù đôi khi con không tỏ ra vậy.
Trước hết, con muốn giải thích cho Mẹ nghe về cuốn “River of Time”. Lý do con không đưa cuốn ấy cho thầy và bạn con đọc là vì con không muốn sót sa cho tác phẩm Mẹ. Tất cả họ (luôn cả thầy dạy Văn cho con) đều không phải là người đọc sách. Con tưởng tượng họ đem sách Mẹ về nhà, rồi vứt lăn vứt lóc, con cảm thấy buồn dùm cho Mẹ lắm.
Mà, từ bài học đó, con hiểu ra là con cũng không cho ai đọc văn con viết nếu họ không biết quý, huống chi là cho họ đọc văn Mẹ.
Con xin Mẹ đừng hiểu lầm mà nghĩ là con mắc cỡ và không hãnh diện về Mẹ. Con luôn luôn kể chuyện về Mẹ, trong lớp, nếu có cơ hội, con luôn lấy Mẹ ra làm example trong những bài văn của con.
Bà không hiểu, nên hôm qua, Mẹ chưa nói hết câu là Bà đã đem con của dì Bé ra nói: “Con Pouf đem khoe mẹ nó đẹp cho người này người kia biết”.
Cái đó đâu ý nghĩa gì! Cái đó cũng giống như lúc Bà đem con ra so sánh với con Poup, Bà nói là nó vẫn còn giữ hình của Bà tắm cho nó hồi nhỏ.
Bà chỉ thấy nhiêu đó thôi, sao Bà không hiểu là nó làm vậy tại nó biết Bà sắp xuống thăm gia đình nó thì nó kiếm sẵn tấm hình đó cho Bà thấy? Nếu con chỉ cần lấy vài tấm hình Bà bế con hồi nhỏ ra để làm cho Bà thương con thì con đã làm từ lâu; nhưng con biết là Bà không đơn giản như vậy. Con cảm thấy Bà đối sử với con khác với mọi đứa cháu. Luôn cả Anh Nô. Ảnh đã bỏ đi, không thèm nghĩ tới nhà gì hết thì Bà không nói. Hôm qua, khi nghe Mẹ bực bội kêu lên “Thằng San và con Âu Cơ đều là hai đứa bất hiếu”, thì Bà chỉ lôi một mình con ra mà day diết.
Con nói thiệt, trong lòng con có nhiều chuyện buồn lắm, nhưng con không biết nói ra sao. Hai năm vừa qua, con tưởng Bà bỏ qua mọi thành kiến đối với con rồi, ai ngờ Bà vẫn không thích con. Nhưng mà thôi, bỏ qua chuyện đó đi, Bà già rồi, con có làm cỡ nào cũng không thay đổi ý kiến của Bà về con được.
Giờ con nói qua chuyện VN. Bữa nọ, con đòi ngủ ở phòng dưới không phải tại con muốn xa lánh Mẹ, mà vì con muốn thức khuya để đọc sách và làm bài, mà mỗi lần con thức khuya thì Mẹ cứ hay kêu con đi ngủ, làm cho con mất tập trung. Thiệt là đơn giản vậy thôi, nhưng Mẹ lại hiểu lầm con. Con không giải thích ra tại vì con biết con giải thích cỡ nào Mẹ cũng không tin, nên con im cho Mẹ nói thôi.
Sao Mẹ nghĩ là con có thể bỏ Mẹ để về VN một mình? Đúng, con nhận điều con muốn nhất trên đời là được sống ở VN, làm cái gì cũng được hết, miễn VN là đủ. Mà trong giấc mơ đó đến 100% có hình ảnh Mẹ. Sao mà không có Mẹ cho được? Con không phải là Anh Nô. Con không thể nào có hạnh phúc được một khi con biết Mẹ với Bà đang ở Mỹ trong cảnh khó khăn.
Hay dù VN có là “paradise” của con mà nếu con biết là ở đâu Mẹ không vui thì cái “paradise” đó cũng thành giả tạo. Hai, ba hay bốn năm nữa con học xong mà Mẹ vẫn chưa dọn về VN được thì con cũng phải chờ cùng đi với Mẹ chứ. Điều này nhiều đứa bạn con không thể hiểu, tụi nó nói “Đó là đời của mày mà!”
Đúng, đời của con, nhưng con biết là những sự quyết định của con trong đời sẽ rất ảnh hưởng Mẹ, và một hình thức nào, cũng ảnh hưởng Bà. Con biết điều này, dù nhiều khi Mẹ giận con, Mẹ nói là Mẹ không cần con, con muốn đi thì đi, Mẹ không cần, nhưng con biết (hoặc con hy vọng đúng hơn) là Mẹ chỉ nói những câu đó vì Mẹ giận thôi, chứ Mẹ không thật sự tin vậy.
Mẹ bắt con đợi 2 năm, 4 năm, con cũng đợi. Con biết lúc Mẹ thấy con ra trường rồi kiếm việc làm ở VN, Mẹ nôn trong lòng lắm, Mẹ sợ con đòi đi, nhưng con kiếm thì kiếm cho biết thôi, chứ không có nghĩa là con sẽ bỏ Mẹ mà đi một mình. Mẹ đừng lo.
Còn điều con không muốn hỏi về chuyện modification nhà cửa là tại vì con biết con cũng không làm gì để giúp được Mẹ, nên con tránh. Con đợi Mẹ tự nói, thì con nghe. Con xin lỗi Mẹ là lúc Mẹ kêu con dạy học trò đàn giùm Mẹ, con tỏ ra khó chịu. Con sẽ ráng tốt hơn. Lúc con nghỉ hè, Mẹ đưa học trò, con sẽ dạy hết cho Mẹ. Con nói thiệt đó Mẹ.
Con viết lá thư này toàn những điều trong lòng con. Lời lẽ trong thư là 100% thật. Mẹ đừng nghe Bà nói là con chỉ có cái “miệng”; con không giống như Anh Nô. Con nghĩ sao thì nói vậy, dù ý nghĩ con thay đổi nhiều, nhưng con biết chính con. Con biết con là người thật thà. Mẹ nên nhớ là một khi Bà không thích ai, Bà nhớ mãi, và giữ thành kiến đó luôn. Nên con hy vọng là Mẹ không nghe Bà nói rồi cũng ghét con theo Bà. Con chỉ có Mẹ là người cho con tâm sự, con không muốn vì chuyện mấy ngày hôm nay làm mất cái đó. Dù Mẹ nói sao, con vẫn tự nghĩ con là tri kỷ của Mẹ, dù Mẹ không nhận con là tri kỷ. Con chỉ muốn nghe Mẹ nói câu “Lên coi phim không, Giấy?”
Con thương Mẹ nhiều.
Giấy.
[]
Đọc xong thư Âu Cơ (rơi vào tập 53 bộ Thiên Cổ Lụy), tôi thừ người, mắt ứa lệ, tim đập mạnh, tưởng như có ai đang bóp xiết nó, mồ hôi rịn ướt trán, thân hình lảo đảo, đầu óc tê dại, nên vội tắt máy đi nằm. (Lúc ấy đã quá 1 giờ khuya).
Văn Chương rõ ràng đã đánh gục tôi, đồng thời thói quen viết nhật ký giúp tôi nhận ra và tin tưởng được điều:
“Cho dù mãi mãi không bao giờ còn nhìn thấy Âu Cơ trên cõi đời này thì bộ Thiên-Cổ-Lụy-người-anh-em-
Từ đây tôi đã có đích sống:
“Phải hoàn tất bộ tuyển tập văn chương bao gồm đủ các thể loại (Tâm Bút; Bút Ký; Biên Khảo; Tự Truyện; Nhật Ký; Thư Từ; Truyện Ngắn; Truyện Dịch; Tạp Ghi; Phê Bình Văn Chương; Đọc Sách; Kiến Thức Âm Nhạc-Văn Học-Hội Họa) như một món quà yêu dấu để lại riêng cho con gái.”
Lúc ấy nếu chưa chết, tôi cũng sẽ tự đi tìm cái chết, hai mắt nhắm, đôi môi khô, không có giòng lệ oan ức ứa ra bên mép. Hoặc tìm về Nha Trang, từng bước từng bước đi xa trên mặt biển và để thân hình cuốn theo con sóng…
[Note: Cái tựa Thiên Cổ Lụy rút từ câu thơ Nhất Phiến Tài Tình Thiên Cổ Lụy của Phạm Quý Thích viết về Thúy Kiều. Tôi không “tài tình” như Thúy Kiều, nhưng “ngàn năm khổ” chắc chẳng thua bao nhiêu so với Thúy Kiều!
Vì vậy đâu ai nỡ cấm tôi đêm đêm cúi mình trong căn nhà gọi tên Căn-Nhà-Những-Người- Trăm-Năm-Cũ, viết chủ đề THIÊN CỔ LỤY rất quen?!]
[]
Trần Thị Bông Giấy.
(Bài khởi viết lúc 6 giờ sáng, hoàn tất 10:56 AM, Chủ nhật May 28, 2023).
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ