" Cuộc Đời & Sự Nghiệp Nhạc Sĩ Lê Mộng Bảo [ 1923- 2007 ] / Đông Kha -- trích: NhacXua Blog
Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo
ĐÔNG KHA
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc nhạc vàng như Đổi Thay, Thương Về Quán Trọ, Mùa Ve Sầu, Nửa Đêm Thức Giấc, Đập Vỡ Cây Đàn, Thân Phận… ông còn được biết đến với vai trò là giám đốc của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, một trong những nơi xuất bản tờ nhạc lớn nhất của Sài Gòn trước năm 1975, vốn có tiền thân là nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế..
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh năm 1923 tại Huế, trong một gia đình nho giáo gốc Minh Hương có cha là người Hoa gốc Phúc Kiến, mẹ người Việt. Thân sinh của ông mê cổ nhạc miền Trung, thường họp đàn ca xướng hát thâu đêm. Nhờ sống trong bầu không khí rộn ràng tiếng đàn lời ca đó, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã sớm làm quen với thanh âm từ thuở nhỏ, tỏ ra rất đam mê nhạc, và sau này trở thành một trong những nhạc sĩ nhạc vàng thế hệ đầu tiên.
Năm 1941, khi mới 18 tuổi ông bắt đầu sống tự lập, ra Hà Nội để học, làm việc cho tờ báo Tiếng Dân của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Ông còn học chữ Hán với cụ Phan Bội Châu, học nhạc lý và vĩ cầm với nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Thời gian sau ông được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là người họ hàng bên vợ hướng dẫn thêm về nhạc lý và sáng tác
. Năm 1944, ông trở về Huế và làm việc tại Sở Bưu điện Huế. Xem bài khác Ca khúc “Tình Bơ Vơ” và mối tình đơn phương của nhạc sĩ Lam Phương Vĩnh biệt nhạc sĩ Ngọc Chánh của ban nhạc Shotguns Năm 1945, ông thôi việc và mở một tiệm bán sách trên đường Trần Hưng Đạo – Huế. Ông xuất bản nhạc phẩm Quãng Đường Mai của Nguyễn Hữu Ba và từ đó đi vào ngành xuất bản âm nhạc
. Vì công việc làm ăn nên ông thường hay đi Hà Nội, do đó ông quen biết nhiều nhạc sĩ sống ở miền Bắc như Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Công Kỳ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Phúc
… Trong thời gian này, theo phong trào chống Pháp ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Không Làm Nô Lệ”. Năm 1948, ông cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) của ông Tăng Duyệt, chính Lê Mộng Bảo đã giúp ông giám đốc Tăng Duyệt phát triển Tinh Hoa thành nhà xuất bản nhạc tờ lớn cà uy tín nhất Việt Nam thập niên 1940-1950..
Lê Mộng Bảo phụ trách trình bày tờ nhạc phần chọn ca khúc để xuất bản, nhờ trước đó đã quen biết với nhiều nhạc sĩ danh tiếng ngoài Hà Nội nên các nhạc sĩ này đã gửi nhạc họ sáng tác để nhờ Tinh Hoa xuất bản và lăng xê.
Nhà xuất bản Tinh Hoa Huế đã phát hành rất nhiều nhạc phẩm thời kỳ sơ khai của tân nhạc với các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy…
Thời bây giờ nhạc sĩ nào được Tinh Hoa in nhạc hoặc phát hành nhạc là tác phẩm sẽ được phổ biến rất rộng rãi khắp 3 miền. Bìa sau của tờ nhạc do Tinh Hoa phát hành, phần trình bày được ghi là Lê Mộng Bảo. Do công việc làm ăn thuận lợi, năm 1952, ông Tăng Duyệt mở thêm chi nhánh Tinh Hoa ở Sài Gòn và cử Lê Mộng Bảo làm giám đốc chi nhánh Miền Nam.
Sau biến động đất nước do ảnh hưởng của hiệp định Genève, nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế bị đóng cửa.
Năm 1956, tại Sài Gòn, một mình Lê Mộng Bảo chủ trương thành lập nhà xuất bản lấy tên là Tinh Hoa Miền Nam, là một trong những nhà xuất bản nhạc tờ lớn nhất Sài Gòn thập niên 1960, 1970. .
Trước đó, vào năm 1952, ông Tăng Duyệt cử cộng sự thân tín là nhạc sĩ Lê Mộng Bảo vào Sài Gòn lo việc mở mang chi nhánh miền Nam. Sau này, việc in ấn cũng chuyển vào Sài Gòn, bìa thì vẫn do hoạ sĩ Phi Hùng ở Huế trình bày. Dần dần, nhờ thạo việc và có đầu óc kinh doanh nên Lê Mộng Bảo đã được ông Tăng Duyệt giao toàn quyền việc kinh doanh ở thị trường miền Nam và Miên, Lào..
Về lý do Tinh Hoa xuất bản ở Huế bị đóng cửa năm 1956, theo bà Huỳnh Thị Cam, vợ của ông Tăng Duyệt, thì không phải do tình hình chιến sự mà vì lý do riêng. Năm đó ông Tăng Duyệt từ Sài Gòn trở về Huế, cùng mấy xe tải chở đầy những ấn phẩm âm nhạc tồn kho, chất đầy một phòng lớn ở 121 Trần Hưng Đạo. Ông không nói gì với vợ con, bạn bè. Các ấn phẩm âm nhạc chất đống trong kho chứ không chịu đem bán hạ giá vì để giữ uy tín của nhà xuất bản và của các nhạc sĩ. Từ đó, Tăng Duyệt rửa tay gác kiếm, không dính dáng gì đến chuyện xuất bản nhạc, chuyên tâm ở nhà dạy con học, dạy cho cả những đứa trẻ hàng xóm, cho đến khi qua đời vào tết Mậu Thân vì đạn lạc.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo một mình ở lại trong Nam, tìm mọi cách khôi phục nhà xuất bản nhạc, và với kinh nghiệm quản lý điều hành lâu năm cho Tinh Hoa Huế, ông cho ra đời Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam và làm giám đốc cho đến năm 1975.
. Bài hát nổi tiếng Hướng Về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương do Nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) phát hành Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo có tài kinh doanh nên ngoài việc xuất bản, ông phân phối nhạc tờ được đến tận các nhà sách và các quầy bán nhạc trên các lề đường Sài Gòn. Nhà xuất bản nhạc tờ của ông là nhà xuất bản Việt Nam đầu tiên có tên trong danh mục các nhà xuất bản âm nhạc quốc tế mang tên “Worldwide music trade directory”.
. Theo lời kể của tác giả Phương Duy trong bài viết “Lê Mộng Bảo – Ông anh chi tiền”, thời đó các nhạc sĩ đặt cho ông giám đốc Tinh Hoa Miền Nam – Lê Mộng Bảo biệt danh là “Ông anh chi tiền”.
. Lý do là các nhạc sĩ miền Nam thời đó, chỉ ngoại trừ một vài nhạc sĩ có tên tuổi chói lọi như Anh Bằng, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy… thì đa số các nhạc sĩ còn lại đều nghèo, khó khăn, có lẽ một phần cũng vì họ có tính nghệ sĩ phóng khoáng. Khi các nhạc sĩ này cần tiền trang trải cuộc sống, dù chưa có tác phẩm nhưng muốn nhận tiền ứng trước thì ông giám đốc Lê Mộng Bảo luôn vui vẻ chi tiền trước, vì ông cảm thông được hoàn cảnh của các đồng nghiệp nhạc sĩ.
Nói về thị trường in nhạc tờ ở miền Nam, với vai trò là người trong ngành, là giám đốc xuất bản, Lê Mộng Bảo đã có nhận xét như sau: Rõ ràng hơn là từ năm 1958 trở lại đây, nhà xuất bản không còn cung cấp món ăn âm nhạc cho công chúng nữa. Mà ngược lại, chính công chúng đi hỏi nhà xuất bản những bài mà họ thích. Câu nói này của ông đã nêu rõ được sự giao thời của tân nhạc Việt Nam ở thời điểm giữa thập niên 1950.
Nếu như trước đó, nhạc sĩ viết ca khúc rồi gửi cho nhà xuất bản, sau khi bài hát được in ra và phát hành thì khán giả mới biết được bài hát. Còn thời điểm sau này, khi nhạc sĩ sáng tác xong bài hát, trước tiên sẽ gửi cho hãng thu âm để giao cho ca sĩ hát trên đài phát thanh. Nếu ca khúc nổi tiếng và được đông đảo khán giả yêu thích thì bài hát đó mới được chọn in thành nhạc tờ để đáp ứng cho nhu cầu đàn, hát của khán giả. Ngoài vai trò là giám đốc xuất bản nhạc và là nhạc sĩ sáng tác, Lê Mộng Bảo còn là một nhà thơ, ký bút hiệu Mộng Quỳnh, với những bài thơ in rải rác trên các tạp chí xuất bản tại Huế vào khoảng những năm 1950.
Năm 1955, Lê Mộng Bảo hợp tác với Tô Kiều Ngân chủ trương tạp chí Sóng Nhạc cổ vũ cho nền tân nhạc Việt Nam. Trên tạp chí này, Lê Mộng Bảo đă công bố thiên biên khảo “Thử Nhìn Lại Các Dạng Ca Khúc Việt Nam Trước Và Sau Năm 1945 Qua Các Giai Đoạn”. Trước đó, trên các báo Tin Nhạc (1947), Thư Thần Kinh (1950) và Rạng Đông (1958) cũng có đăng tải tài liệu ”Lịch Trình Tiến Hóa Của Nền Tân Nhạc Việt Nam Qua Các Giai Đoạn” của ông.
Ngoài ra, Lê Mộng Bảo cùng Lê Thương, Phạm Duy, Nguyễn Hữu Ba, Xuân Phát sáng lập Hội Nhạc Sĩ Việt Nam nhằm mục đích bảo vệ tác quyền và đời sống của những người cùng chung nghiệp dĩ hầu nuôi dưỡng và phát triển nền tân nhạc. Bên cạnh đó, ông cùng Phương Hồng Quế, Thiên Trang, Trang Mỹ Dung và Giang Tử thực hiện Chương trình Hoa Tình Thương của nhạc sĩ Song Ngọc trên Đài Truyền hình Sài Gòn.
Năm 1973, ông được chính phủ giao phụ trách lớp nhạc lý thuộc Viện Khoa học. Từ năm 1974 đến 1975, ông là chuyên viên báo chí, phụ tá Thứ trưởng đặc trách báo chí Bộ Thông tin Dân Vận Chiêu Hồi. Với vai trò là nhạc sĩ, với bút danh Lê Mộng Bảo, ông viết các ca khúc nổi tiếng Nửa Đêm Thức Giấc, Phận Nghèo, Thân Phận, Mùa Ve Sầu
… Ngoài ra với bút danh Hoa Linh Bảo, ông có các sáng tác được yêu thích: Đổi Thay, Thương Về Quán Trọ. Ngoài ra ông còn dùng các bút danh khác như Anh Bảo, Tùng Vân – Tuyết Sơn (ca khúc Đập Vỡ Cây Đàn) với các phong cách nhạc khác nhau. Khi được hỏi vì sao lại dùng nhiều bút danh sáng tác như vậy, Lê Mộng Bảo nói rằng khi ông viết nhạc theo thị hiếu, theo nhu cầu thương mại, đơn đặt hàng… thì sẽ ký tên bằng các bút danh lạ này. Ngoài ra ông cũng cho biết khi sáng tác nhạc xong, đưa ca sĩ thu âm và phát trên đài phát thanh, thì theo quy định của đài phát thanh, mỗi lần mỗi nhạc sĩ chỉ được giới thiệu một ca khúc trong một buổi phát thanh, nên nhạc sĩ phải dùng nhiều bút danh khác nhau như một cách để “lách luật”..
Sau 1975, Lê Mộng Bảo đi tù cải tạo 6 năm và trở về với đôi mắt bị thương tật, sống lay lắt bằng nghệ hát dạo với nhóm Phi Thoàn, Khả Năng cho đến khi sang Mỹ diện HO năm 1993 và qua đời vào ngày 8 tháng 10 năm 2007, hưởng thọ 84 tuổi.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo lập gia đình năm 1948 và có 7 người con. Theo lời ông kể với tác giả Phương Duy trong 1 bài đăng trên Vietnamdaily, vào năm 1985, khi đã 62 tuổi, ông có thêm một người con nữa với một cô gái Bắc sinh năm 1950 tên là Kim Hương, tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn khoa dương cầm. Vì Kim Hương tuổi Canh Dần nên cho rằng mình cao số, thời trẻ lúc chuẩn bị kết hôn thì người yêu bị tai nạn qua đời, cô đi tu ở tu viện.
Năm 1979, các tu viện bị giải tán, cô phải ra ngoài đời, rồi quen biết với nhạc sĩ Lê Mộng Bảo ở thời điểm ông mới ra trại. Trước khi cô được anh ruột (là bạn tù với Lê Mộng Bảo) bảo lãnh sang Pháp định cư, cô muốn có một người con với Lê Mộng Bảo để thừa hưởng được gene âm nhạc, và có một đứa con bên cạnh khi tuổi già.
Hai mẹ con cô sinh sống ở Paris và thỉnh thoảng sang thăm Lê Mộng Bảo khi còn sống ở Hoa Kỳ. Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo tiết lộ một postcard của cô gửi cho ông với những chữ chứa đựng tình cảm dạt dào:" Anh Bảo thương, Trời Paris đường trắng tuyết Không có anh Em và con chừ biết ôm nhau ngồi khóc Mỗi lần nhớ đến anh Lòng em thấy ấm cúng lạ lùng Nhớ những ngày chúng mình nằm bên nhau Nay chỉ còn là kỷ niệm Yêu thương con bằng yêu thương anh! Thu, Paris 1990 – Kim Hương
ĐÔNG KHA
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
==========================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ