Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

bài đáng đọc : " À Une Passante "/ Gửi Một Người Qua Đường "/ Charles Baudelaire ( 1821- 1867 ) / Thân Trọng Sơn dịch & giới thiệu / Đà Lạt -- trích: Phạm Cao Hoàng Blog ( Mỹ ) .

 


FRIDAY, MARCH 24, 2023

2834. CHARLES BAUDELAIRE (1821-1867) A UNE PASSANTE. GỞI MỘT NGƯỜI QUA ĐƯỜNG Hay “ Lời tỏ tình gởi người phụ nữ không quen.”

Charles Baudelaire (1821-1867)

Câu chuyện được xác định rõ không gian. Một đường phố của Paris. Hẳn là Baudelaire không thích thành phố này nên ông chọn một nơi ồn ào, hỗn tạp, con đường như đang gào thét ( hurlait). Chuyện cũng được xác định cả thời gian: chiều tối. Đêm xuống nhanh, nhưng cũng đủ để nhìn thấy khuôn mặt đẹp của người phụ nữ, nhân vật chính của câu chuyện. Trong bối cảnh ồn ào náo nhiệt đó bỗng nàng đi lướt qua ( une femme passa ). Người kể chuyện hẳn phải nhìn kỹ lắm mới khắc hoạ chân dung nàng rõ đến vậy:  Mảnh khảnh u sầu, y phục đại tang…

Bàn tay kiêu hãnh
Hất nhẹ đong đưa viền áo cao sang.
Nhanh nhẹn quí phái, đôi chân tuyệt mỹ.

Người kể chuyện ( narrateur ) biến thành nhân vật ( personnage ) để thổ lộ cảm xúc. Chàng thấy trong mắt nàng một bầu trời nhạt nhoà với mầm mống một cơn dông, nơi nàng toát ra một nét dịu dàng làm mê mẩn, nhưng nàng cũng là hiện thân của khoái lạc làm chết người. ( je buvais

Dans son œil, ciel livide où germe l’ouragan,
La douceur qui fascine et le plaisir qui tue. ).

Đến lúc này thì nhân vật lại biến thành tác giả ( auteur ). Chàng lên tiếng ngay: Tuy anh không hề biết em sẽ về đâu, và em cũng không biết anh sẽ đi đâu, nhưng hỡi em, người đáng lẽ anh đã yêu, và em, em đã biết điều đó. (Car j’ignore où tu fuis, tu ne sais où je vais,

Ô toi que j’eusse aimé, ô toi qui le savais! )

Hãy để ý, trong nguyên tác, nhà thơ dùng j’eusse aimé, một dạng thức của động từ chỉ có trong tiếng Pháp  ( conditionnel passé 2è forme ) để chỉ một việc đáng lẽ đã xảy ra nhưng không có, dùng như thế để nói lên một mong ước, vừa mới hiện ra đã tan biến ngay.

Bài thơ với nhan đề giản dị ( À une passante - gởi người qua đường ) với lời lẽ thân tình, đọc nhiều lần sẽ thấy hoá ra đây là Lời tỏ tình gởi người phụ nữ không quen biết. Nàng chỉ đi lướt qua trên đường phố đông người mà sao thấy yêu rồi và quả quyết là nàng biết điều đó.

Sau Baudelaire, Bùi Minh Quốc cũng xao xuyến vì người phụ nữ gặp trên đường như thế.

Có khi nào trên đường đời tấp nập .
Ta vô tình đã đi lướt qua nhau .
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất .
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu .

 Câu đầu tiên của bài thơ chẳng có gì thơ mộng cả ( Phố xá xung quanh ầm ĩ thét gào ) nhưng đến câu cuối lại là chuyện tình yêu. Và bài thơ, làm theo thể thơ sonnet gồm 14 câu, 2 khổ bốn câu ( quatrain ) và 2 khổ ba câu ( tercet ), suy cho cùng vẫn là một bài thơ tình.

Tưởng chẳng có gì là thơ cả nhưng thật ra đó là thơ.

Thật là rất khó
Để kiếm ra chút tin tức nào trong những bài thơ
Thế mà người ta lại chết đau đớn từng ngày từng giờ
Vì thiếu
Những điều được tìm thấy trong đó.
 
It is difficult
To get some news from poems
Yet men miserably die everyday
For lack
Of what is found there.

William Carlos Williams.

Người phụ nữ qua đường thể hiện cái nhìn lý tưởng về sắc đẹp của tác giả. Ông giới thiệu ngay không gian: thành phố Paris hiện đại, ồn ào, bận rộn, một khung cảnh không thân thiện. Con đường được nhân hoá ( hurlait, gào thét ), rồi thêm tính từ “ ầm ĩ, assourdissante “, vẽ ra thứ âm thanh hỗn độn. Trong bối cảnh đó, bỗng xuất hiện một người phụ nữ và xoá hết cái hỗn độn đó. Hình ảnh nàng rạng rỡ, tạo ra tình cảm hoàn hảo nơi nhà thơ. Ông mô tả tỉ mỉ từ vóc dáng, trang phục, rồi đôi chân. Bước đi khoan thai của nàng được khắc hoạ bằng nhịp điệu đều đặn của câu 4: ( soulevant/ balançant/ le feston/ et l’ourlet ).

Tác giả xuất hiện đột ngột ở câu 6: “ Moi je buvais, crispé… “ Crispé, ngây dại, đúng là thái độ sững sờ của ông trước người phụ nữ mới gặp. Tuy nhiên người phụ nữ hiện ra nhanh chóng rồi biến mất ngay. Nhà thơ ít có hy vọng gặp lại nàng, câu thơ đầy cảm thán nói rõ điều đó ( Ailleurs, bien loin d’ici! Trop tard! jamais peut-être! ). Thứ tình cảm mà ông tưởng là tình yêu thật ra hoàn toàn không thật.

A UNE PASSANTE.

La rue assourdissante autour de moi hurlait
Longue, mince, en grand deuil, douleur majestueuse,
Une femme passa, d’une main fastueuse
Soulevant, balançant le feston et l’ourlet.
 
Agile et noble, avec sa jambe de statue
Moi, je buvais, crispé comme un extravagant,
Dans son œil, ciel livide où germe l’ouragan,
La douceur qui fascine et le plaisir qui tue.
 
Un éclair…puis la nuit! - Fugitive beauté
Dont le regard m’a fait soudainement renaître,
Ne te verrais-je plus que dans l’éternité?
 
Ailleurs, bien loin d’ici! trop tard! jamais peut-être?
Car j’ignore où tu fuis, tu ne sais où je vais,
Ô toi que j’eusse aimé, ô toi qui le savais!

GỞI NGƯỜI PHỤ NỮ QUA ĐƯỜNG

Phố xá xung quanh ầm ĩ thét gào
Mảnh khảnh u sầu, y phục đại tang
Cô nàng đi qua, bàn tay kiêu hãnh
Hất nhẹ đong đưa viền áo cao sang.
 
Nhanh nhẹn quí phái, đôi chân tuyệt mỹ
Tôi ngây dại, say mê như kẻ dị thường
Uống trong mắt nàng bầu trời báo bão
Êm dịu mê hồn, lạc thú sát nhân.
 
Một tia chớp, rồi đêm đen. Ôi sắc đẹp thoáng qua
Mà tia nhìn bỗng làm tôi sống lại
Gặp nàng nữa, hẳn phải chờ đến thiên thu?
 
Nơi nào khác, xa xôi, quá trễ hay chẳng bao giờ
Tôi không biết nơi nàng đi, nàng không biết nơi tôi đến
Nàng lẽ ra tôi đã yêu, nàng cũng biết rồi đấy.

Bài này được trích từ thi phẩm LES FLEURS DU MAL, nhan đề gợi ra nhiều ý nghĩa bởi nó dựa trên một “ nghịch hợp “ ( oxymore ) tức là sự kết hợp giữa hai khái niệm đối lập nhau.

Fleurs bao hàm ý nghĩa vẻ đẹp.
Mal bao hàm ý nghĩa đau đớn, khổ sở, tội lỗi.

Cả hai nối với nhau bằng giới từ “ de “ chỉ sự lệ thuộc giữa hai khái niệm đó: bông hoa sinh ra từ tội lỗi ( trong rất nhiều nghĩa của từ mal, người viết chọn nghĩa này ), bông hoa là vẻ đẹp chiết xuất từ tội lỗi. NHỮNG BÔNG HOA CỦA TỘI LỖI.

LES FLEURS DU MAL là tập thơ được viết trong những năm từ 1840 đến 1857, là năm xuất bản.  Ban đầu nhan đề là les Lesbiennes, ( Những kẻ đồng tính luyến ái)

rồi đổi thành les Limbes,    ( Lãng quên ) cuối cùng mới mang tên như hiện nay.

Tập thơ tiêu biểu cho trường thơ hiện đại. 168 bài thể hiện sự chấm dứt lối thơ cổ điển khắt khe trước đó. Nhiều hình thức diễn đạt nêu bật tầm vóc biểu cảm và nhiều sắc màu, những hình ảnh mới hiện ra trước mắt người đọc. Lần đầu tiên xuất hiện khái niêm “ spleen” hoà lẫn sự chán chường và lo âu, cũng lần đầu tiên bộc lộ sự tìm kiếm Cái Đẹp và lý tưởng. ( Baudelaire mượn từ tiếng Anh spleen để diễn tả ý niệm về tình trạng trầm cảm tận cùng này. Trong tiếng Anh, spleen là “ lá lách”, có liên quan đến thuyết của Hippocrates về sự thay đổi tâm trạng bắt nguồn từ các dịch của cơ thể. Lá lách của con người bài tiết một chất lỏng được gọi là mật đen, black bile, nếu được sản xuất quá mức, chất này gây ra tâm trạng u sầu.)

Giữa hình thức thể thơ sonnet và thơ mới, bộc lộ hiện tượng hoà hợp cảm giác, sự tương ứng ( correspondance) giữa hương thơm, sắc màu và âm thanh.

Thi phẩm vừa xuất bản đã gặp phản ứng mãnh liệt, một bài báo lên tiếng chỉ trích. Và ngay lúc đó, tổng kiểm soát trưởng của Đệ nhị đế chế ra lệnh thu hồi tập thơ. Một tháng sau, Baudelaire phải ra hầu toà vì tập thơ bị cho là “ vi phạm đạo lý chung và thuần phong mỹ tục. Ông bị phạt 300 francs, tác phẩm được xuất bản nhưng phải loại bỏ 6 bài. Những người ủng hộ ông cố tìm cách đề xuất xét lại vụ án. Cuối cùng tập thơ được tuyên án vô tội, Baudelaire được phục hồi danh dự ( tiếc thay án tuyên ngày 31/5/1949, nghĩa là 80 năm kể từ ngày ông qua đời.

Toàn bài thơ gồm 126 bài được sắp xếp thành sáu phần, mở đầu là bài Au lecteur, ( Gởi độc giả ) như một lời tựa. Nhiều chủ đề khác nhau nói rõ trong nhan đề mỗi phần. Baudelaire đã gởi gắm tâm sự qua nhiều bài, rõ nhất là bài L’albatros ( Chim hải âu ), vai trò và số phận của nhà thơ trong xã hội.

Le Poète est semblable au prince des nuées
Qui hante la tempête et se rit de l’ archer,
Exilé sur le sol au milieu des huées,
Ses ailes de géant l’empêchent de marcher.
 
Người thi sĩ khác nào đế vương trên chín tầng mây
Bay trong bão táp sá gì người giương cung bắn
Bị đày xuống mặt đất giữa tiếng hò hét
Đôi cánh khổng lồ ngăn trở bước chân đi.

Baudelaire chính là người bị đày xuống trần gian với cuộc sống đầy gian truân sóng gió.

Ông chào đời (1821) khi cha ông đã 62 tuổi và mẹ mới 27. Cha vốn là linh mục có tuyên thệ, nhưng chuyển sang làm hoạ sĩ rồi chánh văn phòng quốc hội. Mẹ là nội trợ, lấy cha khi vợ ông vừa mất. Sáu năm sau Baudelaire mồ côi cha. Năm sau, mẹ đi bước nữa với một sĩ quan. Chỉ mấy năm ở bên cha, Baudelaire vẫn kịp nhận ở cha những điều quý giá, nhất là tình yêu nghệ thuật. Ông đã được cha dẫn đi thăm các viện bảo tàng mỹ thuật. Nhờ đó mà ông sớm chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, nhận thức được vai trò của văn chương nghệ thuật. Và từ đó sớm xuất hiện nhà phê bình nghệ thuật Baudelaire trước khi có nhà thơ Baudelaire.

Baudelaire rất thương mẹ và không tán đồng việc tái giá của bà nên rất ghét cha dượng, ông trách mẹ đã làm mờ đi những kỷ niệm về người cha. Tuy nhiên cha dượng không phải là người độc ác. Có điều là ông ham thích địa vị và ao ước con riêng của vợ sẽ có cuộc sống nề nếp, một nghề vẻ vang. Từ đó Baudelaire căm ghét lý tưởng của giới tư sản.

Năm 1839, ông bị đuổi khỏi trường vì không chịu tố cáo một người bạn. Năm này ông đỗ tú tài. Đủ tuổi trưởng thành, ông được trao phần gia tài cha để lại. Ông liền chạy theo thời thượng, ăn diện ngất trời, mua sắm hàng hiệu. Thậm chí ông còn đi lại chơi bời với các cô gái điếm hạ cấp đến mắc bệnh giang mai. Tiêu xài quá mức nên có nhiều món nợ lớn. Từ điều kiện sống khá giả ông biến thành con nợ và cuộc sống chật vật hết mức. Năm 1841, cha dượng muốn uốn nắn ông, cho ông đi một chuyến dài trên biển từ Pháp đến Ấn độ, để ông thấy ngư dân và thủy thủ phải lao động nhọc nhằn mới có miếng ăn. Chỉ một năm sau ông trở về Paris. Trên đường về, ông gặp Jeanne Duval, người phụ nữ lai, gốc từ một hòn đảo nhiệt đới nào đó thuộc địa của Pháp. Ông đã sống với mối tình đầy sóng gió trong 23 năm với người mà ông gọi là “ Vệ nữ đen  “ vì màu da của nàng. Bà là nguồn cảm hứng cho nhà thơ. Dù sau này Baudelaire còn gặp gỡ và đem lòng yêu một số phụ nữ khác như Mme Sabatier và Marie Daubrun nhưng trong suốt cuộc đời, ông vẫn giữ quan hệ gắn bó với Jeanne.

Tiền cạn dần ông phải làm việc cật lực mới đủ sống. Công việc của ông là viết báo và dịch thuật. Ông chọn dịch một tác giả đồng điệu, nhà văn Mỹ Edgar Allen Poe ( 1809-1849 ). Ông dành 17 năm để dịch  gần như toàn bộ tác phẩm của người ông quý chuộng và công bố tác phẩm dịch Truyện lạ thường ( Histoires extraordinaires ). Nhờ ông mà Edgar A. Poe gần như vô danh ở Mỹ đã chói loà từ Pháp ra toàn thế giới.

Nhưng Baudelaire vẫn không ngừng sáng tác, từ 1852 đến 1864 là thời kỳ sáng tạo dồi dào nhất. Les Fleurs du Mal ra đời trong thời gian này. Ngoài ra, ông còn cho ra mắt một tiểu luận về hậu quả của ma tuý, gây được tiếng vang lớn. Ông chuyển sang loạt bài  phê bình về hội họa, âm nhạc và mỹ học. Không dừng ở đó, ông làm những bài thơ văn xuôi, xuất bản với nhan đề le Spleen de Paris- Petits Poèmes en prose” ( Tâm trạng spleen ở Paris- Những bài thơ nhỏ bằng văn xuôi ).

Ông có làm đơn xin vào Viện Hàn Lâm Pháp nhưng không được ủng hộ nên ông rút đơn.

Những thất bại liên tiếp khiến ông chán chường, quyết định sang Bỉ thực hiện những buổi nói chuyện và thương lượng việc xuất bản tác phẩm. Lại thất bại nữa, ông viết bài chỉ trích nước Bỉ nhưng lại nhất định chỉ trở về trong sự vẻ vang.

Năm 1866, còn đang ở Bỉ, ông bị chứng bệnh giang mai hành, gây nên những cơn đau đầu và đau dây thần kinh. Ông ngất xỉu tại Namur và bị bại liệt. Được đưa về Paris, Baudelaire qua đời ngày 31-8-1867, lúc chỉ bốn mươi sáu tuổi. Cuộc đời một người tài hoa đã kết thúc đau buồn như thế.

Khác với Victor Hugo với rất nhiều tác phẩm để lại, Baudelaire, ngoài các lĩnh vực phê bình và dịch thuật, riêng nói về thơ thì có thể nói rằng Les Fleurs du Mal là tác phẩm duy nhất của ông. Và Baudelaire vẫn là một khuôn mặt lớn, người đã đưa thi ca Pháp ra khỏi trường phái lãng mạn, và được xem là người mở đường cho trường phái biểu tượng, cho nền thi ca hiện đại của Pháp. Tuy cuộc đời ngắn ngủi, tác phẩm để lại không nhiều, Baudelaire vẫn có tầm cỡ lớn khiến ông trở thành một tên tuổi lớn của văn học thế giới. Hiện nay, Baudelaire là đề tài của nhiều luận án tiến sĩ. Năm 2002, Claude Pichois cho ra mắt cuốn Dictionnaire Baudelaire.

Tại Việt Nam nhiều nhà thơ trẻ của nhóm thơ mới cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhà thơ Pháp.

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.
Tháng 10/2022

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ