đọc thêm (2) : " nhà văn Y BAN bàn về chuyện ' nói bậy" ở quê mình "/ Dương Đình Tường ( ghi) -- trích : vanvn.vn -- 13/ 07/ 2022 .
Nhà văn Y Ban bàn về chuyện nói bậy của quê mình
Ông cười nói: “Gớm cái con Ban C” rồi lôi ra hết cả. Hàng năm chúng tôi vẫn họp lớp cấp ba, gọi nhau toàn bằng tên kèm với tên của bố mẹ dù đã 60 tuổi rồi. Tuy nhiên mình nói bậy một cây thì không thấy sao nhưng khi nghe con trai nói bậy thì tôi cay lắm, không thể chấp nhận được, cứ uất ức mà rít lên. Đó là một nghịch lý của nhiều người Nam Định nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Lịch sử một vùng đất mới
Nam Định xưa là vùng đất mới, dân nếu không muốn nói là du thủ du thực thì cũng giống như nước Mỹ xưa phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào sự mới mẻ chứ những ai thủ cựu hay hèn chỉ ở chỗ cũ thôi vì muốn bình an, ít sự thay đổi. Những người dám đi khai hoang ấy phải là người có đầu óc năng động, trái tim mạnh bạo bởi không biết ngày mai sẽ thế nào, lên rừng thì rừng thiêng nước độc nhưng xuống biển cũng nhiều sự khủng khiếp lắm chứ.
Những người iêng hùng thì trong thẳm sâu của họ cũng là trái tim nhút nhát, phải cưỡng lại giống như sợ ma ấy, vừa đi phải vừa gào lên để át tiếng bước chân đằng sau của chính mình. Vùng ăn sóng, nói gió ấy, đi ra biển giữa mênh mông như vậy họ còn có cái gì? Ai lại lúc đó sến sẩm dùng những lời đẹp nọ, đẹp kia, thì phải nói bậy thôi. Tôi gọi đó là những từ Nôm cổ bởi ngày xưa các cụ hay dùng như thế như chứ về sau văn hóa nói, văn hóa đọc nó chưng cất lên mới thành từ hay, từ đẹp. Các cụ xưa gọi thế cho đúng bản chất của vấn đề, ví dụ như: “Dê thiên, con tôi ỉa cục cứt dài thế!”.
Ngoài nói tục cục cằn thì còn có kiểu nói tục có vần có vè, có bài: “Tao thề cái lá xương xông. Chết ông chết bà. Chết ba bà cháu. Chết sáu anh em. Một đứa đi xem. Về nhà chết nốt. Đứa nào ăn cắp của tao…”. Người Nam Định ngày xưa ngoài câu cửa miệng “đ…cụ mày” còn có câu: “Mỡ đấy mà húp. Cúp đấy mà đi. Ti vi đấy mà bật. Cật đấy mà xơi. Tơi đấy mà mặc. C… ấy mà ăn”. Hay “Gồng đấy mà gánh. Trống đấy mà đánh. Trồng đấy mà cấy. Gái đấy mà chơi”.
Người miền biển ăn sóng nói gió nhưng thực ra người đi lộng, đi khơi lại rất kiệm lời còn những nông dân chỉ có hai vụ cấy hái họ buôn chuyện bậy mới kinh bởi sự nông nhàn. Mỗi làng thường có một bà hay một ông hay đặt vần vè cho những người khác đến học mà chửi. Họ chửi người ăn trộm khoai thế này: “Mày lấy thuổng mày đào. Mày lấy dao mày cạo. Mày bỏ thỏm vào nồi. Mày đun sôi sùng sục. Mày múc ra mâm. Mày ăn ngấm ngầm. Mày khen khoai nhà bà ngọt”.
Thêm vào đó là văn hóa của gia đình. Bố mẹ nói tục thì không có cách gì mà con cái lại không. Từ xưa vẫn truyền nối, cái hay thường người ta không học mà cái dở lại học rất nhiều. Bởi thế vùng đất này mới sinh ra Tú Xương với câu: “Nhà kia lỗi phép con khinh bố. Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”. Vùng Hải Hậu xây dựng nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa với điện, đường, trường trạm đẹp vô cùng, trước khi có chương trình nông thôn mới sau này, nhưng nói bậy thì thôi rồi.
Mọi người cũng hãi sự nóng nẩy của dân Nam Định nhưng thực ra những ai như thế lại thường rất tốt bụng. Có câu: “Trai Nam Định, gái Hải Phòng” là từ tính cách của những người đi mở đất, con trai tính iêng hùng kiểu chúng mày đừng tưởng thế nọ, thế kia. Con gái Hải Phòng tiếng ghê gớm chứ con gái Nam Định còn thuộc loại rách giời rơi xuống. Tôi cũng là người nói bậy một cây, đanh đá kinh hoàng.
Tôi cũng không hiểu tại sao dân Nam Định thường rất nóng tính chứ không nền nã như các vùng khác nhưng thực ra họ rất bộc trực. Tại sao người Nghệ An đùm bọc nhau rất tốt nhưng người Nam Định lại ít thấy điều đó dù có đi tứ xứ đi chăng nữa, hình như cái tôi của họ quá lớn. Bởi thế người Nam Định ra ngoài cứ một thân một mình thì có thể tự lập được nhưng cứ thêm vài người nữa là nói chẳng ai nghe.
Tiếng đầu lòng
Bố mẹ lấy nhau và sinh ra tôi ở thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Từ bé tôi đã được đắm mình trong cái nôi vừa là đất Thiên Chúa giáo vừa là đất Phật giáo. Đám trẻ quê tôi thường đi học hai bên bờ mương, bên này bảo: “Đi đạo ăn gạo tám thơm”, bên kia lại bảo: “Đi đạo ăn gạo té re” rồi chửi nhau những bài rất vần vè.
Đến năm 9 tuổi tôi lên thành phố Nam Định nhưng những ngày ở quê đã một phần làm nên tính cách của tôi. Chưa vùng quê nào tôi thấy nó đẹp như thế! Một vùng nước lợ rất trù phú có lắm rươi, đôi khi cá heo trắng còn theo cửa sông vào tận cầu Đại Tám. Một vùng quê vừa có tiếng chuông chùa vừa có tiếng chuông nhà thờ – nét Châu Âu giữa lòng Nam Định.
Tất cả những thứ đó kiến tạo nên tâm hồn tôi và tôi cũng học chửi bậy từ đó. Sau này khi viết văn tôi có vốn từ địa phương rất phong phú như hốc, đớp, chiến, bụp… Rồi thì: “Mấy giờ thì chợ này rông?” tức “Mấy giờ thì chợ này tan?”. “Hôm nay chợ đông không?”. “Quang là” tức “Vắng lắm!”.
Khu tập thể tôi ở toàn bác sĩ, có nhà hàng xóm đẻ hai đứa đầu là con gái sau mới được một thằng con trai, sướng lắm nhưng hơn hai tuổi nó vẫn chưa biết nói. Bố nó rất sợ con bị câm điếc mà những năm 70 của thế kỷ trước phương tiện máy móc chẳng có mấy nên cũng chẳng thăm khám gì được nhiều.
Bỗng một hôm con chị chạy hùng hục đến bệnh viện mẹ đang làm reo to: “Mẹ ơi, mẹ ơi, em Thờ (đổi tên) nhà mình nói được rồi đấy!”. Mẹ đang ngồi với mấy đồng nghiệp nghe thấy thế liền sướng quá mới nói: “Em bảo gì, em bảo gì hả con?”. Con chị đáp: “Em bảo đ… mẹ”. Tiếng đầu lòng nó đã nói “đ… mẹ” rồi bởi chơi với trẻ con hàng xóm chúng đều nói “đ… mẹ, đ… cha” như thế cả.
Khi đám trẻ dải chiếu ra chơi trò tùm hum (dựng chiếu thành những cái như cái lều) chơi trò “Cốc cốc cốc. Ai gọi đó. Nếu là gió. Xin mời vào. Nếu là thỏ. Cho xem tai…”. Đằng này một thằng “Cốc cốc cốc. Ai gọi đó”. Một đứa khác trả lời: “Mẹ đây, mẹ đã về nhà cho các con bú”. Đáng phải bảo thò chân, thò tai… thì thằng kia bảo: “Mẹ thò l… ra đây”. Mà chúng cũng chỉ 5 – 6 tuổi thôi.
Mẹ tôi là bà đỡ, bố tôi là bác sĩ sản khoa. Lúc ấy nước ngoài tài trợ xây cho bệnh viện cái hố xí bệt đầu tiên của thành phố Nam Định vì sản phụ bị mổ, rạch mà phải ngồi xổm thì rất đau. Nhưng do nhiều người không quen ngồi bệt mà vẫn ngồi xổm, để cả hai chân lên bệ nên nhân viên bệnh viện mới ngó vào quát: “Sao lại ngồi như thế?”. Họ trả lời: “Em không thao (sao) ỉa được”.
Đặc trưng của người vùng Hải Hậu là thường nói vần sờ thành thờ, bởi thế mới có câu: “Đứng bên này thông nhìn sang bên kia thông thấy cái gì thăng thắng. Thắn quần lội thang thông hóa ra mảnh thằng thứ” tức: “Đứng bên này sông nhìn sang bên kia sông thấy cái gì trăng trắng. Xắn quần lội sang sông hóa ra mảnh sành sứ”.
Một bà lên bảo bác sĩ: “Mày ơi mày, khám cho tao con rụm (cua) chứ mấy hôm nay nó ra máu bất thường, đau lắm!”. Bác sĩ nói: “Cứ cua cua, rụm rụm gì, phải nói là khám phụ khoa, nhớ chưa?”. Thế là bà nhớ nằm lòng, khi khỏi thì mới mang mấy bẹ cua (cua để trong bẹ chuối cho mát) cảm ơn bác sĩ: “Tôi khỏi bệnh rồi, tôi biếu bác sĩ mấy con phụ khoa, luộc lên ăn cho nó nóng”.
Lại có trường hợp đi khám, bác sĩ bảo làm vệ sinh tức rửa ráy đi nhưng chờ mãi không thấy sản phụ đâu hóa ra bà ấy đang lăn ra vườn mà nhổ cỏ. Toàn nói bậy quen mồm rồi chứ lịch sự gọi là vệ sinh thì bà lại nghĩ là đi nhổ cỏ.
Trong môi trường cả làng, cả tổng toàn người nói bậy tôi chẳng nhận ra là mình cũng như vậy cho đến khi lên Hà Nội thỉnh thoảng buột mồm ra: “Có cái máu l ấy” thản nhiên như không, mọi người mới kêu: “Khiếp sao mày nói bậy thế” thì mới giật mình. Về sau, khi đi ra ngoài tôi rất tiết chế nhưng những lúc trà dư tửu hậu lại bắt đầu nói bậy rất hay, rất thành thạo.
Nhưng thế hệ tôi chưa là gì so với lớp trẻ hôm nay, chúng bậy khủng khiếp, bậy kinh hoàng. Xưa chỉ có mấy từ bậy như thế thôi, túm năm tụm ba lại nói với nhau, giờ chúng còn chế cả bài hát rap rồi đưa lên youtube để triệu người cùng nghe kiểu: “Ba bà mặc váy xuống đồng. Lông l chấm nước tưởng râu tôm hùm”, “Tình yêu như đĩa thịt l. Người trẻ thì thích, người già chê dai”.
Thời tiết đẹp nhưng với dân Nam Định họ sẽ bảo: “Ôi, hôm nay thời tiết đẹp đ… chịu được”. Cuộc sống là như thế, cho dù mình có muốn hay không muốn, mỗi vùng miền có một đặc trưng. Không vì thấy người ta buột miệng nói bậy một câu mà nâng quan điểm nhưng cũng không vì thế mà bảo vệ nó bởi thực ra chẳng tốt cái gì cả. Bao nhiêu thứ ngoài cuộc đời kia nó đẹp sao lại phải dùng những ngôn từ ấy?
Cách đây mấy năm tôi viết truyện mini “Phàm những thứ trong quần có xấu không?” Ai cũng nói lờ, bờ là bậy nhưng thực chất mỗi thứ trong cơ thể dù là cái móng tay, sợi tóc khi được sinh ra cũng bình đẳng bởi thiếu là khiếm khuyết ngay. Đừng có nói là đôi mắt đẹp hơn thứ ở trong quần mà những thứ ở trong quần là để duy trì nòi giống, thiếu nó là không được.
Suy cho cùng cái mồm là thứ xấu xa nhất, “miệng ăn núi lở”. Loài người sinh ra lệ 3 bữa ăn 1 ngày, ngày này qua tháng khác rồi người ta gặm hết cả quả đồi, cả quả đất. Thứ nữa là khẩu chiến cũng từ cái mồm mà ra. Lời hay ý đẹp như tiếng chim hót nhưng đôi khi chửi bậy rồi một cuộc chiến tranh xảy ra cũng vì một lời nói. Đã đến lúc chúng ta ấn cái miệng vào trong xi líp còn bầy cái ở trong quần ra ngoài vì nó tốt đẹp hơn. Bây giờ không phải ấn cái miệng vào trong xi líp mà là khẩu trang vì Covid 19.
Mời độc giả đón đọc bài cuối của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ về nói bậy từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim và chuyện bùng phát ở Việt Nam hiện nay.
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
(ghi)
Nông Nghiệp Việt Nam
================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ