đọc thêm (1) : " buổi nói chuyện của nhá văn Nguyễn Thị Hoàng tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1971 . / -- trívh: Internet >
BUỔI NÓI CHUYỆN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ HOÀNG TẠI
ĐẠI HỌC VĂN KHOA SÀI GÒN NĂM 1971
Ngày 16-12-2020, IDECAF, Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp, tổ chức tại Viện Pháp ở Việt Nam một buổi tọa đàm về chủ đề « Phụ nữ và văn chương ». Một trong những diễn giả là nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, một nhà văn nữ của văn học miền Nam. Sự xuất hiện của bà sau gần nửa thế kỷ im lặng khiến những độc giả đã đọc những tác phẩm của bà khi xưa và những độc giả trẻ ngày nay đã biết tiếng tăm của bà có phần hoan hỉ. Trong buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng giải thích sự im lặng lâu dài của mình, và đề cập đến nhiều vấn đề mà vấn đề chính yếu là viết.
Cũng cần nhắc lại, trước năm 1975, Nguyễn Thị Hoàng là tác giả của khoảng 25 truyện dài – mà truyện đầu tay là Vòng Tay Học Trò (1966) đã gây nhiều sóng gió khi ra mắt độc giả, và cũng đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Thị Hoàng – 5 tập truyện ngắn và 3 tập thơ. Số lượng truyện của Nguyễn Thị Hoàng khiến độc giả có xu hướng quên rằng bà khởi đầu văn nghiệp bằng những bài thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, từ năm 1960.
Việc nhà văn Nguyễn Thị Hoàng ra khỏi một im lặng lâu dài để trở lại với công chúng, nói về vấn đề viết lách của mình, nhân dịp một số tác phẩm của bà được tái bản, thiết tưởng đây là cơ hội để chúng ta trở về với buổi nói chuyện của bà năm 1971, cách đây đúng nửa thế kỷ, tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, do giáo sư Thanh Lãng tổ chức, để biết vào thời đó nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã sáng tác truyện như thế nào và trong hoàn cảnh nào, lập trường của bà đối với giới phê bình ra sao, v.v… (1)
Vào những năm 60-70, giáo sư Thanh Lãng là Trưởng ban Việt văn ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Giáo sư có sáng kiến tổ chức cho các sinh viên chứng chỉ Văn chương Quốc âm, tức Văn chương Việt Nam, những cuộc tiếp xúc với một số nhà văn.
Trong mục đích đó, chiều ngày 11-5-1971, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được mời đến nói chuyện với anh chị em sinh viên tại giảng đường P 202 của Đại học Văn khoa.
Để mở đầu, giáo sư Thanh Lãng chào mừng « nữ tiểu thuyết gia Nguyễn Thị Hoàng », và nói rõ đây không phải là một cuộc diễn thuyết của nhà văn mà là một cuộc nói chuyện trong khuôn khổ của chương trình Nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại của chứng chỉ Văn chương Việt Nam.
Để công việc nghiên cứu của sinh viên được sống động, giáo sư Thanh Lãng muốn bắc một cây cầu giữa Đại học Văn khoa và giới làm văn chương nghệ thuật bên ngoài, một cây cầu giữa giới trẻ, giới đang hướng về việc làm văn chương nghệ thuật trong tương lai, và những người hiện đang làm văn chương nghệ thuật.
Khi giới thiệu nhà văn Nguyễn Thị Hoàng với anh chị em sinh viên, giáo sư Thanh Lãng nói : « … chúng tôi cầu mong, chờ đợi đón nhận, được nghe một kinh nghiệm, một trường hợp sống động về công trình sáng tác, viết lách, xây dựng một tác phẩm tiểu thuyết. »
Sau lời giới thiệu của giáo sư Thanh Lãng, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng khởi đầu buổi nói chuyện :
Thưa các anh các chị,
Trước hết tôi xin chân thành cám ơn linh mục Thanh Lãng đã dành cho tôi một giờ hôm nay để tiếp xúc với các anh chị. Sau nữa, tôi xin quý mến cảm ơn các anh chị đã bớt thời giờ học hành, chờ đợi và tiếp đón tôi tại đây. Cuối cùng, tôi xin dành một lời cám ơn nhỏ cho phần người đàn bà gia đình của tôi đã cho phép người đàn bà viết lách đến nói chuyện với các anh các chị. Tôi cũng thành thực xin lỗi nếu đã và sẽ làm các anh các chị thất vọng phần nhìn thấy cũng như nghe nói hôm nay. (Vừa có mấy chị nói, khi tôi đến, đọc tôi quá nhiều nhưng chưa trông thấy tôi bao giờ, vậy các chị đến để nhìn thấy, chứ không hẳn chỉ nghe nói).
Trước khi nói đến phần viết lách cũng như trường hợp sáng tác, tôi xin giới thiệu vắn tắt vài điểm về cá nhân tôi, đã sống thế nào, những nguyên do hay ảnh hưởng trong việc sáng tác, tương quan giữa đời thực và tác phẩm.
Tôi sinh ở Huế, trải qua một thiếu thời quá đẹp ở đó, cho đến năm 57 vào Nhatrang, với di chuyển của gia đình, học ở đó vài năm, rồi vào đại học Văn khoa và Luật khoa ở Sàigòn. Tôi không may mắn như các anh chị được học hết những năm đại học. Sự không may tự ý chọn lựa. Tôi chỉ học một vài năm lỡ dở ở mỗi phân khoa, rồi đi làm, đi dạy học. Cuối cùng là con đường không làm cho ai và cũng chẳng hợp tác với nơi nào. Qua vài năm thử thách, con đường riêng tìm thấy đó lôi cuốn và ràng buộc tôi lại lâu dài. Tôi sẽ không bao giờ ra khỏi con đường lựa chọn, là dù thế nào cũng nên thảnh thơi và tự do thoát ra ngoài những công việc có tính cách công thức và khuôn khổ cố định của xã hội.
Chính cuộc sống tự do nhưng nhiều khó khăn trên đã ảnh hưởng phần nào đến viết lách của tôi. Ngoài phản ảnh một phần đời sống và tâm hồn mình, tác phẩm tôi không do một động lực nào bên ngoài xã hội hay ảnh hưởng từ văn chương ngoại quốc như một vài người đã lầm tưởng. Vì có những người đã phê bình tôi, thay vì nghiên cứu để phê bình, chỉ đọc lướt qua như một lối kiểm kê, chỉ nhận xét theo thành kiến hay dụng ý và mục đích riêng của bài phê bình mà không rõ gì về người viết và tác phẩm. Vả lại, tôi nghĩ là khi viết một tác phẩm gởi ra cho đám đông, tùy trình độ và tâm hồn, ai cho đi được gì sẽ đón nhận đúng mức chừng đó, còn phê phán, một lối phê phán đúng nghĩa thì không thể tìm kiếm thấy và đòi hỏi được ở xứ ta. Có thể nhận diện được bốn loại người phê bình tiêu biểu.
– Nhà phê bình già trầu, nghĩa là một người mang tất cả kiến thức và thành kiến của những thời đại nào trước, đúc lấy một khuôn mẫu duy nhất cho phê bình, nhìn bất cứ tác phẩm và tác giả nào cũng dưới cặp kính cũ kỹ của mình. Những tiêu chuẩn và mục đích của bài phê bình do đó tất nhiên theo khuôn thước của họ, của thời đại đã qua, không ăn nhập gì với những biến tính và biến thể của tâm hồn hay đời sống đang luân lưu trước mặt.
– Nhà phê bình theo lập trường của đảng phái hay chính sách. Họ là những người đứng trong đoàn thể, phê bình có nghĩa là đập một người nào, không phải vì cá nhân đó, mà vì cá nhân đó đứng vào trong thành phần của đối phương.
– Nhà phê bình mang tinh thần đồng đội, phê phán một người nào, khen hay chê, tuỳ ngưòi đó có ở trong băng, trong nhóm của mình hay không. Có nghĩa là bốc hay đập một người nào, mục đích là duy trì giá trị những cây viết trong băng nhóm mình, và tìm cách triệt hạ đối thủ, nếu cảm thấy đối thủ đó có cơ bay lên, làm lu mờ tên tuổi và giá trị của người trong băng nhóm mình.
– Loại thứ tư thì không vì đảng phái, lập trường phe nhóm, tiêu chuẩn đạo đức hay nhân danh một cái gì cả, ngoài những thúc đẩy giản dị và hồn nhiên là nhu cầu một tô phở, một chút tiền đi chơi, hút sách, hay gì gì đó, tóm lại, ai thuê viết thì viết, đúng như ý muốn của người ra chủ đề, bốc hay đập người này, người nọ, đó là anh phê bình ba phải.
– Loại thứ năm là một nhà phê bình có đủ kiến thức, lương tâm, điều kiện làm việc phê bình đúng mức. Nhưng loại đó không có. Hay nếu có, vì lẽ này hay lẽ khác, họ không hề đặt bút phê bình một ai trên giấy.
Cho nên không thể đặt vấn đề phê bình quanh một tác phẩm, có nghĩa là tác giả cũng như quần chúng không tiện căn cứ vào bài phê bình để đánh giá một tác phẩm. Vấn đề còn lại chỉ là thưởng thức (ở những người nhìn ngắm được tinh thần hay nội dung tác phẩm) và chưởi bới (ở những nhà phê bình kiểu kể trên).
Tôi vẫn ngạc nhiên khi có người đọc một bài phê bình nào đó về tôi và hỏi dò ý kiến hay phản ứng. Bởi vì tôi không hề theo dõi, trừ phi có người nhắc nhở hay tìm bài đem cho tôi đọc. Giữa những người phê bình và người viết luôn luôn là một khoảng cách mênh mông. Tôi không thể nào đọc hiểu họ, cũng như họ đã không đọc và hiểu tôi vậy.
Về phần ảnh hưởng thì chúng ta cũng nên nhắc đến phim ảnh, cũng như du lịch, là nguồn ảnh hưởng và niềm hứng khởi cho sáng tác. Nhưng loại phim có nội dung giá trị quá hiếm hoi, như vài ba phim của Fellini chẳng hạn. Hình ảnh và nội dung của phim vẫn khêu gợi được vài ý tưởng mong manh làm khởi điểm le lói cho một cốt truyện nào đó.
Tác phẩm tôi từ 1966 đến nay gần 30 cuốn, gồm 20 cuốn đã in và gần 10 cuốn đang in hoặc đang đăng trên các báo. Tôi khởi đầu viết khoảng 25 tuổi, với cuốn đầu tay là Vòng Tay Học Trò. Đó chỉ là cuốn truyện tình cờ, ngoài những tác phẩm viết theo chương trình và dự định.
Càng viết nhiều càng cảm thấy thất vọng và nên làm việc nhiều, nhanh và vẫn chưa đạt được phần nhỏ nào trong những dự định lớn. Đa số những cuốn trên, vì đã viết trong những hoàn cảnh khó khăn, giờ giấc vội vàng, không đủ để được chín muồi sau một thời gian cưu mang và hàm dưỡng nó. Xem như tôi chưa được viết và viết được gì hết. Về lối viết của tôi thì quả bừa bãi, vội vàng, tuy nhiên nhờ thế, được phần nào nóng bỏng, nguyên vẹn cảm xúc và ý tưởng… Phần nhiều những cuốn đã viết hoặc đăng báo ngày góp nhặt lại, hay vừa viết vừa giao cho nhà in in dần dần cho đến khi xong sách. Chưa có cuốn nào hoàn toàn đầy đủ trước khi đăng báo hay đem in. Sở dĩ công việc kịp thời và trôi chảy là vì tôi viết được nhanh, mỗi cuốn tối đa trong vòng một tháng, nếu làmviệc liên tục. Tuy nhiên, trong thời gian một tháng, không phải tôi chỉ bỏ hết thì giờ cho việc viết lách, mà còn thường xuyên đảm đương những việc tạp nhạp khác cùng lúc với viết, như lo nhà xuất bản và bao nhiêu công việc phức tạp, nhỏ nhoi, bề bộn của đời sống gia đình như săn sóc con cái, nấu nướng, chỉ vẽ cho người làm, thu xếp tiêu nong, tính toán những việc liên hệ, xã giao phải chăng, đối đãi khách khứa…
Những nhà văn lão thành hay những người làm việc có nguyên tắc, chuyên môn, thường sáng tác với những mẫu mực và kỷ luật chặt chẽ.
Với một ý tưởng chính yếu, họ lập cái sườn chi tiết cho nội dung cốt truyện triển khai thành đoạn, thành chương. Họ sáng tác công phu, chừng mực, theo một giờ giấc nhất định như mỗi ngày làm việc từ giờ nào đến giờ nào, trong khung cảnh như thế nào hoặc viết tùy hứng, chỉ những lúc nào cảm thấy vui thích muốn viết.
Với tôi, viết là công việc chính, thường xuyên hàng ngày. Những sách đã in ra chưa cuốn nào ưng ý và chuẩn bị đúng như mong muốn, mà đã phải viết vội vàng, cẩu thả, vì công việc thường bị thúc bách. Tôi không thể làm việc tùy hứng mà cũng không ép buộc giờ giấc nào mà mỗi ngày viết đều đều, tối đa là 40 trang đánh máy, ít nhất cũng được 20 trang. Với máy chữ, mỗi ngày tôi lóc cóc liên miên, theo thói quen, không viết là cảm thấy hao hụt, thiếu thốn, mất mát một điều gì, bất kể giờ giấc. Cũng chen kẽ những ngày lười biếng, không muốn làm bất cứ gì, nghĩ đến điều gì. Khi viết, không phải trang nào cũng đều tay, bởi nhiều lúc chán nản, buồn bực ghê gớm. Trái lại, nhiều khi hăng say mê mải, không phải tùy thuộc vào những điều phải viết mà do trạng thái tâm hồn bất thường chịu ảnh hưởng từ những điều kiện sinh hoạt hàng ngày.
Trước khi khởi đầu một truyện nào, tôi nuôi nấng một ý tưởng cho nó lớn dần, như mang thai đứa con. Nó lớn dần cho đến khi có đủ hình hài thành câu truyện ở vào cái thế không viết không được, cứ ấm ức như chịu đựng một thứ mụt cương mủ, nhức nhối không được nặn chích đi cho vỡ toang nên đau đớn, bứt rứt vô cùng. Khi câu truyện đã chín muồi trong ý nghĩ thì ý muốn được thực hiện ngay tức khắc, những ý tưởng và nhân vật như vậy. Đã ngồi lại viết, ý tưởng kia nhập vào xác hồn mình, ngồi như một người bị đồng nhập, không còn hay biết đến xung quanh, bất chấp cả mọi tiếng ồn ào và sinh hoạt khác, cứ đánh máy triền miên không ngưng nghỉ, vội vã, cuống quít không kể cả những lỗi sai khi đánh máy, miễn là trút ra được những gì căng đầy trong trí, cùng lúc, cho thật nhiều, thật nhanh. Càng nhiều, càng nhanh, càng kịp tốc độ ý nghĩ càng tốt. Tôi như mê đi khi viết nên không nhận ra mình đang viết, đang nghĩ gì. Chỉ khi đọc lại sách đã in, cảm tưởng như đọc của một người nào khác. Tôi chỉ đọc lại khi đã in, và đánh máy xong không đủ thì giờ xem lại một đoạn hay một tác phẩm toàn thể mà phải đưa ngay cho nhà in rồi. Cho nên mỗi lần đọc lại một truyện mới in là kinh hoảng vô cùng. Kinh hoảng vì mình đã làm việc với tốc độ dữ dội, và vì vậy bừa bãi quá, mà kết quả lại bất ngờ… Nghĩa là kỳ tới sẽ viết kỹ lưỡng hơn, nhưng giờ giấc và công việc hàng ngày cứ lôi cuốn theo dòng không đổi. Cho nên một thì giờ rảnh rỗi đủ để viết một truyện theo cách cuộc và nguyên tắc mong muốn không bao giờ có. Đành chấp nhận hủy bỏ tất cả mọi nguyên tắc. Và rồi thành thói quen, đến có theo một qui luật viết nào đó, thì không thể làm ra gì được nữa.
Một cuốn truyện ba bốn trăm trang không đáng kể bằng giây phút bắt gặp một ý tưởng khởi điểm nào đó, mầm mống và nền tảng cho nội dung cuốn truyện. Phần cảm hứng để đón nhận cái hạt đầu tiên nảy mầm thành cuốn sách không phải ngẫu nhiên mà có. Bởi thế nhiều khi từ 1966 đến giờ, có khi hàng năm tôi không viết một chữ nào, có khi trong vòng hai ba tháng viết hai ba cuốn. Từ đầu năm tới nay, sau chuyến đi Hội nghị ở Đài Loan và Đại Hàn tôi viết quá nhiều, đến năm cuốn một lúc và hiện có sáu cuốn đang in. Trong thời gian này, sở dĩ đã viết được nhiều vì tìm thấy mầm mống ý tưởng kia để cưu mang thành tác phẩm. Không bắt gặp được thoáng mầm mống ý tưởng chính yếu kia, dù có viết cả ngàn trang thì truyện cũng chỉ là khoảng không và sách cũng chỉ là mớ giấy lộn mà thôi.
Tôi xin dẫn chứng để anh chị nào đã mất hay sẽ mất thì giờ đọc sách tôi có thể phân biệt được hai loại :
– Loại tượng trưng với nội dung nặng nề nghiêng về đời sống tâm thức và vô thức như « Ngày qua bóng tối », « Trời xanh trên mái cao », một số truyện ngắn mà người đọc thường than là đọc không hiểu gì hết.
– Loại tả chân với những tâm trạng và mẫu đời qua các khía cạnh chiến đấu như : « Cho đến khi chiều xuống », « Tiếng hát lên trời », « Tiếng chuông gọi người tình trở về », « Vực nước mắt »…
Tôi không nhớ rõ những gì đã viết, tên truyện và thời gian sáng tác theo thứ tự. Tôi viết như thở ra, và khó mà đếm nhớ được những nhịp thở ra của mình… Dù cuốn truyện dày hay mỏng, điều mong muốn là vẫn diễn tả đủ và đúng phần ý tưởng chính yếu với những nhân vật và khung cảnh là nền tảng sân khấu. Phần ý tưởng chính yếu đó là tia ánh sáng duy nhất chiếu dọi lên toàn thể phần sân khấu kia, vì tia sáng quá mong manh nên ít người tìm thấy. Người ta chỉ nhìn thấy ở các tác phẩm tôi phần sân khấu, gồm nhân vật và khung cảnh, và ít khi nhận ra chút le lói ánh sáng ấy. Trong khi chính tôi nếu không có chút ánh sáng kia chiếu lên sân khấu, tôi không thể nào tạo dựng nổi toàn bộ một sân khấu tiểu thuyết.
Tôi chỉ viết lúc nào cần mà lúc nào cũng cần trên thực tế cũng như tinh thần, nên lúc nào cũng phải viết. Ngồi lại với một xấp giấy, giấy phải nhiều và sạch, cứ đánh máy cho đến khi mỏi tay hay một công việc khác quá cấp bách kêu gọi mới có thể dừng lại được. Việc viết đối với tôi giản dị, bất kể ngày đêm. Mọi người đều quan niệm viết bất cứ gì, tình cảm, tư tưởng đều đòi hỏi những điều kiện như khung cảnh thích hợp với trạng thái tâm hồn lúc viết, có đầy đủ thì giờ và thoát hẳn ra ngoài mọi công việc thực tế, không bị điều gì ám ảnh hay quấy rối. Tóm lại, khi viết phải được rảnh rang, thanh tĩnh, ngoài khung cảnh như trong tâm hồn.
Tôi viết trong những điều kiện trái ngược trên. Nếu bị giam giữ trong ngôi nhà xinh đẹp hay khung cảnh nên thơ tách rời khỏi đời sống gia đình và sinh kế, tôi sẽ không viết được nổi một trang nào. Tôi chỉ viết được nếu bị thúc bách, và có nhiều công việc phải làm cùng một lúc. Càng có nhiều việc làm cùng một lúc, càng viết được nhiều, thiếu không khí làm việc, náo nhiệt, rộn ràng, thúc đẩy, nhất định là tôi không viết được. Những việc song song với viết lách như thế thường lại tương phản nhau, và khó chấp nhận nổi nhau : một trang tiểu thuyết lãng mạn, một món ăn đang nấu dở trên bếp, một đứa con đang khóc đòi bế, đòi ăn níu kéo quanh chân. Trẻ con vẫn thường la khóc cùng lúc với những nhân vật trong tiểu thuyết đang lên tiếng mắng nhiếc hay tự tình với nhau. Hai đám, một ngoài đời, một trong tiểu thuyết, đôi khi đánh lộn thường xuyên như thế. Khi nào cuộc giao tranh giữa hai đám người trong truyện và ngoài đời cùng đòi tôi kịch liệt chừng nào tôi lại càng bị dồn đưổi thiêu đốt, càng viết mạnh, nhanh và nhiều chừng đó, và như vậy cuộc hòa giải giữa đôi bên sẽ chóng kết thúc.
Đúng ra, đàn bà chỉ nên làm việc bếp núc và nếu dự phần gì trong đời sống rộng lớn hơn, thì là tạo cho người đàn ông bên cạnh đủ điều kiện để họ thực hiện và chu toàn vai trò và nhiệm vụ đàn ông tùy theo cấp bực và khả năng của họ có thể thực hiện trong đời sống lớn là xã hội. Tôi muốn đóng một lúc tất cả những vai trò con người, bất kể là đàn ông hay đàn bà, có thể thực hiện và đóng góp vào đời sống. Và vì vậy, không bao giờ cảm thấy được sống đủ nếu thiếu một trong ba sinh hoạt : gia đình, xã hội, nghệ thuật. Điều khó khăn là làm thế nào cho một công việc của mình lại có kết quả tốt đẹp cho cả ba phía đó : tài chánh đầy đủ cho gia đình, ảnh hưởng tốt đẹp cho xã hội, giá trị lâu dài cho văn chương.
Tôi không bao giờ viết một truyện suông sẻ từ đầu chí cuối. Thường phải viết ba bốn truyện một lúc, và vì vậy thỉnh thoảng phải bỏ ngang đoạn cuối của truyện này để nhảy sang đoạn khác của truyện kia, khâu vá những khoảng cách bỏ dở. Chẳng hạn, khi nhà in đến lấy bài, dở ra nếu tiêu mất trang 28, tôi phải viết lại ngay trang đã mất. Viết lại, ráp nối bằng cách đọc lại chút xíu phần cuối trang 27, phần đầu trang 29 và vá ngay đoạn mất…
Khi viết cũng có lúc chán bỏ ngang. Như đã viết « Bóng người thiên thu », bối cảnh là Đài Loan thì những nhân vật tình tiết cảm xúc câu truyện này đánh lộn với một truyện khác là « Tình yêu, địa ngục ». Đó là trường hợp những nhân vật và ý tưởng của một truyện khác bỗng trổi lên kêu gọi thiết tha, mãnh liệt hơn những nhân vật và ý tưởng truyện đang viết. Nếu một chương nào trong « Bóng người thiên thu » hấp dẫn quá, thì các nhân vật trong đó lại đánh bạt những nhân vật trong truyện « Tình yêu, địa ngục » ra khỏi tâm trí tôi, thì « Tình yêu, địa ngục » bị bỏ rơi tức khắc… Đôi khi gặp một khúc truyện nào không thích, tôi bỏ ngang, có khi một lúc rồi tiếp tục, có khi hai ba ngày. Nhiều khi không bị nhà in thúc hối, tôi ghét cả đoạn truyện đó hàng tháng. Khúc chót của truyện thứ nhất bị bỏ, tôi sang khúc đầu của truyện thứ hai, thứ ba hay thứ tư, và cứ thế, khi cần hoàn thành thực sự một truyện nào trong thời gian hạn định thì lại phải làm lại công việc chắp vá, ráp nối, như đạo diễn làm phim. Công việc ráp nối cũng có lợi là có thể cắt bỏ bớt những khúc không ưa thích hay không ổn thỏa và thêm những ý tưởng mới nẩy mầm về sau. Tính tham lam, tôi chỉ thích thêm và ít khi chịu bớt… Khi nhà xuất bản cần cuốn nào, tôi chỉ đưa cho họ khúc có sẵn của mỗi cuốn. Trong thời gian kiểm duyệt, tôi vá ráp thêm những đoạn còn thiếu. Đó là cách vừa làm được nhiều, vừa đúng hẹn. Rồi thì mọi chuyện đã trở thành thói quen, tôi thích làm việc cách đó, không thể khác nữa, dù có được điều kiện để thay đổi cách khác.
Tôi nói không đâu vào đâu đã nhiều. Bây giờ xin các anh chị cứ nêu câu hỏi, nếu cứ nói mãi lung tung về viết lách, nhà cửa, bếp núc như tôi, có mấy ngày cũng không đến đâu hết.
Linh mục Thanh Lãng tiếp lời :
– Xin cám ơn nữ tiểu thuyết gia Nguyễn Thị Hoàng đã cho chúng tôi kinh nghiệm quý báu về công việc viết lách, nhất là viết trong những trường hợp hết sức đặc biệt. Bây giờ để công việc học hỏi được linh động hơn và cũng là ý muốn của chính nữ tiểu thuyết gia, tôi mời các bạn có câu hỏi xin nêu ra.
Người ghi : Nhuệ Hương
- (1) Nguồn : Nội dung buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được trích từ tạp chí Nghiên cứu Văn học, Năm thứ nhất, Bộ mới số 5, ngày 15 tháng 7 năm 1971. Toà soạn : 386/14 đường Trương Minh Giảng Sài Gòn.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ