'VÒNG TAY HỌC TRÒ & 4 tiểu thuyết của NGUYỄN THỊ HOÀNG tái xuất " / Hà Thu -- trích VO5 World -- 13 / 04/ 2021 >
Vòng tay học trò và bốn tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng
tái xuất
Có lẽ không ai trong số các nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước 1975 mà tác phẩm đầu tay lại đem đến nhiều sóng gió như trường hợp Nguyễn Thị Hoàng và tiểu thuyết Vòng tay học trò của bà.
Dù vẫn chưa hề có một phê bình nhận định đầy đủ trên quan điểm thuần túy văn học về tác phẩm và trường hợp một tác giả, Nguyễn Thị Hoàng cùng sự nghiệp văn chương của bà vẫn nổi lên như một đóa hoa rực rỡ của văn nghệ miền Nam.
Tìm kiếm thêm một góc nhìn vào văn nghệ miền Nam, đầu năm 2021, với sự đồng ý của tác giả, Nhã Nam tái bản Vòng tay học trò, cùng 4 cuốn tiểu thuyết nữa của bà: Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tiếng chuông chờ người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh.
Năm 1966, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng được xuất bản thành sách, in lần thứ nhất đã 5000 cuốn và chỉ trong vòng mấy tháng đã tái bản 4 lần, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt.
Trước Nhã Nam, một số đơn vị xuất bản khác cũng đã in lại một số tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, nhưng Vòng tay học trò, bestseller nổi tiếng nhất của bà, thì đây là lần đầu tiên được tái xuất, sau rất nhiều cân nhắc từ các bên.
Chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên của Nhã Nam cho biết: “Ở lần xuất bản này, phía Nhã Nam đã cùng với tác giả chuẩn bị bản thảo cẩn thận, chỉn chu. Mọi chỉnh sửa dù là nhỏ nhất đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi đi đến bản in cuối cùng. Một số cuốn, ngay cả bản thảo gốc mà tác giả đang giữ, cũng bị thiếu trang, Nhã Nam đã phải kỳ công truy tìm nhiều bản in cũ từ những nhà sưu tầm sách hiếm, để có được bản thảo đầy đủ nhất. Có thể nói sau nhiều thập kỷ, 5 tác phẩm này của Nguyễn Thị Hoàng không chỉ được xuất bản phục hồi nguyên trạng mà còn kèm theo một số điều chỉnh, bổ sung; tất cả được gói lại trong một diện mạo mới, với bìa cứng sang trọng, hiện đại nhưng vẫn phảng phất nét cổ điển gợi nhớ một thời. Qua những tác phẩm này, chúng tôi mong sẽ có thể dò tìm được mạch ngầm tư tưởng của tác giả, và, trên hết thảy, thấy lại chút chứng tích tâm thức của một thời đã qua.
Cuốn Vòng tay học trò từng nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn độc giả ngay từ khi mới xuất hiện dưới dạng nhiều kỳ đăng trên tạp chí đến khi được in thành sách rồi tái bản liên tục nhiều năm ở miền Nam. Sự hưởng ứng sôi nổi ấy hẳn không phải chỉ bởi nó đã kể câu chuyện tình đau đớn của tuổi trẻ “yêu người không nên yêu” một cách du dương thành thật, mà còn vì bằng câu chuyện ấy nó đặt ra những vấn đề khác, về lẽ sống, về những vật lộn tinh thần cá nhân giữa đời sống xã hội bình thường. Sau hết thảy, nó là câu chuyện của thanh xuân, phù hợp hơn cả với những buổi chiều lặng lẽ riêng tư, như một người bạn không nhất thiết ủng hộ nhưng hoàn toàn thông cảm với những tâm tình có thật của con người.
Tác phẩm Một ngày rồi thôi lấy bối cảnh chính ở thành phố Huế, xoay quanh hai nhân vật chính là hai chị em Diễm và Nguyện, con của ông Vĩnh Hoài. Việc bà vợ bỏ đi vào Nam không chỉ gây ra đau khổ cho mình ông Hoài mà còn ảnh hưởng rất nhiều lên đời sống tâm lý, tình cảm của hai cô con gái. Diễm không thể đến được với người mình yêu vì tiếng xấu của mẹ mình, còn Nguyện luôn loay hoay để tìm hiểu xem thế nào là một tình yêu đích thực.
Cuốn Cuộc tình trong ngục thất lấy bối cảnh chính ở thành phố Huế, xoay quanh một đôi vợ chồng trẻ cố gắng chạy khỏi bóng tối rình rập của chiến tranh đang chực nghiền nát họ. Một người vợ vào Huế đón chồng là lính về Sài Gòn, chạy trốn cuộc đời binh lính nhọc nhằn. Một chuyến đi đầy âu lo, khắc khoải, chất chứa những tâm tư nặng nề. Cho dù đã về được mái nhà, hạnh phúc trong chốc lát, nhưng họ biết rằng ngục tù vẫn bốn phía bủa vây.
Tác phẩm Tiếng chuông chờ người tình trở về kể câu chuyện Bằng, người đàn ông trong ràng buộc gia đình, khao khát một khoảng trời thênh thang tự do nên đã bỏ đi. Huyền, người đàn bà nhẫn nhục trong gia đình, long đong quắt quay tìm kiếm chồng suốt một năm dài. Tiếng chuông réo gọi tình về của Huyền gióng giả khắp nơi không ngơi một ngày, mong tìm lại được hạnh phúc vợ chồng tưởng chừng vẫn còn đó.
Cuốn Tuần trăng mật màu xanh kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ của Đông với Nhung – người bạn gái từ thời xưa cũ của anh tại Huế trước 1975. Đông là một quân nhân. Giữa những ngày chiến tranh đó, anh chán nản và chán ghét cuộc sống, cảm thấy cuộc sống lúc đó chỉ là “một miền hỏa ngục”, đầy rẫy súng đạn và chết chóc, ích kỷ và tàn bạo. Nhưng bất ngờ Đông gặp lại Nhung – người bạn cùng học thời xưa cũ. Nhung, một cô gái trẻ đẹp, đáng yêu, ngây thơ, chân thành, đã cứu vớt tâm hồn Đông, khiến anh nhận ra trong anh vẫn còn tình yêu, vẫn còn lẽ sống. Giữa hai người nảy nở tình yêu trong trẻo và thanh khiết. Thực tế, họ không kịp cưới nhau (dù trong thâm tâm họ đã coi nhau như vợ chồng), không có tuần trăng mật nào cả, nhưng chính tình yêu của họ với những ước mơ về một vùng trời màu xanh, thanh bình, êm đẹp, đã cho họ được hưởng một “tuần trăng mật” ngắn ngủi, thoáng chốc trước khi bị hỏa ngục chiến tranh kéo lại hiện thực tàn khốc.
Không chỉ là chuyện tình, năm tiểu thuyết này còn là những hoài niệm sâu đậm về thời gian, không gian từng nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn suốt cuộc đời (Một ngày rồi thôi); nỗi niềm và suy tư của người đàn bà giữa thời tao loạn (Tiếng chuông gọi người tình trở về); thái độ và khát vọng sống của con người trong tấm lưới chiến cuộc bủa vây (Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất.)
Nhân dịp này, Nhã Nam sẽ tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tại Hà Nội vào 18/4/2021.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nguyên quán ở Quảng Trị, sinh năm 1939 tại Huế, thân sinh bà làm Tổng Giám thị trường Quốc Học Huế từ năm 1930. Bà theo học tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và trung học Đồng Khánh Huế đến 1956 thì vào Nha Trang. Năm 1960, bà vào Sài Gòn theo học đại học Văn Khoa, đại học Luật khoa rồi dạy học ở Đà Lạt.
Năm 1964 bà bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên Vòng tay học trò dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Tác phẩm được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Năm 1966, Vòng tay học trò được xuất bản thành sách.
Từ năm 1965 đến 1975, bà xuất bản gần 30 cuốn gồm tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn. Sau đó Nguyễn Thị Hoàng im tiếng suốt 15 năm vì những chuyển dời bất định trong cuộc sống riêng, trước khi trở lại vào năm 1990 với tập ghi chép Nhật ký của im lặng
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ