bài đáng đọc :" Dung Mạo Nữ Sĩ SƯƠNG NGUYỆT ANH [ i.e. Nguyễn Thị Khuê `1864- 1921 ] "/ Trần ĐÌNH BA /tphcm -- trích : báo Thanh Niên (tphcm)/ https://thanhnien.vn/author/tr... / 02/02/ 2023.
Dung mạo nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và sự nhầm lẫn Sương Nguyệt Ánh
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh Nguyễn Thị Khuê (1864 - 1921), con gái của tác giả Lục Vân Tiên, được Google Doodle vinh danh nhân 105 năm ngày phát hành số đầu tiên của tờ báo Nữ giới chung.
Năm 2022, lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức long trọng. UNESCO cũng đã trao Nghị quyết vinh danh ông là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Năm nay, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh Nguyễn Thị Khuê (1864 - 1921), con gái của ông, được Google Doodle vinh danh nhân 105 năm ngày phát hành số đầu tiên của tờ báo Nữ giới chung. Cuộc đời, sự nghiệp của vị nữ chủ bút đầu tiên của báo chí Việt Nam đã được tìm hiểu nhiều. Ở đây, dựa vào một số tài liệu cụ thể, chúng tôi điểm lược dăm điều lưu ý về bà.
Xuân Khuê, Ngọc Khuê cũng là Khuê
Nam Xuân Thọ khi viết sách Sương Nguyệt Anh (Nguyễn Xuân Khuê) 1864 - 1921 (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957) cho hay bà Sương Nguyệt Anh tên khai sinh là Nguyễn Xuân Khuê. Là con gái thứ tư của cụ Đồ Chiểu. Theo sách này, một số báo viết bà là Nguyễn Ngọc Khuê, hoặc Nguyễn Thị Ngọc Khuê. Nhưng phần đa cho rằng phải là Xuân Khuê mới hợp, bởi chị bà là Kim Xuyến, chị lót Kim thuộc mùa thu, em lót chữ Xuân là phải.
Tên gọi trên, cũng là thông tin mà sách Anh thư nước Việt từ lập quốc đến hiện đại của Phương Lan cung cấp. Riêng trong Điếu cổ hạ kim thi tập của Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1915, nhiều gương anh thư đất Sài Gòn - Gia Định có tiết hạnh, danh tiếng đầu thế kỷ XX được ghi lại, trong đó có Sương Nguyệt Anh. Theo sách này, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật Nguyễn Thị Khuê.
Ngoài tên Khuê, bà lấy hiệu là Nguyệt Anh, còn công chúng đương thời và hậu thế biết đến bà, qua tên gọi Sương Nguyệt Anh. Việc này là bởi, sau khi chồng mất, bà Khuê đã thêm vào trước tên hiệu chữ Sương với ý nghĩa "sương cư thủ tiết" thành Sương Nguyệt Anh. Tuy nhiên, ta vẫn thấy có lúc, có nơi nhầm lẫn khi ghi thành Sương Nguyệt Ánh.
Về sự nhầm lẫn giữa Nguyệt Anh với Nguyệt Ánh, trong tác phẩm Úc viên thi thoại (Đông Hồ, Nam Chi tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1969), Đông Hồ có bài Sương Nguyệt Anh hay Sương Nguyệt Ánh? Hay Nguyệt Anh thị?. Theo đó, Đốc Phủ sứ Tô Ngọc Đường là bạn văn của bà Sương Nguyệt Anh, từng có ghi về bài thơ Linh Sơn nhất thụ mai và bài Hựu bà Nguyệt Anh làm khi thăm Điện Bà Tây Ninh năm 1901: "Những bài thơ này là của bà sương phụ thầy Phó tổng Tính làm ra, bà bút hiệu là Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu". Một số người nhầm lẫn gọi bà là Sương Nguyệt Ánh, theo Đông Hồ thì, có thể do lấy từ một câu trong bài thơ "Vịnh hoa mai trên núi Điện Bà Tây Ninh" của nữ sĩ. Câu đó đọc là: "Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng. Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân". Nhưng dù nhầm lẫn gì, bà vẫn là… Sương Nguyệt Anh.
Dung mạo vị chủ bút
Đã rời xa hậu thế hơn 100 năm, hình dung về bà, còn lưu lại trong những trang viết nơi Điếu cổ hạ kim thi tập. Sách này in ra khi bà còn sống, và hẳn tác giả đã có dịp gặp vị nữ chủ bút nên mới có những dòng miêu tả và nhận định về dung mạo, tính cách của Sương Nguyệt Anh khi ở tuổi chừng 50.
"Hình trạng nho nhã ốm yếu, tính nết điềm đạm hiền lành […] học chữ nho nhiều, năng làm nôm thi chữ, hơi văn chương tao nhã, cả đờn bà trong Nam Kỳ duy cô ấy chữ nho nhiều hơn hết", Điếu cổ hạ kim thi tập ghi. Vẫn sách này, Nguyễn Liên Phong đã làm bài Đường luật ngợi ca bà. Trong đó có câu:
"Gương tỏ đời nay trang tiết phụ,
Lâu dài tiếng tốt tạc non sông".
Vẫn về dung mạo và tính cách của Sương Nguyệt Anh, sách Nữ thi hào Việt Nam đồng quan điểm với Nguyễn Liên Phong khi có đoạn chép: "Bà là một thiếu nữ thông minh, dĩnh ngộ, giỏi cả chữ Hán và thơ Nôm […] Tính bà giản dị, tự nhiên, dù tài giỏi, cũng không bao giờ hiếu danh, kiêu ngạo".
Viết về nữ sĩ nổi tiếng đất Nam Kỳ, Phan Văn Hùm trong bài viết Sương Nguyệt Anh và đạo tam tùng [tòng] đăng trên báo Phụ nữ Tân văn, cho ta biết thêm đôi điều về con người và lối sống thanh cao của bà khi thủ tiết thờ chồng ở tuổi chưa tam thập chứ không đi bước nữa, dù biết bao người muốn gá nghĩa. Trong bài này, có đoạn họ Phan ghi: "Dòng dõi nho gia, thì đạo tam tùng của bà hẳn là gắt gao nghiêm mật. Nàng Kiều Nguyệt Nga vai mang bức tượng thủ tiết với Lục Vân Tiên là chuyện của thân sinh bà đặt ra, bà quên sao cho được lời đình huấn của cụ Đồ Chiểu? […] Đối với mình thì bà nghiêm khắc, mà cùng người thì dường như bà có khoan dung". (... )
TRẦN ĐÌNH BA
==========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ