Cao Thế Dung và cuộc thảm sát TT Ngô Đình Diệm và ô. Ngô Đình Nhu

Giáo sư, Nhà báo biên khảo Cao Thế Dung qua đời ở tuổi 85, ngày  31 tháng  10 năm 2017 (nhằm ngày 12 tháng 9 năm Đinh Dậu, âm lịch)  tại Silver Spring, Maryland, sát Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Phạm Trần

Ngoài những sách và bài viết ký tên thật, ông còn sử dụng bút hiệu Cao Vị Hoàng, Cao Đan Hồ và Hà Nhân Văn.  Trước năm 1969 ở miền Nam, người ta biết ông nhiều trong lãnh vực giáo dục vì ông từng là giáo chức lâu năm của hệ thống giáo dục Lasan Taberd Sài Gòn.

Tiểu sử phổ biến cũng cho biết ông đã giữ các chức Phụ Tá Viện Trưởng Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn; nguyên Phó Khoa Trường Đại Học Bách Khoa Nông Nghiệp Viện Đại Học Hòa Hảo.

Chức vụ sau cùng trong chính quyền VNCH của Nhà giáo Cao Thế Dung là Tổng Quản Trị Hiệp Hội Nông Dân Trung Ương thuộc Bộ Canh Nông VNCH.

Về văn nghệ và báo chí: 1959 Giáo Sư Dung cùng với Nhà Văn Thế Phong thành lập nhóm Đại Nam Văn Hiến. Từ 1966, ông trở thành một trong mấy cây viết trụ cột của nhật báo Chính Luận. Cùng với Nhà Thơ Nguyên Sa, phụ trách mục ‘’Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ’’ trên báo Sống của Nhà Văn Chu Tử. Chủ bút tạp chí tranh đấu Quần Chúng (SG 1968-1970), Thư Ký tòa soạn tạp chí Giáo Dục (Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn 1970-1972), Chủ Nhiệm, Chủ Bút tạp chí Hành Trình (Hoa Kỳ 1978-1979)

Sau các chức vụ và việc này, Cao Thế Dung,  còn là người hoạt động chính trị có quan hệ với Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Phật giáo Hòa Hảo trước 1975. Hoạt động chính trị nổi bật nhất của ông vào thập niên 80 ở Mỹ có quan hệ với Mặt trận kháng chiến Hòang Cơ Minh. Nhưng về sau, ông và một số người chủ chốt của Mặt trận có những bất đồng nên họat động chính trị của nhà giáo Cao Thế Dung cũng đứt đọan. Ông Dung đã tiết lộ những quan hệ của  ông với Tổ chức này và người cầm đầu, Phó Đề đốc Hòang Cơ Minh trong  Hồi ký chính trị “Mặt Trận”, do Đa Nguyên xuất bản năm 1992 ở Mỹ.

Nội dung của nhiều chuyện ông kể trong Mặt Trận khó kiểm chứng vì  nhiều nhân chứng đã qua đời. Chỉ có chuyện rõ nhất là từ sau cuốn Mặt Trận, nhà giáo Cao Thế Dung đã tập trung vào biên khảo lịch sử pha trộn các vấn đề  thời sự.

CAO THẾ DUNG VÀ BIẾN CỐ 1963

Vì vậy, mỗi khi nhắc đến tên ông, phần đông người Việt trong và ngoài nước của “thế hệ đã sống trong chiến tranh” chỉ nhớ Tác phẩm đã làm ông nổi tiếng ra đời ở thập niên 1970, đó là tập Bút ký lịch sử mang tên: “Làm Thế nào Để giết một Tổng thống” .

Nội dung Tập Bút ký này tập trung, nói về cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963 của nhóm tướng lãnh do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu, được Chính quyên Mỹ John  Kennedy bật đèn xanh và chi tiết cuộc hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và em ruột ông, Cố vấn Ngô Đình Nhu vào ngày 2/11/1963, theo lệnh của tướng Minh.

Theo tài liệu  phổ biến công khai chưa bao giờ bị phủ nhận bởi phe đảo chính thì kẻ hạ sát hai anh em Tổng thống Diệm là: ”Đại úy Nguyễn Văn Nhung giết bằng lưỡi lê và súng lục trong chiếc xe bọc thép M-113, theo lệnh của tướng Dương Văn Minh, khi chiếc xe đang trên đường tới Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa..” (Bách Khoa toàn thư mở)

Bút ký “Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống” xuất hiện lần đầu trên Nhật báo Hòa Bình của Linh mục Trần Du, ghi tên 2 Tác gỉa là Cao Vị Hoàng và Lương Khải Minh.

Tuy nhiên trong bài viết có tên “Biến cố 1 tháng 11, 1963: xét lại nguyên nhân và hậu quả” phổ biến  trên báo điện tử “Nghiên cứu Lịch sử” năm 2015 của Tác giả Nhà báo Đinh Từ Thức thì người mang bút hiệu Lương Khải Minh, từng được coi là chính Bác sỹ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và xã hội Phủ tổng thống, Đệ I VNCH, 1956-1963, đã không viết một chữ nào trong sách này.

Nguyên do có hiểu nhầm vì ở Sài Gòn vào thời đó, không ai nghĩ Tác gỉa Cao Vị Hòang (Cao Thế Dung) có thể biết nhiều chuyện thâm cung bí sử như thế.  Sự hiểu sai này còn xẩy ra ở Mỹ.

Theo Tác gỉa Đinh Từ Thức thì trong cuốn “A Death in November (ADIN)” xuất bản năm 1987, nói về cuộc đảo chánh năm 1963, trong phần chú thích, Tác giả bà Ellen J. Hammer cho biết bà đã căn cứ bài viết của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, trên báo Hòa Bình, ngày 8 tháng 8, năm 1970 để nói về một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống John F. Kennedy bất bình với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Nhà báo Đinh Từ Thức viết: ”Là Tổng Thư Ký tòa soạn báo Hòa Bình vào thời gian này, tôi biết về nguồn thông tin của bà Hammer. Bài báo bà cho là Bác Sĩ Tuyến viết, là loạt bài được mệnh danh “bút ký lịch sử” kéo dài nhiều tháng, mang tựa đề “Làm thế nào để giết một tổng thống,” sau khi chấm dứt, đã được xuất bản thành sách ở Sài Gòn. Tôi là người đặt tựa cho loạt ký sự này. Khi bắt đầu đăng báo, Bộ Thông Tin không chịu, yêu cầu đục bỏ, một phần sợ gây “sốc” trong dư luận, phần khác do áp lực từ các tướng chủ chốt trong cuộc đảo chánh, sau khi bị Nguyễn Khánh cho đi an trí một thời gian, đã trở lại là những nhân vật có thế lực, như Nghị Sĩ Quốc Hội.”

Ông Thức viết tiếp: ”Lúc ấy chế độ kiểm duyệt báo chí mới chấm dứt theo Luật 019/69, do Quốc Hội thông qua, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành ngày 30 tháng 12, 1969. Theo luật này, báo có quyền chỉ trích chính phủ, không bị kiểm duyệt, và chỉ có thể bị tịch thu theo lệnh của tòa án. Dựa vào luật mới, tòa soạn nhất quyết giữ y nguyên cả tên lẫn nội dung ký sự, không chịu đục bỏ hay thay đổi, với lập trường là nếu Bộ Thông Tin thấy nhà báo phạm luật, cứ việc truy tố ra toà. Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba liên tiếp, Bộ Thông Tin vẫn yêu cầu đục bỏ. Từ ngày thứ tư, Bộ để yên.”

Theo Nhà báo Đinh Từ Thức thì: ”Tác giả ký sự là hai bút hiệu: Cao Vị Hoàng và Lương Khải Minh. Tuy hai bút hiệu, thực ra chỉ có một người viết, trong khi dư luận, kể cả bà Hammer, nghĩ rằng Lương Khải Minh là bút hiệu của Bác Sĩ Tuyến, nguyên giám đốc sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng Thống; ngôn ngữ bình dân gọi là “Trùm mật vụ”. Ông Tuyến không viết chữ nào trong ký sự này, nhưng có giúp một cách gián tiếp.

Với uy tín thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông đã giới thiệu để người mang bút hiệu Cao Vị Hoàng có thể tới phỏng vấn các nhân vật quan trọng của chế độ cũ. Lời kể của họ về anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Đệ Nhất Cộng Hòa được ghi lại là chất liệu cho nội dung ký sự, không được kiểm chứng về độ chính xác, nên khó có thể coi như sự thật lịch sử. Có thể nói Lương Khải Minh chỉ là “bút hiệu danh dự” dành cho ông Tuyến, cũng như chiếc ghế trống trong buổi lễ phát giải Nobel Hòa Bình năm 2010, được gọi là chiếc ghế của ông Lưu Hiểu Ba, nhưng ông này chưa bao giờ ngồi ở đó.”

Sau khi xuất bản, cuốn Làm Thế nào Để giết một Tổng thống (LTNĐGMTT)  bán chạy như tôm tuơi và được tái bản đến 6 lần, 3 lần ở miền Nam và 3 lần ở nước ngoài.

HẠ SÁT TT DIỆM VÀ Ô NHU

Phần quan trọng nhất của LTNĐGMTT đã  nói về cuộc hạ sát anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và em ruột, Cố vấn Ngô Đình Nhu được viết như sau:

Theo ký giả Robert Shaplen (tác giả cuốn The Lost Revolution) thì có một luận cứ tin được đó là Nhung (Đại úy Nguyễn Văn Nhung) đã ra tay hạ sát theo lệnh của Tướng Dương Văn Minh. Song rõ rệt nhất là những viên đạn đó được chế tạo tại Hoa Kỳ. Nếu Đại Úy Nhung cầm súng nảy cò thì ông ta cũng là ngƣời thi hành lệnh Thượng cấp. Một Đại Úy như Nhung dù là Sĩ Quan Tùy Viên của Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ông ta cũng chưa thể ‘’điên’’ đến mức độ tự mình bắn anh em Tổng Thống Diệm. Điều này thật giản dị và rõ rệt. Và những viên đạn này chỉ là kết quả của một âm mưu đã được sửa soạn từ tháng 5.1963 và tiến hành vừa tinh tế, vừa có nghệ thuật, thứ nghệ thuật đảo chánh mà Đại Sứ Cabot Lodge rất am tường. Những viên đạn kết liễu đời anh em Ông Diệm và chế độ của ông không phải chỉ là những viên đạn đồng đơn giản mang dấu hiệu USA, mà những viên đạn đã được đúc rất công phu từ những trục John Kennedy-Cabot Lodge, Cabot Lodge-Hilsman, CIA Smith-Cabot Lodge và cuối cùng Cabot Lodge đại diện cho những trục này để giao tiếp với một số trục bản xứ có thể mô tả: Cabot Lodge-Tướng (Trần Thiện) Khiêm qua trung gian Harkins và Tướng (Trần Văn) Đôn-Harkins và Tướng (Lê Văn) Kim, (Mai Hữu) Xuân, (Dương Văn) Minh-Cabot Lodge qua trung gian Smith…)

LTNĐGMTT kể tiếp: ”Cuộc đảo chánh đựợc châm ngòi phải kể đến cái ngòi thứ nhất Đôn-Harkins. Vì Tướng Đôn với tư cách Tổng Tham Mƣu Trưởng nên ông có dịp giao tiếp hàng ngày với các Tướng Tá Mỹ. Một số Tướng Tá này trở thành trung gian giữa Cabot Lodge-Đôn và một số Tướng lãnh khác. Đại Sứ Cabot Lodge và những ngƣời Hoa Kỳ có hay biết gì trước giải pháp ‘’nhổ cỏ tận gốc’’ không? Sự thực, từ khi tiếng súng đảo chánh bùng nổ, Đại Sứ Lodge đã túc trực tại văn phòng của ông, và theo dõi thường xuyên tin tức ‘’cách mạng’’. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và các cơ sở liên hệ nhóm USAID sẽ mở rộng cửa để đón tiếp các phần tử thuộc phe đảo chánh khi sự mưu đồ bất thành.”

Theo LTNĐGMTT thì: ”Khi xác của hai anh em Tổng Thống Diệm nằm chơ vơ dưới sân thì các Tứơng trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng bắt đầu ngồi vào thảo luận. Theo Tướng Đỗ Mậu, không khí lúc ban đầu thật nặng nề, khó thở, nhiều ông Tướng chỉ cúi đầu không nói một lời. Tướng Mậu mô tả: “Tôi theo Tổng Thống Diệm từ năm 18 tuổi bao nhiêu tình cảm sâu xa giữa tình thày trò… Thấy xác hai ông tôi không còn khóc được, đau quá, đau đến cùng độ’’. Vấn đề cấp thiết lúc ấy làm thế nào biện minh về cái chết của hai anh em Tổng Thống Diệm đối với Ngoại Giao Đoàn, dư luận, quốc tế và quốc nội. Có lẽ Tướng Dương Văn Minh cho đến lúc đó mới nghĩ đến những hậu quả mà ông không lường trước. Riêng Tướng Kim là người hiểu rõ uy tín của anh em Ông Diệm trong giới Ngoại Giao Đoàn nhất là Tòa Khâm Sứ và Đại Sứ Anh dù cách nào Đại Sứ Lodge cũng phải kiêng nể. Tướng Khiêm cũng như Tướng Kim là người đã lượng tính trước về uy tín ảnh hưởng của Tổng Thống Diệm trong số 2 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo. Từ những lượng tính về hậu quả qua nhiều phía do cái chết này sẽ tạo ra và có thể lật ngược thế cờ hay nếu không thì Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn lớn lao. Do đó Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng hội họp trong một không khí giao động, bế tắc, đến lúc này mấy Tướng ‘’chủ động’’ trong việc ‘’thanh toán nhanh, thanh toán lẹ’’ mới ngỡ ngàng không thể hiểu nổi giết một vị Tổng Thống lại gặp nhiều lôi thôi, rắc rối đến như thế.”

Tập Bút ký lịch sử LTNĐGMTT kể tiếp: ”Ngay sau khi đươc tin anh em Tổng Thống Diệm bị thảm sát, Tòa Đại Sứ Pháp có thông cáo ngay cho Khâm Sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn (vị Khâm Sứ lúc ấy là Niên Trưởng Ngoại Giao Đoàn). Một viên chức cao cấp của Tòa Khâm Sứ đã điện thoại hỏi Đại Sứ Cabot Lodge. Không gặp ông. Viên Tham Vụ trả lời rằng Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cho biết anh em Tổng Thống Diệm đã tự sát. Viên chức Tòa Khâm Sứ phủ nhận ngay nguồn tin ấy vì đối với người Công Giáo đều không được phép tự sát. Vì đó là trọng tội đối với Thượng Đế và sẽ mất hết mọi ân phước. Một ngƣời Công Giáo như Ông Diệm thì chuyện này không thể xảy ra. Một lát sau, viên Tham Vụ này gọi điện thoại cho Tòa Khâm Sứ báo tin rằng ông Đại Sứ Lodge cho anh biết anh em Tổng Thống Diệm đã chết như trường hợp ngộ nạn. Một Đại Úy vô kỷ luật đã bắn anh em ông. Sau đó Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ra thông cáo rằng anh em Tổng Thống Diệm đã tự sát.”

Báo cáo của Quân đội khi ấy báo cáo hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu chết ngày 1.11.1963 lúc 11 giờ 15 và  an táng 8.11.1963 lúc 21 giờ.

Nhưng lịch sử không dừng ở đây, theo LTNĐGMTT thì:”Ba tháng sau khi anh em Tổng Thống Diệm qua đời, Tướng Nguyễn Khánh lại làm đảo chánh và mệnh danh là ‘’chỉnh lý’’ vào ngày 30.1.1964 và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ra quyết định chấm dứt nhiệm vụ của Ban Chấp Hành Hội Đồng thành lập ngày 1.11.1963. Tướng Nguyễn Khánh ra thông cáo giải thích lý do của cuộc chỉnh lý là vì “Từ 3 tháng nay, tình hình suy sụp về mọi mặt, chính quyền tỏ ra bất lực và phản cách mạng, một số người chạy theo thực dân và cộng sản do đó một lần nữa Quân Đội phải đứng lên can thiệp.’’

Các Tướng Kim, Xuân, Đôn, Đính bị giam giữ. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ bị bắt đem vào Bộ Tổng Tham Mưu và do chỉ thị của Thiếu Tướng Dương Văn Đức, Đại úy Chi Khu rút dây lưng ra trói tay ông lại và dẫn đi ở sân cờ Bộ Tổng Tham Mưu. Thật là  “bức tranh vân cẩu vẽ người lao đao’’. Sau đó, ông Thơ được phóng thích và xin từ chức cùng với toàn thể Nội Các của ông.”

Tình hình bất ổn chính trị và quân sự ở miền Nam vào thời gian này đã mở đường cho quân Cộng sản miền bắc ồ ạt xâm nhập miền Nam. Vì vậy, cuộc xung đột nội bộ và chia rẽ trong dân ngày càng lan rộng đã khiến tướng Khánh phải có hành động.

Và theo LTNĐGMTT thì: ”Ngày 17.2.1964, Sĩ quan Báo Chí Bộ Quốc Phòng chính thức tiết lộ: ‘’Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung Sĩ Quan Tổng Quát và Tùy Viên của Trung Tướng Dương Văn Minh bị bắt giữ hồi đêm 30.1 và giam tại Lữ Đoàn Nhảy Dù trại Hoàng Hoa Thám. Ông Nhung tự vận bằng dây giầy’’ Ông Nhung chết năm 39 tuổi. Ông được vinh thăng Thiếu Tá sau ngày đảo chánh 1.11.1963 và cho đến nay vẫn được coi là ‘’tác giả’’ bắn vào đầu và đâm vào lưng anh em Tổng Thống Diệm”.

Ngoài Tác phẩm nổi tiếng này, Nhà báo Cao Thế Dung, một tín đồ Công giáo,  còn để lại cuốn biên khảo công phu “Công Giáo Trong Giòng Sinh Mệnh Dân Tộc”, do Dân Chúa xuất bản ở Hoa Kỳ.

Không biết tại sao một sự trùng hợp lịch sử kỳ lạ đã đánh dấu ngày ra đi của Cao Vị Hoàng (Cao Thế Dung), Tác gỉa Bút ký lịch sử “Làm thế nào Để giết Một Tổng thống”. Vì  ngày anh từ gĩa cõi đời 31/10/2017, lại là ngày 1/11/2017 giờ Việt Nam, đúng 54 năm sau ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ. -/-

Tiễn biệt Cao Thế Dung, bạn tôi.

Phạm Trần

( 11/017 )

https://baotgm.net/cao-the-dung-va-cuoc-tham-sat-tt-ngo-dinh-diem-va-o-ngo-dinh-nhu/