bài đáng đọc: ' Bức tranh thiếu nữ bên cửa sổ miền đồi núi ' của Đinh Cường [ 1939 - 2016 ] "/ Đinh Trường Chinh / Mỹ -- trích : http://www.phamcaohoang.co...
THURSDAY, JANUARY 5, 2023
2740. ĐINH TRƯỜNG CHINH Bức tranh thiếu nữ cuối cùng của Đinh Cường
Đây là bức tranh thiếu nữ cuối cùng của Đinh Cường (ĐC) . "Thiếu nữ bên cửa sổ miền đồi núi". (1) Bức tranh thực hiện tháng 10, 2014 . Sau đó ĐC chỉ sáng tác thêm dăm tác phẩm nữa . Tất cả đều là trừu tượng, đề tài Phật, Thiền, hoặc phố . Có vài bức vẫn chưa xong hẳn ...
Riêng bức "Thiếu nữ bên cửa sổ miền đồi núi" thì đã hoàn chỉnh . Nó ra đời từ một tấm bố trắng . Từ những buổi chiều . mưa, nắng . những ngày bắt đầu thấm mệt .
Chắc chắn đây không phải là bức tranh thiếu nữ xuất sắc của ĐC trong hàng ngàn những bức tranh thiếu nữ khác . Nhưng nó như một sự trở về . ĐC thấy cần về . Thăm . Vỗ về. như vỗ về cơn đau thân thể mình . Vỗ về ký ức rạng vỡ của bao nhiêu năm chiến tranh và lưu lạc . Cái tìm về cuối cùng vẫn là thiên nhiên, là cái đẹp mong manh sương khói, những ân tình cũ ...
Bức thiếu nữ này khép lại một mảng tranh đã làm nên dấu ấn ông một thời : tranh thiếu-nữ-đinh-cường. Bức tranh cuối về đề tài này , ông đã vẽ trong căn bệnh . Nhưng nó vẫn toát lên tròn đầy con người ĐC : thơ mộng, lãng mạn, thiết tha, ân cần ...với cái đẹp . Sạch sẽ, thanh thoát và kiêu sa. Như thế giới tranh ĐC làm ra , cho dù ở giai đoạn nào của cuộc đời . Hãy sống nhận thức rằng : rồi mọi thứ sẽ đi qua, chiến tranh, lưu vong, nỗi đau ... cái đọng lại cuối cùng là những gì đẹp đẽ , tinh khiết, cho dù nó không thấy được bằng mắt như hoàng tử bé đã nhắn .
Nên càng về cuối đời, Bố tôi nhắc nhiều về một đoạn đời thơ mộng sống ở Đà Lạt, Đơn Dương...nơi ông và TCS có những ngày chia nhau căn gác, mở cửa đụng mây, một giai đoạn sống gần như trọn cho cái đẹp của nghệ thuật, được nuôi nấng trong cái đẹp của thiên nhiên của đồi núi, cỏ hoa .
Dĩ nhiên là ĐC vẽ nhiều thể loại (2). Khi vẽ trừu tượng , ông cũng rất quyết liệt . Trong minh hoạ, ĐC rất phá cách . Khi vẽ phố, ĐC có những nét rất mạnh, thô nhám . Nhưng khi trở về với không khí lãng mạn thiếu nữ, ĐC tràn ra cái thơ mộng, thanh nhã, và như có lộ ra chút yếu đuối của tâm hồn . Có lẽ vì tạng mỗi người sáng tác như thế . Và Bố tôi cũng thế : nhẹ nhàng, bặt thiệp, và ..dễ mềm lòng .
Trong bài viết của Nam Dao về TCS, Nam Dao nhắc :
"Có cậu Đinh Cường. Sơn có lẽ yêu nhất cậu. Có một lần Sơn chép miệng ...Nó tròn quá, đầy quá. Chứ nó góc cạnh một chút thôi thì nó là grand maitre đấy!" (3)
Đúng vậy . Cái gì quá thơ mộng, tròn đầy thì nó lại bị "kẹt" trong cái đẹp ấy , trong cái mỹ cảm dẫu xưa cũ ấy. Như thơ của Joseph Huỳnh Văn , tranh ĐC, nhạc TCS ... Nó là thơ , và mãi mãi là thơ . Chúng đứng ở ngoài thể loại . Và luôn chạm đến , rơi sâu vào tâm hồn người ở một thời điểm nhất định nào đó .
"...Như giấc mơ vội vàng tảng sáng
đẹp muộn màng
Ôi những người kiêu hãnh chẳng ngày mai
đẹp tàn phai
vì lòng hoài cách mạng
...
Sẽ gần nhau trong khôn xiết biệt ly"
(thơ Joseph Huỳnh Văn)
Gần nhau trong ly biệt ? chúng ta mãi vẫn là những người đi một mình suốt đời . Nhưng lại bị ràng buộc nhau vì tình yêu cho cái đẹp. Khi ý thức được điều đó thì sẽ không có sự cô đơn. Cái đẹp của cuộc đời ở mọi nơi, mọi lúc , và nó sẽ hiện ra trên đường đi, chứ không ở đích đến .
-
đtc
(1) https://www.tienve.org/home/visualarts/viewVisualArts.do?action=viewArtwork&artworkId=18279
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 13:20 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ