Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

bài đáng đọc : " ELENA PUCILLO TRUONG - từ sông P O dến sông CÔN "/ Ban Mai [ i.e. nguyễn Thị Thanh Thuý 1962- Quy Nhơn -- trích: www.vanchuongviet.org>

 


         
              Elena Pucillo Truong
       – từ sông PO đến sông CÔN


                                             Ban Mai

 

 

Elena Pucillo Truong sinh ở Napoli thuộc miền Nam nước Ý, nhưng từ 3 tuổi chị cùng gia đình chuyển sang sống ở thành phố Milano thuộc miền Bắc nước Ý và học đại học tại đây.

 

Milano là thành phố chính của miền Bắc nước Ý, một trong những đô thị phát triển nhất Châu Âu, trung tâm kinh tế, tài chính, thời trang, văn hóa và bóng đá nổi tiếng thế giới, với nhiều người nước ngoài sinh sống, nó được mệnh danh là thành phố quốc tế.

 

Nền văn hóa của Milano phát triển trong nhiều thế kỷ, in dấu nhiều nền văn hóa khác nhau như Ý+, Pháp, Áo, Đức, Tây Ban Nha qua sự hiện diện cuả nhiều cộng đồng người trong thành phố.


Sống và lớn lên ở nơi này nên chị được thừa hưởng một nền văn hóa đa dạng với một tâm hồn rộng mở.

 

Elena Pucillo Truong tốt nghiệp Tiến sĩ Văn học và ngoại văn, chuyên về ngôn ngữ và văn minh Pháp (Đại học Milano Italia). Chị dạy Pháp Văn và Văn Minh Pháp tại Milano từ năm 1982 và gần đây dạy tiếng Ý tại Nhạc Viện và phòng lãnh sự danh dự Ý tại Tp.HCM.


 Chị đã tổ chức nhiều hội thảo về Việt Nam với các đề tài “Vai trò phụ nữ và tầm quan trọng của họ trong gia đình Việt Nam”; “ Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống” ...


Đã viết và cộng tác với các báo Raccontare il viaggio (Ý), Mekong ( tạp san của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Torino, Ý), báo Bình Định, tạp chí Quán Văn ở Việt Nam.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

 

1. Bóng của ngày (Tập truyện ngắn, tản văn in chung với Từ Sâm) Nxb Hội Nhà văn 2012.


2. Một phút tự do (tập truyện, tùy bút, Nxb Văn hóa Văn Nghệ, 2014) đoạt giải Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh năm 2015


3. Vàng trên biển đá đen ( tập truyện, tản văn) Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh/  năm 2018

 

Elena Pucillo Truong là một nhà văn người Ý nhưng hầu như các chủ đề của chị viết xoay quanh thân phận con người và xã hội Việt Nam. Chắc chắn người bạn đời của chị anh Trương Văn Dân đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn chị, từ ngày theo chồng về Việt Nam chị đã trở thành cô dâu Việt với một tâm hồn thuần Việt Nam.

 

Bắt đầu viết văn muộn, nhưng chị viết đều tay, chỉ trong vòng 6 năm từ 2012 đến 2018 chị đã in 3 đầu sách, trung bình 2 năm là một tập truyện ngắn, tản văn. Với cái nhìn sâu lắng nắm bắt mọi việc tinh tế một cách bất ngờ.


Những truyện ngắn của chị thường vài trang, cô đọng, hàm súc đi thẳng vào vấn đề, với lối kết mở.


Nội dung thường xoay quanh mối quan hệ gia đình, tình vợ chồng, tình mẹ con, cha con, ca ngợi tình yêu chung thủy của những cặp vợ chồng, hay lên án đạo đức suy đồi của một bộ phận con cái bất hiếu, phản ánh lối sống tha hóa của giới trẻ.

 

Nhân vật của chị thường là những người già, sợ hãi nỗi cô đơn, khi người bạn đời không còn nữa. “Cái chết của chúng mình. Sự chia lìa sẽ bất ngờ là điều không thể tránh khỏi…ước muốn lớn nhất là chúng ta có thể chết cùng một lúc, nhưng dễ gì Chúa ban cho ta ân sủng này!”(Bàn tay trong một bàn tay).


Hay tình cảnh đau đớn của người làm cha, mẹ đến lúc cuối đời con cái hất hủi, cho là gánh nặng, họ tự nguyện tìm đến cái chết cho khỏi gây phiền đến con.


 Người mẹ trong “Con chim nhỏ trong lồng” nhoài người qua khung cửa, rơi tự do trong không khí, trên môi vẫn nở nụ cười. Người cha trong “Chút hơi ấm cuối cùng” chạy thoát ra khỏi căn nhà địa ngục của con khi nghe chúng tranh cãi, uống một nắm thuốc ngủ chết gục bên bìa rừng.

 

Viết về tác phẩm của chị đã có nhiều người viết, với những góc độ khác nhau, ở đây tôi chỉ nêu cảm nhận về con người chị với cái nhìn của một người bạn.

 

Tôi biết chị đã trên 10 năm, lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Elena và Trương Văn Dân tại quán Cà phê Bông Giấy /Sài Gòn, khi hẹn cà phê với chủ biên vanchuongviet Nguyễn Hòa ngày anh chưa ngã bệnh, còn xông xáo cho thế giới văn chương. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là mái tóc bạch kim óng ả với đôi mắt xanh biếc, nụ cười rộng mở và tiếng Việt líu lo chị nói tôi chưa nghe rõ. Bình dị với bộ đồ tông đen, choàng một chiếc khăn quàng mỏng, đó là trang phục yêu thích của chị.


Khi biết anh Trương Văn Dân là người Tây Sơn, cùng quê Bình Định chúng tôi thân nhau từ đó.


Mỗi khi tết đến anh chị từ Sài Gòn về Quy Nhơn ăn Tết là chúng tôi gặp nhau.


Có lẽ rất ít phụ nữ Châu Âu nào lấy chồng Việt lại am tường phong tục tập quán, yêu truyền thống văn hóa Việt và mong muốn được gìn giữ nó như chị.


Là một phụ nữ Tây nhưng chị rất hòa đồng, đơn giản. Chị không ra vẻ như một số người phụ nữ Việt Nam mới ở nước ngoài một thời gian về là chảnh tỏ vẻ “ta là người Tây”.


Chị mộc mạc, nhập gia tùy tục sống như một người con gái Việt, ngày tết cũng lo trang trí bàn thờ gia tiên, tham gia gói bánh tét, bánh chưng, thích những món ăn dân dã từ khoai lang, khoai mì, bắp luộc đến bánh xèo, bánh bèo, nước mắm chị đều ăn được, chị còn thích tự tay cuốn chả ram.


Ăn chua là sở trường của chị từ xoài, cóc, khế chua, me, ổi như những cô bé tuổi ô mai.

 

Như những cô gái Việt khác chị cũng thích chiếc áo dài thướt tha mặc trong những ngày lễ Tết. Cũng vào chùa lạy Phật ngày Vu Lan để nhớ công ơn sinh thành cha mẹ, cũng thắp nhang khấn vái bàn thờ mẹ.


Mẹ biết không? Sau khi mẹ mất, hằng năm vào lễ Vu lan con thường đi đến chùa để thắp nhang và cầu nguyện”, và chị biết phong tục người Việt “Bông hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai còn mẹ và màu trắng cho những ai có mẹ qua đời”.


Chị biết yêu thương mẹ chồng của mình và xem đó là bà mẹ thứ hai.“Ý nghĩ này đến với con thật tự nhiên, vì bà mẹ chồng gầy gò nhưng tính cách rất mạnh mẽ kia luôn quan tâm đến con…Kính mến và yêu thương thật sự, đến nỗi con thường tránh chữ mẹ chồng (vì những ý nghĩa mà thông thường người ta hay đem ra chế diễu); có khi con xem gọi thế là một sự xúc phạm. Mẹ. Là mẹ, thế thôi”. (Thư viết cho mẹ)


Tôi tin rằng, chính người mẹ chồng nhân hậu, yêu thương chị thật lòng và cách hành xử đẹp của bà khi đem di ảnh mẹ của chị đặt lên bàn thờ gia đình và gửi ảnh ở các chùa để các sư thầy tụng kinh cầu nguyện khi mẹ chị mất, đã làm chị xúc động và ảnh hưởng tâm hồn chị rất lớn. Chính cái duyên chị về làm dâu gia đình anh, một gia đình Á Đông còn lưu giữ nếp nhà, gìn giữ những điều tốt đẹp của người Việt đã hun đúc nên tâm hồn Việt nơi chị.

 

Trong những năm qua, chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm cùng nhau khi đi dự triễn lãm phòng tranh anh Đinh Cường ở Đà Lạt, ở Huế, du lịch Vũng Tàu, rong ruỗi từ Nam ra Bắc, lên tây nguyên trên con đường cái quan từ Tuy Hòa đi Pleku qua Kon Tum, Daklak, rồi bay ra Hà Nội, đi Kinh Bắc, lên Mai Châu, Hòa Bình rồi về Huế, Đà Nẵng, Hội An.


Ở nơi đâu, tôi cũng thấy tình yêu trong mắt anh chị, hạnh phúc trong từng nụ cười, câu nói. Tôi thích sự đùa vui tự nhiên và lãng mạn của chị với chồng mình, không như người Á Đông khép kín, chị sẵn sàng ôm hôn anh, tình tứ làm nũng trước đám đông.

 

Anh chị cùng viết văn cùng một niềm đam mê, cùng một cách nhìn cuộc sống vì vậy họ thấu hiểu nhau. Chính vì vậy anh Trương Văn Dân mới có thể chuyển ngữ những sáng tác bằng tiếng Ý của chị sang tiếng Việt mượt mà và sâu lắng đến vậy. Tác phẩm của chị đồng thời cũng là của anh, vì dịch đồng nghĩa với sáng tác.


Đó là một hạnh phúc không phải cuộc đời này ai cũng may mắn tìm được người tri kỷ, tri âm.

 

Từ Đông sang Tây, từ dòng sông PO mềm mại, chảy qua những ngôi nhà đầy sắc màu rực rỡ nước Ý, với màu hồng tím của những ô cửa sổ đầy hoa đến dòng sông Côn êm đềm chảy trên đất Bình Định hai bên bờ sông đồng lúa xanh biếc sau những ngôi nhà mái ngói, ruộng cải nở hoa vàng óng là một kết nối kỳ diệu cho sự thăng hoa nghệ thuật của anh chị Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong.


Chính yêu thương đã kết nối yêu thương.


 

Quy Nhơn, 31/8/2018

 

Ban Mai




============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ