Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

đọc thêm (3) : " một vài kỷ niệm với nhà văn Lý Văn Sâm [ 1921- 2000 ] / Đàm Chu Văn / Biên Hoà -- trí ch: vanhocsaigon.

 

Một vài kỷ niệm với nhà văn Lý Văn Sâm

Năm 2022 là tròn 100 năm ngày sinh nhà văn Lý Văn Sâm (1922-2022) – Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, nhà văn lớn của Đồng Nai – Nam Bộ, người xây dựng nên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Đàm Chu Văn, người đã được làm việc với nhà văn  Lý Văn Sâm từ những năm đầu thành lập Hội VHNT Đồng Nai.

Nhà văn Lý Văn Sâm. Ký họa của họa sĩ Võ Tùng Niên.

Quán cà phê có giàn hoa bìm tím


Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, nhà văn Lý Văn Sâm công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Phó Tổng thư ký Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2, khóa 3. Năm 1979, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ông được biệt phái về Đồng Nai, tham gia tổ chức thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (gọi tắt là Hội Văn Nghệ Đồng Nai), và được bầu là Chủ tịch đầu tiên của Hội. Trước đó, ông còn được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa VI trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Về làm Chủ tịch Hội Văn Nghệ Đồng Nai, nhưng ông vẫn hưởng lương ở Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi tuần ông về Đồng Nai một vài ngày hội họp và giải quyết những công việc liên quan, còn những công việc khác do hai nhà văn Hoàng Văn Bổn và Hoàng Kim Chung đảm nhiệm.

Mỗi lần về Đồng Nai, nhà văn Lý Văn Sâm được bố trí nghỉ tại Nhà khách Tỉnh ủy (thường gọi là Khách sạn 71 theo số nhà). Nhà khách Tỉnh ủy hồi ấy còn đơn sơ nhưng ngoài mấy khách sạn của Công ty Du lịch Đồng Nai, thì Nhà khách Tỉnh ủy là nơi nghỉ có chất lượng phục vụ khá nhất tại thành phố Biên Hòa lúc bấy giờ. Những buổi sớm, buổi tối vãn việc, nhà văn Lý Văn Sâm thường lang thang ngồi cà phê. Lúc bấy giờ ở ngã ba (bây giờ là ngã tư)  giao nhau giữa đường Võ Thị Sáu và Quốc lộ 1 (đoạn này sau đổi là Hà Huy Giáp) có một quán cà phê tranh tre mái lá, trên mái nở đầy hoa bìm tím rất đẹp. Nhà văn Lý Văn Sâm thường bách bộ từ Nhà khách 71 ra đó. Quán như một lều cỏ, hai ba chiếc bàn nhỏ, bước vào phải cúi nếu khổ người hơi cao. Cà phê cũng có hai loại: cà phê vợt và cà phê phin. Khách muốn uống nhanh thì có cà phê vợt. Khách có thời gian ngồi thong thả thì uống cà phê pha phin. Cà phê vợt là cho bột cà phê vào một cái túi vải đun lên sôi sùng sục chừng vài phút cho tinh chất cà phê tan ra hết, bỏ bã. Khách gọi chỉ cần múc ra ly, có lọ đường, khuấy chút uống ngay. Cà phê phin thì nha nhẩn theo từng giọt cà phê rơi.

Thỉnh thoảng chúng tôi được ngồi hầu chuyện cùng ông ở ngôi quán nhỏ này. Ông kể, hồi nhỏ hay theo cha những chuyến công tác đường rừng (cha ông là viên chức kiểm lâm tỉnh Biên Hòa thời Pháp thuộc). Những chuyến đi thường rất sớm, dọc đường rừng rất lạnh. Cà phê là thứ để chống buồn ngủ và cho ấm bụng. Khách đường rừng có nhu cầu uống ngay, uống nhanh. Nhiều người kêu pha ra đĩa, nâng đĩa lên hút “soạt” một cái, chùi mép và rảo bước. Cậu bé Sâm thường uống cà phê cùng cha những cữ như vậy, lâu thành nghiền, sau này ngày phải hai, ba cữ, có thể uống bất cứ lúc nào. Theo cách gọi ngày nay thì đó là thứ fast coffee – cà phê nhanh (như fast food vậy). Fast Coffee còn theo ông những năm tháng hoạt động báo chí trong lòng địch. Khi nhiều bài viết của ông gây tiếng vang trong dư luận, đả kích chính quyền thực dân cướp nước, chính quyền gia đình trị Diệm – Nhu tay sai của quan thầy Mỹ, mật vụ địch săn lùng ông khắp nơi. Ông phải liên tục thay đổi chỗ ở và đã quá quen với cảnh sống vội vàng tạm bợ như vậy, sống để chiến đấu. Nhưng có một thứ hồi đó rèn mãi mà khó quen đó là nghiền cà phê hạng nặng cỡ ông bà cố. Thế là rình lúc mật vụ địch xao nhãng, từ trên căn gác bí mật hoặc hẻm phố nào đó, ông nhào tới, hối chủ quán pha vội vàng cà phê ra đĩa và “soạt” một hớp rồi biến vội không dấu vết, chủ quán còn ngơ ngác. Lâu riết thành “nghề”. Trong cuộc phá khám Tân Hiệp cùng gần 500 đồng chí, đồng đội thoát khỏi ngục tù ra hoạt động cách mạng, có lẽ cũng nhờ tác phong fast coffee này mà ông chạy kịp với đoàn người (!)

Người phụ nữ trẻ thoáng gặp ở Quảng trường Sông Phố

Về gia đình riêng của nhà văn Lý Văn Sâm, chúng tôi được  biết ông có người vợ đầu tiên ở Biên Hòa, sau ông đi hoạt động cách mạng, hai người phải chia tay. Vào chiến khu, nhiều năm sau, ông xây dựng  gia đình với một cô y tá trong cơ quan (là thím Hai Lý sau này). Trong Tuyển tập thơ Miền Nam kháng chiến chống Mỹ, Nhà xuất bản Giải phóng xuất bản năm 1975 có bài thơ Đám cưới giữa mùa xuân của nhà thơ Viễn Phương viết năm 1965. Sau này chúng tôi mới biết đó chính là bài thơ viết tặng nhà văn Lý Văn Sâm:

Nhớ lắm em ơi, nhớ lắm những ngày

Sống ở hầm, ăn cơm vắt, uống nước chai

Nén căm thù trong lòng đất lạnh

 

Mỗi tối đem cơm mắt em lóng lánh

Từ yêu nhau chỉ gặp mặt dưới sao trời

 

Hai đứa mình đã hóa thành chiến sĩ

Ta không trốn bất công, ta đi làm công lý

Anh vác súng công đồn ngày đồng khởi quê hương

Trở lại tìm em, em đã lên đường…

Đã bốn năm rồi, thời gian mau quá

Ta lớn mạnh như rừng cây, núi đá

Quân ta đi rung chuyển Ngũ giác đài

Ta có ba phần đất nước trong tay

Bát ngát mênh mông quê hương giải phóng

Đêm nay giao thừa

Đường Sài Gòn chưa khô vết máu

Chẳng có mùa xuân dưới gót quân cường bạo

Nhưng niềm vui vẫn rộn rã đô thành

 

…Khi thành phố đấu tranh, anh vững vàng tay súng

Quyết đến giữa Sài Gòn hát bài ca giải phóng

Cắm ngọn cờ trên đô thị vinh quang

Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh sao vàng

 

…Tiếng súng vừa im cử hành lễ cưới

Giữa mùa xuân chiến thắng của quê mình

Có đôi bồ câu trắng vượt trời xanh…

(Đám cưới giữa mùa xuân- Viễn Phương)

“Thím Hai Lý” đã sinh cho ông hai cậu con trai khôi ngô. Còn người vợ đầu, nghe nói có một người con gái.

Một bữa khoảng xế chiều, đang đi cùng ông từ thành phố Hồ Chí Minh về, xe chạy qua chợ Biên Hòa đang chầm chậm ôm cua Quảng trường Sông Phố, thấy có một phụ nữ trẻ dáng người lầm lụi dừng chiếc xe đạp cà tàng bên lề đường. Nhà văn Lý Văn Sâm ra hiệu cho lái xe dừng lại tấp sát lề. Ông mở cửa bước ra. Thấy ông, cô gái thốt lên: Ba! Ông mỉm cười hiền hậu, đưa tay đập nhẹ vào vai cô gái và mở bóp dúi vào tay cô ít tiền. Vào trong xe, ông nói với chúng tôi, cô này sinh ra trong thời gian ông thoát ly gia đình đi kháng chiến, nhưng sau này ông vẫn để cho cô nhận là ba. Từ thành phố Hồ Chí Minh về, bao giờ ông cũng kêu lái xe tấp vào một quầy bánh mì ngon mua vài ổ đưa lái xe đem về cho vợ con. Những năm đó (1986, 1987) đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, lương chúng tôi sống độc thân đã rất vất vả. Nhà văn Lý Văn Sâm tuy lương cao hơn nhưng sống ở thành phố Hồ Chí Minh giá cả đắt đỏ, nuôi thêm hai cậu con trai đang tuổi lớn lại càng khó dữ. Qua cử chỉ trên mới thấy tấm lòng của nhà văn Lý Văn Sâm nhân hậu, bao dung biết bao.

Từ trái sang: Nhà văn Phạm Thanh Quang, cố nhà văn Hoàng Văn Bổn, cố nhà văn Lý Văn Sâm, nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy, cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ 

Những sáng tác sau ngày giải phóng Miền Nam

Nhà văn Lý Văn Sâm bắt đầu cầm bút vào những năm 40 thế kỷ trước. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Cây nhị sông Phố được đăng ở tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, năm 1941. Ông cũng là tác giả Nam Bộ hiếm hoi xuất hiện trên tờ báo văn học tiếng tăm nhất cả nước lúc bấy giờ. Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của ông là những năm 40, 50 thế kỷ hai mươi với hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tạp văn, hàng chục truyện vừa, kịch bản văn học, kịch bản cải lương. Kể cũng lạ và cũng không lạ, khi điều kiện sống ngặt nghèo, vừa lo kiếm tiền nuôi thân, vừa hoạt động cách mạng, nay đây mai đó, mai danh ẩn tích, trốn tránh sự bố ráp của kẻ thù thì ông lại viết khỏe, đều đều sung sức, tung hoành trên mặt trận văn chương, báo chí Sài Gòn. Sự nghiệp chính của ông gần như được hoàn thành trong thời kỳ này. Thời gian vào chiến khu tham gia Quân Giải phóng Miền Nam và lãnh đạo báo chí, văn học nghệ thuật (1960- 1975) ông sáng tác không nhiều. Về văn học sau này được dồn vào hai tập truyện, ký, tạp văn Bến xuân và Những bức chân dung, xuất bản những năm 1982, 1983. Sinh ra và trọn đời sống trên đất Nam bộ, đất của cải lương, ông mê cải lương từ nhỏ và cũng manh nha sáng tác kịch bản cải lương từ rất trẻ. Nhưng rồi theo nẻo đường gió bụi ông không nhớ hết những đứa con tinh thần ấy. Sau này người ta sưu tầm lại còn được có tên vài ba vở.

Sau ngày giải phóng ông cũng đã quay lại với sáng tác kịch bản cải lương. Những vở ông sáng tác cho các đoàn cải lương ở thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng, chúng tôi không nhớ (và cũng không biết được nhiều), nhưng chắc chắn là có. Ở Đồng Nai thời gian những năm 1980, 1983 ông hợp tác với soạn giả Trần Nhật Quang soạn vở cải lương về truyền thuyết Thác Trị An, Đoàn cải lương Đồng Nai dàn dựng được đông đảo khán giả đón nhận. Công việc quản lý bận rộn, sức khỏe suy giảm, sáng tác ít đi, nhưng khi toàn soạn báo Văn nghệ Đồng Nai đặt bài là ông luôn nhận và dành thời gian hoàn thành sớm nhất, chưa bao giờ sai hẹn. Ông viết rất nhanh, bản thảo viết tay, rất ít dập xóa. Một bữa ông làm chúng tôi bất ngờ khi đưa một bài thơ của ông mới sáng tác, bài Chuyện riêng, về những tâm sự, nỗi lòng sau sáu mươi năm sống và hoạt động cách mạng. Té ra ông có làm thơ. Sau đó, ông còn chép lại bài thơ  làm thời gian trong lao tù, bài Dùi và kẻng, theo lối ngụ ngôn, giàu triết lý, động viên quyết tâm chiến đấu.

                  Biên Hòa, tháng 4.2022

ĐÀM CHU VĂN

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ