Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

' Tiệc Cưới Ngày Xưa ... "/ Phạm Thành Châu / -- trích : trang VHNT Phạm Cao Hoàng " ( Mỹ )

 


2720. PHẠM THÀNH CHÂU Tiệc cưới ngày xưa (Thập niên 1990) ở hải ngoại.


Hôm nay, tình cờ mở computer, mục document, thấy bài nầy, theo ngày tháng thì đã viết từ hơn ba chục năm rồi. Tôi đọc lại mới biết rằng, thời gian trôi quá nhanh. Thời đó khoảng thập niên 1990, quí ông, dù đi tù cộng sản cả chục năm, qua Mỹ, thấy vẫn còn sung sức, hăng say chuyện cộng đồng và cả chuyện dễ nổi nóng nữa. Mấy mươi năm sau (bây giờ) quí ông đã già còn bịnh tật, tàn tạ, héo úa như lá mùa thu, chỉ một cơn gió nhẹ là lìa trần. Bạn bè còn lại, đếm trên đầu ngón tay. Những người còn sống cũng không muốn đi đâu, vì đi không nỗi, đầu óc “rối nùi” thì làm sao nhớ được chuyện đã quá lâu!                                                                           


Điều ngạc nhiên thứ hai khi đọc lại bài nầy là thời đó, sao bọn trẻ cưới nhau nhiều quá? Dự tiệc cưới phát sợ luôn. Thì ra đó là con cái của quí ông bà HO. Sau ngày mất nước 1975, quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị Việt cộng bắt đi tù cải tạo. Giả như đứa bé vừa sinh ra thì bố vào tù. Mười lăm năm sau (1990 khi có chương trình HO) cháu đã mười lăm tuổi. Các cháu cùng với bố mẹ qua Mỹ, có đứa tiếp tục học văn hóa, có đứa học nghề hoặc làm lao động chân tay. Chỉ ít lâu sau chúng đã đến tuổi lập gia đình. Vì thế khoảng thập niên 1990 trở về sau, đám cưới các gia đình HO. nở rộ. Thường tổ chức tiệc cưới vào tối thứ bảy, cả tối chủ nhật nữa. Chủ nhà hàng hốt bạc và bạn bè, bà con của bố mẹ chúng phải móc túi (Mừng hai cháu Trăm Năm Hạnh Phúc) mệt nghỉ.

                                                                          

Bạn có bao giờ đi dự tiệc cưới chưa? Hỏi vô duyên! Đã là người Việt ở hải ngoại thì đương nhiên, thời đó, phải dự tiệc cưới. Dù chỉ có vài ba gia đình quen biết nhau ở một nơi ít người Việt, họ cũng mời nhau trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp, hỏi cưới… Đó là tình cảm của kẻ tha hương. Vậy chứ nếu bạn ở Alaska, Costa Rica, bạn có được mời dự không? Xin thưa, dù bạn ở trên đỉnh Himalaya (Hi Mã Lạp Sơn) đi nữa thì bạn cũng sẽ nhận được một cái thiệp mời (của bạn đồng môn, đồng hương, đồng ngũ, đồng tù…) với lời nhắn nhủ "Mầy cố sắp xếp về Cali. (hoặc Texas) thăm bạn bè một chuyến, tụi tao nhớ mầy lắm” Nếu bạn ở các tiểu bang “hẻo lánh” (ít người Việt) không đi được, bạn chỉ cần gửi cái thiệp chúc "Trăm năm hạnh phúc" kèm với cái check trăm đô gọi là cho cháu vui mừng là xong bổn phận (với tiếng thở dài!). Xin bạn đừng nghĩ “Trăm đô có bao nhiêu mà còm ròm!” Mới qua Mỹ, lao động chân tay, giờ năm, sáu đô là quá mừng rồi. Tiền nhà, điện, nước, xe cộ, xăng nhớt… thiếu trước hụt sau! Lại còn gửi về Việt Nam giúp đỡ gia đình, bà con, bạn bè. Vô phước nhất là bạn thích tham gia sinh hoạt cộng đồng, Hội đồng hương, Hội cao niên, Hội cựu học sinh, Hội cựu sinh viên, Hội hải quân, Hội không quân, Hội cựu sĩ quan Thủ Đức, Đa Lạt, rồi Phong trào, Mặt trận, Báo chí, Văn nghệ, văn gừng … Quen biết nhiều thì thiệp cưới sẽ bay về nhà bạn như bươm bướm. Mỗi tuần ít nhất là năm bảy cái thiệp mời, thấy chỉ muốn xỉu. Đó là chưa kể thiệp mời những buổi ra mắt sách, ra mắt thơ, ra mắt CD "Thơ Phổ Nhạc!", Hội thảo, biểu tình, Hoan Hô, Đả Đảo, Ủng hộ… Nhiều vô số kể. Nhiều đến độ, chỉ riêng thiệp cưới thôi, bạn không biết đối phương là ai? Hỏi vợ, vợ cũng ngẩn ngơ "Ai là ông bà Lê văn X.?" vậy là phải mở cuộc điều tra. Các bà gọi nhau “Chị có nhận được thiệp mời dự đám cưới của con ông bà X. không? Ai vậy?” Hóa ra thủ phạm là vợ chồng chủ tiệm neo (nail) "Bàn Tay Năm Ngón" mà bà xã bạn có vài lần gặp và trò chuyện, hoặc là chủ tiệm chạp phô "Giá Cắt Cổ". Chủ tim Nails, tiệm buôn nầy giàu, mời bạn chẳng phải vì cái phong bì trăm đô mà họ cần nhiều người dự cho họ hãnh diện. Đám cưới mà chỉ độ trăm khách mời thì tủi thân cho họ và cho con cái, chứng tỏ đó là gia đình ích kỷ, chỉ biết tiền, không giao thiệp với ai và cũng chẳng có chút danh vọng gì. Bởi vậy mới có màn tay MC (điều khiển chương trình) mỗi khi giới thiệu nhà trai, nhà gái thường lôi ba đời hai họ ra mà kêu tên. Từ cao tằng cố tổ cho đến cháu chắt, chút chít kèm thêm nghề nghiệp bác sĩ, kỹ sư, luật sư (mấy đứa con, cháu đang ở tù vì tội trộm cướp, xì ke ma túy không thấy nhắc đến!), bà con xa, người ở Đức, ở Pháp, ở Anh, không có mặt cũng kê ra tên tuổi chức vụ, nghề nghiệp, uy danh lừng lẫy… mỗi bên khoe khoang hết nửa tiếng đồng hồ! Rồi nhà trai đọc diễn văn, nhà gái đọc diễn văn “Hân hạnh tiếp đón, chân thành cám ơn, có gì sơ suất xin quí vị tha thứ…”  thêm nửa tiếng đồng hồ nữa! nhưng có ai thèm nghe đâu. Quan khách đang dòm chừng về phía nhà bếp, chờ thực phẩm cứu đói! 

                                                          

Cũng vì thiệp cưới gửi đi tấp nập, đông vui như thế nên (bấy giờ, khoảng 1990) nhà nào có đám cưới phải gửi thiệp đi từ mấy tháng trước gọi là xí phần "Nhanh tay thì còn, chậm tay thì mất". Người nhận được nhiều thiệp cũng có cái quyền lựa chọn. Hễ mình không ưa ai thì gọi điện thoại sorry! (rất tiếc). “Alô. Ba Râu đây! Sao. Khỏe không? Tôi vừa nhận được thiệp mời dự đám cưới của cháu, nhưng nhận trễ quá! Tôi lỡ nhận lời mời của ông bà Y. rồi. Xin lỗi nghe!” Dĩ nhiên đám cưới con ông bà Y. là phải có thật, đúng ngày đó, nếu mình nói láo, hắn biết được, ra đường thấy mặt, hắn ta không thèm nhìn mình. Khi nhận được thiệp và đã trả lời sẽ đi, bạn chỉ cần đánh dấu trên tờ lịch với lời ghi "Nhà hàng Dở Ẹt", chẳng cần biết đám cưới con ai. Đến nhà hàng, nói tên sẽ có người dẫn bạn đến bàn, ngồi chờ khoảng vài ba tiếng đồng hồ, rồi bạn sẽ được cho ăn.

                                                                          

Thời đó, tôi từng khuyên nhiều vị không con cái (hoặc con cái đã lập gia đình) rằng “Đừng bao giờ ở nguyên một chỗ. Cứ dọn đi lung tung, đối phương không có cách nào gửi thiệp mời dự đám cưới con họ. Vậy là khỏe!”                                                                           


Thời đó còn có phong trào “Cưới lần nữa” gọi là “Hấp Hôn” để kỷ nìệm hai mươi, ba, bốn mươi năm ngày cưới của đôi vợ chồng “quá date!”. Nàng cũng khăn voan trùm đầu, hoa cầm tay, cũng phù dâu, phù rễ, cũng trao nhẫn cưới rồi anh chị tròng tréo tay nhau cùng uống rượu “giao bôi”! Dĩ nhiên cũng có chương trình giới thiệu cô dâu, chú rễ với bao kỷ niệm lãng mạn, đẹp như thơ, sau đó là “Mời quí vị dự tiệc”. Y như tiệc cưới. Có có điều thắc mắc là trong đêm tân hôn, cô dâu có e lệ và chàng rễ có còn hăng hái như với người khác không?

                                                                                              

Thường thì thiệp nào cũng mời đến lúc sáu giờ (chiều). Khi bạn đến, vợ chồng hai họ đã chờ sẵn, chào bạn vui vẻ, thân mật lắm. Hai cặp nầy giống y chang hai cặp Bush với John Kerry vận động tranh cử tổng thống (Thời 1990). Tươi cười vồn vả, bỏ xua (bắt tay) túi bụi… (Đắc cử rồi thì phe lờ, mặt vếch lên trời). Hai cặp sui gia nầy cũng vậy. Khi bạn bước vô nhà hàng, họ chào hỏi thân mật, hân hoan cám ơn, đôi khi đích thân mời bạn đến chỗ ngồi. Một khi đã đè bạn ngồi xuống ghế rồi thì như vào trại cải tạo, kẹt cứng trong đó! Bạn không thể bỏ về vì tên bạn đã bị đánh dấu rồi, mà sau khi kiểm kê chiến lợi phẩm không thấy cái phong bì của bạn, bạn bị coi là tên ăn quịt! Khi bạn đã ngồi vào đó rồi thì cặp sui gia nầy có thấy bạn, họ cũng phe lờ. Vì họ biết, nếu chào bạn, sẽ bị bạn hỏi “Khi nào mới cho ăn đây?” Chả lẽ nói thật “You (mầy) đã vô đây rồi thì chuyện cho ăn lúc nào, ăn gì là quyền của me (tao). Tám giờ ăn. Ăn đồ Tàu! Được chưa?” Chúa ơi! Lại ăn những món tiệc cưới thứ bảy, chủ nhật tuần rồi và cả mấy tuần trước, mấy tháng trước nữa! Cả thành phố chỉ có vài ba nhà hàng Tàu, mà nhà hàng nào cũng chỉ những món đó. Tưởng chừng như có một nhà bếp khổng lồ chuyên nấu thức ăn Tàu và phân phối đến các nhà hàng Tàu trên khắp nước Mỹ. Cali., Texas, Virginia, Canada… Khai vị món gỏi, tiếp theo là xúp, rồi gà quay, tôm hùm, cua rang muối, cá Canada, cơm chiên... ngập dầu mỡ với bột ngọt. Đây là một trong những lý do người ta cho bạn ăn sau tám giờ. Buổi trưa, theo thói quen, ăn sơ sài,nghỉ ngơi cuối tuần, chiều, diện bộ đồ vía vô, chở vợ đến nhà hàng và ngồi chổng mỏ chờ cho ăn. Đói rã ruột thì người ta bố thí gì cũng “Hảo a!” (tốt) cả. Bạn có để ý thấy? Vài món đầu bao giờ cũng được quí khách nhào vô xúc, gắp, khều, vét cái dĩa sạch bóc. Sau khi tỉnh người mới bắt đầu lịch sự, nhường nhau, có khi gắp bỏ cho nhau và trề môi, chê, không thèm đụng đũa, ra vẻ ta đây sang trọng, không thèm ăn đồ dở. Tại sao không đặt nhà hàng nấu các món ăn Việt Nam? Món ăn Việt Nam được người Âu Mỹ khen vì ít có dầu mỡ, nhiều rau, nhẹ bụng, dễ tiêu hóa mà lại rất ngon. Chả giò, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, gỏi cuốn, bột chiên, hến xúc bánh tráng, phở áp chảo, cá nướng cuốn bánh tráng, bánh xèo, rau muống xào tỏi, các món lẩu… và biết bao món ngon khác. Và tại sao trong thiệp mời không ghi một câu "Buổi tiệc khai mạc đúng tám (8) giờ tối"? Cứ đúng tám giờ là khai mạc, ai đến sau, vào sau. Ai cũng làm như vậy thì ai cũng sẽ đến đúng giờ. “Không ăn đậu, không phải Mễ (người Nam Mỹ). Không đi trễ không phải người Việt!” Đơn giản như thế mà bao nhiêu năm qua vẫn giữ mãi cái kiểu đánh lừa người ta. Mời sáu giờ, cho ăn lúc tám giờ! Thực ra nó có nguyên nhân cả đấy bạn ạ! Đó là vì người Việt mình thù vặt và thù dai, "Nó cho mình ngồi chờ, cho mình ăn đồ Tàu đám cưới con nó thì đến lượt mình, cũng cho hắn ngồi chờ và ăn đồ Tàu. Vậy thôi!" Người mình cho như thế là "Quả báo nhãn tiền", người Pháp gọi là "Gieo gió gặt bão", Phật dạy đó là “Nghiệp báo”, còn đức Khổng Tử thì phán rằng "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" nghĩa là "Cái gì mình không thích thì cứ đem “thí cho nó" để nó biết thế nào là lễ độ!” Khi đi dự tiệc cưới mà bị cho ngồi ở một góc xa sân khấu thì tự ái "Nó khi dễ mình nên nhét mình vào đây. Lần sau nó mời, mình đếch đi nữa!" Ai được mời ngồi gần sân khấu thì hãnh diện lắm vì mình là quí khách, có "tính hơn hẳn" tụi “tép riu” ngồi đằng sau xa kia. Nhưng khi chương trình ca nhạc bắt đầu thì muốn điên cái đầu! Mấy cái loa cao to như cái tủ đứng cứ thế mà nện thịnh thịch vào tai, giống như đại bác, thần công đang khạc lửa. Cái lá nhĩ có dày cả tấc cũng phải thủng. Cách tốt nhất là cho mấy ông cụ trong hội Người Việt Cao Niên ngồi gần sân khấu. Mấy cụ nầy tai nghễnh ngãng, trống đánh, kèn thổi có hết công suất, các cụ cũng nghe êm dịu như nhạc cổ điển tây phương. Hơn nữa mắt các cụ kèm nhèm, nên cho ngồi gần để các cụ có ngắm mấy em ca sĩ “quần một ống, áo hai dây” hở rốn, khoe ngực, đưa đùi… cũng mờ mờ, ảo ảo như nằm mơ thấy cảnh “Thiên Thai… Chúng em xin dâng hai (2) chàng (4) trái đào thơm…” Tôi xin vài giòng lạc đề về hội Cao Niên. Xin quí cụ trong các hội Cao Niên “từ bi hỉ xả”. Tốt nhất là đừng đọc đoạn nầy, vì sẽ giận tôi. Thành phố tôi ở cũng có hội Cao Niên như những nơi có người Việt khác. Năm ngoái (xưa kia), trong kỳ đại hội Mừng Xuân Mới, có một ông ‘ba trợn’ đề nghị nên đổi tên hội Cao Niên thành "Hội Những Người Chờ Chết". Các ông, bà lão phản đối kịch liệt, mắng ông ta trù ẻo “Ông chờ chết thì chết trước đi cho khuắt mắt!”. Ông ta cười hề hề, xin lỗi rồi đề nghị tên khác là “Hội Những Người Sống Qua Ngày, Chờ Qua Đời”. Nói xong ông ta lại cười khà khà! chống gậy cà nhắc rời phòng họp.

                                                                          

Khi quí vị dọc bài nầy thì đã sang thế kỹ 21 (năm 2021) nhằm vào lúc nhân loại đang ngất ngư với con Covid-19. Con vi rút nầy do Tàu cộng phát tán ra khắp địa cầu, hàng triệu người chết không kịp trối. Ai ở yên nhà nấy. Không bước chân ra đường. Tiệm ăn đóng cửa, lại thêm phải bịt miệng, làm sao ăn uống mà nói chuyện đi nhà hàng, dự tiệc cưới! Hơn nữa việc cưới xin ở hải ngoại, bây giờ đã “Xưa rồi Diễm!”. Không còn náo nhiệt như cách đây ba mươi năm. Bọn nhỏ, qua Mỹ lúc chưa biết nói, bây giờ đã Mỹ hóa cả rồi. Chuyện chúng lấy nhau là chuyện riêng của chúng. Hai đứa nó ưng nhau thì sống với nhau, chả cần báo cho cha mẹ biết, nói gì đến cưới xin. Sống với nhau đã đời, buồn tình chúng nói “Bye!”, rồi xách va li, mỗi đứa mỗi ngả, gặp lại, chưa chắc chúng nhận ra nhau. Đôi khi, đang đi du lịch (vacation), nổi hứng, chúng ghé đâu đó, làm hôn thú, rồi vì một lý do cỏn con, chúng ly hôn. Vợ chồng chúng chỉ có “Tình” (yêu) chứ không có “Nghĩa” (nghĩa vụ đồng cư, nghĩa vụ chung thủy…). Chán yêu nhau thì tan hàng.                                                                                                                                         

Bây giờ, ở Âu Mỹ con, cháu về báo với cha mẹ, ông bà là chúng sắp làm lễ cưới với nhau là hiện tượng hiếm thấy. Được vậy, cha mẹ mừng và hãnh diện lắm vì chứng tỏ với thiên hạ rằng con cái nhà mình còn giữ được “Truyền thống!”. Thực ra, đối với chúng, đó chỉ là dịp họp mặt  các bạn cũ cùng trường. Cha mẹ có đến, chúng chỉ giới thiệu vằn tắt “Dad. Mom” đại khái rồi vui chơi với nhau, chẳng buồn lưu tâm đến. Trong tiệc cưới, bọn trẻ, da vàng, da đen, da trắng, da mốc gì cứ “xí lô, xí là” với nhau, ông bà già (ngồi một góc riêng) chúng chả cần biết, cũng chả có chuyện phong bì trăm đô như truyền thống. Tụi nhỏ bây giờ, học rất giỏi, làm chỗ ngon lành, thu nhập, theo thống kê, còn hơn người bản xứ. Nếu cho trăm đô, chúng sẽ rất ngạc nhiên, không hiểu gì cả. (Ngày xưa, đồng đô la còn có giá, trăm đô là để tặng cháu, thêm vào thanh toán chi phí cho nhà hàng. Gia đình nào mời được trên bốn trăm thưc khách thì cũng dư chút đỉnh cho cháu đi trăng mật) Thời nay, chi phí tiệc cưới chúng chẳng quan tâm. Quà cáp, nếu có, chỉ là vật kỷ niệm tượng trưng nho nhỏ. Tiệc cưới được tổ chức tại khách sạn Mỹ (để bạn bè nơi xa đến, chỉ bước xuống lầu là gặp nhau). Trong tiệc cưới, món ăn chính là Thịt bò hoặc cá. ‘You’ chỉ chọn được một món (bò hoặc cá) mà thôi!” Ăn xong, mấy ông bà già “Ố Nàm Dành” (dân A Nam) kéo nhau ra tiệm phở, “chống đói!”. Về nhà vẫn hớn hở vì mình được con, cháu “mời” dự tiệc cưới của chúng nó.                                                                                                                                                                                        

Không rõ, ở Việt Nam bây giờ ra sao, chứ ở hải ngoại, bọn trẻ coi chuyện  cưói xin như trò giải trí. Thích thì sống với nhau, không thích thì “Bye. Bye!” xách gói ra đi, trả lại phòng cho chủ, rồi kiếm đứa khác. Chúng tính chuyện sống với nhau tạm bợ, không biết ngày sau ra sao nên không muốn có con, mất tự do, mất công nuôi dưỡng. Đôi khi thấy trẻ con dễ thương quá, bèn sinh một đứa rồi làm “Mẹ đơn thân”. Bao nhiêu phiền phúc nẩy sinh, hối hận thì đã trễ!                                                                                                                                                      

Ngày xưa, ở Việt Nam, việc cưới xin nhiêu khê phiền phức. Trước hết, nhà trai để ý đến gốc gác, gia phả mấy đời của nhà gái. Có “Môn đăng hộ đối”? (Giàu có, danh vọng như dòng họ nhà mình không?). Rồi thì cho người mai mối đến dọ ý nhà gái. Nhà gái, cũng tìm hiểu cặn kẽ nhà trai trước khi trả lời. Đôi khi cô gái không biết cha mẹ đang bàn tính chuyện hôn nhân của mình, cũng chẳng biết chồng mình sẽ là ai. Sau khi thỏa thuận, biết bao thủ tục rườm rà diễn ra. Lễ chạm ngõ, lễ hỏi (vấn danh), lễ cưới… Đến lúc đó, cô dâu mới thấy rõ mặt chồng mình. Thời xưa hơn nữa, thường hai người bạn thân hứa làm sui gia với nhau từ khi hai đứa bé (một trai, một gái) mới sinh ra. Một hủ tục nữa là cô dâu phải còn trinh trắng. Lúc động phòng (đêm cưới đầu tiên) nhà trai (người chồng) trải chiếc khăn trắng dưới mông cô dâu để xem có máu (trinh tiết) không? Điều nầy sẽ ảnh hưởng suốt đời đến cô dâu, nếu không thấy “trinh tiết”, nhà trai (người chồng) sẽ rất cay cú. Họ có thể trả cô gái về nhà cha mẹ đẻ của cô ta hoặc sẽ tặng nhà gái một con heo quay (hoặc đầu heo quay) với một tai heo bị cắt cụt. Đó là cách sĩ nhục nhà gái. Đôi khi, đứa con đầu lòng bị đặt một tên nào đó (Mất, Lủng, Mậu…) đó để nhắc nhở mối hận bị hưởng “Của thừa” và người vợ, suốt đời phải bị chồng đay nghiến chuyện “mất trinh” của mình.

 

 (Chuyện đáng lẽ còn dài, nhưng sợ tốn thì giờ bạn đọc, nên tạm “Chấm dứt chương trình của ban Tùng Lâm” ở đây. Hết.


PHẠM THÀNH CHÂU

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ