" Đọc sách cùng bạn ' Tôi vẫn lạ lắm ông Dương Tường ' " / Phạm Xuân Nguyên / Hà Nội -- trích: DÂN TRÍ 16/ 12/ 2022.
Đọc sách cùng bạn: Tôi vẫn lạ lắm ông Dương Tường
Thứ sáu, ngày 16/12/2022 11:08 AM (GMT+7)
CHỈ TẠI CON CHÍCH CHOÈ
Tác giả: Dương Tường
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 456 (khổ 15x24cm)
Số lượng: 400
Sách không bán, gia đình dành tặng.
Cuốn sách này in lần đầu năm 2003, nay tái bản bìa cứng, bổ sung, trình bày đẹp. Bên cạnh các bài viết của Dương Tường về văn chương, hội hoạ, âm nhạc, có thêm những bài viết của bạn hữu về ông và đặc biệt có 15 chân dung ông do các hoạ sĩ nổi tiếng vẽ qua nhiều thời kỳ. Cái tên sách là từ ý tưởng này của tác giả được đưa ra ở bìa 4: "Thi sĩ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Mà khuyết danh có nghĩa là chưa tồn tại. Thi sĩ cho sự vật một cái tên mà trước đó nó chưa có – tức là đưa nó vào tồn tại. Ai đầu tiên gọi chích choè, khi nó còn khuyết danh, là chích choè, người ấy đích thị là một nhà thơ".
Lần in đầu ông bảo tôi viết lời tựa. Bài tựa có tên "Tôi lạ lắm ông Dương Tường". Lần tái bản này ông lại bảo tôi viết bạt. Bài bạt có tên "Tôi vẫn lạ lắm ông Dương Tường". Sau đây là lời bạt của tôi cho sách "Chỉ tại con chích choè".
Hơn hai mươi năm cuốn sách "Chỉ tại con chích choè" của ông được xuất bản, tôi vẫn lạ lắm ông Dương Tường.
Vì ông vẫn gây sự lạ cho tôi và cho cả nhiều người.
Bên trong thân hình nhỏ bé của ông là một sức sống dẻo dai cả về thể xác và tinh thần. Dẻo dai một cách dịu dàng. Dẻo dai một cách lặng lẽ. Dẻo dai một cách quyết liệt. Dẻo dai như không. Hai mươi năm qua ông vẫn tiếp tục cống hiến những bản dịch mang "văn hiệu" tiếng Việt của mình cho văn chương nước nhà. Ông vẫn có những bài viết xúc động và sâu sắc cho mình, cho các bạn mình. Các bài viết của ông, từ trước và cả mới đây, thường ngắn về số chữ nhưng dài về độ chứa. Đọc chúng khoái cảm trong tôi vẫn vẹn nguyên như lần đầu.
Ở độ tuổi đã lên đến nấc cao của đời người, ông còn tự thử thách mình bằng việc dịch "ngược" một số bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ Việt Nam ra tiếng Pháp. Và đặc biệt nhất, dịch kiệt tác Truyện Kiều ra tiếng Anh. Ông nói, ông làm việc đó để trả nợ tiếng mẹ đẻ thân thương đã bao bọc nuôi nấng ông đi qua những nổi nênh cuộc sống. Và để không ăn gian cuộc đời một ngày sống nào.
Những bạn văn thiết cốt của ông đều đã ra đi: Bùi Ngọc Tấn, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh. Ở tuổi chín mươi ông như đang sống cả những tháng ngày còn lại cho các bạn mình. Dù bây giờ mắt ông đã mờ, tai ông đã kém, chân ông đã run, nhưng tâm hồn và đầu óc ông vẫn luôn hướng vọng ra cuộc đời.
Dương Tường vẫn luôn thèm được ngồi với người trẻ. Ở nhà và ở quán cà phê cạnh nhà. Ông nghe cuộc sống qua tiếng người ngoài phố, tiếng xe cộ trên đường, tiếng trò chuyện của các thế hệ sau bên cạnh mình. Tôi hay được ông gọi đến chơi là vì thế. Trong một lần ngồi cùng ông như vậy tôi đã về ghi lại.
"Ngồi với anh Dương Tường chiều ngày áp chót năm 2019 tại quán Cà phê Thảo (18 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Anh thích ngồi đây trên hè phố ngắm nhìn người qua lại trong đôi mắt đã nhòa và lắng nghe tiếng động cuộc sống xung quanh. Hai anh em với cốc cà phê sữa cho anh và cốc cà phê nóng cho tôi. Anh kể những năm tháng tuổi già này phải chống lại bệnh trầm cảm, chỉ muốn được đi theo bạn bè đã khuất. Anh ghé tai tôi nói anh lúc nào cũng thủ sẵn một vỉ thuốc ngủ, nhưng em đừng lo anh không làm gì dại dột đâu, anh đã nói "tôi không ăn gian của trời ngày nào" mà. Em nên năng đến với anh cho anh đỡ buồn, anh chỉ còn thằng em yêu quý này nữa thôi. Trời đông Hà Nội hửng nắng ấm. Đối diện quán là tòa nhà Đại học Đông dương cũ. Tôi biết chẳng cần phải động viên, an ủi gì anh cả. Tôi hỏi anh mấy hôm rồi có nhớ và dịch thêm được bài thơ Việt nào sang Anh ngữ không. Đó là một công việc anh tự đặt ra cho mình để không thấy mình vô nghĩa tuổi già. Nhớ bài nào là anh dịch bài đó.
Nghe tôi hỏi, anh bảo vẫn có, vừa dịch xong bài "Năm buổi sáng không có trong sự thật" của Văn Cao. Tờ Vietnam News định in bản anh dịch bài "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan. Tôi bảo anh thứ Sáu này (3/1/2020, 9/12 Kỷ Hợi) giỗ anh Trần Dần, anh bảo gia đình đã gọi điện mời. Nhanh quá, anh Dần đi đã hơn hai chục năm. Tôi kể anh nghe sáng nay anh Nguyên Ngọc, đồng tuế Nhâm Thân 1932 với anh, gọi điện cho tôi hỏi về một cuốn tiểu thuyết của Stefan Zweig đã được dịch ở ta chưa. Khi nghe tôi bảo chưa, anh Ngọc nói có lẽ mình sẽ dịch, vì thấy nó ứng với cái thời nay quá. Tôi kể anh nghe mấy trận bóng đá Anh tối qua, Liverpool vẫn thắng, bỏ cách xa đội bám đuổi hơn chục điểm; Arsenal bị sẩy chân trên sân nhà trước Chelsea. Anh sôi nổi lên, khen Frank Lampard cầm quân giỏi.
Câu chuyện bóng đá lan man lại đưa hai anh em về huấn luyện viên Park Hang-seo. Anh bảo ông ấy đáng được tạc tượng ở Việt Nam. Anh rủ 10/1/ 2020 đến nhà anh xem trận Việt Nam đá với UAE trong vòng chung kết U23 châu Á. Tôi mồi hai điếu thuốc Thăng Long bao dẹt cho anh, đến điếu thứ ba anh bảo thôi, ta về. Đưa xe anh đến ngõ 3B Phan Huy Chú anh xuống đi vào nhà. Mở cửa xe ra anh còn nắm tay nhắc em năng đến anh nhé."
Năm 2017 mừng ông 85 tuổi, một cuộc triển lãm mang tên "Dương Tường qua con mắt bạn bè" trưng bày 36 bức chân dung ông do nhiều hoạ sĩ nổi tiếng vẽ đã mở cửa ở Mai Gallery (113 Hàng Bông) đúng vào ngày sinh (4/8) có đông bạn bè đến mừng vui. Năm đó tập Dương Tường thơ in trang trọng cũng đã được xuất bản và đã có cuộc ra mắt tưng bừng tại Manzy Cafe (14 Phan Huy Ích) một tuần sau sinh nhật ông.
Dịp ấy, tôi có viết một bài thơ tặng ông, lấy ý những câu thơ của ông để dựng chân dung Dương Tường – con người, nhà thơ, dịch giả. Một Dương Tường mãi lạ trong tôi.
MỘT NHÀNH SƯƠNG
zươngtường tên anh tưởng người to
người to không phải, lại gầy gò
gầy gò nhưng đã từng bán máu
bán máu một thời sống gay go.
gay go vẫn sống đầy mộng mơ
mộng mơ cái đẹp cõi văn thơ
văn thơ viết nên bằng máu đỏ
máu đỏ của người của tự do.
tự do zươngtường trang sách dịch
sách dịch cho ta được gặp người
người đời khác màu da tiếng nói
tiếng nói chung là tiếng Con Người.
con người zươngtường phe nước mắt
nước mắt buông những tiếng thở dài
thở dài trả lãi bằng án sống
sống để yêu người giữa trần ai.
trần ai hiểu tâm sự hoài hương
hoài hương cái zây phơi quần áo
quần áo câm rỉ vết mộng thương
mộng thương đời mình rong vọng ảo.
vọng ảo zươngtường vương dương cầm
dương cầm lã chã một lặng trầm
lặng trầm những ngón tay mưa gọi
gọi một người ba mươi hai năm.
ba mươi hai năm nay tám lăm
tám lăm zươngtường vẫn lăm răm
lăm răm tình khúc hai tư nhịp
nhịp đời dâng bạch lạp ngực rằm.
ngực rằm đời nuôi nấng zươngtường
zươngtường trên mái vẫy yêu thương
yêu thương thành món quà sinh nhật
sinh nhật tươi nguyên một nhành sương.
Bây giờ, nhà thơ, dịch giả Dương Tường 90 tuổi đang nằm bệnh viện vì một cơn cấp cứu suy hô hấp. Cầu mong cho ông sớm hồi phục để lại được sống vui giữa đời.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 16/12/2022
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ