đọc thêm ( 1) : " phỏng vấn dịch giả THÂN TRỌNG SƠN [ 1945 / Dalat ] -- Virgil Gheorghiu 14/ 03/ 2018 .
THỨ TƯ, 14 THÁNG 3, 2018
'phỏng vấn dịch giả Thân Trọng Sơn
-- Blog Phạm Cao Hoàng
phỏng vấn
SATURDAY, MARCH 10, 2018
- PHỎNG VẤN DỊCH GIẢ THÂN TRỌNG SƠN\
- PHẠM CAO HOÀNG THỰC HIỆN
PCH:
Anh Thân Trọng Sơn, anh thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Do đâu mà anh thông thạo cùng một lúc cả hai ngoại ngữ? Xin anh chia sẻ một chút về kinh nghiệm học ngoại ngữ của anh.
TTS:
Trường tiểu học ở Huế dạy tiếng Pháp từ lớp Nhất, tôi bắt đầu học ở đó (1954). Lên trung học, trường dạy đồng thời hai ngoại ngữ, Anh và Pháp. Tôi hào hứng học và học khá cả hai, tiếc thay, chỉ được hai năm học! Từ đệ ngũ ( 1958-1959 ), theo quyết định của Bộ, học sinh chỉ được học 1 ngoại ngữ. Tôi tạm thời chia tay tiếng Anh với nhiều luyến tiếc. Đến bậc trung học đệ nhị cấp, trường dạy hai ngoại ngữ, gọi là sinh ngữ 1 và sinh ngữ 2. Tôi tiếp tục học tiếng Pháp sau 4 năm và tiếng Anh sn2 trở lại từ vỡ lòng. Ba năm, tiếng Anh của tôi có tiến bộ nhờ được học những giáo trình tốt ( Let's learn English, Practice your English, Improve your English ). Vì có học trước hai năm nên đồng thời với bài học ở lớp, tôi tự học chương trình cao hơn. Năm 1962, tôi ghi tên theo học ở Hội Việt Mỹ. Ai bắt đầu học sẽ tuần tự theo từ lớp 1 đến lớp 12 . Tôi có biết chút đỉnh nên thi xếp lớp và được vào ngay lớp 7. Mỗi khoá như thế học trong ba tháng và phải thi để lên lớp trên. Sau lớp 12, tôi thi và được cấp bằng Proficiency. ( Với bằng này, thời đó, có thể đi làm thông dịch viên sở Mỹ, lương khá ). Lên đại học tôi học cùng lúc hai trường sư phạm và văn khoa, ngành tiếng Pháp. Ở sư phạm vẫn có giờ tiếng Anh. Tôi ra trường và đi dạy liên tục từ 1967. Tôi tiếp tục học cả hai thứ tiếng từ đó tới nay, không có trường nào và không ai cấp cho cái bằng nào.
dịch giả Thân Trọng Sơn
ảnh PCH (Đà Lạt, 1999)
Tôi bỏ qua chi tiết khi là sinh viên năm đầu, tôi có dạy tiếng Anh và tiếng Pháp, kèm cho học sinh luyện thi Tú tài 2. Chi tiết này để nói kinh nghiệm đầu tiên: dạy là phương pháp tốt để học ngoại ngữ! ( Không thể dạy liều dạy ẩu được nên phải học để có thể dạy ). Tôi có may mắn là nhiều năm, nhà trường phân công tôi dạy cả hai ngoại ngữ nên tôi có điều kiện học. Học là để dạy, dạy tức là học.
Kinh nghiệm thứ hai là kết hợp việc học chính quy ở trường lớp với việc tự học, nhất là tự học những gì trường không dạy.
Kinh nghiệm thứ ba là khi học một ngoại ngữ, nhất thiết phải tìm hiểu về đất nước và con người sử dụng ngôn ngữ đó. ( biết merci/ thank you nghĩa là cám ơn chẳng có nghĩa gì nếu không biết rằng người bản ngữ dùng chúng nhiều hơn người Việt nói cám ơn ).
với các giáo sư và bạn học cùng khóa
Đại Học Sư Phạm Huế (1966)
Những chuyện này nếu có gì đáng nói là xét hoàn cảnh cá nhân và điều kiện, phương tiện học tập thời ấy, chứ nay, thế kỷ XXI, thạo một hai ngoại ngữ chẳng đáng tự hào chút nào!
PCH:
Ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp, anh còn biết những ngoại ngữ nào?
TTS:
Năm 1966 tôi có học tiếng Đức ( hai năm ). Năm 1986 tôi có học tiếng Nga ( một năm ). Lười biếng và thiếu nghị lực, tôi không tiếp tục, coi như không biết gì.
Tiếc là do không biết nhiều ngoại ngữ nên tôi buộc phải làm việc tối kỵ là có khi phải dịch qua một bản dịch.
PCH:
Anh bắt đầu công việc dịch thuật từ lúc nào?
TTS:
Thời đi học, trung học và đại học, tôi tập dịch để có bài gởi đăng đặc san của lớp của trường. Về sau vẫn tiếp tục lai rai. Thời kỳ bùng phát là thập niên 90 của thế kỷ trước, chủ yếu là dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Tôi dịch thơ của bằng hữu, những người nổi tiếng và chưa nổi tiếng, tự in ấn, tự phổ biến. Làm việc này, tôi có chủ đích: Tôi không dịch cho bạn đọc người Việt biết tiếng Pháp, đọc vì tò mò, đọc chơi cho biết, nếu thích, họ đọc ngay nguyên bản tiếng Việt, hà cớ gì phải đọc vòng qua bản dịch. Tôi dịch thơ Việt sang tiếng Pháp cốt để những người Pháp và người nói tiếng Pháp ( francophones ) yêu thơ Việt mà không biết tiếng Việt có cơ hội đọc hiểu được. Hệ thống blog và website giúp tôi đạt mục đích này với những phản hồi tích cực.
Tôi dịch sách về văn hoá, lịch sử triều Nguyễn, phát hành ở Huế. Về Huế, đến các điểm du lịch đều thấy có bán những cuốn này. Tôi phát hiện sách của mình được in nối bản nhiều lần, nhưng người làm ra chúng không có chút đền bù nào ngoài khoản nhuận bút tượng trưng lúc đầu nên tôi thôi không chơi nữa. Sau đó tôi chuyên dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt. Tôi dịch thơ ( vì có người nói thơ là thứ không thể dịch. Tôi đã dịch hàng trăm bài của hàng chục tác giả, có công bố trên các trang mạng, có in sách. ). Tôi cũng dịch văn xuôi ( chủ yếu là truyện ngắn ).
PCH:
Trong những tác giả mà anh đã dịch, anh thích nhất tác giả nào?
TTS:
Tôi tham lam, muốn đọc nhiều, biết nhiều nên không dừng lại ở một tác giả đặc biệt nào. Mỗi người đều lôi cuốn tôi theo cách riêng.
Thời sinh viên, tôi rất mê Jacques Prévert, đọc thơ ông thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện dịch. Sau này đi dạy, tôi lấy vài bài ra cho học sinh đọc và nhờ vậy mà hiểu thêm nhà thơ này. Mười năm trở lại đây, tôi thấy hiểu nhiều hơn nên chọn gần 50 bài để dịch.
Có lúc, tôi muốn thử sức với các tác giả đã có nhiều người dịch ( Boris Pasternak, Pablo Neruda, Adonis, chẳng hạn ). Rồi lại nhảy sang những tác giả " lạ ", như một tìm tòi, khám phá ( Malcolm de Chazal, Andrée Chedid ... ). Khi cộng tác với một tạp chí văn học trên mạng, tôi được người biên tập gợi ý giới thiệu thơ Trung quốc hiện đại vì mảng này ít người để ý.Tôi dịch Vu Kiên, Cố Thành là vì thế ( mà cũng do tìm đọc mới biết rằng thơ Trung quốc bây giờ cũng rất " hiện đại ", gần với các trào lưu văn học phương Tây ).
Tôi biết có nhiều dịch giả chỉ chuyên dịch một tác giả. Điều này cũng tốt nhưng tôi không theo được vì nghĩ vườn hoa văn học thế giới còn nhiều hoa thơm cỏ lạ, lượn lờ bay nhảy thú vị hơn.
PCH:
Tiếng Việt mà anh sử dụng trong các bản dịch là rất chuẩn, rất chọn lọc. Anh vui lòng cho biết kinh nghiệm anh sử dụng tiếng Việt khi làm công việc dịch thuật.
TTS:
Không biết có được như nhận xét trên không, có điều là tôi rất cẩn trọng khi viết. Có thể là do ảnh hưởng từ một vị thầy tôi học thêm từ năm đệ nhất. Thầy từ Pháp về, không phải chuyên nghề dạy học, nhưng tri thức và phương pháp thật tuyệt vời. Bài viết tôi được thầy ở trường cho 16 điểm với lời phê "assez bon devoir ", mang đến lớp học thêm này được chấm và trả lại với chi chít nét gạch, dấu bỏ và vết mực đỏ! Lý do chỉ là ngoài viết đúng còn có cách viết hay, và viết hay hơn! Thầy gợi ý cho tôi tự sửa lại những chỗ diễn đạt vụng, dùng từ chưa phù hợp, không biết tránh lặp lại, thiếu sáng tạo v.v. Bài làm tôi sửa lại lần thứ nhất vẫn còn bị thầy chê và chỉ ra những chỗ cần cải thiện hơn nữa. Sử dụng ngôn ngữ nào cũng thế thôi, tôi vận dụng những điều đó khi viết tiếng Việt, nhất là khi dịch, vì dịch thì không thể diễn đạt theo ý mình được, mà chỉ chuyển ngữ ý tứ của tác giả.
Tôi ít có cơ hội được góp ý về các bản thảo nên cố gắng tự mình chịu trách nhiệm, mong tránh sai sót. Tôi không nghĩ là do sử dụng ngoại ngữ nhiều nên viết tiếng Việt có thể bớt thành thạo. Điều làm tôi bận tâm nhất là làm sao để bản dịch của mình khỏi bị nhận xét là " văn Tây quá ", tức là phải thể hiện được văn phong, ngữ điệu, câu chữ tiếng Việt, như người Việt đang viết.
PCH:
Hiện nay anh có dành nhiều thời gian cho công việc dịch thuật không? Anh đang thực hiện những công trình hay dự án nào?
TTS:
Tôi làm công việc này chỉ do đam mê và sở thích. Trước sau tôi cũng chỉ là một "traducteur du dimanche". Hiện nay, hàng ngày tôi đều đọc và dịch (đọc nhiều thứ rồi mới dịch). Một thứ thể dục trí tuệ ( vì nay cũng có tí tuổi rồi ).
PCH:
Anh có tâm tình gì muốn gửi đến người đọc không?
TTS:
Để đến với bạn đọc, người sáng tác đi đường thẳng, người dịch thuật đi đường vòng. Trên chiếu văn, người ta xếp anh này khép nép bên rìa, tội nghiệp ha!
PCH:
Thành thật cám ơn dịch giả Thân Trọng Sơn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn. Hy vọng độc giả từng yêu mến những bản dịch của anh biết một chút về anh, về công việc thầm lặng mà anh đã làm trong nhiều năm qua. Best wishes!
Phạm Cao Hoàng
thực hiệnJuly 2017
-------------------------------------------------------------------------------------
trích :TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG=================================================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ