' Đoàn Chuẩn- Từ Linh "/ Đặng Tiến ( Pháp ) -- trích: https://sites.google.com> --
Đoàn Chuẩn, Tình Nghệ Sĩ
Đặng Tiến
Trong cảnh phong trần của lịch sử dân tộc, mỗi con người đều mang chút thân phận éo le, không cứ gì các bậc tài danh. Nhưng tài danh thì nhiều người biết đến và trở thành tiêu biểu, như mấy nhạc sĩ vừa qua đời trong năm nay: Trịnh Công Sơn, Hoàng Thi Thơ, Ngọc Bích.
Và mới đây, Đoàn Chuẩn đã ra đi ngày 15 tháng 11, tại Hà Nội.
Từ nửa thế kỷ nay, bao nhiêu người đã hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay mà không biết tác giả là ai, ở đâu, làm gì.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924 tại Cát Hải, Hải Phòng, trong một gia đình tư sản, chủ hãng nước mắm Vạn Vân lừng danh, đã đi vào tục ngữ:
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
Ông học tây ban cầm với Nguyễn Thiện Tơ, rồi hạ uy cầm với William Chấn. Tuổi trẻ hào hoa, chỉ thích... xe hơi ! Ông có 6 "ô-tô", trong đó có chiếc Ford Frégatte sang hơn Thủ Hiến. Kháng chiến bùng nổ, gia đình dời về Thanh Hoá, Đoàn Chuẩn gặp Tô Vũ, Tạ Phước, cùng đi hát với Ngọc Bích (xem Diễn Đàn số trước) và sáng tác bài Tình Nghệ Sĩ (1948), Sông Chu (chưa phổ biến). Sau đó, ông theo một đoàn cứu thương, lên Việt Bắc, làm bài Đường về Việt Bắc.
Bỏ kháng chiến về thành khoảng 1950, ông tung ra một loạt ca khúc đã sáng tác từ trước, làm thêm nhiều bài mới, được các đài phát thanh nồng nhiệt phát sóng và nhà Tinh Hoa xuất bản dưới tên: Nhạc Đoàn Chuẩn - Lời Từ Linh. Đến năm 1954, Đoàn Chuẩn chọn ở lại Hà Nội, Từ Linh di cư vào Nam, mất năm 1992. Dù có ký tên chung, Đoàn Chuẩn là tác giả duy nhất cả nhạc và lời: chính ông tuyên bố như vậy mà không ai cải chính; ngay tại miền Nam, cũng không ai hay biết gì về Từ Linh.
Ông bà Đoàn Chuẩn và con gái
Năm 1956, hãng nước mắm Vạn Vân bị tiếp quản và tài sản Đoàn Chuẩn bị tịch thu trong đợt cải tạo công thương nghiệp tư bản, nhưng gia đình còn mua được căn nhà số 9 đường Cao bá Quát, Hà Nội. Thời gian này, ông có làm bài Gửi Người Em Gái đã di cư vào Nam. Ông sống âm thầm, ngưng sáng tác, chỉ dạy nhạc tại nhà, được gọi là Phân bộ 2 của Trường Âm Nhạc Dân Lập. Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não, nhạc sĩ Phạm Duy về nước, ghé đến thăm lúc ông còn hôn mê. Sau đó thì mất tiếng nói, chỉ tỉnh trí để bút đàm cho đến lúc qua đời, 22 giờ, ngày 15.11.2001.
Đoàn Chuẩn sáng tác trong một thời gian ngắn 1948-1956, mà chủ yếu là 3 hay 4 năm chung quanh thời điểm 1950, được 10 bài nổi tiếng, còn 6 bài không phổ biến. Tại Miền Bắc, tác phẩm Đoàn Chuẩn không đựợc hát, vì nội dung ủy mỵ của ca khúc và lý lịch tác giả; sau 1975, nhạc ông vẫn bị cấm hát cho đến khoảng 1990. Tại Miền Nam trước 1975, ca khúc Đoàn Chuẩn được phổ biến sâu rộng với lớp người di cư, vì đáp ứng với hoài niệm của giới văn nghệ sĩ gốc Bắc và nhu cầu của giới trí thức, thanh niên, sinh viên thành phố.
Nhạc Đoàn Chuẩn được xếp vào nhạc tiền chiến một cách võ đoán. Một mặt, chữ "tiền chiến" áp dụng cho văn học nghệ thuật Việt Nam là một lối nói tuỳ tiện; mặt khác bài hát đầu tiên của Đoàn Chuẩn là Tình Nghệ Sĩ làm năm 1948 thì không thể gọi là tiền chiến.
Người viết lịch sử tân nhạc cũng hờ hững với ông; ngoài những thành kiến, họ còn cho rằng những bài thu ca của ông không mang lại gì mới, so với Đặng Thế Phong và Văn Cao; đề tài mùa thu cũng đã muôn đời, từ thơ Đường thơ Tống. Nói vậy thì không lý giải được lòng yêu chuộng của thính giả, và của giới ca nhân, từ Anh Ngọc, Sĩ Phú trước kia, đến Ánh Tuyết, Lê Dung gần đây.
So sánh bao giờ cũng giản lược, tôi đành giản lược cho dễ hiểu, trong một bài báo.
Ba bài hát mùa thu của Đặng Thế Phong là tiếng kêu thất thanh của niềm cô đơn tuyệt vọng, không cần hồi âm:
Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương
Thuyền mơ buông suôi dòng
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi ! Đừng chờ mong.
(Con thuyền không bến)
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
(Giọt Mưa Thu)
Nhạc thu của Văn Cao là tiếng khắc khoải của một nghệ sĩ đi tìm tâm hồn đồng điệu:
Đêm mùa thu chết
Nghe mùa thu rớt
Rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
(Buồn Tàn Thu)
Như vậy, chủ thể phát ngôn và tinh thần phát ngôn đã có phần khác nhau. Phạm Duy thường phát ngôn với tư cách công dân nghệ sĩ, trong một hoàn cảnh lịch sử và xã hội nhất định:
Chiều biên khu, vào mùa sang thu
Ai chinh phu nghe mùa thu tới...
Thu ơi thu, ta vỗ súng ca
(Thu Chiến Trường) 1946
Người lạnh lùng nghe mưa thu trên từng ba-lô
(Đường Về Quê) 1947
Đoàn Chuẩn có tiếng nói khác: Ông phát ngôn trên tư cách nghệ sĩ, đưa tác phẩm nghệ thuật đến một quần chúng nghệ thuật, trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ. Ca khúc đầu tiên, bài Tình Nghệ Sĩ làm giữa những ngày kháng chiến - hay tản cư - gian nan, nói lên điều đó, làm một thứ chìa khoá đi vào thế giới Đoàn Chuẩn.
Tung phấn hương yêu qua bao lời hát
Bay tới bên em, tới em thầm nhắc
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ
Bóng anh phai dần ái ân tàn theo
Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ
Chóng tàn vì vương vấn muôn ý thơ...
Ý này còn rõ hơn nữa trong bài Chuyển Bến:
Thuyền cắm tay sào từ cuối thu
Ngoài kia sông nước như đón chờ
Còn đêm nay nữa, ta ngồi với nhau
Ngày mai anh đã xa rồi...
Hình ảnh chìa khóa trong ca khúc Đoàn Chuẩn không phải là những "Lá Thư", "Tà Áo Xanh", "Lá Đổ Muôn Chiều" như người ta thường nói, mà là con thuyền: Thuyền rời xa bến vắng người ơi. Con thuyền muôn đời, của ca dao, của Đường Thi, từ bến Tần Hoài của Đỗ Mục, đến bến Phong Kiều của Trương Kế - hay gần hơn - trong Xuân Diệu: Tình du khách thuyền qua không buộc chặt...
Ca khúc Đoàn Chuẩn là thế giới quy ước. Người phụ nữ tô quầng mắt, ngập ngừng trong chiếc áo nhung..., đôi mắt như hồ thu..., bên cầu ngồi xõa tóc thề... là người đẹp trong tranh Tố Nữ, tranh lụa, hay sơn dầu của Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị.
Trong thế giới quy ước và hư ảo đó, Đoàn Chuẩn đã vẽ vời nên vẻ đẹp của Trần Gian qua những mùa Thu Quyến Rũ:
Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Vài cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi...
Cái sắc mạnh huy hoàng của Đoàn Chuẩn là ở chỗ đó. Ông đã đưa Thiên Thai về đây với thu trần gian, trong khi Văn Cao phải lên tận cõi Đào Nguyên. Trong tình khúc Đoàn Chuẩn, Hoa xuân (đã) gặp bướm trần gian, ánh trăng xanh (đã) tan thành suối trần gian...
Mùa thu ở nông thôn Việt Nam từ ngàn năm nay vẫn vậy, nhưng phải đợi đến Nguyễn Khuyến chúng ta mới có những bức tranh thu tuyệt sắc. Và phải đợi đến Đoàn Chuẩn chúng ta mới được chơi vơi cùng từng mây lơ lửng trời xanh ngắt, trên âm giai dìu dặt của tân nhạc. Rồi thương cho những:
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
(Gửi Gió cho Mây Ngày Bay)
Trong thâm tâm, có người xa cách với Đoàn Chuẩn vì một lý do: Ông là con nhà giàu, làm nhạc để mà chơi. Nhưng đây chính là tự do của con người, của kẻ làm nhạc, kẻ hát và người nghe hát. Cuộc chơi, chính là tự do trong sáng tạo nghệ thuật.
Biết đâu, cuộc đời cũng chẳng là một cuộc chơi, mà cuối cùng, khi nhận ra, con người thường thấy mình thua lỗ.
Tình trần ôi mong manh...
Trọng Thu 2001
Bài đọc thêm :
Bật mí ẩn số mang tên Từ Linh
Hải Lưu
Cái tên Đoàn Chuẩn đã trở nên quá thân quen với mỗi người yêu nhạc Việt. Những câu chuyện về ông cũng được khai thác và đưa ra công chúng để mọi người có cơ hội hiểu thêm về một nghệ sĩ - công tử tài hoa đất Bắc với nhiều sáng tác đi vào lòng người như Tình nghệ sĩ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Gửi người em gái miền Nam v.v..
... Nhưng còn Từ Linh, bút danh luôn đứng cùng với tên Đoàn Chuẩn trong hầu hết các sáng tác ấy, lại là một ẩn số dường như rất hiếm hoi người biết, mặc dù đã nhiều lần, câu hỏi “Từ Linh là ai?” được đặt ra.
Những giai thoại
Có thời gian, bí ẩn về cái bút hiệu Đoàn Chuẩn - Từ Linh trở thành đề tài được bàn luận rất nhiều, cả trong báo giới cũng như trong những câu chuyện văn nghệ hàng ngày của người yêu nhạc. Ai cũng chỉ biết đến Đoàn Chuẩn là một nhạc sĩ tài hoa, xuất thân từ gia đình tư sản, chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng ở Cát Hải, Hải Phòng. Ông ngoài tài năng, còn nổi tiếng là công tử chịu chơi bậc nhất đất Bắc. Chính bởi Đoàn Chuẩn được nhắc đến quá nhiều và mọi người biết đến ông một cách rõ ràng bao nhiêu thì cái tên Từ Linh đứng bên cạnh trong những ca khúc một thời ấy, lại trở nên bí ẩn bấy nhiêu. Nhiều người cho rằng Đoàn Chuẩn - Từ Linh là một, Từ Linh là một người không có thực, đó là cái tên mà Đoàn Chuẩn thích cho thêm vào mà thôi. Rồi lại có chuyện có người kể rằng Từ Linh là người lái xe của Đoàn Chuẩn, quan hệ giữa họ là quan hệ giữa ông chủ với người làm thuê, vì gắn bó với nhau nên đã gắn tên hai người lại làm một; hay chuyện khác, có ông nhạc sĩ từng chơi với Đoàn Chuẩn kể rằng Từ Linh là cái tên mà Đoàn Chuẩn đã “lãng mạn hóa” tên của một người bạn v.v..
Dù đã có nhiều câu chuyện được kể, nhưng gần như cái tên Từ Linh vẫn là một ẩn số mà nhiều người vẫn đang tìm kiếm lời giải. Thậm chí, rất nhiều nhạc sĩ từng chơi với Đoàn Chuẩn cũng không biết Từ Linh là ai, ông làm nghề gì, có quan hệ thế nào với Đoàn Chuẩn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi sinh thời, Đoàn Chuẩn không có nhiều bạn, bạn thân lại rất ít. Và trong số những bạn thân ít ỏi ấy, chính là Từ Linh.
Từ Linh là ai?
Người viết bài này đã may mắn tìm gặp được gia đình ông Từ Linh tại Hà Nội và câu chuyện về ông đã dần được sáng tỏ. Theo anh Hà Thạch An, con trai của Từ Linh cho biết, Từ Linh tên thật là Hà Đình Thâu, sinh năm 1928 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông là con thứ tư trong gia đình có 4 anh em trai, lại là người ít nói nên cả nhà gọi ông là Tư “lì”. Ông Tư ít nói nhưng là người thích chữ nghĩa, hóm hỉnh, vậy là sau này, chính ông đã đặt lái cái tên Tư “lì” thành ra Từ Linh, và cái tên đó đã gắn bó với ông trong hầu hết các hoạt động.
Đoàn Chuẩn và Từ Linh (1980)
Sinh thời, Từ Linh là người có nhiều tài lẻ. Ông chơi guitar, thổi kèn, thường tỉ mẩn sửa cassette, biết tiêm phòng, chụp và chơi ảnh. Nếu Đoàn Chuẩn là công tử mê xe hơi thì Từ Linh cũng chịu chơi không kém. Thời ấy, những loại máy ảnh có tiếng trên thị trường, Từ Linh cũng không tiếc công tìm về, mà cũng chỉ để chụp chơi thôi, chứ không phải để kiếm sống. Vốn xuất thân là con nhà tiểu chủ, thời thanh niên, học xong, ông cũng tự lập công ty riêng, làm về xuất nhập khẩu, làm ăn với các thương gia Hong Kong, mà một trong những công ty làm ăn phát đạt nhất là công ty Thạch An. Sau này lấy vợ sinh con, ông cũng dùng cái tên đó để đặt tên cho con trai, để mong sau này con cũng được thành công như vậy. Ông và Đoàn Chuẩn cũng chính là hai người đã hùn hạp vốn để gây dựng rạp chiếu bóng Đại Đồng. Sau này, trong đợt cải tạo công thương nghiệp tư bản, cùng với việc hãng nước mắm Vạn Vân của gia đình Đoàn Chuẩn bị tiếp quản thì rạp Đại Đồng cũng được chuyển giao lại cho nhà nước. Sau đó Từ Linh đi bộ đội, Đoàn Chuẩn ở lại Hà Nội nhưng hai người vẫn giữ mối liên hệ thân thiết cho đến sau này gặp lại.
Từ Linh là người tài hoa nhưng rất kín đáo và kiệm lời. Thậm chí có những người sống ở ngay gần nhà cũng không biết ông chính là Từ Linh trong những sáng tác chung với Đoàn Chuẩn. Ông làm thơ, chơi nhạc chỉ là để cho mình, thỏa mãn sở thích riêng mà thôi. Cả ông và Đoàn Chuẩn rất ít khi nói về việc sáng tác, dường như đó là điều mà hai ông muốn giữ riêng và chỉ nghĩ đó là những việc làm cho vui, chứ không nghĩ sẽ có ngày người ta lại muốn biết, muốn tìm hiểu đến điều đó. Vì vậy, những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật.
Tình thâm
Có người đã từng nhận xét rằng giữa Đoàn Chuẩn và Từ Linh, đó là thứ tình bạn hơn cả tình bạn, tình cảm giữa hai con người tài hoa ấy không chỉ dừng lại ở mức tri âm mà hơn thế, đó là tri kỷ.
Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác, liệu rằng, có phải vì quá thấu hiểu gan ruột của nhau, mà trong những tác phẩm âm nhạc của hai người, sự hòa quyện ấy gần như không có ranh giới. Từ giai điệu cho đến lời ca, là cả một sự gắn bó khăng khít không thể tách bạch được. Tuy nhiên, trong nhiều bản chép tay của Đoàn Chuẩn, ông luôn ghi là “Nhạc: Đoàn Chuẩn - Lời: Từ Linh”.
Từ Linh tuổi Mậu Thìn, ít hơn Đoàn Chuẩn 4 tuổi. Thuở thanh niên, Đoàn Chuẩn chơi với anh trai của Từ Linh, nhưng dần dà lại hợp với chú em là Từ Linh hơn, bởi ở hai người có sự đồng điệu về tâm hồn cũng như sở thích âm nhạc. Đoàn Chuẩn và Từ Linh, ngoài sự đồng điệu ấy thì khác nhau hoàn toàn. Trong khi Đoàn Chuẩn chỉ biết có một thứ là âm nhạc thì Từ Linh lại có rất nhiều tài lẻ, thậm chí ông còn là đấu thủ tennis, hay hí hoáy với những việc sửa chữa máy móc. Tuy nhiên, mức độ chịu chơi của hai ông cũng không kém nhau là mấy. Nếu Đoàn Chuẩn là người si tình thì Từ Linh lại rất đào hoa. Chính Từ Linh cũng có những người phụ nữ khác ngoài người vợ giỏi giang buôn bán của ông. Đặc biệt, ông cũng có riêng mình một “người em gái miền Nam” thực sự, và người phụ nữ ấy còn hạ sinh cho ông một người con gái tên là Nga, hiện sống tại Sài Gòn, tuy nhiên, do hoàn cảnh không thuận nên đến bây giờ, gia đình Từ Linh cũng chưa gặp lại được “người em gái” ấy. Cũng rất có thể, bài hát Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, chính là xuất phát từ tình cảm đó của Từ Linh, dựa trên giai điệu và tình cảm thật của Đoàn Chuẩn, cũng với người em gái của ông nữa.
Nghệ sĩ ưu tú Hà Đình Cường, cây trumpet nổi tiếng của Việt Nam là cháu gọi Từ Linh là chú ruột cũng cho biết, giữa Đoàn Chuẩn và Từ Linh, đó là một tình bạn sâu sắc không thể phủ nhận. Có những điều của hai người chỉ có hai ông biết với nhau. Họ gắn bó với nhau và cả cuộc đời giữ gìn sự gắn bó ấy, khiến nhiều người tò mò cũng không thể biết hay hiểu thêm được. Chỉ biết rằng, tình cảm mà Đoàn Chuẩn và Từ Linh dành cho nhau là một tình bạn quý giá, sâu sắc chả kém gì câu chuyện về Bá Nha với Tử Kỳ. Anh Thạch An còn nhớ có thời gian sau giải phóng, hai ông hay chụm đầu vào chiếc máy đĩa cối cùng nhau nghe nhạc, thầm thầm thì thì, rồi thỉnh thoảng lại phá lên cười với nhau. Có những lúc ngồi nghe nhạc Trịnh, ông Đoàn Chuẩn quay sang nói với Từ Linh rằng, “nhạc của ông Trịnh Công Sơn này quái thật, nhưng nhiều khi những ý tưởng của chú cũng ghê gớm không kém đâu”. Họ thường hay động viên nhau như thế.
Sau tháng 4.1975, kinh tế hai gia đình đều sa sút, Đoàn Chuẩn rắc rối với lý lịch gia đình tư sản, Từ Linh giải ngũ trở về làm nhân viên sửa máy tính ở Công ty Bách hóa tổng hợp, cuộc sống khó khăn nhưng tình bạn giữa họ vẫn vẹn nguyên. Có lẽ kinh qua những khó khăn như thế, hai con người ấy lại càng thấm thía về hai chữ tình bạn hơn bao giờ hết. Đoàn Chuẩn dù có bị những tiếng xấu thế nào, ông vẫn là một người anh, một người bạn tốt nhất của Từ Linh. Con người Đoàn Chuẩn đẹp đẽ và được kính trọng là bởi tâm hồn ông đẹp đẽ, bản chất con người ông quá tốt. “Trong suốt 6 tháng trời Từ Linh bị liệt nằm viện cho đến lúc ông qua đời (1987), ngày nào Đoàn Chuẩn cũng sang thăm Từ Linh 2 giờ. Đoàn Chuẩn ngồi xoa bóp cho Từ Linh, hai người thầm thì kể chuyện, ngày nào cũng vậy mà họ vẫn không hề có biểu hiện nhàm chán”, anh Thạch An kể.
Sau khi Từ Linh mất, Đoàn Chuẩn có sáng tác được thêm một số bài và ông vẫn ghi chung tên hai người, như một sự trân trọng đặc biệt tình bạn với người bạn, người em tri âm tri kỷ của mình.
Theo Tạp chí Người Đô Thị
***
Cuộc hạnh ngộ Đoàn Chuẩn – Từ Linh
Thy Nga ( RFA)
Trong các năm đầu kháng chiến, Đoàn Chuẩn gặp Từ Linh trong trường hợp như sau:
Thoạt tiên, Đoàn Chuẩn quen người anh nhưng rồi hợp với người em vì chú này tình tình cũng nghệ sĩ, lại có chút kiến thức về âm nhạc, thích nhiếp ảnh, yêu thiên nhiên. Hơn 4 tuổi tuy nhiên, Đoàn Chuẩn thân thiết ngay với chú em này.
“Chàng công tử Hà Thành” mang đàn đi kháng chiến, và giữa thời ly loạn, chàng không hề rũ bỏ tính chất lãng mạn của mình mà viết các nhạc bản chan chứa tình yêu.
Sáng tác đầu tay là vào mùa Thu 1947 đề tặng cô hàng cà-phê một quán trên đường tản cư.
Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Đoàn Chuẩn cho biết là viết xong, ông liền đưa cho chú em đó xem để bàn thảo, rồi ký tên chung. Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thuật lại về sự xuất phát cái tên “Từ Linh”:
Thực ra, ông ấy tên là Tư. Theo như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói thì ông ấy có cái tình rất lì, từ hồi bé. Bạn bè hay gọi là “Tư lì”. Độ thân của hai người này đến mức Đoàn Chuẩn rất muốn sự đóng góp đó hiện diện, và các ông nghĩ ra một cái tên rất đẹp là “Từ Linh”.
“Tư lì” thành ra “Từ Linh”.
Kể từ đấy, tên ghép Đoàn Chuẩn - Từ Linh ra đời, đầu tiên là trên nhạc bản “Tình nghệ sĩ”
Thời cuộc đã biến đổi… Năm 1956, cơ ngơi do mẹ cha để lại, bị tịch thâu hết, Đoàn Chuẩn cùng với vợ và đàn con rút lại ở một căn nhà nhỏ bé. Tất cả các nhạc bản của ông thì bị qui là “nhạc vàng” cấm hát, và phát trên làn sóng. Con trai trưởng của ông là Đoàn Chính kể lại:
Gia sản là bị tịch thâu đấy. Nhưng mà giai đoạn giữa cái lúc tịch thâu đó thì ông cụ có sáng tác một bài nữa, là bài “Gửi người em gái miền Nam”. Bài đó thì được đưa lên đài phát thanh một, hai lần rồi sau bị qui là “nhạc vàng” họ không cho phát, không cho hát nữa.”
Phải thay đổi lối sống, Đoàn Chuẩn dạy đàn cho qua ngày. Từ Linh cũng phải bỏ công ty xuất nhập cảng, quay sang làm nhân viên cửa hàng bách hóa, và kiếm thêm bằng việc chụp ảnh đám ma, đám cưới. Thực ra thì cả hai gia đình đều trông nhờ vào sự tần tảo buôn bán của hai bà vợ.
Đoàn Chuẩn, Từ Linh… nói chung là giới văn nghệ sĩ miền Bắc phải chịu đựng hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy mãi tới năm 1986, mới thấy tia hy vọng nhờ chính sách “đổi mới” của nhà cầm quyền. Nhà thơ Vân Long thuật lại:
“Tôi còn nhớ rất rõ trạng thái “hồi sinh” của Đoàn Chuẩn. Đó là một buổi sáng mùa Thu sau “Đổi mới” ít lâu, chiếc cassette của khách sạn Đường Sắt bất ngờ cất lên bài “Thu quyến rũ”.
Không ai bảo ai, gần hết những khách ngồi quanh đấy đều hướng mắt về Đoàn Chuẩn, tôi vươn tay qua bàn siết chặt tay ông. Còn ông, ông ngồi đờ ra, đắm chìm vào một quá khứ xa xôi nào…
Khi bài hát chấm dứt, tôi mới thấy đôi mắt ông có ánh nước, mấy người thân với ông trong quán đến bắt tay ông, chúc mừng, phá tan bầu không khí vừa chết lặng theo ông …”
Quá khứ ấy, ngoài những bóng hồng kiều diễm mà nhạc sĩ đem lòng cảm mến, có hình ảnh người bạn tri âm đã khuất xa. Đầu năm đó, Từ Linh đã từ trần. Tiếc cho Từ Linh không còn trên cõi đời để mà nghe các bản nhạc ông soạn thảo với Đoàn Chuẩn, được phép hát lại.
( Trích trong : Đoàn Chuẩn - Từ Linh, tình bạn tri kỷ trong âm nhạc – tác giả : Thy Nga )
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ