đọc thêm: " Cung Trầm Tưởng - Nhà Thơ của Việt Nam Cộng Hoà "/ Bắc Đẩu { i.e. Võ Ý 1940- / Mỹ ] -- trích: Người Việt BOSTON >
Cung Trầm Tưởng
– Nhà Thơ Của Việt Nam Cộng Hòa
Chân dung Cung Trầm Tưởng (tranh Trần Thế Vĩnh)
I/ Dẫn Nhập
Trước 04/1975, thơ của Cung Trầm Tưởng đầy những hình ảnh âm thanh và lời thơ (Cung Trầm Tưởng gọi “con chữ”, là máu thịt của tác giả) đều mang tính sáng tạo, lãng mạn. Nhiều người còn tìm thấy trong thơ của ông đầy những từ ngữ vừa tân kỳ vừa phảng phất hồn ca dao mà nữ tác giả Thụy Khuê gọi là cổ dao: (Một Hành Trình Thơ – trg 121)
Theo bà, khi tập Tình Ca ra đời (1954-1965), gồm 13 bài thơ mà Phạm Duy đã chọn 6 bài để phổ nhạc. Đó là các bài Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Đây, Chiều Đông (nguyên bản Khoác Kín), Bên Ni Bên Nớ (nb Tương Phản), và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (nb Tiễn Em).
Người miền Nam ít nhiều đã nghe qua một lần các bài nhạc phổ thơ nêu trên. Ngày nay, người dân hai miền, nếu có dịp, đều ngân nga “lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế”, nói lên tính phổ cập của thơ Cung Trầm Tưởng và nhạc Phạm Duy.
Sau 30/04/1975, Cung Trầm Tưởng đi tù cộng sản 10 năm. Trong tù, ông vẫn làm thơ (trong đầu) và thơ ông, ngoài tính cá biệt hằng hữu, còn mang tính uất hận và tính sử thi, ghi lại một giai đoạn oan khiên của dân tộc.
Tập thơ Lời Viết Hai Tay được thai nghén trong các trại tập trung lao động khổ sai từ Nam ra Bắc như Long Giao, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn và Hàm Tân.
Sau khi ra tù (1985), Cung Trầm Tưởng ra mắt Lời Viết Hai Tay và Bài Ca Níu Quan Tài tại Đức và Mỹ vào thập niên 1990.
Ông tiếp tục sáng tác những tập thơ mang tựa đề rất lạ như:
– Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định
– Thi Bá – Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ.
– Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Vần Cho Thơ
– Sáng Ký Về Người Tình Đầu.
Năm 2008, Cung Trầm Tưởng ra mắt “Cung Trầm Tưởng – Một Hành Trình Thơ – 1948–2008” (MHTT) do Tiếng Quê Hương phát hành gồm 7 tập mà tập khởi thủy từ từ trước 1975 mang tên Sóng Đầu Dòng, Tình Ca và Quá Độ.
Một Hành Trình Thơ được tái bản năm 2018, trong đó Cung Trầm Tưởng gọi ba tập Lời Viết Hai Tay, Bài Ca Níu Quan Tài và Thi Bá, Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ là Tâm Sử Thi
Xin nhắc:
1/ Lời Viết Hai Tay
“Khi hai tay bị còng khóa số 8, khi hai chân bị cùm gông thiết diệp, khi thân xác bị trói gù lưng tôm, cái tâm người thơ cũng trực tiếp bị xúc phạm, nhức nhối và khốn khổ. Tâm chập vào thể, ra một nhất nguyên. Người thơ tù biệt giam – tù của tù – lấy cái đầu viết hộ cho hai tay bị còng, làm thơ như chơi cờ tưởng.” (Cung Trầm Tưởng, MHTT, trang 130)
2/ Bài Ca Níu Quan Tài
“Nhan đề Bài Ca Níu Quan Tài được chuyển sát nghĩa từ từ Hán Việt ‘vãn ca,’ tức hát níu quan tài. Vãn còn có nghĩa là một điệu hát buồn dùng để khóc than. Sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba động tác khóc, hát và níu đã cung cấp cho người khóc Việt Nam một khả năng lột tả tối ưu nỗi đau ê chề, bề bộn của cảnh sinh ly tử biệt… Vì được viết bằng cái tâm nên sử thi này không thể không là một bản cáo trạng về tội ác của cộng sản” (Cung Trầm Tưởng, MHTT, trang 293)
3/Thi Bá – Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ
Tiếng kêu của Con Tắc Kè trong đêm vắng, biểu thị cho nỗi cô đơn. Bà Góa Phụ là nạn nhân của chế độ. Khi tuyệt vọng và cô đơn, Bà Góa Phụ mới phát hiện tiếng kêu của Con Tắc Kè, bà hàn huyên tâm sự với nó. Con Tắc Kè như thông cảm nỗi đau khổ của bà. Con Tắc Kè chính là hóa thân của Thi Bá. Tóm lại, người thi sĩ sinh ra là để ca ngợi và tô điểm cuộc sống, người thi sĩ cũng luôn tìm cách làm vơi đi nỗi khổ của thế nhân.
Tập sử thi này được hình thành như một vở kịch thơ mà “lời thoại” được đẽo gọt qua từng “con chữ” rất Cung Trầm Tưởng, vừa bình dị vừa bác học.
Chúng tôi ước mong quý bậc cao nhân để tâm đọc và bình giải tập thơ có tựa đề kỳ lạ và độc đáo này.
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng trong chương trình của Jimmy Show (Ảnh The Jimmy TV)
II/ Đặc Điểm Trong Thơ Cung Trầm Tưởng
Qua “Một Hành Trình Thơ” này, chúng tôi xin ghi nhận những đặc tính như sau:
a/ Tính Liên Tục: Tập thơ là một hành trình liên tục và xuyên suốt 60 năm, ghi nhận những thăng trầm của đời người, của dân tộc và lịch sử. Tính xuyên suốt tạo thành một dòng thơ cá biệt, có thể gọi là “Cõi Thơ Cung Trầm Tưởng”: “Riêng bản thân người viết dựa vào kinh nghiệm sáu mươi năm làm thơ của mình, nhận thấy có một liên hệ nhân quả giữa những chữ thơ gieo đầu đời và mùa gặt thơ mai sau.” (Cung Trầm Tưởng, MHHT, trang 30).
b/ Tính Sáng Tạo: Tính sáng tạo hiển hiện trong mỗi bài thơ, nó cũng hiển hiện trong mỗi “con chữ” trong mỗi câu thơ ông viết ra. Ba Thi Tập 5, 6 và 7 chính là ba thi tập mang tính sáng tạo toàn diện. Nếu hiểu sáng tạo là tạo một ngôn ngữ mới, thì Lục Bát Cung Trầm Tưởng mà nhà thơ Viên Linh gọi là “Lục Kinh Bát Quái,” là một thí dụ điển hình: “Tôi về bước bước đăm chiêu/ Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm/” (…) (Khoác Kín, MHTT, trang 73).
Cung Trầm Tưởng thời trẻ (Ảnh SĐ6KQ Blog)
c/ Tính Trữ Tình và Lãng Mạn: Tính trữ tình và lãng mạn vẫn hiển hiện sau 1975. Khi VietHome phỏng vấn về tính trữ tình trong thơ tù, Cung Trầm Tưởng trả lời: “Có chứ, và khá nhiều đấy. Chất trữ tình nó ở trong máu mình rồi, có muốn cai nó cũng không được” (…). Xin dẫn một số câu thơ: “Nhớ em trông ngóng hằng đêm/ Màn lay tưởng tóc, gối mềm tưởng da/Em về giữa lúc khuya sang/ Mênh mông đức hạnh, dịu dàng ưu tư/ Em đoan trang dáng hiền từ/ Tóc rừng thu liễu rũ bờ vai thương”. (Đường Vào Thiên Thu, MHTT, trg 211)
“Tôi làm chiếc ghế lót trăng đêm/ Mời cô ngồi xuống nồng hơi lụa/ Ðể đá như da cũng biết mềm/ (…)” (Những Dấu Chân LIZ, MHTT, trang 457).
d/ Tính Nhục Thể: Cõi Thơ Cung Trầm Tưởng xuất hiện nhiều bất ngờ mà một trong những bất ngờ thú vị là Tính Nhục Thể: “Chúng ta chỉ có đời này thôi để hưởng thụ/ Ðể ăn bùi, uống lịm, làm tình/ Và làm ra sản phụ/ Bú mớm lớn tương lai/ Cất lợp một vòm đài cho linh hồn trú ngụ.” (Nhả Tụng Cho Một Thân Xác, trang 459)
“Con chim mào đỏ về hong nắng/ Phút ấy đời trai chỉ một lần/…/Rúc tiếng còi sương, đêm khuya rách/ Một hồn con gái rớm tình yêu/ Gối chăn nồng bén hương thân thể/ Biển dưới Trường Sơn khóc mỹ miều” (Những Dấu Chân Liz, trang 450).
Tính nhục thể trong thơ Cung Trầm Tưởng mang tính ẩn dụ, thôi thúc người đọc vận dụng đến trí tưởng từ những câu thơ trau chuốt, bóng bẩy để rồi khi đã vỡ ý ra thì lại cảm thấy sung sướng, hả dạ và thích thú.
e/ Tính Phản Kháng: Khi VietHome phỏng vấn về tính phản kháng trong tù, Cung Trầm Tưởng lại trả lời: “Cũng như thơ của nhiều người tù khác, thơ của tôi có những vần phản kháng và chống kháng mãnh liệt. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Diễm gọi những vần thơ này của tôi là nộ thi. Tôi tự nghĩ rằng, nếu không làm những vần thơ phẫn uất như vậy, tôi sẽ là một kẻ đạo đức giả”. (…)
Xin trích dẫn một số câu thơ điển hình cho dòng nộ thi của tôi: “Cái đau vì nắng rần rần/ Vì thâm thù mới mười lần gớm hơn/ Mồ hôi tuột cán cuốc trơn/ Nắm cho chặt nỗi căm hờn này nhe!/…/ Một nhát quắm sâu dang đứt phựt/ Nghe vùi hun hút một phiền âu/ Hai nhát tông bay rên xiết nứa/ Nghe chôn u uất bốn buồn rầu/…/ Môt quắm. Hai tông. Ba phạt núi/ Bốn tông. Năm quắm. Sáu băng rừng/ Từng ấy rừng băng chân cứng đá/ Mai về đạp vỡ cửa lao lung/ Hãy chặt chặt sâu tông phắt phắt/ Hãy phang phang gắt quắm ào ào/ Mai về đạn nhảy ngay nòng súng/ Trực chỉ đầu thù nổ thật mau!” (MHTT, trang 558)
III/ Nghĩ Về Tâm Sử Thi
Theo thiển ý, Tâm Sử Thi là một bài thơ hay nhiều tập thơ, được thi nhân ghi lại những cảm xúc bén nhạy bằng vần điệu, đề cập đến những sự kiện tiêu biểu của một giai đoạn đặc biệt của lịch sử mà nhiều người cùng cảnh ngộ cùng thời với thi nhân đã trải qua và cảm nhận. Nhiều người cùng cảnh có thể là một cộng đồng hay một dân tộc.
Tâm Sử Thi cũng có thể là lời tự sự, hay một bức tranh vẽ lại những nét chính của toàn cảnh. Qua đó, Tâm Sử Thi phản ánh cảm nhận tập thể. Tập thể ở đây là đồng đội và đồng bào uất ức khốn cùng của thi nhân sau ngày 30/04/1975.
Đồng đội trong lao tù cộng sản (tù trong) và đồng bào (ở đây là toàn thể Dân Cán Chính của Việt Nam Cộng Hòa) đã bị cộng sản đối xử dã man hung hiểm sau khi chúng cưỡng chiếm miền Nam (tù ngoài).
“Họ lựa chọn lựa chọn ở lại với lịch sử, áp sát vào lòng thời đại để nghe bằng mắt, nhìn bằng tai và nói bằng trái tim đập nhịp đập của cộng đồng, dân tộc và nhân loại”. (Ainsi Parlait Le Poete – Cung Trầm Tưởng, trg 129)
Từ đó, tính sử thi trong thơ Cung Trầm Tưởng cũng là tính Dân tộc. Tính Dân tộc bao gồm con người Việt, không gian Việt và đấu tranh Việt
1/ Con người Việt
Con người Việt bao gồm nhiều sắc dân đã từng sống trên hoặc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, cùng chung phong tục tập quán, cùng chịu những cay nghiệt của lịch sử, cùng vinh nhục theo vận nước, cùng no đói theo những thác ghềnh kinh tế, cùng đòi hỏi dân chủ nhân quyền dưới mọi chế độ chính trị, nhất là cùng ngôn ngữ để diễn đạt những nồng ấm tình người của văn hóa Việt.
2/ Không gian Việt (thiên nhiên)
Là non sông gấm vóc Việt hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương, kéo dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, do tổ tiên Việt bao đời phát triển gìn giữ và trao lại cho con cháu đời nay.
3/ Không gian Chính trị
Là những đấu tranh chống lại ngoại xâm, chống cộng sản miền Bắc xâm lăng miền Nam, chống lại kẻ thống trị, áp bức để đòi tự do bình đẳng và nhân quyền.
Trở lại, “thơ tù của Cung Trầm Tưởng mang tính cách vỗ về, động viên, phấn khích, xoa dịu, chữa bệnh, chống đối, cõng bạn qua song, đưa đôi vai cho những mảnh đời phế tật nương vịn, làm tên phu đòn biết khóc, đào huyệt, chôn quan, truy tiễn bạn bằng một cây lau phất thay cờ hiệu” (MHTT, trg 135).
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng (Ảnh Diễn Đàn Thế Kỷ)
IV/ Dân Tộc Tính Trong Thơ Cung Trầm Tưởng.
1/Cung Trầm Tưởng và chủ nghĩa tam vô, lội ngược dòng lịch sử:
Nó cõng vua Lê và chúa Mác/ Về quê cha giết mẹ hiền lành/ Tang sô bạc xóa đầu con trẻ/ Cỏ ngút sân trường, chợ vắng tanh (MHTT – trg 206)
Tháng 5 trời hạn nắng/ Nứt đá, nẻ đồng khô/ Quê thiêng đẻ rơi Hồ/ Khởi đầu lịch hành quyết. (MHTT – trg 235).
“Hàng năm cứ tháng 9/Hồ hóa kiếp hồ tinh/ Thổi bùa lên gọi quỹ/ Trút mưa xuống Ba Đình” (MHHT – trg 229).
“Xung phong uống máu thù phanh xác”/ Lời hát đeo như một bớt chàm/ Nó tắm trong nồi da xáo thịt/ Sinh làm nô Bắc, tử binh Nam” (MHTT – trg 515)
2/Cung Trầm Tưởng và đồng đội: Tình chiến hữu là có thật ngay trong trại tù tập trung lao động khổ sai của cộng sản:
Cám ơn chim công/ Cõng ta qua sông/Mấy mùa nước lũ/ Lận đận mưa ròng/…”Công bay lên trời/ Vẫn nhìn nhớ đất/ Công chuyền cành quất/ Vẫn không quên trời/Lên trời tìm Đạo/ Xuống đất tìm Nhân/ Tìm thấy chân thân/ Trong trời đất thuận”. (MHTT – trg 192)
Tập Một Hành Trình Thơ của Cung Trầm Tưởng (Ảnh Nguoi-Viet)
Cung Trầm Tưởng từng khiêng bạn tù đi chôn cất và lòng ông như đứt đoạn với những vần thơ bi tráng:
”Gió lên như địch thổi/ Đưa ai qua trường giang/ Nay cô liêu bạt ngàn/ Tiễn ta vào bất tử”…
”Đau thương là vinh dự/ Chân đi hất hồng trần/ Anh hùng phải quên thân/ Hy sinh là tất yếu”…
”Mưa về gióng lê thê/ Nai kêu nguồn đâu đó/ Xưa nay tù ngục đỏ/ Mấy ai đã trở về”/…/”Đã đi trăm hùng vĩ/ Xông pha lắm đoạn trường/ Về làm đá hoa cương/ Gởi đời sau tạc tượng”/…(MHTT – trg 164)
3/ Cung Trầm Tưởng và nỗi thống khổ của đồng bào miền Bắc
“Bàn thờ gỗ tạp chung ba ảnh/Mốc ẩm thời gian mắt nhạt nhòa/Giấy chứng nhận chồng là liệt sĩ/ Hai con: bướm mộng về cùng cha” (MHTT, trg 529)
4/ Cung Trầm Tưởng và nỗi thống khổ của đồng bào miền Nam.
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CS áp dụng một chủ trương tàn bạo sắt máu với người dân, “một thứ bạo lực nguội vì không có khói và lửa. Một thứ lăng trì tân thời, có kế hoạch làm chảy máu trắng, nên hữu hiệu hơn một phát súng hành quyết nóng vội tại pháp trường”. (MHTT, trg 286)
“Đau vì búa, điếng vì liềm/ Cái đau đói bụng đánh chìm trí khôn”
“Lạnh từ trận gió bấc lay/ Buốt cha cóng mẹ, căm bầy con thơ”
“ Đêm Kinh Tế Mới ngủ bờ/ Về thành phố cũ ngủ nhờ sân ga/ Ngủ công viên, ngủ tha ma/ Xóa tên hộ khẩu ngủ nhà vạn gian”
“ Ngón đòn lý lịch ly kỳ/ Cha là ngụy, phạm trường quy con rồi”
“ Kinh bang sao chép Nga Tàu/ Bình quân là chặt cái đầu cao hơn/ Tiến là tại chỗ giậm chân/ Dìm miền Nam xuống cùng bần nấc thang”
“ Một bầy táng tận lương tâm/ Ăn hồ, ăn giẻ ăn vần ngày công/ Ăn tranh trẻ đói lọt lòng (1)/ Ăn lường tiếng khóc khép vòng tử sinh” (2)/
Ghi chú (1, 2): đầu cơ sữa trẻ sơ sinh và nhà hòm quốc doanh độc quyền
5/ Cung Trầm Tưởng và kiến thức dân gian và bác học.
“Chào lim lưng trời tựa/ Lẫy lừng rừng bạch dương/ Phi lao lớn phi thường/ Chào hào hùng trắc bá”/…/ “Chào glai-ơn ngôi nhất/ Rất đắt uất kim hương/ Chào thiên lý thuần hương/ Chào anh đào văn vẻ”/
“Chào đứng ngay thân bách/ Chào bất khuất xương rồng/ Chào phượng điệp sầu đông/ Chào thiết tha thược dược”
“Chào ném lao phi yến/ Thế vận hội vàng anh/ Chào khứu khách đua tranh/ Vành khuyên giòn kỷ lục”
“Nước nguồn gom làm suối/ Suối cuốn góp làm sông/ Đem sông ra làm biển/ Biển sâu muối mặn nồng/ Hóa thành giông, thành chớp/ Mang mưa trở lại nguồn”
Mưa nuôi đời phồn thực/Làm thành thế giới xanh/ Người ngoan đất cũng lành”
Vì Trời hằng muốn thế/ Trời Đất chỉ biết cho/ Nên Đất Trời bất tử” (MHTT, trg 565)
…
“Trời Lý Bạch lấp lánh/ Trăng, ta và bóng ta”/…/ “Hỏi trời Vương Phạm Chí/ Sinh ta để làm gì/ Hận ca Bạch Cư Dị/ Miên miên vô tuyệt kỹ”/…/ “Lầu trơ bóng Thôi Hiệu/ Hạc vàng khuất từ lâu”/…/ Bến sông đứng tần ngần/ Một linh hồn Đỗ Phủ”/…/ “Mạnh Giao bút sôi nhịp/ Áo con kịp ngày đi”/…/ “Chinh nhân nhạc ngựa ruổi/ Bản hùng ca Vương Hàn”/…/ “Trương Duy xoay đột ngột/ Trời siêu thực rẽ sang”/…/ “Quạ kêu trăng bàng bạc/ Trương Kế thả hồn phiêu/ Hóa đêm thành cảm giác/ Gieo bốn câu Phong Kiều”/…/ “Rồi lại Bạch Cư Dị/ Lòng rỉ xót âm thanh/ Ôm cây đàn nghiệp dĩ/ Vuốt đau Tỳ Bà Hành”/…/ (MHTT, trg 200)
6/ Cung Trầm Tưởng và tù phụ
Người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đã hứng chịu bao gian truân vì chồng con vì đất nước, một đất nước triền miên chiến tranh với thù trong giặc ngoài. Đặc biệt trong cuộc chiến ý thức hệ vừa qua, những bà mẹ, bà vợ của người tù lao động khổ sai dưới dạng cải tạo, sự gian truân của họ thành cấp số nhân:
“Liềm thù lại hái thêm cô phụ/ Chồng chết nằm co manh chiếu tù” (MHTT, 159)
“Mưa gió quất lưng tre cong phần phật”/…/ “Đất lầy lội, đường quê trơn khấp khểnh/ Mẹ long đong lận đận dáng lưng gù” (MHTT, 203)
“Có chồng mà tưởng như chồng mất/ Hương nhang đã cháy ở trong lòng/ Em là dòng dõi nàng Tô Thị/ Nghìn năm hóa đá vẫn chờ mong”/…/ “Tóc vấn phong ba em đứng mũi/ Một thuyền lèo lái cõi càn khôn” (MHHT, trg 207)
“Da nhăn, thịt lõm, xương lòi/ Bảy mươi tuổi mẹ khóc đòi chồng con/ Trả tôi mảnh đất vuông tròn/ Ruộng vườn là lẽ sống còn của tôi”/…/ “Tôi không đòi đẹp đòi cao/ Tôi đòi trả giọt máu đào tôi nuôi/ Tôi đòi trả xác chồng tôi/ Dâu hèn cháu mọn các người không tha/ Tôi đòi trả mả mẹ cha/ Dừa thôn yêu dấu, xoài nhà mến thương”/…/ (MHTT, trg 324)
V/ Tạm Kết
Trong Lời Tựa của tập thơ “Lời Viết Hai Tay” Cung Trầm Tưởng có ghi: “Người thơ xưa nói lên tâm thức bộ lạc. Người thơ tù ‘cải tạo’ bây giờ, một nạn nhân kiêm chứng nhân, nói lên tâm thức cộng đồng của những người tù cải tạo”.
Cộng đồng ở đây là quân dân miền Nam, là Việt Nam Cộng Hòa.
Dùng thơ để diễn đạt tâm tình riêng là chuyện bình thường. Trong Tâm Sử Thi, Cung Trầm Tưởng đã dùng thơ để diễn đạt tình và cảnh của người tù trong “trại cải tạo” lẫn đồng bào ở ngoài xã hội (tù ngoài) do cộng sản áp đặt, qua sáu dẫn chứng vừa nêu, là cả một “quá trình động não” phi thường!
Không phải chỉ có “nộ thi”, thơ Cung Trầm Tưởng còn là chứng nhân, là một chiến sĩ văn hóa, mang sứ mạng “giúp nhau viết lại từng trang sử” về một chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử.
“Thơ bị nhốt, thơ gào ánh sáng/ Xé toang tăm tối, vạch ngu lầm/ Bây giờ thơ phải cùng tay súng/ Giải phóng con người bị hãm giam”/ Hãy gắng cùng nhau gìn trí nhớ/ Giữa rừng dày đặc lưỡi điêu ngoa/ Giúp nhau viết lại từng trang sử/ Trả bút cho nhân chứng thật thà” (MHHT, 252).
Không riêng gì Tâm Sử Thi mà cả Một Hành Trình Thơ 60 năm (1948-2018) của Cung Trầm Tưởng, là một đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam, cho một dân tộc có truyền thống hiếu học (nhất sĩ nhì nông), cách riêng, qua mấy vần lục bát truyền cảm nói về chữ nghĩa trong Bài Ca Níu Quan Tài, diễn đạt lúc người tù trở về:
…/ “Giá còn sách gấm hằng thân/ Mẹ vùi giấu lúc lửa Tần bùng thiêu/ Hỏi thăm con đủ trăm điều/ Nhẫn đành bán vốn, sách liều cất chôn/ Sách là máu dưỡng trí khôn/ Chữ là một nửa thần hồn cha con/ Chữ thành ra nước hóa non/ Bia tan đá nát, tiếng còn truyền lưu/ Quỷ dù trăm chước nghìn mưu/ Sách còn ghi trận phục cừu nhuốc nhơ”/…/ (MHTT, trg 331).
Là một bạn tù của Cung Trầm Tưởng, tôi từng vịn câu thơ của ông để đứng dậy trong ngục tù. Tôi cũng học theo nhân cách của cây vầu trong bài Biểu Tượng của Cung tiên sinh: “vầu đanh như thép sáng ngời, nắng mưa thì vẫn trọn đời đứng ngay”.
Đó cũng là cách vinh danh một thi sĩ cũng là một chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa, của Dân Tộc Việt Nam không cộng sản.
Bắc Đẩu- VÕ Ý
theo SGN News ngày 13 tháng 5, 2022
---------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ