Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

đọc thêm (1) : " Bùi Giáng trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 "/ Trần Hoài Anh / tphcm - trích: www.vanchuongviet.org>

 

Bùi Giáng trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975

Trần Hoài Anh

 

                                 

                                       

            1. Nói đến Bùi Giáng, người ta thường nghĩ đến một nhà thơ vừa quen lại vừa lạ. Quen vì thơ ông vốn mang âm hưởng lục bát của ca dao, của truyện Kiều, dễ thuộc, dễ nhớ, được nhiều người yêu mến, tìm đọc. Nhưng lạ, vì để hiểu đời và thơ Bùi Giáng là điều không đơn giản. Vì vậy, Bùi Giáng luôn là một hiện tượng thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài nước từ khi ông còn hiện hữu trên cõi đời cho đến lúc ông đi ra ngoài cõi sống.

 

       Trong văn học miền Nam 1954 – 1975, đời và thơ Bùi Giáng luôn được các nhà phê bình văn học chủ tâm nghiên cứu. Bùi Giáng đã hiện diện trong các công trình phê bình, nghiên cứu văn học ở miền Nam như: Những nhà thơ hôm nay (Nhà văn Việt Nam xb, Sài Gòn, 1957) của Nguyễn Đình Tuyến; Văn học hiện đại, thi ca và thi nhân (Quần Chúng xuất bản, Sài Gòn, 1969) của Cao Thế Dung; Những Khuynh hương trong thi ca Việt Nam (Khai Trí xb, Sài Gòn, 1962) của Minh Huy; Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960 (Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn, 1969) của Uyên Thao; Tác giả tác phẩm (Tác giả Xb. Sài Gòn, 1973) của Trần Tuấn Kiệt... Đặc biệt cùng với Trịnh Công Sơn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Thế Uyên, Thế Phong, Võ Hồng, Bùi Giáng là một trong mười khuôn mặt văn nghệ được Tạ Tỵ nói đến trong tác phẩm chân dung văn nghệ có tên Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay nổi tiếng của mình do Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1972.

 

            Và càng đặc biệt hơn khi Tạp chí Văn, một trong những tạp chí nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín trong đời sống văn học miền Nam trước 1975 đã dành hẳn số 11 ra ngày 18/5/1973 để giới thiệu về Bùi Giáng với các bài: “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” của Thanh Tâm Tuyền; “Thi ca và tư tưởng” của Tuệ Sỹ; “Bùi Giáng, về cố quận” của Nam Chữ; “Bùi Giáng, cải lương ca” của Cao Huy Khanh; “Bùi Giáng trên đường về cố hương” của Trần Hữu Cư; “Ẩn ngữ, cung bậc thi ca” của Thục Khưu; “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng” của Trần Tuấn Kiệt; “Thư từ” trao đổi giữa Nguyễn Xuân Hoàng và Bùi Giáng và một số sáng tác thơ, văn của ông …

 

        Ngoài ra Bùi Giáng còn xuất hiện trên nhiều báo, tạp chí, công trình nghiên cứu khác ở miền Nam trước 1975 mà do điều kiện khó khăn về việc tìm kiếm tư liệu, người viết bài này chưa có thể sưu tập được. Tuy nhiên qua những gì hiện có, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng Bùi Giáng là một trong những hiện tượng văn học khá nổi bật thu hút ngòi bút của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Và nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng là một hiện tượng, người yêu thơ phải nhìn Bùi Giáng qua phong cách độc đáo, ở đấy, mỗi dòng, mỗi chữ, mỗi ý, được viết ra là máu thịt của thi nhân dâng hiến cho đời. Thơ Bùi Giáng không thuộc trường phái nào hết. Nó không cũ, chẳng mới. Nó có thể là thơ, là tư tưởng, đôi khi thơ và tư tưởng lẫn lộn giao hòa tạo thành một vùng “mờ mịt thức mây”. Thơ Bùi Giáng như cơn đau chưa dứt, như nỗi bàng hoàng chiêm bao chợt tỉnh, để rồi lại chìm vào chiêm bao khác. Nó bâng khuâng ở mỗi vần, mỗi chữ. Có lúc, nó buồn bả như niềm tuyệt vọng! Người yêu thơ cứ phải men lần theo, như đi trên một hành lang trú ngụ. Nhiều điều bí mật. Mỗi khúc quanh lại mở ra những kỳ dị phi thường” (1)

 

            Nhận định trên đây của Tạ Tỵ về Bùi Giáng có lẽ cũng là cảm thức chung của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975  khi nghiên cứu về đời và thơ Bùi Giáng.

 

            2. Buffon nói “Văn là người”. Điều đó rất đúng với Bùi Giáng. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi người của Bùi Giáng. Mà cuộc đời Bùi Giáng thì phiêu bồng như thơ ông. Vì vậy, để hiểu đời và thơ Bùi Giáng có lẽ người đọc cũng phải để hồn mình bồng bềnh phiêu lãng trong cõi thơ của ông. Bởi Bùi Giáng đã từng quan niệm “Cõi thơ là cõi bồng phiêu ”. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi bồng phiêu của đời Ông. Vì vậy khi tìm hiểu các bài nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 viết về Bùi Giáng, chúng tôi đều thấy chất phiêu bồng này đan xen trong tâm thức và cảm quan của người viết. Thế nên, để hiểu Bùi Giáng, các nhà phê bình, nghiên cứu phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn, nhiều hệ quy chiếu khác nhau thì may ra mới chạm đến cõi thơ và cõi đời Bùi Giáng. Bởi theo Tạ Tỵ, Bùi Giáng là người “đã đi vào chiêm bao giữa cuộc sống vì cuộc sống vừa khủng khiếp vừa nên thơ, con người không thể dùng lý luận để biện minh phải trái. Nhưng dù nói gì mặc lòng, đích thực thơ Bùi Giáng bị cái hàng rào triết học bủa vây thật chặt chẽ” (2). Và theo chúng tôi, đây chính là một yếu tính trong đời và thơ Bùi Giáng.

 

        Nói đến thơ và đời Bùi Giáng là nói đến sự hợp hôn diệu kỳ giữa thi ca và triết học. Chính vì vậy đi vào cõi thơ Bùi Giáng, người đọc cần có một tầm đón đợi phù hợp, phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau cùng với một vốn sống, vốn văn hóa phong phú may ra mới thấu cảm được với hồn thơ của thi sĩ. Đây cũng là điều mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 tập trung lý giải. Bởi theo Nguyễn Đình Tuyến “Thơ Bùi Giáng được rất nhiều ca tụng nhưng đồng thời cũng gặp nhiều ngộ nhận. Đó là hiện tượng không thể tránh được đối với các thi tài lớn. Từ lâu, nhà thơ đã linh cảm những bất trắc trên đường sự nghiệp, nhưng với một khát vọng thiết tha và mãnh liệt khởi sự từ mưa nguồn chớp bể, nhà thơ vẫn đi theo tiếng gọi của nàng thơ và không thể chiều ý tất cả chúng ta” (3)

 

            Tuy nhiên với sự đồng cảm và tri âm sâu sắc của những tâm hồn đồng điệu, các nhà phê bình văn học ở miền Nam đã đến với đời và thơ Bùi Giáng bằng một sự trân quí, sẻ chia. Chính vì vậy, trước bao nhiêu câu hỏi của người đời về hiện tượng điên hay không điên của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền trong bài viết “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” với tất cả sự cảm nhận, tinh tế của một thi sĩ và trách nhiệm của một nhà phê bình đã xác tín “Không. Bùi Giáng không điên, ông là một nhà thơ sáng suốt cực kỳ. Ông là một nhà thơ “ngộ”. Đừng hiểu chữ “ngộ” trong cái nghĩa đơn giản của Đạo giáo…” (4). Và chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định này của Thanh Tâm Tuyền.


            Quả thật, Bùi Giáng không phải là một nhà thơ điên như có người nhầm lẫn. Trạng thái điên “nếu có” ở Bùi Giáng chính là sự phóng chiếu của những ẩn ức, đam mê trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Và nếu nhìn từ lý thuyết phân tâm học của Freud chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề này. Chính vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học miền Nam trước 1975, Bùi Giáng là một thi nhân luôn gắn với cuộc sống con người và hồn thơ của ông luôn neo đậu trong cõi người. Nếu có phiêu bồng thì đó chỉ là sự phiêu bồng của những phút thăng hoa trong sáng tạo. Nói như Cao Thế Dung: “Đọc thơ Bùi Giáng ai cũng nhận thấy có cái độc đáo từ chiều sâu thẳm trong cõi tiềm thức. Chiều sâu ấy như chiều sâu của vô cùng với khắc khoải của khát vọng từ xa vắng người mà rất người” (5). Và cũng theo Cao Thế Dung, tìm vào cõi thơ Bùi Giáng: “người ta chợt nhớ ra cái bóng dáng xa xăm của Verlaine khi bắt đầu dấn thân vào cuộc đời. Nỗi buồn của thơ Bùi Giáng tựa như âm thừa của trận mưa nguồn, của cỏ nội. Nỗi buồn dâng thiệt cao trong cơn say rồi thoát giữa hư vô để tìm lại bóng con người. Nỗi buồn ấy thấm sâu rồi lan nhẹ theo từng mảnh tâm tư trước cơn dao động của ý thức” (6)


            Song cõi thơ Bùi Giáng không chỉ đậm đặc nỗi buồn mà còn chất đầy nỗi cô đơn của thân phận trước những dâu bể cuộc đời. Nỗi cô đơn ấy nhiều khi ám ảnh cả đời người  mà nếu không “vịn” vào một cái gì đó để “đứng dậy” thì con người cũng dễ bị gục ngã trước cuộc sống. Trong cõi thơ Bùi Giáng nỗi cô đơn là một căn tính mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 đều nhận thấy. Vì vậy, khi nhận định về vũ trụ thơ Bùi Giáng, Tạ Tỵ đã thốt lên một cách xa xót: “Bùi Giáng thường gặp mình giữa hồn mình. Cô đơn và cô đơn trước bạt ngàn vướng mắc” (7). Còn Trần Hữu Cư thì cho rằng: “Bùi Giáng vẫn còn đó, có lẽ Bùi Giáng chỉ nhận những lời ngợi khen hay thống trách, nhưng có lẽ quá hiếm người hiểu ông muốn làm gì trên cõi đời này… Cho nên Bùi Giáng vẫn sống cô độc” (8)


            Quả thật những suy nghĩ của Tạ Tỵ và Trần Hữu Cư về nỗi cô đơn trong đời và thơ Bùi Giáng thật đúng với cõi đời và cõi thơ của ông. Cô đơn vốn là một căn tính trong bản thể. Tùy theo thân phận / nhân vị của mỗi người mà nỗi cô đơn đó hiện hữu như thế nào!? Ở Bùi Giáng, theo chúng tôi, nỗi cô đơn của ông là nổi cô đơn của định mệnh, của duyên nghiệp. Ông không chỉ cô đơn trong đời mà còn cô đơn trong thơ, cô đơn trong tư tưởng của mình. Sự cô đơn ở Bùi Giáng như một hệ lụy tất yếu của số phận, không thể lý giải. Vì thế, đã lâu rồi, người ta vẫn cứ đặt nhiều câu hỏi về đời và thơ của ông. Và từ những góc nhìn, những suy tưởng riêng của mình mà mỗi người có cách lý giải khác nhau. Nhưng nếu bảo rằng chúng ta đã hiểu và chia sẻ hết những gì hiện hữu trong đời và thơ Bùi Giáng, thì đó là điều không thể !? Nói như Trần Hữu Cư: “Bùi Giáng vẫn sống trong cô độc”. Bởi theo Tạ Tỵ: “Thơ với Bùi Giáng đích thị không phải là cứu cánh, chỉ được thực hiện nhằm giải tỏa ám ảnh về thân phận trong vòng đai cuộc sống nhiều băn khoăn với ý thức siêu hình”. (9) 


            Vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam, thơ Bùi Giáng là “cuộc hội thoại giữa thi ca và tưởng…”. Nó “luôn luôn là những tương ứng của chung và riêng” (10). Và cuộc hội thoại nầy chính là một đặc điểm trong thi pháp thơ Bùi Giáng mà theo Cao Huy Khanh trong bài tiểu luận “Bùi Giáng, cải lương ca” thì “Văn chương Bùi Giáng là một nỗ lực giải quyết và thực hiện tư tưởng triết lý tồn sinh một cách sống động và thơ mộng” (11). Tính chất triết lý này chi phối rất sâu sắc cõi sống và cõi thơ của Bùi Giáng. Vì vậy, Tạ Tỵ cho rằng: “Bùi Giáng đi vào cõi thơ luôn đeo bên mình niềm ám ảnh của triết học” (12). Và chính vì thế “Bùi Giáng làm thơ nhưng chẳng bao giờ thừa nhận thi ca là lẽ sống duy nhất của đời mình. Người thơ coi kiếp sống như một hiện hữu bất đắc dĩ, nên làm thơ cho khuây khỏa ám ảnh, cái ám ảnh thực sâu đậm bi thương giữa cõi đời hỗn mang và suy tưởng thuần khiết” (13). Và cũng theo Tạ Tỵ: “Bùi Giáng thoát hồn vào ảo giác để nhận ra sự thật” (14). Nhận xét nầy có thể xem là một gợi mở, là chìa khóa để giải mã hành trình sáng tạo thơ của Bùi Giáng cũng như sự hiện hữu khá dị thường của ông trong cuộc đời mà hiện nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp!?


            Một điều lý thú mà hầu hết các nhà phê bình ở miền Nam trước 1975 đều tập trung nghiên cứu với những nhận định khá sâu sắc và xác đáng đó là lĩnh vực ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ trong thơ bao giờ cũng là một trong những giá trị đặc biệt làm nên phong cách nhà thơ. Ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là một vũ trụ ngôn ngữ mà ở đó cuộc hôn phối diệu kỳ giữa thi ca và tư tưởng được thể hiện một cách sâu sắc. Vũ trụ ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là vũ trụ của những tiếng nói vang vọng từ trong chiều sâu tâm thức và tâm cảm cho nên nó là một thứ ngôn ngữ phi / siêu logic, ngôn ngữ nghệ thuật phi / siêu nghệ thuật. Vì vậy trong cái nhìn của Cao Thế Dung “Thơ Bùi Giáng vốn là sự khó hiểu vì ông đã phá cái trật tự của ngôn ngữ, ông đã đảo lộn cái cơ cấu tạo hình ngôn ngữ. Ngôn ngữ qua thơ ông chỉ còn là một thứ trò chơi. Ông dỡn với từng chữ, đùa cợt với âm thanh thơ” (15) . Còn Tạ Tỵ lại cho rằng: “Thơ Bùi Giáng mang nhiều ẩn dụ ở chiều sâu ngôn ngữ” (16). Và theo Nam Chữ: “Mặc dầu có khi trái ngược nhau đến cực độ, ngôn ngữ thi ca của ông (Bùi Giáng - THA) ngụ ý một cách sâu xa. Người ta biết rõ ràng những dung từ khó khăn nhất, những âm vận ngắn củn nhất, đôi lúc đến quá liều lĩnh, khi đi vào trong cung cách lập ngôn của ông đều trở nên linh hoạt dị thường, đều trở nên nhẹ nhàng và âm điệu réo rắc như nhịp tấu của một tay gảy đàn tài tử, không còn câu nệ ở hình thức cây đàn nữa”. (17)


         Mặt khác, từ góc nhìn truyền thống Cao Huy Khanh cho rằng: “Thơ Bùi Giáng cốt yếu là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo tựu thành từ mối đam mê nguồn thơ lục bát (đặc biệt truyện Kiều) phối hợp với âm điệu ca dao thuần túy dân tộc” (18). Song phải chăng, ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thi ca và tư tưởng, giữa nghệ thuật và triết học. Và điều nầy đã tạo nên một phẩm chất riêng có trong thơ ông, nên khi nhận định về ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, Nguyễn Đình Tuyến cho rằng: “lời thơ rộng rãi luôn luôn thay đổi bình diện, thâm trầm trang nhã mà không xa lời ca nơi đồng ruộng, thôn trang, bình dị mà tân kỳ, đó là tính chất của thơ Bùi Giáng” (19)


            Tuy nhiên khi nói đến ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, các nhà phê bình văn học không chỉ nói đến mặt sáng tạo, mặt thành tựu mà còn chỉ ra những mặt hạn chế. Đó là sự dễ dãi, đùa cợt, sáo rỗng trong ngôn ngữ ở một số bài thơ của Bùi Giáng mà theo Cao Thế Dung là kỹ thuật thơ của Bùi Giáng “chưa phải là điêu luyện vì cách sử dụng ngôn ngữ của ông còn nhiều điểm đáng chê vì nó không thể hiện được phần yếu tính của thơ”. (20) Không những thế, Cao Thế Dung còn cho rằng có lúc Bùi Giáng sử dụng những “ngôn từ quá cũ, sáo rỗng, chẳng hạn như “Nữ Chúa Nương” và nhiều khi còn dùng những ngôn ngữ mà với thi ca nó sẽ tầm thường như con chuồn chuồn, con kiến” (21) 

 

            Theo chúng tôi, ý kiến nầy tuy có phần xác đáng nhưng cực đoan. Vì không nhất thiết cứ là thơ thì ngôn ngữ phải là những “lời có cánh” bay bỗng, sang trọng, xa cách cuộc sống đời thường. Và nếu cho rằng dùng những ngôn từ trong cuộc sống làng quê như chuồn chuồn, con kiến sẽ làm tầm thường hóa thơ ca thì đây là ý nghĩ có phần hàm hồ . Bởi vì, ngôn ngữ thơ, suy cho cùng cũng là ngôn ngữ từ đời sống được nhà thơ chưng cất lên mà thôi. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây, là nghệ thuật và kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ như thế nào trong quá trình sáng tạo thơ ca, chứ không phải là việc dùng từ “bình dân” hay “bác học”. Bởi lẽ, nói như Rimbaud: “Tiếng nói kia của nhà thơ sẽ là hồn của tâm hồn, thu gom hết sự vật, hương, thanh sắc, nó sẽ là ý tưởng móc vào ý tưởng mà lôi kéo đi”. (22)

 

            Một bình diện khác trong thế giới nghệ thuật thơ Bùi Giáng mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam cũng đề cập đến đó là giọng điệu mà theo Uyên Thao: “Bùi Giáng cũng tạo được một cái lạ” đó là “cái ngang” và chính “cái ngang” này đã làm cho “Bùi Giáng có cái giọng bạt đó và cái giọng bạt đã ảnh hưởng vào âm vận của thơ Giáng” (23). Và trong cái nhìn của Uyên Thao thì Bùi Giáng là một trong không nhiều gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam.

 

            Thục Khưu trong bài Ấn ngữ, cung bậc thi ca Bùi Giáng, đã cảm nhận vẻ đẹp trong giọng điệu thơ Bùi Giáng bằng những cảm xúc rất tinh tế và sâu sắc. Theo Thục Khưu cái ngân nga trong thơ điệu Bùi Giáng “là một bức thông điệp mỹ miều đồ sộ của tâm hồn” (24). Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Giọng điệu trong thơ bao giờ cũng là giọng điệu của tâm hồn thi nhân. Đây là một trong những yếu tố thi pháp làm nên nét riêng trong phong cách của mỗi thi nhân. Giọng điệu ấy bao giờ cũng là phương thức hữu hiệu nhất chuyển tải tâm thức và tâm cảm của thi nhân đến người tiếp nhận. Vì thế, Tạ Tỵ cho rằng: “Thơ Bùi Giáng súc tích chứa đựng nhiều u uẩn. Cái khung trời sáng láng hồn hậu chan hòa mơ ước, phiêu bồng của buổi nào xa xôi, vẫn thấp thoáng hiện về trong thi nhân qua những vần điệu” (25).


Không chỉ lạ lẫm trong giọng điệu, thơ Bùi Giáng cũng khám phá nhiều lĩnh vực của hiện thực và đó là một hiện thực luôn vận động: từ truyền thống đến hiện đại, từ thế giới hữu hình đến vô hình, từ hiện thực cuộc đời đến hiện thực tâm linh... Sự vận động này vô cùng linh hoạt và biến sinh theo sự biến đổi của đời sống. Nó phiêu bồng và chuyển dịch như cuộc đời của thi nhân. Chính vì lẽ đó, Nam Chữ cho rằng: “Phần lớn, đề tài trong thi ca Bùi Giáng còn phức tạp hơn cả người ta tưởng tượng được. Nó còn đảo lộn hơn cả cái người ta hiểu. Nghĩa là đã có một sức cảm quan như vượt qua sự rung động thuận lợi của một cá nhân hơn là một con người” (26). Vì vậy, cũng theo Nam Chữ hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng cũng là một hành trình đi từ chối bỏ đến tham dự, từ ngoại vi đến trung tâm... Và đây là một hành trình lâu dài.


Ta hãy nghe Nam Chữ giãi bày hết sức thành thực về hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng trong đời sống văn học lúc bấy giờ: “Một trường hợp rất bi đát nhưng có thực trong đất nước Việt Nam này, chúng ta có ngờ nỗi đâu một người suốt đời tận tụy với nghệ thuật, đã có hơn mấy chục tác phẩm được in ra (tiểu luận, phê bình, dịch, thi ca…) giờ đây lại thêm một mớ tóc trắng phất phơ về chiều, trừ một số rất ít chịu thần phục, thơ ông, lại gần như không có độc giả… Một vài tác phẩm, nhất là về thi ca cái giá trị đúng mức của nó, lần đầu tiên xuất hiện đã không được đón nhận rộn rịp như một số thi sĩ trước ông và sau ông vài năm. Thực ra phải đợi đến nhiều năm, gần 10 năm sau tác phẩm thơ ca của ông ra đời người ta mới hốt hoảng và tìm đọc lại những tác phẩm trước kia của ông” (27). Phải chăng, đây cũng là qui luật hằng thường trong tiếp nhận các hiện tượng văn học của người đời. Đến nỗi, một thiên tài như Nguyễn Du mà còn phải thở than: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như... nghe sao mà chua chát thế!

 

Và cũng theo Nam Chữ cách lập ngôn của Bùi Giáng “là cách ông muốn im lặng đến cùng. Ông muốn nói một thứ tiếng nói im lặng, chẳng ai hiểu ông cả. Trừ phi một người nào đó trong chúng ta cùng đứng trên vực thẳm lặng lờ như ông, cùng nhìn xuống đáy sâu không đáy kia.” (28). Theo chúng tôi cái im lặng của Bùi Giáng là im lặng của một người đã đốn ngộ. Và ông dùng thơ ca để chuyển tải sự im lặng của mình như một ứng phó trước những nhiễu nhương của cuộc đời mà ông chỉ dự phần như một kẻ bên lề.

 

Song, cuộc đời đã không để Bùi Giáng sống trong lặng im. Bởi càng ngày, người yêu thơ Bùi Giáng, người quí mến, kính trọng văn tài của Bùi Giáng càng nhiều và luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đây có phải là niềm hạnh phúc với ông chăng?! Bởi như Trần Tuấn Kiệt trong bài viết chung quanh vấn đề Bùi Giáng đã xác quyết: “Ta có thể so sánh con người Bùi Giáng ngày nay với Đức Phật thời Ngài mới bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Trong khi đó ma vương quỉ sứ và môn đệ Bà La Môn giáo đến châm chích đủ điều. Nhưng Đức Phật vẫn là Đức Phật và ma quỉ gì đó vẫn là ma quỉ” (29)

 

3. Có thể nói, Bùi Giáng hiện hữu giữa đời như một ngôi sao lạ, mà theo thời gian, hào quang của nó chắc chắn sẽ còn mãi tỏa sáng. Cuộc đời và văn nghiệp của ông có thể còn những uẩn khúc, những bí mật cần được giải mã. Song một điều, ai cũng phải thừa nhận đó là tài năng của ông.  Những tháng năm còn “làm kiếp con người” (từ dùng của TCS), Bùi Giáng chẳng có gì cả: học vị, học hàm, địa vị xã hội, tài sản... nghĩa là ông không có một chút lợi danh gì cả ngoài những ngày tháng phiêu bồng. Ông là một người “vô sản” đúng nghĩa chứ không phải là những người “vô sản” chỉ được phủ một lớp vỏ danh từ. Nhưng tài sản mà ông để lại cho đời thật vô giá nhất là sự nghiệp thơ ca của ông mà nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng không nói gì cả, nhưng toàn bộ thi phẩm của Bùi Giáng đã khơi động một trời thơ rộng rinh, bát ngát. Thi nhân không dấn thân vào đâu hết, coi cuộc đời như cõi dong chơi tạm bợ. Làm thơ cũng là đi vào thơ như đi vào cõi vô định. Không có chọn lựa hay thử thách chỉ có xúc cảm và ngôn ngữ giao thoa, diễn đạt những gì ám ảnh trong hồn” (30)

 

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước. Và theo Trần Hữu Cư cảm hứng “tư cố hương” là một niềm khắc khoải không nguôi trong thơ Bùi Giáng. Vì vậy “Tất cả những gì ông làm trong thơ, viết lách, dịch thuật…v…v… tất cả đều làm một cuộc lên đường tìm lại một “màu hoa trên ngàn”, một “tình yêu quê hương” cho thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống trong nỗi mất quê hương” (31) Phải chăng đây là cái gốc tạo nên hệ giá trị nhân bản của mọi sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng trong đó có thơ ca mà theo Cao Thế Dung đó là “biết yêu sự thực, biết quí trọng những gì cao đẹp trong con người, tình yêu, nghệ thuật” (32)

 

Chính giá trị nhân bản này là bệ phóng chắp cánh cho hành trình sáng tạo của ông và nó cũng là nhân tố kết nối ông với cuộc đời, với con người, làm cho văn nghiệp của ông nói chung và thơ ca nói riêng sẽ vượt lên mọi giới hạn để mãi mãi tỏa hương trong  cuộc đời. Và có thể nói, Bùi Giáng là người đã vượt qua giới hạn của vận mệnh con người và định mệnh nghệ thuật để vươn đến sự bất tử thường hằng như những câu thơ giản dị mà đầy tính triết luận của ông:


                                   Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

                              Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.

                                  Gọi tên rằng một, hai, ba

                            Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.


           

                                          TRẦN HOÀI ANH

                      Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp: 16/8/2013

            ( Bài viết nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất nhà thơ Bùi Giáng.)



----------



Chú thích:

(1) (2) (7) (9) (12) (13) (14) (16) (25) (30) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1973, tr.583 – 584, tr. 563, tr.557, tr.568, tr.571, tr.575, tr.575, tr.579, tr.563, tr. 587.

    

(3) (19) Nguyễn Đình Tuyến, Những nhà thơ hôm nay, Nhà văn Việt Nam xuất bản, Sài Gòn 1967, tr.18, tr.17.


(4) Thanh Tâm Tuyền,  “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn”, Văn số 11, ra ngày 18 /5/ 1973,  tr.8


(5) (6) (15) (20) (21) (32) Cao Thế Dung, Văn học hiện đại thi ca và thi nhân, Quần chúng xuất bản, Sài Gòn 1969, tr. 42; 42, tr.44,  tr.48, tr.48, tr.48


(8) (31) Trần Hữu Cư, “Bùi Giáng trên đường về cố hương”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.69, tr.56


(10) Tuệ Sỹ,  “Thi ca và tư tưởng”, Văn số 11 ra ngày 18/5/1973, tr.27

(11) (18) Cao Huy Khanh “Bùi Giáng, cải lương ca” Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973 tr.60, tr.65


(17) (26) (27) (28) Nam Chữ, “Bùi Giáng, về cố quận”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973  tr.45, tr.43, tr.43, tr.48


(22) Trần Hoài Anh , Thơ - Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2010, tr. 280



(23) Uyên Thao, Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960, Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn 1969, tr.455


(24) Thục Khưu, “Ẫn ngữ, cung bậc thi ca”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.74

(29) Trần Tuấn Kiệt, “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr. 79

 

          

Trần Hoài Anh


------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét