Đi tìm mỹ cảm văn chương
Vanvn- Đi tìm Mỹ cảm văn chương là tên tập tiểu luận phê bình thứ sáu của tác giả Trần Hoài Anh, ra mắt bạn đọc cuối năm 2020 với hơn 400 trang sách phê bình, giới thiệu tác giả, tác phẩm dưới góc nhìn “mỹ cảm”, anh đã chọn lựa, vận dụng nhiều lý thuyết đương đại để nghiên cứu, bình giải, soi chiếu làm phong phú thêm gương mặt tác giả, tác phẩm trước đây ta từng đọc như: Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn; Đời và thơ Nguyễn Bính trong di sản văn học miền Nam trước 1975; Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ…
Mười ba bài viết ở phần Mỹ cảm văn chương nhìn từ thơ Việt Nam hiện đại có sức cuốn hút bởi chính góc nhìn, góc tiếp cận tác phẩm, tác giả, được sắp xếp đan xen làm cho ta quên đi sự ngăn cách của hai nền văn chương Nam Bắc suốt mấy chục năm ròng đất nước bị cắt chia. Giờ nhìn lại vẫn chung một hồn cốt, một vẻ đẹp văn hóa, đạo đức, tình người, một khát vọng thống nhất non sông! Đây là thế mạnh của Trần Hoài Anh, một cây bút phê bình lý luận được nuôi dưỡng bằng cả hai bầu sữa dân tộc, sinh ra, lớn lên, học tập ở miền Nam trước 1975. Đất nước giải phóng được hòa vào dòng chảy văn chương cách mạng miền Bắc, rồi ngọn gió đổi mới nền kinh tế chính trị nước nhà, không chỉ cho anh kiến thức, tư liệu cuộc sống, mà đặt anh vào những ngẫm suy về dân tộc của mình sau gần thế kỷ đau thương, anh dũng! Giúp anh vượt qua những mặc cảm, giới hạn của thời đại, nói lên bản chất cái đẹp có thật của văn chương Việt Nam mà ta đã có, những Nguyễn Sa, Nguyễn Vỹ, Bích Khê… ở miền Nam và thơ Lưu Quang Vũ ở miền Bắc,…
Lâu nay khi nhắc tới Lưu Quang Vũ người ta thường nghĩ, đây là tác gia sân khấu nổi tiếng đã thổi bùng lên ngọn lửa cho kịch trường thời đổi mới. Những bài viết về thơ Vũ trước đây thường né tránh, nhạt nhòa… qua “Cảm thức hiện sinh của Trần Hoài Anh, thơ Vũ đã hiện lên thành một dòng chảy cuộn xiết, nóng bỏng với những day dứt thương đau… mà nguyên nhân là do chiến tranh tàn phá ác độc, con người chỉ còn là những sinh vật hy sinh không lối thoát… đưa thơ Lưu Quang Vũ lên tầm vóc nhà thơ hàng đầu thời chống Mỹ cứu nước!
Nhà thơ Nguyễn Vỹ từ lớp thi nhân tiền chiến chỉ được Hoài Thanh phác họa vài nét, chỉ có mỗi câu thơ đáng nhớ “Nhà văn An Nam khổ như con chó. Nay chân dung ông được bổ xung đầy đủ: Một nhà thơ luôn cách tân đổi mới từ những thập kỷ 60-70, thế kỷ 20, ngay giữa Sài Gòn… Ông còn là nhà báo quả cảm, nhà văn dấn thân cho hoạt động xã hội, vì sự tồn vong đất nước ngay giữa lòng miền Nam đang bị xâm lăng… Cùng với đội ngũ người cầm bút ở miền Nam bấy giờ đã làm nên một nền văn chương bản sắc và đa dạng, có những tác phẩm quý giá, nếu không được sưu tầm, tìm kiếm, tập hợp lại bổ sung đầy đủ cho nền văn chương nước Việt thì thật đáng tiếc!
Tập sách còn hai phần nữa: Mỹ cảm văn chương nhìn từ văn xuôi Việt Nam hiện đại và Mỹ cảm văn chương nhìn từ lý luận – phê bình văn học hiện đại với Khúc vĩ thanh. Phần nào cũng có những bài viết hấp dẫn, sống động bởi vốn sống, tư liệu, cách lý giải được chảy qua ngòi bút sắc nét của anh. Ta gặp lại Nguyên Sa không chỉ nổi tiếng là thi sĩ tài năng mà còn là ngòi bút lý luận phê bình không kém phần giá trị trong sự nghiệp văn chương! Ta gặp Nguyễn Minh Châu không chỉ là nhà văn cách mạng với những truyện ngắn bậc thầy, mà còn là người góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học đổi mới…
Những tên tuổi như Hữu Loan, Hồng Nguyên, Yên Thao, Chính Hữu… trong con mắt phê bình văn học ở miền Nam, trước 1975… Đặc biệt là Quang Dũng đã được tôn vinh ngay giữa Sài Gòn thủa ấy, chứng tỏ văn chương chưa hề bị cắt chia!
Tôi bỗng nhớ lại bài viết trên báo Văn nghệ cuối năm 2018, nhìn lại tác phẩm văn chương nước nhà, có đoạn phỏng vấn một nhà báo Đức… không biết căn cứ vào đâu mà ông xác quyết rằng ở Việt Nam chưa có lý luận phê bình, chỉ có những bài viết tâng bốc lẫn nhau… người đọc không biết dựa vào đâu để tìm được những tác phẩm cần thiết cho mình… Đến nay chỉ mới vài năm, tôi đã cầm được trên tay những tập sách như Đi tìm Mỹ cảm văn chương của Trần Hoài Anh, lớp tác giả chững chạc đang vươn lên để tự khẳng định quyết tâm và vị trí Việt Nam đang hội nhập khát vọng văn chương toàn nhân loại.
CHỬ VĂN LONG
Văn Nghệ số 21/2021
------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét