Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

" Đào Vũ Anh Hùng: người vừa bội hứa " / ngọc tự [ i.e. Trần Ngọc Tự 1948- / Mỹ ) -- trích: T.VẤN & Bạn Hữu - 23/ 2/ 2022.

 

ngọctự: Đào Vũ Anh Hùng: người vừa bội hứa

Share on facebook
 
Share on twitter
 
Share on whatsapp
 
Share on email
 
Share on print
      
                  Đào Vũ Anh Hùng và tác giả 
                          (Ảnh chụp: 12/2006)

(Bài viết như nén tâm hương chân thành tưởng nhớ một hiền huynh quý mến. Trong bài có nhắc đến danh tính nhiều người đã khuất. Cũng xin thành tâm tưởng nhớ).

(tạp văn)

Sáng sớm thứ bẩy tuần mới rồi, tôi nhận được tin nhắn từ thân hữu báo cho biết, anh Đào Vũ Anh Hùng vừa từ trần tại Dallas lúc 9:00 giờ tối hôm trước, thứ sáu 18.2.2022. Chỉ một thoáng xúc động thôi, vì tôi biết cái điều phải đến đã đến. Mấy năm trước đây, sau lần bị đột quỵ, rồi té ngã ngoài công viên khi đang đi bộ tập thể dục, sức khỏe của anh suy giảm dần. Và thời gian sau đó là nằm luôn trên giường bệnh, không còn có thể hoạt động bình thường như cũ. Chúa nhật tuần trước, tin từ gia đình cho biết bệnh tình anh bắt đầu trở nặng hơn theo chiều hướng xấu. Anh không còn ăn uống được gì nữa và mọi thứ chuẩn bị cho hậu sự đã được gia đình sắp xếp lo liệu. Và rồi cuối cùng, anh nhắm mắt xuôi tay yên nghỉ, bỏ lại phía sau cho đời tất cả mọi thứ, mọi chuyện.

Trong cuộc sống với những mối liên hệ, thường ra mỗi khi có một người thân quen ở đâu đó từ giã cuộc đời, đều gợi nhắc cho người ở lại những liên tưởng, hồi nhớ theo dòng thời gian với người ấy. Tôi không phải là bạn hữu ngang hàng cùng lứa với anh Đào Vũ Anh Hùng, mà chỉ như một người bạn vai em. Dù vậy, tôi được anh coi là thân thiết gần gũi, và dành cho nhiều yêu mến suốt mấy mươi năm qua. Vì thế cũng có ít nhiều kỷ niệm ân tình để ghi nhớ.

Tôi gặp và biết anh lần đầu tiên vào khoảng năm 1971, nhân dịp đám cưới một người bạn tôi. Cô dâu là em trong gia đình anh. Ngày ấy, đi theo bạn tôi đến nhà gái tại con hẻm nhỏ đầu đường Kỳ Đồng, gần ngã ba Trương Minh Giảng, để phụ giúp vài thứ việc cho đám cưới, tôi được chào hỏi và thưa chuyện đôi chút với một vị có vai vế bên nhà gái, hãy còn trẻ, nhưng nhìn rất nghiêm nghị đạo mạo, dẫu vậy lại vui vẻ cởi mở dễ gần, là anh. Thời gian đó, sau khi mãn khóa 3/69 Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được chuyển về phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Tư lệnh Không Quân mới hơn năm, và là lính văn phòng, nên cũng chưa hiểu biết gì mấy về giới bay bổng của quân chủng có tiếng hào hoa này, cũng như sinh hoạt báo chí, văn chương chữ nghĩa của nơi chỗ tham dự mới. Trong khi ấy, anh đã là một ông quan pilot oai vệ, thâm niên quân vụ, lon lá hơn hẳn. Anh còn là một tên tuổi quen thuộc từ lâu của văn giới Không Quân, cách riêng tập san Lý Tưởng, tờ báo của quân chủng, do đơn vị nơi tôi mới về phục vụ, phụ trách việc thực hiện.Và anh là người cũng từng sinh hoạt văn nghệ báo chí nhiều năm trong làng văn xóm chữ Sài gòn, trước khi nhập ngũ.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh, cho tôi có cảm nghĩ đây là hình ảnh một ông thầy giáo, hơn là một hoa tiêu trực thăng, trực tiếp đối đầu với hiểm nguy sinh tử ngày ngày nơi chiến trường. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau đó, được thân quen gần gũi với anh, tôi mới biết rằng đằng sau cái dáng mạo như nhà giáo ấy, và bên trong bộ phi bào võ biền ấy, là một con người nghệ sĩ vô cùng tài hoa, tâm hồn thật phóng khoáng, nhưng cũng rất trực tính.

Mọi người thường quen thuộc với cái bút danh Đào Vũ Anh Hùng, hơn là tên thật Đào Bá Hùng của anh, một người gốc Hà nội thanh lịch, đất nghìn năm văn vật.

Chỉ thời gian ngắn sau lần gặp gỡ đầu tiên ngắn ngủi ấy, một hôm từ đơn vị anh ghé qua văn phòng Khối Chiến Tranh Chính Trị chúng tôi để đưa bài cho tập san Lý Tưởng số sắp tới. Tình cờ lúc đó tôi đang ngồi tán gẫu với mấy anh em phụ trách điều hành và biên tập viên, cộng tác viên của tờ Lý Tưởng. Trong sự ngạc nhiên thích thú, anh nhận ra ngay khuôn mặt mới là tôi, giữa những người cũ mà anh đã quen biết ở đây từ lâu, như anh Thế Phong, Hồ Phong, Kiêm Thêm, Nguyễn Đình Thiều, Thanh Chương, Trần Kim Nho, Minh Triệu, Phạm Hồ, Hoàng Thụy Kha, Phan Lạc Giang Đông… Và rồi tôi trở nên thân quen gần gũi với anh từ những lần như thế, vẫn thường thỉnh thoảng tiếp theo là chầu cà phê đông vui dưới khu gia binh hay bên hội quán, nhiều khi với sự có mặt thêm nữa của anh Trần Tam Tiệp, hay một vài người bạn phi hành của anh.

Tôi biết mình dành được sự yêu mến của anh, là còn nhờ ở mối giao tình của anh với mấy hiền huynh thân quý của tôi trong báo giới Sàigòn ngày ấy, như anh Dương Hùng Cường, cũng cùng chung đơn vị với tôi, anh Hồ Nam (nhà thơ Vương Tân) mà anh quen biết từ hồi ở nhật báo Hòa Bình.

Cũng như mọi người, tôi biết anh gia nhập làng báo Sài gòn rất sớm khi còn trẻ và bộc lộ văn tài từ những ngày ấy. Anh cũng đã có dịp tự sự về quãng đời sôi nổi này của mình, bên cạnh các tên tuổi lớn như nhà văn nhà báo Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt), Chu Tử (Chu Văn Bình), Nguyễn Thế Truyền, Ngô Đức Mão …qua các tờ báo đình đám một thời như: Ngày Nay, Thứ Tư tuần san, Thân Dân, Tranh Đấu, Hòa Bình, Sống… Ngoài những bài báo và nhiều sáng tác đa dạng về nội dung cũng như đề tài, được đăng tải rải rác trên các báo, dấu tích dường như duy nhất của anh thời kỳ này, may ra còn lưu lại đâu đó là tập truyện đã xuất bản “Ngày Ấy Khi Ta Yêu Nhau”(in chung với Võ Hà Anh).

Anh gia nhập Không Quân năm 1964, thuộc tài khóa 65A, rồi tốt nghiệp trường bay bên Hoa Kỳ, về nước phục vụ tại các Phi đoàn Trực Thăng, qua nhiều chức vụ, từ PĐ.215 Thần Tượng ngoài Sư đoàn 2 Không Quân Nha Trang (1966-1971), rồi PĐ.245 tại Sư đoàn 3 Không Quân Biên Hòa (1971-4/1975), mà sau cùng anh đảm nhận chức vụ Quyền Phi đoàn trưởng, khi đã thâm niên cấp bậc Thiếu tá. Anh là một hoa tiêu trực thăng dầy dạn kinh nghiệm, có mặt trên khắp các chiến trường, đã từng bay từ loại trực thăng H.34 cổ lỗ sĩ, rồi loại hiện đại UH.1. Sau trận chiến Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, anh được bầu chọn và Quân chủng tuyên dương là Phi công Xuất sắc. Là một cấp chỉ huy mẫu mực, được sự yêu mến vị nể của đồng đội và thuộc cấp. Các thượng cấp cũng dành cho anh những tin cậy và tình cảm yêu thương. Cách riêng, với những anh em cầm bút trong gia đình văn chương chữ nghĩa Không Quân, anh luôn thể hiện sự chan hòa của tình bạn hữu huynh đệ.

Tưởng chừng đời quân ngũ sống với bay bổng, thường trực đối diện hiểm nguy và cái chết rình rập, sẽ làm thay đổi văn phong trong con người nghệ sĩ Đào Vũ Anh Hùng. Nhưng rồi như đã thấy qua các sáng tác của anh về cuộc sống, về chiến tranh và đời lính, nhất là đời phi công chiến đấu, chỉ cần giới hạn trong phạm vi đã xuất hiện trên tờ Lý Tưởng, đã cho thấy biết bao cảm xúc dạt dào, phơi trải những nỗi niềm tâm tư da diết của một người cầm bút, đồng thời cũng là một người chiến sĩ trực tiếp nơi tuyến đầu binh lửa.

Anh viết rất đều tay và sáng tác của anh xuất hiện thường xuyên trên tờ Lý Tưởng, chưa kể đến các báo ở đơn vị và các tuyển tập in chung với các văn hữu như Những Mảnh Trời Khác Biệt (9 tác giả Không Quân, Lý Tưởng xuất bản), Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (25 tác giả trong và ngoài Không Quân, nhà xuất bản Vàng Son), Đường Mây (in chung với ba tác giả Không Quân khác: Lê Văn Trước, Trần Viễn Phương, Kiêm Thêm).

Bút ký Không Bỏ Anh Em không Bỏ Bạn Bè của anh Đào Vũ Anh Hùng đăng trên báo Lý Tưởng trước đây (sau đó được in lại trong các Tuyển tập), nói kể cuộc tìm về sinh lộ, về với anh em, bạn bè đồng đội, sau ba bốn đêm ngày chiến đấu và vượt qua biết bao thử thách cam go, đầy hào hùng lẫm liệt bi tráng của phi công Trần Duy Nguyện hồi cuối tháng 3/1968, sau khi chiếc máy bay L.19 lâm nạn, rơi xuống giữa rừng già đồi núi chập trùng hiểm trở M’Drak, vùng Cao nguyên Trung phần; đã là một dấu ấn vô cùng đậm nét trong các sáng tác về đời lính Không Quân. Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè đã trở thành quen thuộc và bất hủ. Cho đến hôm nay, mỗi khi nghe nói câu này là phải nhớ ngay đến Không Quân và tác giả của câu nói đó.

Riêng tôi, bao giờ cũng nhớ đến nét mặt của anh, lúc nào cũng như thật nghiêm nghị đạo mạo, nhưng bên trong ẩn chứa sự hồn hậu vồn vã biết bao, chỉ được biểu lộ khi cần thiết.

Lần sau hết còn nhớ được, tôi bất chợt nhìn thấy anh trong thoáng vội, tất bật đầy vẻ lo âu bận rộn, giữa một đám đông người, quân nhân và gia đình, vô cùng hối hả, xô bồ lộn xộn, đang lo lắng chen chúc nhau trong việc sắp xếp để đi di tản, là vào một buổi chiều nơi mấy ngày cuối cùng của tháng Tư bi thảm ấy, trong căn cứ Tân Sơn Nhất.,

                                                                 *

    Đầu năm 1981, tôi trở về từ trại tù cải tạo miền Bắc, sau gần sáu năm lưu đầy biệt xứ. Nhờ có vài cơ duyên và từ anh Dương Hùng Cường, đã ra tù sớm trước đó, mà anh Trần Tam Tiệp, một hiền huynh thân thiết khác trong Không Quân ngày xưa, đã tìm lại được tôi để nối liên lạc. Khi ấy anh Trần Tam Tiệp hoạt động trong Văn Bút Việt Nam hải ngoại và là Tổng Thư ký. Thỉnh thoảng, ngoài sự tiếp tế về vật chất là thùng quà thuốc tây 2 pounds, anh còn tìm cách gửi cho mấy tờ báo xuất bản ở hải ngoại, qua đường dây riêng, kín đáo trong Bưu điện. Một lần như thế, tôi nhớ là trong bài đăng trên tờ Nhân Chứng bên Cali, nhân dịp đi uống cà phê với anh Trần Tam Tiệp, trong chuyện trò, anh Đào Vũ Anh Hùng nhắc đến tôi và nói không biết tình trạng của tôi bây giờ như thế nào, khi nhớ lại những buổi cùng đi uống cà phê với anh em huynh đệ ở khu gia binh căn cứ Tân Sơn Nhất nơi ngày tháng cũ. Thật cảm động quá.

           Và rồi lại tiếp theo những dâu bể nữa của cuộc đời. Đến giữa tháng 12 năm 2006, gia đình tôi mới lên đường đi Hoa Kỳ định cư theo chương trình được mở lại lần cuối cho các sĩ quan quân đội đã bị đi tù Cộng sản. Nơi đến mà gia đình tôi chọn là thành phố Houston, Texas. Bà chị cả tôi sinh sống tại đây đã giúp cho việc thuê sẵn được một căn nhà, có thêm số điện thoại bàn để liên lạc. Tôi đã cung cấp chi tiết nơi chỗ sẽ đến này cho một vài huynh đệ bằng hữu gần gũi, trong đó có anh Hồ Nam. Chính nhờ anh, một người vẫn liên lạc email thường xuyên với hải ngoại, mà nhiều huynh đệ bằng hữu cũ của tôi bên Hoa Kỳ biết về chuyến đi của gia đình tôi.

Vừa đến Houston đâu được vài ngày, thật bất ngờ trong ngạc nhiên và xúc động khi tôi nhận được điện thoại thăm hỏi của anh Đào Vũ Anh Hùng. Anh nói đã biết tin tôi sang đây và sẽ từ Dallas xuống thăm tôi vào cuối tuần, cũng nhân dịp họa sĩ Đằng Giao, người bạn thâm giao của anh, từ Việt Nam mang tranh sang triển lãm tại trụ sở báo Saigon – Houston và đài phát thanh Radio Saigon 900AM của anh chị Dương Phục & Vũ Thanh Thủy.

Và rồi anh em chúng tôi cùng có mặt trong ngày khai mạc cuộc triển làm này, Gặp mọi người thân quen, anh vồn vã chào hỏi và ân cần giới thiệu tôi.

Biết bao mừng vui, hàn huyên chuyện trò đủ thứ câu chuyện, tưởng chừng không thể dứt giữa anh em chúng tôi buổi gặp lại nhau lần ấy.

Trước lúc chia tay, ngoài việc trấn an, động viên tinh thần cho tôi, anh còn dặn dò tôi nhiều điều, phải cẩn thận với tổ chức này, đoàn thể kia, phải dè chừng người này hay tránh mặt nhân vật nọ, kể cả một trong những cộng tác viên khá quen thuộc của tờ Lý Tưởng trước kia, mà anh nói là rất lèm bèm, dễ gây bực mình.

Chỉ ít lâu sau thôi, tôi cảm nhận được ngay và hiểu ra rằng vì sao mà anh Đào Vũ Anh Hùng đã phải dặn dò tôi như thế. Qua một vài bài viết cũ của anh gửi cho đọc và qua đủ loại báo chí có được từ nhiều nguồn, tôi cũng phần nào biết qua về các sinh hoạt của người Việt tại hải ngoại, cách riêng là sinh hoạt của các tổ chức hội đoàn Không Quân tại nhiều nơi.

Tôi được biết đến Hoa Kỳ hồi tháng 4/1975 và sau thời gian ổn định cuộc sống, anh đã tích cực tham gia các sinh hoạt của Không Quân và từng nắm giữ các chức vụ chủ chốt như Hội trưởng Hội Không Quân vùng Dallas-Fortworth, địa phương nơi gia đình anh cư ngụ, rồi được tín nhiệm bầu làm Tổng Hội trưởng Tổng Hội Không Quân hai nhiệm kỳ liền từ 1996-2000. Tôi có được đọc mấy bài viết tâm huyết, đầy chân tình, nhưng cũng thật nẩy lửa của anh, liên quan đến các sinh hoạt tại hải ngoại.

Anh cũng là một trong những người có nhiều công sức làm sống lại tờ Lý Tưởng tại hải ngoại và làm cho Lý Tưởng đình đám một thời, trở thành niềm tự hào của Không Quân. Khi tôi sang đến Hoa Kỳ và gặp lại anh năm ấy, anh đã thôi không còn một tham dự nào nữa, từ một lý do đơn giản là do cá tính con người anh, sự thẳng thắn và bộc trực không cho phép anh chấp nhận hay thỏa hiệp với những điều thiếu rõ ràng. Dĩ nhiên, cũng đâu thể nào tránh khỏi va chạm, có người yêu kẻ ghét, nhưng dường như với anh, không phải là điều quan trọng cho lắm.

Anh Đào Vũ Anh Hùng còn đem đến cho tôi một bất ngờ khác nữa và là một trong những kỷ niệm nhớ đời nơi đất khách quê người. Câu chuyện như thế này:

Khoảng ba tháng sau ngày anh em chúng tôi gặp lai nhau, một hôm có người gọi điện thoại đến nhà xưng tên và tự giới thiệu thuộc Câu lạc bộ Trực thăng, đồng thời cũng là Trưởng ban Tổ chức Buổi Dạ tiệc Tình Chiến hữu, được tổ chức nhằm mục đích chào mừng các gia đình cựu quân nhân mới đến Houston định cư, trong chương trình như chương trình H.O. được mở lại. Anh gọi tôi là niên trưởng và chân thành xin lỗi vì không biết, nên đã không gửi thư mời gia đình tôi tham dự buổi Dạ tiệc này. Hôm nay thì cận kề rồi và chỉ còn vài ba ngày nữa là đến ngày khai mạc. Vì thế, xin được thông cảm và có lời mời trễ muộn qua điện thoại. Dù hơi ngạc nhiên và ngỡ ngàng, tôi ngỏ ý cám ơn và xin nhận lời mời. Anh đọc cho tôi ghi địa điểm và ngày giờ. Tôi cũng nói thêm rằng, tôi chỉ là sĩ quan Không Quân cấp bậc thấp và làm việc văn phòng thôi, nên Ban Tổ chức không phải bận tâm, câu nệ điều gì, nhất là về danh xưng.

Tôi đoán ra rất nhanh và sau đó hỏi ngay anh Đào Vũ Anh Hùng. Anh cười xác nhận và cho biết biết Ban Tổ chức cũng có mời, nhưng anh đã từ chối rồi, vì từ lâu không còn tham dự các sinh hoạt cộng đồng, và đã quên khuấy việc này. Bất ngờ, họ lại vừa gửi chi tiết chương trình, kèm theo danh sách các gia đình khách mời đặc biệt, là thành phần chính của buổi tiệc. Không thấy tên tôi mà chỉ có mấy gia đình thuộc Hải quân, Cảnh sát Quốc gia, Bộ binh, nên anh nói với Trưởng ban Tổ chức, người điện thoại cho tôi, cùng dân Trực thăng, thuộc khóa đàn em rất xa sau anh, rằng có một tay Không Quân thứ thiệt là tôi, cũng vừa mới đến Houston mà sao không thấy trong danh sách được mời. Thì ra là như vậy.

Khi đến dự buổi Dạ tiệc này, tôi ngạc nhiên và thoáng giật nình vì số lượng người tham dự ngoài sự tưởng tượng. Dễ cũng đến hơn năm trăm người ngồi chật kín phòng tiệc rộng lớn. Biết được điều này là nhờ tôi nhìn thấy số thứ tự của bàn, đặt trên mấy bàn nơi cuối phòng, nằm sát cửa ra vào.

Ban Tổ chức đã dành cho các gia đình chúng tôi những trân trọng ưu ái, tràn đầy thương yêu quý mến của tình huynh đệ chi binh, vô cùng cảm động. Chúng tôi được long trọng giới thiệu và nhận tràng pháo tay dài chào mừng. Đây là lần duy nhất trong đời tôi được làm khách đặc biệt như vậy.

Mỗi gia đình còn được nhận một Bảng Lưu Niệm trình bầy khá đẹp, có danh xưng và chữ ký của 18 vị phụ trách đương nhiệm 18 hội đoàn quân đội và cảnh sát tại Houston, kèm theo món quà vật chất là một phong bì đựng hiện kim.

Chưa hết, ngay trong buổi tiệc hôm ấy, nhiều người thân quen ngày xưa đã vui mừng và vô cùng bất ngờ được gặp lại tôi. Có bạn cùng khóa về Không Quân, nhưng khác ngành. Có cả người bạn học tại trường Luật từ hồi 1966 khi tôi chưa nhập ngũ.

Và rồi những ngày tiếp theo, tôi được đón tiếp nhiều cuộc thăm viếng ân cần tại nhà, lại được nhận thêm những món quà hiện kim. Gom lại tất cả, nhiều hơn tháng lương đầu tiên của tôi tại đất khách quê người. Thật cảm động, trong số các vị khách ấy, có anh Trần Văn Nghiêm, Hôi trưởng Hội Không Quân, cựu Thiếu tá Phi đoàn trưởng một Phi đoàn Khu trục phản lực ngoài Đà Nẵng, dù rằng tôi chỉ là một anh Không Quân văn phòng hạng bét.

Thỉnh thoảng sau này, bất chợt cầm một tờ tiền Hoa Kỳ trên tay, tôi lại bồi hồi nhớ đến những đồng tiền ân nghĩa ngày mới đặt chân lên xứ lạ, và lại nhớ đến anh Đào Vũ Anh Hùng. Ai đã làm ơn cho mình điều gì dù nhỏ nhoi, thì cũng không bao giờ được phép quên lãng, đạo nghĩa làm người dậy bảo như thế.

                                                                   *

Và rồi theo với thời gian nơi cuộc sống, anh em chúng tôi chỉ thỉnh thoảng điện thoại thăm hỏi nhau. Thảng hoặc có dịp ghé xuống Houston, anh không quên tìm tôi và chúng tôi chỉ có chút ít thời gian gặp gỡ chuyện trò ở tiệm phở hay quán cà phê, để anh còn kịp quay về Dallas ngay. Anh vẫn hay nhắc tôi việc thu xếp để có một lần lên chơi vùng Dallas. Nhưng rồi cuộc sống nơi xứ người cũng có những khó khăn cho thân trâu già như tôi, đã chậm mà nước đục thì cũng cạn kiêt, phải lo tìm nguồn nước còn sót lại ở các vũng nước khác nữa. Quanh năm suốt tháng, tôi chỉ vùi đầu vào cuộc mưu sinh và quen với việc quanh quẩn ở một xó xỉnh thành phố, như bên trong lũy tre làng, chưa bao giờ biết đến việc đi đây đi đó. Vì thế, vẫn nhớ lời anh nhắc, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.

                                                                      *

Mấy năm trước đây, không nhớ rõ ngày tháng, tôi nhận được tin anh bị té ngã do đột quỵ bất ngờ khi đang đi bộ tập thể dục ngoài công viên. May mà được mọi người chung quanh kịp thời gọi báo cấp cứu và đưa đi bệnh viện. Nhưng rồi kể từ đó sức khỏe anh suy giảm dần. Cho đến hôm nay dễ cũng ba bốn năm qua đi. Một điều ân hận khác nữa, không biết từ lúc nào và vì sao, tôi làm mất số điện thoại người bạn tôi, là vai em trong gia đình anh. Do vậy, muốn thăm hỏi trực tiếp tình trạng sức khỏe anh cũng không thể. Gọi số của anh mấy lần không được. Mọi tin tức chỉ biết gián tiếp qua các thân hữu khác, gần gũi với người thân của anh. Có người nói gia đình muốn anh được yên tĩnh nghỉ ngơi hoàn toàn và rất giới hạn việc thăm viếng, tiếp xúc. Vì vậy một lần, có người bạn từ Washington, D.C. ghé xuống, ngỏ ý rủ tôi lên Dallas thăm anh, tôi thấy ngần ngại quá nên cũng thôi. Thật là đáng trách.

Tuần lễ trước ngày anh mất, tin từ gia đình cho biết tình trạng của anh vừa bắt đầu trở nặng theo chiều hướng xấu. Và rồi cuối cùng, cái điều phải đến đã đến.

                                 Cũng đành qua nốt phận người

                                Xuôi tay yên nghỉ một đời phiêu du


Đào Vũ Anh Hùng trên giường bệnh

Tôi nhìn lại rất lâu tấm ảnh chụp anh đang nằm trên giường bệnh. Ánh mắt dõi nhìn xa thẳm ấy vẫn đằm thắm quá, như thể đang thay cho lời anh muốn nói rằng anh không muốn giã từ những người thân yêu, không muốn bỏ anh em không muốn bỏ bạn bè.

Năm mươi bốn năm trước, người phi công Trần Duy Nguyện chiến đấu với cái chết chỉ có ba bốn ngày đêm. Hôm nay, người phi công Đào Bá Hùng đã chiến đấu hằng ba bốn năm trời ròng rã.

Không một ai dám trách anh về sự bội hứa này đâu, thưa anh Đào Vũ Anh Hùng. Nào ai biết được chính xác tọa độ của Thiên đường nơi vùng trời thênh thang bao la cao vời ấy. Nhưng tôi tin chắc rằng với sự dầy dạn kinh nghiệm của một hoa tiêu lão luyện, cùng với sự khôn ngoan của một con người luôn sống ngay chính, nhất định anh Đào Vũ Anh Hùng sẽ tìm được bãi đáp bình yên và được đón nhận ở nơi ấy.

                           Vĩnh biệt hiền huynh Đào Vũ Anh Hùng thân quý.

                                                         ngọctự

                                   (thành phố Richmond, TX 22.02.2022)


        

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ