Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

" nhà văn Lê Văn Nghĩa với phong cách ' Sài Gòn ái nhân tri kỷ' "/ --trích : https://nongnghiep.vn> - July 24, 2022.

 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa với phong cách Sài Gòn ái nhân tri kỷ

Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã qua đời trong cao điểm bùng phát Covid-19 năm ngoái tại TP.HCM, được đồng nghiệp tưởng nhớ bằng tọa đàm tổ chức sáng nay 24/7.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021).


Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Chợ Lớn, không chỉ là một cây bút trào phúng nổi tiếng. Nhà văn Lê Văn Nghĩa còn được yêu mến qua những trang viết về Sài Gòn, trong hai thể loại truyện dài và tản văn.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sau một thời gian chống chọi bạo bệnh, đã từ giã nhân gian vào ngày 25/7/2021, giữa lúc Sài Gòn chới với vì đại dịch toàn cầu. Kỷ niệm một năm nhà văn Lê Văn Nghĩa đi xa, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp Nhà xuất bản Trẻ tổ chức buổi tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của ông, với tên gọi “Phong cách Sài Gòn ái nhân tri kỷ”.

 Địa điểm tọa đàm là Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, trước đây có tên Trường Petrus Ký, mà nhà văn Lê Văn Nghĩa từng theo học và sau này lấy cảm hứng để viết cuốn sách “Mùa hè năm Petrus”.

Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Như Phương đánh giá về nhà văn Lê Văn Nghĩa:

 “Làm nghiên cứu văn học, tôi quý những buổi ngồi riêng với Lê Văn Nghĩa trong một quán cà phê ở Phú Nhuận hay trên đường Hoàng Sa, để “khai thác” vốn sống của anh về mảnh đất, con người và văn chương thành phố này. Trò chuyện với Lê Văn Nghĩa, tôi nhận ra, dù đã sống ở đây nửa thế kỷ, tôi cũng chỉ mới biết được một phần của Sài Gòn bề mặt, chỉ có những người như anh mới cảm nhận và thấu hiểu được Sài Gòn bề sâu. Lê Văn Nghĩa giao du cả với giới tinh hoa lẫn những nhân vật “cộm cán” của thế giới ngầm. Chưa tới 20 tuổi, anh đã ở tù chung với những trí thức khuynh tả nổi tiếng của miền Nam. Nếu sức khỏe cho phép, Lê Văn Nghĩa có thể đã xây dựng nhiều tác phẩm hư cấu và phi hư cấu đặc sắc hơn nữa”.

Ngoài cuốn truyện dài “Mùa hè năm Petrus”, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn mang đến cho công chúng những truyện dài như “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” và “Mùa tiểu học cuối cùng”.

Đồng thời, những câu chuyện Sài Gòn năm xưa được nhà văn Lê Văn Nghĩa tái hiện sống động qua những tập tản văn "Sài Gòn dòng sông tuổi thơ", "Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian", "Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ", "Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề", "Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức"...

Tọa đàm tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa tổ chức sáng nay 24/7 tại TP.HCM.


Là một trong những diễn giả tại tọa đàm “Phong cách Sài Gòn ái nhân tri kỷ”, nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhấn mạnh:

 “Chúng tôi, với sự cẩn trọng cần thiết của một hội nghề nghiệp, xin khẳng định: nhà văn Lê Văn Nghĩa đã góp phần to lớn hình thành dòng văn học trào phúng cho Sài Gòn – TPHCM nói riêng và cho Việt Nam nói chung. Chúng tôi tin rằng, rồi đây, sẽ phải có một công trình nghiên cứu công phu về dòng văn học trào phúng và dấu ấn Lê Văn Nghĩa, như một bằng chứng sinh động cho sức sáng tạo phong phú, đa dạng của đô thị phương Nam.

Giữa hai mảng, truyện dài viết về tuổi thơ Sài Gòn và tản văn viết về đời sống Sài Gòn, chúng tôi cho rằng: Mảng tản văn viết về đời sống Sài Gòn có thể sẽ có vài tác giả khác nối tiếp nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhưng mảng truyện dài viết về tuổi thơ Sài Gòn có lẽ sẽ khó tìm thấy tác giả viết được như nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Sở dĩ, chúng tôi phải bày tỏ chút âu lo về khoảng trống mà nhà văn Lê Văn Nghĩa để lại cho mảng truyện dài viết về tuổi thơ Sài Gòn, vì không dễ có được một tác giả biết gìn giữ từng kỷ niệm và biết thể hiện bằng giọng điệu dí dỏm. Chỉ có nhà văn Lê Văn Nghĩa mới có lối viết về tuổi thơ Sài Gòn theo kiểu riêng ông: “Bạn ngồi xuống đây nghe tui kể chút nè, về mấy thằng bạn cà tưng ... Chẳng hiểu sao lớp tui hồi đó toàn những đứa cà tưng thích làm mấy chuyện cà tửng”.

Với gần 30 cuốn sách đã xuất bản khi còn sống, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã tự vẽ chân dung một nhà văn Sài Gòn tận tụy và tài hoa. Chúng tôi tin, không chỉ có một buổi thảo luận nho nhỏ hôm nay, mà tương lai còn phải có thêm nhiều hội thảo quy mô nữa để đánh giá nghiêm túc hơn, trân trọng hơn những cống hiến không mệt mỏi của nhà văn Lê Văn Nghĩa cho văn chương Sài Gòn nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung”.


------------------------


lời bàn thêm


  MỘT LỜI GÓP Ý CHO TÁC GIẢ' ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI,  nhà phê bình Thượng Sỹ- Nguyễn Đức Long viết trên báo Cải tiến ngày 13/ 9/ 1956 -- đăng trong VĂN HỌC SÀI GÒN 1954- 1975/ NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ / Lê Văn Nghĩa: ( Nxb Tổng hợp Tp. HJCM xuất bản, 2020 .)


" Tập truyện Đêm giã từ Hà Nội (Người Việt 1956) là tập truyện đầu tay đã khẳng định thế đứng văn chương của Mai Thảo.


Ngay từ khi mới xuất bản, trong tập truyện này, cách viết của ông được một số nhà văn khen là làm mới văn chương. Tuy nhiên, cũng có một bài viết của nhà phê bình cùng thời với Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương ... dám lội ngược dòng " với cái mới", phê bình Đêm giã từ Hà Nội là khó hiểu, làm dáng văn chương, chữ nghĩa uốn éo, nhiều hình dung từ, chấm phết tuỳ nghi theo sự tuỳ hứng của tác giả. Trong Nhà văn tiền chiến ( Thế Phong, tr. 202) đã trích dẫn bài của tác giả Huỳnh Bội Hoàng (Nhà phê bình Thương Sỹ- NguyỄn Đức Long - báo Cải tiến ngày 13/9/ 1956).

"... Suốt cả tập truyện ngắn, đoạn văn trong Đêm giã từ Hà Nội ông Mai Thảo đều dùng một lối văn cầu kỳ để diễn tả tư tưởng. Tôi đã nặng đầu khi đọc cuốn Đêm giã từ Hà Nội bởi lẽ giản dị là dùng chữ cầu kỳ, văn viết cầu kỳ, đọc phải suy nghĩ nhiều mới hiểu được tác giả nói gì. Tuy vậy tôi cũng phải thú thực rằng nhiều chỗ tôi chưa hiểu hết. Chẳng phải câu văn quá hàm súc, chẳng phải dùng chữ quá thâm thuý, nhưng vì quá cầu kỳ nên tối nghĩa và đặt chữ không đúng chỗ.

 Tôi không tin rằng ông Mai Thảo thành công rực rỡ, nếu ông cứ tiếp tục mãi.  Viết theo cái thể văn đúng như ông viết trong Đêm giã từ Hà Nội. Đọc Đêm giã từ Hà Nội người ta có cảm giác nặng nề, khó hiểu. Do đó mà người đọc không thể rung cảm nổi, không say mê được. Đêm giã từ Hà Nội là cuốn sách đầu tiên của ông mai thảo.

 Tôi thành thực mến phục ông đã cố gắng lắm khi đưa ra một lối văn mới mẻ. Ông không muốn sa vào chỗ tầm thường, đó là điều tôi mến ông.  Nhưng tôi cũng cứ muốn khuyên ông nên giản dị hơn. Viết cho sáng sủa, giản dị, người ta hiểu mình hơn và mình gần người đọc hơn, nêu ông giản dị hơn.  Không cần gì phải làm ra khác người mới thành công.

 Vả lại viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết không phải là một luận án văn chương, một luận thuyết triết học thì sao không cố gắng giản dị trong lối hành văn và cách dùng chữ.  Có cần gì phải đánh đô độc giả... . Tôi nghĩ không gì sung sướng bằng khi mình nói, mình viết mà người nghe, người đọc hiểu mình, để có thể lòng cùng rung động cùng vui, cùng buòn, sướng, khoái như tác giả.Viết ra, in lên sách là vì người khác, chứ chẳng phải để thoả mãn cái ý thích riêng mình.  Vì nếu chỉ đdể thoả riêng mình, thì khi viết xong, khỏi phải in ra cứ để trong hòm [rương] thỉnh thoảng lấy ra mà đọc ..."

Chỉ khoảng chưa đầy một tháng sau bài viết phê bình này, tạp chí sáng tạo ra đời và Mai Thảo vẫn tiếp tục viết theo phong cách chữ nghĩa của riêng mình " một mớ chữ nghĩa lộn xộn được đặt nằm trong cấu trúc văn phạm với cách chấm, phết bừa bãi vô trật tự." ( Trần Thị Bông Giấy  - Một truyện dài không có tên, tr. 341). Và từ Sáng tạo, một vài nhà văn đã cố bắt chước lối viết của ông mà có thời Lữ Phương gọi là văn chương" hũ nút". 


LÊ VĂN NGHĨA

(sá ch đã dẫn - tr. 113- 114 ).

 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ