Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

đọc thêm (3) : " Văn Quang, người vừa khuất nẻo Sài Gòn ... "/ ngọc tự -- trích: T.Vấn & Bạn Hữu - 23/ 02/ 2022 .

 

ngọc tự: Văn Quang, người vừa khuất nẻo Sài Gòn muôn năm cũ.

Share on facebook
 
Share on twitter
 
Share on whatsapp
 
Share on email
 
Share on print
Nhà văn Văn Quang và Tác giả (Ảnh chụp tháng 5/2019)

(Tạp văn)

Sáng thứ Ba 15.3.2022 mới rồi, một người bạn tôi, vai em của anh Văn Quang, ở Cali gọi điện thoại báo cho biết anh Văn Quang đã từ trần, vào buổi sáng cùng ngày bên Việt Nam. Anh nói trước đó, còn chuyện trò qua facetime với anh ấy, nghe giọng thấy vẫn như bình thường. Vừa dứt chưa được bao lâu, chị Ngân hốt hoảng gọi sang báo tin buồn.

Chỉ hơi sửng sốt, nhưng không phải điều bất ngờ. Anh Văn Quang đau yếu lâu rồi và sức khỏe mỗi ngày càng suy kiệt thêm. Hồi tháng 5/2019, khi về Việt Nam thăm con cháu, tôi có đến thăm anh. Lúc đó anh đã không còn đi lại bình thường như trước được nữa. Anh nói với tôi suốt ngày chỉ nằm dài trên giường, dán mắt nhìn màn hình TV, xem các thứ chương trình. Anh không còn đủ sức đi bộ lên xuống cầu thang chung cư, chỉ loanh quanh vài bước ngắn trong nhà.

Anh Hoàng Song Liêm, bạn thâm giao với anh; một hiền huynh, cũng là sếp cũ của tôi ở văn phòng Chiến tranh Chính trị Bộ Tư lệnh Không Quân (CTCT/BTLKQ), cũng kể rằng anh và anh Văn Quang vẫn cùng nhau facetime hàng tuần, tán gẫu qua lại. Đúng là giọng nói có vẻ như còn bình thường, nhưng khuôn mặt nhìn choắt cheo, thân hình tiều tụy, chắc chưa tới bốn mươi kí lô. Thực quản bị teo lại, không nhai nuốt nổi, anh thèm muốn món gì, chị Ngân phải xay cho nhừ nhuyễn sau khi nấu chín, để anh dùng ống hút đưa vào cơ thể.

Anh Văn Quang biết về tình trạng bệnh hoạn và sự yếu dần của sức khỏe mình, cũng như điều sẽ phải đến, nên đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ và dặn dò từ trước những gì cần thiết phải làm khi anh ra đi; thản nhiên chờ đợi.

Đến hôm nay, tang sự anh đã xong xuôi. Thân xác đã thành tro bụi, nhưng hình ảnh và tên tuổi anh còn ở mãi trong tâm tưởng của nhiều người. Anh là một trong những gợi nhắc quen thuộc, để những người Việt tha hương nhớ về Sài Gòn, qua những trang viết của anh, liên tục đều đặn một thời gian dài, sau ngày anh đi tù cải tạo trở về và chọn ở lại quê nhà, không sang Hoa Kỳ định cư.

Anh đông con, qua mấy lần có gia đình, nhưng đều đổ vỡ, chia ly. Tất cả những người thân yêu đều sinh sống bên Hoa Kỳđã lâu. Khi anh nhắm mắt xuôi tay, may mà còn có chị Ngân, người phụ nữ bên cạnh đời anh lâu nhất. Chị lặng lẽ bên anh suốt hơn hai mươi năm qua, là bóng mát dịu dàng cho anh nương tựa, nghỉ ngơi yên bình, đến giây phút cuối cuộc đời. Chị là một chương dài thật đẹp trong quyển tiểu thuyết đời anh.

Cuộc đời anh Văn Quang trải qua thật nhiều những cung bậc, cũng chẳng khác gì những tình tiết nơi từng trang chữ, trongcác tác phẩm của anh.

Tôi không nói về đời binh nghiệp của anh Văn Quang, dù biết cùng qua bằng ấy năm quân vụ như nhau, nhưng khác lãnh vực hoạt động, nên chỉ có một ông Trung tá Quản đốc Đài Phát thanh Quân đội, một nhà văn; trong khi các bạn cùng khóa, cấp bậc chức vụ cao hơn, có những tướng lãnh tiếng tăm trận mạc như Tướng Ngô Quang Trưởng, Bùi Thế Lân.

Tôi cũng không nói đến văn nghiệp sáu mươi năm cầm bút của anh, qua số lượng tác phẩm phong phú, hơn 50 tiểu thuyết, và một vài thể loại khác, thuộc về văn học sử. Chỉ biết hành trình chữ nghĩa của anh bắt đầu với truyện ngắn Tiếng Tơ Lòng đăng trên báo Tiếng Dân Hà Nội năm 1953, hay định hình rõ nét hơn với tập truyện Thùy Dương Trang,do nhà xuất bản Lạc Việt ấn hành năm 1957 tại Sài Gòn. Đánh dấu sự kết thúc, sau lời chào từ giã độc giả của anh tháng 6/2017, có lẽ là các tác phẩm Lên ĐờiNgã Tư Hoàng Hôn hay loạt bài Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên hạ sự, anh viết trong khoảng từ 2000-2016, được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của anh Uyên Thao ở Virginia Hoa Kỳ tuyển chọn, in thành sách với nhan đề Sài Gòn, Người Muôn Năm Cũ, ấn hành năm 2020.

Tôi thành tâm hồi tưởng vài nét chấm phá nơi bức tranh cuộc đời anh Văn Quang, có mẩu chuyện nhỏ nhoi của tôi với anh, nhưng thật đáng nhớ, khó quên của tình huynh đệ.

                                                                  *

Người bạn báo cho tôi tin anh Văn Quang vừa khuất bóng là Nguyễn Quang Thắng, vai em, con ông chú ruột của anh. Thắng và tôi thân thiết với nhau từ hồi học đệ lục, đệ ngũ, những năm 1961-1962 tại trường Lê Quý Đôn Sài Gòn, và còn giữ liên lạc tình thân cho tới bây giờ. Hồi đó, ngoài giờ học ở trường, chúng tôi vẫn thường gặp nhau luôn. Cũng dạo ấy, tôi hiện diện ở nhà bạn dưới khu Bàn Cờ như tại nhà mình. Anh là con một, rất được cưng chiều, có nguyên căn gác rộng làm giang sơn riêng mình. Tôi được bố mẹ bạn dành cho sự yêu thương như con cái trong nhà. Vì vậy, hầu như vào dịp Tết hay ngày giỗ chạp nhà bạn, hoặc một sinh hoạt nào đấy, tôi cũng thường được có mặt và thưa chào nhiều người trong thân tộc bạn mình.

Tôi biết anh Văn Quang từ dạo đó, vì có lần anh ghé đến vào một dịp như thế.  Cũng khi khác, tôi đi theo bạn mình đến căn nhà nhỏ trong một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, để nhắn cho anh vài tin tức gia đình cần thiết. Bạn tôi nói đây là phòng nhì của anh với một cô ca sĩ. Chuyện của người lớn, tuổi học sinh trung học đệ nhất cấp non choẹt bọn tôi, đâu để ý làm gì. Kể cả các quyển truyện của anh đã xuất bản hồi ấy, không hấp dẫn chúng tôi bằng các thứ khác.

Khi nhập ngũ năm 1969, phục vụ ngành CTCT/BTLKQ ở Căn cứ Tân Sơn Nhất, thỉnh thoảng đi sang công tác bên đài phát thanh Quân đội, có lần gặp anh bước ngang qua, tôi chào. Anh cũng mỉm cười giơ tay vẫy, nhưng không chắc anh còn nhớ.

Đến sau này, tôi mới có dịp nhắc kể với anh thời khoảng ngày cũ đó, anh cười.

                                                                *

Trước ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, mỗi một độ tuổi và ở nhiều môi trường sinh hoạt xã hội khác nhau,với từng giới hạn tất yếu, nên đều có những khoảng cách nhất định. Sau ngày này, do hoàn cảnh đưa đẩy, mới nẩy sinh những mối thân tình gần gũi, và những khoảng cách trước đây, không còn là vấn đề.

Từ chuyện riêng, tôi biết một điều khác liên quan đến anh Văn Quang. Hồi đó, gia đình vợ tôi cư ngụ tại cư xá kiến thiết Hàng Sanh trên đường Bạch Đằng, Gia Định. Thời gian chúng tôi chưa làm đám cưới năm 1970, tôi vẫn thường xuyên lui tới. Một lần, tôi nhìn thấy trên mặt buýp-phê, có mấy quyển truyệncủa anh Văn Quang. Hỏi cô em Bắc Kỳ nho nhỏ của tôi, được trả lời vừa mượn của cô bạn thân thiết, nhà ở đầu kia cùng dẫy E, để đọc lại. Bố mẹ cô bạn này, hai bác Vũ Công Uẩn, bạn hàng xóm với gia đình bố vợ tôi. Tôi cũng có dịp chào hỏi, thưa chuyện, sau ngày làm rể Hàng Sanh.

Bác gái là chị của chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, người vợ đầu tiên của anh Văn Quang. Bác trai Vũ Công Uẩn hồi làm việc ở Nha Chiến tranh Tâm lý Bộ Quốc Phòng (tiền thân của Cục Tâm lý chiến sau này), trở thành đồng sự với anh Văn Quang, khi anh từ Nha Trang thuyên chuyển về Ban Báo chí tại đây năm 1957. Bác là nhịp cầu cho cuộc tình, rồi sau thành gia thất, giữa ông nhà văn sĩ quan trẻ cùng đơn vị và cô em vợ, thiếu nữ Hà Nội, xuất thân trường Trưng Vương, yêu thích thơ văn.

Anh Văn Quang có thêm độc giả trung thành là cô cháu vợ tuổi mới lớn và cô bạn cùng xóm.

Khoảng bẩy năm sau, gia đình này đổ vỡ, dù đã có mấy mặt con, hẳn rằng do chất nghệ sĩ trong con người đào hoa của anh mà ra.

Sau ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, tôi đi tù cải tạo như những anh em khác còn kẹt lại, và qua nhiều trại từ trong Nam ra Bắc. Cuối năm 1978, tôi bị chuyển từ trại Phong Quang trên Lào Cai về trại Vĩnh Quang A, thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Thật bất ngờ, tôi được ở chung đội tù với anh Nguyễn Quang Hà, em anh Văn Quang. Chỉ sau một buổi tối đầu tiên chuyện trò ngờ ngợ, chúng tôi nhận ra thân quen ngay, vì từng gặp nhau ở nhà bạn tôi ngày nào. Từ đó, anh em tâm tình chia sẻ buồn vui bên nhau, nhiều năm tháng đời tù, cho đến khi được về.Và tôi biết anh Văn Quang đang ở một trại bên Tân Lập Phú Thọ, cũng thuộc Vĩnh Phú.

Vợ con anh Văn Quang đã vượt biên. Ngày ấy bà xã anh Hà tất bật xoay sở với cuộc mưu sinh khó khăn hàng ngày để lo cho các con. Hai anh còn người chị ở Sài Gòn, nhưng đã lớn tuổi, nên việc tiếp tế phải nhờ cậy bà con họ hàng ngoài quê cũ. Do vậy, thỉnh thoảng cứ vài tháng, một người cháu dưới quê Quỳnh Phụ (do ghép huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực lại) lên thăm nuôi tiếp tế cho hai anh, lần thì anh Hà trước, khi thì anh Văn Quang trước.

Đến năm 1980, lần đầu tiên tôi được gặp mặt gia đình từ Sài Gòn ra thăm nuôi. Trong khi hàn huyên đủ thứ chuyện trò suốt cả buổi ngoài khu tiếp đón khách của trại, vợ tôi nói ở Sài Gòn nghe đồn đại, anh Văn Quang đã qua đời trong trại tù cải tạo, không biết thời điểm nào. Thân nhân bên Hoa Kỳ đã lập bàn thờ để tưởng nhớ. Tôi kể về tình trạng của anh Văn Quang để bác bỏ điều không đúng này. Chiều vào trại, thuật lại với anh Hà, anh mỉm cười sau tiếng thở dài, giải thích lý do người vợ sau của anh Văn Quang đã đưa các con vượt biên, nên đâu còn có được sự thông tin liên lạc nào.

Khi ra tù gặp nhau, anh Văn Quang cười vui và bảo nhờ tôi, anh mới được xuống khỏi bàn thờ, chứ không còn phải ngồi trên đó mãi. Thỉnh thoảng trong cuộc gặp gỡ ở nơi chỗ có đông các thân hữu, anh luôn thân mật giới thiệu tôi là em của anh và không quên kể với mọi người chuyện ấy.

Tôi được anh thương mến, xem như đứa em giống như bạn tôi, người em con ông chú. Thêm nữa, anh biết tôi từng ở chung trại với anh Nguyễn Quang Hà, và cũng có sự gần gũi với những bạn hữu thân thiết của anh, là những hiền huynh của tôi, như các anh Hoàng Hải Thủy, Hoàng Song Liêm, Hồ Nam, Thế Phong, nên anh luôn dành cho nhiều ân cần. Bạn tôi từ Hoa Kỳ về thăm anh. Anh đã nhắc và cho biết tin tức của tôi để tìm gặp, nối lại liên lạc, sau nhiều năm chúng tôi xa cách, bặt tin nhau.

Tuy vậy tôi vẫn luôn giữ khoảng cách tôn trọng kính mến cần thiết.

Tiếp tục câu chuyện về anh. Ngày ra khỏi tù cải tạo, sau hơn mười hai năm lưu đầy, về lại Sài Gòn, nhà cửa, tài sản mất hết, hoàn toàn trắng tay. Gia đình vợ con ly tán. Thế nhưng anh không nao núng, vẫn bình thản đối diện với mọi thứ trước mặt. Và rồi đời anh bước dần sang một khúc quanh với nhiều bất ngờ.

Chỉ loay hoay một thời gian ngắn dọ dẫm cuộc sống, như một thử nghiệm, anh theo học các khóa về computer, do đã làm quen với bàn phím, con chuột trước đó qua cháu anh, con trai anh Nguyễn Quang Hà. Cháu này học hành rất giỏi, nhưng vì lý lịch của bố, nên không thể theo học thứ gì khác khi lên đại học, ngoài Khoa máy tính IBM, ít người để ý. Đã quá thuần thục việc sử dụng máy đánh chữ ngày trước, cộng thêm sự thông minh nhanh nhậy sẵn có, việc tiếp cận, rồi nắm vững các kỹ thuật và các ứng dụng liên quan đến computer, quá dễ dàng với anh. Con đường này đưa anh đến những thuận lợi sau đó.

Cùng lúc, để giải quyết cuộc mưu sinh, anh nhận viết những tiểu thuyết tâm lý tình cảm xã hội, không nằm ngoài sở trường của anh, theo sự đặt hàng của những người hồi đó gọi là lái sách. Chỉ một điều kiện duy nhất, dùng bút danh nào đó, không phải là Văn Quang quen thuộc. Lý do thật dễ hiểu.Tất cả mọi thứ việc còn lại liên quan đến giấy phép xuất bản, in ấn, phát hành, tiêu thụ, tác giả không phải bận tâm. Cũng giống như trường hợp của anh Hoàng Hải Thủy vậy. Các tay lái sách quá hiểu nhu cầu và thị hiếu của đông đảo bạn đọc nhiều thành phần hồi đó, phần lớn là các bà các cô, ngày ngày ngược xuôi quanh mọi khu chợ trời Sài Gòn hay ở tỉnh thành khắp nơi, chỉ thích tìm đọc loại tiểu thuyết có nội dung và cách hành văn của các nhà văn thời cũ, chứ không phải văn chương xã hội chủ nghĩa khô khan nhạt nhẽo, cứng ngắc. Về sau, các tiểu thuyết này được sửa chữa, in lại tại hải ngoại với bút danh thật của anh.

Được tiếp cận sớm với kỹ thuật computer, ngoài việc giúp anh thuận lợi trong việc sáng tác, phổ biến bài vở, liên lạc với bạn hữu hải ngoại, còn là nguồn thu kinh tế đáng kể. Anh là một trong những người đi đầu trong việc nhận trình bầy (layout) các trang sách, cung ứng cho kỹ thuật in ấn mới, bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam khi đó. Công việc liên tục không bao giờ thiếu. Anh còn dậy computer tại nhà, có lúc gần mười học viên theo học.

Mấy thứ việc này kéo dài được một thời gian, và rồi anh chỉ còn vui với sáng tác, viết lách.

Năm 2002, gom góp được một khoản tiền, cộng thêm sự trợ giúp của các con và bạn hữu hải ngoại, anh tạo dựng chỗ ở mới trên vùng đất Lộc Ninh, để mong an vui tuổi già, xa căn nhà chung cư bí bách, xa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt. Nơi đây tương đối đầy đủ điều kiện để anh sinh sống và làm việc. Nhưng vài năm sau, dù trong thâm tâm vẫn muốn gắn bó chốn quê lâu dài, anh cũng phải quay về căn nhà cũ còn giữ lại ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận Ba Sài Gòn. Tình trạng sức khỏe của anh, cần phải gần nơi chỗ cung ứng kịp thời các nhu cầu thuốc men và điều trị khi cần thiết. Chỗ anh ở trên vùng Lộc Ninh hẻo lánh xa xôi quá

Anh cứ trách tôi vì chưa có một lần nào lên đó để ngửi được mùi yên bình đồng quê, nhìn ngắm trăng đêm.

Còn trong chuyện tình ái, anh có tiếng là người bay bướm đào hoa, đầy chất nghệ sĩ tính, nên đường tình thật nhiều sắc mầu. Không tránh khỏi những sóng gió, cho đến đoạn cuối cuộc đời mới bằng phẳng, khác hẳn nhiều người bạn cùng thời với anh

Anh Hoàng Hải Thủy đùa vui khi gọi anh Văn Quang là thuyền trưởng hai tầu. Nhưng chắc cũng chưa chính xác lắm đâu. Trừ ra thời gian lao tù, dường như lúc nào bên anh cũng có bóng dáng phụ nữ.

Hai lần gia đình đổ vỡ, chia ly để lại trong anh nhiều điều sâu kín. Và những bóng hồng đi qua đời anh, có sôi nổi lẫn trầm lắng, có yên tĩnh lâu dài.

Hồi anh ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật sau khi đi tù về, có thời gian, tôi thấy sự hiện diện của chị Dạ Lan, người quá quen thuộc với anh em giầy saut áo trận khắp bốn Vùng Chiến thuật thời lửa đạn. Rồi không biết vì sao chị bỏ đi, khuất ẩn sau cánh cổng Chùa dưới vùng Hóc Môn.

Và chị Kim Ngân xuất hiện, hình như bắt đầu vào khoảng 1999. Tôi biết loáng thoáng chị rất thân thiết với chị Nguyễn Thị Thụy Vũ, và cũng trải qua sóng gió đời tình. Nhưng điều đó đâu thành vấn đề. Khi những người đã có tuổi, trải qua mọi thăng trầm, tìm đến với nhau, đồng cảm và hiểu biết; thật đúng nghĩa là những người bạn đồng hành, cùng đi nốt từng tháng năm cuộc đời còn lại, không còn nặng chuyện thân dục tầm thường. Anh Văn Quang và chị Kim Ngân gặp nhau, gắn bó trong tình quý mến yêu thương bạn hữu như thế.

Việc anh bỏ Lộc Ninh về lại Sài Gòn, ngoài tình trạng sức khỏe của anh, phần khác do chị Ngân cũng hay đau bệnh, việc thuốc men điều trị trên đó sợ sẽ gặp những khó khăn.

Chị Kim Ngân là người phụ nữ có mặt bên anh lâu dài nhất, suốt hơn hai mươi năm, và đến tận giây phút cuối cùng của anh.

Việc anh không sang Hoa Kỳ định cư, thuộc vấn đề cá nhân, nhưng cũng có sự bàn tán. Vì yêu mến anh cũng có, thích tọc mạch xăm soi cũng có. Lý do riêng, thật tế nhị của một người tự trọng, không cho phép anh nói ra. Anh chỉ tâm sự, chia sẻ trong giới hạn cần thiết để tìm sự cảm thông.

Anh nói với tôi, sau thời gian tù đầy dài đằng đẵng, khi được trả tự do, như mọi người, dĩ nhiên cũng nghĩ đến việc đi sang Mỹ. Chị Hiền, người vợ sau, đã đem theo ba con vượt biên thành công, đến được Hoa Kỳ, là người làm hồ sơ bảo lãnh anh. Tới gần ngày anh đi phỏng vấn, chị mới cho biết đã có gia đình mới. Anh liền xin chuyển hồ sơ từ chương trình ODP qua H.O. Viên chức phỏng vấn cho biết phải chờ đợi thêm thời gian, và vẫn giữ nguyên người bảo trợ. Anh suy nghĩ và quyết định ở lại, vì không muốn sự có mặt của mình sẽ tạo ra xáo trộn nào đó cho gia đình một người, ít ra cũng đã tình nghĩa bên nhau trước đây, thứ đến là các con của lần lập gia đình trước, đã theo chị Ngọc Dung sang Hoa Kỳ từ hồi 1972. Thêm nữa, anh tin rằng vẫn sống được tại Sài Gòn, nơi đã gắn bó và định danh tên tuổi anh qua những tác phẩm.Và anh sẽ tiếp tục viết, vì có sự thôi thúc mãnh liệt. Viết đối với anh cần thiết như hơi thở. Nhiều người bạn văn cùng thời với anh ra hải ngoại, hình như chữ nghĩa đã loãng và phai nhạt dần.

                                                                *

Đầu tháng 12/2006, tôi đến chào từ giã anh để lên đường đi Hoa Kỳ định cư. Anh chúc mừng và mong mọi sự tốt đẹp cho gia đình tôi nơi xứ người. Anh ân cần đưa cho tôi một ít các-vi-dít của anh, do chính anh thiết kế, dặn rằng cứ nói tôi là em của anh những khi cần thiết. Thật cảm động, tuy chưa bao giờ có lần nào như anh dặn, nhưng tôi vẫn còn giữ được vài tấm các-vi-dít này,để ghi nhớ mãi mãi sự thương mến anh đã dành cho. Anh còn đãi một chầu bún bò và cà phê dưới quán vỉa hè tầng trệt chung cư. Anh nói thật tiếc quá, đến cuối tháng, chị Ngọc Dung sẽ về Việt Nam chơi, có ông con trai lớn cùng về thăm bố. Anh chàng đã bốn mấy gần năm mươi mà chưa vợ con gì cả, hình như cũng chẳng thấy có tí tình nào vắt vai. Anh bảo tôi xông xáo giao thiệp nhiều chỗ, biết nhiều người, nếu còn ở lại, có thể giới thiệu cho con cậu cả của anh một cô nào chả chừng. Tôi nhớ mãi buổi chia tay anh hôm ấy. Ngày đó anh còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và rất minh mẫn.

Thời gian đầu khi mới sang tới Hoa Kỳ, biết tôi cũng có chút thân gần với anh Văn Quang, nhiều người đã hỏi về việc anh ở lại, thắc mắc chuyện viết bài gửi ra hải ngoại như không một ngại sợ của anh. Tôi trả lời theo những gì tôi biết. Còn chuyện viết lách của anh, tôi nói có thể chỉ là chưa đến lúc chính quyền Cộng sản đặt vấn đề. Và mấy năm sau đó, điều gì xẩy ra cho anh vì chuyện viết lách, gửi bài ra hải ngoại, hẳn mọi người đều biết.

Sau lần bị làm khó dễ ấy, anh còn tiếp tục viết thêm một thời gian nữa rồi ngưng hẳn, vì sức khỏe không còn cho phép. Và rồi mọi thứ kết thúc hoàn toàn khi anh nhắm mắt xuôi tay.

*

Trong cuộc sống có điều gì bắt đầu mà không đến lúc phải kết thúc. Đời người cũng vậy thôi, dù trải qua từng thời đọan, hoàn cảnh khác nhau,theo với năm tháng thời gian. Những gì còn lại của mỗi người như thế nào, tùy thuộc ở sự hiện diện của người ấy trước đó, nơi ngày tháng đời.

Đất Thái Bình có hai ông nhà văn suýt soát tuổi nhau, đều lẫy lừng đình đám làng văn xóm chữ Sài Gòn một thời: anh Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến, 1933 dân Quỳnh Côi và anh Duyên Anh Vũ Mộng Long, 1935 gốc Vũ Thư. Mỗi anh mỗi nét vẻ văn chương chữ nghĩa khác nhau. Nhưng lấy nhiều nước mắt của các bà các cô, có lẽ là anh Văn Quang.

Anh Duyên Anh đã gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người. Anh Văn Quang sống chết với Sài Gòn. Anh vừa đi khuất nẻo thời gian, nhưng mãi mãi hiện diện với muôn năm cũ Sài Gòn.

Thưa anh Văn Quang quý mến, nơi anh vừa đến, không biết chân trời có mầu tím hay một mầu nào khác. Nhưng chắc hẳn vẫn sẽ có những chuyện lẩm cẩm phải không anh. Anh nhớ ghi nhận và tiếp tục viết thêm những trang chữ nữa, để cho mọi người đọc khi có dịp nghe anh. Mọi người vẫn chờ đợi và không bao giờ quên được anh.Những trang chữ cũ của anh vẫn còn đó, làm nhân chứng cho một thời đất nước tươi đẹp, hạnh phúc, dẫu cho lửa đạn chiến tranh. Và cũng làm nhân chứng về những tháng ngày quê hương khổ hạnh, cay đắng trong nước mắt, sau ngày ba mươi tháng Tư năm 1975.

ngọctự

 (Richmond, Texas 18.3.2022)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ